Thụy My, RFI, 16/12/2020
Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,4% trong năm 2020. Đây là tỉ lệ tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới, trong khi tất cả các cường quốc đều lâm vào suy thoái vì đại dịch do con virus corona xuất phát từ Vũ Hán gây ra. AFP ngày 16/12/2020 trích dẫn nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ứng phó mạnh mẽ với dịch bệnh, xuất khẩu tăng cao và tài chính công lành mạnh, đó là công thức đã giúp Việt Nam giữ vững được nền kinh tế, tuy còn xa so với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến trước dịch là 6,8%.
Với không đầy 1.500 dương tính đa số từ người nhập cảnh và 35 trường hợp tử vong, dịch Covid đã được kềm chế nhờ có những biện pháp nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngay từ khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán, Việt Nam đã nhanh chóng cho cách ly hàng loạt, lập hệ thống theo dõi hết sức hiệu quả, kiểm soát chặt việc di chuyển. Sau ba tháng đóng cửa, hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường từ tháng Sáu.
Do nền kinh tế lệ thuộc vào các thị trường bên ngoài, Việt Nam bị thiệt hại vì nhu cầu trang phục và điện thoại thông minh từ Châu Âu và Nhật Bản giảm mạnh. Tuy nhiên nhờ đa dạng hóa xuất khẩu, hàng bán sang Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên, nhất là hàng điện tử (tăng 26%), trang bị nội thất (tăng 12%) vì nhu cầu tăng ở những quốc gia bị phong tỏa. Việt Nam cũng được lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều công ty chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam thay vì Trung Quốc để tránh bị Mỹ áp thuế.
Lãnh vực thiệt thòi nhất là du lịch, chẳng hạn ở Huế có đến 8.000 nhân viên bị mất việc và 80% khách sạn phải đóng cửa. Một chủ các khách sạn ở Hà Nội và vịnh Hạ Long thổ lộ với AFP, tuy đã từng sống sót qua dịch SARS và khủng hoảng tài chính 2009-2010, nhưng tình hình hiện nay là khó thể tưởng tượng.
Dù vậy so với nhiều nước láng giềng chẳng hạn Thái Lan, mà IMF dự báo sẽ sụt giảm 7,1%, kinh tế Việt Nam đã chống chọi khá tốt. Theo một giảng viên đại học Fulbright, chính quyền đã giúp giảm sốc qua việc bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, tạo thêm việc làm. Đầu tư công trong 11 tháng của năm 2020 đã tăng 34% so với năm ngoái.
Ông Adam McCarty, kinh tế trưởng của Mekong Economics nhận định, chiến thắng tương đối của Việt Nam trong năm nay sẽ trở thành lợi thế về lâu về dài. Một số công ty Nhật và tập đoàn Mỹ Apple đã có ý định chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam. Ông ghi nhận, cách xử lý dịch corona "đã gần như khiến Việt Nam trở nên nổi tiếng trên thế giới", và giúp những tập đoàn lớn có một cái nhìn khác về Việt Nam.
Thụy My
************************
Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 ?
VOA, 16/12/2020
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, và duy trì được đà tăng trưởng ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Kinh tế Việt Nam. EPA/Minh Hoang
JCER đưa ra hai kịch bản, kịch bản tiêu chuẩn, và kịch bản xấu hơn vì tác động của đại dịch mang lại hệ quả nghiêm trọng hơn, với Hoa Kỳ và Canada chịu tác động nặng nề nhất, cùng với Ấn Độ, Philippines và Indonesia, 3 nước có nhiều công dân làm việc ở nước ngoài, gửi tiền về nước để giúp người thân.
Kịch bản tiêu chuẩn đặt giả thuyết rằng trong 4 hoặc 5 năm nữa, các biến số kinh tế sẽ trở lại xu hướng được chứng kiến trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2029, và tới năm 2035, quy mô kinh tế của Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, có thể đạt 41,8 nghìn tỷ USD, chỉ thua một chút quy mô kinh tế của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại, đạt 42,3 nghìn tỷ USD.
Bài báo đăng tải trên trang mạng asia.nikkei vẽ ra một bức tranh màu hồng về nền kinh tế Việt Nam dựa trên nghiên cứu của JCER, theo đó Việt Nam có thể duy trì đà phát triển ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Vẫn theo JCER, "các điều kiện đó giúp đẩy nền kinh tế Việt Nam qua mặt Đài Loan vào năm 2035 về quy mô, và giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia.
Và theo đà này, Việt Nam có thể được công nhận là một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 11.000 USD vào năm 2035.
Đài Loan tuy là một trong các nền kinh tế thành công nhất trong cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19, nhưng đà tăng trưởng của đảo quốc này được dự kiến sẽ giảm 1% vào năm 2035 do dân số lão hóa.
Do tác động của đại dịch Covid-19, đà phát triển của nhiều nước sẽ chịu nhiều tổn thất trong năm 2020. Dù đại dịch quét qua hầu hết các nước trên toàn cầu, nhưng không phải nước nào cũng chịu tác động nặng nề ở cùng mức độ như nhau, JCER nói rằng những sự khác biệt mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, trong năm 2020, sẽ dẫn tới những khác biệt đáng kể về quy mô kinh tế của các nước khác nhau trong 15 năm tới.
Trong năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là duy trì đà tăng trưởng cộng hàng năm. Đà tăng trưởng của Ấn Độ có phần chắc sẽ giảm mạnh tới âm 10%, trong khi kinh tế Philippines sẽ co cụm hơn 8%. Hong Kong, Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế với tốc độ hơn 6%.
Theo phúc trình mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cập nhật ngày 8/10/2020, Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng là 6-7%. Ngân hàng Thế giới nói nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021.
(Nguồn : Nikkei, World Bank)
Virus corona : Việt Nam ban hành lệnh "cách ly toàn xã hội" (RFI, 31/03/2020)
Ngày 31/03/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị yêu cầu "cách ly toàn xã hội" trên toàn quốc kể từ 0 giờ ngày 01/04, trong nỗ lực nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở trung tâm Hà Nội vắng bóng người vì dịch COVID-19, ngày 27/03/2020. Reuters - KHAM
Theo chỉ thị của ông Nguyễn Xuân Phúc, được đăng trên Báo điện tử chính phủ Việt Nam, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Tuy nhiên, theo lời bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước như một số quốc gia đang làm.
Lãnh đạo chính phủ Việt Nam còn yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết hoặc đi làm, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã bắt đầu xử phạt những người ra đường không đeo khẩu trang. Chẳng hạn như tại Sài Gòn, không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Tính đến ngày 31/03, tổng số ca lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là 207 người, với ca thứ 204 là một bé trai 10 tuổi tại quận 2, Sài Gòn, từ Thổ Nhĩ Kỳ về trên cùng chuyến bay ngày 14/03 với bệnh nhân thứ 83, một phụ nữ người Mỹ sống tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa ra thông báo quyết định tạm ừng hoạt động qua lại biên giới với hai nước láng giềng Cam Bốt và Lào kể từ ngày 01/04 trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19.
Cũng để nhằm ứng phó với dịch virus corona, hãng xe hơi Nhật Toyota đã tạm ngưng sản xuất xe hơi tại Việt Nam kể từ hôm 30/03, theo tin của Thông tấn xã Việt Nam. Trước đó, Ford là hãng xe đầu tiên tuyên bố dừng sản xuất tại Việt Nam.
Thanh Phương
********************
Ngân Hàng Thế Giới : Tăng trưởng Việt Nam năm 2020 có thể đạt tỷ lệ 4,9% (RFI, 31/03/2020)
Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc rồi lan rộng trên thế giới sẽ tác hại mạnh mẽ đến triển vọng tăng trưởng các nước. Trong bản báo cáo công bố ngày 30/03/2020 cập nhật tình hình kinh tế vùng Đông Á-Thái Bình Dương "thời Covid-19", Ngân hàng Thế giới đã giảm đáng kể dự báo tăng trưởng trong khu vực, với Việt Nam chỉ đạt 4,9% trong lúc Trung Quốc có nguy cơ tụt hẳn xuống mức 0,1%.
Một trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh, VIệt Nam, phải đóng cửa vì dịch Covid-19, ngày 28/03/2020. Reuters - Yen Duong
Theo Ngân hàng Thế giới, trong môi trường thay đổi nhanh chóng do dịch bệnh khó lường, dự báo tăng trưởng chính xác là một công việc rất khó. Trên cơ sở đó, định chế quốc tế này đã cập nhật tình hình theo hai kịch bản : Kịch bản cơ sở và kịch bản cho tình huống xấu hơn.
Nhìn chung, tăng trưởng bình quân vào năm 2020 ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm còn 2,1% theo kịch bản cơ sở, và xuống mức -0,5%, theo kịch bản xấu. Cả hai mức này đều giảm mạnh so với dự báo 5,8% đưa ra vào năm 2019.
Đối với Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới dự báo một mức tăng trưởng 4,9% trong năm 2020, giảm đến 1,6 điểm so với dự báo trước lúc đại dịch Covid-19 bùng nổ. Dự báo này căn cứ vào việc tình hình dịch bệnh ở Việt Nam tính đến tháng 03 không đến nỗi nghiêm trọng.
Mức giảm trong tăng trưởng đến từ việc hai ngành du lịch và công nghiệp gia công, nhất là dệt may, bị tác hại nặng nề của dịch bệnh.
Qua năm 2021, tăng trưởng của Việt Nam được dự trù tăng vọt trở lại với tỷ lệ 7,5%, trước khi ổn định ở mức 6,5% trong năm 2022.
Tăng trưởng Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ đạt 0,1%
Liên quan đến Trung Quốc, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 theo kịch bản cơ sở sẽ là 2,3%, còn theo kịch bản xấu sẽ chỉ còn vỏn vẹn 0,1% vào năm 2020. Dự báo mà Ngân hàng Thế giới đưa ra về Trung Quốc trước lúc dịch Covid-19 bùng lên là 6,1%.
********************
Dịch bệnh làm Hà Nội lao đao vì thất thu ngân sách (Người Việt, 30/03/2020)
Dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay làm hoạt động sản xuất trong nước chững lại, chế độ Hà Nội thất thu thuế khắp nơi, đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng ngân sách.
Một phụ nữ gánh hàng bán rong đi kiếm ăn lẻ loi trên đường phố Hà Nội cửa đóng then cài vì dịch Covid-19 ngày 27/3/2020. (Hình : NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)
Hôm Thứ Hai 30/3, tờ Tiền Phong thuật lời ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho hay, Tập đoàn Dầu khí quốc doanh (PVN) báo cáo tại cuộc họp "Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương" trong tuần qua nói "nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng kéo dài, doanh thu từ bán dầu thô của PVN chỉ còn 2,36 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1.594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD".
Nói khác, ngân sách nhà nước Việt Nam sẽ hụt thu mất một nửa từ phần tiền đóng góp của ngành dầu khí quốc doanh. Ba ngày trước đó, báo mạng VnExpress hôm 27/3 thuật lời báo cáo của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn cho biết "nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội quý I sụt giảm". Trong đó "Covid-19 kéo dài ảnh hưởng lớn đến kinh tế, mỗi ngày thành phố thu ngân sách 899 tỷ đồng – giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và 55% kế hoạch đề ra".
Nền kinh tế của thành phố Sài Gòn là con bò sữa nuôi guồng máy đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, có số thuế thu cho ngân sách nhà nước "cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ". Khi cái đầu tàu này kêu rên như vừa kể, chế độ Hà Nội sẽ vất vả nhiều khi thấy quan chức của chế độ tại Sài Gòn báo cáo "hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể – tăng 37,6% so với cùng kỳ"
Nhìn trên bình diện cả nước, báo Đấu Thầu – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và đầu tư – ngày 20/3/2020 dựa trên báo cáo của Tổng cục Thuế, viết rằng "dịch Covid-19 và quy định về hạn chế tác hại của rượu, bia có thể khiến ngân sách nhà nước hụt thu (thuế) khoảng 30.000 tỷ đồng". Đồng thời, "Tổng cục Hải quan cho biết, nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỷ đồng, thì 2 tháng đầu năm nay chỉ thu được khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày".
"Nhiều địa phương trên cả nước cho biết đang gặp khó khăn về thu ngân sách nhà nước do tác động của dịch Covid-19. Nguyên nhân giảm thu ngân sách nhà nước chủ yếu do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu chững lại và một phần chịu tác động từ giá dầu sụt giảm", báo Đầu Thầu viết.
Báo Đầu Thầu phỏng vấn ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và tài chính thuộc Học viện Tài chính được thấy ông ta cho rằng, dù chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá về mức tác động của dịch Covid-19 đến thu ngân sách nhà nước năm 2020 nhưng có thể thấy rõ là sẽ rất khó khăn.
"Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang vô cùng chật vật nên nguồn thu từ các doanh nghiệp chắc chắn èo uột. Đồng thời, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (đang được lấy ý kiến) cũng sẽ làm nguồn tiền về ngân sách chậm hơn", ông Độ nói.
Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics – cho rằng với tình hình dịch bệnh như hiện nay ảnh hưởng trên cả mọi mặt xã hội, tăng trưởng của Việt Nam chỉ được khoảng 5,2%, theo cuộc phỏng vấn của tờ Trí Thức Trẻ. Quốc hội trong phiên họp cuối năm ngoái đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 tới 6,8%.
Bộ Tài chính ngày 16/12/2019 công bố "Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020" liệt kê ra tổng thu ngân sách dự trù là 1.512.300 ngàn tỉ đồng trong khi dự chi lên tới 1.747.100 ngàn tỉ đồng, tức là bội chi 234.800 ngàn tỉ đồng (3,44%). Nay với "khó khăn thu ngân sách" khắp nơi, mọi ngành, người ta chưa biết chế độ Hà Nội làm thế nào đối phó với mức thâm thủng ngày càng trầm trọng. (TN)