Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/03/2020

Cách ly toàn xã hội ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng năm 2020

Tổng hợp

Virus corona : Việt Nam ban hành lệnh "cách ly toàn xã hội" (RFI, 31/03/2020)

Ngày 31/03/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị yêu cầu "cách ly toàn xã hội" trên toàn quốc kể từ 0 giờ ngày 01/04, trong nỗ lực nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.

cachly1

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở trung tâm Hà Nội vắng bóng người vì dịch COVID-19, ngày 27/03/2020. Reuters - KHAM

Theo chỉ thị của ông Nguyễn Xuân Phúc, được đăng trên Báo điện tử chính phủ Việt Nam, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

Tuy nhiên, theo lời bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước như một số quốc gia đang làm.

Lãnh đạo chính phủ Việt Nam còn yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết hoặc đi làm, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã bắt đầu xử phạt những người ra đường không đeo khẩu trang. Chẳng hạn như tại Sài Gòn, không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.

Tính đến ngày 31/03, tổng số ca lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là 207 người, với ca thứ 204 là một bé trai 10 tuổi tại quận 2, Sài Gòn, từ Thổ Nhĩ Kỳ về trên cùng chuyến bay ngày 14/03 với bệnh nhân thứ 83, một phụ nữ người Mỹ sống tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa ra thông báo quyết định tạm ừng hoạt động qua lại biên giới với hai nước láng giềng Cam Bốt và Lào kể từ ngày 01/04 trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19.

Cũng để nhằm ứng phó với dịch virus corona, hãng xe hơi Nhật Toyota đã tạm ngưng sản xuất xe hơi tại Việt Nam kể từ hôm 30/03, theo tin của Thông tấn xã Việt Nam. Trước đó, Ford là hãng xe đầu tiên tuyên bố dừng sản xuất tại Việt Nam.

Thanh Phương

********************

Ngân Hàng Thế Giới : Tăng trưởng Việt Nam năm 2020 có thể đạt tỷ lệ 4,9% (RFI, 31/03/2020)

Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc rồi lan rộng trên thế giới sẽ tác hại mạnh mẽ đến triển vọng tăng trưởng các nước. Trong bản báo cáo công bố ngày 30/03/2020 cập nhật tình hình kinh tế vùng Đông Á-Thái Bình Dương "thời Covid-19", Ngân hàng Thế giới đã giảm đáng kể dự báo tăng trưởng trong khu vực, với Việt Nam chỉ đạt 4,9% trong lúc Trung Quốc có nguy cơ tụt hẳn xuống mức 0,1%.

cachly2

Một trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh, VIệt Nam, phải đóng cửa vì dịch Covid-19, ngày 28/03/2020. Reuters - Yen Duong

Theo Ngân hàng Thế giới, trong môi trường thay đổi nhanh chóng do dịch bệnh khó lường, dự báo tăng trưởng chính xác là một công việc rất khó. Trên cơ sở đó, định chế quốc tế này đã cập nhật tình hình theo hai kịch bản : Kịch bản cơ sở và kịch bản cho tình huống xấu hơn.

Nhìn chung, tăng trưởng bình quân vào năm 2020 ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm còn 2,1% theo kịch bản cơ sở, và xuống mức -0,5%, theo kịch bản xấu. Cả hai mức này đều giảm mạnh so với dự báo 5,8% đưa ra vào năm 2019.

Đối với Việt Nam, Ngân Hàng Thế Giới dự báo một mức tăng trưởng 4,9% trong năm 2020, giảm đến 1,6 điểm so với dự báo trước lúc đại dịch Covid-19 bùng nổ. Dự báo này căn cứ vào việc tình hình dịch bệnh ở Việt Nam tính đến tháng 03 không đến nỗi nghiêm trọng.

Mức giảm trong tăng trưởng đến từ việc hai ngành du lịch và công nghiệp gia công, nhất là dệt may, bị tác hại nặng nề của dịch bệnh.

Qua năm 2021, tăng trưởng của Việt Nam được dự trù tăng vọt trở lại với tỷ lệ 7,5%, trước khi ổn định ở mức 6,5% trong năm 2022.

Tăng trưởng Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ đạt 0,1%

Liên quan đến Trung Quốc, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 theo kịch bản cơ sở sẽ là 2,3%, còn theo kịch bản xấu sẽ chỉ còn vỏn vẹn 0,1% vào năm 2020. Dự báo mà Ngân hàng Thế giới đưa ra về Trung Quốc trước lúc dịch Covid-19 bùng lên là 6,1%.

********************

Dịch bệnh làm Hà Nội lao đao vì thất thu ngân sách (Người Việt, 30/03/2020)

Dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay làm hoạt động sản xuất trong nước chững lại, chế độ Hà Nội thất thu thuế khắp nơi, đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng ngân sách.

cachly3

Một phụ nữ gánh hàng bán rong đi kiếm ăn lẻ loi trên đường phố Hà Nội cửa đóng then cài vì dịch Covid-19 ngày 27/3/2020. (Hình : NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Hôm Thứ Hai 30/3, tờ Tiền Phong thuật lời ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho hay, Tập đoàn Dầu khí quốc doanh (PVN) báo cáo tại cuộc họp "Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương" trong tuần qua nói "nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng kéo dài, doanh thu từ bán dầu thô của PVN chỉ còn 2,36 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1.594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD".

Nói khác, ngân sách nhà nước Việt Nam sẽ hụt thu mất một nửa từ phần tiền đóng góp của ngành dầu khí quốc doanh. Ba ngày trước đó, báo mạng VnExpress hôm 27/3 thuật lời báo cáo của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn cho biết "nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội quý I sụt giảm". Trong đó "Covid-19 kéo dài ảnh hưởng lớn đến kinh tế, mỗi ngày thành phố thu ngân sách 899 tỷ đồng – giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và 55% kế hoạch đề ra".

Nền kinh tế của thành phố Sài Gòn là con bò sữa nuôi guồng máy đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, có số thuế thu cho ngân sách nhà nước "cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ". Khi cái đầu tàu này kêu rên như vừa kể, chế độ Hà Nội sẽ vất vả nhiều khi thấy quan chức của chế độ tại Sài Gòn báo cáo "hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể – tăng 37,6% so với cùng kỳ"

Nhìn trên bình diện cả nước, báo Đấu Thầu – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và đầu tư – ngày 20/3/2020 dựa trên báo cáo của Tổng cục Thuế, viết rằng "dịch Covid-19 và quy định về hạn chế tác hại của rượu, bia có thể khiến ngân sách nhà nước hụt thu (thuế) khoảng 30.000 tỷ đồng". Đồng thời, "Tổng cục Hải quan cho biết, nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỷ đồng, thì 2 tháng đầu năm nay chỉ thu được khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày".

"Nhiều địa phương trên cả nước cho biết đang gặp khó khăn về thu ngân sách nhà nước do tác động của dịch Covid-19. Nguyên nhân giảm thu ngân sách nhà nước chủ yếu do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu chững lại và một phần chịu tác động từ giá dầu sụt giảm", báo Đầu Thầu viết.

Báo Đầu Thầu phỏng vấn ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và tài chính thuộc Học viện Tài chính được thấy ông ta cho rằng, dù chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá về mức tác động của dịch Covid-19 đến thu ngân sách nhà nước năm 2020 nhưng có thể thấy rõ là sẽ rất khó khăn.

"Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang vô cùng chật vật nên nguồn thu từ các doanh nghiệp chắc chắn èo uột. Đồng thời, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (đang được lấy ý kiến) cũng sẽ làm nguồn tiền về ngân sách chậm hơn", ông Độ nói.

Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics – cho rằng với tình hình dịch bệnh như hiện nay ảnh hưởng trên cả mọi mặt xã hội, tăng trưởng của Việt Nam chỉ được khoảng 5,2%, theo cuộc phỏng vấn của tờ Trí Thức Trẻ. Quốc hội trong phiên họp cuối năm ngoái đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 tới 6,8%.

Bộ Tài chính ngày 16/12/2019 công bố "Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020" liệt kê ra tổng thu ngân sách dự trù là 1.512.300 ngàn tỉ đồng trong khi dự chi lên tới 1.747.100 ngàn tỉ đồng, tức là bội chi 234.800 ngàn tỉ đồng (3,44%). Nay với "khó khăn thu ngân sách" khắp nơi, mọi ngành, người ta chưa biết chế độ Hà Nội làm thế nào đối phó với mức thâm thủng ngày càng trầm trọng. (TN)

Quay lại trang chủ
Read 478 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)