Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/03/2020

Đổ trộm chất thải, siết chặt ngôn luận, đàn áp nhân quyền

RFA tiếng Việt

Hà Tĩnh : Chính quyền đổ trộm chất thải của nhà máy Formosa vào khu dân cư, dân chúng phản ứng dữ dội (RFA, 29/03/2020)

Đêm 28/3/2020. Người dân xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh đã bắt quả tang nhiều xe vận tải vận chuyển chất thải độc từ Formosa Kỳ Anh về khu dân cư thuộc Xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh để làm bệnh viện.

vn1

Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang xe tải BS: 98C-020.20 đổ trộm rác thải từ Khu công nghiệp Formosa ra môi trường - Ảnh : Nguyên Dũng

Trước đó, cứ đêm đêm, hàng loạt xe tải cỡ lớn đã bịt kín chở chất thải từ Formosa đổ vào khu đất của dự án bệnh viện Quốc tế TTH tại xã Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh. Đến nay, việc san lấp đã được một khối lượng lớn.

Việc thi công đổ chất thải thường xuyên được làm vào ban đêm, nhằm che giấu người dân.

Lợi dụng việc dịch cúm đang lan tràn khắp nơi, chính quyền Hà Tĩnh đã cấm người dân tụ tập đông người, tự ý cách ly những người bất kể có nhiễm virus hay không, nếu đi từ Hà Nội hoặc Sài Gòn về Hà Tĩnh đều phải bị cách ly.

Mấy ngày gần đây, chinh quyền Thạch Trung cho xe gắn loa kêu gọi người dân không ra khỏi nhà, không tập trung quá 10 người. Đồng thời cho doanh nghiệp chở chất thải độc đổ vào khu dân cư để san nền.

Nhưng đêm nay, 28/3/2020, người dân đã cảnh giác và bắt quả tang việc đổ trộm chất thải độc Formosa vào đây với những chuyến xe còn nguyên chất thải.

Chính quyền lập tức ra trấn an người dân và yêu cầu người dân giải tán. Nhưng người dân kiên quyết yêu cầu việc xúc và di chuyển số lượng chất thải độc từ Formosa đi nơi khác.

Sự việc đang hết sức căng thẳng gây bức xúc cho người dân. Do vậy người dân từ các xóm khác nhau đang đổ về đây để phản đối.

Việc chuyển chất thải nhiễm độc từ Formosa đổ vào khu dân cư là hành động hết sức phản động của chính quyền, điều này gây hại lâu dài cho cuốc sống người dân. Bởi người dân ở đây sẽ được hưởng nguồn nước ngầm từ chất thải này ngấm dần ra hủy diệt chính họ và các thế hệ con cháu sau này.

Vì vậy, dù người dân nơi đây rất hiền lành cũng phải phản ứng dữ dội.

Còn nhớ, cũng tại đây, vào ngày 1/10/2017, chính quyền xã Thạch Trung đã âm thầm cho người đào chân đê để chôn các loại hải sản nhiễm độc vào chân đê và bị người dân bắt tại chỗ, buộc phải di chuyển đi nơi khác trong sự phản đối gay gắt, dữ dội của người dân địa phương.

Thạch Trung là địa phương có Tòa Giám mục Hà Tĩnh, nơi có số dân cả chục ngàn người, riêng Giáo xứ Văn Hạnh có gần 5.000 giáo dân. Đây là nơi cuối cùng của hệ thống nước thải Thành phố đổ về làm ô nhiễm hoàn toàn các cánh đồng và dòng sông tại đây.

Nguồn nước thải của Thành phố Hà Tĩnh từ các bệnh viện, các cơ quan, xí nghiệp và nhà máy không hề qua xử lý đã đổ thẳng về nơi này rồi qua cống đổ ra sông Cày.

Cách đồng Đập Hầu và các cánh đồng xung quanh đã hầu như không có thể sử dụng vì bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước ở đây đầy hóa chất và chất bẩn đến mức ai chạm vào lập tức mẩn ngứa. Dòng sông Cày chảy qua đó xuống các xã hạ lưu đã bị ô nhiễm đến mức khủng khiếp.

Dòng sông này vốn trong xanh là nơi người dân thường sử dụng để tắm, để khai thác các nguồn hải sản, nay trở thành dòng sông chứa đầy chất thải độc.

Những năm gần đây, số người bị ung thư ở các làng, xóm thuộc xã Thạch Trung đã tăng lên đến chóng mặt. Nhiều cái chết rất trẻ, nhiều người, nhiều gia đình đang bị các chứng ung thư đe dọa là chuyện rất bình thường tại đây.

Thế nhưng, chính quyền địa phương không hề có bất cứ một phản ứng nào trước việc nhà cầm quyền không xử lý nước thải lại đổ về địa phương mình.

Đã vậy, việc xây mới bệnh viện trên khu vực xã, càng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường sống, đe dọa người dân tại đây hiện tại và lâu dài.

Bệnh viện Quốc tế TTH do Công ty cổ phần TTH Hà Tĩnh đầu tư với dự án 800 tỷ đồng, chiếm trên diện tích 4,31 hecta tại xã Thạch Trung được khởi công ngày 20/4/2020 tại đây với sự có mặt của Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị.

Việc dùng chất thải độc hại từ Formosa để san nền xây dựng bệnh viện đã là một việc hết sức phản cảm và phản khoa học, bị người dân phản đối.

Nhưng vì hiện nay, nguồn chất thải từ Formosa đã chất cao như núi và không có chỗ để chôn lấp với hàng triệu mét khối tập trung tại nhà máy. Do vậy, nhà cầm quyền đã tìm nhiều cách âm thầm, lén lút để di chuyển số chất thải độc hại này vào những nơi có thể được.

Cho đến giờ này, gần nửa đêm, bất chấp dịch bệnh, người dân vẫn tập trung đông đảo, yêu cầu chính quyền buộc cơ sở này chuyển hết tất cả chất thải ra khỏi khu vực dân cư.

Chính quyền đang hết sức lúng túng, hứa hẹn để xoa dịu sự phẫn uất của người dân tại đây.

JB Nguyễn Hữu Vinh

*****************

Trong thời dịch bệnh, Facebook siết chặt ngôn luận ở Việt Nam như công an (RFA, 28/03/2020)

Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3/2020, Facebook nhiều lần được nhắc tên trên báo chí về những việc ngăn cản ngôn luận đầy khó hiểu, đặc biệt liên quan đến vấn đề dịch bệnh Coronavirus.

vn2

Facebook - Hình minh họa. AFP

Tờ The Verge, giữa tháng 3, có nhắc đến chuyện này. Tờ báo nói Facebook liên tục đánh dấu một số bài đăng, dẫn đường liên kết (link) đến thông tin và bài viết về coronavirus và Covid-19 là thư rác, hoặc coi là tin giả hoặc vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, theo quan sát của một phóng viên Verge và nhiều người dùng trên Twitter.

Tuy nhiên, khi chuyện lớn lên, thì ông Guy Rosen, Phó chủ tịch liêm chính của Facebook (Facebook’s vice president of integrity) nói là vấn đề này là do lỗi của công cụ lọc trong hệ thống chống thư rác. Ông Rosen cũng cho biết công ty bắt đầu tiến hành khắc phục ngay khi phát hiện ra vấn đề.

Tuy nhiên đây không phải là chuyện nhầm lẫn mang tính đơn lẻ. Dường như Facebook đang nhân cơ hội đợt dịch bệnh trên toàn cầu và áp dụng các biện pháp lọc, duyệt tin tức dựa trên các công cụ AI – trí thông minh nhân tạo – để có thể phác thảo ra các không gian ngôn ngữ, vùng địa phương – mà các thuật toán của Facebook có thể kiếm soát được khuynh hướng các nguồn tin mà minh muốn.

Nói một cách nào khác, thì Facebook đang tạo dựng ra một ban tuyên giáo của mình, hoạt động theo thời sự và kiểm soát theo ý mình, hoặc hợp tác kiểm soát theo ý một nhà nước, nhóm người nào đó.

Thời cơ là vấn đề quan trọng. Và biết tận dụng thời cơ, thì mọi thứ đều có hình ảnh tốt đẹp của nó. Giống như kiểu Bắc Kinh đẩy mạnh các công cụ nhận dạng công dân để kiểm soát bằng hệ thống camera AI trong thời dịch bệnh. Khi Bắc Kinh rằng đây là cách để tracking – theo dấu các người nhiễm bệnh thì không ai có thể bắt bẻ gì. Nhưng cũng chính hệ thống này ở ngày thường, đã bị vô số lòi chỉ trích về vấn đề nhân quyền.

Các tờ như Business Insider hay Guardian cũng có đưa các tin tức về việc công ty Facebook "rà soát" chặt chẽ các nguồn tin về dịch bệnh để chống tin giả, nhưng hầu hết các tờ báo lớn và uy tín trên thế giới cũng bị đưa vào diện spam và người đăng lại bài cũng có thể bị khóa trang của mình một thời gian.

Ông Rosen cho biết Facebook đã giải quyết vấn đề và khôi phục các bài đăng bị ảnh hưởng. "Chúng tôi đã khôi phục tất cả các bài đăng bị xóa không chính xác, bao gồm các bài đăng về tất cả các chủ đề - không chỉ những bài liên quan đến Covid-19", Rosen giải thích. Theo Facebook, vấn đề là do một công cụ kiểm duyệt tự động và không liên quan đến bất kỳ quan điểm riêng hay chủ trương nào từ phía người điều hành.

Nhưng ở Việt Nam thì không phải vậy. Không phải người nào bị Facebook khóa hay xóa bài vô lý cũng được phục hồi một cách công bằng. Hơn như vậy, những người bị xóa bài và khóa bài… trở thành một danh sách dài của các người dùng mạng xã hội bị công an Việt Nam tìm tới sách nhiễu, hăm dọa, và cả phạt tiền.

Những điều đó khiến giới quan sát hoạt động của Facebook tại Việt Nam trở nên tò mò hơn. Ngoài những danh sách bị Facebook trừng phạt ở màn một, sau đó họ còn bị công an Việt Nam đến nhà, gửi giấy triệu tập là màn hai của vở kịch mờ ảo này.

Nhiều cây bút trên Facebook do thận trọng hơn,lách né tốt hơn trong từng câu chữ và sự kiện nên không thể bắt bẻ, cũng lên tiếng nói rằng dường như họ bị một thuật toán nào đó của Facebook nên bài viết của họ giống như bị che đi (hide) trên dòng timeline, ít người nhìn thấy hay đọc được. Thậm chí có những người luôn có những lượng view và like ổn định từ 500 đến 1000 ở mỗi bài, đã nhận ra sự khác thường khi liên tục giảm số người biết và đọc bài của họ trong một thời gian.

Cuối tháng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao thuộc Bộ Công an Việt Nam báo công cho biết họ đã có hồ sơ đầy đủ những người trên mạng Facebook bị gọi là đưa tin ngoài luồng, khác với tin tức của Bộ Y tế và Ban tuyên giáo Việt Nam muốn. Cục này nói đã có hơn 300 trên gần 700 trường hợp bị cho đưa tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội trong 2 tháng qua đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Đại diện Cục An ninh mạng cho biết như trên vào ngày 26/3 và được truyền thông trong nước loan tin cùng ngày. Theo thống kê của Cục An ninh mạng thì từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900 ngàn thông tin liên quan đến dịch bệnh được đăng tải. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong một phát biểu hồi đầu tháng 2/2020 cũng đã ca ngợi Facebook và Google luôn hợp tác chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các đối tượng xấu, theo quan điểm nhà nước.

Cũng giống như Trung Quốc đang gia tăng kiếm soát công dân bằng kỹ thuật số, người ta đang tự hỏi Facebook đang làm gì, đóng vai trò nào trong việc xiết chặt ngôn luận tự do ở Việt Nam của Nhà nước Việt Nam.

Tuấn Khanh

*********************

Covid-19 : Các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại lạm dụng "tình trạng khẩn cấp" để đàn áp nhân quyền (RFA, 28/03/2020)

Liên minh Các Tổ chức Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, với 9.000 thành viên trên toàn thế giới nói rằng : "Trong đại dịch Covid-19, các chính phủ không nên coi các biện pháp khẩn cấp là cái cớ để hạn chế quyền công dân".

vn3

Hình minh họa. Công an đứng canh tại một điểm kiểm soát ngoiaf xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 13/2/2020 -AFP

Tuyên bốđược đưa ra vào hôm 24/3, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng lạm dụng các biện pháp khẩn cấp được gia tăng ở một số quốc gia độc tài toàn trị trong quá trình phong tỏa và cưỡng bức cách ly nhằm phòng chống sự lây lan của virus Corona.

"Ban bố về tình trạng khẩn cấp vì lý do sức khỏe và an ninh phải được thực hiện phù hợp với luật pháp : các quốc gia không nên áp dụng luật khẩn cấp như một cái cớ để hạn chế quyền công dân và nhắm vào các nhóm, dân tộc thiểu số và cá nhân cụ thể. Không nên áp dụng luật khẩn cấp để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền", CIVICUS khuyến cáo.

Theo tổ chức này cho biết, tại Trung Quốc, các nhà hoạt động đã bị quấy rối và đe dọa vì chia sẻ thông tin về dịch bệnh trong khi báo chí lại bị kiểm duyệt. Ở các quốc gia Châu Á khác, luật pháp đàn áp đang được triển khai để bắt giữ những người được cho là tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh.

Tuyên bố đã nhắc đến Việt Nam như là một quốc gia "cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng chống dịch bệnh Covid-19" và yêu cầu "phóng thích các tù nhân chính trị, các nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ" nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nhà tù.

"Một số tù nhân trong nhà tù Iran đã nhiễm virus. Trong khi chúng tôi khen ngợi chính quyền Iran đã tạm thời thả 85.000 tù nhân, những người bảo vệ nhân quyền - bảo vệ nữ quyền và quyền trẻ vị thành niên - cũng nên được thả ra. Các quốc gia khác đã và đang giam giữ những người bảo vệ nhân quyền và đối lập chính trị, như Ai Cập, Việt Nam và Cameroon, cũng nên làm theo", CIVICUS kêu gọi.

Liên Hợp Quốc nêu quan ngại tương tự

Hôm 25/3, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng ra lời kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ những người đang bị giam giữ trước sự lây nhiễm bệnh dịch đang lan tràn trong các nhà tù.

Cao Ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cho biết, Covid-19 đã bắt đầu tấn công các nhà tù bởi các cơ sở giam giữ quá đông đúc, điều kiện mất vệ sinh và các dịch vụ y tế không đầy đủ hoặc thậm chí không được cung cấp.

"Ngay lúc này, hơn bao giờ hết, các chính phủ nên thả những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, bao gồm các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm phê phán hoặc bất đồng", người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ nhấn mạnh.

Trước đó vào hôm 16/3, hơn 20 chuyên gia nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc cũng khuyến cáo các quốc gia tránh lạm dụng tình trạng khẩn cấp để đàn áp nhân quyền và dập tắt bất đồng chính kiến.

Theo các chuyên gia, mặc dù nhận thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch, và thừa nhận việc các quốc gia được phép sử dụng quyền hạn khẩn cấp theo luật pháp quốc tế, nhưng mọi ứng phó khẩn cấp trong dịch bệnh cần phải tương xứng, cần thiết và không phân biệt đối xử.

"Các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của quốc gia không nên sử dụng như một vỏ bọc cho hành động đàn áp dưới chiêu bài bảo vệ sức khỏe và dùng để để bịt miệng công việc của những người bảo vệ nhân quyền", các chuyên gia nhân quyền LHQ nói.

Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng quyền hạn khẩn cấp của quốc gia cần được tuyên bố công khai và phải thông báo cho các Ủy ban Công ước LHQ biết để giám sát thực thi, khi các quyền cơ bản như quyền tự do đi lại, đời sống gia đình và tự do hội họp bị hạn chế đáng kể.

Minh Luật

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, JB Nguyễn Hữu Vinh, Tuấn Khanh, Minh Luật
Read 647 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)