2020 : Việt Nam, một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới
Thụy My, RFI, 16/12/2020
Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,4% trong năm 2020. Đây là tỉ lệ tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới, trong khi tất cả các cường quốc đều lâm vào suy thoái vì đại dịch do con virus corona xuất phát từ Vũ Hán gây ra. AFP ngày 16/12/2020 trích dẫn nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ứng phó mạnh mẽ với dịch bệnh, xuất khẩu tăng cao và tài chính công lành mạnh, đó là công thức đã giúp Việt Nam giữ vững được nền kinh tế, tuy còn xa so với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến trước dịch là 6,8%.
Với không đầy 1.500 dương tính đa số từ người nhập cảnh và 35 trường hợp tử vong, dịch Covid đã được kềm chế nhờ có những biện pháp nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngay từ khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán, Việt Nam đã nhanh chóng cho cách ly hàng loạt, lập hệ thống theo dõi hết sức hiệu quả, kiểm soát chặt việc di chuyển. Sau ba tháng đóng cửa, hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường từ tháng Sáu.
Do nền kinh tế lệ thuộc vào các thị trường bên ngoài, Việt Nam bị thiệt hại vì nhu cầu trang phục và điện thoại thông minh từ Châu Âu và Nhật Bản giảm mạnh. Tuy nhiên nhờ đa dạng hóa xuất khẩu, hàng bán sang Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên, nhất là hàng điện tử (tăng 26%), trang bị nội thất (tăng 12%) vì nhu cầu tăng ở những quốc gia bị phong tỏa. Việt Nam cũng được lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều công ty chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam thay vì Trung Quốc để tránh bị Mỹ áp thuế.
Lãnh vực thiệt thòi nhất là du lịch, chẳng hạn ở Huế có đến 8.000 nhân viên bị mất việc và 80% khách sạn phải đóng cửa. Một chủ các khách sạn ở Hà Nội và vịnh Hạ Long thổ lộ với AFP, tuy đã từng sống sót qua dịch SARS và khủng hoảng tài chính 2009-2010, nhưng tình hình hiện nay là khó thể tưởng tượng.
Dù vậy so với nhiều nước láng giềng chẳng hạn Thái Lan, mà IMF dự báo sẽ sụt giảm 7,1%, kinh tế Việt Nam đã chống chọi khá tốt. Theo một giảng viên đại học Fulbright, chính quyền đã giúp giảm sốc qua việc bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, tạo thêm việc làm. Đầu tư công trong 11 tháng của năm 2020 đã tăng 34% so với năm ngoái.
Ông Adam McCarty, kinh tế trưởng của Mekong Economics nhận định, chiến thắng tương đối của Việt Nam trong năm nay sẽ trở thành lợi thế về lâu về dài. Một số công ty Nhật và tập đoàn Mỹ Apple đã có ý định chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam. Ông ghi nhận, cách xử lý dịch corona "đã gần như khiến Việt Nam trở nên nổi tiếng trên thế giới", và giúp những tập đoàn lớn có một cái nhìn khác về Việt Nam.
Thụy My
************************
Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 ?
VOA, 16/12/2020
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, và duy trì được đà tăng trưởng ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Kinh tế Việt Nam. EPA/Minh Hoang
JCER đưa ra hai kịch bản, kịch bản tiêu chuẩn, và kịch bản xấu hơn vì tác động của đại dịch mang lại hệ quả nghiêm trọng hơn, với Hoa Kỳ và Canada chịu tác động nặng nề nhất, cùng với Ấn Độ, Philippines và Indonesia, 3 nước có nhiều công dân làm việc ở nước ngoài, gửi tiền về nước để giúp người thân.
Kịch bản tiêu chuẩn đặt giả thuyết rằng trong 4 hoặc 5 năm nữa, các biến số kinh tế sẽ trở lại xu hướng được chứng kiến trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Theo kịch bản này, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2029, và tới năm 2035, quy mô kinh tế của Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, có thể đạt 41,8 nghìn tỷ USD, chỉ thua một chút quy mô kinh tế của cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại, đạt 42,3 nghìn tỷ USD.
Bài báo đăng tải trên trang mạng asia.nikkei vẽ ra một bức tranh màu hồng về nền kinh tế Việt Nam dựa trên nghiên cứu của JCER, theo đó Việt Nam có thể duy trì đà phát triển ở mức trên dưới 6% vào năm 2035, nhờ xuất khẩu tăng mạnh.
Vẫn theo JCER, "các điều kiện đó giúp đẩy nền kinh tế Việt Nam qua mặt Đài Loan vào năm 2035 về quy mô, và giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia.
Và theo đà này, Việt Nam có thể được công nhận là một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 11.000 USD vào năm 2035.
Đài Loan tuy là một trong các nền kinh tế thành công nhất trong cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19, nhưng đà tăng trưởng của đảo quốc này được dự kiến sẽ giảm 1% vào năm 2035 do dân số lão hóa.
Do tác động của đại dịch Covid-19, đà phát triển của nhiều nước sẽ chịu nhiều tổn thất trong năm 2020. Dù đại dịch quét qua hầu hết các nước trên toàn cầu, nhưng không phải nước nào cũng chịu tác động nặng nề ở cùng mức độ như nhau, JCER nói rằng những sự khác biệt mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, trong năm 2020, sẽ dẫn tới những khác biệt đáng kể về quy mô kinh tế của các nước khác nhau trong 15 năm tới.
Trong năm 2020, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là duy trì đà tăng trưởng cộng hàng năm. Đà tăng trưởng của Ấn Độ có phần chắc sẽ giảm mạnh tới âm 10%, trong khi kinh tế Philippines sẽ co cụm hơn 8%. Hong Kong, Thái Lan, Canada, Malaysia và Singapore đều đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế với tốc độ hơn 6%.
Theo phúc trình mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cập nhật ngày 8/10/2020, Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng là 6-7%. Ngân hàng Thế giới nói nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021.
(Nguồn : Nikkei, World Bank)