Bộ Công an khởi tố Út trọc tội ‘trục lợi’ (RFA, 31/01/2019)
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triển khai thi hành các quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là Út trọc) với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ và quyền lợi gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’ theo điều 358 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử hôm 30/7/2018. Ảnh chụp màn hình - Photo : RFA
Truyền thông trong nước loan tin ngày 31/1, trích dẫn từ phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao một ngày trước.
Ông Đinh Ngọc Hệ là cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc Phòng. Công ty này là chủ của nhiều dự án BOT, BT trong cả nước trong đó có dự án BOT cầu Việt Trì bị nhiều người dân phản đối.
Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 31/7/2018, ông Hệ bị tuyên án 12 năm tù giam, bao gồm 10 năm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và 2 năm tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Theo cáo trạng, ông Hệ và đồng phạm hưởng lợi 6 tỷ đồng từ việc mua các xe quân sự, xe biển xanh 80A và thế chấp 29/38 xe quân sự, 15 xe biển xanh cho các ngân hàng khác nhau.
Ông Hệ cũng làm giả giấy tờ để không bị phạt 1,5 tỷ đồng vì cây xăng của Công ty Thái Sơn thiếu giấy tờ hợp lệ và tồn hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng... dẫn đến bị niêm phong cột bơm.
Ngoài ông Đinh Ngọc Hệ, ba đồng phạm của ông cũng bị tuyên án về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.’
Ông Trần Văn Lâm bị tuyên 5 năm tù, ông Trần Xuân Sơn 18 tháng tù treo và thử thách 36 tháng, ông Bùi Văn Tiệp 24 tháng tù treo, thử thách 48 tháng.
Riêng ông Phùng Danh Thắm, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị cáo buộc tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng Hội đồng xét xử thấy nhân thân tốt và do lần đầu phạm tội nên chỉ cần giáo dục và khấu trừ một phần thu nhập.
Sau đó, vào ngày 1/11/2018, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm ông Đinh Ngọc Hệ cùng với ông Trần Văn Lâm và Phùng Danh Thắm, Tòa án Quân sự Trung ương đã không chấp nhận kháng cáo và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm cho các bị cáo.
*******************
Thái Lan trả tự do cho 40 phụ nữ và trẻ em người Thượng Việt Nam xin tị nạn (RFA, 31/01/2019)
Hôm 22/01/2019, có 11 phụ nữ người Thượng Việt Nam cùng 29 trẻ em là con của những người này bị bắt chung đợt hồi tháng 8/2018 được trả tự do từ trại giam của Sở di trú Thái Lan (IDC) sau gần 5 tháng bị bắt giữ.
Những phụ nữ người Thượng Việt Nam xin tị nạn ở Thái Lan được trả tự do cùng con của mình - Courtesy of Grace Bui
Thông tin này được Mạch Sống Media, một trang thông tin của Ủy ban Cứu trợ người vượt biển (BPSOS) đăng tải dẫn nguồn từ Bộ Thiếu nhi và thiếu niên của Thái Lan cho hay.
Bà Grace Bùi, Giám đốc chương trình Dự án hỗ trợ người Thượng ở Thái Lan (MAP) xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do và cho hay, những người này phải đóng thế chân 1.500 đô la Mỹ (tức khoảng 50 ngàn Baht Thái) mới được trả tự do.
"Mấy ngày trước chính phủ Thái ký một luật mới là không giam giữ những đứa nhỏ, điều đó rất là tốt. Thứ hai là họ đã trả tự do cho những người đàn bà với con của họ, hiện nay thì chỉ có 11 người mới được ra thôi, còn một số người chưa ra được. 11 người đàn bà này được bảo lãnh ra, tiền bảo lãnh thế chân là 1.500 USD cho mỗi người", bà Grace Bùi nói qua điện thoại và cho biết thêm là những người này chỉ bị bắt lại khi đi làm việc mà không có giấy phép hoặc phạm tội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS thì tổ chức này đã góp một nửa cho số tiền 16.500 đô la Mỹ để thế chân cho 11 người mẹ kể trên, phần còn lại là do các tổ chức khác hỗ trợ.
Cũng theo đó, quỹ tiền thế chân còn lại của BPSOS sẽ có đủ cho thêm 5 hồ sơ nữa trong khi còn khoảng 15 hồ sơ người Thượng ở Tây Nguyên theo diện mẹ con đang được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cứu xét để yêu cầu chính phủ Thái trả tự do.
Một phụ nữ người Thượng được trả tự do cùng 3 người con, trong đó có 1 đứa trẻ sơ sinh được bà sinh ra ngay trong trại giam IDC nói qua người thông dịch rằng, khi được trả tự do bà không cảm thấy vui vì chồng của bà vẫn còn bị giam giữ.
Bà Grace Bùi tiết lộ, những người đàn ông và cả phụ nữ không có con bị bắt giam cùng đợt sẽ phải ở tù cho đến khi có một nước thứ ba đồng ý cho những người này đi tị nạn và sắp tới đây bà sẽ đem hồ sơ của những người Thượng này giao cho Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải của Canada để tìm kiếm giải pháp cho họ.
Hồi cuối tháng 8/2018, chính phủ Thái Lan tổ chức các đợt bố ráp và bắt giữ 168 người Thượng quốc tịch Việt Nam và Campuchia (theo số liệu của Ân xá Quốc tế) đang xin tị nạn và tìm kiếm quy chế tị nạn ở xứ Chùa Vàng.
Đến ngày 21/01/2019, Phó Thủ tướng Thái Lan, tướng Prawit Wongsuwan, ký ban hành Thỏa thuận thư (MOU) về các biện pháp thay thế cho giam giữ trẻ em trong các trại giam của Sở di trú.
Theo bản thỏa thuận này, người mẹ chỉ được thả ra khỏi trại giam của Sở di trú sau khi đóng tiền thế chân 50.000 Baht Thái (1.500 đô la Mỹ) để được đoàn tụ với con của họ trong các nhà tạm trú.
Các tổ chức bảo vệ người tị nạn và bảo vệ nhân quyền quan ngại về điều khoản này, vì đây là một khoản tiền quá lớn so với khả năng của những người phải đi lánh nạn.
****************
Giới hữu trách ở Uganda vừa bắt giữ hai người Việt Nam, tịch thu 750 ngà voi và hàng ngàn vảy tê tê (pangolin scale) đưa từ quốc gia láng giềng South Sudan qua nước này.
Hai người Việt Nam bị bắt giữ. (Hình : Twitter/Uganda Revenue Authority)
Theo tin từ sở quan thuế Uganda hôm Thứ Năm, 31 tháng Giêng, đây là vụ tịch thu hàng hóa cấm liên quan đến động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay ở Uganda, quốc gia nằm trong vùng Đông Phi.
Hai người Việt Nam, vốn không được nêu danh tánh, bị bắt sau khi giới hữu trách rọi máy thấy các món hàng cấm dấu trong các thân cây gỗ, chứa trong ba thùng container, theo cơ quan quan thuế Uganda.
Hai người Việt Nam, vốn không được nêu danh tánh, bị bắt sau khi giới hữu trách rọi máy thấy các món hàng cấm dấu trong các thân cây gỗ, chứa trong ba thùng container, theo cơ quan quan thuế Uganda.
Giới chức quan thuế Uganda đưa cho báo chí xem một chiếc ngà voi bị bắt giữ. (Hình : Twitter/Uganda Revenue Authority)
Giới chức Uganda nói ngà voi và vảy tê tê nhiều phần được thu thập từ quốc gia láng giềng Congo, rồi chuyển qua South Sudan, trước khi vào Uganda.
Krisftof Titeca, một nhà nghiên cứu ở Bỉ, chuyên điều tra các vụ buôn bán ngà voi, nói rằng vụ tịch thu cho thấy Uganda vẫn còn là địa điểm trung chuyển quan trọng cho việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.
Các loài tê tê ở Phi Châu đang bị săn lùng vì nhu cầu của thị trường Á Châu, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam.
Vảy tê tê phơi khô, gọi là ‘xuyên sơn giáp’ (Squama Manidis), được y học dân gian coi là có thể làm thuốc tăng lượng sữa cho sản phụ, trị bệnh lao hạch (tràng nhạc) và mụn nhọt.
Số ngà voi và vảy tê tê được giấu trong các súc gỗ rồi cho vào các container. (Hình : Twitter/Uganda Revenue Authority)
Số lượng voi rừng ở Phi Châu hiện đang tiếp tục giảm mạnh vì nhu cầu ngà voi ở Trung Quốc và các quốc gia Á Châu khác. Lục địa Phi Châu vào thập niên 70 có khoảng 1,3 triệu con voi, nhưng hiện còn chưa tới 500.000 con.
Đàn voi ở Uganda trong những năm gần đây lên tới được hơn 5.000 con, nhưng loài thú này vẫn còn bị đe dọa, nhiều khi do sự trợ giúp của các giới chức chính phủ tham nhũng trong ngành bảo vệ động vật hoang dã. (V.Giang)
********************
Đường dây bán nội tạng người lớn nhất Việt Nam vừa bị xóa sổ (RFA, 31/01/2019)
Một đường dây bán nội tạng người được cho lớn nhất Việt Nam vừa bị công an triệt phá vào ngày 21 tháng 1 năm 2019 ; đồng thời 5 thành viên của tổ chức này đã bị bắt tạm giam và bị khởi tố.
Bị can Tôn Nữ Thị Huyền bị cáo buộc tội cầm đầu đường dây bán nội tạng xuyên quốc gia. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thanhnien.vn
Truyền thông trong nước, vào ngày 31 tháng 1, dẫn nguồn từ Cục Cảnh sát Hình sự, thuộc Bộ Công An cho biết tin vừa nêu.
Theo thông tin từ Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự thì đường dây bán nội tạng người xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5 năm 2017, do Tôn Nữ Thị Huyền, 44 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu cùng 4 thành viên khác, tuổi từ 20 đến 28 bao gồm Hoàng Đức Tùng, Huỳnh Linh Tâm, Phạm Quang Cảnh và Nguyễn Minh Tâm.
Nhóm này được nói hoạt động bằng việc tìm kiếm người mua bán thận trên mạng xã hội và liên kết với các môi giới người Việt tại nước ngoài, đã thực hiện được gần 100 vụ buôn bán thận, thu về hàng chục tỷ đồng.
Các nạn nhân là những thanh niên bán thận được tổ chức này tuyển chọn, đưa ra nước ngoài để thực hiện quá trình mổ thận và mỗi nạn nhân được trả 200 triệu đồng.
Đại tá Phan Mạnh Trường cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công An vào ngày 25 tháng 1 khởi tố hình sự và khởi tố 5 bị can của tổ chức bán thận vừa bị triệt phá này.
Đến thời điểm bị công an bắt giữ, đường dây chuyên buôn bán nội tạng người này đã bán thận của hàng trăm người, chủ yếu là dân nghèo, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Bà Tôn Nữ Thị Huyền (trái) và hai đồng phạm tại cơ quan công an. (Hình : Tuổi Trẻ)
Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, sáng 31 tháng Giêng, 2019, Cục Cảnh sát Hình sự phía Nam, cho hay đã phối hợp Bộ Công An và Công an ở Sài Gòn triệt phá đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia quy mô lớn, tạm giữ 5 nghi phạm.
Đường dây chuyên tổ chức bán thận này có 5 người do bà Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, ngụ Sài Gòn) cầm đầu cùng với bốn đồng phạm gồm các ông : Hoàng Đức Tùng (28 tuổi, quê Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (27 tuổi, quê Quảng Ngãi), Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, quê Hà Nội), Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, quê Vĩnh Phúc) thực hiện.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, nhóm người trên đa số đều là người đã mua thận để ghép hoặc bán thận nên nắm rõ mọi quy trình bán thận trái phép tại nước ngoài.
Một nạn nhân trong đường dây của bà Huyền. (Hình : Sài Gòn Giải Phóng)
Do cũng là người đã từng ghép thận, bà Huyền lên mạng xã hội tìm kiếm, tiếp cận, dụ dỗ nhiều người nghèo ở Việt Nam bán thận. Sau khi tìm được người bán, cả nhóm tổ chức tuyển chọn, nuôi ăn ở, đưa nạn nhân đi khám tổng quát tại các bệnh viện, phòng khám ở khắp Việt Nam.
Khi tuyển chọn được người bán thận có chỉ số phù hợp với người cần mua thận để ghép, bà Huyền tổ chức đưa nạn nhân đi từ cửa khẩu biên giới Việt Nam ra ngoại quốc để tiến hành mua bán và phẫu thuật ghép thận. Theo đó, ngoài việc lo hết các chi phí, mỗi nạn nhân bán thận được trả từ 200 triệu đến 210 triệu đồng (khoảng 8.620 USD).
Tin cho biết, theo điều tra đường dây này hoạt động từ tháng Năm, 2017 đến nay. Các nghi can thừa nhận đã bán thận của các nạn nhân từ Việt Nam ra nước ngoài. Tính đến thời điểm một tuần trước khi bị bắt, nhóm người này đã bán thận của hàng trăm nạn nhân. Bà Huyền khai, đường dây này hoạt động khắp Việt Nam. Giá mỗi ca từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng (khoảng từ 64.660 USD đến 86.213 USD) cho một lần bán thận để cấy ghép.
Mỗi ca bán thận, nhóm này lấy với giá khoảng 400 triệu đồng (17.240 USD), trả cho nạn nhân khoảng 200 triệu đồng (8.620 USD), thu lợi hàng chục tỷ đồng. Những người môi giới thành công sẽ được trả từ 20-25 triệu đồng. (Tr.N)
Ngay trước tết Nguyên Đán 2019, Văn phòng Chính phủ Việt Nam cùng với các cấp lãnh đạo vào ngày 31/1 tại buổi họp báo của Chính phủ, ban hành chỉ thị bảo đảm việc đón Tết Nguyên Đán 2019 lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Người dân đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. (Ảnh minh họa) - AFP
Trong đó, ông Mai Tiến Dũng chủ nhiệm văn phòng chính phủ nhận mạnh đến việc nghiêm cấm mọi hình thức tặng nhận quà Tết cho cấp trên, không được sử dụng tiền, phương tiện và tài sản công trái quy định vào các hoạt động các nhân trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trước đó là chỉ thị cùng nội dung của Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, rồi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh…
Sau khi chỉ thị của chính phủ được công khai, công luận tiếp tục phản ứng cho rằng, năm nào cũng chỉ thị nghiêm cấm nhưng việc lệnh cấm này hầu như chẳng có tác dụng gì.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng từ Việt Nam đồng ý với điều đó và ông nhận định :
"Chúng ta cũng biết là tình trạng này từ lâu lắm rồi hầu như năm nào cứ đến dịp trước tết là có những việc xảy ra : các quan lớn nhận quà biếu như là dịp trả ơn và nói thẳng ra là những việc hối lộ nhân dịp tết là quà biếu. Tôi nghĩ rằng nếu có lệnh cấm thì nó cũng không có tác dụng gì, ta thấy việc ban hành lệnh cấm chỉ làm cho công luận thấy làm mục tiêu để đả kích thôi chứ không hề có tác dụng gì".
Còn đối với nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang thì không thể qui kết hoàn toàn là do thể chế của Đảng.
"Cái tập tính tập quán biếu xén cấp dưới biếu cấp trên, nhân viên cấp dưới biếu xén lãnh đạo, địa phương biếu xén trung ương nó đã có từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ rằng không thể qui kết hoàn toàn do thể chế của đảng cộng sản. Tôi nghĩ rằng hồi xa xưa dân tộc mình cũng đã có truyền thống như thế, người dưới biếu người trên, dân thì biếu quan và trò biếu thầy cô nhưng nói thật cái lễ nghĩa ngày xưa nó chỉ có tính chất tình cảm nhẹ nhàng là chủ yếu chứ ít có trường hợp động cơ nhằm trục lợi như bây giờ, bây giờ nó thô thiển lắm biếu lên lương, lên chức rồi thay đổi vị trí công tác. Vấn nạn này tại Việt Nam trong nhiều năm qua rất là nặng nề trong những dịp lễ tết".
Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận với báo chí rằng, việc chúc Tết là văn hóa tốt và truyền thống của người Việt Nam, tại các nước phương Tây người ta đến thăm nhau, tặng nhau những món quà mang tính chất tượng trưng, nhiều ý nghĩa…. Tuy nhiên thực tế ở nước ta đôi khi việc tặng quà Tết đã bị biến tướng và lợi dụng và những mục đích khác nhau.
Đồng ý với điều này nhà báo Ngô Nhật Đăng chia sẽ :
"Ông Dũng nói là chính xác vì không chỉ riêng tại Việt Nam mà hầu như các nước khác cũng đều như thế vào những dịp lễ tết bạn bè thăm nhau vào những dịp tụ họp thì đều có những món quà. Ta thấy như là tại Châu Âu các nước theo đạo Công giáo vào dịp Giáng sinh tặng quà cho nhau nhưng tại Việt Nam nó trở thành biến tướng, hàng ngày cũng có có dịp quà biếu nhưng nhân dịp tết thì nó xảy ra quá nhiều, thấy rằng nó biến tướng một cách nghiêm trọng, ta nên dùng từ là suy đồi thì đúng hơn".
Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cấm sử dụng tiền, phương tiện và tài sản công trái quy định sử dụng vào mục đích đi lại dịp Tết, liên hoan và quyền lợi cá nhân.
Trên mạng xã hội Facebook từ hôm 30/1 lan truyền hình ảnh một chiếc xe phòng cháy chữa cháy đang vận chuyển một chậu hoa đào lớn lên một chung cư. Tòa chung cư này được dư luận cho rằng rất nhiều cán bộ công an đang cư ngụ tại đó.
10000000000000000000
Hình ảnh được dư luận cho rằng lực lượng phòng cháy chữa cháy vận chuyển chậu hoa đào lên chung cư tại Hà Nội. Courtesy of otofun.net
Một số chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng, những việc làm như thế là trái với qui định pháp luật và yêu cầu ban lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội làm rõ và xử lý vấn đề này.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, những hành vi đó là lợi dụng và lạm dụng tài sản công vào việc tư nên về nguyên tắc nó vi phạm pháp luật và có các điều khoản trong luật pháp rõ ràng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quan trọng nhất là người ta xử lý vụ việc như thế nào mà thôi.
Ông dẫn ví dụ : "Người dân với nhau mà ăn cắp con gà thôi là đi tù mấy năm nhưng còn quan xử quan thì nó nhẹ lắm. Vụ ồn ào nhất mới đây là vụ xe công của Bộ Công thương sử dụng xe biển số 80B là của cơ quan trung ương là xe đặc biệt ấy ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Mạng xã hội thì nói rất là nhiều còn báo chí nhà nước thì không nói gì rồi cũng mổ xẻ cho đến giờ cũng chưa đâu vào đâu cả, nếu nói về tác dụng thì nó hạ uy tín của nhà nước đối với nhân dân, nếu quy ra tiền thì nó cũng không phải ít đâu là phạm pháp rồi nhưng chả thấy ai khởi tố hình sự, chứ nếu là người dân là chết chắc rồi".
Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, nếu nhìn theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì đó là hình ảnh rõ ràng vi phạm pháp luật nhưng nhìn về mặt khác chúng ta sẽ thấy nó phản ánh tình trạng vô pháp luật tại Việt Nam.
"Pháp luật thì chỉ dành cho một số người thôi còn các quan chức, công an thì hầu như họ đứng trên luật pháp nên chúng ta thấy nền pháp luật Việt Nam có một khái niệm gọi là chế độ công an trị, khi luật pháp không được tôn trọng nó lên tới đỉnh điểm thì nó sẽ xảy ra tình trạng đó, không có tam quyền phân lập lực lượng chức năng lợi dụng các quyền của mình đứng trên luật pháp".
Theo nhận định của các nhà báo, việc chế tài và hạn chế những tình trạng lợi dụng biếu quà tết nhằm trục lợi hay sử dụng tài sản công trái quy định một cách nghiêm khắc là một điều vô cùng khó và không thể chế tài bằng pháp luật được.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nó phụ thuộc vào sự quyết tâm của những người lãnh đạo, đứng đầu thể chế này. Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng, tất cả mọi thứ bây giờ đều trong tay một Đảng lãnh đạo thì dù pháp luật ngăn cấm thì biện pháp chế tài hầu như không bao giờ thực thi được.
Cuối tuần vừa qua, Bộ Chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định kỷ luật ba ông tướng, một của quân đội và hai của công an. Theo đó, Thượng tướng Phương Minh Hòa – cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Bí thư Đảng ủy kiêm Chính uỷ, cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân – bị cảnh cáo. Hai ông tướng công an (Thượng tướng Trần Việt Tân - cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Thứ trưởng Công an và Bùi Văn Thành – cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Thứ trưởng Công an đặc trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật của Bộ Công an), cùng bị tước bỏ tất cả các chức vụ trong Đảng và bị giáng cấp(1).
"Út" Trọc cũng chỉ mới là thượng tá.
Nhìn một cách tổng quát, tướng Hòa, tướng Tân và tướng Thành bị kỷ luật như đã kể đều vì độc đoán, chuyên quyền, vi phạm đủ thứ qui định pháp luật về quản lý – sử dụng công thổ, công thự, không chỉ để mặc mà còn tiếp tay cho một số thuộc cấp “vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng”, thậm chí ba ông tướng này còn trực tiếp nhúng chàm (phê duyệt nhiều văn bản nguy hại cho quốc phòng, an ninh trái cả quy định lẫn thẩm quyền).
Chẳng riêng tướng Hòa, tướng Tân, tướng Thành, bám sát, theo sau ba ông tướng này còn có sáu ông tướng nữa dính líu đến hai scandal Định Ngọc Hệ (tự Út Trọc), Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ ‘Nhôm) : Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân)(2), Trung tướng Lê Văn Minh (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Bùi Xuân Sơn, (cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên (Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Ksor Nham (Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Vũ Thuật (cựu Phó Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật)(3).
Nếu tính rộng ra một chút, chỉ trong vòng bốn tháng, lực lượng vũ trang của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bao gồm cả quân đội lẫn công an) “mất” tổng cộng 11 ông tướng. Quý trước, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã bị tống giam do “tổ chức đánh bạc” trên phạm vi toàn quốc.
***
Ở Việt Nam, từ khi quân đôi thôi thề “trung với nước” để chuyển qua “trung với Đảng”, công an công khai tụng niệm “còn Đảng, còn mình”, hàm “tướng” đã trở thành một món quà mà Đảng dùng để trao tặng cho nhiều cá nhân. Cũng vì thế, “tướng” không chỉ trở thành một vấn nạn xã hội, một đề tài cho thiên hạ bỉ bôi mà còn khiến hệ thống công quyền Việt Nam đau đầu.
Tháng 12 năm 2014, khi tiếp xúc với cử tri thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Ngọc Sơn, lúc đó là Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thú nhận, riêng quân đội có 489 ông tướng. Căn cứ theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mà Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu sửa đổi hồi tháng 11 năm 2014 thì riêng quân đội Việt Nam dư tới 74 ông tướng. Để tránh chuyện tướng của lực lượng vũ trang bị mỉa mai là “nhiều như chó con”, khi sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân vào cuối năm 2014, Quốc hội Việt Nam ấn định, quân đội không được phép có quá 415 ông tướng và công an không được phép có quá 205 ông tướng.
Bị cử tri truy vấn gay gắt, ông Sơn biện bạch, trước đây, phong tướng tràn lan nên nay giảm xuống “họ” không chịu ! Dẫn sự kiện ông Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng “dọa” Quốc hội : Không phong tướng, “anh em” tâm tư ! - ông Sơn nói thêm : “Tâm tư” chỉ nằm ở chỗ đó (không thể trước dễ, sau… khó). Có một điểm đáng ngạc nhiên là theo ông Sơn, dù nhiều Đại biểu Quốc hội không ưng (tỉ lệ tán thành Luật Sĩ quan Quân dội nhân dân mới chỉ khoảng 71%, tỉ lệ tương ứng đối với Luật Công an nhân dân mới chỉ khoảng 74%) song hệ thống công quyền Việt Nam không thể giảm số lượng các ông tướng của lực lượng vũ trang. Ngay cả ông Sơn – cựu Tham mưu trưởng Quân khu 5 – cũng “chưa thật ưng” nhưng vì đặt định – khống chế số lượng tướng của lực lượng vũ trang là “vấn đề rất khó, rất nhạy cảm, không đơn giản” nên ông Sơn đề nghị dân chúng Việt Nam xem Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mới và Luật Công an nhân dân mới là “một cố gắng lớn” (4) !
Tuy nhiên “cố gắng lớn” ấy của Quốc hội khóa 13 (2011 – 2016) đã bị vứt vào thùng rác. Ngay sau khi Luật Công an nhân dân mới được thông qua vào tháng 11 năm 2014, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục vận động để thông qua Luật Công an nhân dân… mới hơn. Điểm chính – khiến tranh luận về Luật Công an nhân dân… mới hơn trở thành gay gắt, khiến công chúng phải quan tâm đến Luật Công an nhân dân… mới hơn vẫn là chuyện Công an nhân dân Việt Nam cần nhiều tướng hơn ! Bởi Công an nhân dân Việt Nam đòi phong tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố nên Quân đội nhân dân Việt Nam đòi sửa Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mới sửa năm 2014 vì có như thế mới thỏa đáng trong tương quan giữa Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố(5). Cuối cùng thì dường như Bộ Công an Việt Nam vẫn bảo vệ được quyền lợi của ngành. Ông Tô Lâm, Thượng tướng, Bộ trưởng Công an, trấn an các Đại biểu Quốc hội, sau khi sắp xếp lại, Bộ Công an có 60 cục, nếu phong tướng cho tất cả cục trưởng và giám đốc công an của 63 tỉnh, thành phố, cộng thêm bảy lãnh đạo bộ đương nhiên là tướng thì số lượng tướng của ngành công an cũng chưa tới… 200(6) !
Ở những ngày cuối cùng thuộc kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa 14 hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã trình bày lần cuối Dư luật sửa Luật Công an nhân dân(7) . Nếu không có gì thay đổi, trong kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay, Việt Nam sẽ có Luật Công an nhân dân… mới hơn và lực lượng vũ trang sẽ có thêm nhiều ông tướng !
***
Dẫu lực lượng vũ trang đã có hơn 500 và trong tương lai sẽ có hơn 600 ông tướng nhưng rõ ràng số lượng các ông tướng tại Việt Nam tỉ lệ nghịch với nỗ lực cũng như khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ trật tự xã hội của lực lượng vũ trang. Những đại án liên quan tới lực lượng vũ trang cho thấy, trở thành tướng của lực lượng vũ trang chính là cơ hội để có thể bán sỉ và lẻ nhiều thứ mà theo lẽ thường ít ai dám nghĩ tới như quốc phòng, trị an. Những Hòa, Thanh của quân đội, Tân, Thành, Minh, Sơn, Chuyên, K’sor Nham, Thuật, xa hơn một chút là Vĩnh, Hóa của công an khiến người ta thắc mắc, tại sao các ông tướng có thể tự tung, tự tác, tự tin đến mức táo tợn trong một thời gian dài tới như vậy ? Nếu phải truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất thì chỉ truy cứu trách nhiệm tới Thứ trưởng Công an và Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã thỏa đáng chưa ?
Không phải tự nhiên mà các ông tướng từ quân đội đến công an đem “tâm tư” ra dọa Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đứng đầu lực lượng vũ trang, tự nguyện biến lực lượng vũ trang trở thành “công cụ” thực hiện “chuyên chính vô sản”, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hoạt động đe dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam tại Việt Nam, dù muốn hay không, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng không thể để các ông tướng “tâm tư”. Dân “tâm tư” đã có quân đội, công an giải quyết chứ tướng của lực lượng vũ trang mà “tâm tư” thì… phiền. Chuyện kỷ luật 11 ông tướng vừa quân đội, vừa công an được ca ngợi như một bằng chứng cho thấy “không còn vùng cấm”. Ai tin vùng cấm không còn ? Nếu “không còn vùng cấm” thì tại sao ông Nguyễn Phú Trọng từ chối, không cho phép công bố các bản kê khai tài sản dù tham nhũng liên tục tục được khẳng định là giặc nội xâm (9).
Trân Văn
Nguồn VOA, 01/08/2018
Chú thích :
(1) https://vov.vn/nhan-su/bo-chinh-tri-cach-chuc-tuong-bui-van-thanh-tran-viet-tan-793190.vov
(4) http://infonet.vn/pho-chu-tich-qh-phong-tuong-qua-nhieu-gio-giam-xuong-ho-khong-chiu-post152629.info
(5)https://news.zing.vn/y-kien-trai-chieu-ve-tran-quan-ham-voi-giam-doc-cong-an-tinh-post843232.html
(7)https://news.zing.vn/quoc-hoi-thong-qua-nhieu-luat-trong-tuan-be-mac-post850151.html
Thêm một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam bị điều tra liên quan đến cáo buộc tham nhũng (RFA, 30/03/2018)
Báo chí Việt Nam ngày 30/3/2018 cho biết là trước đó một ngày Bộ quốc phòng thông tin cho báo giới biết thượng tá Đinh Ngọc Hệ, có tiếng qua các biệt danh ‘Út Trọc’. ‘Út Bộ trưởng’ đang bị Bộ quốc phòng điều tra.
Hình chụp hôm 29/4/2016 cho thấy Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, (giữa) tại một sự kiện ở Đà Nẵng. Ông Phan Văn Anh Vũ đã bị bắt để điều tra. AFP
Ông Hệ là Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty của Bộ Quốc phòng có tên là công ty Thái Sơn, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này kinh doanh đa ngành, từ nước giải khát rượu bia cho đến xây dựng, nhưng quan trọng nhất là công ty này tham gia vào nhiều công trình xây dựng các dự án có thu phí đường bộ (gọi tắt là BOT).
Các dự án này có trị giá đến hàng ngàn tỉ đồng, được cho là có nhiều khuất tất về tài chính và tính chính danh trong việc thực hiện các dự án.
Hiện chưa có thông tin cụ thể là ông Đinh Ngọc Hệ đã phạm lỗi gì, nhưng trong thời gian qua nhiều dự án BOT trên cả nước bị phản đối và điều tra vì tình nghi đến việc thực hiện không đúng hợp đồng, đặt trạm thu phí sai chổ để tận thu,…
Những thông tin mới nhất cũng không nói rằng hiện nay ông Đinh Ngọc Hệ đang ở đâu, nhưng trong một lần nói chuyện với các tướng lĩnh về hưu ở Đà Nẵng vào tháng 12, ông Bí thư Thành phố Đà Nẵng là Trương Quang Nghĩa có nói rằng quân đội đã bắt ông "Út Trọc". Trong buổi nói chuyện này ông Nghĩa cũng đề cập đến ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh là Vũ Nhôm, một sĩ quan của ngành công an liên quan đến những cáo buộc tham nhũng về đất đai. Hiện ông Anh Vũ đang bị bắt giam để điều tra.
**********************
'Út trọc' Đinh Ngọc Hệ đang bị điều tra án kinh tế (BBC, 30/03/2018)
Bộ quốc phòng tuyên bố đang điều tra ông Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ trong một vụ án kinh tế, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin.
Ông Đinh Ngọc Hệ, biệt danh Út "trọc" (giữa, hàng sau) tại lễ ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì (Hạc Trì)
Đại tá Nguyễn Văn Đức, phụ trách Cục trưởng Cục Tuyên huấn nói với báo giới hôm 29/3 rằng Bộ "đang điều tra" thượng tá Đinh Ngọc Hệ, người bị bắt vào 21/12/2017.
"Đây là vụ án kinh tế. Bộ Quốc phòng đang trong quá trình điều tra", ông Đức nói.
"Về quan điểm, Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyết nhất, không có du di".
"Tuy nhiên, vụ việc này đang trong quá trình điều tra và khi có kết luận sẽ cung cấp thông tin chính thức cho báo chí", ông Đức nói theo báo Thanh Niên.
Ông Hệ trước đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, được thành lập từ 2009, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vận tải hàng hóa, phân phối thức uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn…
Nhưng nổi tiếng nhất là các dự BOT với mức đầu tư lên hàng ngàn tỉ đồng, như dự án cầu Hạc Trì với mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.
Ông Hệ còn được biết đến là Út "trọc" hay "Út bộ trưởng", theo báo Tuổi Trẻ.
Cái tên này từng được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhắc đến vào 21/12/2017.
Nhiều trạm BOT gặp phản ứng của người dân vì cho rằng vị trí đặt trạm và mức phí 'vô lý'
Khi đó ông Nghĩa nói : "Ở [Đà Nẵng] có Vũ "nhôm" mà mọi người đang nói thì ở ngoài bắc, trong quân đội có nói về Út "trọc", cũng thượng tá cả. Quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý. Quân đội vừa xử lý, bắt Út "trọc" rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ "nhôm"", ông Nghĩa nói khi báo chí đang xôn xao về vụ việc của ông Phan Văn Anh Vũ.
Liên quan đến Vũ Thị Hoan của Công ty Yên Khánh ?
Báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đều đồng loạt liên hệ giữa công ty Thái Sơn của ông Hệ với Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, có giám đốc là bà Vũ Thị Hoan.
Hai công ty Thái Sơn và Yên Khánh gần như luôn "song hành" tham gia các dự án BOT. Cụ thể dự án cầu Hạc Trì, công ty Cienco một góp vốn 20 %, công ty Yên Khánh và Thái Sơn mỗi công ty góp 40%.
Trong khi đó, Yên Khánh lại cũng sở hữu 28,28% cổ phần của Cienco 1.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Ngọc Hệ "'có quan hệ mật thiết' với bà Hoan, nên gần như nắm toàn bộ hoạt động của Yên Khánh".
Đầu tháng 1/2018,vài tuần sau khi ông Hệ bị bắt, nhiều báo trong nước bắt đầu "truy tìm gia thế" bà Hoan.
Theo báo Nhà Đầu Tư, bà Vũ Thị Hoan, sinh năm 1985, thành lập công ty Yên Khánh vào 2005.
Vốn điều lệ hiện tại của công ty Yên Khánh là 1.800 tỷ với ba cổ đông chính là bà Hoan (69,5%), bà Đinh Thị Hiên (30%) và Đinh Thị Liên (0,5%).
Mẹ bà Hoan là bà Đinh Thị Lựu, nguyên quán ở Hà Nam Ninh, hiện không rõ có liên quan với hai cổ đông trên hay không.
Theo Tuổi Trẻ, công ty Yên Khánh cũng tham gia đầu tư nhiều dự án BOT cũng trị giá hàng ngàn tỷ, như mua lại dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương có giá 2.004 tỷ vào 2014.
Yên Khánh cũng góp 30% vốn vào dự án cải tạo QL 20 ở Lâm Đông theo hình thức BOT và BT với Tổng công ty 319 của BQP và công ty Thái Sơn.
********************
Vì sao "Út Bộ trưởng" bị bắt ? (CaliToday, 30/03/2018)
Ngày 29/3, trong buổi họp báo Tam cá nguyệt lần 1, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lên tiếng về việc bắt ông Đinh Ngọc Hệ, thượng tá trong quân đội cộng sản Việt Nam. Ông Hệ còn được biết nhiều với tên Út Bộ trưởng hoặc Út Trọc. Đây là một người có nhiều quyền lực, có nhiệm vụ làm kinh tài cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thông qua việc quản lý các công ty của bộ này.
"Út bộ trưởng" người đứng giữa với cái đầu trọc. Ảnh : Infonet
Trong buổi họp báo, rất nhiều người đã đặt câu hỏi về sự mất tích bí ẩn của "Út Bộ trưởng" nên đại tá quân đội Nguyễn Văn Đức- phụ trách Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng phải trả lời. Theo ông Đức, hiện nay "Út Bộ trưởng" đang bị Bộ Quốc phòng Việt Nam điều tra, chờ đến khi có kết luận sẽ công bố cho công luận được biết.
"Út Bộ trưởng" Đinh Ngọc Hệ sinh năm 1971, cư trú tại phường Tân Định, quận 1, Sài Gòn.
Tin đồn về việc bắt giữ "Út Bộ trưởng" đã được lan truyền từ cuối năm 2017, cùng thời điểm với việc thành phố Đà Nẵng yêu cầu Bộ Công an bắt tay vào việc truy nã Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm". Vào ngày 21/12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa trong lần tiếp xúc các cựu chiến binh đã cho biết rằng phía quân đội đã "xử lý và bắt Út "trọc".
Từ những nguồn tin cung cấp cho chúng tôi được biết, Đinh Ngọc Hệ, tức "Út Bộ trưởng" là quân nhân với quân hàm thượng tá. Ông này đã bị quân đội bắt giữ vào ngày 4/12/2017. Tuy nhiên, tin tức bắt giữ "Út Bộ trưởng" đã bị giấu nhẹm từ đó đến nay.
Đinh Ngọc Hệ có hai tên gọi khác là Út "trọc" và "Út Bộ trưởng". Tên Út "trọc" là do ông này cạo trọc, còn "Út Bộ trưởng" là do Hệ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển và Đầu tư Thái Sơn, thuộc Bộ Quốc phòng. Công ty Thái Sơn nổi tiếng với việc đầu tư vào các dự án BOT trên khắp cả nước. Đây là công ty đa lĩnh vực, từ xây dựng các công trình giao thông, dân dụng, quốc phòng, khai khoáng, cho đến dịch vụ vận tải hàng hóa, khai thác kho bãi logistics… Kể cả việc phân phối rượu bia, thuốc lá, nước giải khát và khách sạn, nhà hàng công ty này đều "bao thầu" hết. Vì là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nên rất được ưu tiên.
Công ty Thái Sơn được biết tới vì là chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì, tức cầu Việt Trì (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) với rất nhiều tai tiếng khiến người dân sống lân cận liên tục tổ chức biểu tình phản đối. Tổng số vốn mà công ty này đầu tư vào cầu Hạc Trì lên đến trên 1,900 tỷ đồng. Rất nhiều lời đồn đại cho rằng, "Út Bộ trưởng" bị bắt vì liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án BOT cầu Hạc Trì.
Tuy nhiên, ngay cả khi trả lời báo chí, đại tá Nguyễn Văn Đức vẫn không nói rõ lý do "Út Bộ trưởng" lại bị bắt, mà chỉ nói :
"Bộ Quốc phòng khẳng định là cơ quan đi đầu trong việc xử lý cá nhân, doanh nghiệp sai phạm. Bộ Quốc phòng sẽ không du di cho trường hợp nào".
Cũng liên quan đến vụ bắt giữ Đinh Ngọc Hệ diễn ra hồi 12/2017, có rất nhiều lãnh đạo công ty Thái Sơn bị Bộ Quốc phòng điều ra Hà Nội để làm việc, nhưng sau đó tất thảy đều được cho về, chỉ riêng Đinh Ngọc Hệ bị giữ lại để phục vụ công tác điều tra. Việc bắt giữ Đinh Ngọc Hệ gây khó hiểu cho dư luận, vì cho đến nay vẫn không có bất cứ lệnh bắt hay chỉ rõ những sai phạm của Đinh Ngọc Hệ.
Đây có thể là một vụ bắt giữ nhằm thanh trừng bè phái, khi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang muốn hất cẳng, tước hết mọi quyền lực của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm nhất thể hóa các chức danh, điều này gần giống với thể chế chính trị bên Trung Quốc.
Khi có những tin tức sớm nhất và chính xác chúng tôi sẽ cung cấp cho quý độc giả.
Người Quan Sát