Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/01/2019

Út trọc, người Thượng ở Thái, buôn ngà voi, buôn nội tạng, quà biếu

Tổng hợp

Bộ Công an khởi tố Út trọc tội ‘trục lợi’ (RFA, 31/01/2019)

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triển khai thi hành các quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là Út trọc) với cáo buộc ‘Lợi dụng chức vụ và quyền lợi gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’ theo điều 358 Bộ luật hình sự năm 2015.

ut1

Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử hôm 30/7/2018. Ảnh chụp màn hình - Photo : RFA

Truyền thông trong nước loan tin ngày 31/1, trích dẫn từ phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao một ngày trước.

Ông Đinh Ngọc Hệ là cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc Phòng. Công ty này là chủ của nhiều dự án BOT, BT trong cả nước trong đó có dự án BOT cầu Việt Trì bị nhiều người dân phản đối.

Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 31/7/2018, ông Hệ bị tuyên án 12 năm tù giam, bao gồm 10 năm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và 2 năm tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Theo cáo trạng, ông Hệ và đồng phạm hưởng lợi 6 tỷ đồng từ việc mua các xe quân sự, xe biển xanh 80A và thế chấp 29/38 xe quân sự, 15 xe biển xanh cho các ngân hàng khác nhau.

Ông Hệ cũng làm giả giấy tờ để không bị phạt 1,5 tỷ đồng vì cây xăng của Công ty Thái Sơn thiếu giấy tờ hợp lệ và tồn hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng... dẫn đến bị niêm phong cột bơm.

Ngoài ông Đinh Ngọc Hệ, ba đồng phạm của ông cũng bị tuyên án về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.’

Ông Trần Văn Lâm bị tuyên 5 năm tù, ông Trần Xuân Sơn 18 tháng tù treo và thử thách 36 tháng, ông Bùi Văn Tiệp 24 tháng tù treo, thử thách 48 tháng.

Riêng ông Phùng Danh Thắm, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị cáo buộc tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng Hội đồng xét xử thấy nhân thân tốt và do lần đầu phạm tội nên chỉ cần giáo dục và khấu trừ một phần thu nhập.

Sau đó, vào ngày 1/11/2018, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm ông Đinh Ngọc Hệ cùng với ông Trần Văn Lâm và Phùng Danh Thắm, Tòa án Quân sự Trung ương đã không chấp nhận kháng cáo và quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm cho các bị cáo.

*******************

Thái Lan trả tự do cho 40 phụ nữ và trẻ em người Thượng Việt Nam xin tị nạn (RFA, 31/01/2019)

Hôm 22/01/2019, có 11 phụ nữ người Thượng Việt Nam cùng 29 trẻ em là con của những người này bị bắt chung đợt hồi tháng 8/2018 được trả tự do từ trại giam của Sở di trú Thái Lan (IDC) sau gần 5 tháng bị bắt giữ.

ut2

Những phụ nữ người Thượng Việt Nam xin tị nạn ở Thái Lan được trả tự do cùng con của mình - Courtesy of Grace Bui

Thông tin này được Mạch Sống Media, một trang thông tin của Ủy ban Cứu trợ người vượt biển (BPSOS) đăng tải dẫn nguồn từ Bộ Thiếu nhi và thiếu niên của Thái Lan cho hay.

Bà Grace Bùi, Giám đốc chương trình Dự án hỗ trợ người Thượng ở Thái Lan (MAP) xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do và cho hay, những người này phải đóng thế chân 1.500 đô la Mỹ (tức khoảng 50 ngàn Baht Thái) mới được trả tự do.

"Mấy ngày trước chính phủ Thái ký một luật mới là không giam giữ những đứa nhỏ, điều đó rất là tốt. Thứ hai là họ đã trả tự do cho những người đàn bà với con của họ, hiện nay thì chỉ có 11 người mới được ra thôi, còn một số người chưa ra được. 11 người đàn bà này được bảo lãnh ra, tiền bảo lãnh thế chân là 1.500 USD cho mỗi người", bà Grace Bùi nói qua điện thoại và cho biết thêm là những người này chỉ bị bắt lại khi đi làm việc mà không có giấy phép hoặc phạm tội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS thì tổ chức này đã góp một nửa cho số tiền 16.500 đô la Mỹ để thế chân cho 11 người mẹ kể trên, phần còn lại là do các tổ chức khác hỗ trợ.

Cũng theo đó, quỹ tiền thế chân còn lại của BPSOS sẽ có đủ cho thêm 5 hồ sơ nữa trong khi còn khoảng 15 hồ sơ người Thượng ở Tây Nguyên theo diện mẹ con đang được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cứu xét để yêu cầu chính phủ Thái trả tự do.

Một phụ nữ người Thượng được trả tự do cùng 3 người con, trong đó có 1 đứa trẻ sơ sinh được bà sinh ra ngay trong trại giam IDC nói qua người thông dịch rằng, khi được trả tự do bà không cảm thấy vui vì chồng của bà vẫn còn bị giam giữ.

Bà Grace Bùi tiết lộ, những người đàn ông và cả phụ nữ không có con bị bắt giam cùng đợt sẽ phải ở tù cho đến khi có một nước thứ ba đồng ý cho những người này đi tị nạn và sắp tới đây bà sẽ đem hồ sơ của những người Thượng này giao cho Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải của Canada để tìm kiếm giải pháp cho họ.

Hồi cuối tháng 8/2018, chính phủ Thái Lan tổ chức các đợt bố ráp và bắt giữ 168 người Thượng quốc tịch Việt Nam và Campuchia (theo số liệu của Ân xá Quốc tế) đang xin tị nạn và tìm kiếm quy chế tị nạn ở xứ Chùa Vàng.

Đến ngày 21/01/2019, Phó Thủ tướng Thái Lan, tướng Prawit Wongsuwan, ký ban hành Thỏa thuận thư (MOU) về các biện pháp thay thế cho giam giữ trẻ em trong các trại giam của Sở di trú.

Theo bản thỏa thuận này, người mẹ chỉ được thả ra khỏi trại giam của Sở di trú sau khi đóng tiền thế chân 50.000 Baht Thái (1.500 đô la Mỹ) để được đoàn tụ với con của họ trong các nhà tạm trú.

Các tổ chức bảo vệ người tị nạn và bảo vệ nhân quyền quan ngại về điều khoản này, vì đây là một khoản tiền quá lớn so với khả năng của những người phải đi lánh nạn.

****************

Uganda bắt hai người Việt Nam, tịch thu 750 ngà voi, hàng ngàn vảy tê tê (Người Việt, 31/05/2019)

Giới hữu trách ở Uganda vừa bắt giữ hai người Việt Nam, tịch thu 750 ngà voi và hàng ngàn vảy tê tê (pangolin scale) đưa từ quốc gia láng giềng South Sudan qua nước này.

ut3

Hai người Việt Nam bị bắt giữ. (Hình : Twitter/Uganda Revenue Authority)

Theo tin từ sở quan thuế Uganda hôm Thứ Năm, 31 tháng Giêng, đây là vụ tịch thu hàng hóa cấm liên quan đến động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay ở Uganda, quốc gia nằm trong vùng Đông Phi.

Hai người Việt Nam, vốn không được nêu danh tánh, bị bắt sau khi giới hữu trách rọi máy thấy các món hàng cấm dấu trong các thân cây gỗ, chứa trong ba thùng container, theo cơ quan quan thuế Uganda.


Hai người Việt Nam, vốn không được nêu danh tánh, bị bắt sau khi giới hữu trách rọi máy thấy các món hàng cấm dấu trong các thân cây gỗ, chứa trong ba thùng container, theo cơ quan quan thuế Uganda.

ut4

Giới chức quan thuế Uganda đưa cho báo chí xem một chiếc ngà voi bị bắt giữ. (Hình : Twitter/Uganda Revenue Authority)

Giới chức Uganda nói ngà voi và vảy tê tê nhiều phần được thu thập từ quốc gia láng giềng Congo, rồi chuyển qua South Sudan, trước khi vào Uganda.

Krisftof Titeca, một nhà nghiên cứu ở Bỉ, chuyên điều tra các vụ buôn bán ngà voi, nói rằng vụ tịch thu cho thấy Uganda vẫn còn là địa điểm trung chuyển quan trọng cho việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.

Các loài tê tê ở Phi Châu đang bị săn lùng vì nhu cầu của thị trường Á Châu, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam.

Vảy tê tê phơi khô, gọi là ‘xuyên sơn giáp’ (Squama Manidis), được y học dân gian coi là có thể làm thuốc tăng lượng sữa cho sản phụ, trị bệnh lao hạch (tràng nhạc) và mụn nhọt.

ut5

Số ngà voi và vảy tê tê được giấu trong các súc gỗ rồi cho vào các container. (Hình : Twitter/Uganda Revenue Authority)

Số lượng voi rừng ở Phi Châu hiện đang tiếp tục giảm mạnh vì nhu cầu ngà voi ở Trung Quốc và các quốc gia Á Châu khác. Lục địa Phi Châu vào thập niên 70 có khoảng 1,3 triệu con voi, nhưng hiện còn chưa tới 500.000 con.

Đàn voi ở Uganda trong những năm gần đây lên tới được hơn 5.000 con, nhưng loài thú này vẫn còn bị đe dọa, nhiều khi do sự trợ giúp của các giới chức chính phủ tham nhũng trong ngành bảo vệ động vật hoang dã. (V.Giang)

********************

Đường dây bán nội tạng người lớn nhất Việt Nam vừa bị xóa sổ (RFA, 31/01/2019)

Một đường dây bán nội tạng người được cho lớn nhất Việt Nam vừa bị công an triệt phá vào ngày 21 tháng 1 năm 2019 ; đồng thời 5 thành viên của tổ chức này đã bị bắt tạm giam và bị khởi tố.

ut6

Bị can Tôn Nữ Thị Huyền bị cáo buộc tội cầm đầu đường dây bán nội tạng xuyên quốc gia. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thanhnien.vn

Truyền thông trong nước, vào ngày 31 tháng 1, dẫn nguồn từ Cục Cảnh sát Hình sự, thuộc Bộ Công An cho biết tin vừa nêu.

Theo thông tin từ Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự thì đường dây bán nội tạng người xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5 năm 2017, do Tôn Nữ Thị Huyền, 44 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu cùng 4 thành viên khác, tuổi từ 20 đến 28 bao gồm Hoàng Đức Tùng, Huỳnh Linh Tâm, Phạm Quang Cảnh và Nguyễn Minh Tâm.

Nhóm này được nói hoạt động bằng việc tìm kiếm người mua bán thận trên mạng xã hội và liên kết với các môi giới người Việt tại nước ngoài, đã thực hiện được gần 100 vụ buôn bán thận, thu về hàng chục tỷ đồng.

Các nạn nhân là những thanh niên bán thận được tổ chức này tuyển chọn, đưa ra nước ngoài để thực hiện quá trình mổ thận và mỗi nạn nhân được trả 200 triệu đồng.

Đại tá Phan Mạnh Trường cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công An vào ngày 25 tháng 1 khởi tố hình sự và khởi tố 5 bị can của tổ chức bán thận vừa bị triệt phá này.

********************

Phá đường dây tổ chức bán thận xuyên quốc gia ở Sài Gòn (Người Việt, 31/01/2019)

Đến thời điểm bị công an bắt giữ, đường dây chuyên buôn bán nội tạng người này đã bán thận của hàng trăm người, chủ yếu là dân nghèo, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

ut7

Bà Tôn Nữ Thị Huyền (trái) và hai đồng phạm tại cơ quan công an. (Hình : Tuổi Trẻ)

Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, sáng 31 tháng Giêng, 2019, Cục Cảnh sát Hình sự phía Nam, cho hay đã phối hợp Bộ Công An và Công an ở Sài Gòn triệt phá đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia quy mô lớn, tạm giữ 5 nghi phạm.

Đường dây chuyên tổ chức bán thận này có 5 người do bà Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, ngụ Sài Gòn) cầm đầu cùng với bốn đồng phạm gồm các ông : Hoàng Đức Tùng (28 tuổi, quê Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (27 tuổi, quê Quảng Ngãi), Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, quê Hà Nội), Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, quê Vĩnh Phúc) thực hiện.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, nhóm người trên đa số đều là người đã mua thận để ghép hoặc bán thận nên nắm rõ mọi quy trình bán thận trái phép tại nước ngoài.

ut8

Một nạn nhân trong đường dây của bà Huyền. (Hình : Sài Gòn Giải Phóng)

Do cũng là người đã từng ghép thận, bà Huyền lên mạng xã hội tìm kiếm, tiếp cận, dụ dỗ nhiều người nghèo ở Việt Nam bán thận. Sau khi tìm được người bán, cả nhóm tổ chức tuyển chọn, nuôi ăn ở, đưa nạn nhân đi khám tổng quát tại các bệnh viện, phòng khám ở khắp Việt Nam.

Khi tuyển chọn được người bán thận có chỉ số phù hợp với người cần mua thận để ghép, bà Huyền tổ chức đưa nạn nhân đi từ cửa khẩu biên giới Việt Nam ra ngoại quốc để tiến hành mua bán và phẫu thuật ghép thận. Theo đó, ngoài việc lo hết các chi phí, mỗi nạn nhân bán thận được trả từ 200 triệu đến 210 triệu đồng (khoảng 8.620 USD).

Tin cho biết, theo điều tra đường dây này hoạt động từ tháng Năm, 2017 đến nay. Các nghi can thừa nhận đã bán thận của các nạn nhân từ Việt Nam ra nước ngoài. Tính đến thời điểm một tuần trước khi bị bắt, nhóm người này đã bán thận của hàng trăm nạn nhân. Bà Huyền khai, đường dây này hoạt động khắp Việt Nam. Giá mỗi ca từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng (khoảng từ 64.660 USD đến 86.213 USD) cho một lần bán thận để cấy ghép.

Mỗi ca bán thận, nhóm này lấy với giá khoảng 400 triệu đồng (17.240 USD), trả cho nạn nhân khoảng 200 triệu đồng (8.620 USD), thu lợi hàng chục tỷ đồng. Những người môi giới thành công sẽ được trả từ 20-25 triệu đồng. (Tr.N)

*********************

Biến tướng quà biếu lãnh đạo tại Việt Nam (RFA, 31/01/2019)

Ngay trước tết Nguyên Đán 2019, Văn phòng Chính phủ Việt Nam cùng với các cấp lãnh đạo vào ngày 31/1 tại buổi họp báo của Chính phủ, ban hành chỉ thị bảo đảm việc đón Tết Nguyên Đán 2019 lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

ut9

Người dân đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. (Ảnh minh họa) - AFP

Trong đó, ông Mai Tiến Dũng chủ nhiệm văn phòng chính phủ nhận mạnh đến việc nghiêm cấm mọi hình thức tặng nhận quà Tết cho cấp trên, không được sử dụng tiền, phương tiện và tài sản công trái quy định vào các hoạt động các nhân trong dịp Tết Nguyên Đán.

Trước đó là chỉ thị cùng nội dung của Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, rồi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh…

Sau khi chỉ thị của chính phủ được công khai, công luận tiếp tục phản ứng cho rằng, năm nào cũng chỉ thị nghiêm cấm nhưng việc lệnh cấm này hầu như chẳng có tác dụng gì.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng từ Việt Nam đồng ý với điều đó và ông nhận định :

"Chúng ta cũng biết là tình trạng này từ lâu lắm rồi hầu như năm nào cứ đến dịp trước tết là có những việc xảy ra : các quan lớn nhận quà biếu như là dịp trả ơn và nói thẳng ra là những việc hối lộ nhân dịp tết là quà biếu. Tôi nghĩ rằng nếu có lệnh cấm thì nó cũng không có tác dụng gì, ta thấy việc ban hành lệnh cấm chỉ làm cho công luận thấy làm mục tiêu để đả kích thôi chứ không hề có tác dụng gì".

Còn đối với nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang thì không thể qui kết hoàn toàn là do thể chế của Đảng.

"Cái tập tính tập quán biếu xén cấp dưới biếu cấp trên, nhân viên cấp dưới biếu xén lãnh đạo, địa phương biếu xén trung ương nó đã có từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ rằng không thể qui kết hoàn toàn do thể chế của đảng cộng sản. Tôi nghĩ rằng hồi xa xưa dân tộc mình cũng đã có truyền thống như thế, người dưới biếu người trên, dân thì biếu quan và trò biếu thầy cô nhưng nói thật cái lễ nghĩa ngày xưa nó chỉ có tính chất tình cảm nhẹ nhàng là chủ yếu chứ ít có trường hợp động cơ nhằm trục lợi như bây giờ, bây giờ nó thô thiển lắm biếu lên lương, lên chức rồi thay đổi vị trí công tác. Vấn nạn này tại Việt Nam trong nhiều năm qua rất là nặng nề trong những dịp lễ tết".

Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận với báo chí rằng, việc chúc Tết là văn hóa tốt và truyền thống của người Việt Nam, tại các nước phương Tây người ta đến thăm nhau, tặng nhau những món quà mang tính chất tượng trưng, nhiều ý nghĩa…. Tuy nhiên thực tế ở nước ta đôi khi việc tặng quà Tết đã bị biến tướng và lợi dụng và những mục đích khác nhau.

Đồng ý với điều này nhà báo Ngô Nhật Đăng chia sẽ :

"Ông Dũng nói là chính xác vì không chỉ riêng tại Việt Nam mà hầu như các nước khác cũng đều như thế vào những dịp lễ tết bạn bè thăm nhau vào những dịp tụ họp thì đều có những món quà. Ta thấy như là tại Châu Âu các nước theo đạo Công giáo vào dịp Giáng sinh tặng quà cho nhau nhưng tại Việt Nam nó trở thành biến tướng, hàng ngày cũng có có dịp quà biếu nhưng nhân dịp tết thì nó xảy ra quá nhiều, thấy rằng nó biến tướng một cách nghiêm trọng, ta nên dùng từ là suy đồi thì đúng hơn".

Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cấm sử dụng tiền, phương tiện và tài sản công trái quy định sử dụng vào mục đích đi lại dịp Tết, liên hoan và quyền lợi cá nhân.

Trên mạng xã hội Facebook từ hôm 30/1 lan truyền hình ảnh một chiếc xe phòng cháy chữa cháy đang vận chuyển một chậu hoa đào lớn lên một chung cư. Tòa chung cư này được dư luận cho rằng rất nhiều cán bộ công an đang cư ngụ tại đó.

10000000000000000000

Hình ảnh được dư luận cho rằng lực lượng phòng cháy chữa cháy vận chuyển chậu hoa đào lên chung cư tại Hà Nội. Courtesy of otofun.net

Một số chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng, những việc làm như thế là trái với qui định pháp luật và yêu cầu ban lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội làm rõ và xử lý vấn đề này.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, những hành vi đó là lợi dụng và lạm dụng tài sản công vào việc tư nên về nguyên tắc nó vi phạm pháp luật và có các điều khoản trong luật pháp rõ ràng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quan trọng nhất là người ta xử lý vụ việc như thế nào mà thôi.

Ông dẫn ví dụ : "Người dân với nhau mà ăn cắp con gà thôi là đi tù mấy năm nhưng còn quan xử quan thì nó nhẹ lắm. Vụ ồn ào nhất mới đây là vụ xe công của Bộ Công thương sử dụng xe biển số 80B là của cơ quan trung ương là xe đặc biệt ấy ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Mạng xã hội thì nói rất là nhiều còn báo chí nhà nước thì không nói gì rồi cũng mổ xẻ cho đến giờ cũng chưa đâu vào đâu cả, nếu nói về tác dụng thì nó hạ uy tín của nhà nước đối với nhân dân, nếu quy ra tiền thì nó cũng không phải ít đâu là phạm pháp rồi nhưng chả thấy ai khởi tố hình sự, chứ nếu là người dân là chết chắc rồi".

Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, nếu nhìn theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì đó là hình ảnh rõ ràng vi phạm pháp luật nhưng nhìn về mặt khác chúng ta sẽ thấy nó phản ánh tình trạng vô pháp luật tại Việt Nam.

"Pháp luật thì chỉ dành cho một số người thôi còn các quan chức, công an thì hầu như họ đứng trên luật pháp nên chúng ta thấy nền pháp luật Việt Nam có một khái niệm gọi là chế độ công an trị, khi luật pháp không được tôn trọng nó lên tới đỉnh điểm thì nó sẽ xảy ra tình trạng đó, không có tam quyền phân lập lực lượng chức năng lợi dụng các quyền của mình đứng trên luật pháp".

Theo nhận định của các nhà báo, việc chế tài và hạn chế những tình trạng lợi dụng biếu quà tết nhằm trục lợi hay sử dụng tài sản công trái quy định một cách nghiêm khắc là một điều vô cùng khó và không thể chế tài bằng pháp luật được.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nó phụ thuộc vào sự quyết tâm của những người lãnh đạo, đứng đầu thể chế này. Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng, tất cả mọi thứ bây giờ đều trong tay một Đảng lãnh đạo thì dù pháp luật ngăn cấm thì biện pháp chế tài hầu như không bao giờ thực thi được.

Quay lại trang chủ
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)