Thủ tướng Việt Nam chỉ thị bảo vệ quyền lợi cho dân Thủ Thiêm (RFA, 16/05/2018)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của thành phố, vì cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. AFP
Phát biểu trên được ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hôm 15 tháng 5 trong cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành Phố Hồ Chí Minh bàn việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Thủ Thiêm.
Cùng chủ trì buổi họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng. Nguyên lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham dự cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo "UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, giải quyết các khiếu kiện của người dân ; thực hiện ngay các chính sách phù hợp đối với người dân, nhất là những người đã bàn giao đất mà chưa nhận nhà tái định cư hoặc bị cưỡng chế mà chưa có chỗ ở thì phải có ngay các giải pháp cần thiết để lo cho người dân, không để người dân quá khó khăn trong cuộc sống".
Theo người đứng đầu chính phủ Hà Nội, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt bằng quyết định 367 năm 1996 và là công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của thành phố, thế nhưng trong quá trình thực hiện có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ nên người dân khiếu kiện kéo dài.
Nay thủ tướng yêu cầu giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu sai phải xác định rõ thời gian sửa chữa và cách giải quyết. Tất cả phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2018.
Hiện, dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Vụ việc Thủ Thiêm nóng lên trong thời gian qua. Những người dân có nhà ngoài ranh giới qui hoạch, nhưng bị cưỡng chế và phải khiếu kiện lâu nay, lên tiếng về trường hợp của họ với các đại biểu quốc hội khu vực Quận 2, thành phố Sài Gòn.
Trước đó có tin bản đồ qui hoạch 1/5000 khu vực Thủ Thiêm bị mất ; nhưng rồi một vị cựu chủ tịch thành phố, ông Võ Viết Thanh, công bố những bản đồ gốc khiến người dân thêm bức xúc.
Trước đây vào năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lên tiếng nói rõ vụ cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng là sai. Thế nhưng bản thân ông Đoàn Văn Vươn và một số người trong gia đình vẫn bị kết án tù với cáo buộc chống trả lực lượng cưỡng chế.
*********************
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xăng dầu kịch trần (RFA, 16/05/2018)
Bộ Tài chính duy trì đề xuất Quốc hội cho tăng thuế Bảo vệ Môi trường đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Người dân chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở Hà Nội. AFP photo
Đây là một trong những nội dung chính thuộc Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16 tháng 5.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít ; Dầu diesel được đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít ; Dầu madut, dầu nhờn được đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg ; Dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Lý do Bộ Tài chính đưa ra lần này là do giá xăng dầu của VN thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khu vực ASEAN và Châu Á. Bộ Tài chính cho biết hiện giá xăng của VN thấp hơn 120 quốc gia trên thế giới.
Theo tính toán của ngành tài chính thì ngân sách nhà nước sẽ thu về một khoản hơn 14.000 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần như vậy.
Thời gian gần đây Bộ Tài chính thường xuyên đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, với lý do là để bổ sung cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên nhiều người dân và thậm chí cả các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng đây là điều vô lý vì không thể tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng lại bỏ vào ngân sách chung. Trong khi đó nhiều người dân than phiền là thuế bảo vệ môi trường ngày một tăng trong khi môi trường vẫn ô nhiễm nặng nề.
********************
Hơn 30% lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (16/05/2018)
Có đến gần 35% lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tính đến tháng 4 năm nay.
Hình minh họa. Một người lao động Việt Nam (giữa) đi Hà Quốc tại sân bay Nội Bài hôm 5/11/2007 - AFP
Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội Việt Nam công bố tỷ lệ vừa nêu.
Báo Người Lao động trích nguồn tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, con số lao động Việt Nam bỏ trốn những năm qua thậm chí chiếm đến tổng số 40% số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia. Các quốc gia này đều có lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, tuy nhiên tỷ lệ trung bình của các nước chỉ chiếm khoảng 8 đến 9%, nước nhiều cũng chỉ chiếm khoảng 15 đến 16% trong tổng số lao động nước ngoài bỏ trốn.
Phía Hàn Quốc mới đây cũng cảnh báo nếu tình trạng người lao động từ Việt Nam bỏ trốn ở lại tiếp tục gia tăng thì nước này sẽ ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2019.
Mới đây Bộ Lao động Thương Binh Xã hội đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động nước ngoài sang Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2018 tại 49 địa phương là những nơi có đông người lao động bỏ trốn.
****************
Đức phát hiện đường dây đưa lậu người Việt vào Đức (RFA, 16/05/2018)
Cảnh sát Đức hôm thứ ba ngày 15/5 đã bắt giữ hai người đàn ông Việt Nam nằm trong đường dây đưa lậu người Việt vào Đức. Reuters trích nguồn tin từ cảnh sát Đức cho biết như vậy hôm 15/5.
Hình minh họa. Một cảnh sát Đức nói chuyện với người nhập cư đang đợi trên biên giới giữa Đức và Áo ở thị trấn Passau, miền nam Đức hôm 28/10/2015 - AFP
Theo Reuters, cảnh sát Đức đã bố ráp 20 căn hộ tại Berlin và Brandenburg, bắt giữ 3 người đàn ông bao gồm hai người Việt có độ tuổi 57 và 25, và một người Đức, 26 tuổi. Những người này bị tình nghi đã sắp xếp các vụ kết hôn giả và chứng nhận cha mẹ để giúp người Việt có giấy tờ cư trú tại Đức.
Theo cảnh sát Đức, trong cuộc bố ráp, cảnh sát đã thu giữ nhẫn cưới, giấy tờ nhận dạng cá nhân, điện thoại và hơn 26.000 euro tiền mặt.
Cuộc điều tra của cảnh sát Đức về băng nhóm này đã được bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái và cho đến giờ đã phát hiện được 10 người tình nghi bao gồm cả người Đức lẫn Việt Nam.
*****************
Cảnh sát Đức bắt 2 người Việt trong đường dây buôn người (VOA, 16/05/2018)
Cảnh sát Đức hôm 16/5 bắt giữ 3 người bị tình nghi thuộc một đường dây buôn người Việt Nam vào Đức.
Hai người Việt Nam vừa bị cảnh sát Đức bắt giữ bị tình nghi tổ chức nhiều đám cưới giả để giúp nhiều người xin giấy phép cư trú tại Đức.
Hãng tin Reuters dẫn lời cảnh sát Đức tường thuật rằng 2 trong số 3 người bị bắt là người Việt Nam. Người còn lại là một công dân Đức 26 tuổi.
Cảnh sát cho biết hai người đàn ông Việt Nam, 57 tuổi và 35 tuổi – bị tình nghi là tổ chức nhiều đám cưới giả và cấp giấy chứng nhận mang thai giả để giúp nhiều người xin giấy phép cư trú tại Đức.
Cảnh sát Đức thu giữ nhiều nhẫn cưới, giấy tờ chứng minh thư, điện thoại và hơn 26.000 euro (khoảng 30.000 USD) tiền mặt trong khi lục soát 20 căn hộ ở thủ đô Berlin và Brandenburg.
Các cuộc điều tra của cảnh sát Đức về nhóm buôn người này bắt đầu từ tháng 3/2017 và cho tới thời điểm này, đã nhận dạng được 10 nghi phạm gồm cả người Việt Nam và Đức.
Có khoảng 150.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Đức, theo Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức Nguyễn Văn Thoại.
Berlin, nơi diễn ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, là nơi có đông đảo người Việt sinh sống hợp pháp. Cộng đồng người Việt tại đây được ước lượng lên tới 25.000 người.
Trước đây đã có thông tin về một số người Việt Nam bị cảnh sát Đức bắt giữ vì các hoạt động buôn lậu.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2018, một chủ nhà hàng Việt Nam tại trung tâm Berlin bị bắt giữ vì buôn lậu 15kg cần sa, theo thoibao.de.
Trang mạng VietnamPlus đưa tin là vào tháng 8 năm ngoái, một người Việt ở Đức bị bắt giữ vì bán hàng cấm là sừng tê giác và ngà voi.
*****************
Việt Nam ‘lúng túng’ xử lý khách Trung Quốc mặc áo đường lưỡi bò (VOA, 16/05/2018)
Các quan chức Việt Nam đang lúng túng trong việc xử lý nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" 9 đoạn mà Việt Nam cho là bất hợp pháp.
Tuổi Trẻ gạch chéo phần hình ảnh đường "lười bò" 9 đoạn in trên áo của nhóm khách du lịch Trung Quốc tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa, trong tấm ảnh lan truyền trên mạng Facebook.
Nhóm 14 du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa hôm 13/5 trên người mặc áo phông in bản đồ với đường lưỡi bò mà Việt Nam cho là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam" đã gây phẫn nộ trong công chúng, theo truyền thông trong nước.
Luật Du lịch có quy định rõ là các hoạt động du lịch xâm phạm đến an ninh chủ quyền đều thuộc về điều cấm.
Nguyễn Thiện Hùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa
Tỉnh Khánh Hòa cho rằng mặc áo in hình "đường lưỡi bò" nhập cảnh Việt Nam là "phi pháp" nhưng chưa có quy định xử lý đối với hành vi này.
Phó Chủ tịch tỉnh Trần Sơn Hải được VnExpress trích lời cho biết đây là lần đầu tiên phát hiện ra du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" nhập cảnh Việt Nam.
Ông Hải nói : "Địa phương đã có bộ quy tắc ứng xử về du lịch, nhưng trong đó không quy định rõ về vấn đề này nên khá lúng túng trong xử lý bởi đây đặc thù có câu chuyện về chủ quyền".
Người Việt Nam ở Manila ăn mừng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế La Haye không công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc ra hồi tháng 7/2016.
Nhận định về giải pháp xử lý, Luật sư Nguyễn Thiện Hùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa và là một đại biểu của Hội đồng Nhân dân tỉnh miền Trung, cho biết : "Luật Du lịch có quy định rõ là các hoạt động du lịch xâm phạm đến an ninh chủ quyền đều thuộc về điều cấm". Nhưng ông Hùng cho VOA biết rằng tỉnh "không giao cho Hội Luật gia trực tiếp xử lý vụ việc này".
Nhiều người, cả Việt Nam và nước ngoài, kêu gọi các quan chức tỉnh trục xuất những du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò".
Nhiều người dân đã thể hiện sự bất bình của họ trên mạng xã hội về vụ việc. Nhiều người, cả Việt Nam và nước ngoài, kêu gọi các quan chức tỉnh trục xuất những du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò".
Ông Hoàng Quốc Thái, chủ tịch Hội Văn hóa, Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói : "Là người Việt, mình bất bình với việc làm của họ".
"Rõ ràng là không ai đồng tình chuyện đó", theo LS Hùng. Ông cho rằng tôn trọng chủ quyền thì "ở dân tộc nào, người dân của đất nước nào" cũng phải làm như vậy.
Tuy nhiên ông Thái, một người phục vụ trong ngành du lịch nhiều năm ở Quảng Ninh, lại cho rằng không dễ để xử lý việc này. "Về pháp lý, chưa có quy định, chưa có điều khoản nào trong luật cấm khách mặc quần này áo kia".
Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói cần phải có quy định và biện pháp xử lý rõ ràng.
Du khách Trung Quốc chiếm hơn phân nửa lượng khách nước ngoài tới thăm Nha Trang trong 4 tháng đầu năm nay.
VNExpress dẫn lời Phó giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Viết Định xác nhận rằng toàn bộ số áo in hình "đường lưỡi bò" đã bị công an thu giữ.
Cơ quan điều tra đang làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ động cơ của nhóm khách Trung Quốc, theo Đại tá Định.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chỉ đạo các quan chức tỉnh Khánh Hòa có các biện pháp xử lý và yêu cầu Bộ Công an và Bộ Ngoại giao vào cuộc.
Theo lịch trình, nhóm du khách Trung Quốc sẽ lưu lại 5 ngày ở Nha Trang trong tour du lịch này.
Du khách Trung Quốc chiếm hơn phân nửa lượng khách nước ngoài tới thăm Nha Trang trong năm nay. Có khoảng 750.000 khách nước ngoài tới Nha Trang trong 4 tháng đầu năm, trong đó khách Trung Quốc vượt mức 465.000 người.
Theo số liệu chính thức của ngành du lịch thì trong quý đầu năm nay, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam đã tăng 40%, với tổng cộng 1.77 triệu khách, tới các địa điểm du lịch trên cả nước.
Linh Đan
Du khách Trung Quốc mặc áo "đường lưỡi bò" tại sân bay quốc tế Cam Ranh (VOA, 15/05/2018)
Hình ảnh hàng chục du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh vào đêm 13/5 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường, nhưng một số nhà tranh đấu cho rằng bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Hà nội không quyết liệt bảo vệ biển đảo trong khi cùng lúc thẳng tay đàn áp những người tranh đấu phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, lâu dần đã khiến người dân Trung Quốc và cả người dân trong nước có cái nhìn lệch lạc về vấn để chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Một số nhà hoạt động ở trong nước trao đổi cảm nghĩ của họ với VOA-Việt ngữ về sự cố này.
Du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. (Ảnh : Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Theo tin tổng hợp từ các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, VNexpress và nhiều trang mạng tin tức thì nhóm du khách Trung Quốc đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đến từ Tây An, Trung Quốc, đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh vào lúc 20h35 ngày 13/5. Chỉ sau khi làm thủ tục quá cảnh, đoàn người mới cởi áo khoác để lộ chiếc áo phông màu trắng, phía sau có in bản đồ của Trung Quốc với đường lưỡi bò chín đoạn, bao gồm các đảo mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình và một số nước khác trong khu vực.
Công ty Aladin, công ty tổ chức tua du lịch 5 ngày tới tỉnh Khánh Hòa xác nhận tin này, và cho biết trong đoàn, có khoảng hơn 10 người mặc áo phông đường lưỡi bò.
Trang mạng Vnexpress trích lời lãnh đạo công an tại sân bay nói rằng sau khi phát hiện, công an cửa khẩu đã liên lạc với công ty lữ hành Aladin, yêu cầu du khách thay áo, và phối hợp với công an tỉnh Khánh Hòa để giải quyết vụ việc. Theo công ty Aladin, khách cho biết đã mua áo tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Những bức ảnh chụp ảnh đoàn du lịch, đa số là phụ nữ, mặc áo phông in hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò đã gây phẫn nộ, đặc biệt trong giới những người đã dấn thân tranh đấu chống chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Từ Hà nội, anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động đại diện cho nhóm dân oan ở Dương Nội, ủng hộ những người chống thái độ gây hấn của Bắc Kinh để khẳng dịnh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nói :
"Tôi thấy rằng những người mà mặc áo như thế là một sự mang tính chất sỉ nhục đối với dân tộc Việt Nam. Họ sang Việt Nam mà có những hành vi như vậy thì tôi thấy rất là phẫn nộ".
Nhóm NoU là nhóm đấu tranh phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của người dân về vấn đề biển đảo, đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay vì những hoạt động của mình. Một thành viên của nhóm, anh Lã Việt Dũng, nói theo anh thì đây là một hành động cố ý chứ không phải vô tình.
Đó là nhận định đầu tiên cùa tôi. Thứ hai là tôi thấy đây là một sự hết sức là thờ ơ, vô trách nhiệm của chính quyền Việt Nam khi mà họ coi nhẹ việc đấy".
Báo SGGP chiều 14/5 tường thuật rằng Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, và kết quả từ camera sân bay Cam Ranh để làm rõ vụ việc.
Anh Lã Việt Dũng lưu ý về sự tương phản trong thái độ và cách xử lý của chính quyền Việt Nam, một mặt đàn áp nhóm NoU, trong khi tỏ ra quá mềm mỏng trước những hành vi lấn át của Trung Quốc.
"Đầu tiên phải nói thái độ của chính quyền đối với các hình ảnh mà chúng tôi giương lên về việc phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, họ đàn áp rất là nặng. Nhưng mà ngược lại, đối với du khách Trung Quốc họ đến Việt Nam họ làm gì, họ mặc áo này nọ thì chính quyền lại lơ là và không kiểm soát. Đó là một sự phân biệt đối xử rất là khác biệt".
Cả hai nhà hoạt động đều cho rằng để tránh những sự cố tương tự tái diễn, Việt Nam cần xử lý vụ việc này bằng các biện pháp cứng rắn. Anh Trịnh Bá Phương :
"Theo tôi thì phía nhà cầm quyền Việt Nam phải có một hành động cứng rắn hơn bằng cách trục xuất ngay hoặc có thể tạm giữ, và lên tiếng với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành vi mang tính chất xâm lược biển đảo của Việt Nam".
Anh Lã Việt Dũng thì cho rằng chính quyền Việt Nam thường né tránh nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, anh Dũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất nước, nếu Hà Nội tiếp tục thái độ né tránh, và không nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Anh nói :
"Không có cách nào khác là chính quyền phải tuyên truyền mạnh về ý nghĩa của đường lưỡi bò Trung Quốc, và ý nghĩa của việc người dân Việt Nam phản đối đường lưỡi bò đó như thế nào. Tôi xem hình trên mạng thì tôi rất là buồn là vì hình như chính quyền Việt Nam chẳng biết gì về phản ứng của người dân, tôi thì cho rằng nếu Việt Nam mình không có những thái độ đúng đắn về vấn đề chủ quyền thì mình sẽ mất nước rất là nhanh".
***********************
Du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò đến Cam Ranh (RFA, 14/05/2018)
Một đoàn du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường ‘lưỡi bò’ qua được cửa khẩu nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh vào tối ngày 13 tháng 5.
Khách du lịch Trung Quốc mặc áo thun có in hình "đường lưỡi bò" tại nơi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. courtesy of zing.vn
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vào ngày 14 tháng 5 cho biết đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ làm rõ vụ việc vừa nêu. Cụ thể Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà, trả lời báo giới nói rõ nhóm khoảng 10 người Trung Quốc khi làm thủ tục ở cửa khẩu sân bay Cam Ranh thì vẫn mặc áo khoác ; đến khi ra khu vực bên ngoài chuẩn bị lên xe đi Nha Trang thì cởi bỏ áo khoác, lộ ra áo thun trắng phía sau có in hình đường lưỡi bò.
Báo Pháp Luật ghi nhận Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch Aladin đã xác nhận đoàn khách Trung Quốc mặc áo thun có hình lưỡi bò đi theo tour và dịch vụ của công ty này đến du lịch Thành phố Nha Trang. Hiện công ty này đang thu hồi toàn bộ số áo đó để tiêu hủy.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng xác nhận với báo chí là đang cùng phối hợp với các cơ quan chức năng trong vụ việc này.
Đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là "đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra và sử dụng để đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Lâu nay, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện những vụ việc du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có in bản đồ với đường lưỡi bò, hay bản đồ do Trung Quốc phát hành vào Việt Nam với hình ảnh đó.
********************
Khách TQ mặc áo in bản đồ 'lưỡi bò' vào VN (BBC, 14/05/2018)
Hôm thứ Hai (14/5), mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền hình ảnh một nhóm người, được cho là du khách Trung Quốc, mặc áo thun trắng in bản đồ 'đường lưỡi bò' ở sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.
Du khách Trung Quốc, mặc áo thun trắng in bản đồ 'đường lưỡi bò' ở sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam
Hiện chưa có xác nhận chính thức ai là người đã chụp những bức hình này.
Thông tin từ trong nước cho biết các hình ảnh này được chụp ở sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh cho biết, khoảng 23h20 ngày 13/5, một nhóm khách du lịch Trung Quốc (khoảng 10 người) mặc áo in hình bản đồ nước này kèm ranh giới 'đường lưỡi bò', theo báo Tuổi Trẻ.
Đường lưỡi bò được Trung Quốc tuyên truyền khắp nơi
Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập cảnh những người này vẫn mặc áo khoác, và chỉ mặc áo in hình 'đường lưỡi bò' sau khi làm xong thủ tục và ra ngoài sảnh, theo news.zing.vn đưa tin.
Được biết nhóm người này đi theo tour du lịch được tổ chức bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Aladin có trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Không có tin những du khách này có bị cấm vào Việt Nam du lịch tiếp hay không, nhưng số áo trên đã bị phía Việt Nam thu hồi.
Trung Quốc là nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng.
Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.
Các điểm đến ven biển miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng là những nơi thu hút du khách Trung Quốc.
Đã có một số lùm xùm xung quanh khách du lịch Trung Quốc ở Việt Nam.
Một số hướng dẫn viên Trung Quốc "lao động không phép" ở Việt Nam bị cho là xuyên tạc lịch sử địa lý Việt Nam, chẳng hạn như cáo buộc có người nói rằng bãi biển Mỹ Khê thực ra là thuộc về Trung Quốc.
Đường Lưỡi bò
Hồi tháng 07/2016, trước ngày phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích ngọn nguồn vụ việc, theo trang The Diplomat :
"Ý tưởng rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đề ra, và sau được đưa vào trong 'Nam Hải Chính sách Cương lĩnh - Nanhai Zhengce Gangling' năm 1993.
"Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn".
"Tổng thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là vùng nước lịch sử".