Du khách Trung Quốc mặc áo "đường lưỡi bò" tại sân bay quốc tế Cam Ranh (VOA, 15/05/2018)
Hình ảnh hàng chục du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh vào đêm 13/5 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường, nhưng một số nhà tranh đấu cho rằng bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Hà nội không quyết liệt bảo vệ biển đảo trong khi cùng lúc thẳng tay đàn áp những người tranh đấu phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, lâu dần đã khiến người dân Trung Quốc và cả người dân trong nước có cái nhìn lệch lạc về vấn để chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Một số nhà hoạt động ở trong nước trao đổi cảm nghĩ của họ với VOA-Việt ngữ về sự cố này.
Du khách Trung Quốc mặc áo phông in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh. (Ảnh : Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Theo tin tổng hợp từ các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, VNexpress và nhiều trang mạng tin tức thì nhóm du khách Trung Quốc đi trên chuyến bay mang số hiệu QJ 8889 đến từ Tây An, Trung Quốc, đã đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh vào lúc 20h35 ngày 13/5. Chỉ sau khi làm thủ tục quá cảnh, đoàn người mới cởi áo khoác để lộ chiếc áo phông màu trắng, phía sau có in bản đồ của Trung Quốc với đường lưỡi bò chín đoạn, bao gồm các đảo mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình và một số nước khác trong khu vực.
Công ty Aladin, công ty tổ chức tua du lịch 5 ngày tới tỉnh Khánh Hòa xác nhận tin này, và cho biết trong đoàn, có khoảng hơn 10 người mặc áo phông đường lưỡi bò.
Trang mạng Vnexpress trích lời lãnh đạo công an tại sân bay nói rằng sau khi phát hiện, công an cửa khẩu đã liên lạc với công ty lữ hành Aladin, yêu cầu du khách thay áo, và phối hợp với công an tỉnh Khánh Hòa để giải quyết vụ việc. Theo công ty Aladin, khách cho biết đã mua áo tại một khu chợ ở Trung Quốc.
Những bức ảnh chụp ảnh đoàn du lịch, đa số là phụ nữ, mặc áo phông in hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò đã gây phẫn nộ, đặc biệt trong giới những người đã dấn thân tranh đấu chống chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Từ Hà nội, anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động đại diện cho nhóm dân oan ở Dương Nội, ủng hộ những người chống thái độ gây hấn của Bắc Kinh để khẳng dịnh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nói :
"Tôi thấy rằng những người mà mặc áo như thế là một sự mang tính chất sỉ nhục đối với dân tộc Việt Nam. Họ sang Việt Nam mà có những hành vi như vậy thì tôi thấy rất là phẫn nộ".
Nhóm NoU là nhóm đấu tranh phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của người dân về vấn đề biển đảo, đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay vì những hoạt động của mình. Một thành viên của nhóm, anh Lã Việt Dũng, nói theo anh thì đây là một hành động cố ý chứ không phải vô tình.
Đó là nhận định đầu tiên cùa tôi. Thứ hai là tôi thấy đây là một sự hết sức là thờ ơ, vô trách nhiệm của chính quyền Việt Nam khi mà họ coi nhẹ việc đấy".
Báo SGGP chiều 14/5 tường thuật rằng Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, và kết quả từ camera sân bay Cam Ranh để làm rõ vụ việc.
Anh Lã Việt Dũng lưu ý về sự tương phản trong thái độ và cách xử lý của chính quyền Việt Nam, một mặt đàn áp nhóm NoU, trong khi tỏ ra quá mềm mỏng trước những hành vi lấn át của Trung Quốc.
"Đầu tiên phải nói thái độ của chính quyền đối với các hình ảnh mà chúng tôi giương lên về việc phản đối đường lưỡi bò Trung Quốc, họ đàn áp rất là nặng. Nhưng mà ngược lại, đối với du khách Trung Quốc họ đến Việt Nam họ làm gì, họ mặc áo này nọ thì chính quyền lại lơ là và không kiểm soát. Đó là một sự phân biệt đối xử rất là khác biệt".
Cả hai nhà hoạt động đều cho rằng để tránh những sự cố tương tự tái diễn, Việt Nam cần xử lý vụ việc này bằng các biện pháp cứng rắn. Anh Trịnh Bá Phương :
"Theo tôi thì phía nhà cầm quyền Việt Nam phải có một hành động cứng rắn hơn bằng cách trục xuất ngay hoặc có thể tạm giữ, và lên tiếng với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành vi mang tính chất xâm lược biển đảo của Việt Nam".
Anh Lã Việt Dũng thì cho rằng chính quyền Việt Nam thường né tránh nói về vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, anh Dũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất nước, nếu Hà Nội tiếp tục thái độ né tránh, và không nâng cao nhận thức trong dân chúng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Anh nói :
"Không có cách nào khác là chính quyền phải tuyên truyền mạnh về ý nghĩa của đường lưỡi bò Trung Quốc, và ý nghĩa của việc người dân Việt Nam phản đối đường lưỡi bò đó như thế nào. Tôi xem hình trên mạng thì tôi rất là buồn là vì hình như chính quyền Việt Nam chẳng biết gì về phản ứng của người dân, tôi thì cho rằng nếu Việt Nam mình không có những thái độ đúng đắn về vấn đề chủ quyền thì mình sẽ mất nước rất là nhanh".
***********************
Du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò đến Cam Ranh (RFA, 14/05/2018)
Một đoàn du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường ‘lưỡi bò’ qua được cửa khẩu nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh vào tối ngày 13 tháng 5.
Khách du lịch Trung Quốc mặc áo thun có in hình "đường lưỡi bò" tại nơi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. courtesy of zing.vn
Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vào ngày 14 tháng 5 cho biết đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ làm rõ vụ việc vừa nêu. Cụ thể Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà, trả lời báo giới nói rõ nhóm khoảng 10 người Trung Quốc khi làm thủ tục ở cửa khẩu sân bay Cam Ranh thì vẫn mặc áo khoác ; đến khi ra khu vực bên ngoài chuẩn bị lên xe đi Nha Trang thì cởi bỏ áo khoác, lộ ra áo thun trắng phía sau có in hình đường lưỡi bò.
Báo Pháp Luật ghi nhận Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch Aladin đã xác nhận đoàn khách Trung Quốc mặc áo thun có hình lưỡi bò đi theo tour và dịch vụ của công ty này đến du lịch Thành phố Nha Trang. Hiện công ty này đang thu hồi toàn bộ số áo đó để tiêu hủy.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng xác nhận với báo chí là đang cùng phối hợp với các cơ quan chức năng trong vụ việc này.
Đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là "đường lưỡi bò" do Trung Quốc đơn phương vẽ ra và sử dụng để đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Lâu nay, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện những vụ việc du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có in bản đồ với đường lưỡi bò, hay bản đồ do Trung Quốc phát hành vào Việt Nam với hình ảnh đó.
********************
Khách TQ mặc áo in bản đồ 'lưỡi bò' vào VN (BBC, 14/05/2018)
Hôm thứ Hai (14/5), mạng xã hội ở Việt Nam lan truyền hình ảnh một nhóm người, được cho là du khách Trung Quốc, mặc áo thun trắng in bản đồ 'đường lưỡi bò' ở sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.
Du khách Trung Quốc, mặc áo thun trắng in bản đồ 'đường lưỡi bò' ở sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam
Hiện chưa có xác nhận chính thức ai là người đã chụp những bức hình này.
Thông tin từ trong nước cho biết các hình ảnh này được chụp ở sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh cho biết, khoảng 23h20 ngày 13/5, một nhóm khách du lịch Trung Quốc (khoảng 10 người) mặc áo in hình bản đồ nước này kèm ranh giới 'đường lưỡi bò', theo báo Tuổi Trẻ.
Đường lưỡi bò được Trung Quốc tuyên truyền khắp nơi
Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập cảnh những người này vẫn mặc áo khoác, và chỉ mặc áo in hình 'đường lưỡi bò' sau khi làm xong thủ tục và ra ngoài sảnh, theo news.zing.vn đưa tin.
Được biết nhóm người này đi theo tour du lịch được tổ chức bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Aladin có trụ sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Không có tin những du khách này có bị cấm vào Việt Nam du lịch tiếp hay không, nhưng số áo trên đã bị phía Việt Nam thu hồi.
Trung Quốc là nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam nhất và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng.
Năm 2016, khách Trung Quốc chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.
Các điểm đến ven biển miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng là những nơi thu hút du khách Trung Quốc.
Đã có một số lùm xùm xung quanh khách du lịch Trung Quốc ở Việt Nam.
Một số hướng dẫn viên Trung Quốc "lao động không phép" ở Việt Nam bị cho là xuyên tạc lịch sử địa lý Việt Nam, chẳng hạn như cáo buộc có người nói rằng bãi biển Mỹ Khê thực ra là thuộc về Trung Quốc.
Đường Lưỡi bò
Hồi tháng 07/2016, trước ngày phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tháng này, ông Tiết Lực (Xue Li) từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích ngọn nguồn vụ việc, theo trang The Diplomat :
"Ý tưởng rằng Đường Chín Đoạn phân định ra vùng nước lịch sử là do Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đề ra, và sau được đưa vào trong 'Nam Hải Chính sách Cương lĩnh - Nanhai Zhengce Gangling' năm 1993.
"Vùng nước lịch sử giống vùng nội thủy nhưng có ý nghĩa pháp lý thấp hơn".
"Tổng thống Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này vào năm 2003 khi ông lên cầm quyền, nhưng Đài Loan chưa bao giờ ra tuyên bố về vùng nước nằm trong Đường Chín Đoạn, nên các vùng nước này vẫn có thể bị cho như là vùng nước lịch sử".