Xét xử các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ngày 08/01/2018 (RFI, 27/12/2017)
Một ngày sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo hoàn tất cáo trạng, hôm 27/12/2018, Tòa án Thành Phố Hà Nội quyết định đưa ra xét xử , từ ngày 08/01 đến ngày 21/01/2018, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh vì tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "tham ô tài sản", trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ông Đinh La Thăng lúc còn là bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Việt Nam. (Ảnh chụp trong một buổi lễ tại Hà Nội, ngày 02/07/2015) Reuters
Theo báo chí tại Việt Nam, Tòa đã lập hội đồng xét xử gồm 5 người : 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Bên công tố có 3 đại diện của Viện kiểm sát thành phố Hà Nội. Bào chữa cho ông Đinh La Thăng có 3 luật sư và 7 luật sư bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, bị truy tố với tội danh cố ý làm trái trong thời gian giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị và Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ năm 2005-2011.
Bị đưa ra xét xử cùng với ông Thăng còn có 21 bị cáo gồm hầu hết các quan chức hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam, trong đó bị cáo được dư luận đặc biệt chú ý là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh bị truy tố cả hai tội danh "cố ý làm trái" và "tham ô".
Năm 2016, khi đang làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân thanh đã bỏ trốn sang Đức. Một năm sau, ngày 31/07/2017, chính quyền thông báo ông Thanh về Hà Nội "đầu thú". Trong khi đó, chính quyền Berlin khẳng định ông Thanh đã bị an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc về nước. Vụ việc đã dẫn đến quan hệ Việt-Đức bị rạn nứt nghiêm trọng. Berlin đã có một loạt các biện pháp phản ứng ngoại giao mạnh như trục xuất một nhân viên sứ quán Việt Nam tại Đức, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam….
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được báo chí Việt nam đăng tải liên tục trong thời gian gần đây liên quan đến những hoạt động kinh doanh của ngành gây thất thoát lên đến hàng tỷ đô la.
Anh Vũ
*********************
Vụ xử ông Đinh La Thăng "càng nhanh càng không hay" ? (BBC, 27/12/2017)
Một luật sư bình luận với BBC rằng việc ra bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng "càng nhanh càng không hay".
Phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh dự kiến diễn ra từ ngày 8-21/1/2018
Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh được ấn định hôm 8/1/2018.
Hôm 27/12, Tòa án Nhân dân Hà Nội loan báo đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hôm 21/1/2018, trang Thông tin Chính Phủ cho hay.
'Không bảo đảm'
Hôm 27/12, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật sư cùng tên, bình luận : "Các luật sư bảo vệ hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sẽ rất căng".
"Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người ta sẽ bỏ tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 từ ngày 1/1/2018".
"Từ đây đến đó rồi sau đó xử sơ thẩm, xử phúc thẩm vụ này thì người ta sẽ xử lý thế nào các bị can bị truy tố điều này".
"Việc thay thế Điều 165 bằng những điều nào thì tôi chưa thấy hướng dẫn nào của Tòa án Nhân dân tối cao".
"Thường thì mỗi khi thay đổi, Tòa án Nhân dân tối cao hoặc Quốc hội phải ra văn bản".
Đinh La Thăng : những thăng trầm trong sự nghiệp
Đề cập về việc bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng được lập tính từ ngày bắt giam ông vào 8/12/2017 đến 20/12/2017 tổng cộng là 12 ngày, bao gồm cả bốn ngày nghỉ cuối tuần, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói thêm : "Tôi không rõ liệu có áp lực nào để đẩy quy trình tố tụng đối với ông Đinh La Thăng lên nhanh cho kịp ngày xử 8/1 hay không".
"Thường theo việc hoàn tất bản kết luận điều tra càng nhanh càng tốt".
"Tuy vậy, thực tế thì tôi thấy việc này làm càng nhanh thì không bảo đảm lắm, không hay".
"Vụ này dự kiến xử 14 ngày, có lẽ tòa sẽ phải làm việc rất khẩn trương".
"Theo tôi, chỉ có tòa án mới có thể đánh giá hành vi phạm tội của hai ông Thăng, ông Thanh đến đâu, chứ việc các báo Việt Nam đăng những bản tin kết tội hai ông này trước phiên tòa là không nên".
Cùng ngày, nhà báo Huy Đức viết trên trang cá nhân : "Cho dù, tham nhũng là cướp ngày, tôi vẫn không nghĩ rằng cần phải áp dụng mức án cao nhất cho những người như ông Đinh La Thăng. Vấn đề là phải truy thu hết tài sản mà họ tham nhũng và phần tiền bạc mà do hành vi phạm tội của họ đã làm thất thoát của dân, của nước".
"Cho dù, cứ mỗi tội danh tòa cho Đinh La Thăng hưởng mức án nhẹ nhất thì tổng hợp các hình phạt áp dụng cho các hành vi mà ông đã phạm phải, số năm tù của Thăng sẽ không dưới 30 năm. Nếu ông thực sự đi tù thay vì chỉ lên trại Vĩnh Quang hay vào Viện 198 "an dưỡng" một số năm tượng trưng rồi về với rượu Macallan 30 thì hình phạt với ông như thế là thỏa đáng".
"Nhưng, tòa không thể cho Thăng hưởng lượng khoan hồng mà lại giữ mức án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn - người chỉ làm theo lệnh của chủ mưu Đinh La Thăng. Từ đầu Sơn cũng đã "thật thà khai báo" không những nhận tội mà còn tố giác các hành vi phạm tội của Đinh La Thăng".
Báo Tuổi Trẻ hôm 27/12 viết : "Với nhiều chỉ đạo sai trái và tham ô 14 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội tham ô theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, cố ý làm trái với mức phạt lên tới 20 năm tù",
Tờ này cũng cho hay ông Đinh La Thăng đối diện bản án 10-20 năm tù.
Tổng cộng 22 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này. Trong số 12 bị cáo bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 có ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) ; Phùng Đình Thực (cựu Tổng giám đốc PVN) ; Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó tổng giám đốc PVN) ; Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó tổng giám đốc PVN)...
Có tám bị cáo bị truy tố tội "Tham ô tài sản" theo Điều 278.
Riêng hai ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Tham ô tài sản".
"Hành vi của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật", trang Thông tin Chính Phủ viết.
******************
Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội 'cố ý làm trái' (BBC, 27/12/2017)
Cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ông Đinh La Thăng bị truy tố tội 'cố ý làm trái' và có thể 'đối diện mức án 20 năm', theo truyền thông Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), bị bắt hôm 8/12/2017
Hôm thứ Ba, báo Zing của Việt Nam cho hay Viện kiểm sát nhân dân Tối cao của Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng tội 'cố ý làm trái' và một người khác, ông Trịnh Xuân Thanh tội tham ô tài sản và cố ý làm trái liên quan vụ án xảy ra tại PVN và PVC.
"Ngày 25/12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)", Zing viết.
"Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cùng 11 người liên quan bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 8 bị can khác bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng 2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố cả 2 tội danh trên", vẫn theo Zing.
Ông Trần Sỹ Thanh từng nắm nhiều chức vụ quan trọng trong đảng và chính quyền ở trung ương và địa phương tại Việt Nam trước khi được điều động, phân công làm lãnh đạo PVN, theo truyền thông chính thống của Việt Nam
Cũng hôm 26/12/2017, một báo mạng khác của Việt Nam là VnExpress cho hay ông Đinh La Thăng có thể 'đối mặt án phạt cao nhất tới 20 năm tù', tuy nhiên ông cũng có thể được 'xem xét giảm hình phạt', báo này viết :
"Các sai phạm bị cáo buộc xảy ra trong thời gian ông Thăng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thăng bị Viện kiểm sát nhân dân truy tố theo khoản 3, Điều 165 với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên Viện kiểm sát nhân dân đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt".
Trong một diễn biến liên quan Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đơn vị đang gặp sóng gió thời gian qua với nhiều cựu lãnh đạo bị truy tố, kỷ luật, vừa có tân lãnh đạo, theo truyền thông nhà nước.
Hôm Chủ Nhật, nhiều báo Việt Nam cho hay ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, địa phương thuộc miền Bắc Việt Nam, được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí PVN.
"Sáng 24/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ cho ông Trần Sỹ Thanh và bà Lâm Thị Phương Thanh", báo VnEconomy hôm 24/12/2017 cho hay.
********************
Đinh La Thăng đối diện án 10-20 năm tù, Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình (Người Việt, 26/12/2017)
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn, sẽ bị xét xử ngày 8 tháng Giêng, 2018. Ông Thăng có thể bị phạt 10 đến 20 năm tù, trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình.
Ông Đinh La Thăng (trái) và ông Trịnh Xuân Thanh (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 27 tháng Mười Hai, Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội ra quyết định đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vào Thứ Hai, 8 tháng Giêng, 2018.
Phiên tòa dự trù diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21 tháng Giêng. Hội đồng xét xử gồm năm người, do Thẩm Phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa.
Theo báo Thanh Niên, ông Đinh La Thăng bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố theo Khoản 3, Điều 165 Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Theo truy tố này, người phạm tội có thể bị phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.
Còn ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố theo Khoản 4, Điều 278 Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam quy định về tội tham ô tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị mức án cao nhất là tử hình.
Tuổi Trẻ cho hay, trước đó, ngày 26 tháng Mười Hai, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Bị can Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên PVN ; Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc PVN ; Nguyễn Xuân Sơn, cựu phó tổng giám đốc PVN, cùng chín bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái.
Có tám bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, và Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC, cùng bị truy tố về cả hai tội danh.
Tin cho hay, tháng Mười Hai, 2007, ông Đinh La Thăng đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công Ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc, sau là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc PVC.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, tình trạng tài chính của PVC lâm vào khó khăn. Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC thể hiện đến hết năm 2009 toàn bộ tài sản ngắn hạn của PVC không đủ bù đắp nợ ngắn hạn, PVC không bảo đảm khả năng thanh khoản.
Để cứu PVC, ông Thăng từng đề nghị chính phủ cho phép PVN giao nhiệm vụ cho PVC thực hiện các dự án mà PVN làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.
Tháng Tư, 2010, ông Thăng thay mặt PVN ký văn bản gửi chính phủ, trong đó đưa dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề nghị chính phủ ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, khi thực hiện dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án và "chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký hợp đồng số 33 về việc thực hiện một số hạng mục tại dự án nhà máy này trái quy định".
Sau đó, ông Thăng tiếp tục "chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng (hơn 57,1 triệu USD) cho PVC. Sau đó, các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng (hơn 43,9 triệu USD) sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng (hơn 5,2 triệu USD). Hành vi của ông Đinh La Thăng phạm vào tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Cơ quan An ninh điều tra xác định "ông Thanh đã chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng".
Theo báo Thanh Niên, trong thời gian làm chủ tịch PVC, ông Thanh "đã chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân". Ông Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 4 tỷ đồng (hơn 175.808 USD), còn Vũ Đức Thuận hưởng 800 triệu đồng (hơn 35.161 USD).
Ông Thanh cũng bị đề nghị truy tố tội "Tham ô tài sản khi bán cổ phần chuyển nhượng tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land)". Ông Đinh Mạnh Thắng, em ông Đinh La Thăng, nằm trong số những bị can bị đề nghị truy tố đợt này.
Theo kết luận điều tra, ông Thanh đã nhận va li tiền 14 tỷ đồng (hơn 615.330 USD) do ông Đinh Mạnh Thắng chuyển sau khi thương vụ mua bán thành công. Ông Thanh khai, sau khi nhận vali mang về nhà mở thấy có nhiều tiền nhưng không đếm.
Cáo trạng này của Viện kiểm sát nhân dân tối cao khiến nhiều người đặt câu hỏi cho việc nhanh "thần tốc" này, bởi vì ông Đinh La Thăng mới bị bắt ngày 8 tháng Mười Hai, 2017.
Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Vũ Thị Nga, trưởng văn phòng luật sư Công Lý Việt, nhận định việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng chỉ trong vòng một tuần sau khi có kết luận điều tra có thể coi là "thần tốc" nhưng cũng hoàn toàn có căn cứ bởi viện này đã giám sát quá trình điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án.
"Luật không quy định kể từ khi kết thúc điều tra trong thời gian ít nhất bao nhiêu ngày được ra cáo trạng, nên khi thấy đầy đủ cơ sở, đủ căn cứ thì Viện kiểm sát nhân dân có thể ban hành cáo trạng", bà Nga được trích lời nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 tháng Mười Hai, 2015, sau khi nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thì bị truy tố theo Điều 88 Bộ Luật hình sự cộng sản Việt Nam về tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước", sau đó bị truy tố thêm Điều 79 về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Đến nay, đã tròn hai năm nhưng vẫn chưa có kết luận điều tra và chưa biết bao giờ xét xử. (TS)
Đinh La Thăng là củi tươi hay củi khô ?
Ngô Đồng, VOA, 15/09/2017
Ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị cộng sản Việt Nam bị thất sủng sau nhiều tai tiếng bị bới móc từ khi cầm đầu Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đến thời làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, hiện có thể đang sống trong những ngày phập phồng bất an.
Ông Đinh La Thăng.
Liệu ông sẽ có thể bị lôi ra tòa hành tội hay không dù ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng ví von "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" khi ông họp "Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng" ngày 31/7/2017.
Hôm Thứ Năm 14-9, người ta thấy trên tờ Giáo Dục Việt Nam (GDVN) có bài điều tra nêu hai chuyện ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Thứ nhất, hàng loạt các dự án cầu đường BOT đầy tai tiếng, dân chúng kêu than dậy đất. Thứ hai, bổ nhiệm một số chức sắc cấp cao không đủ tiêu chuẩn, tức trái với quy định luật lệ.
Bài viết trên tờ GDVN dẫn lại kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 6/9/2017 nói 7 dự án BOT có rất nhiều sai phạm từ xây dựng đến thu phí. Đường lộ có sẵn chỉ cào lên, tráng lớp nhựa mỏng rồi thu "phí" như đường xây dựng mới hoàn toàn, đặc biệt là BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Một số trục lộ khác cũng như vậy, chẳng hạn như Quốc lộ 1A qua Cai Lậy đã bị dân chúng phản ứng đến phải "xả trạm" nhiều ngày và phải theo nhau "giảm phí".
BOT là nhóm từ viết tắt "Build-Operate-Transfer" (Xây dựng – Vận hành - Chuyển giao) ở Việt Nam bây giờ dùng khá quen thuộc thường để chỉ các dự án công ích mà chính quyền giao cho tư nhân xây dựng, thu cả vốn lẫn lãi qua "phí" sử dụng, sau đó chuyển giao lại cho nhà nước.
Theo quy định, cứ 70Km đặt một trạm thu "phí", nhưng thực tế theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, cả nước Việt Nam có 86 trạm thu "phí" thì 9 trạm có khoảng cách từ 60-70km ; 24 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60km ; lại còn một số tuyến đường, trạm thu phí "dày đặc". Con đường đi từ Hà Nội đến Thái Bình chỉ khoảng 110 km nhưng có tới 4 trạm thu "phí".
Tờ GDVN thuật lời ông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải : "Thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì dự án BOT giao thông được làm cách xô bồ, làm một cách đại trà vô nguyên tắc". Vậy có gì gần giống với tội danh "cố ý làm trái hay không ?"
Tờ GDVN cho rằng, ngoài những "bất cập" ở các dự án BOT, ông Đinh La Thăng cũng "không thể thoái thác trách nhiệm" đối với một loạt vụ bổ nhiệm ở các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, "cho đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm".
Tờ GDVN kể vụ bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải vào năm 2015 dù ông này đã "thi trượt Chuyên viên Chính vào năm 2014 do Bộ Nội vụ tổ chức". Bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Việt làm Cục phó Cục Hàng Hải khi "chưa có bằng đại học. Ông Hoàng Hồng Giang "nhảy cóc" từ vị trí Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng dù "chưa phải là Chuyên viên, mà chỉ là Giảng viên, vì vậy việc bổ nhiệm này cũng là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành".
Cùng ngày với bản tin của tờ GDVN, người ta thấy tờ báo infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông đưa tin, nhằm cứu mạng cho thân chủ, trong phiên tòa ở Hà Nội hôm Thứ Năm 14 tháng 9, luật sư của ông Nguyễn Xuân Sơn cáo buộc Hội đồng Xét xử đã lờ một chứng cứ quan trọng để chứng minh ông Sơn chỉ là người thi hành lệnh của cấp trên. Đồng thời những món "lại quả" từ ngân hàng Ocean Bank qua tay ông thì lại được chuyển đến các xếp của PVN.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng ký ra lệnh cho tất cả các công ty lớn nhỏ của tập đoàn phải mở trương mục tại OceanBank, giao dịch tài chính qua trương mục tại OceanBank bao gồm : cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.
Luật sư Tâm dẫn lệnh trên văn bản do ông Đinh La Thăng ký : "Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OeanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010".
Theo luật sư Tâm được báo chí tại Việt Nam theo dõi phiên tòa thuật lại, về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và OceanBank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm với các cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ OceanBank thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Ông Đinh La Thăng còn đích thân quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản đã nêu trên.
Như vậy, ông Nguyễn Xuân Sơn không thể làm trái lệnh cấp trên là ông Đinh La Thăng nên không thể kết tội ông "tử hình" vì đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải "chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân".
Cuối tháng Tư 2017, ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng hài tội ra các quyết định để các công ty con của tập đoàn PVN chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật ; góp vốn trái quy định vào Ocean Bank gây thiệt hại cho PVN (mất trắng 800 tỉ đồng), nhiều công ty con của tập đoàn này thất bại vì đám cầm đầu chỉ lo đục khoét hơn là kinh doanh.
Trong 12 đại dự án kỹ nghệ gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng đang "đắp chiếu" vì tham nhũng và nhiều lý do khác, có 5 dự án là của PVN mà ông Đinh La Thăng cầm đầu tập đoàn. Những người cầm đầu trực tiếp các dự án này, ít kẻ trốn ra nước ngoài, nhiều người đang nằm trong các nhà tù.
Ngày 13/9/2017, Bộ Công an loan báo "ra Quyết định khởi tố 03 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) ; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ; Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh".
Đây là cuộc điều tra được mở rộng thêm ra (tức giai đoạn II) của vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank và đồng phạm với các kết quả của cuộc điều tra giai đoạn hoạt động kéo dài từ 2010 đến 2014. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến số tiền Ocean Bank hối lộ cho viên chức quốc doanh và liên doanh lên hơn 1,576 tỉ đồng, gọi là chi "lãi ngoài".
Dù rất nhiều tội nợ được nêu ra đều nằm gọn trong điều 165 của Luật hình sự cộng sản Việt Nam "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng" và có thể vi phạm một số tội hình sự khác nếu bị moi móc thêm, nhưng ông Đinh La Thăng chỉ bị gạt ra khỏi Bộ Chính Trị, mất ghế bí thư thành ủy Sài Gòn và về "ngồi chơi xơi nước" ở Ban Kinh Tế Trung Ương với cái chức hàm "phó ban".
Thấy dư luận xã hội ngạc nhiên về cách trị tội nặng nhẹ khác nhau của chế độ, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 13/5/2017, khi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ đã giải thích rằng việc "kỷ luật" ông Đinh La Thăng "mới chỉ về mặt đảng". Ông hàm ý vụ "kỷ luật" ông Đinh La Thăng sẽ không dừng ở đó.
Nhưng đếm các bài viết liên quan đến trách nhiệm và những việc làm sai trái của ông Đinh La Thăng từ khi còn cầm đầu tập đoàn PVN đến khi làm bộ trưởng cũng phải hàng chục bài viết trên nhiều tờ báo khác nhau của hệ thống báo chí chính thống của chế độ.
Vài chục thuộc cấp của ông đối diện với các bản án nặng kề, kể cả tử hình, nhưng ông thì không biết được xếp vào loại củi tươi hay củi khô. Còn có bị ném vào lò hay không, không có một tiêu chuẩn nào cố định trong một chế độ mà luật lệ được giải thích hay áp dụng co giãn không chừng tùy người đứng canh lò.
Ngô Đồng
Nguồn : VOA, 15/09/2017
*******************
Đinh La Thăng liên quan gì đến án tử Nguyễn Xuân Sơn phải đối mặt ?
VOA, 14/09/2017
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội hôm 14/9 đề nghị với tòa án mức án tử hình đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).
Có bằng chứng ông Đinh La Thăng từng yêu cầu các thành viên PVN gửi tiền vào OceanBank năm 2010
Ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát gần 2.000 tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là "đại án kinh tế OceanBank".
Các tội dẫn đến việc ông Sơn đối mặt với án tử hình là "tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Một bị cáo quan trọng khác trong vụ này, ông Hà Văn Thắm, 44 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng OceanBank, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân.
Ông Thắm bị buộc tội giống ông Sơn, ngoài ra còn thêm tội danh "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Bản luận tội của Viện Kiểm sát, được báo chí Việt Nam dẫn lại, nói ông Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian được PVN cử sang giữ chức Tổng giám đốc OceanBank, đã lạm dụng chức vụ quyền hạn. Cụ thể, ông Sơn đã yêu cầu ông Hà Văn Thắm chi thêm tiền "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi suất theo hợp đồng đối với tiền gửi của PVN, và giao cho ông Sơn toàn bộ số tiền đó.
Sở dĩ ông Sơn có thể làm như vậy vì ông lợi dụng vị thế của PVN là đối tác chiến lược có lượng gửi tiền lớn tại ngân hàng. Khi đó ông cũng giữ tư cách là người đại diện phần góp vốn của PVN tại OceanBank. Từ năm 2009, PVN nắm lượng cố phần trong OceanBank trị giá 800 tỷ đồng.
Trong khi đó, về lý thuyết là cấp trên của ông Sơn, ông Hà Văn Thắm ở cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị đã không phản đối yêu cầu của ông Sơn, mà còn triển khai tích cực việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Bản luận tội xác định rằng vì việc đó, ông Thắm giữ vai trò đồng phạm với ông Xuân Sơn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, đối mặt án tử vì tội tham ô
Trong diễn biến mới nhất được báo chí trong nước tường thuật, sau khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với ông Sơn, chiều 14/9, luật sư của ông đã đưa ra chứng cứ quan trọng nhằm gỡ tội cho thân chủ.
Tin cho hay luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trưng ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN khi đó là ông Đinh La Thăng ký.
Văn bản này yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí "phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank".
Một đoạn trích trong văn bản cho thấy ông Đinh La Thăng chỉ đạo rằng "Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010".
Luật sư Tâm lập luận rằng do có chỉ đạo bằng văn bản ở cấp lãnh đạo cao nhất của PVN là ông Thăng, nên ông Sơn không thể làm trái. Nói cách khác, theo luật sư Tâm, ông Sơn không thể "dùng tư cách cá nhân" yêu cầu các đơn vị phải gửi tiền.
"Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài", Luật sư Tâm phát biểu tại tòa, được báo chí trích đăng lại.
Tình tiết mới này đang làm nóng lên những phỏng đoán rằng cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng do Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đang ngày càng quyết liệt hơn.
Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.
Ông Thăng đã bị kỷ luật phải ra khỏi Bộ Chính trị đầy quyền lực hồi tháng 5 năm nay, đồng thời cũng thôi chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định kỷ luật của đảng cộng sản nói khi còn nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở PVN, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm "rất nghiêm trọng". Ông Thăng cũng từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải.
Theo thông tin từ phiên tòa xét xử vụ OceanBank, đến cuối 2014, ngân hàng này chi hơn 1.500 tỷ đồng ngoài hợp đồng cho hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại ngân hàng.
Chi tiết gây chấn động là trong 1.500 tỷ đó, tới hơn 246 tỷ chi riêng cho ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là phó tổng giám đốc PVN, và bị ông này chiếm đoạt.
Ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, đối mặt án trung thân vì các sai phạm nghiêm trọng
Viện Kiểm sát nói các lãnh đạo của OceanBank đã mắc nhiều sai phạm trong công tác điều hành dẫn đến việc ngân hàng bị mắc những khoản nợ xấu rất lớn. Tính đến cuối tháng 3/2014, nợ xấu đạt gần 15.000 tỷ đồng, ngoài ra là khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.
Dường như để tránh nguy cơ ngân hàng phá sản, gây tác động dây chuyền không lường trước được, nên đầu tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Ngoài ông Sơn và ông Thắm, 49 bị cáo khác đang đối mặt với các mức án từ 18 tháng tù treo cho đến 27 năm tù. Bà Nguyễn Minh Thu, một cựu chủ tịch Hội đồng quản trị khác của OceanBank, có thể chịu hình phạt từ 24-27 năm tù về hai tội "cố ý làm trái" và "lạm dụng chức vụ quyền hạn".
Từ những gì thu thập được qua vụ OceanBank, công an Việt Nam hôm 13/9 tuyên bố họ mở rộng điều tra sang những sai phạm liên quan đến các quan chức của PVN.
Báo chí Việt Nam dẫn thông tin của Bộ Công an cho hay bộ đã quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự xảy ra tại Liên doanh Dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Công an nói tội danh chính trong các vụ này là "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Thông tin sơ bộ từ công an cho hay OceanBank đã chi trả lãi ngoài tổng cộng là 120 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp kể trên. Các nhà điều tra cho rằng việc nhận hoặc sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất đó là "hành vi vi phạm pháp luật".
Tình trạng tham ô, tham nhũng ở Việt Nam bị một số tổ chức quốc tế đánh giá là nghiêm trọng. Chỉ số tham nhũng năm 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) xếp Việt Nam ở vị trí 113 trong số 176 nước. tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước Châu Á-Thái Bình Dương.