Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/12/2017

Đại án PVN sẽ được xét xử ngày 08/01/2018

Tổng hợp

Xét xử các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ngày 08/01/2018 (RFI, 27/12/2017)

Một ngày sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo hoàn tất cáo trạng, hôm 27/12/2018, Tòa án Thành Phố Hà Nội quyết định đưa ra xét xử , từ ngày 08/01 đến ngày 21/01/2018, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh vì tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "tham ô tài sản", trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

pvn1

Ông Đinh La Thăng lúc còn là bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Việt Nam. (Ảnh chụp trong một buổi lễ tại Hà Nội, ngày 02/07/2015) Reuters

Theo báo chí tại Việt Nam, Tòa đã lập hội đồng xét xử gồm 5 người : 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Bên công tố có 3 đại diện của Viện kiểm sát thành phố Hà Nội. Bào chữa cho ông Đinh La Thăng có 3 luật sư và 7 luật sư bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, bị truy tố với tội danh cố ý làm trái trong thời gian giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị và Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ năm 2005-2011.

Bị đưa ra xét xử cùng với ông Thăng còn có 21 bị cáo gồm hầu hết các quan chức hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam, trong đó bị cáo được dư luận đặc biệt chú ý là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh bị truy tố cả hai tội danh "cố ý làm trái" và "tham ô".

Năm 2016, khi đang làm phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân thanh đã bỏ trốn sang Đức. Một năm sau, ngày 31/07/2017, chính quyền thông báo ông Thanh về Hà Nội "đầu thú". Trong khi đó, chính quyền Berlin khẳng định ông Thanh đã bị an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc về nước. Vụ việc đã dẫn đến quan hệ Việt-Đức bị rạn nứt nghiêm trọng. Berlin đã có một loạt các biện pháp phản ứng ngoại giao mạnh như trục xuất một nhân viên sứ quán Việt Nam tại Đức, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam….

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được báo chí Việt nam đăng tải liên tục trong thời gian gần đây liên quan đến những hoạt động kinh doanh của ngành gây thất thoát lên đến hàng tỷ đô la.

Anh Vũ

*********************

Vụ xử ông Đinh La Thăng "càng nhanh càng không hay" ? (BBC, 27/12/2017)

Một luật sư bình luận với BBC rằng việc ra bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng "càng nhanh càng không hay".

pvn2

Phiên tòa xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh dự kiến diễn ra từ ngày 8-21/1/2018

Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh được ấn định hôm 8/1/2018.

Hôm 27/12, Tòa án Nhân dân Hà Nội loan báo đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hôm 21/1/2018, trang Thông tin Chính Phủ cho hay.

'Không bảo đảm'

Hôm 27/12, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật sư cùng tên, bình luận : "Các luật sư bảo vệ hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sẽ rất căng".

"Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người ta sẽ bỏ tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 từ ngày 1/1/2018".

"Từ đây đến đó rồi sau đó xử sơ thẩm, xử phúc thẩm vụ này thì người ta sẽ xử lý thế nào các bị can bị truy tố điều này".

"Việc thay thế Điều 165 bằng những điều nào thì tôi chưa thấy hướng dẫn nào của Tòa án Nhân dân tối cao".

"Thường thì mỗi khi thay đổi, Tòa án Nhân dân tối cao hoặc Quốc hội phải ra văn bản".

pvn3

Đinh La Thăng : những thăng trầm trong sự nghiệp

Đề cập về việc bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng được lập tính từ ngày bắt giam ông vào 8/12/2017 đến 20/12/2017 tổng cộng là 12 ngày, bao gồm cả bốn ngày nghỉ cuối tuần, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói thêm : "Tôi không rõ liệu có áp lực nào để đẩy quy trình tố tụng đối với ông Đinh La Thăng lên nhanh cho kịp ngày xử 8/1 hay không".

"Thường theo việc hoàn tất bản kết luận điều tra càng nhanh càng tốt".

"Tuy vậy, thực tế thì tôi thấy việc này làm càng nhanh thì không bảo đảm lắm, không hay".

"Vụ này dự kiến xử 14 ngày, có lẽ tòa sẽ phải làm việc rất khẩn trương".

"Theo tôi, chỉ có tòa án mới có thể đánh giá hành vi phạm tội của hai ông Thăng, ông Thanh đến đâu, chứ việc các báo Việt Nam đăng những bản tin kết tội hai ông này trước phiên tòa là không nên".

Cùng ngày, nhà báo Huy Đức viết trên trang cá nhân : "Cho dù, tham nhũng là cướp ngày, tôi vẫn không nghĩ rằng cần phải áp dụng mức án cao nhất cho những người như ông Đinh La Thăng. Vấn đề là phải truy thu hết tài sản mà họ tham nhũng và phần tiền bạc mà do hành vi phạm tội của họ đã làm thất thoát của dân, của nước".

"Cho dù, cứ mỗi tội danh tòa cho Đinh La Thăng hưởng mức án nhẹ nhất thì tổng hợp các hình phạt áp dụng cho các hành vi mà ông đã phạm phải, số năm tù của Thăng sẽ không dưới 30 năm. Nếu ông thực sự đi tù thay vì chỉ lên trại Vĩnh Quang hay vào Viện 198 "an dưỡng" một số năm tượng trưng rồi về với rượu Macallan 30 thì hình phạt với ông như thế là thỏa đáng".

"Nhưng, tòa không thể cho Thăng hưởng lượng khoan hồng mà lại giữ mức án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn - người chỉ làm theo lệnh của chủ mưu Đinh La Thăng. Từ đầu Sơn cũng đã "thật thà khai báo" không những nhận tội mà còn tố giác các hành vi phạm tội của Đinh La Thăng".

Báo Tuổi Trẻ hôm 27/12 viết : "Với nhiều chỉ đạo sai trái và tham ô 14 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội tham ô theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, cố ý làm trái với mức phạt lên tới 20 năm tù",

Tờ này cũng cho hay ông Đinh La Thăng đối diện bản án 10-20 năm tù.

Tổng cộng 22 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này. Trong số 12 bị cáo bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 có ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) ; Phùng Đình Thực (cựu Tổng giám đốc PVN) ; Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó tổng giám đốc PVN) ; Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó tổng giám đốc PVN)...

Có tám bị cáo bị truy tố tội "Tham ô tài sản" theo Điều 278.

Riêng hai ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Tham ô tài sản".

"Hành vi của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật", trang Thông tin Chính Phủ viết.

******************

Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội 'cố ý làm trái' (BBC, 27/12/2017)

Cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ông Đinh La Thăng bị truy tố tội 'cố ý làm trái' và có thể 'đối diện mức án 20 năm', theo truyền thông Việt Nam.

pvn4

Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), bị bắt hôm 8/12/2017

Hôm thứ Ba, báo Zing của Việt Nam cho hay Viện kiểm sát nhân dân Tối cao của Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng tội 'cố ý làm trái' và một người khác, ông Trịnh Xuân Thanh tội tham ô tài sản và cố ý làm trái liên quan vụ án xảy ra tại PVN và PVC.

"Ngày 25/12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)", Zing viết.

"Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cùng 11 người liên quan bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 8 bị can khác bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng 2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố cả 2 tội danh trên", vẫn theo Zing.

pvn5

Ông Trần Sỹ Thanh từng nắm nhiều chức vụ quan trọng trong đảng và chính quyền ở trung ương và địa phương tại Việt Nam trước khi được điều động, phân công làm lãnh đạo PVN, theo truyền thông chính thống của Việt Nam

Cũng hôm 26/12/2017, một báo mạng khác của Việt Nam là VnExpress cho hay ông Đinh La Thăng có thể 'đối mặt án phạt cao nhất tới 20 năm tù', tuy nhiên ông cũng có thể được 'xem xét giảm hình phạt', báo này viết :

"Các sai phạm bị cáo buộc xảy ra trong thời gian ông Thăng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thăng bị Viện kiểm sát nhân dân truy tố theo khoản 3, Điều 165 với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên Viện kiểm sát nhân dân đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt".

Trong một diễn biến liên quan Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đơn vị đang gặp sóng gió thời gian qua với nhiều cựu lãnh đạo bị truy tố, kỷ luật, vừa có tân lãnh đạo, theo truyền thông nhà nước.

Hôm Chủ Nhật, nhiều báo Việt Nam cho hay ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, địa phương thuộc miền Bắc Việt Nam, được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí PVN.

"Sáng 24/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ cho ông Trần Sỹ Thanh và bà Lâm Thị Phương Thanh", báo VnEconomy hôm 24/12/2017 cho hay.

********************

Đinh La Thăng đối diện án 10-20 năm tù, Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình (Người Việt, 26/12/2017)

Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu bí thư Thành Ủy Sài Gòn, sẽ bị xét xử ngày 8 tháng Giêng, 2018. Ông Thăng có thể bị phạt 10 đến 20 năm tù, trong khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị tử hình.

pvn6

Ông Đinh La Thăng (trái) và ông Trịnh Xuân Thanh (Hình : Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 27 tháng Mười Hai, Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội ra quyết định đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vào Thứ Hai, 8 tháng Giêng, 2018.

Phiên tòa dự trù diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21 tháng Giêng. Hội đồng xét xử gồm năm người, do Thẩm Phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa.

Theo báo Thanh Niên, ông Đinh La Thăng bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố theo Khoản 3, Điều 165 Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Theo truy tố này, người phạm tội có thể bị phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.

Còn ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố theo Khoản 4, Điều 278 Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam quy định về tội tham ô tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị mức án cao nhất là tử hình.

Tuổi Trẻ cho hay, trước đó, ngày 26 tháng Mười Hai, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Bị can Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên PVN ; Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc PVN ; Nguyễn Xuân Sơn, cựu phó tổng giám đốc PVN, cùng chín bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái.

Có tám bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, và Vũ Đức Thuận, cựu tổng giám đốc PVC, cùng bị truy tố về cả hai tội danh.

Tin cho hay, tháng Mười Hai, 2007, ông Đinh La Thăng đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công Ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc, sau là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc PVC.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, tình trạng tài chính của PVC lâm vào khó khăn. Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC thể hiện đến hết năm 2009 toàn bộ tài sản ngắn hạn của PVC không đủ bù đắp nợ ngắn hạn, PVC không bảo đảm khả năng thanh khoản.

Để cứu PVC, ông Thăng từng đề nghị chính phủ cho phép PVN giao nhiệm vụ cho PVC thực hiện các dự án mà PVN làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.

Tháng Tư, 2010, ông Thăng thay mặt PVN ký văn bản gửi chính phủ, trong đó đưa dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề nghị chính phủ ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, khi thực hiện dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án và "chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký hợp đồng số 33 về việc thực hiện một số hạng mục tại dự án nhà máy này trái quy định".

Sau đó, ông Thăng tiếp tục "chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng (hơn 57,1 triệu USD) cho PVC. Sau đó, các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng (hơn 43,9 triệu USD) sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng (hơn 5,2 triệu USD). Hành vi của ông Đinh La Thăng phạm vào tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Cơ quan An ninh điều tra xác định "ông Thanh đã chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng".

Theo báo Thanh Niên, trong thời gian làm chủ tịch PVC, ông Thanh "đã chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân". Ông Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 4 tỷ đồng (hơn 175.808 USD), còn Vũ Đức Thuận hưởng 800 triệu đồng (hơn 35.161 USD).

Ông Thanh cũng bị đề nghị truy tố tội "Tham ô tài sản khi bán cổ phần chuyển nhượng tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land)". Ông Đinh Mạnh Thắng, em ông Đinh La Thăng, nằm trong số những bị can bị đề nghị truy tố đợt này.

Theo kết luận điều tra, ông Thanh đã nhận va li tiền 14 tỷ đồng (hơn 615.330 USD) do ông Đinh Mạnh Thắng chuyển sau khi thương vụ mua bán thành công. Ông Thanh khai, sau khi nhận vali mang về nhà mở thấy có nhiều tiền nhưng không đếm.

Cáo trạng này của Viện kiểm sát nhân dân tối cao khiến nhiều người đặt câu hỏi cho việc nhanh "thần tốc" này, bởi vì ông Đinh La Thăng mới bị bắt ngày 8 tháng Mười Hai, 2017.

Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Vũ Thị Nga, trưởng văn phòng luật sư Công Lý Việt, nhận định việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng chỉ trong vòng một tuần sau khi có kết luận điều tra có thể coi là "thần tốc" nhưng cũng hoàn toàn có căn cứ bởi viện này đã giám sát quá trình điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án.

"Luật không quy định kể từ khi kết thúc điều tra trong thời gian ít nhất bao nhiêu ngày được ra cáo trạng, nên khi thấy đầy đủ cơ sở, đủ căn cứ thì Viện kiểm sát nhân dân có thể ban hành cáo trạng", bà Nga được trích lời nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 tháng Mười Hai, 2015, sau khi nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thì bị truy tố theo Điều 88 Bộ Luật hình sự cộng sản Việt Nam về tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước", sau đó bị truy tố thêm Điều 79 về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Đến nay, đã tròn hai năm nhưng vẫn chưa có kết luận điều tra và chưa biết bao giờ xét xử. (TS)

Quay lại trang chủ
Read 601 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)