Mùa Phật Đản ở Sài Gòn (VOA, 06/05/2017)
Lễ Phật Đản là một nét văn hóa đặc sắc của những đất nước theo đạo Phật. Lễ Phật Đản không chỉ thể hiện ở những điều mang ý nghĩa vật chất như dâng mâm cao cỗ đầy, mà quan trọng hơn là cái tâm của mỗi người biết hướng đến điều thiện, làm nhiều điều phúc hơn.
Một mùa Phật đản nữa lại về, mùa Phật đản thứ 2.561. Đây đó, các tu viện ở Sài Gòn đang hoan hỷ và khẩn trương chuẩn bị lễ sao cho thật trang trọng. Các hoạt động văn hóa Phật giáo đang được gấp rút hoàn thành cho kịp ngày chính lễ. Nhưng có lẽ cái không khí rộn ràng đó chỉ thấy ở các tu viện Phật giáo và một số hội nhóm, gia đình Phật tử thuần thành lâu đời.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban trị sự của Phật giáo quận I, chia sẻ với VOA :
"Năm nay thì không khí rất là nhộn nhịp. Cũng hơi khó nói là vấn đề là dẹp vỉa hè nên cũng có khó khăn về vấn đề tổ chức. Năm nào cũng tổ chức Phật Đản, nhưng riêng năm nay, theo thông tư của Giáo Hội, mỗi quận làm một cái lễ đài tập trung cho chư tăng, ni, phật tử ở trong quận về tại một địa điểm, để kính mừng đại lễ Phật Đản, Phật Lịch hai ngàn năm trăm sáu mươi mốt".
Cô gái tên Nga nói với VOA rằng đây là mùa Phật Đản đầu tiên cô đến chùa :
"Dạ, từ trước giờ em chưa từng đi lễ hội Phật Đản. Thấy mỗi mùa lễ hội, mọi người ai cũng đến để cầu duyên, cầu sự bình an. Năm nay em cũng mong chờ tới ngày đó để mình cầu bình an cho tất cả mỗi người trong gia đình, cũng như là bình an từ trong tâm hồn mình, bình an cho tất cả các chúng sinh".
Việc thực hiện những công việc, tổ chức các hoạt động kính mừng Phật đản đối với Tăng Ni, Phật tử là thiêng liêng trong tâm niệm cúng dường lên Đức Thế Tôn. Giờ đây, không quá lời khi nhận xét rằng đại lễ Phật Đản không còn là lễ hội văn hóa - tâm linh của riêng người Phật tử, mà là của chung mọi người.
Người nữ Phật tử tên Phụng nói rằng cảnh vật trang trí mùa Phật Đản năm nay rất đẹp :
"Đẹp hơn mọi năm rất nhiều. Phật tử đến chùa những ngày đại lễ của Phật Đản thấy họ rất là phấn khởi và vui vẻ".
"Thông điệp Phật Đản năm nay là yêu thương, rồi quan tâm về môi trường, về xã hội", Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết.
Ngày Phật Đản lại về, hàng triệu Phật tử khắp thế giới đang hân hoan chào đón ngày Đại Lễ. Xin cùng nhau giũ bỏ những khổ đau phiền não, những giận hờn trách móc, những phân biệt cách xa, để lòng được thanh tịnh, đón nhận tâm từ mênh mông của Đức Thế tôn đang ngự trị trong vô lượng trái tim người con Phật.
***********************
Nguyễn Hữu Tấn bị giết hay tự cắt cổ ? (VOA, 06/05/2017)
Chị Huỳnh Thị Muội bên cạnh quan tài của chồng, anh Nguyễn Hữu Tấn. Ảnh chụp từ Youtube 108TV Channel
Gia đình và Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy nói với VOA-Việt ngữ rằng họ không tin anh Nguyễn Hữu Tấn, người bị tạm giam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Long, chết do tự cắt vào cổ.
Em trai của anh Tấn, anh Nguyễn Hữu Tài, nói anh không tin anh Tấn chết do tự sát :
"Em không tin điều mà anh Tấn tự tử trong đồn công an vì trong đồn công an canh giữ nghiêm ngặt, không thể nào lọt vật nhọn hay vật bén được. Không thể nào trong phòng lại có hung khí bén nhọn để tự tử".
Trước đó vào ngày 4/5, báo Vĩnh Long cho biết UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ "nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn tự sát" trong Trại tạm giam Công an tỉnh.
Dựa trên thông tin được cung cấp trong cuộc họp báo thì Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Long hôm 2/5 đã ra lệnh "bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hữu Tấn để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước" theo Điều 88 của Bộ Luật hình sự.
Đến sáng 3/5, trong quá trình cán bộ điều tra ghi lời khai, anh Nguyễn Hữu Tấn xin một điếu thuốc để hút và sau đó xin nước để uống. Khi cán bộ điều tra ra khỏi phòng để gọi người mang nước đến thì Tấn lấy con dao rọc giấy ở bên trong chiếc cặp của cán bộ điều tra đặt bên cạnh ghế làm việc, tự cắt vào mạch máu 2 bên cổ để tự sát".
Báo Vĩnh Long trích lời Đại tá Phạm Văn Ngân, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nói rằng cha và vợ của anh Tấn đã "khẳng định Tấn không hề bị đánh đập và nhục hình" và rằng việc này có camera trại tạm giam ghi hình và gia đình đã xem qua.
Một cơ sở thờ tự của Phật giáo Hòa hảo
Anh Tài nói cha và vợ anh Tấn có xem camera nhưng họ không thể xác nhận người trong camera là anh Tấn. Anh Tài cho biết :
"Có Muội, vợ của anh Tấn, và ba của anh Tấn vô được để gặp anh Tấn, nhưng vô tới thì anh Tấn đã chết tại trại tạm giam. Chị Muội lúc đó thì ngất xỉu, còn thầy của em lúc đó tay chân bủn rủn, mà xem camera thì xem chỉ được một đoạn camera".
Ông Nguyễn Hữu Quang, cha của anh Nguyễn Hữu Tấn nói trong một clip do anh Tài ghi âm rằng ông không rõ khuôn mặt của người được cho là anh Tấn trong camera, và ông cũng thắc mắc tại sao người cầm dao trong camera lại mặc đồ tù, trong khi anh Tấn mới bị tạm giam chưa xét xử :
"Theo tôi thấy khi nào người tù khi nào có kết án thì mới mặc đồ tù, còn con tôi vẫn còn trong vòng điều tra mà lại mặc đồ tù, thành ra không nhìn ra được con tôi. Thấy cái tướng như vậy đi ngang qua. Không thấy rõ mặt nữa. Cầm dao gạch 2-3 cái. Con mắt của tôi thấy cũng không rõ".
Ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy nói với VOA rằng theo ông, công an đã dàn dựng cái chết của anh Tấn :
"Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy chúng tôi rất đau lòng khi nhận được tin Nguyễn Hữu Tấn đã mất. Cháu Tấn là một người hết sức hiền từ, nhân hậu, chỉ biết lo làm ăn. Nhưng công an tỉnh Vĩnh Long đã ép cung, tra tấn cho đến chết. Cuối cùng họ giàn dựng lên một hiện trường giả để cho là Tấn đã tự sát chết để chạy tội".
Trong một thông cáo gửi cho Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế ngày 4/5, Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy đặt nghi vấn :
"Chúng tôi nghĩ rằng tại sao phòng hỏi cung lại có sẵn dao để ông Tấn tự cắt cổ, và tự cắt sao đầu gần lìa khỏi cổ, sao trên đầu có nhiều vết thương khiến đầu nhiều chỗ bị mềm nhũn, và trong lúc hỏi cung lúc nào nghi can cũng có ít nhất là hai người theo dõi thì làm sao tự sát ?"
Trao đổi với VOA-Việt ngữ, anh Nguyễn Hữu Tài nói anh Tấn bị cáo buộc vi phạm điều 88, nhưng cá nhân anh không biết vi phạm điều 88 là gì :
"Theo em nghĩ ảnh không biết gì về hoạt động mà nhà cầm quyền nói là theo điều 88. Em chỉ thấy là có cái khăn màu vàng trong những hộp nước yến, mà bất cứ hộp nào cũng có. Nhà cầm quyền nói đó là vật chứng để khởi tố, buộc tội anh Tấn phạm theo điều 88".
Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy cũng đồng ý với anh Tài rằng bị kết tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" chỉ vì một tấm vải màu vàng là hoàn toàn không hợp lý :
"Chuyện cờ vàng là một cách dựng chuyện để bắt ông Tấn, vì khi mọi việc đã xảy ra thì cờ vàng chỉ là một miếng vải màu vàng dùng để trang hoàng trong những hộp nước yến, chứ công an không tìm ra được lá cờ nào của Việt Nam Cộng Hòa".
Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy nói :
"Dựng chuyện bắt người, dùng nhục hình bức cung dẫn đến cái chết thương tâm một con người, một tín đồ Phật giáo Hòa hảo, là một việc làm hết sức khó hiểu trong một cái chết đầy bí ẩn, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải làm sáng tỏ vấn đề, trả lại công bằng cho nạn nhân".
Ông Điền nói thêm :
"Nguyễn Hữu Tấn là một công dân tốt, trong sạch thế mà bị hàm oan. Như vậy là phải trả lại sự công bằng cho gia đình ấy, và trả lại sự công bằng cho đại gia đình Phật giáo Hòa Hảo chúng tôi, nếu không thì bữa nay tín đồ này, ngày mốt tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khác. Tôi hết sức là đau lòng".
Giáo hội trung ương Phật giáo Hòa Hảo thuần túy cho rằng dùng nhục hình bức cung là chuyện thường ngày xảy ra tại Việt Nam.
"Tính đến nay trên cả nước có bao nhiêu trường hợp tự tử trong đồn công an, và cuối cùng mọi chuyện cũng đâu vào đó, những người bức cung vẫn an nhiên tự tại, và nạn nhân vẫn mãi mãi ôm mối hận ngàn thu".