Dưới những túp lều rách nát chen chúc rất nhiều số phận không quốc tịch, không căn cước, không có lấy mảnh đất cắm dùi. Họ từng bơ vơ, lạc lỏng trên Biển Hồ, Campuchia.
Từ năm 2015, chính quyền Campuchia thắt chặt kiểm soát, những người Việt sống lây lất trên Biển Hồ bằng nghề đánh cá, chài lưới phải đóng thuế mỗi năm 250.000 riel để tồn tại, bằng không, sẽ bị bắt nhốt trong trại cải tạo. Hết đường sống, họ quay trở lại
Chị Trần Thị Bé là một người trong số đó, hiện sống tạm bợ ở hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh.
"Trên đây rất là khổ. Vợ chồng em về đây được tháng này. Nhà em bảy người, năm đứa con với hai vợ chồng là bảy người. Sống lây lất vậy thôi, bà con cho gạo, muối, thức ăn để sống qua ngày chứ em không có giấy chứng minh nhân dân. Ở đây không ai có giấy chứng minh nhân dân cả, chẳng ai dám mướn mình đi làm. Con cái không đứa nào được đi học cả".
Một người đồng cảnh ngộ với chị Bé ở xóm này, ông Nguyễn Văn Huyện, cho biết : "Ở bên đó, họ bắt mình đóng thuế mỗi năm 250.000 riel mỗi người. Không đóng thì họ bắt mình đi cải tạo, làm cho đủ số tiền đó mới được về. Năm 2015 đến 2016, Campuchia họ tiến hành làm vụ này".
Thiếu lương thực, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu phương tiện làm ăn, và đặc biệt là thiếu giấy tờ hợp pháp để làm việc, sinh sống là hoàn cảnh chung của hơn hai trăm gia đình người Việt về từ Campuchia đang sống tạm bợ trong những căn chòi hở trước trống sau bên bờ hồ Dầu Tiếng. Đàn ông may mắn lắm mới được người dân địa phương thuê làm việc. Phụ nữ hầu như không ai kiếm được việc làm, quanh quẩn với mẻ lưới, con cá, nải chuối, bó rau mua đi bán lại. Mọi thứ hầu như bế tắc.
"Tôi là Việt Kiều Campuchia, về đây nghèo quá, bởi bên đó cũng nghèo. Tôi quá khổ rồi, bên Miên quá khổ rồi nên mới về tới đây, không có gạo mà ăn. Mà cũng không có chỗ để ở nữa, không có giấy tờ gì cả", bà Nguyễn Thị Thô chia sẻ với VOA.
"Ở đây không có giấy tờ gì cả nên chẳng thể nào đi làm thuê cho ai được. Giờ bên đó (Biển Hồ) cũng không còn cá mắm gì để mà đánh nữa, nên lại về đây. Mà về đây thì đói liên tục. Xin bà con hỗ trợ cho chút gạo để sống", chị Phạm Văn Lang, một cư dân trong xóm, than thở.
Lương thực, thực phẩm, muối, dầu ăn, nước mắm, rau cải, thịt, trứng, những thứ rất quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình bình thường lại là những thứ rất xa lạ, xa xỉ với xóm không căn cước này.
Nguồn nước uống và vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây là một vấn đề nhức nhối. Không có chỗ ở ổn định, không có phòng vệ sinh, không có phòng tắm, mọi thứ đều diễn ra theo lối nguyên thủy. Nhưng cũng may là người ta còn có áo quần để mặc.
Những tiếng kêu xin lương thực của xóm không căn cước như một chỉ dấu cho thấy họ vẫn còn liên lạc được với loài người.