Blogger Đoan Trang ‘bị tạm giữ vì cuốn sách nhạy cảm' ? (BBC, 26/02/2018)
Tác giả cuốn Chính trị bình dân vừa bị nhà chức trách tạm giữ tại Hà Nội sau khi sách được mạng xã hội chia sẻ hôm 26/2.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đang ký tặng sách Chính trị bình dân cho bạn bè
Nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang, là tác giả cuốn Chính trị bình dân hiện đang bán trên Amazon nhưng được nhiều blogger chia sẻ bản e-book trên mạng xã hội hôm 26/2.
Tác phẩm này là một trong những cuốn sách trong bưu kiện bị Cục Hải quan Đà Nẵng tịch thu hôm 9/2 vì có nội dung bị cho là "nhạy cảm chính trị".
Luật Khoa tạp chí, nơi bà là đồng sáng lập viên, biên tập viên, sau đó ra thông cáo cáo buộc bà Trang "bị an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng ở Hà Nội" và "bị thẩm vấn liên tục về những hoạt động trước đây và về cuốn Chính trị bình dân".
Hôm 26/2, BBC gọi điện cho bà Trang nhiều lần nhưng không thấy bà bắt máy.
Tin cho hay, khu chung cư bà ở tại Hà Nội "đang được canh giữ nghiêm ngặt" và căn hộ của bà hiện đã bị cắt điện, nước và cả Internet.
'Không cổ vũ bạo lực'
Trả lời BBC cùng ngày từ Toronto, Canada, Luật sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE, nói : "Đây không phải là lần đầu Đoan Trang bị câu lưu. Và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng. Vì vậy điều mà tôi nghĩ chúng ta nên làm trong lúc này, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam, là tìm đọc quyển sách Chính trị bình dân của Đoan Trang để tự hỏi mình tại sao nhà nước Việt Nam lại sợ nó đến thế. Điều này chắc chắn cũng là điều sẽ làm cho Đoan Trang vui nhất. Bất kể là ở trong nhà tù lớn hay nhỏ".
Khoảng nửa đêm hôm 25/2, bà Trang viết trên trang cá nhân : "Tranh thủ lúc có mạng... Cảm ơn, xin muôn ngàn lần cảm ơn những anh em, bạn bè, độc giả, người thân đã ở bên và quan tâm lo lắng cho tôi lúc này.'
"Sự ủng hộ và tấm lòng của các bạn là sự bảo vệ lớn nhất dành cho tôi lúc này, và không bao giờ tôi có thể quên được. Không bao giờ".
Bà cũng post ảnh chụp lá thư viết tay : "Tôi sung sướng, vui mừng vì sách [Chính trị bình dân] được độc giả đón nhận. Tôi khinh ghét những kẻ đã và đang muốn tiêu diệt tôi và cuốn sách này".
"Tôi không nghiện ma túy, không uống rượu, không hút thuốc, không cổ vũ bạo lực và không bao giờ làm điều gì hại đến người dân Việt Nam".
"Tôi đấu tranh để chống độc tài và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó".
Theo dự kiến, vào đầu tháng 3/2018, Tổ chức nhân quyền People in Need, có trụ sở tại Praha, Cộng hòa Czech sẽ trao giải thưởng Homo Homini cho bà Phạm Đoan Trang.
********************
Tác giả ‘Chính trị bình dân’ khẳng định chống độc tài ở VN (VOA, 26/02/2018)
Nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội khẳng định chị đấu tranh để "xóa bỏ chế độ độc tài" ở Việt Nam. Tuyên bố được đưa ra hơn một ngày sau khi chị bị ép buộc "làm việc" với công an vào chiều 24/2.
Thư viết tay đề ngày 26/2 của bà Phạm Đoan Trang trên trang cá nhân
Một bức ảnh do Đoan Trang đăng trên Facebook cá nhân chiều 26/2 thể hiện tuyên bố viết tay bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó chị xác nhận mình là tác giả cuốn "Chính trị bình dân", xuất bản năm 2017, và nhiều cuốn sách khác, đồng thời bày tỏ chị "khinh ghét những kẻ đã và đang muốn tiêu diệt tôi và cuốn sách này".
Tác giả cuốn sách nói chị "sung sướng, vui mừng" vì cuốn sách giáo khoa về chính trị học căn bản được độc giả đón nhận.
Trong phần cuối tuyên bố, Đoan Trang nêu rõ "Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước cộng sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó". Chị khẳng định "không cổ vũ bạo lực và không làm gì hại đến người dân Việt Nam".
Trong phần lời chú thích trên Facebook cho bức ảnh chụp tuyên bố, Đoan Trang viết "Tranh thủ lúc có mạng…", với hàm ý đường truyền Internet và điện thoại di động của chị không được thông suốt.
Sau khi tuyên bố được đăng, đã có hơn 3.500 phản ứng chủ yếu là "thích" và "yêu thích", hơn 800 người chia sẻ và gần 250 lời bình luận.
Phần lớn trong số này là các ý kiến bày tỏ sự khâm phục, yêu thương, và động viên đối với nhà hoạt động nữ lâu nay tích cực đấu tranh dân chủ ở Việt Nam và mấy năm nay còn đang chịu một căn bệnh ở khớp gối chân.
Bìa sách Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang
Một nhà hoạt động nữ khác, chị Nguyễn Thúy Hạnh, người duy trì quan hệ thân thiết với Đoan Trang, vào chiều ngày 26/2, giờ Hà Nội, cho VOA biết về những gì mới xảy ra với chị Trang:
"Chiều ngày hôm kia Đoan Trang gần như là bị bắt ép lên đồn công an. Ở đấy chủ yếu người ta hỏi Đoan Trang về cuốn "Chính trị bình dân". Đoan Trang nhận đấy là cuốn của mình song không có nhận tội gì cả. Đoan Trang bảo viết những cái đấy hoàn toàn là chính đáng, không có gì sai trái cả. Thì họ cho về và bây giờ thì họ vẫn canh gác rất nghiêm ngặt".
VOA đã cố gắng liên lạc với Đoan Trang song không thể kết nối.
Chị Hạnh dự báo phía chính quyền sẽ vẫn tiếp tục triệu tập Đoan Trang trong thời gian tới và đây là một cách để buộc Đoan Trang "đầu hàng, không đấu tranh, không viết lách gì nữa".
Tuy nhiên, với hiểu biết về người bạn trẻ tuổi hơn có cùng chí hướng, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nói Đoan Trang sẽ không chịu khuất phục, và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc bị nhà chức trách Việt Nam bắt. Chị Hạnh nói thêm rằng người bạn của mình không có ý định ra nước ngoài sinh sống hay chữa bệnh.
Nhà hoạt động, blogger Phạm Đoan Trang trong một cuộc trả lời phỏng vấn
Ít giờ sau khi Đoan Trang bị buộc phải đi gặp công an, Luật Khoa tạp chí - một ấn phẩm trên mạng của một số nhà hoạt động mà Đoan Trang là một sáng lập viên, biên tập viên – đã ra tuyên bố cực lực lên án điều được gọi là "hành vi bắt cóc và giam giữ người trái pháp luật" của công an Việt Nam.
Luật Khoa tạp chí nói việc làm của công an có dấu hiệu "lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật", cũng như vi phạm quy định về bắt và giam giữ người nêu trong Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc.
Trong mấy tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, nhà chức trách Việt Nam bắt bớ và xử tù một loạt các nhà hoạt động.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam "muốn dập tắt" tiếng nói của giới đấu tranh sau khi ông thắng thế trong cuộc "chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng". Diễn biến này không làm giới đấu tranh lo sợ, nhụt chí, bà Hạnh khẳng định.
*********************
Nhà báo Đoan Trang, tác giả ‘Chính trị bình dân,’ bị công an ‘bắt cóc’ (Người Việt, 25/02/2018)
Vào khoảng nửa đêm hôm 24 tháng Hai, nhà báo Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn "Chính trị bình dân" đang bán trên trang Amazon, được thả ra sau nửa ngày bị câu lưu tại Hà Nội.
Nhà báo Phạm Đoan Trang (bìa trái) và những người bạn. (Hình : Facebook Huynh Ngoc Chenh)
Hôm 25 tháng Hai, thông cáo do Luật Khoa tạp chí phát đi viết : "Khoảng 2 giờ chiều ngày 24 tháng Hai, đồng sáng lập viên, biên tập viên Phạm Đoan Trang của Luật Khoa tạp chí đã bị một toán sĩ quan an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng ở Hà Nội. Bà Trang sau đó bị cưỡng chế đưa đến trụ sở của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ công an".
Trong thời gian giam giữ, cán bộ điều tra liên tục thẩm vấn bà về những hoạt động trước đây và về tác phẩm "Chính trị bình dân".
Bà Trang không được cơ quan an ninh thông báo về bất kỳ lệnh bắt hay lệnh tạm giữ nào. Luật Khoa tạp chí cực lực lên án hành vi bắt cóc và giam giữ người trái pháp luật của Cơ quan An ninh điều tra. Những hành vi này có đầy đủ dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật" theo Điều 377 hoặc tội "bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" theo Điều 157, Bộ Luật hình sự".
"Hành vi vi phạm pháp luật này đặt biên tập viên của chúng tôi vào tình thế nguy hiểm đến thể chất và tinh thần, đặc biệt trong hoàn cảnh bà Trang đang phải điều trị khắc phục chấn thương đầu gối nghiêm trọng".
Hôm 25 tháng Hai, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên mạng lưới Blogger Việt Nam, nói với nhật báo Người Việt : "Tôi nghĩ rằng việc chị Đoan Trang bị câu lưu như thế có dấu hiệu của việc lạm quyền của Cơ quan An ninh điều tra-Bộ công an. Cụ thể ở đây là ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật’ hoặc ‘Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.’"
"Hành động này tiếp nối sau hàng loạt vụ việc chị Đoan Trang bị câu lưu, sách nhiễu khác trước đây cho thấy là chị ấy chắc chắn đã nằm trong ‘tầm ngắm’ bắt giữ của Bộ công an. Dường như một chỗ trong trại giam đã được Bộ công an chuẩn bị sẵn cho chị ấy. Rõ ràng qua sự việc này, chính quyền đã truyền tải thêm một thông điệp rằng : Việc bắt giữ, bỏ tù những nhà hoạt động vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018".
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên viết trên trang Facebook cá nhân : "Vì viết ra cuốn sách ‘Chính trị bình dân’ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho người bình dân hiểu biết về chính trị mà nhà báo Phạm Đoan Trang bị công an săn lùng từ giữa năm 2017 đến hiện nay. Từ đó, nữ nhà báo phải trốn ra khỏi nhà, lang thang nương tựa nhà bạn bè từ Hà Nội vào đến Sài Gòn để tránh bị khủng bố và bắt bớ. Tết này vì thương nhớ mẹ già đơn độc, thêm chân cô do trước đây bị an ninh đánh gây thương tích nặng, phẫu thuật nhiều lần không lành trở nên đau đớn hơn không đi lại được, Đoan Trang đành phải về nhà ăn tết với mẹ và để được ổn định chữa trị. Sau khi Đoan Trang được thả về, giới chức bố trí lực lượng an ninh hàng chục người bao vây quanh chung cư để mong ‘chôn sống’ cô trong một căn hộ nhỏ bé đã bị cắt hết điện và tất cả các phương tiện liên lạc. Các ông đang học theo Tần Thủy Hoàng và các ông cũng sẽ bị sụp đổ. Sự sụp đổ của các ông sẽ vô cùng khủng khiếp".
Nhà báo Đoan Trang vừa được chọn trao giải Homo Homini của Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế People in Need. Giải này được trao từ thập niên 1990, và được trao như nghi thức mở màn Liên Hoan Phim Tài Liệu Nhân Quyền Thế Giới. Năm nay, giải dự kiến sẽ được trao vào ngày 5 tháng Ba tại nhà hát Prague Crossroads, Cộng Hòa Séc. (T.K.)
*******************
Tạm được "tha" về, công an bao vây chung cư Lê Đức Thọ (Tiếng Dân, 24/02/2018)
Nhà báo Đoan Trang vừa về đến nhà riêng. Chị gọi điện thoại cho tôi trong bóng tối, điện và Internet trong nhà đều đã bị cắt hết. Trang nói họ tạm để chị về, sẽ tiếp tục lên làm việc trong những ngày tới. Phía an ninh nói với Trang rằng chị đừng mong ra khỏi nhà dù chỉ một bước chân, hiện người của họ đã bao vây khắp chung cư chị ở.
Tạm được "tha" về, công an bao vây chung cư Lê Đức Thọ - Ảnh minh họa
Trang nói với tôi có lẽ họ chuẩn bị bắt giam chị. Hôm nay chị bị đưa đến A92, số 3 phố Nguyễn Gia Thiều, trụ sở tiếp dân của cơ quan an ninh Bộ công an. Họ ép chị phải ký nhận những bài phỏng vấn từ năm 2015, những thứ chị không còn chút ấn tượng. An ninh muốn biết chị in sách Chính trị bình dân ở đâu, in ra sao. Một bên ép, một bên không có gì để nói, cứ như vậy từ trưa cho đến bây giờ.
Nhà báo kể lại việc bị đưa đi vào trưa nay, chị nói an ninh lừa mẹ chị họ là người của EU đến thăm. Khi mẹ chị vừa mở cửa thì họ xông vào nhà. Chị nói "nếu mà mẹ chị không mở, có khi hôm nay cả chục người sẵn sàng phá cửa để lôi chị đi. Họ đang rất muốn bắt chị rồi". "Đây là bao vây, triệu tập liên tục, gây sức ép trước khi muốn bắt người" Trang cho biết.
Chị bảo ngồi trong đó lạnh với đau buốt chân, đầu gối của chị nhức lắm. Vết thương mà họ đánh chị, có lẽ cả đời cũng không thể lành.
Để chị lên nhà, họ không quên đe dọa, muốn lớn chuyện thì sẽ cho lớn chuyện, đừng mong sẽ đi đâu được, ở yên đấy đi và sắp tới ngoan ngoãn mà lên làm việc.
Trịnh Kim Tiến
Ngày 25/1 tới đây, Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) sẽ xét xử hai anh Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong với tội danh "chống người thi hành công vụ" trong một cuộc tuần hành của người dân Quỳnh Lưu hồi tháng 2 năm ngoái. Điều đáng nói là hàng trăm nhân chứng có mặt trong cuộc tuần hành đều chưa từng "được" công an hỏi đến trong quá trình điều tra. Một trong các nhân vật chính của sự kiện – linh mục J.B. Nguyễn Đình Thục – đã cố gắng lên tiếng rất nhiều về vụ việc này để làm rõ mọi khuất tất.
Bản thân linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), cũng là một nhân chứng quan trọng bởi ông là người tổ chức cuộc tuần hành ngày 14/2/2017 của dân Quỳnh Lưu (đi bộ đến Tòa án Nhân dân huyện Kỳ Anh để nộp đơn kiện Formosa). Ông còn là chủ sở hữu chiếc xe hơi mà anh Nguyễn Nam Phong cầm lái và Hoàng Đức Bình ngồi bên trong, và bị công an Nghệ An cẩu đi trong cuộc tuần hành hôm đó.
Linh mục Nguyễn Đình Thục có gửi đơn đề nghị được làm nhân chứng dự phiên tòa ngày 25/1 tới, song ông không nhận được phản hồi nào.
Người lái xe của ông – anh Nguyễn Nam Phong, sinh năm 1980 – bị bắt hôm 27/11 vừa qua với cáo buộc ban đầu là vì tội "mua dâm". Ngay sau đó, những trang web đen của dư luận viên đã đăng tải hàng loạt bài viết sỉ nhục cả linh mục Thục lẫn anh Phong. Tuy nhiên, sang ngày 29/11, phía công an đã "chuyển đổi tội danh" của anh Phong sang "chống người thi hành công vụ" và không nhắc gì tới chuyện "bắt vì mua dâm" nữa.
Cái bẫy và cáo buộc "mua dâm"
– Đầu tiên, xin linh mục làm rõ những thông tin xoay quanh việc công an Nghệ An bắt anh Nguyễn Nam Phong (sinh năm 1980), là người lái xe của linh mục, vào ngày 27/11/2017 ?
Buổi tối ngày 27/11/2017, vào khoảng chừng 19g, anh Phong đi chơi với mấy người bạn, trong đó có một người quen cũ tên là Tâm, làm nghề sửa chữa và buôn bán xe máy. Theo anh Phong kể trước đó với tôi, thời gian gần đây anh Tâm tỏ ra rất thân thiết, nhiều lần rủ anh Phong đi chơi, uống rượu mà anh Phong đều chối. Lần này không biết làm sao mà anh Phong lại đồng ý. Tính Phong hay nể bạn bè, thành ra rủ nhiều lần thì anh ấy nhận lời.
Hôm đó họ đi chơi, cho đến đêm khuya vợ anh Phong là chị Yến gọi điện thì Phong không bắt máy. Sau đó, điện thoại tắt nguồn. Chị Yến rất lo lắng vì anh Phong không khi nào đi như thế. Nếu có việc đột xuất, cần thiết phải đi qua đêm, thì anh ấy luôn gọi điện về nhà.
Sáng hôm sau, tức là ngày 28/11/2017, vào khoảng 9h sáng, chị Yến nhận được thông báo từ cơ quan cảnh sát hình sự tỉnh Nghệ An là anh Phong bị bắt tối qua ở xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu) vì tội mua dâm. Chị Yến không tin, và khi chị ấy kể lại với tôi thì tôi cũng không tin. Anh Phong phục vụ cộng đoàn giáo xứ với tư cách một vị trong ban thánh giáo và cũng là người thân cận, hay giúp tôi trong nhiều công việc. Tôi biết rõ tính anh Phong, đó là một người rất chính trực, đúng đắn.
Đúng như suy đoán của chúng tôi, ngày hôm sau nữa, 29/11, vào chừng 3g chiều gì đó, bên cảnh sát điều tra gửi về một giấy khác, nói rằng anh Phong bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ. Tức là ngày 28 thì thông báo bắt vì tội mua dâm, ngày 29 thì bảo bị bắt vì chống người thi hành công vụ.
– Thông thường, trong các án giết người, điều đầu tiên ta phải nghĩ đến là nạn nhân có kẻ thù nào không. Trong vụ án "chống người thi hành công vụ" này, theo linh mục, anh Nguyễn Nam Phong có làm điều gì khiến chính quyền căm ghét không ?
Tôi sống với anh Phong đã lâu và tôi thấy anh ấy tốt lắm. Ai đã gặp anh Phong một lần thì sẽ quý mến anh ấy lắm, vì sự nhiệt tình, khiêm tốn của anh ấy. Anh Phong rất chính trực, quảng đại, luôn mong muốn điều tốt và hy sinh cho người khác. Cái mà chính quyền ghét – có thể họ ghét hay đơn giản là khó chịu về anh Phong – chính là việc anh ấy đã giúp đỡ tôi, nhất là việc anh ấy lái chiếc xe của tôi mang biển số 37A 27724 để chở Hoàng Đức Bình, hai nữ tu và một số bà con đi kiện Formosa ngày 14/2/2017.
Linh mục Nguyễn Đình Thục. Ảnh : internet
Khi "người thi hành công vụ" tấn công dân
– Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Nghệ An và cáo trạng của Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu cáo buộc anh Phong không chịu mở cửa xe theo lệnh của họ trong sự kiện hôm 14/2. Vào thời điểm diễn ra cuộc xô xát đó, linh mục có đứng gần xe không và có chứng kiến hai bên đôi co không ?
Hôm đó, một số đông bà con đi bộ nên tôi không đành lòng ngồi xe mà tôi xuống đi bộ cùng bà con. Công an chặn chúng tôi lại và yêu cầu những người đi xe máy phải chạy vào một bãi đất trống. Tôi thấy chiếc xe của tôi chạy phía trước, cách tôi chừng khoảng 100m, rồi dừng lại. Tôi thấy cảnh sát giao thông, công an sắc phục, thường phục, vây lấy xe. Sau đó, chính tôi cũng bị đánh. Phía chính quyền gây ra một cuộc hỗn loạn, và họ đàn áp, đánh đập người dân rất tàn ác, nên tôi không để ý đến chiếc xe nữa. Về sau thì tôi được biết là xe đã bị cẩu đến một nơi nào đó mà người trong xe cũng không xác định được vị trí.
– Họ đánh linh mục như thế nào ?
Khi đó tôi đi trong đoàn. Một số bà con đi trước tôi. Khi tôi đi đến đoạn ở gần trạm 5 thì công an đã dẹp bà con thành cả một đoàn đứng ở đó. Tôi thấy ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, rồi thấy anh Sửu bên an ninh tôn giáo bước đến, giới thiệu tôi với ông Cầu. Tôi chào hỏi và giơ tay bắt tay ông Cầu, rất vui vẻ. Đang nói chuyện ôn hòa với nhau như thế thì bỗng có một đám đông lao vào tấn công tôi ngay trước mặt ông Cầu. Tôi nghĩ ý đồ của họ là bắt tôi, bởi vì họ rất thô bạo, ôm ngang tôi để đưa đi. Một số người đi cùng thấy tôi bị bắt như thế thì họ ôm tôi lại. Hai bên giằng co, thành ra tôi bị xây xước một số chỗ và chảy máu miệng.
Điều tôi thấy khó hiểu và bất bình là tôi đứng ngay trước mặt ông giám đốc công an tỉnh Nghệ An. Chức năng của công an là bảo vệ người dân, mà hơn thế nữa tôi là một chức sắc tôn giáo, là người dẫn đoàn đi, nhưng ông ta chẳng làm gì cả. Chắc cũng phải có sự chỉ đạo của ông Cầu thì người ta mới thô bạo với tôi như thế, chứ không thể nào mà trước mặt công an, tự nhiên người ta tấn công một vị linh mục.
– Trong kết luận điều tra và cáo trạng, công an cho rằng anh Hoàng Bình đã nhắc anh Nam Phong đừng mở cửa xe, và vì thế anh Phong mắc tội "chống người thi hành công vụ". Linh mục nghĩ sao về lập luận buộc tội này ?
Tôi có căn dặn anh Phong là anh phải bảo đảm an toàn cho người trên xe. Thành ra anh Phong mới không mở cửa.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là không thể kết tội anh ấy chống người thi hành công vụ được. Vì thứ nhất là xe đang lưu thông đúng luật, sao lại chặn lại ? Thứ hai là khi họ chặn xe lại thì cả một đám đông cả công an sắc phục và thường phục vây quanh xe, và có những hành vi rất thô bạo như giật cửa xe, đấm vào xe, bẻ gạt nước. Trong hoàn cảnh đó, tài xế nào có lương tâm, trách nhiệm thì không thể mở cửa xe, vì mở là đặt những người trong xe vào tình thế rất nguy hiểm. Dù tôi có dặn hay không thì cũng vậy.
Nói rằng nếu mở cửa xe, những người trong xe sẽ bị tấn công, thì không phải là chuyện chúng tôi suy đoán mà thực tế là như thế. Bởi vì cách xe chừng khoảng 100 mét, bà con còn đang bị tấn công bởi chính cảnh sát cơ động và công an thường phục kia mà. Chúng tôi bị tấn công rất tàn ác. Hàng trăm người bị đánh. Gần ba chục người phải đi cấp cứu tại bệnh viện hay trung tâm y tế.
Họ đánh bằng dùi cui, gậy gộc, đấm đá, trong khi chúng tôi rất ôn hòa. Chúng tôi ngồi xuống đọc kinh mà họ còn ném pháo nổ ở sát nơi chúng tôi ngồi. Nhiều người sợ quá không chịu được, bỏ chạy và thế là bị đánh đập rất tàn ác.
Hình ảnh một số giáo dân bị đánh đập trong ngày 14/2
Chúng tôi nghĩ anh Phong không mở cửa xe là việc làm rất đúng lương tâm và đầy tình người. Thêm nữa, nếu bảo anh ấy chống người thi hành công vụ thì anh ấy chống sao được ? Clip quay trực tiếp cho thấy ngay chiếc xe của họ còn bị cẩu về đồn, anh Hoàng Bình, anh Phong, mọi người đều ở yên trong xe, đọc kinh cầu nguyện, thì họ chống cách nào ?
Một chính quyền làm gì cũng bí mật
– Từ hôm sự kiện đó diễn ra (14/2/2017) cho tới ngày anh Nam Phong bị bắt (27/11/2017), đã có bao giờ cơ quan chức năng làm việc với linh mục về vụ việc chưa ? Đã khởi tố vụ án nào chưa ?
Không. Không hề. Bên chính quyền không nói gì cả. Tôi đã viết bản tường trình và đơn tố cáo gửi rất nhiều cơ quan của tỉnh Nghệ An cũng như Trung ương về những gì hành động bạo lực của họ đã gây ra cho chúng tôi, nhưng cả bên công an lẫn chính quyền đều chẳng nói năng gì. Họ cũng chưa bao giờ khởi tố vụ án nào cả. Hôm anh Phong bị bắt, ban đầu thì họ thông báo là bắt vì tội mua dâm, hôm sau thì bảo là chống người thi hành công vụ, mà cũng chẳng nói là trong vụ việc nào. Cuối cùng hóa ra là khởi tố chung vụ với anh Hoàng Bình.
– Linh mục có nghi ngờ rằng toàn bộ vụ việc này thực chất là nhằm vào chính ông không ?
Tôi ngờ như vậy. Hoàng Bình cũng như Nam Phong đã rất tận tình giúp tôi trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nạn nhân vụ Formosa, ví dụ giúp tôi kê khai thiệt hại, viết đơn yêu cầu bồi thường… Họ bắt hai người này thì chắc đối tượng họ muốn đánh chính là tôi.
Tôi cũng đã bị đe dọa nhiều lần. Nhiều số điện thoại lạ gọi đến hoặc nhắn tin vào máy tôi, đe dọa, chửi bới, "mày liệu hồn", "mày sẽ bị đánh", "mày mà không dừng lại thì sẽ bị thế này, thế kia…". Trên mạng cũng có rất nhiều bài viết chửi rủa tôi.
Có những người trong chính quyền gặp và bảo tôi thôi đi, đừng làm gì nữa. Họ nói "việc này chúng tôi biết cả, ông Giám đốc Công an tỉnh cũng đã nói trước Quốc hội về những thiệt hại Formosa gây ra cho chúng ta và cũng đã yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng mà ngoài đó Trung ương người ta chưa có quyết định gì thì trong này mình cũng không làm gì được".
Họ nói vậy là rất vô trách nhiệm. Lẽ ra, nếu lo cho người dân ở địa phương này thì khi thấy thiệt hại của dân như thế, đề xuất một lần không được thì họ phải đề xuất nhiều lần để chính phủ phải quan tâm bồi thường cho dân chứ ? Đằng này, họ bảo "chúng tôi đã đề xuất và chính phủ không xem xét", thế là thôi. Đâu thể như vậy được ? Nếu vậy thì thiệt hại của dân sẽ được xử lý như thế nào đây ?
Phạm Đoan Trang
Nguồn : phamdoantrang.com, 20/01/2018
Vài tiếng sau khi Đinh La Thăng bị bắt, dân mạng truyền nhau một bức ảnh xuất phát từ trang Nhà Văn của blogger Người Buôn Gió, chú thích là do Trịnh Xuân Thanh chụp tại Đại hội Đảng mùa xuân năm ngoái. Trong hình, Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng và tân Bí thư Hồ thành Đinh La Thăng ôm nhau sánh bước, như hai cha con.
Hai người ở giữa bức ảnh được cho là ông Nguyễn Phú Trọng (phải) và ông Đinh La Thăng (trái). Nguồn : Trịnh Xuân Thanh/NBG
Cũng chỉ 5-6 năm về trước, báo chí quốc doanh ca ngợi "anh Thăng" như gương mặt sáng nhất, trẻ trung, năng động, gần dân nhất trong đám lãnh đạo xôi thịt. (Tất nhiên chẳng báo nào dùng từ "xôi thịt", nhưng độc giả có thể hiểu là như thế).
Bây giờ thì cũng chính các tờ báo ấy đồng loạt trích dẫn thông cáo của công an để dập Đinh La Thăng xuống bùn. Tài liệu tố tụng, kết luận thanh tra các kiểu đương nhiên khẳng định rằng Đinh La Thăng có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Nhưng dân chúng, trừ những dư luận viên vì nhiệm vụ mà giả vờ ngây thơ, ai mà chẳng hiểu tất cả chỉ là kết quả của cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng chỉ hiểu đại khái như vậy.
Có thể nói, bao lâu nay, Đảng đã thể hiện hệt như một xới vật trùm bạt kín mít. Dân chúng ở ngoài hóng, chỉ nghe tiếng đấm đá bình bịch bên trong, tiếng ối á, và sau đó thấy "các đồng chí bị lộ" bị đánh bay huỳnh huỵch ra ngoài võ đài. Rồi lại thấy các đồng chí khác xông lên, mặt đỏ gay, ồ ạt lao vào bên trong. Thấy tấm bạt rung bần bật, rồi lại thấy bình bịch, ối á…
* * *
Mùa xuân năm 2016, trước và trong Đại hội Đảng – xới vật lớn nhất, tổ chức 5 năm một lần – cuộc chiến đấu diễn ra tàn khốc cả ngoài đời lẫn trên mạng. Ngay tại hội trường đại hội những ngày ấy, khi còn chưa ngã ngũ, Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng vẫn bước đi xênh xang, các đại biểu nhìn thấy ông vẫn dạt ra kính nể, miệng vẫn cười tươi thắm : "Anh ạ ạ ạ ạ"…
Vài ngày sau, khi Tổng bí thư đã toàn thắng, không khí khác hẳn. Người ta vẫn dạt ra tránh Ba Dũng, nhưng… gần như "tránh một vật gì rất tởm". Không chào hỏi nồng nhiệt nữa. Như không nhìn thấy ông ta nữa. Chừng như ai cũng muốn tỏ ra là chưa từng thân thiết, quen biết gì cái tay tham nhũng thất thế đó. Có lúc chụp hình lưu niệm, các đại biểu chen nhau, tranh nhau vị trí đẹp nhất (một bồn hoa trên bục) để pose hình bấm máy, mặc kệ cha con Thủ tướng đứng đợi mãi không tới lượt. Tình hình tệ đến mức chính mấy cảnh vệ phải ra nhắc nhở : "Các đồng chí từ từ, nhường Thủ tướng một tí, Thủ tướng chờ lâu rồi".
(Chuyện có thật).
* * *
Tuyên giáo cộng sản đã thành công trong việc nhồi sọ để dân đen bao năm nay vẫn nhai nhải "chính trị là xấu xa, thủ đoạn, người thanh cao, lương thiện phải tránh xa".
Kể ra cũng đúng, cái thứ chính trị mà đảng Cộng sản làm bấy lâu nay chẳng xấu xa, thủ đoạn, bẩn thỉu thì còn đẹp đẽ với ai.
Nó bưng bít, tù mù, đầy mưu mô, bí hiểm trước dân, mà tàn bạo và bạc bẽo với nhau.
Những đặc điểm ấy là tất yếu, và là đặc thù của một nền chính trị độc tài độc đảng, trong đó quan chức ngồi vào ghế lãnh đạo không phải nhờ lá phiếu của dân chúng mà nhờ khả năng tham nhũng, luồn lọt, thượng đội hạ đạp, khả năng đón đúng hướng gió, chọn đúng phe, đúng "chủ" mà "thờ". Quan chức mất ghế cũng không phải nhờ lá phiếu của dân chúng mà do đấu đá thua trận, do chọn nhầm phe, nhầm chủ…
Phạm Đoan Trang
Nguồn : Tiếng Dân, 09/12/2017
(FB Phạm Đoan Trang)
Với mong muốn "đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’", nhà báo-nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vừa cho ra đời cuốn sách "Chính Trị Bình Dân". Tác phẩm được giới trí thức hoạt động xã hội đánh giá cao về cả nội dung, phong cách viết và mức độ cần thiết của nó trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
Bìa sách Chính Trị Bình Dân của tác giả Phạm Đoan Trang.
Blogger Phạm Lê Vương Các nhận định : "[Sách] Chính trị mà Việt Nam xuất bản sau năm 1975 phần lớn là viết về quan điểm của Đảng Cộng sản và dành cho các đảng viên. Còn xuất bản sách về chính trị thì hoàn toàn vắng bóng. Chính vì vậy, tôi đánh giá đây là một tác phẩm rất quan trọng. Nó mở ra một lối cho chính trị đi vào tầng lớp bình dân. Ai cũng có thể tiếp cận nó qua những câu chuyện bình dân và thực tế. Đây là một tác phẩm rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại".
Nhà báo Đoan Trang được biết đến qua nhiều các bài viết và hoạt động cỗ vũ dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam như loạt bài viết về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tham gia biểu tình chống Trung Quốc và gần đây là thảm họa môi trường Formosa.
Bà thường bị chính quyền canh giữ cẩn mật trong những thời điểm được cho là "nhạy cảm".
Chia sẻ trên trang Facebook, bà Trang cho biết : "Có những ngày trước cửa nhà tôi luôn đầy những thanh niên bịt mặt đứng, ngồi vạ vật, ánh mắt nhìn tôi không chút thân thiện. Ở một nơi khác, sếp của họ, ngồi phòng lạnh, đang chỉ đạo họ theo dõi "đối tượng" chặt chẽ, nghiên cứu thói quen, lịch làm việc hàng ngày, đường đi lối lại vào nhà và cách bài trí đồ đạc trong nhà… Đã có những ngày mà, nếu không có cây đàn guitar luôn đặt ở bên, có lẽ tôi đã phát điên.".
"Chính Trị Bình Dân" được viết trong những ngày như thế, khi bà Đoan Trang "bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở - nghĩa đen", trích Facebook Phạm Đoan Trang.
Năm 2015, sau khi nhận hoàn thành khóa học theo học bổng tại Mỹ, nhà báo Đoan Trang đã chọn trở về Việt Nam, điều mà bà cho VOA biết là "một quyết định khó khăn, dằn vặt", để thay đổi xã hội "bất thường" Việt Nam "trở thành một xã hội bình thường".
Giới thiệu về cuốn sách, nhà báo Đoan Trang viết : "Người Việt lại có thói quen tin tưởng rằng chính trị là cái gì đó xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, tốt nhất nên tránh xa nó ra.
Với niềm tin sai lệch ấy, định kiến ấy, chúng ta tiếp tục xa lánh chính trị, không hiểu gì về chính trị và để mặc đất nước, xã hội cũng như cộng đồng cho một thiểu số lãnh đạo tùy ý vận hành, quyết định.
Nhưng thật ra, chính trị đâu có khó hiểu đến thế. Cũng như nhân quyền, tự do, dân chủ chưa bao giờ là các khái niệm phức tạp, nhạy cảm hay đáng sợ. Chúng là những điều đơn giản và căn bản đến mức mọi người dân thường ở các xã hội dân chủ đều nắm được, ít nhất là cảm nhận được chúng. Và chính nhờ thế, họ bảo vệ được nền dân chủ của nước mình".
Nội dung của "Chính Trị Bình Dân", theo giới thiệu của nhà báo Đoan Trang, là một cuốn sách nhập môn về những kiến thức căn bản về chính trị mà Đoan Trang đã "cố gắng để làm cho nó dễ hiểu và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’ ở bạn đọc Việt Nam".
"Chính nhờ sự dí dỏm và nhẹ nhàng, những vấn đề chính trị rất khô khan dưới ngòi bút của Đoan Trang trở thành gần gũi. Khi đọc, người đọc sẽ cảm nhận mình là một bộ phận ở trong đó. Chẳng hạn, Đoan Trang nêu ra vấn đề mà nhiều người đang rất quan tâm hiện nay như việc thu phí ở BOT. Điều này khiến cho người đọc cảm nhận mình là người trong cuộc, chứ không phải là người ngoài cuộc", blogger Phạm Lê Vương Các nhận xét với VOA.
Chỉ trong vài ngày đầu ra mắt, cuốn "Chính Trị Bình Dân" đã được nhiều trí thức hoạt động ở Việt Nam đánh giá cao và giới thiệu rộng rãi qua các kênh truyền thông xã hội.
Luật sư Lê Công Định nhận xét trên trang Facebook cá nhân "Đây là quyển sách quan trọng và nền tảng về chính trị cho mọi người, nhất là giới trẻ".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự ở Việt Nam, nói cuốn sách đáp ứng tốt một nhu cầu của xã hội Việt Nam, nơi mà mức độ hiểu biết về chính trị, dân chủ của người dân cần phải được nâng cao.
"Theo tôi, những người hoạt động một cách chuyên nghiệp thì hiểu biết của họ về chính trị và dân chủ nói chung là tốt. Còn dân chúng nói chung cũng rất khó nói, tôi nghĩ là sự hiểu biết đó chắc là chưa được kỹ lắm và cần phải nâng cao sự hiểu biết của người dân lên hơn nữa", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định.
Blogger Phạm Lê Vương Các đánh giá cuốn "Chính Trị Bình Dân" không chỉ đề cập đến những vấn đề "nhạy cảm", mà còn "đánh trực diện vào hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam" nên "rủi ro" là điều khó tránh khỏi đối với tác giả cuốn sách. Blogger, cũng là nhà hoạt động nghiên cứu về Luật, nói :
"Về mặt pháp lý, theo nguyên tắc, cuốn sách được xuất bản tại Hoa Kỳ nên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Hoa Kỳ, chứ không thể nói sách xuất bản tại Hoa Kỳ mà pháp luật Việt Nam lại có thể can thiệp vào. Tuy nhiên về mặt chính trị, chính quyền có thể lấy một lý do A, B, C, D nào đó để trả đũa cho việc Đoan Trang xuất bản cuốn sách này".
Tác phẩm dày 502 trang của nhà báo Đoan Trang hiện đang được bán trên Amazon với giá 20 đôla. Theo nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nếu cuốn sách được cô đọng ngắn gọn hơn, bán với giá rẻ hơn và được phân phối qua nhiều kênh gần gũi hơn thì chắc chắn sẽ tiếp cận được nhiều hơn tới giới "bình dân", đối tượng mà cuốn sách nhắm đến.
Tuy nhiên, nhà báo Đoan Trang nói bà sẽ "rất vui được tặng sách" cho sinh viên và nếu độc giả gặp khó khăn với công an, an ninh vì cuốn sách, bà "sẵn sàng trao đổi họ trên tư cách tác giả với độc giả".
"Tác giả không sợ thì các bạn chẳng có gì phải ngại cả", bà Trang khẳng định trên Facebook.