Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kinh tế Trung Quốc thấm đòn thương chiến với Mỹ

Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào ngày 11/10/2019.

thuongchien1

Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 19/06/2018 Reuters/Thomas Peter/File Photo

Trước vòng đàm phán thứ 13, nhật báo Le Monde (08/10/2019) tóm tắt tình hình kinh tế hai nước từ khi xảy ra chiến tranh thương mại song phương.

Liên quan đến Trung Quốc, theo nhà báo Frédéric Lemaître, "Bắc Kinh thừa nhận bị tác động vì chiến tranh thương mại". Giữa tháng 09, tổng thống Mỹ chấp nhận lùi thời hạn tăng thêm 5% thuế (từ 25% thành 30%) đến ngày 15/10 thay vì có hiệu lực từ ngày 01/10, đánh vào 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, "theo yêu cầu của phó thủ tướng Lưu Hạc vì Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa kỉ niệm 70 năm thành lập nước".

Những dấu hiệu cho thấy Bắc Kim thấm đòn, được nhà báo Frédéric Lemaître phân tích trên hai điểm : nhũn nhặn hơn trong tuyên bố và số liệu thống kê mới.

Dường như chưa bị tác động trong năm đầu khai chiến, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh hùng hồn tuyên bố rằng các doanh nghiệp Mỹ mới là những nạn nhân chính. Khí phách giảm dần khi những thống kê mới cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.

Trung Quốc đổi giọng, liên tục cảnh cáo sẽ không bên nào thắng cuộc trong cuộc chiến thương mại và công nghệ, thậm chí "thuế quan và tranh chấp thương mại (…) phá hoại chủ nghĩa đa phương" và "có thể đẩy thế giới vào suy thoái", theo phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 09 ở New York.

Không những không khảng khái chỉ đích danh Mỹ khuấy động thế giới, Bắc Kinh lại tỏ ra nhân nhượng. Bằng chứng là cho phép công ty Paypal của Mỹ tham gia thị trường thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Paypal trở thành công ty nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực này được cấp phép. Quyết định được Hoàn Cầu Thời Báo giải thích (05/10) là "chẳng lợi lộc gì khi xây bức tường Berlin phiên bản kỹ thuật số. Ngược lại, một hợp tác đôi bên cùng có lợi nên là mục tiêu của tất cả các nước nước sản xuất công nghệ".

Có lẽ Bắc Kinh hạ giọng vì số liệu thống kê mới không tốt đẹp lắm cho nền kinh tế Trung Quốc. Chính quyền phải thừa nhận rằng không dễ dàng gì đạt được tăng trưởng trên 6% trong năm 2019, trong khi mục tiêu đề ra là từ 6% đến 6,5%. Trừ lĩnh vực dịch vụ, ngành công nghiệp bị tác động mạnh. Lượng xe hơi bán ra trong năm 2019 giảm khoảng 10%. Tỉ lệ thất nghiệp tạm ổn nhưng một số ngành "gặp vấn đề, như sản xuất ô tô, điện lực, xây dựng, bất động sản", theo Nhân Dân Nhật Báo ngày 25/09.

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cần ưu tiên đầu tư và tiêu thụ. Như vậy, kế hoạch thúc đẩy kinh tế được Bắc Kinh đề ra năm 2018 chưa đạt được kết quả như mong đợi, theo nhận định của Le Monde.

Việc Trung Quốc, vào tháng 09, quyết định hủy tăng thuế đối với 18 mặt hàng Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành, hai sản phẩm quan trọng cho cả nông dân hai nước, cũng được cho là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng nhân nhượng trong cuộc đàm phán sắp tới. Phía Trung Quốc cũng có những "diều hâu" không chịu khuất phục trước chính quyền Mỹ đang tìm cách hạ gục họ.

Thực tế kinh tế : thước đo của chính quyền Trump

So với Trung Quốc, tình hình kinh tế Mỹ khả quan hơn. Thống kê được công bố ngày 04/10 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ rơi xuống mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ 50 năm nay. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng, dù có một số dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn, như trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Trái với hứa hẹn mang việc làm về cho người dân, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã không giúp Nhà Trắng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động về trong nước. Thậm chí, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bị sụt giảm trên quy mô thế giới và dĩ nhiên gây tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ.

Hiện tại, tổng thống Mỹ không ở thế mạnh như hồi mùa Xuân. Ông kiên quyết buộc Bắc Kinh khuất phục, nhưng nếu tăng thuế đối với hàng Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt thòi và có thể gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Wall Street. Rủi ro này quá lớn đối với chủ nhân Nhà Trắng, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Dù ông Donald Trump tuyên bố không cần một thỏa thuận với Trung Quốc trước kỳ bầu cử, nhưng giới chuyên gia cho rằng khả năng "đình chiến" trong năm 2020 là điều có thể.

Đối mặt với thủ tục truất phế, đảng Cộng hòa ủng hộ tổng thống Trump

Trong nước, tổng thống Trump đang phải đối mặt với thủ tục luận tội do Hạ Viện, nơi mà đảng Dân chủ chiếm đa số, mở ra. Theo bài phân tích của Libération, bất chấp người báo động thứ hai ra điều trần vào cuối tuần qua, đảng Cộng hòa tiếp tục nhiệt tình ủng hộ tổng thống Trump, bằng chứng là nhiều triệu đô la đã được quyên góp cho chiến dịch tranh cử của ông.

Vụ "Ukrainegate" được Le Monde thuật lại cùng với nhận định Nhà Trắng liên tục lên án "âm mưu của đảng Dân chủ". Riêng tổng thống Mỹ vẫn ưu tiên mạng xã hội Twitter để trút giận, với hơn 200 tin nhắn đăng từ ngày 01 đến 07/10.

Mỹ thí "tốt" Kurdistan trước đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ

Chỉ bằng một cú điện thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, chủ nhân Nhà Trắng khiến các đồng minh ngỡ ngàng khi quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi miền bắc Syria, phó thác số phận của người Kurdistan cho kẻ thù Thổ Nhĩ Kỳ. Nhật báo kinh tế Les Echos trích lại tin nhắn trên Twitter của tổng thống Mỹ : "Người Kurdistan đánh nhau với Thổ Nhĩ Kỳ từ vài chục năm qua. Tôi đã tránh một cuộc đối đầu từ gần ba năm nay, nhưng đã đến lúc chúng ta rút khỏi cuộc chiến nực cười và bất tận này".

Với quyết định đi ngược khuyến cáo của Lầu Năm Góc, nhật báo Le Monde cho rằng "Washington bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria" dù bộ trưởng quốc phòng Mark Esper khẳng định Mỹ không bỏ rơi lực lượng Kurdistan, đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tổng thống Mỹ đã phải nhân nhượng trước đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ liên tục dọa mở chiến dịch quân sự vào miền đông bắc Syria để lập "vùng đệm", rộng 30 km và kéo dài 400 km dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Với Ankara, khu vực này là hậu cứ cho phong trào ly khai của đảng Lao động Kurdistan (PKK), kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan.

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra những hậu quả gì ? Theo bài viết "Trump bỏ rơi người Kurdistan ở Syria cho kẻ thù Thổ Nhĩ Kỳ" của Le Figaro, lực lượng Kurdistan YPG sẽ phải rút về thung lũng Euphrat, để lại nhiều vùng có thể bị rơi vào tay thánh chiến Hồi giáo. Quân đội Syria có thể chiếm lại miền đông lãnh thổ. Hàng chục nghìn tù nhân thánh chiến và gia đình họ, trong đó rất nhiều người là công dân phương Tây, có thể sẽ trốn thoát và trở thành mối de dọa cho các nước phương Tây. Mỹ từng dọa thả tù nhân thánh chiến nếu các đồng minh có công dân tham gia không nhận lại tù binh.

Nhật báo Libération quan tâm đến số phận của "Người Kurdistan bị bạn hữu Mỹ bỏ rơi". Hành động của Nhà Trắng bị xã luận của nhật báo cánh tả đánh giá là "vô liêm sỉ", là "sự phản bội". Không muốn triển khai quân trên thực địa, phương Tây đã cầu viện đến lực lượng Kurdistan để đẩy lui thánh chiến. Vậy mà để đáp ơn họ, Mỹ ngừng yểm trợ. Các đồng minh của Mỹ, trong đó có Pháp, thì phản ứng một cách dè dặt.

Xã luận của La Croix quan tâm đến "Trọng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ" tại Syria, cũng như trong khu vực. Chính quyền Ankara không ngừng củng cố quan hệ chặt chẽ với Moskva, trong cuộc chiến ở Syria, cũng như thông qua các hợp đồng mua chất đốt, nguyên tử, vũ khí, đặc biệt là hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, bất chấp những đe dọa trừng phạt của Mỹ.

Chính sách Trung Đông của Mỹ thất bại ?

Mở rộng ra cả khu vực Trung Đông, xã luận của Le Figaro cho rằng chính sách Trung Đông của Mỹ đã "thất bại".

Quyết định của tổng thống Trump đồng nghĩa với việc để Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ Damascus định đoạt số phận lực lượng Kurdistan. Cùng thời điểm này, chủ nhân Nhà Trắng cũng tỏ ý đẩy Afghanistan vào tay Taliban, trở lại điểm xuất phát cách đây 18 năm khi Mỹ tấn công thành trì của Taliban ở Kabul, đẩy Mỹ vào cuộc chiến lâu nhất trong lịch sử nước này. Liên quan đến Iraq, nơi có lúc quân nhân Mỹ lên đến 160.000 người trong vòng 10 năm, tổng thống Mỹ cũng đang dần để quốc gia này mỗi ngày rơi thêm vào vòng ảnh hưởng của Iran, quốc gia bị coi là kẻ thù lớn trong khu vực.

Với quyết định đầy tính toán cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, chủ nhân Nhà Trắng chỉ khẳng định rằng Hoa Kỳ đã thất bại tại Trung Đông, nơi Mỹ đã chi đến 2.000 tỉ đô la, 7.000 lính đặc nhiệm thiệt mạng và hơn 300.000 nạn nhân là thường dân, chưa kể phía Syria. Mỹ thất bại, còn Nga, chế độ Damascus, Thổ Nhĩ Kỳ là những bên chiến thắng, trong khi những đồng minh phương Tây của Mỹ bất lực, chuẩn bị đối phó nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo có thể hồi sinh.

Khủng bố tại Paris : Bộ trưởng Nội vụ điều trần về kẽ hở an ninh

Ngoài chủ đề Donald Trump bỏ rơi người Kurdistan ở Syria, trang nhất của các nhật báo Pháp quan tâm đến thời sự trong nước.

La Croix chú ý đến "Nông dân chinh phục người Pháp" bằng cách nối lại quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Le Figaro quan tâm đến hai chủ đề : "Nhập cư : Edouard Philippe sẵn sàng suy nghĩ đến hạn ngạch" và "Dưới làn sóng chỉ trích gay gắt, Christophe Castaner buộc phải giải trình".

Năm ngày sau vụ tấn công bằng dao ngay trong Sở Cảnh sát Paris, bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner ra điều trần ngày 08/10/2019 trước Ủy ban Tình báo Nghị Viện. Theo Le Monde, ông thừa nhận có những kẽ hở trong guồng máy an ninh, liên quan đến việc cảnh báo dấu hiệu cực đoan, song không được ghi bằng văn bản, của thủ phạm Mickaël Harpon ngay từ năm 2015. Dù vậy, Mickaël Harpon vẫn được cấp phép tiếp cận bí mật quốc phòng cho đến năm 2020. Khi khám xét nhà thủ phạm, các nhà điều tra tìm thấy một ổ USB chứa nhiều thông tin mật và nhiều đoạn video quay cảnh hành quyết.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Chống khủng bố : những lỗ hổng trong bộ máy an ninh của Pháp

Những "khiếm khuyết" trong hệ thống an ninh của Pháp và một loạt những câu hỏi bốn ngày sau vụ Sở Cảnh Sát Paris bị tấn công từ bên trong, một nhân viên ra tay sát hại đồng nghiệp và điều tra chuyển sang hướng khủng bố.

khungbo1

Sở Cảnh Sát Paris, Pháp, nơi một nhân viên ra tay sát hại bốn đồng nghiệp hôm 03/10/2019. Reuters

Pháp "choáng váng", cơ quan an ninh phải đối mặt với những thách thức vì "một mối đe dọa xuất phát từ bên trong", tựa lớn trên báo La Croix. Tờ Le Figaro thiên hữu xem vụ một nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris giết chết bốn đồng nghiệp ngay tại sở làm vì lý do tôn giáo là một vụ "tấn công". 

Nguy hiểm hơn nữa là vụ tấn công hôm thứ Năm 03/10/2019 cho thấy, một số các phần tử Hồi giáo cực đoan đã len lỏi vào được những cơ quan Nhà nước, kể cả một điểm huyết mạch nhất như Sở Cảnh Sát Paris mà không hề bị phát hiện. Thủ phạm làm việc tại phòng được coi là "cực kỳ nhậy cảm".

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã nói đến "khiếm khuyết", đến những "sơ hở" trong vận hành của ngành an ninh. Libération cánh tả, gọi hung thủ là "kẻ thù từ ở bên trong" và tờ báo phác họa lại chân dung một người đàn ông 45 tuổi, chuyên về tin học, làm việc tại Sở Cảnh Sát Paris từ năm 2003, được quyền tiếp cận với các hồ sơ thuộc diện bí mật quốc phòng. Trong mắt các đồng nghiệp, anh ta là một người kín đáo, hay giúp đỡ những người chung quanh, nhưng chỉ trong 7 phút, đã hiện nguyên hình là một con sói dữ, vô cùng tàn bạo, đâm chết bốn đồng nghiệp, trong đó có ba người làm cùng phòng với anh ta.

Tờ báo cánh tả này trong bài xã luận ví von : "Đây thực sự là một trận địa chấn đang làm rung chuyển cả cỗ máy chính trị-an ninh của Pháp. Có lẽ dư âm sẽ còn kéo dài (...). Thủ phạm đi theo phe Hồi giáo cực đoan, liệu đã hành động riêng lẻ, hay là thành viên của một nhóm khủng bố ? Liệu rằng anh ta có cung cấp những thông tin tình báo của Pháp về mảng chống khủng bố hay không ?".

Về tranh cãi đang bùng lên chung quanh trách nhiệm của bộ Nội vụ, Libération cho rằng, không nên tất cả mọi lỗi lên một mình bộ trưởng Christophe Castaner, nhưng chí ít thì ông này cũng đã vụng về nếu không muốn nói là nhanh nhảu đoảng khi vội vã bác bỏ khả năng đây là một vụ khủng bố chỉ vài giờ sau khi nhân viên của Sở Cảnh Sát Paris thiệt mạng. Cũng chính vì vội vã gạt bỏ giả thuyết khủng bố, bộ trưởng Nội vụ Pháp bị các đảng phái đối lập cáo buộc "muốn tìm cách che giấu thông tin" như ghi nhận của Le Monde.

Pháp và chính sách nhập cư

Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, hôm nay, Quốc hội thảo luận về chính sách đón nhận người nhập cư. Tất cả các tờ báo Paris đều chờ đợi, Pháp siết chặt chính sách nhập cư.

La Croix lưu ý độc giả, tổng thống Macron không có ý định cho ra đời một bộ luật mới về nhập cư, thay thế cho bộ luật đã được thông qua từ mùa hè năm 2018. Nhưng với việc đem hồ sơ nhậy cảm này ra thảo luận tại Quốc hội, rồi hai ngày sau đến lượt bên Thượng Viện, là bằng chứng cho thấy nguyên thủ Pháp đưa vấn đề này lên thành một ưu tiên hàng đầu, bởi đây là mối quan tâm lớn của một phần công luận trong nước. Le Figaro không vòng vo cho rằng tổng thống Macron đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử thành phố vào mùa xuân năm tới và nhất là cho khả năng tái tranh cử vào năm 2022.

Libération cảnh báo đa số cầm quyền tại Pháp, chớ nên rơi vào bẫy của bên đảng cánh hữu và cực hữu với tinh thần bài ngoại. Le Monde nhìn vấn đề ở một góc độ khác : tổng thống Emmanuel Macron muốn đem đề tài này ra thảo luận trước Quốc hội lưỡng viện, vì ông ý thức được rằng, ngay cả trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa Tiến Bước, có nhiều thành viên không tán đồng các biện pháp cứng rắn của chính phủ trong việc tiếp nhận người nước ngoài.

Brexit : Bão tố chờ đợi thủ tướng Boris Johnson

Nhìn sang phần thời sự quốc tế, báo kinh tế Les Echos Le Monde chú ý nhiều đến vương quốc Anh trước viễn cảnh Brexit. Dưới hàng tựa "Một tuần lễ để thoát khỏi bế tắc", nhật báo Le Monde tiết lộ thủ tướng Boris Johnson dường như sẵn sàng yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu hoãn lại ngày chia tay.

Với giọng điệu châm biếm tác giả bài báo cho rằng, có nhiều khả năng ông Johnson chơi trò ú tim. Một mặt năn nỉ Bruxelles hoãn ngày Brexit, mặt khác hô hào với cử tri trong nước rằng "thà chết còn sướng hơn" là phải ở lại Liên Hiệp Châu Âu sau ngày 31 tháng 10. Nhưng trong bụng thì thầm khấn các đấng linh thiêng phù hộ để mọi người cùng tin vào màn ảo thuật này của ông ta.

Trang nhất báo Les Echos đăng ảnh thủ tướng Anh đầu tóc bù xù, bên cạnh là hàng tựa nổi bật "Brexit : Bão tố sắp ập đến với Boris Johnson". Một chục ngày trước thượng đỉnh Châu Âu về Brexit, chính quyền Anh vẫn "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" về tiến trình đàm phán với Bruxelles. Trong khi đó thì thị trường chứng khoán Luân Đôn đang "điên đảo" trước viễn cảnh ra đi tay không, trong trường hợp Brexit no deal.

Quyền lực mềm và ảnh hưởng của Nga

Cũng về quan hệ quốc tế, Alain Barluet trên tờ Le Figaro chú ý đến ảnh hưởng ngoại giao của nước Nga từ giữa những năm 2000 tới nay. Theo tác giả, Moskva đã có hẳn cả một chính sách "quyền lực mềm" nhưng đấy không nhằm tô điểm hình ảnh của đất nước mà chủ yếu nhằm mục tiêu làm suy yếu các đối thủ của nước Nga.

Giám đốc cơ quan nghiên cứu Carnegie tại Moskva, ông Dmitri Trenine đánh giá rằng "từ năm 2014, ảnh hưởng của Nga liên tục được mở rộng trên thế giới, từ về mặt chính trị đến quân sự và thông tin. Điều này đã được kiểm chức tại Ukraine, ở Cận Đông, Châu Phi, Châu Á và một phần tại Châu Mỹ Latinh". Thế nhưng trong bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu Portland thực hiện về "30 quốc gia có quyền lực mềm hiệu quả nhất", nước Nga của tổng thống Putin chỉ đứng hạng thứ 28. Moskva ý thức được nhược điểm của mình và lo ngại thấy tinh thần bài Nga còn rất mạnh tại các nước phương Tây.

Theo phân tích của giáo sư Evguenia Obitchkina, Học viện Quan hệ Quốc tế Nga, một trong những ưu tiên của nền ngoại giao Nga là mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh trên trường quốc tế. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Moskva bị Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cướp mất hào quang đó. Có điều đối với điện Kremlin, thanh thế trên trường quốc tế là một lá bùa hộ mạng và để củng cố quyền lực ở trong nước. Đến giữa những năm 2000, khi Ukraine và Gruzia muốn gia nhập khối NATO, Nga nhất quyết phản đối vì trông thấy ảnh hưởng của mình bị thu hẹp lại với các nước láng giềng sát cạnh. Trong nhãn quan của Vladimir Putin đó là mầm mống đe dọa đến "chủ quyền và ổn định của nước Nga".

Vậy đâu là công cụ quyền lực mềm của Putin ? Le Figaro nhắc lại, thuật ngữ soft power chỉ xuất hiện trên các văn bản chính thức từ năm 2012, nhưng trước đó năm 2007 ông Vladimir Putin đã thành lập hẳn một quỹ để quảng bá tiếng Nga mà ông gọi là "tài sản quốc gia" của nước Nga.

Cũng chủ nhân điện Kremlin coi việc bảo vệ ngôn ngữ, bảo vệ những cộng đồng nói tiếng Nga là một ưu tiên, thể hiện "tình yêu đối với nước Nga". Do vậy theo giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Nga, Moskva đã phản ứng mạnh mẽ vào năm 2014 khi Quốc hội Ukraine đòi cấm giảng dậy tiếng Nga. Chính quyền Putin cho rằng Kiev đã "vượt qua lằn ranh đỏ".

Có điều Moskva không chỉ dùng quyền lực mềm để chinh phục thế giới. Ukraine và Syria là những trường hợp điển hình cho thấy các phương tiện truyền thống để phô trương thanh thế vẫn còn tính thời sự. Chuyên gia Pháp thuộc trung tâm nghiên cứu CERI – trường Khoa học Chính trị Paris, bà Anne de Tinguy cho rằng "yếu tố quân sự vẫn chiếm một vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại" của nước Nga.

Sau cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moskva cho rằng, "cái mà Nga gọi là quyền lực mềm, thực ra khá giống với các chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục cộng đồng quốc tế về tầm nhìn của nước Nga, và qua đó phá vỡ những lập luận của các đối thủ". Đặc biệt là từ giai đoạn 2012-2013, đài truyền hình Russia Today trở thành công cụ tuyên truyền của Nga ở hải ngoại. Một nhà triết học Nga nói với báo Le Figaro : "chính sách tuyên truyền của Moskva không nhằm củng cố thêm hình ảnh tích cực của nước Nga mà chủ yếu nhắm vào các lực lượng chính trị phương Tây mà điện Kremlin đánh giá là những đối tượng thù nghịch".

Quyền lực công nghệ cao trong tay 3 người đàn bà

Cũng về quyền lực mềm, nhưng trong lĩnh vực công nghệ cao Les Echos bình chọn 3 phụ nữ thế lực nhất. Cả ba đã từng là chủ nhân các công ty khởi nghiệp, và sau một thời gian hoạt động, nay các start up của họ đã trở thành những con "kỳ lân", ngựa một sừng trong thần thoại Châu Âu, với số vốn hơn 1 triệu đô la.

Người thứ nhất là Fatoumata Ba, 32 tuổi. Cách nay 6 năm, với công ty khởi nghiệp Jumia, bà tiên phong trong lĩnh vực mua bán trên mạng tại Châu Phi. Thành công vượt bực, giờ đây bà quyết định đem vốn ra giúp đỡ các mầm non start up khác của Châu Phi.

Nhân vật thứ nhì là chủ nhân công ty khởi nghiệp Mỹ Branch : Madalina Seghete lớn lên tại nước Romania cộng sản. Nhờ có học bổng của Mỹ, Mada được vào trường đại học Cornell danh tiếng của Hoa Kỳ... Năm 2012 Mada cũng với một vài bạn học cũ lập ra một công ty khởi nghiệp, cho phép các thương hiệu theo dõi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình... Chỉ 5 năm sau Branch huy động được 242 triệu đô la để phát triển. Madalina là một trong số 37 phụ nữ điều hành một "con kỳ lân" !

Người thứ ba là Jessica Scorpio sáng lập viên Getaround công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe hơi. Sinh ra tại Canada, lớn lên tại Mỹ nhưng lại chọn Pháp là nơi đất lành chim đậu, Jessica tin rằng tương lai của nền công nghệ cao thế giới đang trong tay phụ nữ. 

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 06/10/2019

Published in Video

Trung Quốc : Biển Đông không dễ nuốt

Cựu tổng thống Pháp ra đi trong niềm thương tiếc, tổng thống Mỹ đương nhiệm trong chiếc lưới "impeachment", Trung Quốc tung chiến thuật mới nhưng thiếu ba yếu tố để chiến thắng tại Biển Đông. Jacques Chirac, Donald Trump, Biển Đông nổi sóng và Hồng Kông dậy lửa là những chủ đề lớn trên các tạp chí cuối tuần.

bien1

Ảnh minh họa : Quần đảo Trường Sa chụp từ trên không. Ảnh 21/04/2017. Ted ALJIBE / AFP

Tình hình nóng bỏng tại Hồng Kông được Courrier International tóm lược trong tựa ngắn " Hồng Kông trong lửa và máu ". Cùng nhận định, The Economist dự báo nguy cơ " căng thẳng leo thang tại đặc khu hành chánh " sau vụ một học sinh bị bắn. Trong khi đó tại Biển Đông, cũng theo tuần báo Anh, kịch bản hợp thức hóa đường lưỡi bò không thuận buồm xuôi gió như Trung Quốc toan tính.

Biển Đông ít được nhắc tới không có nghĩa là Bắc Kinh đã bớt tham lam

Có hai lý do trong thời gian qua, công luận ngày càng ít nghe nói Trung Quốc gia cố các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh giảm bớt lòng tham làm bá chủ trên một vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông.

Lý do thứ nhất là 7 tiền đồn ở Trường Sa đã được hoàn tất. Thứ hai, là với những tiền đồn này, Bắc Kinh nghĩ rằng đủ mạnh để bước qua giai đoạn hai, thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct-COC). Năm 2013, Tập Cận Bình thề thốt là các phi đạo, hải cảng mà Trung Quốc đang xây dựng trên các đảo nhân tạo là để "phục vụ lợi tích chung". Thực tế cho thấy Trung Quốc xây pháo đài, công sự chiến đấu, bố trí máy bay quân sự , tên lửa… Về quân sự, 7 tiền đồn trên biển cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ.

Các đảo tiền trạm này, ngày nay là hậu cần của các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc, lui tới như "xe cắt cỏ" tại các vùng biển của Việt Nam, như đã xảy ra vào năm 2014, và đang diễn ra hiện nay. Cùng lúc, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng lui tới hù dọa các giàn khoan của nước ngoài hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam hay với Malyasia láng giềng.

Đây là một chiến thuật áp đặt chủ quyền, buộc các nước láng giềng chấp nhận chuyện đã rồi. Tuy nhiên có lẽ Bắc Kinh tính không qua trời tính. Theo The Economist, kế hoạch của Trung Quốc bị nhiều trắc trở không ngờ.

Trung Quốc bị 3 cản lực tại Biển Đông

Trước tiên, nhiều nguồn tin cho rằng Biển Đông là "vùng nước độc" khắc kỵ Trung Quốc. Cấu trúc "bê-tông" trên các đảo nhân tạo bị nước biển, muối biển soi mòn, nền móng bị sụp đổ trong khi chờ đợi xẩy ra một cơn bão lớn.

Thứ đến, Trung Quốc không ngờ các nước Đông Nam Á cự tuyệt, đề kháng đề nghị "cùng khai thác tài nguyên". Manila chỉ hứa miệng chưa có gì chính thức.

Trung Quốc cũng không ngăn cản được các công ty nước ngoài hợp tác với các nước Đông Nam Á. Cho dù Nga được xem là bạn của Trung Quốc nhưng tàu Trung Quốc hù dọa giàn khoan của công ty nhà nước Nga Rosneft ở Bãi Tư Chính.

Điều trớ trêu là những hành động dọa nạt này chỉ gây bất lợi thêm cho Trung Quốc trong ý đồ buộc các nước Đông Nam Á ký bộ quy tắc ứng xử COC vào năm 2021.

Ian Storey, một chuyên gia địa chiến lược ở Singapore cho biết có rất nhiều cản lực mà cội nguồn là do mưu tính của Trung Quốc. Cụ thể là để một "bộ quy tắc" có giá trị pháp lý, thì phải đệ trình Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh không đồng ý.

Trở ngại thứ hai là Trung Quốc muốn bộ quy tắc COC công nhận đường "chín đoạn" bao trùm cả Biển Đông vừa mù mờ, vừa không cơ sở. Thế là các nước Đông Nam Á chống lại "lưỡi bò".

Một điểm nữa, là hoạt động nào bị cấm ? Trung Quốc không muốn cấm các hoạt động quân sự hóa, cải tiến cơ sở quân sự (bị xuống cấp) trong tương lai. ASEAN cũng bác bỏ lại đề xuất của Trung Quốc cấm ASEAN tập trận chung với một "cường quốc ngoài khu vực", tức là Hoa Kỳ.

Thừa hiểu thâm ý của Bắc Kinh muốn hợp thức hóa ý đồ thống trị Biển Đông, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo : Chấp nhận "những yêu sách của Trung Quốc liên quan đến bộ quy tắc ứng xử COC là "gián tiếp công nhận bá quyền Trung Quốc" như "cho con voi vào phòng khách".

Hồng Kông phá tan ngày hội của Bắc Kinh

Tình hình tại Hồng Kông cũng trở thành phức tạp thêm sau vụ cảnh sát bắn một thiếu niên biểu tình. Nhất cử nhất động của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều gây phản ứng bất lợi.

Ngày Bắc Kinh kỷ niệm trọng thể 70 năm chế độ Mao thì cũng là ngày "máu lửa" tại Hồng Kông. Courrier International đăng bức ảnh cảnh sát đàn áp một nhóm thanh niên biểu tình ngày 01/10 : Hơn 50 người bị bắt, một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn thẳng vào ngực, trọng thương.

Với tựa "Phá nát lễ hội", The Economist nhận định : "Ngày 01/10 không bao giờ là ngày vui của dân Hồng Kông. Từ bốn tháng nay, người dân đặc khu nổi dậy đòi dân chủ đúng nghĩa và tố cáo bàn tay của Đảng cộng sản Trung Quốc can thiệp vào đời sống, sinh hoạt tự do của Hồng Kông".

Ngày quốc khánh của Hoa Lục biến thành ngày quốc táng tại Hồng Kông. Khắp bán đảo, người biểu tình tuần hành với biểu ngữ "ChiNazis " (Trung Quốc Xã), đốt lửa, đốt cờ Trung Quốc. Họ còn khiêu khích để cảnh sát đàn áp mạnh. Hơn 100 người bị thương trong đó có Tsang Chi Kin, bị bắn vào ngực.

Cho dù cảnh sát biện minh là "tự vệ chính đáng và có chừng mực" nhưng vụ này, đối với một lực lượng an ninh có tiếng chuyên nghiệp, và nhất là viên cảnh sát sử dụng đạn thật có trang bị vũ khí không sát thương, sẽ làm cho các nỗ lực làm giảm căng thẳng sau này của chính quyền đặc khu phức tạp thêm.

Nhiều dấu hiệu cho phép lo ngại tình hình sắp tới sẽ căng thẳng thêm : có tin lực lượng Trung Quốc tại Hồng Kông tăng gấp đôi từ 5.000 quân lên 10.000 hay 12.000. Báo chí thân Bắc Kinh đề xuất sử dụng một đạo luật cũ thời nhượng địa về "tình trạng khẩn cấp" để chống biểu tình. Ngày 24/11, Hồng Kông bầu ủy viên hội đồng thành phố. Theo The Economist, đây sẽ là một cơ hội để biểu tình dữ dội nổ ra nếu các ứng cử viên chủ trương ly khai với Trung Quốc bị cấm tranh cử.

Donald Trump trong màn xiếc phế truất

Báo chí Mỹ phê bình chủ nhân Nhà Trắng đặt cá nhân lên trên đất nước, bất chấp những vấn đề quan trọng mà Hoa Kỳ đang đối phó.

Courrier International chọn hai bài báo Mỹ. Trước hết, với bài "Cơn lôi đình trong văn phòng bầu dục", Los Angeles Times tường thuật "những lời tuyên bố phóng đại và vô trách nhiệm" của tổng thống Donald Trump từ khi phe Dân chủ quyết định khởi động cuộc điều tra để truất phế tổng thống.

Trong mũi dùi tấn công nhân viên tình báo đánh tiếng chuông báo động vụ Ukraine cũng như trong tweet đòi bắt chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố như mê sảng : người nào cũng nói dối, người nào cũng loan tin thất thiệt. Nghiêm trọng hơn nữa, tổng thống Mỹ còn chia sẻ quan điểm của một mục sư bình luận gia của đài truyền hình bảo thủ Fox News, theo đó, truất phế tổng thống sẽ đưa đến "nội chiến".

Một lần nữa, từ khi nhậm chức cách nay gần ba năm, tổng thống Donald Trump đánh đồng cá nhân ông với Nhà nước là một. Los Angeles Times lưu ý : tổng thống là đại diện nhưng không phải là hiện thân của quốc gia. Những gì tốt cho Hoa Kỳ không hẳn là tốt cho Donald Trump và ngược lại. Những lời tuyên bố cuối tuần qua cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không chấp nhận sự thật này.

Không chấp nhận thì làm gì ? New York Times công kích mạnh hơn : Tổng thống làm trò xiếc và gây chia rẽ. Đối với nhật báo kịch liệt chống Donald Trump thì ông có thể không bị cách chức mà còn huy động được cử tri ủng hộ mạnh hơn để tái đắc cử. Thủ tục Impeachment lúc đó có lợi cho Donald Trump, nhưng tiếp tục nhiệm kỳ hai trong điều kiện này thì thật là không may cho nước Mỹ.

Công và tội của cố tổng thống Pháp Chirac

Có phúc phần hơn tổng thống Mỹ đương nhiệm, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, từ trần trong niềm thương tiếc. Courrier International đề cao nhà lãnh đạo "thân dân", nhưng nghiêm khắc phê phán các sai lầm trong chính sách đối ngoại.

Nhìn từ các nước Ả Rập, tổng thống thứ năm của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp là một người đáng quý vì ông là bạn của Lebanon, của Iraq, là người nói "không" với nước Mỹ để chống can thiệp quân sự vào Iraq.

Báo L’Orient-Le Jour của Lebanon thì không quên tổng thống Chirac là người giúp Lebanon của thủ tướng Rafiq Hariri từ năm 1995 thoát khỏi vòng kềm tỏa của Syria.

Nhìn từ Mỹ, New York Times ghi nhớ tình cảm tốt đẹp của tổng thống Chirac với Hoa Kỳ. Báo Đức Tagesspiegel cho rằng tổng thống Chirac tập trung vào chính trường quốc tế hơn là tình hình nước Pháp.

Trong khi đó, báo chí Châu Phi ghi nhớ "công lẫn tội" của nhà lãnh đạo Pháp vừa qua đời. Trong khi các nguyên thủ Châu Phi tỏ lòng thương tiếc thì tờ L’Observateur Paagal, Burkina Faso, trách Chirac bao dung cho các nhà lãnh đạo bạn hữu tham ô.

Tuần báo thiên tả Pháp, L’Obs, không ngần ngại dành một số đặc biệt với hình bìa là tấm ảnh một chính trị gia trẻ tuổi, đep trai như tài tử điện ảnh lúc mới bắt đầu tham chính thời cố tổng thống Pompidou cho đến khi trở thành "tổng thống trong nhân dân Pháp". Đó là chủ đề của 80 trang tổng kết các sự kiện nổi bật và giai thoại vui buồn trong sự nghiệp lâu dài, trong đó có 18 năm làm đô trưởng Paris và 12 năm ở điện Elysée.

Tú Anh

Published in Châu Á

Vì sao Mỹ "giơ cao đánh khẽ" với Airbus ?

Sau Trung Quốc đến lượt Liên Hiệp Châu Âu lãnh đòn thuế quan của Mỹ.

airbus1

Chiếc Airbus A330neo bay biểu diễn nhân Triển lãm hàng không Le Bourget, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 17/06/2019. Reuters/Benoit Tessier/Pool/File Photo

Le Monde (04/10/2019) trên trang nhất chạy tít lớn "Trump tấn công Châu Âu sau khi WTO bật đèn xanh". La Croix nhận định "Hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu cho Airbus thổi bùng căng thẳng với Trump".

Nhật báo công giáo giải thích ngọn nguồn của căng thẳng. Airbus và Boeing tố cáo lẫn nhau đã hưởng hỗ trợ bất hợp pháp từ chính phủ. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vừa xử Boeing thắng kiện trong khuôn khổ đơn kiện đầu tiên được đưa ra cách nay 15 năm. Nhưng điều ngạc nhiên là đòn phạt Mỹ đưa ra đối với Airbus là chỉ áp thêm thuế 10% nhắm vào các chiếc máy bay của Châu Âu.

Vì sao Hoa Kỳ lại "giơ cao đánh khẽ" đối với Airbus ? Bởi vì theo Les Echos, phía Mỹ đã từng dọa áp thuế đến 100% theo giá bán các loại máy bay và linh kiện rời nhập của Châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cấm Airbus bán các sản phẩm của mình ở Mỹ. Và biện pháp này cũng có thể đe dọa đến sự sinh tồn của các chuỗi dây chuyền lắp ráp dòng A320 Mobile tại bang Alabama.

Ngoài ra, mức thuế áp thêm 10% có nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động của nhiều hãng hàng không Mỹ, vốn dĩ đã đặt hàng 700 chiếc máy bay với Airbus. Les Echos lưu ý thêm hiện tại nhu cầu sắm mới máy bay của các hãng hàng không Mỹ lớn đến mức Boeing khó có thể một mình đáp ứng. Đơn đặt hàng tại hãng chế tạo hàng không Mỹ cũng kín giống như đối thủ Châu Âu, trong khi hiện nay Boeing còn đang gặp khó khăn trong việc giao các chiếc 737 Max.

Nhật báo kinh tế nhắc lại rằng Boeing cũng phải nhập khẩu nhiều trang thiết bị và các linh kiện hàng không từ Châu Âu để chế tạo và lắp ráp máy bay của chính mình như thân máy bay Boeing 787 do hãng Leonard của Ý cung cấp hay như một nửa các động cơ 737 là do tập đoàn Safran Pháp chế tạo. Do vậy, áp thuế các mặt hàng hàng không của Châu Âu chẳng khác gì tự đánh thuế vào chính Boeing của Mỹ !

Airbus thoát nạn, 150 mặt hàng khác lãnh đòn thay

Có điều khi đánh khẽ Airbus, khoảng 150 mặt hàng nông sản hay công nghiệp lại phải lãnh đòn phạt thay. Hoa Kỳ thông báo một danh sách dài các mặt hàng của từng nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ bị áp thêm 25% thuế kể từ ngày 18/10/2019 như rượu vang (Pháp và Tây Ban Nha), phô mai (Pháp và Ý), whisky (Scotland), các loại dụng cụ công nghiệp, từ lưỡi rìu cho đến tuốc-ne-vít hay lưỡi lam các loại dao xếp (Đức) hay các loại sản phẩm may mặc bằng len (Anh)…

Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire cho đó là "một sai lầm kinh tế và chính trị". Phát ngôn viên Ủy Ban Châu Âu cho biết nghiên cứu mọi giải pháp và dĩ nhiên "dự trù cả những biện pháp đáp trả". Le Figaro đặt câu hỏi : "Liên Hiệp Châu Âu có thật sự trong thế mạnh hay không ?" để rồi tự nhận thấy là Châu Âu giờ đang trong tình thế khá tế nhị.

Sự việc cho thấy Mỹ đang gia tăng sức ép với Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác mà ông Donald Trump không ngừng cáo buộc là còn "tệ hơn cả Trung Quốc nhưng có quy mô nhỏ hơn". Quyết định này đưa ra trong bối cảnh các mặt hàng nhôm và thép của EU đang bị áp thêm thuế. Do đó, ông Donald Trump tính rằng Washington lợi được 9 tháng trước khi WTO cho phép đến lượt Bruxelles trừng phạt Hoa Kỳ vì đã hỗ trợ Boeing.

Từ đây đến đó, tình hình kinh tế của Châu Âu đã xấu có thể sẽ còn tệ hại hơn, nhất là với vụ Brexit. Đến ngày 13/11/2019, chính quyền Trump còn sẽ quyết định có áp thuế đối với mặt hàng xe hơi của Châu Âu hay không. Triển vọng này đang khiến Đức lo ngại, quốc gia xuất khẩu xe và linh kiện lắp ráp ô tô Châu Âu sang Mỹ.

Mối họa Trung Quốc

Dẫu sao thì Châu Âu cũng muốn tránh một cuộc leo thang căng thẳng, mà ông Bruno Le Maire cho rằng "không phải là giải pháp tốt". Bởi vì, theo cảnh báo của La Croix, điều này chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Nhật báo công giáo này trích dẫn nhận xét của ông Sébastien Jean, giám đốc Cepii, trung tâm nghiên cứu về kinh tế quốc tế của Pháp cho rằng "cuộc chiến này giữa Mỹ và Châu Âu thật là khó hiểu, trong khi mà mối đe dọa thật sự, trên phương diện hàng không, đến từ đối thủ Trung Quốc hiện đang rình rập thâm nhập thị trường". Bắc Kinh quả thật sắp đưa ra thị trường dòng máy bay Comac C919, máy bay đường bay trung bình, tương đương với loại B737 và A320, hai dòng hàng chính của Boeing và Airbus.

WTO : Công cụ của Hoa Kỳ ?

Cũng nhân vụ việc này, Le Figaro chỉ trích mạnh mẽ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là "nhất bên trọng, nhất bên khinh".

Tờ báo mỉa mai đề tựa "WTO, hôm trước bị bêu xấu, hôm sau được Trump ngợi khen". Kể từ ngày đặt chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump không ngừng "xỉ vả" WTO nào là tổ chức này "đối xử tệ với Mỹ" (tweet ngày 17/04/2018), nào là "WTO bất công với người Mỹ" (06/04/2018)…

Nguyên thủ Mỹ chỉ trích định chế quốc tế này là "quan liêu", chiều lòng Trung Quốc hay không có năng lực giải quyết các vấn đề đương đại như bán hàng trên mạng… Và do vậy, Donald Trump có những giải pháp đơn phương thô bạo để giải quyết những vấn đề của định chế này. Ông từ chối thông qua việc bổ nhiệm các thẩm phán của Cơ quan xử lý các tranh chấp ORD của WTO.

Với Washington, những quyết định của tổ chức này thường xuyên vi phạm chủ quyền quốc gia. Mỉa mai thay, chính định chế này sẽ phải thông qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong 10 ngày nữa. Một cách hiển nhiên, chính quyền Trump vội vã ủng hộ định chế đa phương này những khi họ bảo vệ được các quyền lợi của Mỹ !

Pháp : "Cảnh sát bị đâm trúng tim"

Một chủ đề khác cũng được một số báo Pháp hôm nay đề cập đến vụ một nhân viên cảnh sát đâm chết bốn đồng nghiệp và gây trọng thương cho một người khác. Nhật báo công giáo La Croix thông báo "Tấn công chết người tại sở cảnh sát Paris". Libération nhận định không chút khoan nhượng "Cảnh sát bị đâm thẳng vào tim".

"Bị đâm trúng tim" cũng là tựa đề bài xã luận của Le Figaro. Bị hành hung lúc thi hành công vụ, bị sát hại tại nhà trước sự chứng kiến của trẻ nhỏ như vụ Magnanville năm 2016, giờ thì bị giết chết tại sở làm… Làm thế nào tại một nơi được bảo vệ và trong khu vực mà công việc cực kỳ nhạy cảm như thu thập thông tin lại có thể để xảy ra một tấn thảm kịch như thế ? Khủng bố hay điên loạn ? Công cuộc điều tra đang tiến hành.

Sự việc gợi nhắc lại bao nhiêu vụ án mạng khác nhưng sau đó bị xếp lại. Và điều này càng làm gia tăng nỗi lo lắng của các nhân viên an ninh trước sự thoái lui của chính quyền.

Hồng Kông : Những chú hề biểu tình trong tương lai ?

Le Figaro tiếp tục dẫn độc giả đến vùng Đông Bắc Á, đến với "chảo lửa" Hồng Kông. Những đảng chính trị thân Bắc Kinh muốn cấm người phản đối đeo mặt nạ xuống đường biểu tình.

Lệnh cấm này đã được đảng DAB, thân Bắc Kinh đòi hỏi từ lâu, và đã được Pháp hay Mỹ áp dụng. Nhiều người phản đối cho biết họ không sợ và có thể sẽ "hóa trang như những chú hề". Nếu như biện pháp mới này được áp dụng, điều này càng khẳng định chiến lược của Bắc Kinh, đẩy bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lên tuyến đầu để xử lý khủng hoảng, tạm thời gạt sang một bên giải pháp can thiệp trực tiếp.

Tại quảng trường Thiên An Môn, Tập Cận Bình cam kết giữ nguyên "quyền tự trị" của đặc khu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Shi Yinhong, giáo sư đại học Nhân dân "Trung Quốc sẽ làm tối đa để tránh việc gởi quân, do cái giá phải trả trên trường quốc tế sẽ là rất lớn. Cảnh sát Hồng Kông vẫn có nhiều khả năng để gia tăng sức mạnh và tăng cường kiểm soát".

Theo cáo buộc của nhiều người biểu tình, cảnh sát Trung Quốc dường như đã âm thầm trà trộn vào hàng ngũ cảnh sát Hồng Kông. Ông Shi cảnh báo "Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho việc những kẻ cực đoan chiếm lấy quyền kiểm soát".

Thử tên lửa : Kim Jong-un muốn gì ?

Về Bắc Triều Tiên, Le Figaro quan tâm đến vụ bắn thử tên lửa hôm thứ Tư 02/10/2019. Nhật báo cánh hữu này cho rằng "Kim Jong-un gia tăng áp lực với Trump".

Tờ báo trích dẫn nhận xét của ông Harry Kazianis, chuyên gia tại Center for the National Interest của Hoa Kỳ đánh giá : "Thông điệp của Bắc Triều Tiên rất rõ ràng : Khả năng gieo rắc hỗn loạn của chúng tôi gia tăng mỗi ngày. Dường như họ muốn thúc đẩy Washington từ bỏ yêu sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn".

Giới chuyên gia nhận định thời điểm tiến hành vụ thử không phải ngẫu nhiên. Đây là lần đầu tiên kể từ sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 02/2019, lãnh đạo họ Kim bật đèn xanh cho việc nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Thụy Điển.

Ông Leif-Eric Easleyn giáo sư đại học Ewha, tại Seoul lưu ý : "Bắc Triều Tiên quen ra giá cao trước khi ngồi vào bàn đàm phán để có thể có được các nhượng bộ".

Tiếng ồn nông thôn : Một di sản văn hóa khác cần được bảo tồn ?

Cũng trên Le Figaro nhưng trong lĩnh vực đời sống văn hóa. Tờ báo lo lắng cho hiện tượng "Tiếng ồn thôn dã chia rẽ nông thôn và tân nông thôn".

Tiếng rống của bò, tiếng gà gáy ban mai, tiếng chim hót hay tiếng chuông nhà thờ, tiếng vịt kêu cạp cạp ngoài đồng, tiếng ếch kêu ròn rã hay tiếng ve kêu ngày hè… những âm thanh đặc trưng cho vùng thôn dã nay đang phải đối mặt với những đơn kiện "lạ đời" của những lớp người "tân nông thôn" đến từ thành thị.

Nông thôn Pháp đang chứng kiến cảnh đối đầu giữa người "nông thôn chân chất" thật sự với những người "tân nông thôn" tìm sự trong lành, nhưng không chấp nhận những âm thanh thôn dã. Số đơn kiện tiếng ồn nông thôn ngày càng nhiều, đến mức thị trưởng xã Gajac, vùng Gironde, người sáng lập hiệp hội "Tiếng vọng thôn dã" phải lên tiếng tố cáo "thói ích kỷ, tự cho mình là trung tâm vũ trụ của những người mới đến, xuất thân từ thành thị đến khám phá nông thôn giống như là một kẻ ngốc phát hiện ra rằng không thể hái trứng từ trên cây".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Hồng Kông : Sáng tạo nghệ thuật là vũ khí tranh đấu

Thảm họa qua vụ cháy hãng hóa chất Lubrizol tại Rouen, phong trào dân chủ tại Hồng Kông, Donald Trump chống đỡ nguy cơ truất phế tiếp tục chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay. Libération không quên câu chuyện nông dân Cam Bốt kiện một công ty Pháp đòi lại đất bị cưỡng chiếm với sự đồng lõa của chính quyền địa phương.

hong1

Người biểu tình Hồng Kông đối đầu cảnh sát tại trạm metro Thái Cổ (Taikoo) ở Hồng Kông, ngày 03/10/2019. Reuters/Jorge Silva

Tuổi trẻ Hồng Kông : Hình ảnh là vũ khí, internet là chiến trường

Phong trào phản kháng chống Bắc Kinh trở thành quyết liệt, nhãn hiệu và cơ sở thương mại Trung Quốc bị tấn công, trong khi Bắc Kinh chào mừng 70 năm chế độ Cộng hòa nhân dân, tuổi trẻ Hồng Kông xuống đường thách thức.

Tình hình Hồng Kông được Le Monde dành cho hai bài tường thuật và một bài xã luận.

Với tựa "Quốc khánh Trung Quốc biến thành hỗn loạn", phóng viên tại chỗ của nhật báo độc lập ghi nhận cũng như mọi cuộc biểu tình, đoàn người phản kháng ngày 01/10 bắt đầu tuần hành một cách ôn hòa trước khi xung đột xảy ra khi bị cảnh sát chận đường. Từ lúc đó lá cờ đỏ 5 sao vàng bị đốt, xung đột trên các ngã đường giữa cảnh sát và hàng ngàn người biểu tình, 20 trạm xe điện ngầm bị thiệt hại vật chất, bom xăng chống lựu đạn cay, 66 người biểu tình từ 12 tuổi đến 71 tuổi bị thương, một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn vào ngực nhưng "có cơ may" phục hồi.

Quy mô các cuộc biểu tình trong thành phố được yểm trợ bằng một chiến dịch phản kháng bằng hình ảnh "bùng nổ trên mạng", theo quan sát của Le Monde, trong bài "cuộc nổi dậy ra tay". Trước thế mạnh áp đảo của chính quyền Bắc Kinh, tuổi trẻ Hồng Kông sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo làm vũ khí. Song song với những cuộc xuống đường như biển người, phong trào phản kháng gia tăng hình thức "nối vòng tay lớn" trước các cơ sở chính quyền, cầu nguyện tập thể, bãi công bãi khóa một ngày, và nhất là chiến dịch tràn ngập hình ảnh, biểu ngữ, biểu tượng trên tường, trên mạng internet. Phong trào qua hình ảnh, màu sắc, đập vào mắt quần chúng.

Chiến thuật Lý Tiểu Long : Hãy là nước

Chiến lược tranh đấu bằng nghệ thuật hình ảnh, theo giới trẻ Hồng Kông, là một khái niệm của Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long : Hãy là nước, không định hình, không chẻ ra được, lúc tiến lúc thoái, xâm nhập khắp nơi trên không gian mạng. Mỗi ngày, hàng chục ngàn hình ảnh, biểu ngữ, mật mã bằng chữ Hán và tiếng Anh tung lên mạng kết nối người dân với nhau, hướng dẫn cách chống lựu đạn cay, cách bảo vệ những thiếu nữ, thiếu niên trên tuyến đầu lúc bị đàn áp. Khi phong trào muốn làm một bức tượng nữ thần tự do Hồng Kông, thì ngay lập tức, một đạo binh điêu khắc gia ẩn danh xin tham gia, một số tiền lớn 203 ngàn đô la Hồng Kông (25.000 đô la Mỹ) được đóng góp.

Một chi tiết được Le Monde chú ý là các biểu ngữ của phong trào không mang tính tuyên truyền chính trị và ý thức hệ. Trái lại chúng dựa theo khẩu vị, văn hóa của thế hệ trẻ, chẳn hạng như "Nếu chúng tôi bị đốt cháy thì quý vị (lãnh đạo) cũng bị cháy theo". Giới "fan" trò chơi Hunger Games không lạ gì khẩu hiệu này. Phong trào 2019, theo Le Monde, huy động mọi tầng lớp xã hội khác nhau : công nhân, dù vàng, sinh viên học sinh, tôn giáo với những khẩu hiệu biểu tượng nhắc nhau "sáng kiến không bao giờ chết", hãy thông minh khiêm tốn, hãy là nước để không bao giờ thất bại.

Trung Quốc : Một quốc gia hai cuộc tưởng niệm

Trong bài xã luận "Trung Quốc : một quốc gia hai cuộc tưởng niệm", Le Monde mô tả hai hình ảnh đối chọi. Bắc Kinh với binh lính rầm rộ, xe tăng tuần hành, người tham gia mặt mày hào hứng. Hồng Kông với những người trẻ mặc y phục đen, cầm dù, xé biểu ngữ mừng quốc khánh, đốt giấy vàng bạc như đưa một đám tang.

Theo tác giả bài xã luận, Hồng Kông đã trở thành sân khấu của một cuộc đối đầu giữa hai hệ thống : chế độ xã hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình và mô hình dân chủ. Với hệ thống luật pháp riêng, xã hội công dân, trình độ giáo dục cao, Hồng Kông chứng tỏ đủ khả năng tự quản. Bắc kinh cũng biết giữ thái độ chừng mực để không bị Tây phương chỉ trích mạnh hơn.

Chính quyền Trung Quốc sử dụng đội quân dư luận viên, thành phần dân Hoa Lục nhập cư và gián điệp, trả đũa kinh tế, để đánh phá phong trào phản kháng và hy vọng làm đảo ngược công luận và làm phong trào phản kháng tự tan rã. Nhưng vô vọng.

Bế tắc toàn diện. Lâm Trinh Nguyệt Nga mất hết uy tín. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng biết công luận Hồng Kông vì sao đốt phá các biểu tượng của chế độ Trung Quốc nhưng sử dụng quân đội là một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Theo Le Monde, giải pháp khả thi nhất là bầu một lãnh đạo mới dễ chấp nhận hơn. Liệu Tập Cận Bình có sẵn sàng hay không ?

Phó sản Dioxine

Vụ cháy nhà máy hóa chất tại Rouen đã được dập tắt nhưng "khói mù" vẫn dầy đặc. Les Echos với hệ quả kinh tế, La Croix với tác hại cho nghề nông, Le Figaro Le Monde chú ý đến yếu tố sức khỏe người dân và áp lực chính trị.

Les Echos lo ngại thảm họa cháy Lubrizol sẽ là một thảm họa kinh tế đe dọa Rouen và các xí nghiệp địa phương ở tỉnh Rouen. Vì lý do an toàn, Lubrizol dời qua một nước khác làm mất hàng trăm việc làm.

La Croix lưu ý đến lệnh của chính quyền tỉnh buộc các nhà chăn nuôi ngưng sản xuất thịt, sữa trong khi chờ đợi kết quả kiểm nghiệm ô nhiễm môi trường. Vấn đề, là một tuần sau hỏa tai, cho dù chính phủ nói thật nhưng không trấn an được dân chúng vì "không nhà khoa học nào" có thể biết là với 5.253 tấn hóa chất đủ loại bị cháy cùng lúc sẽ cho ra những khí độc hại gì ? Dioxine là ám ảnh lớn nhất.

Theo Libération trong bài "địa lý của một rủi ro", qua vụ cháy Lubrizol, nước Pháp là nước kỹ nghệ mà từ hàng trăm năm nay, hãng xưởng nằm trong thành phố. Le Monde cho biết thêm, chính phủ đang bị áp lực rất nặng, đối lập đòi thành lập ủy ban điều tra để biết nhà máy này chứa hóa chất gì. Trong khi đó, dân cư điạ phương đòi hỏi câu trả lời chính xác.

Nông dân Cam Bốt sang Pháp đòi công lý

Cũng trong hồ sơ sinh thái, La Croix đưa độc giả sang Amazon để thương cảm cho các bộ tộc bị xâm chiếm môi trường truyền thống. Trong khi đó, Libération trình bày vụ một tập đoàn của tỷ phú người Pháp Vincent Bolloré bị nông dân xứ Chùa Tháp kiện ra tòa án Nanterre tội cưỡng chiếm đất canh tác trồng cây cọ.

Sống tại rừng Amazon là tựa của nhật báo công giáo, ba ngày trước khi Giáo hội Công giáo mở hội thảo môi trường kéo dài ba tuần. Ngôi làng đầu tiên,Taluen, bị ô nhiễm vì thủy ngân xuất phát từ các mỏ vàng bất hợp pháp. Sông bị ô nhiễm, thực phẩm chính của người dân là cá, họ sống trong phập phòng lo sợ cho tương lai.

Cũng trong chủ đề này, Les Echos đặt ra một vấn nạn : làm sao nuôi sống 7,7 tỷ dân trên địa cầu mà không phá hủy trái đất ? Các tập đoàn thực phẩm khai thác rừng để nuôi trồng tàn phá đa dạng sinh thái. Tình trạng khí hậu biến đổi là do cánh tác công nghiệp đưa đến. Cứu đói nhưng làm cho CO2 tăng, nhiệt độ khí quyển tăng và dân số tiếp tục tăng. Nếu không có biện pháp mạnh thì nhân loại đi về đâu ?

Đừng tin Putin : sản phẩm Xô-viết

Ở trang quốc tế, những diễn tiến mới trong quan hệ Nga-Châu Âu cũng như những bất cập của tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến thuật đối phó với thủ tục truất phế là hai chủ đề chính.

La Croix hy vọng bế tắc ngăn cản "tiến trình hòa bình ở Ukraine" đã được giải tỏa. Kiev và phe ly khai ở Donbass ký thỏa thuận vực dậy hiệp định Minsk, theo đó có sự đồng ý của Putin : Tổ chức bầu cử tự do, quân Nga rút khỏi Donbass, quân đội Ukraine kiểm soát biên giới, Donbass tự trị nhưng chưa rõ đến mức độ nào ?

Tuy nhiên, trên Le Monde, điện ảnh gia người Ukraine Oleg Sentsov, vừa được Nga trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân cảnh báo : "Putin là sản phẩm của chế độ Sô viết. Không nên tin ông ta. Macron và Zelensky không thuyết phục được chủ nhân điện Kremlin đâu. Putin muốn tái lập chế độ Liên bang Xô viết thế hệ 2".

Về phản ứng của tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng một hình ảnh bản đồ phục vụ mục tiêu tuyên truyền đánh lừa công luận, Libération đưa ra một tấm thứ hai. Trên bản đồ của Donald Trump có ghi thêm hàng chữ "Thử truất phế cái này đây". Theo chủ nhân Nhà Trắng, ông đã chiến thắng rực rỡ năm 2016, bản đồ kết quả tô đậm màu đỏ của đảng Cộng hòa. Thế nhưng bản đồ do chuyên gia Pháp Nicolas Lambert thực hiện, thì màu xanh dương của đảng Dân chủ áp đảo. Điều này dễ hiểu, bởi vì Hillary Clinton hơn Donald Trump đến 3 triệu phiếu.

Nhật báo thiên tả của Pháp cũng không quên số phận của 80 nông dân Cam Bốt bị cưỡng chiếm đất đai. Vụ cưỡng chiếm xảy ra vào năm 2008, nếu không phải là nhà tỷ phú Vincent Bolloré thì cũng là một công ty con. 10.000 mẫu đất của dân làng thuộc sắc tộc bunong bị biến thành đồn điền trồng cây cọ. Được sự hỗ trợ của một hiệp hội thiện nguyện, 80 dân làng kiện ra tòa án Pháp. Phía chủ đồn điền đòi nguyên đơn, từ nhiều đời canh tác đất tổ tiên, trình giấy chủ quyền. Trong khi đó, theo luật xứ Chùa Tháp, các bộ tộc có quyền khai thác tập thể đất tổ tiên. Ai sẽ thắng ai ? Phiên tòa còn kéo dài.

Pháp thiết lập Bộ tư lệnh chiến tranh mạng

Cuối cùng, về an ninh quốc phòng, sự kiện binh chủng mới của Pháp "phòng thủ không gian mạng" được chính thức thành lập với Bộ tư Lệnh" đặt tại thành phố Rennes, được La Croix loan tải.

Quân đội Pháp bố trí lực lượng phòng thủ không gian chống tin tặc. La Croix dành một bài dài trình bày nhiệm vụ, vai trò đặc biệt của binh chủng thứ tư của quân đội : phối hợp tình báo, đánh cắp thông tin hữu ích để phản công, để phong tỏa hệ thống truyền tin hay để đánh lừa đối phương để họ không biết đâu là hư đâu là thật.

Lực lượng đầu tiên gồm 1.000 chuyên gia điện tử -với ngân sách 1,6 tỷ euro trong 5 năm đầu tiên - và sẽ lên đến 4.500 người trong 10 năm tới.

Bộ tư lệnh được khánh thành vào hôm nay với sự chủ tọa của bộ trưởng Bộ Quân lực, Florence Parly.

Tú Anh

Published in Châu Á

Trung Quốc : Khủng bố tinh thần là phương pháp trấn áp

Phô trương gân bắp tại Bắc Kinh, bạo lực gia tăng tại Hồng Kông là hai chủ đề chính trên trang Châu Á của báo Pháp hôm nay bên cạnh hai hồ sơ nóng trong nội tình nước Pháp : Nỗi bất bình của nhân viên công lực và tâm trạng hoang mang của cư dân thành phố Rouen, sau vụ cháy nhà máy sản xuất dầu nhớt gây ô nhiễm môi trường.

khungbo1

Cảnh sát chống bạo động được huy động trấn áp biểu tình tại Hồng Kông ngày 1/10/2019. Reuters/Tyrone Siu

Quốc khánh và quốc táng

Tập Cận Bình biểu dương vũ khí, phe dân chủ ở Hồng Kông ban bố "quốc táng", tựa của Le Monde, một ngày sau đại lễ đánh dấu 70 năm Đảng cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc. Tương tự, Les Echos đề tựa : Trung Quốc phô trương lực lượng trong lúc tại Hồng Kông, bạo lực gia tăng, một học sinh bị bắn trọng thương.

Đối với Le Monde, đại lễ "quốc khánh" của Trung Quốc chỉ làm nổi bật ngày uất hận hay "ngày quốc táng" mà phong trào dân chủ Hồng Kông phát động cùng ngày với quyết tâm phá hỏng lễ hội mà Bắc Kinh muốn được hoành tráng.

Cuộc diễn binh tại quảng trường Thiên An Môn với 15 ngàn quân, hàng loạt vũ khí hiện đại và 100 ngàn người dự có chọn lọc mang ý nghĩa gì ? Nhật báo độc lập trích nhận định của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp : "Không những Trung Quốc chứng tỏ khả năng canh tân kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng từ phẩm đến lượng, mà còn thể hiện khả năng cải tiến lực lượng tấn công quy ước".

Theo bộ máy tuyên truyền, "phép lạ Trung Quốc và sức mạnh quân sự của Trung Quốc" dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản, là "để phục vụ hòa bình". Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, không có vấn đề nhìn lại 70 năm lịch sử một cách khách quan, cũng không có chuyện xem xét tội ác của Mao Trạch Đông.

Trong khi Bắc Kinh phô trương cơ bắp thì tại Hồng Kông, cảnh sát của chính quyền thân Bắc Kinh cũng gia tăng bạo lực đàn áp phong trào dân chủ. Bất chấp lệnh cấm biểu tình, hàng chục ngàn người xuống đường, để phá ngày "quốc khánh" của Trung Quốc và gọi ngày 01/10 là "ngày quốc táng". Bạo lực tăng thêm một nấc với sự kiện lần đầu tiên cảnh sát đàn áp bằng đạn thật, bắn thẳng vào ngực một học sinh 18 tuổi làm công luận căm phẫn thêm. Hệ quả là chương trình bắn pháo hoa bị hủy bỏ.

Với những tựa không khác gì nhiều so với đồng nghiệp Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos đặt thêm câu hỏi về mục tiêu chiến lược của Tập Cận Bình. Với ngân sách quốc phòng 175 tỷ đô la, Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ về chi tiêu quân sự, nhưng cũng đầy những điểm yếu vì đảng cố gắng chạy đua : có hàng không mẫu hạm, nhưng không có hạm đội tháp tùng.

Tàu ngầm nhiều nhưng động cơ ồn ào, khả năng chống tàu ngầm của hải quân rất yếu. Khả năng hành quân phối hợp các binh chủng khác nhau chưa hoàn chỉnh, còn thua xa quân đội Mỹ và liên minh NATO một khoảng cách dài.

Thế nhưng, Tập Cận Bình chấp nhận rủi ro, phô trương cơ bắp với Đài Loan, Nhật Bản và Đông Nam Á để làm gì ? Qua chiến lược quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đã giành được thế thượng phong trong mưu đồ từng bước khống chế vùng biển này, nhận định của một chuyên gia trên báo kinh tế Pháp.

Hù dọa của đảng và kế hoạch A,B,C… của dân

Vì sao nói đến Trung Quốc là nói đến sức mạnh khống chế, đàn áp ? Người dân Hoa lục và Hồng Kông nghĩ gì ? Câu trả lời ở trên Libération Le Figaro.

Khủng bố tinh thần làm cho dân sợ hãi là phương pháp được Đảng cộng sản Trung Quốc thích sử dụng nhất. Vào lúc Trung Quốc tổ chức quốc khánh ở Bắc kinh thì cách đó 2000 cây số, bạo lực tăng thêm ở Hồng Kông. Đó là phóng sự của thông tín viên của nhật báo thiên tả Libération về tình hình Hồng Kông ngày 01/10.

Một đoàn xe cảnh sát chạy vụt qua trong tiếng sỉ vả của người dân : "đó, ngày quốc khánh của các anh đấy". Một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn thẳng vào ngực, một thành phố bị "cảnh sát trị", giăng bủa kiểm soát khắp nơi. Một thanh niên cứu hộ của Hội Chữ Thập Đỏ tên John cho biết : "tất cả xe bus, xe taxi đi ngang qua một trạm kiểm soát đều bị khám xét. Người dân có thể bị bắt vì có cây kéo trong ba lô. Làm cho dân sợ là phương pháp của Đảng cộng sản". John khẳng định : "Chúng tôi đang ở Trung Quốc nhưng chúng tôi không phải là Trung Quốc, chúng tôi bác bỏ chế độ chuyên chế của Đảng cộng sản, chúng tôi từ chối trở thành Tân Cương".

John nhận định một cách chế nhạo về ngày lễ quốc khánh : "Đảng cộng sản là một thảm họa của nước Trung hoa. Với thảm sát Thiên An Môn, với chính sách bắt giữ tùy tiện, bắt cóc các nhà hoạt động nhân quyền, kích động người dân tố giác nhau và kiểm duyệt thông tin, đó là thành quả tuyệt vời của 70 năm".

Để đối phó với dân Hồng Kông, báo South China Morning Post cho biết lực lượng Trung Quốc đóng tại Hồng Kông đã nhận được trang thiết bị mới chống chiến tranh du kích trong thành phố. Thông tin này càng làm không khí căng thẳng thêm. Trong hàng ngũ người biểu tình không ít trẻ con 12, 13 tuổi. Nhân viên Chữ Thập Đỏ bảo hai đứa bé về nhà, ở đây nguy hiểm. Nhà báo Libération nghe câu trả lời như sau : "Đời sống đâu còn ý nghĩa gì nếu mất tự do suy nghĩ, tự do tập họp. "

Thế còn thành phần ủng hộ chế độ, tâm trạng của họ ra sao ? Trong bài "Đế Quốc Đỏ", nhật báo thiên hữu Le Figaro phân tích : "Cái gọi là đại đoàn kết dân tộc mà chế độ biểu dương chỉ là lớp sơn bề mặt. Thực tế rất thê thảm : Đó là có 800 triệu người "nô lệ mới" cả tin vào tuyên truyền không một chút suy nghĩ".

Bên cạnh đó là 400 triệu người được quyền học cao, đi du lịch và hiểu biết. Họ lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy thoái. Thành phần được may mắn này không ưa gì Tập Cận Bình, nhưng họ không lên tiếng. Vì ích kỷ, họ không dám chấp nhận rủi ro chống chế độ. Một luật sư chuyên về di trú cho biết : "Thành phần này tính các phương án khác nhau : kế hoạch A đi Mỹ, kế hoạch B đi Úc, kế hoạch C chạy sang Bồ Đào Nha…".

Saudi Arabia : Bóng ma nhà báo bị thủ tiêu

Hôm nay là đúng một năm ngày nhà báo đối lập với chế độ Saudi Arabia, Jamal Khashoggi bị thủ tiêu trong toà lãnh sự của Ryadh tại Thổ Nhĩ Kỳ. La Croix không để cho thái tử nối ngôi thảnh thơi xóa mờ vụ án.

Mohammed bin Salman đang ở trong thế tế nhị từ chính trị nội bộ cho đến nên ngoài. Chưa bao giờ Ryadh bỏ tiền ra để quảng cáo du lịch trên các đài và trên internet như trong vài tháng gần đây. Thủ tục cấp chiếu khán nhập cảnh được đơn giản hóa. Nhưng liệu có xóa mờ nghi án thái tử nối ngôi ra lệnh thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hay không ? La Croix không mấy tin bởi vì ngày càng nhiều thông tin bị tiết lộ.

Điều đáng lo cho thái tử nối ngôi là diễn tiến tình hình trong và ngoài nước đều bất lợi. Về kinh tế, hai trung tâm dầu hỏa bị tấn công càng làm lộ rõ thêm nhược điểm của Ryadh. Không những Mohammed bin Salman không dám ra tay trả đũa Iran mà ông còn "bỏ tiền túi" ra để ổn định giá dầu.

Về quân sự, sau năm năm can thiệp vào Yemen chống phe Houthi, Vương quốc không diệt được lực lượng đối nghịch mà còn không lấy lại được một vùng lãnh thổ nào.

Về ngoại giao, Saudi Arabia mất bạn Qatar và từ một năm nay, bị đồng minh Hoa Kỳ theo dõi nhất cử nhất động.

Lại… ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump, lại vướng vào nghi án lạm dụng đặc quyền để phục vụ lợi ích cá nhân : sau vụ điện đàm với tổng thống Ukraine phá Joe Biden, bây giờ đến tai tiếng nhờ cậy thủ tướng Úc đánh Mueller.

Theo Le Figaro, cú điện thoại của tổng thống Donald Trump gọi thủ tướng Úc Scott Morrison không nghiêm trọng bằng cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine vì không có gây áp lực. Tuy nhiên, nội dung được Nhà Trắng xếp vào loại tài liệu mật là một việc đáng nghi. Thứ hai là cuộc điện đàm với thủ tuớng Úc chỉ bị tiết lộ sau khi thủ tục truất phế được khởi động. Điều này càng khẳng định là Donald Trump lạm dụng thẩm quyền để phục vụ lợi ích cá nhân, chồng chéo ngoại giao với chính trị nội bộ.

Pháp : Dân chúng than phiền chính phủ, cảnh sát bất mãn

Không một nhật báo nào là không nói và không phân tích về vụ cháy nhà Mazsy Lubrizol chế tạo nhớt ở Rouen, nằm ngay khu dân cư cách nay một tuần. Với bức ảnh một làn khói đen bốc lên từ một khu phố che mờ thành phố ở miền tây-bắc, La Croix phản ảnh bất bình và lo âu của dân cư : "Nhà nước không trấn an được dân chúng".

Chọn bức ảnh một người cha, mang khẩu trang, bồng đứa con nhỏ trên tay, đi biểu tình, Libération kêu gọi "phải ra khỏi hỏa mù", ám chỉ phản ứng thiếu hiệu quả của chính phủ trước tình trạng ô nhiễm hóa chất một khu vực hơn 20 cây số đường kính. Giới chăn nuôi được lệnh hủy bỏ thu hoạch rau trái và sữa bò. Thế mà chính phủ chỉ mới thông báo được tên của ba, bốn hóa chất bị cháy.

Trong bài xã luận, La Croix Le Figaro cùng kết luận "lòng dân nghi ngờ, Nhà nước nói gì họ cũng không tin" Đó là hậu quả của nhiều thảm nạn trong quá khứ bị che dấu. Vụ nổ Chernobyl ở Liên Xô cũ năm 1986, được chính phủ thời đó trấn an là "mây phóng xạ dừng lại ở biên giới Đức". 1986, chưa có internet, chưa có "tin giả" trên mạng. Bây giờ với thông tin điện tử khó kiểm chứng, khí độc bốc lên ở Rouen, ngay trong nước, chính phủ trấn an bằng cách nào ? Cả hai tờ báo đều nhấn mạnh : "phải nhìn nhận sai lầm để ươm lại niềm tin".

Hồ sơ nóng thứ hai là cuộc biểu tình phản kháng của cảnh sát Pháp. Libération tóm gọn các nguyên nhân gây bất bình trong ngành an ninh trật tự : Cơ quan xuống cấp, trang thiết bị cũ kỹ điều kiện làm việc suy thoái, thêm giờ phụ trội thường xuyên, nhất là từ khi xảy ra khủng hoảng "áo vàng", đời sống gia đình xáo trộn. Hệ quả cụ thể là từ đầu năm đến nay có hơn 50 vụ tự sát.

Tú Anh

Published in Châu Á

Trung Quốc phô bày uy lực và bộ mặt độc tài nhân lễ quốc khánh thứ 70

Ngày 01/10/2019 là ngày Quốc khánh thứ 70 của Trung Quốc. Các báo Pháp đều đã dành nhiều bài vở cho sự kiện này và đặt trọng tâm chú ý trên khía cạnh độc đoán, cứng rắn của chế độ Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng Hồng Kông đang khuấy động ngày hội của Trung Quốc cũng được phân tích rộng rãi.

pekin1

Chân dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ diễu binh trên Quảng trường Thiên An Môn nhân kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019. Reuters/Thomas Peter

Ý tưởng chung của báo giới Pháp về nước Trung Hoa cộng sản nhân sinh nhật thứ 70 này đã được nhật báo cánh tả Libération tóm gọn trong hàng tựa trang nhất "Từ Mao đến Tập : Bàn tay khống chế của đế quốc Trung Hoa", bên trên một bức ảnh bán thân nhỏ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên một phông nền là ảnh bán thân của Mao Trạch Đông phủ trọn trang nhất. Bên trong là nhiều bài phân tích đáng chú ý về nội tình Trung Quốc cũng như về Hồng Kông và Đài Loan, hai cái gai đang khiến chế độ Bắc Kinh nhức nhối.

(Nguyên văn tiếng Pháp tựa của Libération "L’emprise du Milieu", mà chúng tôi dịch thành "Bàn tay khống chế của đế chế Trung Hoa", đã mô phỏng nhóm từ "L’Empire du Milieu - Đế chế Trung Hoa" mà người Pháp thường dùng để gọi Trung Quốc).

Nhật báo Les Echos cũng dành hồ sơ chính cho Trung Quốc, với tựa lớn trang nhất : "Ngày sinh nhật bị quấy phá của nước Trung Hoa cộng sản". Như đồng nghiệp Libération, tờ báo kinh tế Pháp cũng nhận định : "Chính quyền rầm rộ kỷ niệm 70 năm ngày ra đời của nước Trung Hoa cộng sản", thế nhưng "bạo lực ở Hồng Kông, tăng trưởng kinh tế đang suy giảm và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ có nguy cơ xen vào làm hỏng ngày vui".

Báo công giáo La Croix, tuy không dành tựa lớn trang nhất cho ngày quốc khánh Trung Quốc, nhưng đã có một hồ sơ đặc biệt về sự kiện này với tựa đề chung : "Trung Quốc, một sự mất ảo tưởng to lớn". Theo tờ báo : "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 70 năm ngày thành lập với một cuộc diễu binh chưa từng có ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, vỏ hào nhoáng và uy lực được phô trương đó che giấu nhiều thực tế đen tối hơn ở Tây Tạng, Tân Cương hay Hồng Kông, nơi sự áp bức và vi phạm nhân quyền đang ngự trị".

Báo Le Monde thì dành một bài viết dài về Hồng Kông cho sự kiện "Cảnh sát Hồng Kông bị tố cáo" bạo hành đối với người biểu tình. Theo tờ báo Pháp, bạo lực dữ dội đã bùng lên nhân các cuộc biểu tình đánh dấu 5 năm "Phong trào Dù vàng". Video và hình ảnh lưu hành hôm qua, 30/09 trên các mạng xã hội ở Hồng Kông đã nêu bật vai trò đáng ngờ của các lực lượng thực thi pháp luật tại đặc khu này.

Trong toàn cảnh chung kể trên, nhật báo cánh hữu Le Figaro số ra hôm nay hoàn toàn không đăng tin bất kỳ tin riêng nào về lễ Quốc khánh Trung Quốc, nhưng ngược lại, đã đăng nguyên một trang quảng cáo cho chế độ Bắc Kinh, với những bài tán tụng Trung Quốc do tờ Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh soạn thảo, nào là "Thị trường Trung Quốc mở rộng vòng tay đón các doanh nghiệp từ bất cứ nơi nào", nào là "Kinh tế Trung Quốc không ngừng vận động", nào là "Vì một nền kinh tế tôn trọng môi trường".

Không một lời đề cập đến những khía cạnh khó khăn hay các thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải như các đồng nghiệp khác.

"Cứ cứng rắn thêm, chế độ Trung Quốc sẽ bị tan vỡ"

Như nói ở trên, trong hồ sơ đặc biệt của mình, nhật báo Libération đã nêu bật sự kiện là trong bối cảnh đang bị vướng vào cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh đã phô trương sức mạnh của mình để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Tờ báo đã có một đánh giá không khoan nhượng về quốc gia cộng sản hiếm hoi còn sót lại này, trong bài xã luận mang tựa đề "Một chủ nghĩa không tưởng vô nhân đạo - Utopie inhumaine" và trong bài phân tích "Nếu cứ tiếp tục cứng rắn thêm, chế độ Trung Quốc có thể bị tan vỡ".

Đối với Libération, tình trạng bất bình đẳng xã hội vẫn còn rất sâu rộng ở Trung Quốc và một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc sinh thái có thể làm mất lòng tin của người dân vào chế độ.

Đoạn đường mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã đi qua từ 70 năm nay vừa thẳng tắp, vừa hỗn loạn. Đảng cộng sản Trung Quốc hiện đang cai trị một số dân khổng lồ gồm 1,4 tỷ người, và đất nước này không còn che giấu mong muốn trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Thế nhưng, theo Libération, các tiến bộ kinh tế và sự ổn định chính trị đã phải trả giá bằng hàng chục triệu người chết và một chế độ độc tài tàn nhẫn. Và Trung Quốc, hiện do một chế độ lỗi thời độc đoán lãnh đạo, đang phải đối mặt với những mâu thuẫn nguy hiểm.

Một lý tưởng xã hội chủ nghĩa bị chệch hướng

Đối với Libération kể từ khi Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949 đến nay, sau nhiều năm độc tài và nội chiến, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và dân chủ đã bị chôn vùi hoàn toàn tại Trung Quốc.

Sự kiện gần đây nhất chính là mùa xuân năm 1989, khi các sinh viên, được người dân ủng hộ, đã chiếm lĩnh quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để yêu cầu cải cách và đã bị chế độ Đặng Tiểu Bình dìm trong biển máu.

Kể từ lúc đó, mọi ý hướng nổi dậy đều bị triệt ngay khi còn trong trứng nước, và những người bất đồng chính kiến ​​bị tống vào tù. Còn người dân, bị vụ thảm sát Thiên An Môn làm chấn động, bị tuyên truyền và kiểm duyệt thao túng, đã chôn vùi những hy vọng dân chủ của mình.

Kinh tế rất thành công, nhưng bắt đầu bị hụt hơi

Thành tựu kinh tế Trung Quốc trong 70 năm qua rất đáng kể. Theo số liệu chính thức, số người dân ở vùng nông thôn sống dưới mức nghèo khổ đã giảm hẳn từ 770 triệu vào năm 1978 (97,5%) xuống còn vỏn vẹn 30,46 triệu vào cuối năm 2017 (3,1%). Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên, hiện gồm hơn 400 triệu người, và được hưởng các quyền lợi về lương bổng, việc làm, giáo dục, y tế và các quyền tự do cá nhân chưa từng có.

Thế nhưng, khi Tập Cận Bình được chỉ định làm lãnh đạo trong hai năm 2012 và 2013, tăng trưởng đã bị khựng lại lần đầu tiên sau 25 năm. Tình thế đó đã thúc đẩy ông Tập hô hào chủ nghĩa tự do kinh tế, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Thế nhưng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn chậm lại, chính thức là ở mức 6%, nhưng trong thực tế có thể thấp hơn nhiều. Và vào lúc này, hậu quả của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ bắt đầu tác hại, xuất khẩu giảm, cũng như nhập khẩu các sản phẩm trung gian cho xuất khẩu trong tương lai.

Một hệ thống chính trị lỗi thời với một lãnh đạo độc tôn

Về mặt chính trị, để duy trì quyền lực bằng mọi giá, Tập Cận Bình đã chuyển qua áp dụng một đường lối toàn trị, được công nghệ tiên tiến hỗ trợ. Tuy vậy, các kỹ thuật cũ, như đấu tố công khai, tra tấn hoặc tẩy não, vẫn tiếp tục được sử dụng. Trong hai năm gần đây, tại Tân Cương, một khu vực chủ yếu gồm người Hồi giáo ở phía tây Trung Quốc, hơn một triệu người đang bị giam giữ trong "các trại cải tạo" và bị buộc phải từ bỏ văn hóa và tôn giáo của họ.

Mỗi năm, hàng chục ngàn vụ nổi dậy, đình công, biểu tình diễn ra trong nước, đã bị bóp nghẹt ngay lập tức, trong lúc lãnh đạo các phong trào này bị trừng phạt. Cuộc chiến chống tham nhũng, đã đưa 1,5 triệu cán bộ của Đảng vào tù, cho phép ông Tập Cận Bình loại bỏ tất cả các đối thủ của mình. Dưới quyền thống trị ông, không có lực lượng xã hội hoặc chính trị nào khác có thể xuất hiện.

Chirac trong chính trị là Johnny Hallyday trong âm nhạc !

Dĩ nhiên là báo Pháp hôm 01/10 không chỉ đề cập đến thời sự Trung Quốc. Một chủ đề thứ hai cũng xuất hiện trên hầu hết các báo : Lễ tang của cố tổng thống Pháp Jacques Chirac.

Le Figaro đã dành trang nhất và một hồ sơ đặc biệt cho sự kiện này dưới hàng tựa chung "Buổi tưởng nhớ cuối cùng", nêu bật sự kiện buổi lễ tang chính thức dành cho cố tổng thống Pháp vào hôm 30/09 tại nhà thờ Saint-Sulpice Paris đã được hàng chục cựu tổng thống, nguyên thủ nước ngoài và các lãnh đạo đảng đến tham dự.

Ngoài các lãnh đạo chính trị trong nước và ngoài nước, Le Figaro cũng chú ý đến lòng mến mộ và tiếc thương của người dân Pháp bình thường đối với vị tổng thống quá cố.

Le Figaro đã đăng bài phỏng vấn nhà báo François Bazin, tác giả một quyển biên khảo về Jacques Pilhan, cố vấn truyền thông của hai cố tổng thống Pháp François Mitterrand và Jacques Chirac, khẳng định rằng đối với người dân Pháp, trong lãnh vực chính trị, cố tổng thống Chirac có thể được so sánh với cố danh ca Johnny Haliday trong âm nhạc, một con người mà khi qua đời đã làm cả nước xúc động.

Chính giới Mỹ vẫn chưa tha thứ cho cố tổng thống Pháp Chirac

Về đề tài tưởng niệm cố tổng thống Chirac, Le Figaro có một bài rất lý thú, ghi nhận thái độ vẫn còn giận dỗi của Mỹ đối với ông Chirac khi chỉ bảo đảm một "dịch vụ tối thiểu" sau khi được tin cựu tổng thống Pháp qua đời.

Hoa Kỳ đã mất ba ngày để phản ứng sau thông báo về cái chết của Jacques Chirac. Ngoại trưởng Mike Pompeo cuối cùng đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn vào hôm Chủ Nhật 29/09, trong đó ông thay mặt người dân Mỹ gởi "lời chia buồn chân thành nhất đến gia đình Chirac và người dân Pháp".

Ngoài phản ứng của ngoại trưởng Pompeo, đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn rất nhanh nhảu trên tài khoản Twitter của ông về các chủ đề đa dạng nhất, đã không đề cập đến sự ra đi của cựu lãnh đạo Nhà nước Pháp.

Tại tang lễ của ông Chirac, không có đại diện nào của chính phủ Mỹ đến từ Washington, mà chỉ có đại sứ Mỹ tại Paris, Jamie McCourt là đại diện của Hoa Kỳ.

Trong số các cựu tổng thống Mỹ biết ông Jacques Chirac, chỉ có Bill Clinton lên tiếng ca ngợi "một chính khách táo bạo và thông minh". Ông cũng là nhân vật quan trọng Mỹ duy nhất đến tham dự lễ tang. Còn George W. Bush, người tại chức ở Mỹ cùng thời với ông Jacques Chirac ở Pháp, đã không đưa ra bình luận nào.

Theo ghi nhận của Le Figaro, báo chí Mỹ khi nói về sự nghiệp chính trị của Jacques Chirac, cũng nhắc lại việc ông phản đối cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Hoa Kỳ khởi xướng mà không có sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù hầu như tất cả các chính trị gia Mỹ ngày nay đều đồng ý về hậu quả tai hại của cuộc phiêu lưu quân sự năm 2003 tại Iraq, nhưng sự phản đối của Pháp dường như chưa được tha thứ hoàn toàn.

Người Mỹ như vẫn tiếp tục coi cựu tổng thống Chirac là kẻ đã phạm vào hai húy kỵ : Đã từ chối tham gia vào một cuộc chiến mà Washington muốn tiến hành và nhất là, đã có lý khi từ chối, điều mà phía Mỹ rất khó mà tha thứ !

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Những trang sử đẫm máu của Đảng cộng sản Trung Quốc

Sử gia Hà Lan Frank Dikotter đánh giá 70 năm trước, Đảng cộng sản Trung Quốc đã giành lấy chính quyền nhờ một cuộc "chinh chiến khốc liệt". Trung Quốc đã trải qua giai đoạn "đẫm máu nhất" dưới những năm tháng Mao Trạch Đông.

trang1

Ảnh tư liệu : Binh sĩ và xe tăng của quân đội Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 09/06/1989 Reuters/Richard Ellis

Độc giả của báo Le Monde chú ý nhiều đến bài viết mang tựa đề "Trung Quốc là một Nhà nước bắt mọi người mất trí nhớ". Vào lúc Bắc Kinh kỷ niệm rầm rộ 70 năm ngày Đảng cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền, nhà sử học người Hà Lan, Frank Dikotter, mở lại những trang sử đẫm máu nhất trong bảy thập niên qua, từ khi Mao Trạch Đông "giải phóng" đất nước năm 1949 cho đến ngày nay.

Le Monde giới thiệu : Giáo sư Dikotter giảng dậy tại đại học Luân Đôn và Hồng Kông. Ông là tác giả của ba tập nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

Theo tác giả, nhìn lại giai đoạn những người cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, Bắc Kinh nói đến một cuộc "giải phóng dân tộc" mà đã quên mất rằng, con đường chinh phục quyền lực của Mao trước hết là một cuộc "chinh chiến khốc liệt". Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ bỏ rơi Quốc Dân Đảng và Tưởng Giới Thạch từng là đồng minh của Washington trong chiến tranh. Ngược lại ở Moskva, Staline giúp Mao củng cố đội quân để tiến về thủ đô Bắc Kinh. Năm 1948, từ tháng 5 đến tháng 10, phe cộng sản phong tỏa thành phố Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc) ở phía bắc Vạn Lý Trường Thành. 160.000 dân cư Trường Xuân chết đói. Không muốn cùng chung số phận với Trường Xuân, các thành phố khác lần lượt đầu hàng. Cuối năm 1949 lá cờ đỏ phất phới bay tại Tử Cấm Thành.

Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản trên đỉnh cao quyền lực. Dân Trung Quốc "được" đưa đi cải tạo để trở thành những "công dân mới". Những thành phần bị liệt vào diện "vô phương cứu chữa" bị "thanh lọc" : 2 triệu người bị xóa tên.

Tháng 8/1952 báo cáo do chính bộ trưởng công an thời đó là Lê Thụy Khanh soạn thảo ghi rõ : trong vòng một năm, chính quyền đã xử tử 301.800 người tại vỏn vẹn 6 tỉnh. Cũng trong thời gian đó tất cả những tổ chức từ thiện, các hội đoàn, các tập thể tôn giáo... đều bị khai tử.

1956 là thời điểm các doanh nghiệp tư nhân bị cướp mất tài tài sản. Ở nông thôn, tất cả các hoạt động đều phụ thuộc vào các hợp tác xã. Hai năm sau, Mao khởi động bước "Đại Nhẩy Vọt" với hậu quả kèm theo là hàng chục triệu dân Trung Quốc chết đói, hay vì kiệt sức, sau những năm tháng sống trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhưng Mao không dừng lại ở đó mà tiếp tục với cuộc Cách Mạng Văn Hóa và một lần nữa trong suốt 10 năm trời Trung Quốc lại rơi vào cảnh hỗn loạn chưa từng thấy : Anh em, cha con trong cùng một gia đình, thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp đấu tố lẫn nhau. Những năm tháng kinh hoàng đó chỉ dừng lại vào năm 1976 khi Mao qua đời. Khi đó đời sống của người dân còn cơ cực và thảm hại hơn so với thời điểm 1949.

Đảng cộng sản hồi sinh

Với ngần ấy những sai lầm Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại, bởi theo nhà sử học Frank Dikotter, Bắc Kinh đã cởi trói kinh tế, biến tăng trưởng và những thành tựu kinh tế thành những công cụ để "củng cố quyền lực của Đảng, để đàn áp không thương tiếc tất cả những đòi hỏi cải tổ chính trị".

Trong khi đó, phương Tây từng mơ tưởng rằng, thịnh vượng hơn, người dân Trung Quốc từng bước đòi hỏi tự do và dân chủ. Phép lạ kinh tế của Trung Quốc sẽ mở đường cho tiến trình đổi mới về chính trị tại nước đông dân nhất địa cầu. Tây phương đã lầm to.

Không một người thừa kế nào của Mao muốn chia sẻ quyền lực. Ngược lại từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình ngày nay vẫn miệt mài "tập trung quyền lực".

Hồng Kông : Vị đắng ngày lễ Quốc khánh Trung Quốc

Bắc Kinh muốn phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền, thế nhưng đối với đa số dân Hồng Kông mồng 1 tháng 10 là một ngày "đen tối".

Đây là nội dung bài phóng sự trên báo La Croix. Đặc phái viên Dorian Malovic ghi nhận Tập Cận Bình đang lo ngại các cuộc biểu tình tại đặc khu hành chính Hồng Kông làm hỏng "ngày lễ hội" vào thứ Ba này. Bắc Kinh muốn lễ Quốc khánh năm nay là cơ hội để phô trương thanh thế, để khơi dậy niềm tự hào của gần một tỷ rưỡi người dân Trung Quốc sau những năm tháng chiến tranh, đói khổ nay đã vươn lên thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.

Còn tại Hồng Kông phong trào phản kháng không thuyên giảm. Một giáo sư Anh ngữ nói với phóng viên của La Croix : Bà không cảm thấy hãnh diện với sức mạnh của Trung Quốc mà trái lại vô cùng lo lắng. Bởi Trung Quốc mạnh được là nhờ quân đội, thế nhưng hình ảnh của quân đội Trung Quốc gắn liền với cảnh tượng phong trào dân chủ Thiên An Môn tháng 6/1989 bị dìm trong biển máu.

Vickie Lui, một luật sư 36 tuổi cho biết, hàng năm bà vẫn đón xem pháo hoa vào dịp lễ Quốc khánh, nhưng năm nay chỉ "còn lại vị đắng". 22 năm sau ngày nhượng địa của Anh Quốc được trao lại cho Trung Quốc, quyền tự do của người dân Hồng Kông đã bị thu hẹp lại. Mồng 1 tháng 10 trở thành một ngày "tang tóc", nhất là khi bố mẹ bà đã từng sang Hồng Kông định cư để thoát khỏi ách cộng sản. Còn với Man, 22 tuổi, chưa từng được sống dưới thời kỳ Hồng Kông thuộc Anh Quốc, Man tâm sự với báo La Croix là "không hãnh diện chút nào sống tại một đất nước do hoàng đế Tập Cận Bình cai trị. Hồng Kông là một quốc gia tách biệt" với Hoa Lục.

Chirac, người của công chúng

Người dân Pháp vĩnh biệt cố tổng thống Jacques Chirac : Chirac "trong mắt" những người dân bình thường đến tiễn đưa ông. Tựa của ba tờ Libération thiên tả, Le Figaro thân hữu và tờ báo công giáo La Croix.

Trang nhất báo Libération đăng bức ảnh dòng người xếp hàng dài trước điện Invalides đợi vào viếng cố tổng thống Pháp. Tờ báo mời 5 nhân vật chia sẽ một kỳ niềm về Jacques Chirac. Cựu bộ trưởng và cũng là người đã soạn thảo nhiều bài diễn văn cho cố tổng thống Pháp, bà Christine Albanel, kể lại rằng ông Chirac luôn "rất lo âu" mỗi lần đọc một bài phát biểu quan trọng. Đặc biệt là lần ông phải thông báo với quốc dân về cái chết của người tiền nhiệm François Mitterrand đầu năm 1996, hay trước đó, trong phát biểu thừa nhận trách nhiệm của Nhà nước Pháp trong đợt càn quét người Do Thái ở Vel d'Hiv dưới thời Đức quốc xã.

Riêng cựu ngoại trưởng Anh, Denis Macshane, ông kể lại giai thoại bị Chirac "tịch thu mất ổ bánh mì và lon bia" sau một cuộc họp tại Hội Đồng Châu Âu. Số là trong giờ giải lao ăn trưa, ông MacShane mua được ổ bánh mì và lon bia nhưng còn đang mải nói chuyện với ngoại trưởng Đức, thì tổng thống Chirac bất ngờ xuất hiện và kêu to "Đói quá, có gì ăn không ? " thế là ngoại trưởng Anh bèn phải nhường khẩu phần của mình cho nguyên thủ Pháp. Có máu hài hước, ông Chirac nhiệt tình tung hô : "Cảm ơn Vương quốc Anh !"

Le Figaro nghiêm túc hơn, đăng bức ảnh ông Chirac đang bắt tay một Vladimir Putin còn rất trẻ trước thềm điện Elysée. Bên cạnh là hàng tựa : "Putin tri ân vị tổng thống yêu mến văn hóa Nga nhất trong số các nguyên thủ Pháp".

Tờ báo nhắc lại dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Nga và Pháp đã nhiều lần "cùng chí hướng" trên những hồ sơ quan trọng của thế giới. Thí dụ như là cả Paris lẫn Moskva cùng phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Irak năm 2003. Cũng tổng thống Chirac đã trịnh trọng mời ông Putin đến dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên Normandie. Cử chỉ này nhằm nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến chống Đức quốc xã, chấm dứt Thế chiến thứ hai.

Tờ La Croix nhấn mạnh đến những mối quan hệ cá nhân tổng thống Chirac từng gây dựng được với các lãnh đạo trên thế giới, "bất luận đó là những nhà dân chủ hay độc tài". Cựu đại sứ Pháp tại Nga Claude Blanchemaison nói đến một mối quan hệ đặt trên nền tảng của "sự tin tưởng và tôn trọng" lẫn nhau giữa Chirac với Putin. Tờ báo này cho biết thêm dù đã rời khỏi điện Elysée, ông Jacques Chirac vẫn đều đặn nhận được những tập thơ bằng tiếng Nga mà tổng thống Vladimir Putin gửi biếu, hay những két bia Đức mà người gửi không ai khác ngoài thủ tướng Angela Merkel.

Trump trong thế thủ

Nhìn sang Hoa Kỳ, tổng thống Trump tuyên bố "chúng ta trong tình trạng chiến tranh". Đó không là một cuộc chiến chống ngoại xâm, chống các tệ nạn xã hội mà chỉ đơn thuần là tâm trạng của chủ nhân Nhà Trắng vào lúc ông bị phe đối lập chuẩn bị thủ tục truất phế sau những tiết lộ về việc Donald Trump gây áp lực với đồng nhiệm Ukraine để triệt hạ một đối thủ chính trị.

Xã luận của báo Le Monde cho rằng, điều nguy hiểm ở đây, là tổng thống Hoa Kỳ "khai chiến với các định chế chính trị của Hoa Kỳ". Tổng thống Trump đã nhiều lần công khai đả kích từ tư pháp đến đến cơ quan cảnh sát, ngành tình báo Hoa Kỳ và thậm chí gọi báo chí là "kẻ thù của dân tộc"... Bây giờ ông lại tố cáo đối lập "tấn công", khiêu chiến với ông. Trump kích động thành phần cử tri trung thành để chống lại các định chế quốc gia. "Quá rõ là Donald Trump ngày càng làm xấu đi hình ảnh của một vị tổng thống tại một đất nước dân chủ" như Hoa Kỳ.

Có điều tất cả các tờ báo Paris đều nhìn nhận : không dễ truất phế vị tổng thống Mỹ thứ 45 này. La Croix trong bài xã luận lo ngại rằng, chính trường Mỹ càng sôi sục, Nhà Trắng sẽ lại càng lơ là với các hồ sơ quan trọng của quốc tế.

Cũng về Hoa Kỳ nhưng báo Les Echos chú ý đến hiện tượng "kinh tế Mỹ bị chựng lại, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn". Theo các thống kê mới nhất tại các bang California, Texas hay Virginia , hố sâu ngày càng lớn. Tình trạng này cũng đã được phát hiện thấy tại các vùng nông thôn ở những bang như Arkansas hay Nebraska. Nông dân Mỹ nghèo đi vì thu nhập của công việc đồng áng không còn đủ để nuôi sống gia đình. Một số tiểu bang lại không có hệ thống trợ cấp xã hội. Hiện tượng xã hội này sẽ là một yếu tố mà các ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020 phải tính tới.

Thanh Hà

Published in Châu Á
dimanche, 29 septembre 2019 19:51

Tin tức thời sự truyền hình 29/09/2019

Nguồn : RFI, 29/09/2019

Published in Video