Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm 2017 là năm thứ sáu liên tục tỉ lệ sinh tại Nhật Bản giảm, với chưa đầy 1 triệu trẻ được sinh ra. Đây cũng là con số thấp kỷ lục tính từ năm 1899, khi nước này bắt đầu thống kê dân số. Số liệu về tỉ lệ sinh thấp đang làm rung chuyển xứ hoa anh đào.

nhat1

Ảnh minh họa : Đi xem gấu trúc ở sở thú Tokyo ! Reuters/Issei Kato

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles giải thích :

Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ sinh đẻ thấp thứ hai trên thế giới, chỉ hơn Hàn Quốc. Tỉ lệ sinh trung bình tại Nhật là 1,4 con/phụ nữ, trong khi mỗi phụ nữ phải sinh 2,1 con mới đạt mức sinh thay thế. Trong cả năm 2017, số trẻ được sinh ra tại nước này chưa đạt ngưỡng 1 triệu : 944.000 trẻ.

Theo đồng hồ dân số mà một nhà nghiên cứu của đại học Tohoku lập ra và cập nhật, cứ mỗi 100 giây, số trẻ ở Nhật Bản lại giảm đi một em. Với tốc độ này, vào năm 3011, Nhật Bản sẽ không còn trẻ con.

Từ năm 2008, tỉ lệ tử vong ở Nhật cao hơn tỉ lệ sinh đẻ. Năm nay, số dân của Nhật giảm 400.000 người, tương đương với số dân của một thành phố có quy mô trung bình.

Để khắc phục tình trạng tỉ lệ sinh giảm, chính phủ Nhật đã thông báo áp dụng chính sách trông trẻ nhỏ miễn phí cho các gia đình có thu nhập thấp. Tokyo cũng đảm bảo giáo dục miễn phí cho trẻ em cho đến khi các em vào đại học. Tuy nhiên, chính quyền nước này lại chưa có chính sách cụ thể để tăng tỉ lệ sinh.

Thủ tướng Shinzo Abe thì vẫn tỏ ra lạc quan. Ông phát biểu là sự suy giảm mạnh về tỉ lệ sinh - và hậu quả là dân số giảm - không phải là điều tồi tệ. Thủ tướng Abe dựa vào công nghệ robot và trí thông minh nhân tạo để cải thiện năng xuất lao động tại Nhật. Và ông Abe không bao giờ nói đến từ "nhập cư".

Thùy Dương

Published in Châu Á

Quyền lực "sắc" : Đường lối ngoại giao mới của Bắc Kinh

Ngay sau Giáng Sinh, dĩ nhiên báo chí Pháp đã dành nhiều trang bài để nói về những sự kiện liên quan đến ngày lễ trọng đại đó của người phương Tây, đặc biệt là thông điệp đầy tình người của giáo hoàng Francis. Còn gắn với thời sự, đáng chú ý là hồ sơ của nhật báo Le Monde, mang tựa chung trên trang nhất là "Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường" và nhất là phân tích của báo Le Figaro về "Đường lối ngoại giao mới của Trung Quốc để gây ảnh hưởng", tít chính ở trang quốc tế.

quyenluc1

Thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari, người bị báo chí Úc xem là con rối của Bắc Kinh. Ảnh minh họaAAP/Mick Tsikas/via  Reuters

Mở đầu bài viết, tác giả Cyrille Pluyette ghi nhận là vụ điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ tăng tốc đã thu hút chú ý của thế giới về các mưu toan xen vào nội tình chính trị nước khác của điện Kremlin, nhưng có nguy cơ che khuất các cố gắng mà Trung Quốc đang bỏ ra để ảnh hưởng lên các quyết định chính trị của nhiều quốc gia.

Quyền lực từ "mềm" đang biến thành "sắc"

Đây được cho là một đường lối đối ngoại mới của Bắc Kinh, sử dụng "quyền lực mềm" để tìm cách tách một số nước ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ và đưa vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Một vụ tai tiếng gần đây tại Úc đã soi rọi cung cách Bắc Kinh sử dụng "quyền lực mềm" một cách thô bạo đến mức mà một số chuyên gia nhìn thấy đó không còn là quyền lực "mềm" nữa, tiếng Anh là "soft" mà là quyền lực "sắc" – "sharp power"…

Công chúng Úc đã vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra là một thượng nghị sĩ của họ, thân cận với một nhà tài trợ Trung Quốc, đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh trên những chủ đề gây tranh cãi. Vài tuần lễ trước đó, báo chí New Zealand cũng tiết lộ vụ một nghị sĩ New Zealand, sinh ra ở Trung Quốc, đã giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản và việc từng dậy tiếng Anh cho gián điệp Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn phủ nhận việc họ thao túng nội tình các nước, nhưng rõ ràng là các cuộc "tấn công" này không chỉ liên quan đến Úc và New Zealand - hai nước mà Bắc Kinh đang cố tách ra khỏi đồng minh của họ là Mỹ, để đưa vào quỹ đạo Trung Quốc - mà còn mang tính chất toàn cầu, nhắm vào các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, và nhất là các nước Đông Nam Á. Thậm chí cả Mỹ và Châu Âu cũng trở thành đối tượng tấn công.

Theo nhận định của Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu tại trung tâm tham vấn Mỹ Council on Foreign Relations, mục tiêu của Bắc Kinh là tăng cường ảnh hưởng, giảm bớt cái nhìn tiêu cực của giới truyền thông đối với Trung Quốc, và cổ vũ cho mô hình chuyên chế của Trung Quốc".

Bắc Kinh hy vọng là những nước mà họ muốn ảnh hưởng sẽ có quan điểm thuận lợi đối với quyền lợi kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, và tránh không chỉ trích Bắc Kinh trên các vấn đề như nhân quyền hay yêu sách chủ quyền lãnh thổ, cũng như tránh đề cập đến những chủ đề úy kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn hay quy chế của Đạt Lai Lạt Ma.

Chiến lược này, do chính chủ tịch Tập Cận Bình giám sát, được nhiều bộ và ngành thực hiện. Theo Le Figaro, sau khi nhận diện xong các mục tiêu cần thu phục, như chính khách, nhà báo, giáo sư đại học, giới khoa học, doanh nhân, thì Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp cận họ, mời mọc, hứa hẹn những khoản tài trợ đáng kể.

Theo bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia nghiên cứu tại Viên Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp, thì chẳng khác gì một cỗ xe hủ lô (rouleau compresseur), Trung Quốc đang tiến hành một chính sách ngoại giao gây ảnh hưởng "đặc biệt năng nổ và không mệt mỏi", dùng đến một loạt các phương tiện được một "nguồn tài chính chưa từng có trên thế giới" hỗ trợ.

Theo chuyên gia này, kết quả là "những đối tượng bị Trung Quốc nhòm ngó, sau cùng đã chấp nhận một đề nghị, ít ra là để khỏi bị phiền hà tiếp". Có điều là sau khi được đối đãi một cách hậu hĩnh, một số người cảm thấy có trách nhiệm là phải truyền đạt lập luận của Bắc Kinh…

Úc nói với Trung Quốc : "Dừng lại ngay đi !"

Và để minh họa cho bài phân tích về đường lối ngoại giao hung hăng rõ nét đó của Trung Quốc, nhật báo Le Figaro đã nêu bật trường hợp của nước Úc, đã công khai chống lại các thủ đoạn gây ảnh hưởng của Bắc Kinh và đã bị Trung Quốc hù dọa.

Trong bài viết "Nước Úc nói "stop" đối với các hành vi can thiệp của người khổng lồ Trung Quốc", phóng viên Mathilde Blottière của Le Figaro đã ghi nhận một nghịch lý : Một bầu không khí "Chiến Tranh Lạnh" đã bao trùm quan hệ Canberra-Bắc Kinh, vào lúc mà lẽ ra hai bên phải kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập bang giao vào tuần trước.

Căng thẳng Úc-Trung đã tăng đều đặn trong những tháng gần đây sau khi các cơ quan tình báo và phương tiện truyền thông Úc vạch trần những cố gắng của Trung Quốc nhằm thao túng nền chính trị Úc, từ việc nắm thóp một số nhân vật lãnh đạo chính trị, tài trợ thả giàn cho các đảng chính trị, cho đến lập ra các hội sinh viên Trung Quốc làm tay sai cho Bắc Kinh… Theo ghi nhận của Le Figaro, "Quyền lực mềm – Soft Power" của đế chế Trung Hoa đang trên đà cứng lại và nước Úc đã hô lên "Dừng lại ngay ở đây !".

Le Figaro đã nhắc lại trường hợp của thượng nghị sĩ Úc Sam Dastyari đầy thế lực, nhưng vừa bị buộc phải từ chức do tai tiếng làm tay sai cho Trung Quốc. Bị mệnh danh là "Sam Thượng Hải – Shanghai Sam", chính khách này đã trở thành biểu tượng của cái mà nước Úc có thể trở thành, nếu lơ là cảnh giác : Một con rối của Bắc Kinh.

Sai lầm của Sam Dastyari là gì ? Le Figaro điểm lại : Sau khi chống lại đường lối chính thức của nước Úc và của đảng Lao Động của ông về Biển Đông bằng cách ủng hộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Sam Dastyari đã báo động cho nhà tỷ phú Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một người ở Úc thân cận với đảng cộng sản Trung Quốc, rằng điện thoại của tỷ phú này bị tình báo Úc nghe lén. Ông còn tìm cách phá hỏng một cuộc tiếp xúc giữa một nghị sĩ đảng Lao Động với một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc tại Hồng Kông !

Trước các phản ứng từ nước Úc, chính quyền Bắc Kinh đã lớn tiếng dọa nạt Canberra, vừa cho báo chí đả kích Úc, vừa triệu mời đại sứ Úc ở Bắc Kinh lên Bộ ngoại giao để phản đối, vừa để cho đại sứ Trung Quốc ở Canberra công khai chỉ trích nước chủ nhà !

Ý tưởng về khả năng trừng phạt Úc cũng đã được gợi lên, trong bối cảnh mà theo Le Figaro, Úc bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong lãnh vực du lịch, đại học, với du học sinh Trung Quốc là đội ngũ sinh viên nước ngoài lớn nhất ở Úc, và hàng Úc xuất qua Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông James Laurenceson, phó giám đốc Học Viện Quan Hệ Trung-Úc tại Đại Học Công Nghệ Sydney, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ được tiến hành một cách gián tiếp, chẳng hạn như giảm tốc độ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, không chọn Úc làm nơi đi du lịch hay du học.

Riêng ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc, thì cho rằng Bắc Kinh sẽ tránh phản ứng quá lố, vì không muốn làm sứt mẻ uy tín quốc tế khi trả thù một nước, chỉ vì nước đó muốn bảo vệ chủ quyền của mình.

Donald Trump khóa miệng giới nghiên cứu về môi trường

Như nói ở trên, nhật báo Le Monde đã dành hồ sơ chính với tựa trên trang nhất để nêu bật sự kiên "Donald Trump làm thế nào để khóa miệng giới khoa học Mỹ về môi trường"

Đối với tờ báo, tương tự như việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà ông đã làm, tổng thống Mỹ Donald Trump đang trên đường hoàn tất một lời hứa khác đưa ra khi tranh cử : Đó là hủy bỏ các quy định bảo vệ môi trường và khí hậu từng được thực hiện dưới thời tổng thống Obama tiền nhiệm.

Trong bài viết chính mang tựa đề "Các nhà khoa học Mỹ, mục tiêu của một chiến dịch săn đuổi phù thủy", nhật báo Pháp ghi nhận sự kiện Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) của Mỹ là đối tượng đầu tiên bị Nhà Trắng tấn công nhằm phá hoại các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, vì lợi ích của ngành công nghiệp.

Bài báo nhắc lại rằng tháng Hai năm 2016, ứng cử viên Donald Trump đã cam kết : "Cơ quan bảo vệ môi trường à ? Chúng ta sẽ loại bỏ hầu hết các biểu hiện của nó !"… Lời hứa nói trên đã được thực hiện. Dưới quyền lãnh đạo của tân giám đốc Scott Pruitt, một người nổi tiếng là không tin vào hiện tượng biến đổi khí hậu, xuất xứ từ tiểu bang Oklahoma, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ (EPA) đã tận tâm tự hủy diệt và tháo dỡ các quy định bảo vệ môi trường được thông qua dưới thời Obama.

Để làm điều đó, cần phải đánh vào cán bộ, nhân viên, và ông Scott Pruitt đã tiến hành cả một cuộc chiến tranh du kích nhắm vào các quan chức và các nhà khoa học đối nghịch với ông… Theo Le Monde, ông đã hành động theo 4 hướng : làm nản lòng thậm chí đe dọa các nhân viên ; tái cấu trúc các ủy ban khoa học bằng cách bổ nhiệm những người bảo vệ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ; bịt miệng các nhà khoa học ; cắt giảm ngân sách và nhân lực.

Kết quả của các thủ đoạn nói trên được thấy rõ : hàng trăm nhà khoa học đã rời khỏi cơ quan.

Một nhân vật không tin là có biến đổi khí hậu lên nắm NASA ?

Trong một bài viết thứ hai mang tựa đề "Một phi công Hải Quân cực đoan thuộc đảng Cộng hòa ngắm nghía chức lãnh đạo cơ quan vũ trụ NASA", Le Monde nêu bật một quyết định khác của Donald Trump cũng theo chiều hướng khóa miệng giới bảo vệ môi trường.

Người được ông Trump cử làm lãnh đạo Cơ Quan Hàng Không Không Gian NASA nổi tiếng là James Bridenstine, cũng là một chính khách xuất thân từ bang Oklahoma, và cũng là một người từng phủ nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng.

Le Monde nhắc lại : Vào tháng 6 năm 2013, trước Hạ viện, James Bridenstine đã tuyên bố : "Nhiệt độ của hành tinh không tăng trong vòng mười năm nay". Ông giải thích rằng những thay đổi khí hậu chỉ liên quan đến hiện tượng bức xạ mặt trời, chu kỳ của đại dương, rằng các biến đổi đã qua hoàn toàn không phải là do hoạt động của con người…

Việc cử một người như ông Bridenstine lãnh đạo NASA đã đi ngược lại truyền thống, vì ông không phải là một nhà khoa học mà là một chính khách. Và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã khiến ông khổ sở hôm 01/11 vừa qua khi ông ra điều trần về quyết định bổ nhiệm.

Francis và 40 triệu follower trên twitter

Báo Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất cho giáo hoàng Francis và thông điệp Giáng Sinh của ngài "Đức giáo hoàng chống lại những ngọn gió chiến tranh", tựa lớn trên tranh nhất.

Theo tờ báo, từ Jerusalem, Syria, cho đến những người tị nạn Rohingyas ở Miến Điện, hay những người vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu, theo truyền thống, đức giáo hoàng hôm 25/12 đã liệt kê tất cả những nơi trên thế giới mà hòa bình còn bị chiến tranh hay khủng hoảng đe dọa,những nơi mà phẩm giá con người còn bị xâm phạm.

Theo Le Figaro, người đứng đầu Giáo hội đã biết chọn những lời lẽ nhẹ nhàng để truyền đi thông điệp mạnh mẽ của ngài, và đấy chính là ngoại giao đích thực.

Tờ báo cũng nhắc lại rằng chưa bao giờ uy tín của Giáo hoàng lại cao như hiện nay. Tờ báo nêu một con số : ngài đã có 40 triệu người theo trên mạng xã hội Twitter, trở thành một trong những người được theo dõi nhiều nhất.

Libération : 200.000 người chết ở Mexico vì ma túy

Báo Libération đã nêu bật trên trang nhất một thảm họa mà đất nước Mexico đang phải trải tiếp tục chịu đựng : Mười một năm sau khi Nhà Nước Mexico tuyên chiến với ma túy, mức sản xuất bạch phiến đang bùng nổ, kèm theo là số sinh mạng bị cướp đi, với các băng buôn bán ma túy vẫn phát triển mạnh như mọi khi.

Do nhu cầu từ Mỹ tăng nhanh, Mexico đã trở thành nơi trung chuyển của ma túy, đặc biệt là loại heroin trộn lẫn với fentanyl. Việc bắt giữ những tay trùm ma túy khét tiếng đã không làm thay đổi bất cứ điều gì : Năm 2017 là năm có nhiều người chết vì ma túy nhất.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Trung Quốc khẳng định "mở rộng hợp lý" các đảo ở Biển Đông (RFI, 25/12/2017)

Bắc Kinh khẳng định đã mở rộng "một cách hợp lý" các đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông đang tranh chấp với nhiều nước trong khu vực. Bản báo cáo của Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Trung Quốc cho biết các dự án xây dựng trong năm 2017, kể cả hạ tầng cho trạm radar, có tổng diện tích khoảng 290.000 m2 tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

tq1

Đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 07/11/1016 - nguồn CSIS/AMTI)

Bản báo cáo được Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 22/12/2017, nhưng chỉ được Hoàn Cầu Thời Báo đăng tải ngày 25/12.

Cũng trong bản báo cáo, Trung Quốc khẳng định làm những gì họ muốn trên lãnh thổ của nước này. Các công trình xây dựng và bồi đắp được cho là nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và cứu hộ quốc tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không phủ nhận đã tăng cường hiện diện quân sự, đồng thời mở rộng "một cách hợp lý" khu vực bao trùm các đảo do Trung Quốc kiểm soát.

Theo hãng tin Reuters, số liệu được nêu trong bản báo cáo của Trung Quốc phù hợp với đánh giá của tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) đưa ra vào tháng 12. Trung tâm nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington lưu ý, trong khi cả thế giới tập trung chú ý vào tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã tiếp tục lắp một trạm radar có tần số cao, cùng với nhiều công trình khác, có thể được sử dụng vào mục đích quân sự, trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp và xây dựng trên nhiều đảo và đá do nước này kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có một đường băng, khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ lo ngại. Ngoài trạm radar lớn, còn có nhiều công trình ngầm nhằm làm kho lưu trữ và nhiều tòa nhà hành chính được xây trong năm 2017. Trung Quốc cũng tăng cường các cuộc tuần tra quân sự, song bản báo cáo không nêu con số cụ thể.

Thu Hằng

*****************

Trung Quốc : Đóng cửa hơn 13.000 trang web từ năm 2015 (RFI, 24/12/2017)

Tân Hoa Xã ngày 24/12/2017, loan tin là kể từ năm 2015 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hoặc rút giấy phép của 13.000 trang web bị xem là vi phạm các quy định của nước này về Internet. Cũng theo Tân Hoa Xã, gần 10 triệu tài khoản trên các mạng xã hội đã bị đóng vì bị xem là vi phạm các quy định về dịch vụ.

tq2

Google một trong những nạn nhân của chính sách kiểm duyệt Internet Trung Quốc. Reuters / J. Lee

Thông tin nói trên được loan tải vào lúc chính quyền Bắc Kinh tiếp tục siết chặt các luật lệ vốn đã rất nghiêm ngặt về Internet. Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát mạng thông tin toàn cầu kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

Trung Quốc hiện là quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, nhưng theo một báo cáo của tổ chức Freedom House của Mỹ, đây là quốc gia có chính sách kiểm soát Internet nghiêm ngặt nhất trong số 65 quốc gia mà tổ chức này nghiên cứu, tệ hơn cả Iran và Syria.

Chỉ riêng năm 2017, Bắc Kinh đã thông qua những quy định mới buộc các công ty công nghệ thông tin của nước ngoài phải lưu trữ các dữ liệu của những người sử dụng Internet trong nước, đề ra những hạn chế mới về nội dung, cũng như gây khó khăn hơn cho việc sử dụng những phần mềm giúp vượt "tường lửa".

Rất nhiều trang mạng của nước ngoài, kể cả Google, Facebook, Twitter và của tờ New York Times bị chặn ở Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, kiểm duyệt Internet là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng dân Trung Quốc vẫn có thể vượt qua tường lửa bằng cách sử dụng các phần mềm mạng ảo gọi tắt theo tiếng Anh là VPN.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Việt Nam : Các tỉnh Nam Bộ khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão Tembin (RFI, 25/12/2017)

Cơn bão Tembin sau khi tràn qua tàn phá Philippines tiếp tục di chuyển về hướng các tỉnh Nam Bộ Việt Nam hôm nay 25/12/2017. Chính quyền Việt nam đã khẩn trương tổ chức sơ tán hơn một triệu dân tránh bão và đối phó khả năng ngập lụt.

bao1

Một trại đón nhận người trú bão Tembin tại Thành phố Hồ Chí Minh. Reuters

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế như Mỹ và Nhật Bản, cơn bão Tembin chiều tối nay đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ. Mặc dù so với dự báo trước, bão Tembin có xu hướng giảm cường độ nhưng vẫn được cảnh báo mức độ tàn phá rất lớn. Chính quyền trung ương và các địa phương có bão đi qua đang tiếp tục khẩn trương phòng chống bão lũ.

Báo chí trong nước cho biết, 15 trên 19 tỉnh dự kiến bão đi qua đã có kế hoạch di dời gần 1,2 triệu dân đến những nơi trú an toàn. Đến sáng ngày 25/12/2017, mới có 10 tỉnh tổ chức sơ tán được 74 nghìn người. Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương tổ chức cho chằng chống hàng trăm nghìn ngôi nhà, gọi các thuyền bè về bờ trú bão hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Theo thống kê chính thức từ đầu năm đến nay, đã có 15 cơn bão lớn đổ vào Việt Nam, làm ít nhất 390 người chết và mất tích.

Trước khi đổ vào Việt Nam, bão Tembin đã quét qua quần đảo Philippines những ngày cuối tuần qua. Theo thông báo mới nhất của chính quyền Philippines, bão Tembin đã làm 240 người thiệt mạng. Nhân viên cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm khoảng hơn 100 người bị mất tích trên đảo Mindanao, một đảo lớn có 20 triệu dân.

Khoảng 13 nghìn gia đình Philippines đã phải đón Noel trong các trung tâm sơ tán.

Anh Vũ

*****************

Bão Tembin cực mạnh hướng thẳng vào Cà Mau (RFI, 24/12/2017)

Trận bão nhiệt đới Tembin (Việt Nam gọi là bão số 16) ngày 24/12/2017 đang hướng thẳng vào Cà Mau với sức gió có thể đến 120 km/h, khiến chính quyền Việt Nam phải tập trung đối phó.

bao2

Nạn nhân bão Tembin tại Philippines. Ảnh ngày 24/12/2017. Reuters

Tembin được đánh giá là bão mạnh cấp 12 và giật cấp 15, tức là cấp thảm họa, cho nên dự kiến có khoảng một triệu dân sẽ được di dời. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai đề nghị Quân khu 9 huy động máy bay trực thăng bay dọc ven biển, nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, kêu gọi tàu thuyền và người dân di chuyển đến nơi an toàn.

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Phạm Bạch Đằng, phó chủ tịch tỉnh Cà Mau, nơi được dự báo là tâm bão, cho biết về các biện pháp cụ thể nhằm đối phó với bão Tembin :

Theo nhận định thì cơn bão rất mạnh, gió tới cấp 12 và giựt tới cấp 15. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trước hết là cùng với công tác tuyên truyền đến tận từng người dân, đã phân công rất nhiều đoàn, cùng với huyện xuống địa bàn trực tiếp, nhứt là các địa bàn theo các tuyến ven biển, từ Bạc Liêu cho đến Kiên Giang.

Việc thứ hai là phân công trực 24/24 để chủ động xử lý. Thứ ba, đối với các hộ nghèo và cận nghèo, tỉnh trích một khoản kinh phí để hỗ trợ cho bà con chằng chống nhà cửa, để đảm bảo làm sao tài sản của dân được an toàn.

Việc thứ tư, bắt đầu từ chiều hôm nay, người già và trẻ em tập trung đến trú ẩn ở những nơi an toàn, chứ không ở trong những căn nhà tạm bợ. Việc thứ năm, bắt đầu từ ngày mai và ngày kia cho học sinh trong tỉnh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các cháu.

Việc thứ sáu là huy động mọi nguồn lực, ngoài nhân lực ra còn cả các phương tiện, trang thiết bị, để sẵn sàng phục vụ kịp thời khi cơn bão đến. Vấn đề nữa là bảo đảm an ninh trật tự, nhứt là khi bão đến thì làm sao tính mạng và tài sản của người dân phải được an toàn tuyệt đối.

Cà Mau thì hồi năm 1997, cách đây 20 năm đã bị cơn bão Linda tàn phá. Hôm 3/11 mới đây tỉnh đã tổ chức kỷ niệm 20 năm, và cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân. Cơn bão đó đã gây thiệt hại về người rất nặng. Đối với Cà Mau, có đặc điểm là vùng đồng bằng, nên khi bão đến nếu không tính toán trước thì thiệt hại sẽ rất là nặng nề.

Bão Tempin- Phỏ chủ tịch Tỉnh Cà Mau Phạm Bạch Đằng

Nghe

Còn tại Philippines, bão Tembin đã làm cho khoảng 200 người chết và hàng ngàn người bị mất nhà, khoảng 70.000 người phải sơ tán. Các nhóm cứu hộ hôm nay đang tìm kiếm những người sống sót tại miền nam nước này. Cũng trong ngày hôm nay, một vụ hỏa hoạn xảy ra ở một trung tâm thương mại tại Davao làm cho 37 người thiệt mạng.

Thụy My

Published in Việt Nam

Đảng Cộng Sản Việt Nam–Trung Quốc : Qua rồi thời đồng hội đồng thuyền

Như thông lệ, các tuần báo cuối năm đều ra số kép, với những hồ sơ đặc biệt không có thời gian tính, gắn với lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch, với những nội dung không thể thiếu là tổng kết năm cũ, dự báo năm mới. Đáng chú ý nhất chính là kết quả bình chọn của tuần báo Anh Quốc uy tín The Economist, đã bầu nước Pháp làm Đất Nước Nổi Bật trong năm 2017. Tuy nhiên cũng trong số cuối năm đó, tờ báo Anh đã dành một bài để nhận định về hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, trước đây từng coi nhau là môi hở răng lạnh, nhưng ngày nay thì "không còn đồng hội đồng thuyền" nữa, tựa bài phân tích chuyên trang Châu Á.

qua1

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Qung (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 13/11/2017. LUONG THAI LINH / POOL / AFP

Nhận xét đầu tiên của The Economist rất hóm hỉnh : "Ngày xưa có hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là những đồng chí kiên định trong cuộc đấu tranh vô sản. Mao Trạch Đông đã tăng cường quan hệ bằng cách giúp đỡ Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, cung cấp cả thiết bị quân sự lẫn tư vấn về kỷ luật và ý thức hệ cộng sản.

Chủ nghĩa tư bản đã biến đổi cả hai nước theo một chiều hướng có thể khiến chế độ lung lay, tuy nhiên cả hai đều đã vượt qua, vừa tiếp tục chế độ độc tài kiểu Lê nin, vừa giám sát đà tăng trưởng kinh tế nhanh.

Trung Quốc và Việt Nam là những nước thành công nhất trong số các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới, che khuất Cuba đang rệu rã, nước Lào tí hon và Bắc Triều Tiên hung hãn".

The Economist sau đó đã liệt kê một loạt những chủ trương mà tờ báo cho là Việt Nam đã "bắt chước" Trung Quốc để thực hiện, từ việc tiếp nhận kinh tế thị trường tự do, cho đến việc tập trung quyền lực trong tay đảng và đàn áp giới bất đồng chính kiến theo kiểu Tập Cận Bình.

Một đường lối cứng rắn hơn được dự báo từ đại hội đảng đầu năm 2016, với việc ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh của ông đã buộc được đối thủ Nguyễn Tấn Dũng phải về hưu. Theo tuần báo Anh, kể từ đó đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam càng lúc càng cứng rắn hơn, vừa thi hành kỷ luật trong đảng, vừa trấn áp giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân chủ.

Và với những sắc thái giống như ông Tập Cận Bình, ông Trọng đã thúc đẩy một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ chưa từng thấy, đánh vào cả các lãnh đạo quyền thế ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cũng như tại PetroVietnam, tập đoàn dầu khí quốc gia khổng lồ. The Economist còn cho biết rằng "một số người nói ông Dũng sẽ bị truy tố".

Tuy nhiên, đối với The Economist, bất chấp tất cả những điểm tương đồng nói trên, những ngày quan hệ ấm áp giữa hai bên đã qua rồi. Ông Tập Cận Bình đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 vừa qua và ca ngợi tình đoàn kết anh em.

Thế nhưng lời kêu gọi đó chỉ là sáo ngữ đối với người Việt Nam vì vấn đề các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào năm 2014, Trung Quốc đã kéo một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc dữ dội.

Tuần báo Anh nhắc lại rằng rạn nứt giữa hai đảng đã lộ rõ lần đầu tiên vào năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình tung ra một cuộc chiến tranh để trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ đàn em của Trung Quốc ở Cam Bốt là lực lượng Khmer Đỏ khát máu.

Đối với The Economist, năm đó, Việt Nam đã đánh cho Trung Quốc "sặc máu mũi", nhưng thái độ nghi kỵ Trung Quốc của Việt Nam đã có từ hàng thế kỷ trước đây. Việt Nam rất ghét bị xem là chư hầu của đế quốc phương Bắc, và tình huynh đệ giữa hai đảng không thể dễ dàng được khôi phục trong một thời đại mà chủ nghĩa dân tộc đã dâng cao.

Ba điểm khác biệt chia cách hai đảng cộng sản

Theo The Economist, một số nhà phân tích cho rằng, bất chấp tất cả những gì mà ông Trọng đang mô phỏng ông Tập Cận Bình, hai đảng đang đi theo hai triết lý khác nhau

Trước hết, từ vụ thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đến nay, cải cách chính trị ở Trung Quốc đã bị dẹp bỏ, Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong thực tế chỉ là một.

Ngược lại, bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ 20, Đảng cộng sản Việt Nam đã có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa đảng và Nhà Nước, các vị trí hàng đầu như tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và thành viên Bộ chính trị ngày càng được bổ sung thông qua những cuộc bầu cử có cạnh tranh, mặc dù vẫn thu hẹp trong thành phần "ưu tú" của đảng...

Một số người Việt Nam, trong đó có cả các quan chức hay tướng lãnh đã về hưu, đã lập luận rằng cuối cùng thì Việt Nam cũng phải đi theo con đường dân chủ đa đảng. Theo The Economist, ở Trung Quốc, những phát biểu như vậy không thể tồn tại.

Một khác biệt thứ hai được tuần báo Anh ghi nhận là tại Việt Nam, ông Trọng vẫn chỉ là một trong số những người đứng đầu trong một nhóm lãnh đạo tập thể. Ông lãnh đạo đảng nhưng không đứng đầu Nhà Nước. Các giới hạn về nhiệm kỳ sẽ buộc ông phải rút lui vào năm 2021, thậm chí ông có thể ra đi sớm hơn.

Còn tại Trung Quốc, Tập Cận Bình lãnh đạo cả Đảng lẫn Nhà Nước. Tại đại hội đảng tháng 10 vừa qua, ông cho thấy rõ là ông là ông chủ không thể tranh cãi của Trung Quốc, thậm chí có thể xóa bỏ thông lệ cũ để lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ khác vào năm 2022 sau một thập kỷ cầm quyền.

Đối với The Economist, sự phân cách giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có thể mở rộng. Cho dù các tiếng nói bất đồng tiếp tục bị trấn áp, tranh luận tại Việt Nam vẫn còn tự do hơn là ở Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận trong nội bộ đảng sôi động hơn, trong lúc ở bên ngoài, giới bất đồng chính kiến và các nhóm tôn giáo vẫn giành được một phần diễn đàn công cộng.

Sức ép của nước ngoài lên chính quyền Việt Nam, nếu không quá cứng rắn, có thể có tác dụng, và Đức đang cố làm việc này. Công dân Việt Nam cũng được tự do hơn trong việc truy cập internet.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ trích được chấp nhận tương đối, và thậm chí có thể được xem là hữu ích - miễn là không bị coi là một thách thức đối với chế độ.

Ở Trung Quốc, ngược lại, internet bị kiểm soát nghiêm ngặt, và không ai được phép công khai chỉ trích đảng, chứ không riêng gì các nhà bất đồng chính kiến.

Và điểm sau cùng khiến hai đảng phân cách nhau là chủ nghĩa dân tộc sâu sắc của người Việt Nam. Không một lãnh đạo Việt Nam nào, kể cả những người có thiện cảm với Đảng cộng sản Trung Quốc như ông Trọng, dám coi nhẹ tâm lý của người dân và lao vào một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh.

Tâm lý chống Trung Quốc rất mạnh ở Việt Nam, và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có một sự đối đầu mới, có thể liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, làm cho quan hệ bạn hữu lâu năm giữa hai đảng cộng sản căng thẳng hơn nữa.

Pháp được báo giới phương tây tôn vinh

Trong phần tổng kết cuối năm, The Economist, đã bầu nước Pháp làm Đất Nước Nổi Bật trong năm 2017, được tờ báo khen ngợi là Formidable Nation – Đất nước tuyệt vời – dùng một tính từ tiếng Pháp đã được Anh hóa là formidable để bày tỏ thái độ khâm phục.

Trong bài xã luận, The Economist đã giải thích rõ cách bình chọn quốc gia nổi bật của mình, được áp dụng từ năm 2013 đến nay. Đó không thể là một Nhà Nước bất hảo, cho dù có nổi bật lên thành cực kỳ đáng sợ như Bắc Triều Tiên, hay một quốc gia có ảnh hưởng nhất chỉ vì quy mô hay sức mạnh kinh tế, như Mỹ hay Trung Quốc. Đó là bất kỳ một nước nào đó, mà trong vòng năm sắp kết thúc, đã thể hiện được một sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực, hay giúp cho thế giới tươi sáng hơn.

Dưới tiểu tựa nguyên văn tiếng Pháp "Le jour de gloire est arrivé - Ngày vinh quang đã tới", trích lời bài quốc ca Pháp, tuần báo Anh đã nêu cụ thể những lý do đã khiến nước Pháp được chọn làm quốc gia nổi bật trong năm 2017.

Theo The Economist, trong năm 2017, Pháp đã vượt quá mọi kỳ vọng. Ông Emmanuel Macron, một cựu viên chức ngân hàng, không được bất kỳ một đảng phái truyền thống nào ủng hộ, đã đắc cử tổng thống. Sau đó, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La République En Marche) – đảng mới toanh của ông Macron, với hầu như toàn là những người mới làm chính trị, đã đánh bại các chính khách kỳ cựu để chiếm hầu hết các ghế trong Quốc hội.

Đối với tuần báo Anh, đấy không chỉ đơn thuần là một thay đổi ngoạn mục, mà còn là một niềm hy vọng cho những ai nghĩ rằng đối lập tả hữu không quan trọng bằng sự phân biệt giữa cởi mở và co cụm.

Tờ báo giải thích thêm : "Ông Macron đã vận động cho một nước Pháp mở cửa đón nhận con người, hàng hóa và ý tưởng từ nước ngoài, và thay đổi xã hội trong nước. Trong sáu tháng đầu nhiệm kỳ, ông Macron và đảng của ông đã thông qua một loạt cải cách nhạy cảm, trong đó có một bộ luật chống tham nhũng và các quy định nới lỏng luật lao động cứng ngắc của Pháp".

Đối với giới chỉ trích ông Macron, thì các cải cách của ông còn yếu, có thể đi xa hơn nữa. Đối với The Economist, điều đó đúng, nhưng có lẽ là các thành phần chỉ trích đó đã quên rằng trước lúc ông Macron lên nắm quyền, nước Pháp có vẻ như "không tài nào thay đổi được", và những người đi bầu chỉ có thể lựa chọn giữa tình trạng xơ cứng và chứng bài ngoại.

Phong trào của ông Macron đã gạt bỏ chế độ cũ, và đánh bại phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan của bà Marine Le Pen (người mà nếu thắng cử, sẽ phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu).

The Economist kết luận : "Cuộc chiến giữa quan điểm cởi mở hay khép kín về xã hội có thể là cuộc đấu tranh chính trị quan trọng nhất trên thế giới ngay vào lúc này. Nước Pháp đã trực diện giao đấu với những kẻ muốn co cụm, đóng cửa với bên ngoài, và đã chiến thắng. Vì vậy, đó là quốc gia nổi trội trong năm của chúng tôi".

Từ "Quả bom nổ chậm giữa Châu Âu" đến "Đất nước của năm 2017"

Tuần báo Anh cũng cho biết là nước Pháp được chọn trong một danh sách bao gồm Bangladesh, Argentina và Hàn Quốc.

The Economist không ngần ngại thú nhận rằng mình không phải lúc nào cũng chọn đúng, và vào năm 2015 đã từng vinh danh Miến Điện, được cho là đáng khen ngợi nhờ quá trình chuyển đổi từ một chế độ độc tài sang một "cái gì đó giống với dân chủ".

Vào khi ấy, The Economist cũng đã ghi nhận rằng cách Miến Điện đối xử với thiểu số Rohingya đáng hổ thẹn, nhưng không thể ngờ rằng cách đó tệ hại đến mức nào.

Vì lý do đó, năm nay, sau khi hơn 600.000 người Rohingya phải chạy trốn khỏi những ngôi làng bị phá hủy để tránh bị quân đội Miến Điện hãm hiếp và giết hại, The Economist đã tính chọn nước láng giềng Bangladesh kế bên là quốc gia nổi bật trong năm vì đã cưu mang người Rohingya tị nạn, đồng thời cũng có một đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, giảm bớt được đói nghèo.

Vấn đề là chính quyền nước này vẫn bóp nghẹt quyền tự do dân sự và để cho những thành phần Hồi giáo cực đoan tự do hoành hành.

Một ứng viên khác là Argentina, nơi tổng thống Mauricio Macri đang cố tiến hành những cải cách khắc nghiệt để lành mạnh hóa nền tài chính sau nhiều năm tiêu xài thả giàn dưới thời Kirchner.

Tháng 10, đảng của ông Macri đã giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chứng tỏ rằng hầu hết người Argentina không còn bị các số liệu thống kê giả tạo hay những lời hứa hẹn kiếm tiền dễ dàng lừa phỉnh.

Một ứng viên nặng ký khác cho danh hiệu Đất Nước Nổi Bật trong năm của tuần báo The Economist là Hàn Quốc, một quốc gia vẫn thực hiện được những cải cách quan trọng, đặc biệt là trong lãnh vực lành mạnh hóa đời sống chính trị trong nước, cho dù bị mối đe dọa hạt nhân tên lửa từ người anh em phương Bắc, cộng thêm với đòn tẩy chay kinh tế của Trung Quốc, và sức ép về thương mại của Donald Trump.

Những lời khen tặng nước Pháp năm nay của The Economist cho thấy là tờ tuần báo có uy tín và theo xu hướng tự do này đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn về nước Pháp. Cách nay hơn 5 năm một chút, trong một số báo đề ngày 17/11/2012, The Economist đã không ngần ngại gọi nước Pháp là "Quả bom nổ chậm giữa lòng Châu Âu - The time-bomb at the heart of Europe" !

Quyền lực mềm của Pháp được tôn vinh

Không hẹn mà gặp, giống như The Economist, các tạp chí tuần lễ cuối năm khác cũng dành nhiều trang bài tán thưởng nước Pháp. Courrier International chẳng hạn, dưới tựa đề "Quyền lực mềm, mùa thu đẹp đẽ của Pháp" đã trích nhận định các báo Âu Mỹ không tiếc lời khen những thành tựu của Pháp trong năm 2017.

Trước tiên là tờ báo Ý, Il Foglio, Milano, nhìn thấy trong bối cảnh Châu Âu có vẻ ảm đạm, Pháp là một điểm sáng, đã có thu hoạch tốt, thành công về ngoại giao cũng như kinh tế. Và đây là nhờ phương thức điều hành mạnh và tập trung.

Tờ báo tinh tế phân biệt nếu nhìn trên các chỉ số tăng trưởng, thất nghiệp, sản xuất công nghiêp…như các thống kê cho thấy hàng ngày thì Châu Âu lao mạnh về phía trước, kinh tế tốt đẹp. Nhưng nếu rời khỏi khía cạnh chung, khỏi cái khung kinh tế, nhìn từng nước và trên bình diện chính trị, thì hình ảnh Châu Âu thay đổi hằn, không còn đẹp như thế.

Lấy ví dụ nước Đức đầu tàu Châu Âu. Nhân vật chính trị hùng mạnh nhất Châu Âu (thủ tướng Merkel) vẫn chưa thành lập được chính phủ. Tại Tây Ban Nha thì chính quyền phải đối phó trầy trật với một vùng tuyên bố độc lập, còn Hà Lan thì mới thành lập được chính phủ sau 281 ngày thảo luận.

Đấy tình hình Châu Âu là thế đấy, nhưng tờ báo Ý thấy được là cũng có một ốc đảo hạnh phúc mang tên là Pháp. Các vì sao tốt đã hợp lại chiếu xuống đất nước này, một nước không bị vướng vấn đề ổn định, không bị vấn đề chính phủ, lãnh đạo, và đó là nhờ một thể chế biết tập hợp sức lực để hoàn thành một cái gì đấy chứ không phải để chống lại một ai và thể chế đó đã gặt hái thành công.

Tờ báo Ý điểm lại từ việc giành được trụ sở của ABE – Cơ Quan Ngân Hàng Châu Âu, chiếc ghế tổng giám đốc Unesco, cho đến thế Vận Hội 2024 ; và việc tổ chức Cúp bóng bầu dục thế giới Rugby… Nhưng đáng chú ý nhất là hệ thống chính trị với Emmanuel Macron, 39 tuổi, một người thừa kế đáng giá của Charles de Gaulle, biết tập hợp, biết xử lý sự phân mảnh chính trị.

Courrier International trích dẫn báo New York Times, rất khen ngợi ngành ngoại giao Pháp. Qua các cuộc khủng hoảng, từ Lebanon đến vấn đề người nhập cư, hay hồ sơ thời hậu chiến ở Syria, ngoại giao Pháp đã khéo lao vào lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở thế giới Ả Rập.

Tờ báo nhận thấy chỉ cách đây một năm thôi, không ai tưởng tượng là Emmanuel Macron có thể là gương mặt của ngoại giao phương Tây ở Trung Đông. Ngày nay thì khác. Quyết định của ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ; các tweet bài Hồi giáo của ông, việc giảm người ở bộ ngoại giao.

Đối với nhiều nhà quan sát, đó là là dấu hiệu cho thấy ngành ngoại giao Mỹ đang co cụm lại, và điều này đã mở rộng cửa cho những ai muốn gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện trên trường quốc tế.

Trong số người này có ông Macron. Tổng thống Pháp đã biết nắm lấy cơ hội, đóng vai trò ‘nổi’ hơn ở Trung Đông.

Tờ báo Mỹ nhắc lại là tổng thống Pháp đã nói chuyện với ông Trump hai ngày trước khi tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel để nói lên mối quan ngại của Pháp.

Tháng 11, trong cuộc khủng hoảng Lebanon khi thủ tướng quốc gia này tuyên bố từ nhiệm mà nhiều người cho là dưới sức ép của Saudi Arabia, thì tổng thống Macron đã đích thân đến Lebanon để giúp tái lập lại ổn định.

Tổng thống Pháp đã đưa ra một chương trình hành động ngăn ngừa người di dân bị bắt làm nô lệ ở Lybia. Hiện tại thì ông chuẩn bị để Pháp có thể tham gia vào lộ trình chính trị thời hậu chiến ở Syria.

Không chỉ năng nổ trên bình diện ngoại giao, báo New York Times còn thấy nước Pháp của ông Macron đã chuyển mình trên mặt kinh tế. Pháp trong một thời gian dài mang tiếng là không ưa thích các tập đoàn đa quốc gia, nghi kỵ đối với tài sản cá nhân, đánh thuế nặng, luật lệ kỳ lạ và có một câu trả lời cho mọi câu hỏi là ‘không thể được’.

Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ thì Paris của tổng thống Macron đã đổi ‘look’, biết cải thiện để đón các công ty, doanh nhân nước ngoài, đua tranh với các thành phố như Dublin, Frankfurt.

Emmanuel Macron : Nhân vật xuất sắc trong năm

Tại Đức, cũng giống như tờ The Economist, nhật báo kinh tế Handelsblatt đã trao tặng cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron danh hiệu "Nhân Vật Xuất Sắc Trong Năm".

Bài báo về tổng thống Pháp đã được cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức Sigmar Gabriel chấp bút, trong đó ông coi tổng thống Macron là "cơ may cho nước Đức và Châu Âu".

Riêng tờ báo Đức Die Welt, đã nhìn vai trò của ông Macron trên vấn đề mà cả hành tinh quan tâm : khí hậu. Theo tờ báo, Paris của ông Macron đã và đang đóng vai trò nổi trội. Tổng thống Pháp có vai trò chủ đạo trên vấn đề khí hậu hiện nay khi tổ chức thượng đỉnh về khí hậu.

Trang bìa các tạp chí

Có nhiều bài về Pháp, nhưng tuần báo Courrier International số cuối năm lại dành trang bìa cho vấn đề "Thông minh nhân tạo, cỗ máy tạo hoang tưởng - Intelligence artificielle, la machine à fantasmes".

Đây là một hồ sơ dài về robot (hay "người máy") mà những tiến bộ ngoạn mục trong ngành đã làm dấy lên lo ngại và tranh luận, với nhiều câu hỏi như : Liệu robot có sẽ giết chết công ăn việc làm của con người, gây ra thất nghiệp hay không ? Liệu robot có thể đọc được và chiếm hữu suy nghĩ của chúng ta hay không ?

Courrier International đã trích dẫn tạp chí MIT Technology Review của trường công nghệ Mỹ nổi tiếng để trấn an, cho rằng ngày nay robot có thể nhận dạng một bức họa của bậc thầy, dịch một văn bản hay soạn một giai điệu dương cầm, nhưng nhiều khi chính chúng ta suy diễn quá nhiều về khả năng thực thụ của nó vì thiếu hiểu biết và cũng thiếu óc tưởng tượng.

Gần đến Noël, tuần báo Pháp L’Express theo đúng truyền thống, dành hồ sơ chính cho lễ Giáng Sinh với ảnh chúa Giê-su chiếm trọn bìa, và dòng tựa "Giê-su qua cái nhìn của người Do Thái, Hồi giáo, vô thần…".

Tuần báo L’Obs thì gắn lễ Giáng Sinh với quyết định của tổng thống Mỹ về Jerusalem, dành một hồ sơ nhiều trang lược qua lịch sử dưới tựa đề : "Jerusalem từ vua David đến tổng thống Trump". Tuy nhiên trang bìa của tạp chí Pháp lại dành cho năm tới, giới thiệu "Những người sẽ ‘làm nên 2018’".

Danh sách gồm khoảng 20 người, từ nghệ sĩ cho đến chính khách trong đó có thủ tướng Pháp Edouard Philippe, cựu thủ tướng Ý Berlusconi, và cả nhà đối lập Nga Alexei Navalny.

Mai Vân

Published in Quốc tế

Ba Lan, nước Đông Âu tiên phong dân chủ nay đứng bên lề Châu Âu

Trong bài xã luận mang tựa đề "Ba Lan bị Liên Hiệp Châu Âu ruồng bỏ", Le Monde nhận xét, đây là cả một nghịch lý ! Thời Liên Xô cũ, Ba Lan là nước đi tiên phong trong cuộc chiến chống cộng. Tại đây, công đoàn độc lập đầu tiên đã ra đời, và qua thương thảo đã khai sinh ra một chính quyền dân chủ.

balan1

Người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp ở Warsawa, Ba Lan ngày 24/11/2017. Reuters/Kacper Pempel

Ba Lan đóng một vai trò tích cực trong sự tan rã của Liên Xô, và là nước cột trụ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Là mẫu mực cho việc hội nhập Châu Âu, quốc gia thành viên có dân số đứng hàng thứ sáu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Ba Lan có tầm nhìn và tham vọng trở thành một nước lãnh đạo của Liên hiệp. Đến hôm thứ Tư 20/12, Ba Lan lại nổi lên hàng đầu, nhưng lần này không lấy gì làm vinh dự.

Sau hai năm do dự và liên tục cảnh cáo, Ủy ban Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã kích hoạt tiến trình được quy định trong điều 7 hiệp ước Lisboa, đối với một Nhà nước thành viên bị nghi ngờ "vi phạm trầm trọng và kéo dài" các giá trị của EU. Ba Lan, quốc gia đầy hãnh diện khi hội nhập Châu Âu năm 2004, nay bị gạt ra bên lề - một cách tượng trưng.

Còn cả một loạt những thủ tục nữa trước khi tiến đến trừng phạt, chủ yếu là ngưng một số quyền lợi của nước vi phạm, như quyền bỏ phiếu ở Hội đồng Châu Âu. Warsawa có ba tháng để giải trình với Bruxelles về "nguy cơ vi phạm trầm trọng Nhà nước pháp quyền tại Ba Lan".Giai đoạn hai sẽ được tiến hành nếu Warsawa không đáp ứng : một hội nghị thượng đỉnh Châu Âu được triệu tập, qua đó tất cả các nước phải nhất trí cho rằng Ba Lan vi phạm. Một giả thiết khó thành sự thực, vì Hungary của ông Viktor Orban đã cho biết là sẽ không bỏ phiếu chống lại Ba Lan.

Cần phải đến nước này chăng ? Le Monde cho rằng, rất tiếc là phải như thế. Chính phủ Ba Lan do đảng dân tộc chủ nghĩa Pháp luật và Công lý (PiS) lãnh đạo từ khi lên cầm quyền vào tháng 10/2015 không ngừng hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tạo, và gây trở ngại cho sự độc lập của bộ máy tư pháp.

Có thể do nghĩ rằng Ủy ban Châu Âu - nhiều năm qua đã làm ngơ trước Hungary, sẽ không đi đến cùng trong việc kích hoạt điều 7 – Warsawa không đáp ứng những lời cảnh cáo liên tục của Bruxelles cũng như áp lực của xã hội dân sự trong nước. Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng PiS, người thực sự nắm quyền ở Ba Lan, đã gặt bão sau khi gieo gió.

Đối với Ủy ban Châu Âu, nếu không hành động sẽ là một sự yếu kém đáng lên án. Chủ nghĩa dân túy và cực hữu đang phát triển tại EU, nay trở thành một lực lượng chính trị có sức nặng, và tham gia vào nhiều chính phủ, như mới đây là Áo quốc. Dù bị Bruxelles phê phán, các chính phủ này vẫn cho rằng ở lại trong EU có lợi hơn cho mình. Như thế cũng tốt, tuy nhiên theo Le Monde, các thành viên cần phải tôn trọng các quy định và giá trị của Liên hiệp, mà đứng hàng đầu là Nhà nước pháp quyền, một trong những cơ sở của nền dân chủ Châu Âu.

Đài Loan phải đối mặt với chiến tranh cân não của Trung Quốc

Nhìn sang Châu Á, Libération nhận định "Đài Loan đối mặt với cuộc chiến tranh cân não của Trung Quốc". Với hàng loạt cuộc tập trận và sự tăng cường đe dọa, Bắc Kinh đang gây áp lực nặng nề lên Đài Bắc.

Hôm qua, bộ Quốc Phòng Đài Loan tố cáo không quân Trung Quốc đã xâm nhập đến lần thứ 10 không phận nước này, kể từ sau Đại hội Đảng 19. Tuần trước, Bắc Kinh cho tập trận quy mô : cho quân bao vây hòn đảo và cho các oanh tạc cơ mang theo hỏa tiễn trông rất rõ, lượn qua lượn lại để thị uy. Đài Loan trả đũa bằng các cuộc tập trận bộ binh có trực thăng tham gia.

Theo Libération, việc bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan, và trong bài diễn văn nhậm chức đã kêu gọi tôn trọng "môt hệ thống dân chủ, đặc thù quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ" khiến Bắc Kinh rất bực bội. Nhưng việc Hoa Kỳ và Đài Loan xích lại gần nhau hơn làm Trung Quốc căm tức nhất. Trong văn bản về ngân sách quốc phòng, Mỹ dự trù tăng cường hợp tác với Đài Loan, đặc biệt là cho các chiến hạm thăm viếng lẫn nhau ; trong khi Bắc Kinh coi đây là "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc".

Đạt Lai Lạt Ma được về Trung Quốc hành hương ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết "Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị hành hương" tại nước này. Một đặc sứ của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong đã tái lập liên lạc với Bắc Kinh.

Chuyến thăm Trung Quốc của giáo sư Samdhong Rinpoché, nguyên chủ tịch Quốc Hội Tây Tạng lưu vong và là đặc sứ của Đạt Lai Lạt Ma, đang gây ra những lời đồn đãi về việc lãnh tụ Tây Tạng sẽ đi thăm Ngũ Đài Sơn (Wutai), một ngọn núi thiêng của đạo Phật, tại tỉnh Sơn Tây (Shanxi).

Việc để cho Đạt Lai Lạt Ma quay lại xưa nay vẫn là yêu sách hàng đầu của những người dân Tây Tạng biểu tình chống Bắc Kinh. Nhiều người tin rằng ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ hai có thể chịu nhượng bộ, sau khi đã nắm trọn được quyền hành. Theo một nhà quan sát người Tây Tạng, nhân kỷ niệm 10 năm cuộc nổi dậy Tây Tạng tháng 3/2008, Bắc Kinh có thể đưa ra một giải pháp để tránh mọi rủi ro xung đột.

Bắc Triều Tiên sẽ để yên cho Hàn Quốc trong Thế vận hội ?

Trên bán đảo Triều Tiên, "Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng hưu chiến trong Thế vận hội". Hàn Quốc muốn dời lại cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông tại Pyeongchang.

Le Monde nhận định, bối cảnh hiện nay rất căng thẳng, và mới nhất là vụ lính biên phòng Hàn Quốc canh gác tại vùng phi quân sự đã phải bắn hơn 20 phát cảnh cáo vào sáng sớm hôm qua, về phía các binh lính Bắc Triều Tiên đang truy lùng một người lính đào tẩu. Trước đó hôm 13/11, đã có một binh sĩ Bắc Triều Tiên khác vượt qua Bàn Môn Điếm.

Quân đội Miến Điện lo sợ nhà báo đưa ra các bằng chứng đàn áp

Tại Đông Nam Á, "Trong một làng Rohingya, một vụ thảm sát và các hình ảnh bị quân đội Miến Điện ngăn cấm" - Le Monde tố cáo. Hai nhà báo của hãng tin Reuters đã bị bắt giữ vì nắm được trong tay các bằng chứng của tội ác.

Các hình ảnh vệ tinh được Amnesty International công bố cho thấy tại làng Inn Din ở phía bắc bang Arakan tức Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống, chỉ có nhà cửa của người thiểu số theo đạo Hồi này là bị đốt cháy, còn nhà của người theo đạo Phật vẫn còn y nguyên. Một người sống sót cho biết quân đội Miến Điện cùng với một nhóm dân quân đã vào đốt làng, bắn chỉ thiên, sau đó nã đạn vào những người Rohingya đang chạy trốn.

Hai nhà báo người Miến Điện của Reuters là Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi đã bị bắt giữ tại Răngun vì "thu thập thông tin bất hợp pháp với ý định cung cấp cho báo chí nước ngoài". Trước đó hai nhà báo này đã đến làng Inn Din, cho thấy quân đội lo ngại các hình ảnh họ chụp được khiến cộng đồng quốc tế thêm phẫn nộ. Bốn giáo viên và một dân làng Inn Din theo đạo Phật đã bị tình báo quân đội bắt và thẩm vấn chỉ vì đã trò chuyện với hai nhà báo Reuters. Quân đội Miến Điện chỉ chấp nhận cho một tổ chức duy nhất là hội Hồng Thập Tự hoạt động.

Noel không an bình trên thánh địa Jerusalem

"Châu Âu muốn trừng phạt những vi phạm của Ba Lan về Nhà nước pháp quyền", đó là tựa chính của Le Monde hôm nay. Tại Tây Ban Nha, Le Figaro nhận định "Bầu cử Catalunya : Cú sốc độc lập".

Về tình hình nước Pháp, Libération quan tâm đến "Nợ nần, hưu bổng, hỏng hóc…", những vấn đề trong năm của công ty đường sắt Pháp SNCF, mà đỉnh điểm là việc bị đặt trong vòng điều tra hôm qua. Tờ báo chơi chữ "Trạm cuối của một năm đen tối".

Nhật báo kinh tế Les Echos nói về "CAC 40 : Những bí mật tuổi 30". Được thành lập năm 1987, chỉ số thị trường chứng khoán Pháp đã trải qua ba thập niên, tổng vốn tăng lên 20 lần.

Giáng Sinh đã cận kề, ảnh bìa của nhật báo công giáo La Croix là những hàng trái châu sáng rực trong đêm đen, với tựa đề "Noel, đơn giản thế thôi", đề nghị "Năm ý tưởng để giữ lại tinh thần của ngày lễ Noel".

Tại Trung Đông, Le Figaro có bài phóng sự đăng trên mạng về một "Noel căng thẳng ở Jerusalem". Bị chinh phục trên 40 lần và bị san bằng hai lần trong quá khứ, thành phố nhiều ngàn năm tuổi này chuẩn bị đón một lễ Giáng Sinh không bình an, sau quyết định lịch sử của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Thành phố cổ có diện tích một km vuông và 40.000 cư dân, là thánh địa của ba tôn giáo lớn đang trong không khí dễ bùng nổ xung đột. Nếu ở những ngã tư thường xuyên kẹt xe của thành phố mới, khi đèn xanh bật lên mà chưa kịp nổ máy là một loạt còi xe bèn rền vang thúc giục ; thì ở trung tâm phố cổ, các giáo sĩ Hồi giáo, những người Do Thái giáo và du khách đi ngang qua mặt nhau lặng lẽ. Những vụ bạo động xảy ra thường xuyên. Một luật sư nổi tiếng thuộc cánh tả Israel vốn có nhiều bạn bè người Palestine và thông thạo thành phố như lòng bàn tay, buồn bã cho biết, bây giờ ông cũng chẳng dám ra đường một mình.

Donald Trump, ông già Noel của các đại tập đoàn Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về "Noel của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ". Năm nay, ông già Noel của nước Mỹ có mái tóc vàng lộ ra dưới chiếc nón chóp đỏ : với đạo luật thuế mới, ông Donald Trump muốn chứng tỏ là người bảo vệ quyền lợi giai cấp trung lưu. Nhưng hiện thời không phải là giới trung lưu vỗ tay hoan nghênh ông, mà là các đại công ty.

Tập đoàn viễn thông AT&T cho biết sẽ thưởng cho 300.000 nhân viên mỗi người 1.000 đô la. Ngân hàng Wells Fargo tăng lương tối thiểu từ 13,5 lên 15 đô la/giờ. Nhưng không phải công ty nào cũng làm như thế. Thượng nghị sĩ Dân Chủ Charles Schumer đã cho phổ biến một danh sách 30 tập đoàn loan báo mua lại trên 80 tỉ đô la cổ phiếu, sau khi Thượng Viện thông qua đạo luật. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, việc kích thích tăng trưởng bằng cách giảm thuế như thế sẽ làm két bạc của các công ty thêm đầy, và họ sẽ chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu.

Pháp : Hàng hóa Noel bán chạy

Tại Pháp, các nhà phân phối năm nay mãn nguyện vì có được một weekend Noel đặc biệt, "mười năm mới có một lần". Các cửa hàng dù nhỏ hay lớn đều đầy khách, vì đêm réveillon 24/12 rơi vào Chủ nhật. Các siêu thị tha hồ bán các bữa ăn chuẩn bị sẵn vào cuối tuần, còn các thương xá Paris cũng nhộn nhịp người mua vì học sinh đến thứ Bảy 23/12 mới đi nghỉ hè. Có nghĩa là cho đến ngày cuối, vẫn có đông khách đi mua hàng, mua quà Noel.

Chẳng hạn các siêu thị Carrefour trong ngày thứ Bảy lượng hàng giao tận nhà tăng gấp đôi, chuẩn bị bán 350.000 bánh khúc cây Noel và 4.000 tấn hải sản. Bưu điện Pháp một ngày phải chuyển đến 2,6 triệu bưu kiện thay vì 1 triệu, phải tuyển hàng trăm lao động thời vụ và nhờ thêm các dịch vụ thuê ngoài. Les Echos cho biết người Pháp vẫn chuộng các cây thông tự nhiên hơn là nhân tạo. Điều này đáng khuyến khích vì thông nhân tạo gây 8,1 kg khí thải carbone, trong khi thông tự nhiên chỉ tạo ra có 3,1 kg ; và trang trí bằng cây thông thiên nhiên cũng giúp cho cả ngàn người có việc làm trong mùa Noel.

Thụy My

Published in Quốc tế

Bắc Triều Tiên : Hoa Kỳ và Trung Quốc bàn thảo các biện pháp trừng phạt mới (RFI, 21/12/2017)

Theo tiết lộ một nguồn tin ngoại giao ẩn danh ngày 20/12/2017, Washington đang thảo luận với Bắc Kinh về các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ thử tên lửa liên lục địa hôm 29/11/2017.

btt1

Ảnh do hãng thông tấn KCNA cung cấp cho thấy lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang giám sát một vụ phóng tên lửa hồi tháng 09/2017. Reuters

Vẫn theo nguồn tin này với AFP, hiện vẫn chưa xác định định được lịch trình bỏ phiếu thông qua tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Còn theo một nguồn ngoại giao khác, văn bản dự thảo có thể sẽ được lưu hành giữa các thành viên trong tuần này. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận.

Theo nhận định của AFP, các thảo luận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất có thể liên quan đến lệnh cấm vận xuất khẩu dầu hỏa từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên. Vào đầu tháng 9/2017, Washington đã tìm cách áp đặt biện pháp này nhằm chống lại lãnh đạo Kim Jong-un nhưng bất thành do gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh và Moskva.

Thêm một binh sĩ Bắc Triều Tiên đào tẩu

Reuters ngày 21/12/2017 dẫn lời bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết thêm một binh sĩ Bắc Triều Tiên đào thoát sang phía Nam. Lính biên phòng Hàn Quốc đã bắn hơn 20 phát súng cảnh cáo nhằm đẩy lui các binh sĩ Bắc Triều Tiên. Những người này đã tìm cách xích lại gần lằn ranh phân định giữa hai miền Triều Tiên để tìm kiếm viên binh sĩ đào tẩu.

Đây là vụ đào tẩu thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng. Cách đây 5 tuần, một binh sĩ Bắc Triều Tiên 24 tuổi đã bị đồng đội bắn bị thương nghiêm trọng khi tìm cách vượt lằn ranh phân giới. Hiện người này đang được điều trị trong một bệnh viện quân sự Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng phủ nhận là tác giả các vụ tin tặc

Chính phủ Bắc Triều Tiên ngày 21/12/2017 lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công tin học toàn cầu thông qua phần mềm tống tiền Wannacry.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên xem những cáo buộc của Hoa Kỳ là "vô lý" đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng không can dự gì trong các vụ tấn công đó.

Theo vị quan chức trên, "đây là một hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng từ phía Hoa Kỳ nhằm lôi kéo quốc tế vào một cuộc đối đầu với Bắc Triều Tiên, qua việc bôi nhọ hình ảnh của một quốc gia và phỉ báng nước này".

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Hoa Kỳ trong tuần đã nêu đích danh Bắc Triều Tiên là tác giả các vụ tấn công tin học WannaCry hồi tháng 5/2017.

AFP nhắc lại, vụ tấn công tin học này đã làm khoảng 300 000 máy vi tính tại 150 quốc gia bị nhiễm virus, bằng cách ngăn chận người sử dụng mở các tập tin và buộc họ phải trả hàng trăm đô la tiền chuộc.

(Theo AFP, Reuters)

*******************

Tấn công tin học, trận tuyến mới của Bắc Triều Tiên (RFI, 20/12/2017)

Bị mất đi thu nhập trước một loạt những biện pháp trừng phạt của thế giới vì chương trình nguyên tử, Bình Nhưỡng đã tung ra cả một binh đoàn tin tặc thiện chiến, để tìm kiếm nguồn tiền.

btt2

Ảnh chụp màn hình cho thấy mã độc WannaCry đòi tiền chuộc của người dùng internet, Mountain View, California, 15/5/2017. Reuters

Năng lực của tin tặc Bắc Triều Tiên đã được biết đến sau vụ tấn công đại quy mô vào Sony Pictures Entertainment năm 2014, để trả đũa bộ phim hài "The Interview" chế giễu lãnh tụ Kim Jong-un. Nhưng theo AFP, mục đích chính trị nay đã trở thành tài chính, như các vụ tấn công vào Ngân hàng trung ương Bangladesh hay các sàn giao dịch tiền bitcoin. Và Washington vừa chính thức lên án Bình Nhưỡng là thủ phạm của vụ tấn công tin học toàn cầu bằng mã độc tống tiền "Wannacry".

Từ mỹ nhân kế trên Facebook để chiếm bitcoin…

Một sàn giao dịch tiền ảo Hàn Quốc hôm qua đã phải đóng cửa, sau hai lần bị tấn công, trong đó lần đầu tiên được cho là do tin tặc Bắc Triều Tiên. Báo chí Seoul dẫn nguồn tin từ tình báo Hàn Quốc cho biết, tin tặc Bình Nhưỡng giả dạng những thiếu nữ xinh xắn trên Facebook để dụ dỗ các nhân viên sàn giao dịch, rồi sau đó gởi cho họ các tập tin chứa mã độc.

Tin tặc Bắc Triều Tiên cũng dồn dập tấn công vào các cán bộ lãnh đạo. Bọn chúng đóng vai người tìm việc, gởi đi các bản lý lịch chứa virus, nhằm chiếm đoạt những dữ liệu cá nhân cũng như chuyên môn.

Ông Moon Jong Hyun, giám đốc công ty an ninh mạng EST Security ở Seoul cho biết, kỹ thuật dùng "mỹ nhân kế" trên mạng, nhắm vào các nhân vật cao cấp trong chính phủ và quân đội đã tăng cao trong những năm gần đây. Ông giải thích : "Tin tặc mở các tài khoản Facebook và duy trì liên hệ bạn bè trong nhiều tháng, sau đó mới đâm sau lưng các nạn nhân". Nhiều tin tặc giả dạng làm các nữ sinh viên đang theo học các trường đại học bên Mỹ, hoặc làm việc cho các cơ quan nghiên cứu.

Simon Choi, giám đốc công ty Hauri ở Seoul đã thu thập được một số lượng lớn dữ liệu về tin tặc Bắc Triều Tiên. Ông từng cảnh báo khả năng Bình Nhưỡng dùng mã độc tống tiền từ năm 2016. Theo báo chí, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường năng lực tấn công tin học đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng theo ông Choi, do bị trừng phạt bổ sung, "Bình Nhưỡng đã chuyển từ tấn công tin học vào các Nhà nước thù địch sang mục đích kiếm tiền".

Tin tặc Bắc Triều Tiên quan tâm đến bitcoin ít nhất là từ năm 2012. Khi giá đồng tiền ảo này tăng lên, các vụ tấn công trên internet để chiếm đoạt cũng tăng theo, trong khi giá trị của bitcoin đã tăng đến 20 lần trong năm nay.

Theo công ty Mỹ FireEye, việc thiếu vắng các quy định và "sự yếu kém trong kiểm soát chống rửa tiền" của nhiều nước khiến đồng tiền ảo thêm hấp dẫn. "Bitcoin trở thành con mồi béo bở đối với một chế độ vốn hành xử như một tổ chức tội phạm". FireEye nhận định, ba lần tấn công của Bắc Triều Tiên từ tháng Năm đến tháng Bảy vào các sàn giao dịch bitcoin Hàn Quốc là nhằm "làm đầy két bạc của Nhà nước hoặc của giới cầm quyền Bình Nhưỡng".

Một công ty Mỹ khác là Secureworks cho biết Lazarus, một nhóm tin tặc có liên quan đến Bắc Triều Tiên, hồi tháng 10 đã tung ra một chiến dịch gài bẫy đối với công nghệ bitcoin, bằng những thông báo tuyển dụng giả mạo.

…đến "cướp ngân hàng" trên mạng

Các vụ tấn công vào tiền ảo chỉ là những ví dụ mới nhất trong danh sách dài các vụ cướp tiền trên mạng, được cho là do Bình Nhưỡng tiến hành.

Năm 2016, Bắc Triều Tiên bị tố cáo đã đánh cắp 81 triệu đô la của Ngân hàng trung ương Bangladesh (BCB) ; và tháng 10/2017 lại trộm mất 60 triệu đô la của ngân hàng Đài Loan Far Eastern International.

Bình Nhưỡng cực lực phản đổi những cáo buộc "vu khống", nhưng các nhà phân tích chỉ ra những dấu vết cụ thể. Vụ tấn công BCB có liên hệ với "hai đơn vị nhà nước Bắc Triều Tiên", theo Symantec ; còn vụ ngân hàng Đài Loan mang một số "đặc tính" của nhóm Lazarus, theo công ty Anh BAE Systems.

Số tiền chiếm đoạt thường được đem đi "rửa" trong các casino ở Philippines và Macao, hay trên các sàn giao dịch Trung Quốc - Lim Jong In, giáo sư về an ninh mạng ở trường đại học Korea giải thích - và việc lần ra manh mối "hầu như bất khả".

Vụ tấn công WannaCry hồi tháng Năm đã làm 300.000 máy tính tại 150 quốc gia bị nhiễm mã độc tống tiền : tin tặc đòi hàng trăm đô la để mở lại các tập tin bị chúng khóa.

Theo các chuyên gia, tin tặc Bắc Triều Tiên rất trẻ tuổi, được đào tạo trong các trường tên tuổi như đại học công nghệ Kim Chaek hay đại học quân sự Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng. Số tin tặc Bắc Triều Tiên hiện nay đã vượt quá con số 7.000.

Trong quá khứ, bọn chúng thường ra tay từ Bắc Triều Tiên hay từ Trung Quốc, nhưng công ty an ninh mạng Recorded Future đã nhận ra được "một sự hiện diện đáng kể, cả về con người cụ thể lẫn trên mạng của tin tặc Bắc Triều Tiên" tại những nước xa xôi như Kenya và Mozambique.

Theo tổng giám đốc FireEye, ông Kevin Mandia, Bình Nhưỡng nằm trong bộ tứ cùng với Iran, Nga và Trung Quốc, là thủ phạm của trên 90% vụ tấn công tin học mà công ty này phát hiện. Riêng đối với tin tặc Bắc Triều Tiên, "khó thể dự đoán chúng sẽ hành động như thế nào". Hãng tin AP hôm nay dẫn lời cố vấn an ninh nội địa Mỹ Tom Bosser : "Tổng thống Trump đã vận dụng mọi đòn bẩy để đối phó, chỉ trừ có việc để cho dân Bắc Triều Tiên phải chết đói".

Thụy My

Published in Châu Á

Rò rỉ thông tin Phần Lan theo dõi Nga

Thông thường truyền thông quốc tế thường phơi bày ra ánh sáng những vụ tình báo Nga theo dõi Phần Lan, một thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng báo chí tại Helsinki tuần trước tiết lộ chính Phần Lan từ nhiều năm qua đã có hẳn một trung tâm tình báo "để theo dõi chặt chẽ các hành vi của quân đội Nga trong khu vực Saint Petersburg".

spy1

Ảnh minh họa phản đối các hoạt động gián điệp. Allison Shelley/Getty Images/AFP

Le Monde dành một khung báo nhỏ để nói về tin "động trời" mới được nhật báo Helsingin Sanomat tiết lộ : Quân đội Phần Lan đặt một "trung tâm theo dõi" Nga tại Tikkakoski. Tờ báo trích dẫn nhiều thông tin từ các tài liệu mật và cho dù những thông tin trên đã có từ khoảng một chục năm trước đây, nhưng vẫn còn rất "nhậy cảm".

Tổng thống Phần Lan, bộ trưởng quốc phòng cùng lên tiếng, chỉ trích việc làm "vô trách nhiệm" của tờ báo. Việc tiết lộ tin Helsinki theo dõi các hoạt động quân sự của Nga sẽ "dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng". Lãnh đạo ngành tình báo quốc gia Bắc Âu này, Harri Ohra-Aho phẫn nộ không kém.

Về phía Moskva, phó chủ tịch Hạ Viện Yuri Chvytkin cho rằng sẽ "khó có thể nhắm mắt làm ngơ khi một quốc gia thu thập thông tin liên quan đến quân đội" Nga.

Ban biên tập của báo Helsingin Sanomat giải thích "làm công việc thông tin" vào thời điểm Phần Lan đang chuẩn bị "cải tổ ngành tình báo quân sự, giới hạn đáng kể một số quyền tự do cá nhân".

Cơn sốt trên hồ sơ này không thuyên giảm : đầu tuần cảnh sát Phần Lan chính thức mở điều tra về vụ "tiết lộ thông tin liên quan đến an ninh quốc gia", khám xét nhà một phóng viên của tờ báo trong những điều kiện "lạ lùng" giống như trong những bộ phim gián điệp.

Le Monde nêu lên một chi tiết khác : Không hiểu có một sự trùng hợp nào hay không, mà hôm 19/12/2017 một công dân Na Uy, một quốc gia Bắc Âu khác, có đường biên giới chung với nước Nga đã bị bắt tại thủ đô Moskva. Theo báo chí Nga, đối tượng bị bắt là một người đàn ông đã nghỉ hưu, bị bắt quả tang khi đang nhận tài liệu về hạm đội của Nga.

Catalunya bầu lại Nghị Viện : phe đòi ly khai tan rã ?

"Làm lại từ đầu", tựa lớn trên trang nhất báo Libération trên nền bức ảnh với những lá cờ của Catalunya và Tây Ban Nha. Tờ báo ngụ ý, hơn hai tháng sau trưng cầu dân ý về quy chế độc lập cho Catalunya, sau khi phe ly khai đơn phương tuyên bố độc lập, Tây Ban Nha giành lại quyền kiểm soát vùng tự trị này, hai phe đòi ra đi và ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha vẫn không thay đổi lập trường. Khủng hoảng Catalunya chưa tới hồi kết.

Ở trang trong tờ báo nhấn mạnh đến một chiến dịch vận động "căng thẳng hơn bao giờ hết" : Bên đòi "ở lại" gọi phe đòi ly khai là "những kẻ ngoài vòng pháp luật, xứng đáng để ngồi tù". Phía đòi độc lập thì coi những người muốn thuần phục Madrid là "quân phát-xít". Một số áp phích dùng những từ rất thô tục để chỉ các ứng viên thân Madrid.

Phóng viên của Libération tại Barcelona tiếc rằng, trong nhiều thập niên qua, dân cư trong vùng Catalunya cùng chung sống trong hòa bình, nay lại có thể sử dụng một thứ ngôn ngữ đầy sát khí và đấy là điềm xấu báo trước bạo động còn nổ ra trên vùng đất này.

Le Monde cũng nói tới bầu không khi của "hận thù" bao phủ lên Catalunya. Trong lúc lãnh đạo phong trào ly khai Carles Puigdemont đang sống lưu vong tại vương quốc Bỉ, La Croix đặt câu hỏi : Nếu như phe này đắc cử, liệu ông ta sẽ ở lại Bruxelles hay về nước để đi thẳng vào tù ?

Theo quan điểm của nhật báo Le Figaro, cuộc bỏ phiếu ngày 21/12/2017 không hơn không kém là một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai Catalunya. Trong bài xã luận, tờ báo hy vọng, với vòng phiếu hôm nay, "sự đam mê quay cuồng" của cả đôi bên sẽ lắng xuống.

Nhật báo kinh tế Les Echos báo trước : đàm phán còn dài trước khi danh tính tân chủ tịch Nghị Viện Catalunya được công bố, bởi theo các cuộc thăm dò, kết quả sẽ rất sít sao. Cũng tờ báo này phác họa chân dung hai người đàn bà thép : Ines Arrimadas và Marta Rovira, một chủ trương ở lại với Tây Ban Nha và một đấu tranh vì một nước Cộng Hòa Catalunya độc lập.

Mỹ : Luật cải tổ thuế, kẻ được-người thua

Nhìn sang Hoa Kỳ, năm nay chắc chắn tổng thống Donald Trump đón lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan hơn bao giờ hết : từ ngày bước vào Nhà Trắng, ông giành được thắng lợi đầu tiên sau khi Quốc Hội thông qua luật cải tổ thuế. Như chính ông Trump đã tuyên bố, đây là "một món quà Noel rất đẹp và rất lớn", giảm 1.450 tỷ đô la thuế trong 10 năm.

Không hẹn, mà báo Les Echos và phụ trang kinh tế của Le Monde cùng nêu lên câu hỏi : "Ai được ai thua" với món quà Giáng Sinh đó ? Le Monde trả lời ngắn gọn : "Các hộ gia đình được giảm thuế thu nhập 1.126 tỷ đô la trong 10 năm (….) Năm 2019, 1 % các hộ gia đình Mỹ giàu có nhất, với thu nhập trên 500.000 đô la một năm, tiết kiệm được 60 tỷ đô la. (…) Tầng lớp trung lưu, có thu nhập từ 100.000 đến 500.000 đô la, giảm được 139 tỷ tiền thuế (….) Còn những người nghèo nhất, sống với chưa đầy 20.000 đô la thu nhập hàng năm thì sẽ nhẹ gánh được 2,2 tỷ đô la tiền thuế".

Không chỉ có vậy, Le Monde lưu ý độc giả : trong luật cải tổ chế độ thuế khóa của chính quyền Trump không có lấy một dòng chữ nào để thu hẹp hố sâu ngăn cách giàu nghèo, luật bảo hiểm y tế Obamacare bị "rút ruột". "Trump ngấm ngầm phục thù" sau thất bại về dự luật cải tổ Obamacare bị Thượng Viện bác bỏ hồi mùa thu vừa qua.

Bên cạnh bài viết mang tựa đề "Với luật cải tổ thuế, Trump muốn thực sự khởi động nhiệm kỳ tổng thống", Les Echos cho biết : một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nhờ bộ luật vừa được thông qua, là ngành "địa ốc" mà tới nay gia đình Trump vẫn còn đang kiểm soát rất nhiều các cơ sở không chỉ ở Mỹ mà cả nhiều nơi trên thế giới.

Le Figaro trong phụ trang kinh tế nói đến mối lo ngại của Châu Âu, khi Mỹ giảm thuế doanh nghiệp đang từ 35 % xuống còn 20 % khiến Hoa Kỳ trở nên "hấp dẫn hơn" với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuần trước, bộ trưởng Kinh Tế năm nước lớn của Liên Hiệp Châu Âu – Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, đã gửi chung một bức thư nhắc nhở Hoa Kỳ bảo đảm một "luật chơi công bằng".

Chính sách "ngoại giao cấp cứu" của Vatican

Cũng báo Les Echos quan tâm đến chính sách ngoại giao của tòa thánh Vatican dưới thời đại của đức giáo hoàng Francis. Tác giả bài báo, Jacques Hubert Rodier nhắc lại từ tháng 3/2013 khi được chỉ định đứng đầu Giáo hội đến nay, đức giáo hoàng liên tục đóng vai trò "chữa lửa" : nào là hồ sơ Cuba - Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama cho đến chuyến tông du Miến Điện và Bangladesh hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12/2017.

Kim chỉ nam của ngài luôn là "nỗi lo sợ xung đột và khủng hoảng ngoại giao đẩy thế giới vào cảnh hỗn loạn". Trái ngược với Donald Trump ở Nhà Trắng, một người luôn dùng đòn hù dọa, tại tòa thành Vatican đức giáo hoàng Francis luôn có những lời lẽ ôn hòa, trấn án thế giới trước những "nỗi lo sợ". Đâu đó, ngài đang đi tiếp con đường đã được người tiền nhiệm Juan Paolo II khai mở. Tác giả bài viết cho rằng, trên bàn cờ ngoại giao quốc tế, không nên xem thường sức mạnh của Giáo hội Công giáo với 1,2 tỷ tín đồ.

Có điều, như ghi nhận của Alain Dieckhoff, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Quan Hệ Quốc Tế CERI (Pháp) : Vatican không hành động vì một lý tưởng nào hết, mà luôn vì lợi ích của Giáo hội. Lợi ích trước nhất là bảo đảm quyền bổ nhiệm các hồng y và bảo vệ cộng đồng Công giáo tại một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Cận Đông. Dù vậy thực tế cho thấy rằng, có tài giỏi đến mấy, tòa thánh Vatican cũng như Liên Hiệp Quốc không thể đem lại hòa bình khắp mọi nơi trên địa cầu.

"Xưởng sản xuất" của Ông Già Noel

Bốn ngày trước lễ Giáng Sinh, Les Echos đưa độc giả đến "xưởng sản xuất của Ông Già Noel". Đấy không phải là căn nhà gỗ trong vùng tuyết băng giá Laponie - Phần Lan, mà đơn thuần là thị trấn Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. 60 % các sản phẩm trang trí cho mùa Giáng Sinh ra lò từ Nghĩa Ô.

Ở đây không hề có tuyết, cũng không có những thiên thần tí hon nào phụ giúp Già Noel để gói quà cho trẻ nhỏ mà chỉ có hàng ngàn công nhân làm việc ngày đêm, để những cây thông xanh bằng nhựa có phủ một lớp sơn trắng như tuyết được xuất khẩu sang những thị trường xa xôi, từ Mỹ tới Brazil, từ Ý tới Anh Quốc. Nghĩa Ô là nơi mà công nhân không biết Noel là một ngày lễ, họ chỉ biết rằng ngày 25 tháng 12 là dịp hiếm có trong năm được chủ cho ăn một bữa cơm thịnh soạn.

Trong hơn 30 năm, ngôi làng nhỏ bé nằm cách xa bờ biển này trở thành xưởng cung cấp đồ trang trí Noel lớn vào bậc nhất và là điểm hẹn của các tay buôn sỉ. Nghĩa Ô là nơi, "thượng vàng hạ cám cái gì cũng có".

Năm 1982 Nghĩa Ô còn đi trước thời đại mở của của Đặng Tiểu Bình : 750 cửa hàng đã bắt đầu hoạt động, để rồi ngày nay, có đến 75.000 gian hàng tập trung trên một mảnh đất khoảng 6 triệu thước vuông, bày bán hơn 2 triệu mặt hàng khác nhau.

Theo lời một quan chức địa phương, nếu muốn dừng chân tại tất cả các gian hàng, mỗi hàng chỉ 3 phút thì phải mất đến 1 năm mới đi hết một vòng những quầy hàng tại đây.

Cứ vào dịp Noel có không dưới 800.000 thương gia ngoại quốc dừng chân lại Nghĩa Ô và mỗi ngày, họ chuyển 1.500 container hàng từ đây đi khắp mọi nơi trên thế giới. Les Echos kết luận : Nghĩa Ô nằm trên lộ trình Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21.

Điều thú vị là ở đây người ta nói đủ mọi thứ tiếng. Năm 2016, ngôi làng nhỏ bé này thu vào tới 14 tỷ đô la. Ngoài mùa Noel, các thương gia khắp bốn phương đến đây đặt mua hàng, từ những lá cờ của Liban cho tới tượng đài cổ của thành Petra ở Jordan… thứ gì cũng có.

Để phục vụ cho các vị khách hàng từ xa đến này, ngay tại thị trấn Nghĩa Ô đã mọc lên một ngôi đền Hồi Giáo xây bằng đá cẩm thạch của Iran và cả những hiệu ăn hallal đúng với phong tục và truyền thống của những thương gia đạo Hồi.

Kho tàng văn học và lễ Giáng Sinh

Trong thời đại tin học, những tác phẩm văn học đôi khi thường bị lãng quên. Le Figaro nhắc bạn đọc : trong kho tàng văn học quốc tế không thiếu các nhà văn đã viết về mùa Giáng Sinh. Trong số đó phải kể đến Alphonse Daudet, với Les Trois Messes Basses, Leon Bloy với Noel Prussien, tác phẩm Un Réveillon của văn hào Guy de Maupassant và đương nhiên là những câu chuyện mà nhiều người trong chúng ta đã gần như thuộc nằm lòng như là Cây Thông Xanh của Hans Christian Anderson. Còn trong "Jesus, l'Encyclopédie" nhà nghiên cứu và đã từng là một nhà tu, Joseph Doré, trả lời báo Libération cho biết : chúa Giêsu vốn là một chàng thanh niên có máu hài hước, trước khi đắc đạo, con trai của mẹ Maria và Joseph từng là một cậu bé, có nhiều bạn và như tất cả những đứa bé khác, cậu bé cũng đã từng biết khóc.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Nghiện mạng xã hội : Thảm họa mới cho sức khỏe cộng đồng

Nghiện điện thoại thông minh và mạng xã hội gây tác hại đến não bộ, đặc biệt đến thanh thiếu niên. Tình trạng này tiếp tục bị các nhà nghiên cứu cảnh báo và một lần nữa được nhật báo kinh tế Les Echos phản ánh dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý.

mang1

Ảnh minh họa. AFP

Les Echos nhận định : "Nghiện mạng xã hội là một thảm họa mới cho sức khỏe cộng đồng". Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý Mỹ Jean Twenge, số lượng các cuộc gặp gỡ, hẹn hò trong giới trẻ, tỉ lệ học sinh trung học có bằng lái xe… sụt giảm từ năm 2012, ngược lại, tỉ lệ thanh thiếu niên trầm cảm, cô độc và có ý định tự vẫn tăng vọt đáng báo động.

Thế hệ "iGen", tên gọi được nhà nghiên cứu Mỹ đặt cho những người sinh từ 1995 đến 2012, bị "khủng hoảng sức khỏe tinh thần tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ qua". Thủ phạm chính là điện thoại thông minh. Giới thanh thiếu niên không ngừng lướt mạng, thu mình, đau khổ vì ghen với những người cùng trang lứa có điều kiện thường xuyên phô bày cuộc sống thường nhật trên mạng Facebook hoặc Instagram. Thậm chí, để không bị thua bè kém bạn, họ không thể rời chiếc điện thoại thông minh ngay cả ban đêm, khi đi ngủ. Một số nhà nghiên cứu đánh giá đây là hiện tượng "sợ không có điện thoại", rất phổ biến ở người trưởng thành nhưng ngày càng tác động đến giới trẻ, lớn lên với chiếc điện thoại trong tay.

Vậy thời gian lướt điện thoại thông minh và tình trạng trầm cảm có quan hệ gì với nhau ? Theo Les Echos, dù vẫn khó giải thích được về quan hệ nhân quả nhưng giới nghiên cứu bắt đầu có thể khẳng định rằng chính mạng xã hội có tác động đến não bộ, giống như một số chất gây nghiện (thuốc lá chẳng hạn). Vì trái với vô tuyến truyền hình, các mạng xã hội đưa ra những "phần thưởng khác nhau" : người sử dụng không bao giờ biết được sẽ nhận được bao nhiêu lượng "like" (thích) hoặc sẽ xem loại video nào. Sức hấp dẫn đến mức được giáo sư Ofir Turel, chuyên về hệ thống thông tin thuộc đại học California, so sánh như "các loại bánh kẹo khác nhau được đặt trong tủ lạnh mỗi ngày, người ta khó lòng cưỡng lại được ý muốn mở nó ra". Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo tác động tiêu cực đến năng lực nhận thức, như giảm khả năng ghi nhớ, suy luận và giải quyết các vấn đề mới.

Facebook : công cụ "trung lập" ?

Trong thời gian dài, mạng xã hội Facebook kín tiếng về chủ đề này vì họ không muốn thừa nhận những nguy hiểm của các chức năng gây nghiện của Facebook vì đây là những tính năng trọng tâm trong mô hình kinh doanh hiện đại của mạng xã hội có nhiều người sử dụng nhất. Facebook muốn người sử dụng bỏ càng nhiều thời gian trên mạng xã hội càng tốt để bán được nhiều quảng cáo.

Tuy nhiên, Facebook bị chính nhiều nhà quản lý cũ lên án vì đã tạo ra "con quái vật đang phá hủy sự vận động của xã hội". Chính vì vậy, cựu phó chủ tịch công ty Chamath Palihapitiya "cảm thấy vô cùng tội lỗi" và không muốn tiếp tục "đưa điều tồi tệ này" cho trẻ em.

"Bỏ nhiều thời gian trên các mạng xã hội là điều xấu với chúng ta hay không ?", câu hỏi điều tra được Facebook đặt ra với người sử dụng vì theo giám đốc nghiên cứu của Facebook, đây là "vấn đề mấu chốt đối với Silicon Valley". Theo kết luận quả thăm dò do công ty tự tiến hành, Facebook là công cụ trung lập, tác động tốt hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào thời gian sử dụng.

Một mặt, tập đoàn nổi tiếng công nhận những tác động tiêu cực trong cách sử dụng nội dung một cách thụ động, như lướt "dòng thời sự" hoặc nhấp vào các đường dẫn (link). Mặt khác, Facebook cũng khẳng định mạng xã hội có nhiều lợi ích khác như giữ liên lạc với người thân thông qua những lời bình luận và tin nhắn, hoặc sử dụng mạng xã hội để ôn lại những kỷ niệm cũ, "giúp cải thiện tinh thần".

Facebook tuyên bố sẵn sàng cải thiện mạng xã hội tùy theo những kết quả trên. Tập đoàn nổi tiếng cũng sẽ chi 1 triệu euro để tài trợ cho các nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn tác động của công nghệ đến trẻ em.

Pháp : Kinh tế khởi sắc, điểm tín nhiệm chính phủ tăng

Kinh tế Pháp tăng 1,9% trong năm 2017, thay vì 1,8% như dự báo, và duy trì mức tăng này trong ít nhất sáu tháng đầu năm 2018. Điểm tín nhiệm của tổng thống và thủ tướng Pháp tiếp tục tăng trong những ngày cuối năm. Theo các nhật báo Pháp, đây là món quà Giáng Sinh sớm dành cho chính phủ.

Kết quả thăm dò Viavoice cho nhật báo Libération có chung xu hướng với 6 cuộc thăm dò khác được thực hiện trong tháng 12/2017, theo đó, điểm tín nhiệm của tổng thống Macron tăng thêm 6 điểm và đạt mức 46%. Đây là trường hợp chưa từng có vì một tổng thống Pháp thêm được điểm tín nhiệm "ngoài bối cảnh đặc biệt", khác với trường hợp hai người tiền nhiệm (sau cuộc khủng hoảng tài chính hoặc vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo). Điểm đặc biệt khác là ông Macron vừa thêm được điểm từ cánh tả mà vẫn không mất điểm bên cánh hữu.

Trong khi đó, theo nhật báo Les Echos, cũng vào thời điểm này, tỉ lệ tín nhiệm của hai người tiền nhiệm Sarkozy và Hollande đều rơi tự do. Vậy đâu là "những lý do giúp tổng thống Macron lấy lại sự nổi tiếng ?". Les Echos cho rằng ông Macron "thực hiện những gì ông nói". Trên quy mô quốc tế, tổng thống Macron gần như xuất hiện khắp nơi. Ông đưa nước Pháp trở lại đóng vai trò quan trọng tại Châu Âu và quốc tế trong khi Anh Quốc và Đức đang lùi lại.

Về mức tăng trưởng của nền kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos đưa trên trang nhất : "Sự hồi phục của kinh tế Pháp đang lan rộng". Le Figaro đánh giá "Làn gió tích cực đang thổi vào nền kinh tế Pháp". Không khí kinh doanh chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay kể từ 10 năm qua và "nước Pháp đang khá hơn".

Bài xã luận của Le Figaro cho rằng đây là kết quả của "niềm tin" đã quay trở lại. Nếu không có động cơ vô hình này thì không một nền kinh tế nào trên thế giới có thể trở nên thịnh vượng. Ngoài ra, còn phải kể đến môi trường quốc tế hiện đang rất thuận lợi để kéo nền kinh tế Pháp đi lên. Tuy nhiên, bài xã luận cho rằng nên đón nhận thông tin tốt đẹp này với tinh thần sáng suốt. Nước Pháp có thể đã tốt hơn nhưng còn cần phải đi xa hơn nữa.

Tây Ban Nha : Một Catalunya "bị chia rẽ" bỏ phiếu cho tương lai

Ngày 21/12, người dân vùng Catalunya, Tây Ban Nha, đi bầu 135 nghị sĩ của Nghị Viện vùng, nằm trong tay đa số phe ủng hộ độc lập từ năm 2015, trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc giữa một bên ủng hộ độc lập và một bên ủng hộ vùng Catalunya ở lại Tây Ban Nha.

"Người dân Catalunya đối mặt với định mệnh" là hàng tựa trên trang nhất nhật báo công giáo La Croix. "Một vùng Catalunya bị chia rẽ đi bỏ phiếu cho tương lai của mình". Cuộc bầu cử còn cho phép xem xét sức nặng của phong trào ly khai từ khi tự tuyên bố độc lập cách đây hơn hai tháng, đẩy vùng giầu có nhất Tây Ban Nhan rơi vào khủng hoảng.

"Phe dân túy ôn hòa tại Catalunya đang ở thế lưỡng nan" là nhận định của nhật báo Le Monde. Trong nhiều bài diễn văn, cựu chủ tịnh vùng Carles Puigdemont nêu bật hai điểm : tố cáo "sự trấn áp" của nhà nước Tây Ban Nha và kêu gọi bỏ phiếu cho danh sách ứng viên của ông, đồng thời kêu gọi "khôi phục chính phủ" vùng Catalunya bị truất phế, như vậy cho phép ông hồi hương và "gửi một thông điệp đến thủ tướng Mariano Rajoy và Châu Âu". Theo Le Monde, chủ nghĩa ly khai của đảng của ông Puigdemont khiến nhiều cử tri bị mất phương hướng.

Hoa Kỳ bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc trên hồ sơ Jerusalem

Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chống nghị quyết không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel theo đề xuất của Ai Cập, trình lên Liên Hiệp Quốc ngày 18/12/2017.

"Hoa Kỳ bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc trên hồ sơ Jerusalem" là nhận định của Le Monde, ngoài ra, nhật báo còn cho rằng đây còn là một "lời xúc phạm" đối với Mỹ. Với La Croix, "Hoa Kỳ một mình chống lại tất cả về Jerusalem tại Liên Hiệp Quốc". Ngay cả điều phối viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về hòa bình tại Trung Đông, ông Nikolai Mladenov, cũng giận dữ về vai trò tai hại của Hoa Kỳ. Ông đánh giá tình hình an ninh tại Israel và các vùng đất bị chiếm đóng trở nên "căng thẳng" kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định trên.

Về tình hình nội bộ Hoa Kỳ, nhật báo Le Figaro đánh giá : "Với việc giảm thuế, tổng thống Trump đạt được thành công quan trọng đầu tiên" nhằm "dần kích thích tăng trưởng Mỹ trong những năm tới". Tuy nhiên, gia đình Trump cũng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế của tổng thống, theo ước tình của tạp chí Forbes là 11 triệu đô la mỗi năm.

Thái Lan : Phó thủ tướng triệu phú

Tướng Wongsuwan, phó thủ tướng trong chính quyền quân sự Thái Lan, hiện trở thành đối tượng được bàn tán trên mạng xã hội và báo chí tại nước này.

Thông tín viên của Libération tại Bangkok cho biết qua một bức hình vô thưởng vô phạt chụp ông lấy tay che nắng, người ta phát hiện tướng Wongsuwan đeo một chiếc đồng hồ trị giá 100.000 euro, một chiếc nhẫn kim cương 5 cara. Nhưng chưa dừng ở đó, người ta còn phát hiện tổng tài sản của vị quan chức này trị giá khoảng 2,3 triệu euro. Đây là khối tài sản khổng lồ so với khoản tiền lương 2.850 euro/tháng dành cho phó thủ tướng.

Vụ việc trở nên quan trọng vì chính quyền quân sự lên cầm quyền nhờ chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2014. Một nhà báo của Bangkok Post viết : "Người dân bắt đầu chán cảnh giới quân sự bảo vệ những gì thuộc về quân đội, trong khi đó đàn áp mạnh tay những người chỉ trích họ hoặc những người nghèo buộc phải vi phạm luật pháp".

Trước sự bất bình của người dân, ủy ban chống tham nhũng quốc gia đã yêu cầu vị tướng giầu có giải trình về khối tài sản, nhưng thời gian trôi qua, vị phó thủ tướng vẫn im hơi lặng tiếng.

Hàn Quốc : Trầm cảm dẫn đến tự tử, vì quá nổi tiếng

Trên lĩnh vực văn hóa, siêu sao K-Pop Kim Jong-hyun thuộc ban nhạc SHINee tự vẫn vì trầm cảm cũng được Libération đưa tin. Sự nổi tiếng đã khiến thần tượng âm nhạc của giới trẻ phải sống trong trầm cảm, rối loạn nội tâm và cuối cùng không vượt qua được sự cám dỗ của thần chết.

Nhật báo Libération cho rằng sự ra đi của Kim Jong Hyun một phần phản ánh sức ép mà ca sĩ K-Pop đang phải gánh chịu để có được sự nổi tiếng và hình ảnh không tì vết, dẫn đến hệ quả xấu.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Ngoại giao Pháp trở về với thực tế

Báo Pháp hôm nay (19/12/2017) có khá nhiều bài viết về lĩnh vực ngoại giao. Le Figaro trở lại cuộc nói chuyện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đài truyền hình France 2. Tờ báo cho rằng nền ngoại giao Pháp đang có những chuyển đổi tích cực và đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

ngoaigiao1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian

"Sự trở về của chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại" là hàng tựa nhận định của Le Figaro. Theo quan sát của nhật báo, nước Pháp trong những thời gian gần đây đã có sự chuyển hướng và những bước đi mạnh dạn trên trường quốc tế.

Tờ báo tổng lược các sự kiện diễn ra chỉ trong vòng 7 tháng cầm quyền của ông Emmanuel Macron. Từ việc kêu gọi đối thoại với Bachar al-Assad một khi chiến tranh kết thúc, long trọng tiếp tổng thống Nga tại cung điện Versailles lộng lẫy, cho đên việc mời tổng thống Mỹ đến dự lễ diễu binh Quốc Khánh 14/7. Hay như gần đây nhất là hòa giải thành công giữa Saudi Arabia và Lebanon cũng như là bài diễn văn gây ấn tượng mạnh ở giới trẻ tại thế giới châu Phi nói tiếng Pháp nhân chuyến công du Burkina Faso.

Le Figaro cho rằng sở dĩ tổng thống Pháp có thể thực hiện được những điều này đó là nhờ những yếu tố thiên thời. Anh Quốc và Đức hầu như vắng mặt trên trường quốc tế. Một bên thì đang bị chìm ngập trong hồ sơ Brexit, còn bên kia thì bị khủng hoảng chính trị trong nước đeo bám. Đó là chưa kể đến nước Mỹ, uy tín bị suy giảm do tính cách khó lường của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hiện diện nhưng cũng đầy rủi ro

Sự trỗi dậy của nền ngoại giao Pháp cũng nhờ một phần bản thân tổng thống Macron, một người đầy tham vọng và quyết đoán. Do đó, ông muốn "đi đầu trong một số hồ sơ", "tìm lại vận mệnh nước Pháp", "trao lại cho nước Pháp vị thế anh hùng". Nói tóm lại, đó là một nước Pháp có vai trò và được lắng nghe, theo như nhận xét của ông Manuel Lafont Rapnouil, giám đốc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR-European Council on Foreign Relations).

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, sự hiện diện quá rõ nét của Pháp trên trường quốc tế cũng bao hàm các rủi ro. Tổng thống Macron đã tạo ra nhiều sự mong đợi. Liệu rằng ông có biết đáp ứng những mong mỏi đó hay không ? Ông có thể biến lời nói thành hành động hay không ? Nhất là trong hồ sơ Syria, ông Manuel Lafont Rapnouil cảnh báo : "Ổn định chế độ chưa hẳn dẫn đến sự bình ổn địa chính trị".

Trong khi đó, ở trong nước, các chương trình cải cách sẽ là những rào cản lớn cho ông Macron. Một chuyên gia người Mỹ thuộc ECFR có lưu ý : "Lãnh đạo dân Pháp không phải là dễ. Họ chọn một ông vua, rồi khi ông ấy áp dụng chương trình bầu cử của mình, thì người ta lại hành quyết ! Trong khi đó, thực hiện các cải cách ở nước Pháp là cần thiết để tiến hành các chính sách đối ngoại của Macron".

Cuối cùng Le Figaro kết luận : Một quốc gia muốn có một tiếng nói mạnh trên trường quốc tế phải có một quân đội hùng mạnh. Nhưng về điểm này tổng thống Macron lại không rõ ràng. Do đó, những sáng kiến ngoại giao có được lại có nguy cơ chết yểu.

"Đặt điều kiện tiên quyết" : Con dao hai lưỡi trong ngoại giao

Mục Ý kiến của Le Figaro còn có một bài viết khác của nhà báo renaud Girard nói về "Những mối nguy hiểm của việc đặt điều kiện tiên quyết trong ngoại giao".

Ngày 14/12/2017, châu Á chứng kiến một sự kiện quan trọng : đó là sự hòa giải giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, sau một thời gian căng thẳng vì hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc. Với Seoul, THAAD là nhằm để đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Nhưng với Bắc Kinh, hệ thống này là một công cụ làm xói mòn khả năng răn đe hạt nhân của họ. Để đối phó, Trung Quốc tiến hành chiến dịch tẩy chay các hàng hóa cũng như du lịch Hàn Quốc. Thế rồi bỗng dưng chủ tịch Trung Quốc thay đổi chiến lược, mời và tiếp trọng thị đồng nhiệm Hàn Quốc. Đôi bên cùng tuyên bố không cho phép xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Vì sao như vậy ?

Theo giải thích của ông Renaud Girard, nguyên do là vì Seoul và Washington bất đồng trong cách xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một cơ hội hiếm hoi cho phép Bắc Kinh can thiệp vào mối quan hệ đồng minh lâu đời này. Hàn Quốc mong muốn Trung Quốc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Còn Trung Quốc thì mong muốn Hàn Quốc thuyết phục Hoa Kỳ giảm bớt các cuộc tập trận trên biển trong khu vực.

Trong khi chờ đợi đôi bên cho rằng Bình Nhưỡng và Washington nên đối thoại trực tiếp và ngay lập tức, một giải pháp mà theo ông Girard, đã từng diễn ra trong quá khứ và từng có được một kết quả nhất định.

Giờ đây, cuộc đối thoại trực tiếp này không thể diễn ra (cho dù tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công khai bày tỏ mong muốn) đó là vì Nhà Trắng đặt điều kiện tiên quyết : cụ thể là Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ngày 10/12, trong một động thái mạnh bạo – tuy rằng ngày hôm sau, Donald Trump đã nói ngược lại – ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Triều Tiên, không có điều kiện tiên quyết và đồng thời ông cũng nói rõ thêm là Hoa Kỳ cũng không chấp nhận Bắc Triều Tiên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Ví dụ về Bắc Triều Tiên là một bằng chứng mới cho thấy vai trò độc hại của việc đặt điều kiện tiên quyết trong hoạt động ngoại giao hiện đại. Việc áp dụng "điều kiện tiên quyết" chỉ làm cho lập trường đàm phán của các bên thêm cứng nhắc và làm gia tăng sự tự ái, "cái tôi" của giới lãnh đạo. Đó là một dạng ra tối hậu thư : ông phải làm điều này, nếu không, tôi không nói chuyện với ông nữa. Đây là phương pháp phản ngoại giao.

Vấn đề hạt nhân quân sự của Iran đã được giải quyết khi chính quyền Obama đã từ bỏ điều kiện tiên quyết, đòi Teheran phải chấm dứt mọi hoạt động làm giàu uranium, thì mới đối thoại. Nhờ vậy, các bên liên quan đã đạt được một thỏa hiệp ngày 14/07/2015. Trong trường hợp Syria cũng tương tự. Vào năm 2012, các cường quốc phương Tây đòi Bachar al-Assad phải ra đi. Đòi hỏi này thiếu thực tế vì vào thời điểm đó một mình Bachar al-Assad là biểu tượng cho quyền lực của Nhà nước Syria.

Rất may là ngoại giao hiện đại có "thuốc giải độc" cho việc đặt điều kiện tiên quyết thì mới nói chuyện. Đó là "đàm phán bí mật". Irael và Palestine đã đàm phán bí mật tại Oslo, Na Uy, với kết quả là sau đó hai bên đã công khai ký kết các thỏa thuận lịch sử trên sân cỏ Nhà Trắng, Washington ngày 13/09/1993.

Mỹ và Iran cũng đàm phán bí mật trong năm 2014 tại Oman. Bởi vì "đàm phán bí mật" có ba ưu điểm : thứ nhất, tránh được sự va chạm tự ái, gây mất thể diện giữa thanh thiên bạch nhật, thứ hai, tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh uyển chuyển lập trường đám phán để tìm thỏa hiệp và cuối cùng là cho phép thử nghiệm các giải pháp thực sự độc đáo.

Donald Trump điểm mặt Trung Quốc và Nga

Nhìn sang nước Mỹ, hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày chiến lược về an ninh quốc gia. Về chủ đề này, Les Echos có bài nhận xét đề tựa : "Trung Quốc và Nga trong tầm ngắm của Donald Trump". Những nguyên tắc của chiến lược này gợi mở một trật tự thế giới mới.

Đầu tiên hết tờ báo nhận định chiến lược đối ngoại mới của Nhà Trắng vẫn không quên khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump. Bởi vì các lợi ích của Hoa Kỳ đã được đề cập đến nhiều và đưa lên hàng đầu trong tập tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia", bên cạnh các đường hướng chung trong lĩnh vực kinh tế cũng như quân sự.

Tập tài liệu "chiến lược an ninh quốc gia" của Mỹ giải thích rằng trong bối cảnh quốc tế đã biến đổi, Hoa Kỳ cần phải có những điều chỉnh để có những đáp ứng thích hợp. Tài liệu này nhấn mạnh, sau khi bị loại trừ vào cuối thế kỷ trước, cuộc chạy đua giữa các cường quốc lớn tái xuất hiện. Đó là một sự cạnh tranh, ganh đua về kinh tế, chính trị và ngoại giao và nước Mỹ có hai đối thủ : đó là Trung Quốc và Nga.

Hồi trước là "đối tác", thì nay Trung Quốc và Nga, trong con mắt của Donald Trump, là những cường quốc trong số các "cường quốc xét lại". Đây là những quốc gia quyết tâm làm cho các nền kinh tế kém tự do hơn và kém công bằng hơn, phát triển sức mạnh quân sự và kiểm soát thông tin, các dữ liệu nhằm trấn áp các xã hội của họ và mở rộng ảnh hưởng. Thái độ lên án mạnh mẽ này đoạn tuyệt với lập trường của Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử, ví dụ như ông đã từ chối lên án Nga sáp nhập Crimea.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu giới thiệu tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia", Donald Trump đã cố gắng có giọng điệu bớt hiếu chiến hơn. Ông cho biết là Hoa Kỳ cố gắng phát triển quan hệ đối tác với các cường quốc này, nhưng mối quan hệ đối tác này phải bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ.

Quan điểm của Donald Trump là nước Mỹ phải hùng mạnh và để làm việc này, trước tiên, cần củng cố ở trong nước. Đây là lập luận để giải thích cho việc tăng ngân sách quốc phòng, lên kế hoạch củng cố các cơ sở hạ tầng tại Mỹ, có chính sách cứng rắn ở biên giới, đi kèm với lời kêu gọi xây dựng một bức tường ở đường biên giới với Mêhicô, chấm dứt một số chương trình cấp visa nhập cư.

Tuy tuyên bố là không muốn áp đặt quan điểm của mình cho bất kỳ ai, nhưng Donald Trump nói rằng ông bày tỏ những giá trị mà từ nay, người dân Mỹ không phải xin lỗi vì những giá trị đó. Thậm chí, kể cả việc xóa bỏ những điều kiêng kỵ như sử dụng vũ khí nguyên tử. Và vũ khí nguyên tử cần phải trở thành tâm điểm của chiến lược quốc phòng.

Theo giải thích của tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia", thì đó là "nền tảng của chính sách bảo đảm hòa bình và ổn định, qua việc răn đe mọi hành động xâm lược chống lại nước Mỹ, các đồng minh và đối tác của nước Mỹ".

Donald Trump : Ba loại quốc gia đe dọa an ninh Hoa Kỳ

Cũng về chủ đề này, Le Figaro trong bài "Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia" cho biết tổng thống Mỹ chỉ định ba loại quốc gia đe dọa Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của Donald Trump, trong một thế giới thù địch, các nước cạnh tranh với nhau, có ba loại quốc gia đe dọa Hoa Kỳ :

Thứ nhất là "các cường quốc xét lại", như Trung Quốc, Nga, thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của Hoa Kỳ. Những cường quốc này thông thường hành động ở mức dưới ngưỡng làm nẩy sinh xung đột quân sự công khai và giáp ranh giới hạn của luật pháp quốc tế. Trung Quốc được coi là đối thủ "cạnh tranh chiến lược". Loại quốc gia thứ hai là các "Nhà nước bất hảo" như Iran, Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, khái niệm "hành động phòng ngừa" không xuất hiện trong tài liệu "Chiến lược an ninh quốc gia". Mối đe dọa thứ ba là các tổ chức khủng bố hoặc tội phạm xuyên quốc gia.

Điều đáng chú ý là một số lĩnh vực không còn được coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ như vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ các định chế dân chủ chống lại tấn công tin học, tuyên truyền của nước ngoài… Một quan chức Nhà Trắng khẳng định, chiến lược này đã được áp dụng và phản ánh những việc mà tổng thống Trump đã làm và sẽ làm.

Catalunya : Chính trị bất ổn, doanh nghiệp lao đao

Vào ngày 21/12 này, vùng Catalunya sẽ tổ chức bầu cử cấp vùng. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới nhất hơn phân nửa các doanh nghiệp vùng này đang trả giá đắt cho những ngày xáo động chính trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 44% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã bị mất khách hàng, 56% có doanh thu bị sụt giảm mạnh ước tính khoảng 9,5% trong khoảng giữa tháng 10-11/2017 trong suốt những tuần xảy ra căng thẳng. Nếu 46% doanh nghiệp cho biết tạm ngưng các dự án đầu tư, 52% khẳng định đã không thay đổi các dự án do tình hình chính trị bấp bênh.

Các doanh nghiệp của vùng là chịu tác động nặng nề nhất. Không chỉ tiêu thụ của người dân trong vùng giảm, mà còn phải hứng chịu hiện tượng tẩy chay trên thị trường Tây Ban Nha. Nhất là những doanh nghiệp nào có nguồn doanh thu từ 35-40% trên thị trường Tây Ban Nha là những doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều nhất.

Trang nhất các báo Pháp

Tình hình kinh tế, chính trị, và xã hội nước Pháp là những chủ đề chính trên trang nhất các nhật báo lớn ngày 19/12/2017. Le Monde đề tít : "Macron chuẩn bị kế hoạch hành động cho năm 2018". Libération trên nền ảnh tổng thống Macron đứng khoanh tay cười tươi nhận định rằng "Paris ve vãn City" rồi đề tựa : "Bạn của tôi ư, đó là tài chính".

Les Echos thông báo : "Một tập đoàn an ninh mạng ra đời tại Pháp". Nhật báo công giáo La Croix những ngày gần cuối năm, sắp đến ngày lễ gia đình quan tâm đến số phận các tù nhân qua hàng tựa : "Ngay giữa lòng một nhà tù quá tải".

Riêng nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến thời sự quốc tế : "Algeria bị tê liệt vì trước sự tham quyền cố vị của Bouteflika". Nhật báo có một bài điều tra dài cho biết trước một vị tổng thống già yếu và bệnh tật từ 18 năm qua nhưng không muốn từ bỏ quyền lực, giới trẻ Algeria bày tỏ nỗi thất vọng và tìm cách sáng tạo một tương lai mới.

Minh Anh

Published in Quốc tế