Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 06 décembre 2017 00:46

Điểm báo Pháp - 17 thiên đường thuế

Danh sách 17 thiên đường thuế : Liên Âu "chừa" 5 thành viên

Ngày 05/12/2017, toàn bộ 28 bộ trưởng tài chính cùng với Ủy ban Châu Âu đã nhất trí ban hành một danh sách đen 17 nước bị coi là thiên đường thuế và sẽ đáp trả bất kỳ nước nào không điều chỉnh lại. Trước đó, một số nước đã có danh sách riêng, như Pháp nêu 9 thiên đường thuế, còn danh sách của Tây Ban Nha có khoảng 30 thiên đường thuế.

paradis1

Cờ của Liên Hiệp Anh và cờ của đảo Jersey tại Gorey, Jersey, ngày 08/11/2017. Reuters/Darren Staples

Tất cả các nhật báo Pháp đều đánh giá, trên giấy tờ, đây là bước tiến lớn sau nhiều tháng thảo luận. Riêng Le Figaro nhận định phải chờ đến hai năm sau hàng loạt phát giác thiên đường thuế "Panama Papers", "LuxLeaks", "Paradise Papers" để "Liên Hiệp Châu Âucông bố danh sách đen 17 thiên đường thuế".

Bài xã luận của nhật báo thiên tả Libération cho rằng, khi không nêu bất kỳ tên nào từ Malta đến Jersay và Guernesay (thuộc Anh) hay Ireland, Luxembourg và Hà Lan trong danh sách đen, các nước Châu Âu khoác lên mình trang phục Tartuffe, hình ảnh được sử dụng nhằm ám chỉ thái độ giả đạo đức. Dù có lợi, nhưng bản danh sách vẫn chưa ngang tầm với tai tiếng sau loạt tiết lộ về "Paradise Papers".

Nhật báo kinh tế Les Echos tỏ ra nhẹ lời hơn khi nhận định danh sách thiên đường thuế của Bruxelles là "sự dàn xếp" để cho công luận thấy khả năng hành động của Liên Hiệp. Danh sách được lập dựa trên những tiêu chí rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi người. Để tránh bị nêu tên trong danh sách này, các nước phải chấp nhận trao đổi tự động các dữ liệu thuế khóa, cảnh giác với việc lập trụ sở của các công ty offshore và chấp nhận các nguyên tắc của OCDE đối với thủ thuật tối ưu thuế của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, "danh sách 17" có thật sự công minh không ? Xã luận của Les Echos đưa ra ba lý do. Thứ nhất, chỉ có một quốc gia cùng bị cả Châu Âu và khối G20 "vạch mặt chỉ tên" là Trinidad và Tobago. Thứ hai, danh sách Châu Âu cũng nhắm vào vài quốc gia kém phát triển, không được biết đến như thiên đường thuế (Namibia, Mông Cổ…). Tunisia có mặt trong danh sách nhưng các nước và vùng tự trị trên thế giới thuộc Liên Hiệp Anh lại được chừa ra, vào thời điểm chỉ một năm đến Brexit.

Thứ ba, mức độ tin cậy của công trình mà Bruxelles tiến hành có lẽ sẽ mạnh mẽ hơn nếu các nước Châu Âu cảm thấy rằng một công việc điều hòa (theo cả hai hướng và không chỉ bằng cách căn chỉnh các nước được cho là thấp hơn theo tiêu chuẩn Pháp, một trong những nước phát triển nhất) đang được tiến hành liên quan đến cạnh tranh thuế khóa ngay trong nội bộ Liên Hiệp (Hà Lan, Ireland, Luxemburg).

Vậy tại sao danh sách thiên đường thuế không có bất kỳ thành viên nào của Liên Hiệp Châu Âu ? Theo giải thích chính thức, được nhật báo Le Figaro trích dẫn, "trên lý thuyết, khối 28 nước đều tôn trọng kỷ luật Châu Âu". Tuy nhiên, theo bài viết "Danh sách thiên đường thuế nhưng chưa phải là bản cuối" của nhật báo Libération, số lượng các nước bị liệt vào danh sách thiên đường thuế đã bị giảm đi sau nhiều cuộc tranh luận dữ dội mang tính chất ngoại giao giữa 28 bộ trưởng tài chính. Một nghị sĩ Châu Âu Pháp tìm cách giảm bớt những lời chỉ trích khi phát biểu : "Đây là cơ sở đầu tiên, các danh sách sẽ còn thay đổi".

Cuối cùng, bên cạnh "danh sách đen" gồm 17 thiên đường thuế còn có "danh sách xám"gồm 47 nước hoặc vùng lãnh thổ cần theo dõi. Anh Quốc chấp nhận để nhiều hòn đảo như đảo Man, Jersey, Guernesey, Bermuda và quần đảo Caimans trong danh sách xám. Tương tự, Pháp để tên đảo Nouvelle-Calédonie.

47 nước và vùng lãnh thổ này (trong đó có Thụy Sĩ, Maroc, Qatar, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ) có 6 tháng để điều chỉnh nhằm tránh bị liệt vào danh sách đen năm 2018. Nhiều tổ chức phi chính phủ như Oxfam muốn đưa vào "danh sách xám" một số nước Liên Hiệp Châu Âu, như Ireland, Luxemburg, Hà Lan và Malta. Điều ngạc nhiên là Hoa Kỳ, hoặc ít nhiều là hai thành trì bí mật Delaware và Wyoming, lại không bị liệt vào bất kỳ danh sách nào.

Tây Ban Nha bỏ lệnh bắt Châu Âu đối với cựu lãnh đạo vùng Catalunya

Theo dự kiến, ngày 14/12/2017, ngành tư pháp Bỉ có thể sẽ công bố quyết định có dẫn độ ông Carles Puigdemont và bốn cựu bộ trưởng vùng Catalunya về Tây Ban Nha hay không, thì Madrid bất ngờ tuyên bố rút mọi lệnh bắt Châu Âu nhắm vào năm quan chức này.

Tuy nhiên, theo nhật báo Libération, thẩm phán điều tra thuộc Tòa Án Tối Cao tại Madrid vẫn duy trì lệnh bắt Tây Ban Nha, có nghĩa là nếu về nước, năm cựu quan chức này vẫn sẽ bị bắt. Trong khi đó, cả năm ông đều là ứng viên trong cuộc bầu cử cấp vùng sẽ diễn ra vào ngày 21/12. Ông Puigdemont từng hy vọng sẽ giành chiến thắng để giữ lại chiếc ghế chủ tịch vùng.

Les Echos đánh giá, quyết định bất ngờ thay đổi chiến lược của tư pháp Tây Ban Nha được cho là tránh tham gia vào cuộc tranh luận với tư pháp Bỉ. Bruxelles không công nhận những tội liên quan đến nổi loạn và ly khai như tư pháp Tây Ban Nha.

Dời sứ quán sang Jérusalem, Trump khuấy động chảo lửa Trung Đông

Tổng thống Donald Trump có thông báo dời sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel-Aviv đến Jerusalem hay không, một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử ? Quyết định này của tổng thống Mỹ rất có thể sẽ gây ra một làn sóng bất bình trong thế giới Ả Rập Hồi giáo.

Thậm chí, theo Le Figaro, "Trump đang đùa với lửa về quy chế gây tranh cãi đối với Jerusalem"vì tổng thống Mỹ "muốn chứng tỏ không bị ràng buộc bởi hiện trạng này vì đã không mang lại bất kỳ thay đổi nào từ vài thập kỷ nay".

Libération cho biết "Sứ quán Mỹ ở Jerusalem : Trump liên tục gọi điện sang Trung Đông" để thông báo "ý định tiến thêm một bước trong dự án dời sứ quán Mỹ tại Israel". Nhiều quan chức cao cấp Trung Đông lần lượt bày tỏ quan ngại sâu sắc, như phát biểu của giáo chủ Mahmoud Abbas của Al Azhar, cơ quan Hồi giáo tối cao, nằm ở thủ đô Cairo : "Cánh cửa địa ngục sẽ mở ra đối với phương Tây ngay khi quyết định chuyển sứ quán được công bố", đồng thời ông nhấn mạnh đến "những hậu quả nguy hiểm của một quyết định như vậy đối với tiến trình hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng và trên thế giới".

Quyết định của tổng thống Mỹ, mà Israel mong muốn, lại khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại. Tổng thống Pháp nhắc lại là "vấn đề quy chế của Jerusalem phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine". Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn bộ thành phố Jerusalem.

Bất bình đẳng đe dọa các thành tựu kinh tế của Châu Á

Liên quan đến Châu Á nhưng trên lĩnh vực xã hội, hơn 40% dân số Châu Á thoát khỏi cảnh nghèo từ hơn hai thập kỷ qua nhờ nguyên tắc "làm việc nhiều hơn để có thể giầu có".

Tuy nhiên, hơn 90% người dân Trung Quốc và hơn 1/2 số người dân Philippines cho rằng cách biệt về thu nhập ở trong nước là rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, được nhật báo kinh tế Les Echos trích dẫn, tại Indonesia, 90% người được hỏi cho rằng đã đến lúc tấn công vào các bất bình đẳng. Tại Việt Nam, 8/10 người dân tỏ ra lo lắng về sự chênh lệnh trong tiêu chuẩn sống.

Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo hố sâu bất bình đẳng tăng nhanh, phần lớn ở các nước đang phát triển tại Châu Á-Thái Bình Dương đang đe dọa đến nền tảng thành công kinh tế của vùng này.

Nước Pháp "tạm biệt và cảm ơn" Jean d’Ormesson

Các nhật báo Pháp đều mượn tựa đề cuốn sách được xuất bản năm 1976, như là lời từ biệt với tiểu thuyết gia, viện sĩ hàn lâm Jean d’Ormesson qua đời đêm 04/12/2017 ở tuổi 92.

Với nhật báo Le Monde, Jean d’Ormesson trước hết là một nhà văn tài ba, lý thú và là một người ngưỡng mộ những tác giả lớn khác. Với bài xã luận của La Croix, người đàn ông này yêu cuộc sống và ông biết chia sẻ tình yêu này với người khác. Ông nói chuyện với mọi người bằng những lời lẽ tử tế, hóm hỉnh và chân thành, cả trong đời tư lẫn trước công chúng.

Trên Le Figaro, chân dung của Jean d’Ormesson chiếm trọn trang nhất với lời "Tạm biệt và cảm ơn" người viết xã luận của nhật báo thiên hữu trong suốt gần 50 năm. Với Le Figaro, ngoài yêu Chateaubriand, Homère, Paul-Jean Toulet và Aragon, viện sĩ hàn lâm Jean d’Ormesson còn yêu ánh nắng mặt trời, biển cả, những cô gái xinh đẹp, chính trị và nghệ thuật đối thoại. Le Figaro dành 10 trang báo để tưởng nhớ người cộng sự, "một quý ông luôn mang lại hạnh phúc", "một viện sĩ hàn lâm biểu tượng của Viện Hàn Lâm Pháp".

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Bộ Tư Pháp Nga ngày 05/12/2017 đã xếp 9 cơ quan truyền thông Mỹ vào danh sách các "cơ quan nước ngoài", một tên gọi gây nhiều tranh cãi. Hai trong số 9 cơ quan này gồm đài phát thanh VOA và Radio Free Europe/Radio Liberty, do Quốc hội Mỹ tài trợ.

nga1

Nga coi 9 cơ quan truyền thông Mỹ là "đặc vụ nước ngoài". Ảnh minh họa. Reuters/Maxim Shemetov

AFP cho biết đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ Voice of America và đài phát thanh Châu Âu Tự Do Radio Free Europe/Radio Liberty do Quốc hội Mỹ tài trợ, 7 cơ quan truyền thông khác có liên quan bị xếp vào danh sách các tổ chức "thực hiện chức năng của đại diện nước ngoài".

Tại Nga, cụm từ này thường dùng để ám chỉ cơ quan "đặc vụ của nước ngoài".

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và đài phát thanh Châu Âu Tự Do là hai cơ quan truyền thông đầu tiên được chính quyền Moskva cảnh báo về nguy cơ bị xếp vào danh sách "đặc vụ của nước ngoài".

Hồi cuối tháng 11/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban bố luật cho phép gọi tất cả các cơ quan truyền thông nước ngoài hoạt động tại Nga bằng một cái tên gây tranh cãi "cơ quan nước ngoài", dựa theo quyết định của bộ Tư Pháp Nga. Đây là hành động đáp trả của chính quyền Moskva sau khi bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu kênh truyền hình Russia Today của Nga phải đăng ký dưới tên gọi đại diện nước ngoài tại Mỹ.

Luật mà tổng thống Nga ban hành bị tổ chức nhân quyền Human Rights Watch và Amnesty International chỉ trích gay gắt vì theo luật trên, các cơ quan truyền thông bị nhắm tới phải ghi rõ trên mọi tài liệu rằng họ là "cơ quan nước ngoài" và phải báo cáo về nguồn tài chính với nhà chức trách Nga.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Vì sao phải xem xét đồng tiền ảo bitcoin một cách nghiêm túc

Những ngày qua giới truyền thông nói nhiều về Bitcoin. Người ta chỉ biết đó là một đồng tiền ảo, tiền điện tử, nhưng không hiểu rõ lợi ích của đồng tiền này trong cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, bitcoin còn là một công cụ để đầu cơ. Do đó, bong bóng đầu cơ đồng tiền ảo này luôn có nguy cơ nổ tung. Trước rủi ro này, Les Echos (05/12/2017) có bài phân tích đề tựa "Vì sao phải xem xét đồng tiền ảo bitcoin một cách nghiêm túc".

bitcoin1

Giá trị tiền ảo Bitcoin tăng gấp 10 lần khiến các Ngân Hàng Trung Ương và chuyên gia kinh tế quan ngại nổ bong bóng đầu cơ tiền ảo. Reuters/Dado Ruvic/File Photo

Theo báo Les Echos, sự ra đời của đồng tiền này vào năm 2009 không phải là ngẫu nhiên, tình cờ. Vào thời điểm bitcoin được tạo ra bởi một người hoặc một nhóm người lấy tên là Satoshi Nakamoto, thì hệ thống ngân hàng thế giới bị mất uy tín với vụ subprimes và vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Chính phủ nhiều nước lao vào cứu các cơ sở tài chính. Ngân hàng trung ương các nước tung tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính quốc tế để tránh tái diễn một cuộc đại suy thoái như trong những năm 1930.

Các cơ quan quản lý quốc tế và quốc gia tiến hành một chính sách tạm gọi là "trấn áp tài chính" để cố kìm giữ gánh nặng nợ công không ngừng tăng vọt. Đồng bitcoin ra đời nhằm chống lại trật tự tiền tệ này, trong trào lưu phản đối các quyền lực chính trị và ngân hàng, bị đánh giá là không đủ khả năng quản lý một đồng tiền lành mạnh, có chất lượng.

Bitcoin không phụ thuộc vào một quốc gia hay ngân hàng nào. Giá trị của bitcoin không bị xói mòn bởi chính sách lạm phát hoặc phát hành tiền tệ ồ ạt, bởi vì các quy định liên quan đến bitcoin được xác định ngay từ đầu và bất di bất dịch. Cụ thể là có một algorithme chịu trách nhiệm tính toán việc phát hành bitcoin và số tiền này sẽ giảm dần cho đến năm 2140. Như vậy, sẽ không bao giờ có quá 21 triệu bitcoin được lưu hành.

Trong khối lượng tiền ảo này, các bitcoin không giống nhau, mỗi bitcoin là duy nhất. Danh sách các chủ sở hữu của đồng tiền ảo được lưu giữ trong bộ nhớ và vô danh. Đồng bitcoin có thể được trao đổi tự do khắp nơi trên thế giới và không để lại vết tích gì, không có phí giao dịch ngân hàng… Điều cơ bản của hệ thống đồng tiền ảo là gạt bỏ được mọi chính sách độc đoán của Nhà nước.

Bitcoin : đồng tiền của tự do ?

Theo nhận định của các kinh tế gia Odile Lakomski-Laguerre và Ludovic Desmedt, được Les Echos trích dẫn, mối quan tâm không chỉ liên quan đến vấn đề kỹ thuật mà cả về triết học và chính trị : đó là suy nghĩ về các phương tiện để tránh được sự độc quyền của Nhà nước trong việc kiểm soát cung ứng tiền tệ và trả lại quyền sử dụng tiền tệ cho cộng đồng.

Tuy nhiên, để hệ thống đồng tiền ảo có thể tồn tại lâu dài thì cần phải có sự chấp nhận của nhiều người. Ban đầu, bitcoin chỉ là thu hút sự tò mò của "cực khách", những người ưa chuộng các thiết bị điện tử tiện ích, phù phiếm.

Sau đó, đồng tiền ảo này quyến rũ được cộng đồng những người chủ trương đề cao tự do cá nhân, ghét bỏ mọi hình thức can thiệp của Nhà nước hoặc những cơ chế quản lý của Nhà nước, đề cao tính chính đáng của máy tính và các ứng dụng hơn là sự thông minh của con người. Những người ủng hộ bitcoin cuồng nhiệt đang có mơ ước thầm kín : đồng tiền ảo thông báo sự ra đời một trật tự mới trong lĩnh vực tiền tệ và kinh tế.

Tuy nhiên, theo phân tích của Les Echos, đồng tiền này có thể bị bóp chết hoặc bị ngăn chặn. Theo thời giá hiện nay, tổng giá trị bitcoin trên toàn thế giới lên tới khoảng 160 tỷ đô la, tương đương với giá trị tập đoàn Coca-Cola, nhưng chỉ là một giọt nước so với 80 ngàn tỉ đô la trong thanh khoản toàn thế giới.

Chính vì thế, cho đến nay, các Nhà nước, ngân hàng và những cơ quan quản lý tài chính quốc tế vẫn chưa quan tâm đến "vật thể lạ" này. Khi bitcoin có giá trị hơn, khi mọi người có thể dùng đồng tiền ảo này để mua bán – tức là đe dọa quyền lực của Nhà nước, thì các chính phủ sẽ để mắt đến bitcoin và tìm cách xóa bỏ đồng tiền này.

Les Echos đặt câu hỏi : Bitcoin đã kháng cự được các chấn động, như khủng hoảng tài chính, làn sóng tin tặc, sự sụp đổ của nhiều website, liệu đồng tiền ảo này có sống sót được hay không một khi các Nhà nước thức tỉnh ?

Bitcoin : Công cụ để rửa tiền bẩn ?

Cũng liên quan đến đồng tiền điện tử, báo Le Monde có bài "Bitcoin, củ giống hoa tuy líp phiên bản 2.0".

Vào giữa thế kỷ 17, trong vòng ba năm, làn sóng đầu cơ đã làm giá củ giống hoa tuy líp Semper Augustus tăng 5900%. Cũng trong thời gian ba năm, giá bitcoin đã tăng 3300% và có thể còn tăng nữa. Theo Le Monde, không nên nhìn vào làn sóng đầu cơ hiện nay mà vội vã kết luận rằng bitcoin sẽ trở thành đồng tiền thay thế.

Trước tiên, giá trị của bitcoin cũng chao đảo, lên xuống thất thường như mọi đồng tiền khác. Thứ hai việc giao dịch mua bán bitcoin chậm và rất tốn năng lượng. Một giao dịch mua bán bitcoin trên máy tính tiêu thụ điện bằng một hộ gia đình Mỹ trong cả tuần. Bên cạnh đó, còn có rủi ro mất tiền nếu như bất thình lình máy tính hỏng hoặc bị virus tấn công.

Tuy nhiên, bitcoin đang trở thành một dạng tài sản bị đầu cơ. Chicago Mercantile Exchange (CME) – chuyên mua bán hợp đồng giao hàng có thời hạn - vào ngày 18/12 tới sẽ tung ra loại hợp đồng thanh toán bằng bitcoin. Do vậy, đã đến lúc chính quyền, Ngân Hàng Trung Ương các nước quan tâm đến đồng tiền ảo này, nhất là việc bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền bẩn.

Donald Trump và những mối liên hệ nguy hiểm với Nga

Nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã có những tình tiết ngoạn mục. Cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn thừa nhận khai gian với FBI. Thế nhưng, theo Le Figaro, tổng thống tỷ phú Mỹ đã có những mối quan hệ thâm giao với Nga từ những thập niên cuối thế kỷ trước.

Tờ báo trích dẫn điều tra của ông Luke Harding, một người rất am tường về nước Nga và là phóng viên tờ báo Anh The Guardian. Luke Harding đã có may mắn tiếp xúc với một cựu nhân viên phản gián MI6 của Anh và ông đã làm nổi rõ mối quan hệ chằng chịt đáng lo ngại của nhà tỷ phú Mỹ này với Nga từ những năm 1980.

"Dấu vết" Nga hiện diện khắp nơi trong địa hạt hoạt động của Donald Trump, từ công việc kinh doanh, cho đến con đường hoạt động chính trị tranh cử tổng thống. Theo điều tra của Harding, chắc chắn Donald Trump đã được cơ quan tình báo KGB nhắm đến ngay từ cuối những năm 1970, vào thời điểm ông kết hôn với người mẫu Séc Ivana Zelnickova.

Yemen : Khi rắn cắn chính người làm trò…

Đề tài cựu tổng thống Yemen Saleh bị ám sát hôm qua tràn ngập các báo Pháp. Le Figaro có bài viết đề tựa "Tại Yemen, Saleh kết thúc cuộc đời dưới làn đạn của phe Houthis".

Tờ báo nhắc lại "Ông ấy từng thoát chết một cách thần kỳ khi một quả bom đặt cách ông ấy chỉ có 5 mét trong một thánh đường ở phủ tổng thống phát nổ hồi năm 2015. Thế nhưng, định mệnh lần này đã đuổi kịp Saleh, một nhà độc tài 75 tuổi. Ông bị sát hại trong một vụ tấn công do chính các cựu đồng minh cũ, những người nổi dậy Houthi thực hiện, những người mà ông vừa đoạn tuyệt bang giao".

Với Les Echos, "Yemen đang tiến thêm một bước đến sự tan rã". Cái chết của Saleh, tác nhân quan trọng tại Yemen từ 40 năm qua đang đẩy Yemen hội nhập vào nhóm gọi là "các quốc gia bị tàn phá", bao gồm Afghanistan và Somalia.

Nhật báo kinh tế lưu ý là "vụ việc này cũng có thể là một bi kịch cho toàn thế giới, bởi vì nằm dọc theo biên giới Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu hỏa hàng đầu thế giới. Yemen còn bao bọc cả eo biển Bab al-Mandab phía nam Biển Đỏ, nơi có đông thuyền bè qua lại nhiều nhất. Và Yemen còn là nơi trú ngụ của một đạo quân thánh chiến hùng hậu đang nở rộ".

Về phần mình, Libération lược qua tiểu sử của Saleh. Tờ báo mỉa mai chạy tựa "Cú cắn chết người dành cho ‘người làm trò rắn’ Ali Abdallah Saleh". Câu nói ví von "Người làm trò rắn" là do chính Saleh tự nhận. Ông từng tuyên bố rằng : "Điều hành Yemen giống như công việc của người làm trò rắn". Và ông đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để bám giữ quyền lực trong suốt 32 năm liền.

Libération cũng không quên trích dẫn một báo cáo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa ra vào tháng 2/2015, cho biết nhờ tham nhũng, Saleh tích lũy được khối tài sản ước tính trong khoảng từ 32-60 tỷ đô la, trong khi mà Yemen là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khối Ả Rập.

Tờ báo kết luận : "Cũng giống như Muammar al-Kadhafi của Libya, Saddam Hussein tại Iraq hay Bachar al-Assad của Syria, Ali Abdallah Saleh sẵn sàng hy sinh đất nước và dân tộc để giữ quyền lực và trong trường hợp này tái chiếm quyền lực".

Pháp : Corse có là Catalunya kiểu Pháp hay không ?

Báo Pháp cũng không quên bình luận về thắng lợi vòng một của phe chủ trương tự trị tại đảo Corse. Libération nhận định "Tại Corse : Đối mặt với Paris, những người theo chủ nghĩa dân tộc vỗ ngực tự hào".

Xã luận của Le Monde "Paris đối mặt với thách thức Corse" khẳng định mục tiêu của phe này rất rõ không chủ trương độc lập cho một hòn đảo lệ thuộc nhiều vào nguồn tài chính và việc làm của Nhà nước. Ngược lại, họ muốn được áp dụng trong vòng ba năm quy chế tự trị cho Corse, bao gồm cả việc công nhận tiếng Corse, quy chế "công dân" đặc biệt, một quy chế thuế khóa thích hợp và ân xá cho các "tù nhân chính trị".

Thế nhưng, Les Echos kêu gọi cảnh giác với "chiếc bẫy Corse". Với những đòi hỏi trên, đó chẳng khác gì một kiểu đặc quyền có tính chất ngoài lãnh thổ. Và như vậy nghĩa vụ của Corse đối với quốc gia bị giảm xuống gần như là không.

Les Echos nhắc lại rằng từ nhiều thập niên qua, chính quyền trung ương đã không ngừng nhượng bộ Corse nhiều lợi thế, đặc biệt trong vấn đề thuế khóa, mà Thẩm Viện Kế hoài công vô ích lên án. Từ 20 năm nay, người dân Pháp đã đóng góp cho người dân Corse nhiều hơn cho người dân ở vùng khác.

Giờ họ muốn xem xem những nỗ lực của người dân Pháp được đền đáp ra sao. Do đó đã đến lúc phải thoát khỏi chiếc bẫy tự trị của Corse.

Đồ chơi có kết nối : Một kiểu "gián điệp" hợp pháp ?

Mùa Noel sắp đến. Đây cũng là dịp trẻ nhỏ viết thư cho ông già Noel xin những món đồ chơi ưa thích. Thế nhưng, Ủy Ban Thông Tin và Tự Do Quốc Gia (Cnil), hôm qua cáo buộc "Các loại đồ chơi có kết nối dọ thám trẻ nhỏ".

Cơ quan gởi cảnh báo đến nhà một sản xuất đồ chơi Hồng Kông về các mặt búp bê Cayla có kết nối và rô-bốt i-Que. Cnil nghi ngờ những món đồ chơi này "thu thập hàng loạt các dữ liệu thông tin cá nhân về trẻ em và người thân".

Mối nghi ngờ này cho thấy mối quan ngại của nhiều chính phủ tại Pháp, cũng như là Châu Âu và Mỹ trước hiện tượng phổ biến các vật dụng có kết nối, cho phép thu thập các dữ liệu thông tin từ người sử dụng để rồi khai thác chúng.

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự nước Pháp chiếm trọng tâm trang nhất các báo Pháp hôm nay 05/12/2017. Le Monde đưa tít "Corse : Nguyên nhân thắng lợi của phe theo chủ nghĩa dân tộc". Thắng lợi vòng một bầu cử vùng của phe chủ trương tự trị cho đảo Corse đang đặt ra "Một thách thức mới cho Paris", tựa của bài xã luận.

Với nhật báo kinh tế Les Echos, "PSA muốn bù đắp sự chậm trễ của mình bằng xe chạy điện". Hãng chế tạo và lắp ráp xe hơi hiệu Peugeot này đã ký kết một thỏa thuận thành lập một doanh nghiệp liên doanh với hãng Nhật Bản Nidec-Leroy Somer chuyên trong lĩnh vực xe điện.

An toàn hạt nhân tại Pháp là mối bận tâm chính của Libération với hàng tít lớn "Kẽ hở". Các trung tâm khai thác hạt nhân tại Pháp dễ bị tấn công nhất trong trường hợp có khủng bố như là Greenpeace đã chứng minh qua các hành động xâm nhập trái phép. Thế nhưng chủ đề này vẫn là đề tài cấm kỵ.

La Croix, trên nền ảnh tháp Eiffel rực rỡ ánh đèn, dưới màn trời đêm xanh biếc đặt câu hỏi lớn : "Vì sao nước Pháp lại trở nên hấp dẫn", bởi vì hình ảnh của nước Pháp thời gian gần đây đã được cải thiện trong con mắt các nhà đầu tư.

Riêng nhật báo Le Figaro là quan tâm đến thời sự nước Mỹ và Yemen, được trình bày qua 2 tít lớn : "Bị chao đảo vì nghi án Nga, Trump cố giữ những người ủng hộ mình" và "Tại Yemen, cựu tổng thống Saleh bị phe nổi dậy Houthi hạ sát".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Khi Bắc Triều Tiên tạo trật tự hạt nhân mới

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là điểm nóng được báo chí đặc biệt chú ý. Trên trang Dư luận của nhật báo Le Figaro có bài nhận định về vụ hôm 29/11 vừa qua, Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa liên lục địa Hwasong-15, đạt độ cao trên 4.000 km và có khả năng bắn tới bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ. Bài báo của tác giả Nicolas Baverez mang tiêu đề : "Bắc Triều Tiên : Trật tự hạt nhân mới".

hatnhan1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang được giới thiệu về một loại vũ khí hạt nhân, ảnh do hãng tin nhà nước KCNA cung cấp ngày 03/09/2017. KCNA via Reuters

Bài báo nhận định : "Sau vụ thử hạt quả bom H hôm 03/09 (vụ thử hạt nhân thứ 6), vụ thử tên lửa lần này cho thấy Bắc Triều Tiên đã thắng lợi trong việc trở thành cường quốc hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thách thức Hoa Kỳ cũng như liên tiếp các trừng phạt quốc tế".

Khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên còn được củng cố thêm bằng lực lượng hùng hậu với khoảng 6.000 hacker, có nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống hạ tầng cơ sở quân sự, tấn công các cơ sở của phương Tây và đánh cắp ngoại tệ về cho đất nước.

Theo tác giả, chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm bảo đảm cho sự tồn vong của chế độ toàn trị độc đoán trước mọi tình huống. Bởi chế độ Bình Nhưỡng đã biết rút ra bài học rằng sự sụp đổ của các chế độ độc tài của Sadam Husein ở Iraq hay Kadhafi ở Libya… đều do họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. "Đến giờ mục tiêu của Bắc Triều Tiên không còn là để làm giá mặc cả để đổi lấy trợ giúp chính hay lương thực mà là để được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân đầy đủ".

Nhìn trong bối cảnh khu vực, tác giả nhận thấy cuộc chạy đua nguyên tử của Bình Nhưỡng không phải là không có tác động gì đến Bắc Kinh. Dường như Trung Quốc đang mất kiểm soát đối với đồng minh cứng đầu, cứng cổ này. Tuy nhiên, không có chuyện xem xét lại mối liên minh chiến lược.

Trung Quốc không bao giờ muốn thay đổi chế độ Bình Nhưỡng, vốn có tác dụng như tấm đệm chắn với Hàn Quốc, nơi có hàng ngàn quân Mỹ đang đồn trú. Cuộc khủng hoảng Triều Tiên lại là cơ hội đánh lạc hướng chú ý dư luận ra ngoài tham vọng thôn tính trên Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Hoa Kỳ tỏ ra bất lực trong khu vực. Theo tác giả, "vì tất cả những lý do đó mà, Trung Quốc tỏ cho thấy mọi tấn công Bắc Triều Tiên sẽ có thể được coi như là tấn công chính lãnh thổ Trung Quốc".

Bài báo phân tích tiếp, trong cuộc khủng hoảng này, "Hoa Kỳ là kẻ thua lớn". Cuộc khủng hoảng này "chỉ càng đẩy nhanh tốc độ sụp đổ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Những màn đấu khẩu, dọa nạt, sỉ vả Kim Jong-un của tổng thống Donald Trump chỉ càng cho thấy sự thiếu lựa chọn và không có chiến lực". Hiệu quả của trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên giờ phụ thuộc vào Trung Quốc và phần nào đó là Nga. Tấn công quân sự phủ đầu bị loại trừ vì rất nhiều yếu tố nguy hiểm.

Tác giả khẳng định : "Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang thúc đẩy sự xuất hiện của một bàn cờ quốc tế mới. Nó khẳng định trọng tâm thế giới đang được đẩy về hướng Châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà nguy cơ xung đột lớn và nhất là các chấp lãnh thổ và hiềm khích quá khứ vẫn còn đó".

Nguy cơ chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ bắt nguồn từ sai lầm đánh giá. Nguy cơ này không thể bị loại trừ khi chế độ Bình Nhưỡng thu mình khép kín và khi vẫn còn những phản ứng khó lường của Donald Trump và chính quyền Washington. Chiến lược răn đe của Hoa Kỳ không còn đáng tin cậy nữa. "Tất cả những yếu tố như vậy sẽ chỉ có thể mở ra hướng đẩy thế giới lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang, nhất là trong lĩnh vực hạt nhân, không gian…".

Giáo hoàng Francis trần tình về chuyến tông du Châu Á

Tiếp tục với nhật báo Le Figaro, vẫn đề tài Châu Á, tờ báo trở lại sự kiện giáo hoàng Francis tông du Miến Điện và Bangladesh qua bài viết "Hậu trường cuộc gặp của giáo hoàng Francis với người Rohingya".

Phóng viên của Le Figaro đã có mặt trên chuyến chuyên cơ tối thứ Bảy 02/12 đưa Đức giáo hoàng trở về Vatican sau chuyến thăm Miến Điện và Bangladesh. Trên máy bay, giáo hoàng đã giãi bày với báo chí về chuyện tránh nói đến từ Rohingya khi ở Miến Điện và về các cuộc gặp với giới tướng lĩnh, lãnh đạo Miến Điện.

Về cuộc gặp với tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội đầy quyền lực của Miến Điện, giáo hoàng cho biết đó là vì "vị tướng này muốn nói chuyện với tôi và tôi đã tiếp, tôi không bao giờ đóng cửa… chúng ta không hề mất gì khi nói chuyện… nhưng tôi không thương lượng gì về sự thật, tôi chỉ muốn để ông ta hiểu rằng nếu trở lại con đường đã chọn trong thời kỳ cũ thì sẽ không thể tồn tại được".

Về chuyện tránh nói đến từ Rohingya ở Miến Điện, giáo hoàng giải thích "Điều quan trọng nhất trong chuyến đi này là thông điệp được đưa ra… cần phải nói dần từng bước. Tôi hiểu nếu tôi phát biểu từ này trong diễn văn chính thức hay tôi đưa ra lời lên án công khai, thì sẽ chỉ làm đối thoại bị cắt đứt". Bởi vậy, ngài đã đề cập xa xôi đến "các quyền công dân" và điều đó đã cho phép ngài đi xa hơn trong các cuộc tiếp xúc riêng. Giáo hoàng khẳng định cuối cùng thì thông điệp cốt lõi vẫn được đưa ra.

Mỹ : Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ đến gần cửa Nhà Trắng

Nhìn sang nước Mỹ, các báo Pháp tiếp tục dành nhiều quan tâm đến hồ sơ nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ với diễn tiến mới, với việc Michael Flynn, cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump bị truy tố vì tội khai man với FBI liên quan đến những cuộc tiếp xúc với người Nga.

Nhật báo Le Monde nhận định: "Flynn, người đang làm suy yếu Trump" và "Flynn, mắt xích yếu của Nhà Trắng". Tờ báo cho biết, đến giờ chưa có chuyện thông đồng trực tiếp giữa ê-kíp của Donald Trump với người Nga, nhưng cuộc điều tra đang tiến triển theo hướng tiếp cận gần hơn với chủ nhân Nhà Trắng, cho dù chính quyền Trump vẫn chống chế rằng việc buộc tội cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump chỉ liên quan đến cá nhân ông ta.

Thế nhưng, những khai báo của ông Flynn với cơ quan điều tra đang ngày càng gây bất lợi cho tổng thống. Trong bài viết có tiêu đề : "Lời khai của Michael Flynn về Nga, gánh nặng mới cho Trump", Les Echos nhận xét : "Từng là một trong những cộng sự thân cận nhất của Donald Trump ngay từ lúc ban đầu, Michael Flynn giờ trở thành kẻ thù hàng đầu, sau khi ông ta khai báo hôm thứ Sáu vừa qua về mối liên hệ giữa ê-kíp của Trump với nước Nga".

Những ngày tới đây, việc điều tra nhắm cụ thể vào viên cựu cố vấn này sẽ còn có thể phát lộ ra những chi tiết thú vị mới xung quanh nghi án này và người ta chưa biết hồ sơ vụ án sẽ còn mở ra tới đâu.

Pháp : "Phảng phất hương vị" Catalunya trên đảo Corse

Trở về với thời sự của nước Pháp, các báo hôm nay quan tâm đặc biệt đến sự kiện bầu cử địa phương diễn ra ở đảo Corse với thắng lợi áp đảo ở vòng một của đảng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Sóng thần của những người dân tộc chủ nghĩa tại Corse". Tờ báo đưa tin về kết quả bầu cử ở Corse với đầy lo ngại : Phe liên minh có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của chủ tịch Nghị Viện Corse mãn nhiệm, ông Gille Simeoni, thu được 45,36% phiếu ngay trong vòng đầu cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương.

Dự luận Pháp rất quan tâm đến kết quả này bởi bài học nhãn tiền đang xảy ra ở Tây Ban Nha khi phe dân tộc chủ nghĩa giành quyền lãnh đạo xứ Catalunya. Người Pháp có lý do để lo xa là không biết chừng một ngày nào đó, đảo Corse lại đòi tách ra khỏi nước Pháp.

Xã luận báo Le Figaro lên giọng trấn an nhưng cũng không giấu được lo ngại : "Corse không phải là Catalunya. Trên hòn đảo này, độc lập không còn là vấn đề nghị sự nữa. Ở Bastia, Ajaccio hay Corte (nhữa địa danh chính của đảo Corse), trào lưu hiện thực đã thắng thế. Những người có tư tưởng ly khai cuối cùng cũng đã hiểu họ không có phương tiện thực hiện tham vọng, khác với các đồng chí của họ ở bên bán đảo Ibéria."

Tuy nhiên, với đa số người dân đảo Corse, thách thức vẫn là làm sao thành công, sống trong lòng nước Cộng Hòa Pháp trong thời đại toàn cầu hóa mà không phải hy sinh tâm hồn, văn hóa, cảnh quan của hòn đảo thần tiên của họ.

Ấn Độ đánh cược với xe chạy điện

Về chủ đề bảo vệ môi trường, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích mang tựa đề : "Ấn Độ đặt cược điên rồ vào xe hơi điện".

Les Echos cho hay : "Đối mặt với tình trạng ô nhiễm đáng báo động, theo OMS, Ấn Độ có 6 thành phố bị xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới, chính phủ Ấn Độ ngay từ năm 2016 đã nhảy vào cuộc đánh cược điên rồ : thay thế toàn bộ các xe chạy dầu và xăng để đến năm 2030, Ấn Độ sẽ có 100% xe hơi chạy điện".

Theo Les Echos, đây là một tham vọng quá lớn và quá sức với đất nước này, chỉ có giá trị kích thích nảy nở các sáng kiến của các nhà chế tạo. Hạ tầng cơ sở công nghiệp và công nghệ của Ấn Độ còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết, không thể nào đạt được mục tiêu lớn như vậy trong quãng thời gian chỉ hơn một thập kỷ. Ngay cả những nước công nghiệp phát triển cũng không dám đặt mục tiêu như vậy.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Truyền thông Bắc Kinh lần đầu tiên xác nhận Trung Quốc đã triển khai loại máy bay tiêm kích J-11B đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

tq1

Ảnh vệ tinh chụp ngày 29/03/2017 : Tiêm kích Trung Quốc J-11 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Biển Đông (Internet)

Theo báo Nhật Japan Times, số ra ngày 02/12/2017, mặc dù ảnh vệ tinh của các cơ quan quốc tế đã phát hiện máy bay Trung Quốc J-11B tại khu vực đảo Phú Lâm (Woody Island) vào năm 2016 và tháng 4/2017, nhưng mãi đến tuần này, truyền thông Bắc Kinh mới xác nhận về sự hiện diện nói trên.

Truyền hình Trung Quốc CCTV trong tuần phát đi những hình ảnh cho thấy máy bay tiêm kích J-11B hoạt động trong vùng Biển Đông, cất cánh, rồi đáp xuống sân bay trên đảo Phú Lâm mà Bắc Kinh gọi là đảo Vĩnh Hưng (Yongxing),.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh là những chiếc máy bay này được cất giữ trong một cơ sở có trang bị máy điều hòa nhiệt độ để bảo đảm chất lượng bảo quản. Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản ngày 01/12/2017 bình luận : nhà chứa máy bay có điều hòa nhiệt độ, sẽ cho phép thường xuyên đưa nhiều máy bay tiêm kích hơn đến khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Tờ báo này tin chắc là Bắc Kinh "sẽ xây dựng thêm những địa điểm cất giữ máy bay tương tự như cơ sở đã có trên đảo Tây Sa. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông".

Japan Times nhắc lại, trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã xây dựng một phi đạo, các nhà chứa máy bay, triển khai tên lửa địa đối không HQ-9 và thỉnh thoảng điều cả tàu có trang bị hệ thống chống tên lửa đến khu vực nhạy cảm này. Phú Lâm là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo có diện tích chưa đầy 3km2.

Từ 2012 Bắc Kinh thông báo đặt một đơn vị quân đội đồn trú tại Phú Lâm, lập ra thành phố Tam Sa, coi đấy là trung tâm hành chính của cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài khu vực Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, cho dù năm 2015 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo được Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa tên lửa và máy bay tiêm kích đến đảo Phú Lâm là bước đầu. Bắc Kinh sẽ có những kế hoạch tương tự ở Trường Sa.

Máy bay vận tải Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông

Cũng trong khu vực Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 02/12/2017 dẫn tin từ Hải Quân Trung Quốc cho biết một phi đội máy bay vận tại Y-9 tham gia một cuộc diễn tập ở Biển Đông. Bài tập là bay trên một hành trình hàng ngàn cây số, thả hàng hóa xuống một hòn đảo trong vùng Biển Đông. Thông cáo không nói rõ là đảo nào. Đây là lần đầu tiên loại máy bay vận tải có sức chở 25 tấn hàng do Trung Quốc chế tạo diễn tập đường xa. Giới quan sát ghi nhận : cuộc diễn tập hôm qua là cơ hội để Không Quân nước này thể hiện khả năng phòng thủ trên biển.

Biển Đông : Manila và Bắc Kinh tiếp tục đàm phán năm 2018

Theo ABS-CBN News, cuộc đàm phán chính thức và quan trọng tiếp theo giữa Bắc Kinh và Manila nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ được tổ chức sớm trong năm 2018. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ngày 02/12/2017 đã cho biết như trên.

Về phần mình, đại sứ Philippines Jose Santiago Sta. Romana, bên lề cuộc họp tại Manila nói rõ là cả hai bên đang thảo luận về thời điểm tổ chức. Ông hy vọng cuộc họp tham vấn song phương kế tiếp sẽ sớm diễn ra trong quý I/2018 tại Philippines và việc dàn xếp đang được tiến hành ở cấp thứ trưởng.

Vào tháng 5/2017, cả hai bên đã có một cuộc họp Tham vấn Song phương về Biển Đông đầu tiên tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Lãnh đạo ngoại giao của cả hai nước đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề tranh chấp nhậy cảm này.

Thanh Hà

Published in Châu Á

Theo hãng tin Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ hôm qua, 01/12/2017, cho biết một cựu nhân viên gốc Việt của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), từng làm việc trong đội hacker tinh nhuệ của cơ quan tình báo này, đã thừa nhận tội chiếm dụng trái phép các thông tin mật của NSA và lưu giữ những thông tin này trong máy tính cá nhân ở nhà.

nsa1

Trung tâm thu thập dữ liệu tình báo của NSA tại tiểu bang Utah, gần Salt Lake City, nơi luôn đauwợc bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh chụp ngày 12/04/2017 GEORGE FREY / AFP

Từ năm 2010 đến tháng 03/2015, cựu nhân viên có tên là Nghia Hoang Pho, 67 tuổi, công dân Mỹ sinh ở Việt Nam, khai nhận đã lưu giữ tại nhà riêng những tài liệu của chính quyền Mỹ, mà trong đó có chứa những thông tin quốc phòng tối mật.

Bị truy tố về tội này, ông Nghia Hoang Pho có thể lãnh án tù đến 10 năm. Tuy nhiên, ông không bị tống giam trong thời gian chờ bản án của tòa án quận Baltimore, dự kiến sẽ được tuyên vào ngày 6/4/2018.

Theo tờ New York Times, những tin tặc người Nga đã thông qua phần mềm chống virus tin học Kaspersky ( cũng của Nga ) để xâm nhập vào máy tính của ông Nghia Hoang Pho và đánh cắp các tập tin và các chương trình mà cơ quan NSA phát triển để ông sử dụng vào các hoạt động tin tặc của chính ông.

Theo Reuters, đây là nhân viên thứ ba của cơ quan NSA bị truy tố trong vòng hai năm qua vì tội chiếm dụng các thông tin tối mật.

Tháng 10 năm ngoái, tờ The Wall Street Journal loan tin rằng những tin tặc người Nga cũng đã thông qua phần mềm của Kaspersky để đánh cắp các tài liệu mật từ một nhân viên của NSA.

Sau vụ này, chính quyền Mỹ đã cấm sử dụng phần mềm chống virus Kaspersky trong các máy tính của chính phủ, đồng thời cảnh báo rằng công ty Kaspersky bị nghi có liên vệ với cơ quan tình báo Nga. Cho tới nay Kaspersky vẫn bác bỏ cáo buộc đó.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Làm cách nào để bịt miệng người bảo vệ môi trường ?

Đức tròng trành, Châu Âu nghiêng ngửa, Daesh diệt đạo Hồi, Hun Sen mua phiếu đối lập, dương tính với HIV ở thế kỷ 21 là những chủ đề lớn của các tuần báo Pháp. Riêng Courrier International phối hợp với Ân Xá Quốc Tế trình bày "cái giá phải trả" của những nhà tranh đấu vì nhân quyền và môi trường trên khắp nẻo địa cầu.

bit1

2,9 triệu người trên thế giởi tử vong vì ô nhiễm môi trường. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới năm 2013. Clément GUILLAUME/Getty Images

Gương mặt xinh xắn của bé gái chừng một tuổi, âu lo, trước mũi kim tiêm được L’Express đưa lên trang bìa kèm với tựa : Sự thật về thuốc chủng ngừa. Luật y tế thay đổi : Kể từ 01/01/2018 , 11 kháng nguyên (cuả 11 loại bệnh truyền nhiễm) được pha chung trong một mũi tiêm. Tài liệu y tế của L’Express giải thích vì sao cha mẹ không nên lo ngại. Ngày quốc tế chống bệnh liệt kháng SIDA/AIDS, mồng 1 tháng 12, là hồ sơ y tế thứ hai trong tuần, được L’Obs, dành nhiều trang giới thiệu và phỏng vấn các nhân chứng.

Nhân quyền : Từ phiên tòa dàn dựng…

Về thời sự quốc tế, tuần báo Courrier International, gửi đến độc giả hai hồ sơ nóng : Nguy cơ Châu Âu rạn nứt vì khủng hoảng chính trị tại Đức và cái giá mà các nhà tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới phải trả.

Hồ sơ 12 trang được tổ chức Ân Xá Quốc Tế công bố trên Courrier International gồm các bài tường thuật, phân tích và phỏng vấn nhân chứng, những người chấp nhận tù đày, tra tấn chỉ vì tâm nguyện "bảo vệ môi trường và quyền sống con người không phải là tội ác". Trước hết là trường hợp Trung Quốc :

Trong phần dẫn nhập, sự kiện luật sư Giang Thiên Dũng (Jiang Tian Yong) phải lãnh án 2 năm tù với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền", sau một phiên tòa giả hiệu, một lần nữa cho thấy chế độ Tập Cận Bình siết chặt bàn tay sắt.

Nhưng không phải chỉ ở Trung Quốc không gian tự do mới bị thu hẹp. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 11 nhà hoạt động nhân quyền trong đó có giám đốc Ân Xá Quốc Tế bản địa vừa ra khỏi nhà giam, hoặc Taner Kilic, chủ tịch một tổ chức Phi chính phủ, đang chờ lãnh án có thể lên đến 15 năm tù, là một sự bất công làm uất nghẹn. Ân Xá Quốc Tế tung chiến dịch "10 ngày vận động chữ ký" kể từ 01 tháng 12 để chứng tỏ "bảo vệ nhân quyền không phải là tội ác".

... cho đến vu khống trắng trợn

Không phải chỉ những nhà họat động đơn lẽ bị đàm áp mà ngay bản thân của đại diện Ân Xá Quốc Tế cũng trả giá nặng. Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mức độ tàn nhẫn của chế độ, cho dù thâm tâm kẻ thừa hành cũng biết chính nghĩa nằm trong tay người bị tra tấn.

Các chế độ độc đoán bịt miệng các nhà đấu tranh như thế nào ? Idil Eser, một phụ nữ lớn tuổi, giám đốc Ân Xá Quốc Tế ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa được thả vào ngày 25 tháng 10 sau 4 tháng tù cho biết "tội"của bà như sau : tham dự một cuộc hội thảo do một hiệp hội nhân quyền "Cương lĩnh công dân" tổ chức về chống căng thẳng thần kinh, huấn luyện cho các nhà họat động nhân quyền. Bởi vì khi lắng nghe lời kể của nạn nhân bị đàn áp, người nghe cũng bị "stress lây lan". Do vậy phải học cách hóa giải. Thế mà an ninh Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội bà và những người tham gia hội thảo là "gián điệp". Vấn đề là công an biết rõ sự thật không phải vậy và gọi bà là "bà nội khủng bố". Điều làm cho chế độ này lo sợ là có người tìm hiểu về những vi phạm nhân quyền.

Thấp cổ nhưng không bé miệng thì… đi tù

Trường hợp ông nông dân tên Raleva ở Madagascar rất đáng được suy gẫm. Lên tiếng đòi một công ty Trung Quốc khai thác vàng trình giấy phép khai thác trên đất của mình trong một buổi họp vào tháng 9, nhà nông 62 tuổi này bị viên quận trưởng bắt nhốt và cho đến ngày 26/10 bị kết án 2 năm tù với tội danh "lạm dụng danh nghĩa quận trưởng".

Theo Ân Xá Quốc Tế, nhiều nhà họat động bảo vệ môi trường ở Madagascar chịu chung số phận trong những năm trở lại đây : bảo vệ động vật hoang dã, gỗ quý thì bị các con buôn Trung Quốc dùng tiền mua chuộc quan chức địa phương kết tội ngược lại là "vi phạm luật bảo vệ môi trường, buôn lậu động vật thực vật quý hiếm".

Bị giam vì "đe dọa hòa bình"

Còn ở Trung Đông, trường hợp của Issa Amro, một nhà hoạt động Palestine chỉ biết kêu trời nếu không có một nhật báo Israel Ha Aret, báo động : chỉ vì tham gia phong trào bất bạo động chống Israel chiếm đất mà Issa Amro có thể bị kêu án 10 năm tù. Vấn đề là trước đó, nhà tranh đấu này đã bị chính quyền Palestine tống giam với tội danh "có hành động đe dọa hòa bình.

Đồng tiền của thủ tướng Cam Bốt

Courrier International không quên thời sự Cam Bốt. Trong những tuần qua, chính quyền Hun Sen từng bước tiêu diệt đối lập và các tổ chức dân sự bị xem là nguy hiểm cho đảng cần quyền. Người hùng liên tục cai trị xứ Chùa Tháp từ 32 năm nay mạnh hay yếu, thủ đoạn ra sao ?

Bài gốc của Asia Times Online "Thủ tướng Cam Bốt mua phiếu đối lập". Sau khi cáo buộc đối lập tiến hành một cuộc "cách mạng màu" và lấy cớ để giải tán đảng Cứu Nguy Dân Tộc, đảng Nhân Dân của ông Hun Sen tung đòn mua phiếu cử tri đối lập với hai biện pháp mềm : tăng lương và cho tiền. Trung tuần tháng 11, thủ tướng Hun Sen tặng cho công nhân một hãng dệt mỗi người một phong bì số tiền tương đương với 2 đôla kèm theo lời hứa giảm thuế cho công nhân viên mà lương tháng dưới 250 đôla. Đổi lại, Hun Sen kêu gọi bỏ phiếu cho đảng của ông trong cuộc bầu cử 2018.

Vì sao, sau 32 năm cầm quyền liên tục, người hùng Cam Bốt sử dụng thủ đoạn mua phiếu trắng trợn ? Về mặt chính thức, đảng Nhân Dân là đảng lớn mạnh nhất xứ Chùa Tháp với 5,3 triệu đảng viên. Thế nhưng trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 6/2017, đảng Nhân Dân chỉ thu được 3,5 triệu phiếu trên tổng số 9,8 triệu cử tri, cho dù đã có "dấu hiệu bất bình thường", tức gian lận, như lời tố cáo của đối lập, nhiều tổ chức phi chính phủ. Theo dự báo của giới phân tích, nếu bầu cử 2018 diễn ra bình thường, Hun Sen sẽ mất đa số ở Quốc hội và do vậy chiếc ghế thủ tướng sẽ vào tay đối lập.

Berlin hắt hơi, thế giới cảm cúm

Trở lại thời sự Châu Âu. Bên cạnh bức hí họa thủ tướng Angela Merkel ôm vỉ trứng, mỗi quả trứng là một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, chân trượt vỏ chuối, Courrier International tóm lược nhận định chung của giới chuyên gia : bị kẹt không lập được nội các, thủ tướng Đức mất vai vế lãnh đạo Châu Âu và hệ quả của vận xui này.

Macron, Merkel hai nhà lãnh đạo Pháp Đức tràn ngập các trang báo tuần. Nhìn từ Luân Đôn, The Spectator, ủng hộ Brexit nhận định : Không có Merkel, Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ tan rã". Cả báo chi Đức cũng bi quan : "Khi Berlin hắt hơi, thế giới cảm cúm, tựa của Süddeutsche Zeitung, bản tiếng Pháp trên Courrier International.

Tuy nhiên, không phải nhà bình luận nào cũng bi quan : "Đã đến phiên ông đó, Macron ạ !" Der Tagesspiegel thấy trong cái rủi có cái may : Thất bại của bà Merkel không lập được nội các liên hiệp với đảng Tự Do là vận hội tốt cho Pháp và dự án tái cấu trúc Liên Hiệp Châu theo hướng dân chủ hơn do tổng thống Macron đề nghị. Bởi vì, đảng Tự Do (kể cả lúc chủ tịch gốc Việt Phillip Rosler làm phó cho bà Merkel trong chính phủ) luôn ngăn chặn mọi dự án dân chủ hóa Liên Hiệp Châu Âu sao cho gần gũi với nguyện vọng của người dân mỗi nước, tức là thêm quyền hạn cho nghị viện quốc gia.

Nhìn từ Paris, tuần báo L’Express tin tưởng Angela Merkel "luôn đứng vững" nhưng phải đối đầu với cuộc thử thách lơn nhất cuộc đời chính trị. Cuộc khủng hoảng hiện nay còn cho thấy trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thiếu người kế nghiệp có tầm cỡ.

Hồi giáo là nạn nhân của đạo hữu u mê

Nhìn sang Trung Cận Đông, với tựa "Daesh muốn tiêu diệt tâm linh Hồi giáo", trên tuần báo L’Obs, chuyên gia Eric Geoffroy giải thích vì sao tổ chức Nhà Nước Hồi giáo tấn công thảm sát tín đồ Soufi ở Ai Cập. Lý do chỉ vì hệ phái đạo Hồi chủ trương phát triển tâm linh hòa bình và tình yêu nhân loại. Cũng cùng chủ đề, bài xã luận của Le Point phân tích hiện tượng người Hồi giáo là nạn nhân của Hồi giáo chính trị. Chính xác thì tín đồ hệ phái Shia là nạn nhân của thành phần cực đoan trong hệ phái Sunni. Hệ phái này do Saudi Arabia làm lãnh tụ. Le Point đặt câu hỏi, liệu thái tử nối ngôi của Saudi Arabia, Mohamad Ben Salman, có thể cùng tổng thống Ai Cập al Sissi, cứu được đạo Hồi thoát khỏi kẻ thù là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hay không ? Hay tiếp tục đắm chìm trong trận thế lừa đảo vừa chống khủng bố vừa dung dưỡng những Ben Laden và thừa kế.

SIDA : phẫn nộ và hy vọng

Ngày 01 tháng 12 hàng năm là ngày Quốc Tế Chống Sida. Mang bệnh liệt kháng ở năm 2017 này, có phương thuốc cầm cự, nhưng đời sống xã hội của người bị dương tính với HIV có thay đổi gì không ?

L’Obs giới thiệu quyển sách mà nhân chứng là một nhóm nạn nhân của HIV, từ tuổi đôi mươi cho đến hơn 60 trong đó có một người gốc Việt 62 tuổi muốn phát biểu tâm trạng.

Tất cả đều có một nhận xét chung : bị vướng HIV từ lâu nhưng ở năm 2017 này vẫn còn phải che dấu mọi người. Cho dù y khoa tiến triển nhanh, tìm ra phương thuốc hiệu nghiệm virus, cho phép nạn nhân hy vọng nhìn về tương lai, nhưng Sida vẫn tiếp tục bị xem là " chuyện cấm kỵ" ngay đối với chính nạn nhân.

Florence, 51 tuổi, nhiễm siêu vi từ năm 1996 tâm sự : "Nhờ phương thức trị liệu phối hợp, sức khỏe tôi bình thường. Tuy nhiên , trong cái nhìn của người ngoài thì "không bình thường chút nào".

Còn ông Phong, 62 tuổi, không có vẻ gì đau ốm cho biết : "Rời Việt nam năm 1975, mất tất cả. Tại Pháp, tôi thấy một số bạn bè tôi lần lượt bị đốn ngã. Trong nỗi tang tóc này, đến phiên tôi bị HIV. Ngày nay, sức khỏe phục hồi nhờ thuốc hiệu nghiệm, tôi tranh đấu để bảo vệ ký ức của mọi nạn nhân".

Xin kết thúc bài điểm tuần báo với niềm hy vọng này. Đối với độc giả ham học, Le Point giới thiệu loạt bài tìm hiểu về thông minh nhân tạo, về phương pháp mà mục tiêu dạy toán của Singapore. Trong khi đó L’Express cho biết, vì thiếu tiền, tham vọng chinh phục không gian của nhân loại với "trạm sao hỏa" tạm đình hoãn. Nói cách khác, chúng ta sẽ chứng kiến con người quay trở lại mặt trăng.

Cũng như thông lệ, các tuần báo Pháp tràn ngập phần giải trí cuối tuần : Trong số sách được điểm của quyển Le sympathisant - Cảm tình viên, của tác giả Mỹ gốc Việt Nguyễn Việt Thanh được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Còn độc giả thích món ngon giản dị có thể nếm món cá rô phi chiên, rán, của đầu bếp Nhật Bản Kei Kobayashi ở quận Một, Paris. L’Express, trang thể thao chú ý tới chi phí Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga sẽ tốn kém kỷ lục với 10,1 tỷ đôla và nguy cơ thua lỗ không tránh khỏi.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Nan giải hồ sơ Bắc Triều Tiên

Qua hàng tựa "Hồ sơ nan giải Bắc Triều Tiên", báo Le Figaro muốn nhấn mạnh đến sự bất lực của cộng đồng quốc tế truớc mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và coi đó là bài học trong việc xử lý hồ sơ Iran.

hoso1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un được các nhà khoa học giới thiệu các nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phát hành ngày 03/09/2017. KCNA/via  Reuters

Bình Nhưỡng tiến hành nhiều vụ thử tên lửa tầm xa, nhưng mối đe dọa của Bắc Triều Tiên lại không tuân thủ các quy luật về đạn đạo, sau khi lên đến đỉnh cao nhất thì bắt đầu đi xuống.

Trình độ công nghệ của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa đạn đạo không ngừng được cải thiện và hôm qua 29/11/2017, sau khi thực hiện vụ thử tên lửa lần thứ 20 trong năm nay, Bình Nhưỡng chính thức "gõ cửa" câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí nguyên tử.

Tất cả các đối sách của Hoa Kỳ, kể cả lời đe dọa của Donald Trump nghiền nát Bắc Triều Tiên, không ngăn cản được Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử.

Trước tình thế này, có hai xu hướng. Những người lạc quan thì cho rằng sau khi Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân thì tình hình sẽ yên ổn hơn, như trường hợp Ấn Độ, Pakistan. Sau khi có vũ khí bảo đảm sự tồn vong của chế độ và tránh phải hứng chịu số phận như Kadhafi, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ điềm tĩnh hơn. Trong khi đó, những người bi quan thì lo ngại là một khi có vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên có thể có những hành động phiêu lưu mạo hiểm khác.

Theo Le Figaro, cho đến lúc này, Kim Jong-un luôn luôn tỏ ra có lý trí, biết tính toán, làm chủ được mức độ và thời điểm khiêu khích. Tuy nhiên có một ẩn số là phản ứng của Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ đã nhiều lần hứa hẹn là những gì đang xẩy ra sẽ không bao giờ tái diễn. Và không thể loại trừ khả năng tổng thống Mỹ cũng như lãnh đạo Bắc Triều Tiên "hiểu lầm" nhau.

Le Figaro kết luận, sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Bắc Triều Tiên phải là một bài học trong việc xử lý hồ sơ Iran. Donald Trump đang nôn nóng muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Thế nhưng, trường hợp Bắc Triều Tiên cho thấy là trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, thì thà có một hiệp định chưa hoàn hảo còn hơn là không có thỏa thuận gì.

Trung Quốc : Cơ sở hạt nhân 816 - sự lãng phí "mồ hôi và xương máu"

Bên cạnh bài xã luận, Le Figaro dành nhiều trang bài bên trong cho hồ sơ hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, đồng thời giới thiệu bài viết về một "cơ sở hạt nhân tuyệt mật của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông".

Cơ sở hạt nhân 816, nằm dưới lòng đất ở Phù Lăng, cách Trùng Khánh, miền tây-nam Trung Quốc 2 giờ chạy xe, là một trong những dự án quân sự tham vọng nhất của Mao Trạch Đông, một bí mật mà chính phủ Trung Quốc giữ kín trong nhiều thập kỷ.

Năm 1966, Mao Trạch Đông lo sợ Trung Quốc bị Liên Xô và Mỹ tấn công quân sự nên đã quyết định cho xây dựng một cơ sở hạt nhân ngầm để sản xuất chất plutonium 239 phục vụ việc chế tạo bom nguyên tử. Theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, đường hầm phải chống đỡ được hàng chục ngàn tấn chất nổ và các trận động đất mạnh 8 độ trên thang Richter. Với diện tích 100.000m2, tương đương diện tích của 14 sân bóng, dài hơn 2 km, 816 là đường hầm nhân tạo dài nhất thế giới. Nhiều khu vực hầm cao tới 80m. Việc thi công được giữ tuyệt mật.

816 được thi công trong suốt 18 năm, với số nhân công lên tới 60.000 người, trong đó có 20.000 quân nhân và giới tinh hoa khoa học của Trung Quốc. Le Figaro cho biết theo số liệu chính thức, 76 người đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng cơ sở 816, nhưng nhiều nhân chứng kể lại rằng điều kiện lao động vô cùng kham khổ nguy hiểm và con số nạn nhân phải lên tới hàng ngàn.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, sự hy sinh của các nạn nhân là vô ích vì công trình chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Vào năm 1984, Bắc Kinh cảm thấy nguy cơ bị tấn công quân sự giảm nên đã quyết định từ bỏ dự án 816, khi đó đã được hoàn thành 85% với chi phí tương đương 10 tỉ euro. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, tăng trưởng kinh tế được coi là ưu tiên. Nhiều cơ sở quân sự được cải tạo thành nhà máy dân sự. Vào năm 2010, 816 chính thức trở thành một địa điểm du lịch.

Le Figaro dẫn lời một cựu quan chức Trung Quốc gọi cơ sở hạt nhân 816 là một sự lãng phí "cả mồ hôi và xương máu" của người dân nước này.

Bangladesh"cái bẫy" cho người Rohingya

Hồ sơ về cuộc khủng hoảng người Rohingya vẫn là một trong những chủ đề nóng trên các báo Pháp số ra ngày hôm nay, đặc biệt là báo Libération. Đáng chú ý là phóng sự của đặc phái viên Laurence Defranoux từ Bangladesh trong bài viết "Người Rohingya ở Bangladesh và cái bẫy".

Trốn chạy sang Bangladesh từ vài chục năm trước, nhưng hàng chục ngàn người Rohingya Miến Điện đến nay lại bị cả người dân bản địa và người tị nạn Rohingya mới cáo buộc là "lạm dụng" sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo. Trong khi đó, chính phủ Bangladesh vẫn làm mọi chuyện để ngăn không cho họ hòa nhập vào cuộc sống tại nước này.

Bangladesh, một quốc gia nghèo và đông dân, không ký Công ước quốc tế về người tị nạn năm 1951. Chính quyền nước này coi người Rohingya là những người Miến Điện sống lưu vong và không muốn họ hòa nhập vào xã hội hay hòa đồng với người bản địa.

30.000 người người Rohingya đã đăng ký tị nạn ở Bangladesh sinh sống trong hai trại Kutupalong và Nayapara nhưng không có quyền làm việc, không được phép tự do đi lại trong vùng. Họ sống nhờ vào trợ cấp của các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quốc tế. Nhiều người phải bỏ đi xa, giả mạo giấy tờ để được làm việc, học hành. Điều kiện sống của họ rất khó khăn, quan hệ của họ với người bản địa cũng không tốt đẹp. Họ còn bị người dân Bangladesh kỳ thị là "đểu giả", "muốn có mọi thứ mà không mất tiền".

Nhưng một cuộc sống như vậy vẫn là mơ ước của 200.000 người Rohingya chưa được đăng ký xin tị nạn và 620.000 người mới chạy sang Bangladesh trong ba tháng gần đây. Nhiều người tị nạn mới còn còn chỉ trích những người cũ là quá "lão luyện" trong việc xin đồ cứu trợ và tranh hết phần của họ, thậm chí là để bán lại.

Trung Quốc và "âm mưu chia rẽ Châu Âu"

Cũng giống như nước Mỹ của tổng thống Georges Bush cách đây 15 năm, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã hiểu rằng có "hai Châu Âu" vào đầu thế kỷ XXI : một "Châu Âu cũ", già nua và một "Châu Âu mới". "Châu Âu cũ" có vẻ cứng rắn, đầy định kiến, muốn bảo vệ quá khứ vẻ vang từng có. Còn "Châu Âu mới" được hình thành từ nền tảng "Châu Âu cũ", nhưng khao khát tiến bộ hơn và ít so đo, tính toán hơn "Châu Âu cũ", đồng thời cũng có nhu cầu tìm kiếm các đối tác mới.

Trên báo Le Monde, phóng viên Sylvie Kauffmann nhận định "Trung Quốc thích Châu Âu mới" nên đã chọn "Châu Âu mới" làm đối tác ưu tiên, coi đó một đầu cầu để với tới "Châu Âu cũ"hiện vẫn "ra vẻ rất quý tộc" và "giữ khoảng cách".

Công cuộc "xích lại gần Châu Âu" bắt đầu từ năm 2011, tại một diễn đàn kinh tế ở Budapest, thủ đô Hungary, diễn ra theo đề xuất của Bắc Kinh, với các nước Trung Âu và Đông Âu. Từ năm 2012, diễn đàn trở thành Thượng đỉnh 16+1 và được tổ chức thường niên. Năm nay, thượng đỉnh 16+1 vừa kết thúc tại Budapest.

Bà Nadège Rolland, chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức tư vấn Mỹ National Bureau of Asian Research nhận định mục tiêu của Bắc Kinh là tập hợp các nước hậu chế độ Cộng Sản để thiết lập lại khối Đông Âu và đặt dưới sự bảo trợ của Trung Quốc.

Trung Quốc thời Tập Cận Bình tin rằng thượng đỉnh 16+1 và dự án "Một vành đai, một con đường" có lợi cho cả đôi bên. Phần nổi của con đường tơ lụa mới đương nhiên là các con đường, nhưng không chỉ có vậy, mà còn có rất nhiều tuyến tàu, hải cảng, trung tâm năng lượng, nói tóm lại là hạ tầng cơ sở. Và tín dụng. Vì thế, con đường tơ lụa mới rất thu hút các nước, từ Trung Quốc tới Châu Âu, từ Trung Á sang Đông Âu.

Các nước Trung Âu là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu hàng năm đều được nhận kinh phí phát triển do Liên Hiệp cấp : chẳng hạn riêng Ba Lan được cấp 15 tỉ euro/năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn cho rằng nguồn tài chính của Trung Quốc vẫn được các quốc gia Trung Âu chào đón. Còn chuyên gia Nadège Rolland cảnh báo : "Mục tiêu của Trung Quốc chủ yếu là về địa chính trị : củng cố ảnh hưởng ở vùng đệm giữa Châu Á và Châu Âu."

Liệu Trung Quốc có thể đạt muc tiêu đó không ? Phóng viên Sylvie Kauffmann nhận định việc mở các tuyến đường sắt và phát triển hạ tầng cơ sở là không đủ cho giấc mơ của Trung Quốc, nhất là khi các dự án trên bị chậm trễ trong thi công. Khoản tiền đầu tư 3 tỉ euro mà thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa với Budapest vẫn còn rất mơ hồ, thiếu minh bạch.

Đúng là Trung Quốc không áp đặt các nước này đón nhận người tị nạn, không áp đạt họ phải tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Nhưng Bắc Kinh lại trông chờ là các đối tác tôn trọng các lợi ích trung tâm của Trung Quốc, thậm chí bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong hồ sơ về Biển Đông, Hungary, Hy Lạp, Croitia và Slovenia đã gây áp lực để Liên Hiệp dịu giọng khi tuyên bố về phán quyết của tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye vào năm 2016.

Thủ tướng Hungary Victor Orban, vốn bị Liên Hiệp Châu Âu coi là một "người con tồi tệ" của "Châu Âu mới", tán dương Trung Quốc : "Con đường tơ lụa mới là một thể thức toàn cầu hóa mới mà không gây chia rẽ thế giới và được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi". Liên Hiệp Châu Âu lại có quan điểm ngược lại.

Lãnh đạo của các nước "Châu Âu cũ" và Liên Hiệp đều có cái nhìn ngờ vực về thượng đỉnh 16+1, thậm chí một số còn tỏ ra bực tức về "sự buông lỏng" của các nước trong khu vực này. Ngoại trưởng Đức Gabriel Sigmar gọi đó là "một âm mưu nhằm chia rẽ Châu Âu".

Tác giả bài viết nhấn mạnh là chính các lãnh đạo này đã từng "mở rộng vòng tay" tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc vào khu vực giàu có nhất của Liên Hiệp. Chính vì thế, thời gian gần đây, Châu Âu phải tìm cách bảo vệ trước hết là các lĩnh vực chiến lược của Liên Hiệp khỏi sự đầu tư quá mạnh tay của Bắc Kinh. Tuy nhiên, đã là quá muộn để Châu Âu bảo vệ được một số lĩnh vực như truyền thông, năng lượng !

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều chủ đề, từ thời sự trong nước tới thời sự quốc tế. Nhật báo Le Monde chạy tít : "Sức khỏe : mức vượt giá khám chữa bệnh đạt kỷ lục" và cho biết người dân Pháp ngày càng khó tìm được một bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, khám bệnh với mức giá theo quy định của "bảo hiểm y tế".

Về thời sự quốc tế, Le Figaro cho biết "Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang về hạt nhân", còn báo kinh tế Les Echos quan tâm tới Liên Hiệp Châu Âu qua hàng tựa "Brexit : một thỏa thuận đã được Luân Đôn và Bruxelles phác ra". Trong khi đó báo Libération dành trang nhất cho "Bitcoin, đồng tiền khiến người ta phát điên". Chỉ trong vài tháng, giá trị đồng Bitcoin đã tăng gấp 10 lần và cán mốc 10.000 đô la vào ngày hôm qua. 

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á

Macron muốn đổi mới quan hệ Pháp-Phi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du Châu Phi và dự thượng đỉnh Âu-Phi lần thứ 5. Đây là chủ đề chính được nhiều báo Pháp đưa lên trang nhất.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với sinh viên ở đại học Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 28/11/2017 - Reuters/Philippe Wojazer

La Croix chạy tựa : "Macron tại Châu Phi, đánh cược vào giới trẻ". Trong khi đó, trang nhất của Libération đề cập đến "Màn trình diễn của Macron tại Châu Phi" và nêu ra "Sáu chủ đề ưu tiên đối với điện Elysée" nhân chuyến công du Châu Phi của tổng thống Macron.

Trước hết là vấn đề giáo dục. Tổng thống Macron cho rằng nước Pháp chưa có một chính sách thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết với Châu Phi trong lĩnh vực giáo dục. Do vậy, ông đề nghị gia tăng quan hệ đối tác giữa các trường đại học Pháp và Châu Phi, lập một dạng thị thực nhập cảnh dành cho các tài năng Châu Phi, cho phép hàng ngàn sinh viên Châu Phi tới Pháp theo học.

Ưu tiên thứ hai là vấn đề dân số. Không ngần ngại đụng chạm đến chủ đề nhậy cảm, tổng thống Pháp khẳng định lại rằng không thể phát triển nếu tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề thứ ba là đấu tranh chống tệ nạn buôn người. Nhân hội nghị thượng đỉnh Âu-Phi, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra sáng kiến chống lại chiến lược của những kẻ buôn người và tấn công vào các tổ chức tội phạm.

Ưu tiên thứ tư là chống khủng bố. Tuy vậy, trong bài diễn văn tại đại học Ouagadougou, tổng thống Pháp lại tập trung nói đến cuộc đấu tranh chống "chính sách ngu dân" mà ông cho là còn đáng gờm hơn là khủng bố. Đồng thời, ông cũng khẳng định lại sự ủng hộ đối với quân đội Pháp hiện diện tại Châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chủ đề thứ năm liên quan đến kinh tế, đặc biệt là đồng CFA (Cộng đồng tài chính Châu Phi), một trong những đồng tiền cuối cùng còn sót lại từ thời thực dân vẫn lưu hành và liên quan đến cuộc sống của 155 triệu người dân Châu Phi. Chưa bao giờ, một nguyên thủ Pháp lại bày tỏ thái độ rõ ràng như vậy về tương lai đồng tiền CFA : đây không phải là chủ đề thời sự tại Pháp, thậm chí, ông ủng hộ việc đổi tên đồng tiền này và mọi cải cách tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo khu vực đồng CFA.

Sau cùng, nguyên thủ Pháp thông báo 2020 là năm của "mùa văn hóa Châu Phi" tại Pháp. Đồng thời, ông cũng mong muốn là trong vòng 5 năm tới, sẽ hội tụ đầy đủ các điều kiện cho phép hoàn trả tạm thời hoặc trao trả hẳn các di sản văn hóa của Châu Phi hiện nằm trong các bảo tàng của Châu Âu.

Trang nhất của Le Figaro đưa tin : "Macron muốn Châu Âu dấn thân nhiều hơn tại Châu Phi". Trong buổi nói chuyện với sinh viên đại học Ouagadougou, Burkina Faso, hôm qua, nguyên thủ Pháp đề xuất một tầm nhìn đổi mới về quan hệ giữa Pháp và Châu Phi, quan hệ đối tác mới cởi mở với Châu Âu, chú trọng tới giới trẻ.

Trong bài xã luận "Âu-Phi", Le Figaro cho rằng tại đại học Ouagadougou, ông Macron đã có một bài phát biểu thành công, thẳng thắn và đổi mới, đồng thời, nguyên thủ Pháp cũng nói rõ : ông tới đây không phải để đưa ra hay nhận các bài học, thời kỳ thực dân gây ra các tội ác nhưng cũng làm được nhiều việc lớn. Truyền thống văn hóa của Châu Phi là tôn trọng các thế hệ tiền bối nhưng giới lãnh đạo trẻ cũng phải được lắng nghe, cần phải nói chuyện với giới trẻ. Ông khẳng định với các sinh viên Châu Phi : Các bạn và tôi, chúng ta hiểu nhau.

Theo Le Figaro, tổng thống Pháp chỉ trích những ai muốn tiếp tục làm chính trị như trước. Phải đẩy lùi quá khứ và chính sách Pháp-Phi theo kiểu thực dân, coi Châu lục này là sân sau của Pháp không tồn tại nữa và người Châu Phi phải tự nắm vận mệnh của mình.

Đối với Macron, Châu Phi là nơi va chạm tất cả các thách thức đương đại, đặc biệt là khủng bố và nạn di dân và thách thức này liên quan đến tất cả mọi người. Dường như nguyên thủ Pháp tỏ ra khó chịu về sự nhút nhát, ngần ngại của Châu Âu tại Châu Phi. Nước Pháp không muốn một mình đi tiên phong, đương đầu với các thách thức ở Châu Phi nữa. Ông Macron muốn nước Pháp dấn thân, đảm trách vai trò phối hợp, làm trung gian giữa hai Châu lục. Phải chấm dứt chính sách Pháp-Phi cổ hủ, đã đến lúc phát huy quan hệ Âu-Phi.

Thế nhưng theo Le Figaro, ông Macron sẽ phải rất nỗ lực thì mới có thể lay chuyển được các thói quen. Đó là thói quen của Châu Âu vốn luôn luôn ẩn nấp sau Pháp trong các vấn đề Châu Phi. Mặt khác, có hai lĩnh vực vẫn ngự trị trong quan hệ Pháp-Phi là kinh tế và quân sự. Về kinh tế, khó có thể xóa bỏ một số lô-gích và mạng lưới lợi ích. Về quân sự, thì các quyết định tùy thuộc vào thực tế tình hình.

Nepal và Pakistan không muốn Con đường tơ lụa mới

Nhìn sang khu vực Châu Á, Le Monde có bài nói về "Những thất bại của Bắc Kinh trong dự án Con đường tơ lụa".

Con đường tơ lụa mới, sáng kiến ngoại giao của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thuận buồn xuôi gió như Bắc Kinh mong muốn. Trong bài "Những thất bại của Bắc Kinh trong dự án Con đường tơ lụa", Le Monde cho biết, trong những tuần qua, Nepal và Pakistan đã hủy bỏ các dự án của Trung Quốc xây đập thủy điện tại 2 quốc gia này.

Hai thất bại này cho thấy các phương pháp của Bắc Kinh làm dấy lên nhiều chống đối. Trên mạng xã hội Twitter, phó thủ tướng Nepal, ngày 13/11 thông báo, là chính phủ nước này từ bỏ dự án đập thủy điện 2,5 tỷ đô la mà một tập đoàn Trung Quốc lẽ ra sẽ tiến hành. Quan chức này cho biết là cuộc họp của chính phủ Nepal kết luận rằng thỏa thuận được ký kết với tập đoàn Trung Quốc Cát Châu Bá (Gezhouba Group) liên quan đến dự án thủy điện Budhi Gandaki đã được thông qua mà không có suy nghĩ kỹ càng, có nhiều điểm bất thường. Trong khi đó, một ủy ban của nghị viện Nepal chỉ trích sự thiếu minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu.

Trường hợp của Pakistan thì không triệt để như vậy. Islamabad quyết định tiếp tục thực hiện dự án đập thủy điện Diamer-Bhasha. Tuy một tập đoàn Trung Quốc sẽ thực hiện, nhưng Pakistan sẽ tự huy động 14 tỷ đô la mà không cần đến tài trợ của Trung Quốc. Đồng thời, Pakistan cũng đề nghị Trung Quốc gạt bỏ dự án này ra khỏi khuôn khổ chương trình lập "vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan", tên gọi của dự án Các con đường tơ lụa mới tại Pakistan. Sở dĩ Pakistan khước từ tài trợ của Trung Quốc vì Bắc Kinh đòi làm chủ sở hữu đập thủy điện này, làm chủ việc bảo trì đập và có quyền đối một dự án đập thủy điện khác trong trường hợp Islamabad không đủ khả năng trả nợ.

Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên đối với Bắc Kinh. Ngày càng có nhiều dự án, như xây đập thủy điện, tàu cao tốc bị người dân ở địa phương phản đối. Trước đây tại Miến Điện, dự án đập thủy điện Myitsone mà lẽ ra, một tập đoàn Trung Quốc khởi công từ năm 2011, cũng đã bị đình chỉ do người dân ở đây phản đối mạnh mẽ. Dự án đã bị hoãn lại nhiều lần và tương lai không sáng sủa.

Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức về quyết định của Nepal và Pakistan. Theo Le Monde, đây là chủ đề nhậy cảm. Báo Le Monde đã liên lạc với 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc để hỏi về chủ đề này nhưng tất cả đều từ chối trả lời. Một người trong số này còn lấy làm tiếc là đã nói về vấn đề này và nhấn mạnh, ông không thể nói gì chừng nào chưa có phản ứng chính thức và công khai của Bắc Kinh.

Tại Miến Điện, giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc

Các báo Pháp cũng chú ý đến chuyến tông du Miến Điện của đức giáo hoàng Francis. La Croix đưa tin : "Tại Miến Điện, giáo hoàng ủng hộ mạnh mẽ Aung San Suu Kyi". Chấp nhận không nhắc đến từ Rohingya, một chủ đề nhậy cảm ở nước này, giáo hoàng Francis bày tỏ thái độ ủng hộ tiến trình hòa giải đang diễn ra ở Miến Điện và ngài nhấn mạnh đến sự "tôn trọng mọi sắc tộc, bản sắc của họ, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và trật tự dân chủ".

Theo nhận định của Nicolas Senèze, đặc phái viên báo La Croix tại Miến Điện thì câu hỏi đặt ra là liệu những lời kêu gọi của giáo hoàng có được giới lãnh đạo quân sự Miến Điện lắng nghe hay không ?

Theo cùng hướng này, Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Tại Miến Điện, Francis kêu gọi tôn trọng tất cả các nhóm sắc tộc".

Trị ung thư phổi, Pháp cho dùng Keytruda

Les Echos đưa tin : "Chữa trị ung thư phổi, giải pháp thay thế hóa trị đổ bộ vào Pháp".

Sau nhiều tháng đàm phán, tập đoàn dược phẩm Mỹ Merck, thông qua chi nhánh MSD tại Pháp, đã đạt được thỏa thuận về chi phí thanh toán thuốc chữa trị ung thư phổi Keytruda. Cơ quan chịu trách nhiệm định giá các sản phẩm y tế đã chấp nhận Keytruda là thuốc ưu tiên sử dụng trong việc chữa trị ung thư phổi bị di căn. Chi phí sẽ là 6000 euro mỗi tháng, cho mỗi bệnh nhân.

Keytruda là một trong những loại thuốc đáng chú ý hiện nay trong liệu pháp miễn dịch, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Tại Pháp, có từ 6.000 đến 8.000 bệnh nhân sẽ được hưởng phương pháp chữa trị này và mỗi năm, cơ quan bảo hiểm y tế Pháp sẽ phải chi ra 432 triệu euro.

Theo một chuyên gia về ung thư ngực thuộc bệnh viên Créteil, thì ung thư phổi là một trong những loại bệnh nghiêm trọng, xẩy ra thường xuyên, nhưng từ 30 năm nay, lại có ít tiến triển về giải pháp chữa trị. Bình thường ra, phải mất đến 10 năm thì mới cải thiện được một loại thuốc kéo dài sự sống thêm 6 tháng cho bệnh nhân. Trong khi đó, nếu dùng Keytruda thì có thể kéo dài thêm 16 tháng.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Chính sự hỗ trợ cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao của Trung Quốc đang thúc đẩy xu hướng toàn trị ở một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là tại Cam Bốt, nơi mà chính quyền Hun Sen đã triệt tiêu phe đối lập, bất chấp sự lên án của phương Tây.

doctai1

Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc tại Manila, 13/11/2017-Reuters

Hôm nay, 29/11/2017, thủ tướng Hun Sen rời Cam Bốt sang Trung Quốc dự một cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 30/11 đến ngày 03/12, do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Theo lời một cố vấn của thủ tướng Cam Bốt, nhân dịp này, ông Hun Sen sẽ hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như tiếp xúc với các nhà đầu tư Trung Quốc để bàn về viện trợ và đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm ở Cam Bốt.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu với các phóng viên, ông Sry Thamrong, cố vấn của thủ tướng Hun Sen, cho biết là Cam Bốt cần xây thêm cầu trên sông Mekong, xây thêm đường xá, xe lửa… Hiện giờ, Trung Quốc đã là nhà tài trợ lớn nhất cho Cam Bốt và chính sự hỗ trợ của Bắc Kinh khiến ông Hun Sen có thể hành động bất chấp những chỉ trích của phe đối lập rằng lãnh đạo Cam Bốt đang phá hủy nền dân chủ ở xứ chùa tháp.

Hãng tin Reuters nhắc lại rằng, theo yêu cầu của chính phủ Phnom Penh, ngày 16/11 vừa qua, Tòa án tối cao Cam Bốt đã ra lệnh giải thể Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, đảng đối lập chính ở nước này. Trước đó, lãnh đạo của đảng, ông Kem Sokha, đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc có âm mưu lật đổ chính quyền với sự trợ giúp của Mỹ. Trước hành động này của chính phủ Phnom Penh, Hoa Kỳ đã ngưng chương trình tài trợ cho bầu cử vào năm tới ở Cam Bốt và đã dọa sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt khác.

Trong khi đó, cho tới nay, Trung Quốc vẫn ủng hộ chính sách đàn áp đối lập của chính quyền Hun Sen, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản hôm nay đã dành một bài để nói về sự yểm trợ này của Trung Quốc đối với chính phủ Cam Bốt.

Tờ báo này nhắc lại rằng, ngoài việc bị giải thể và lãnh đạo đảng bị bắt giam, Đảng Cứu nguy dân tộc còn bị còn bị mất ghế ở Quốc hội : 55 ghế của đảng này (chiếm 44% tổng số ghế) đã được chia cho các đảng nhỏ hơn, trong đó có 41 ghế được trao cho đảng hoàng gia mà trước đây không hề có ghế nào.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã lên án việc giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc là một hành động "phi dân chủ" và đã dọa thi hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Phnom Penh. Nhưng thủ tướng Cam Bốt đã không hề nao núng trước những lời đe dọa đó. Trong bài phát biểu với 5.000 công nhân ngành dệt may, ông Hun Sen đã thách Washington cắt đứt mọi viện trợ cho Cam Bốt.

Theo Nikkei Asian Review, chính sự hỗ trợ của Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Cam Bốt dám thách thức Hoa Kỳ như thế. Việc chính quyền Phnom Penh dẹp bỏ phe đối lập chính là đi theo xu hướng toàn trị ở Đông Nam Á, hiện vẫn tiếp diễn bất chấp các chỉ trích của quốc tế. Phần lớn động lực của xu hướng này là do sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh.

Trong một thập niên qua, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc với Cam Bốt đã tăng mỗi năm 26%. Trung Quốc hiện cũng là nhà đầu tư hàng đầu của Cam Bốt, bỏ rất nhiều vốn vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa, xây dựng, dệt may và năng lượng. Về du lịch, năm ngoái đã có đến 830 ngàn du khách Trung Quốc đến tham quan xứ chùa tháp, tăng đến 20% so với năm 2015.

Theo Nikkei Asian Review, mối quan hệ Cam Bốt - Trung Quốc không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn về mặt ngoại giao, chiến lược. Đặc biệt là Phnom Penh vẫn tích cực ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trên vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia.

Tình hình cũng tương tự như đối với Miến Điện, nơi mà các chiến dịch đàn áp thô bạo của quân đội đã khiến hàng trăm ngàn người thiểu số Hồi giáo Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Mặc dù cộng đồng quốc tế chỉ trích ngày càng gay gắt, Bắc Kinh vẫn ủng hộ lập trường của chính quyền Naypyitaw rằng cuộc khủng hoảng này là chuyện nội bộ của Miến Điện.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng cố tìm một giải pháp ngoại giao và đã tự đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng này. Vài ngày trước cuộc họp giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN tại Naypyitaw (20-21/11), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Bangladesh thảo luận về vấn đề người tị nạn với thủ tướng Sheikh Hasina. Sau đó, ông Vương Nghị cũng đã gặp các quan chức Miến Điện, kể cả bà Aung San Suu Kyi.

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao, Trung Quốc còn tăng cường quan hệ kinh tế với Miến Điện. tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã khánh thành một đường ống dẫn dầu băng ngang qua Miến Điện đến vùng Ấn Độ Dương. Từ ngày 21 đến 26/11 vừa qua, tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện Aung Hlaing cũng đã viếng thăm Trung Quốc để thắt chặt quan hệ hợp tác song phương.

Theo Nikkei Asian Review, giữ quan hệ tốt với Miến Điện, cửa ngỏ rất quan trọng dẫn ra Ấn Độ Dương, là một yếu tố chủ chốt trong sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, nhằm xây dựng "Con đường Tơ lụa" thời hiện đại từ Trung Quốc sang Châu Âu. Sự hỗ trợ của Bắc Kinh khiến chính quyền Naypyitaw cảm thấy yên tâm, vào lúc mà họ đang ngày càng bị cô lập trở lại trên trường quốc tế.

Bà Aung San Suu Kyi cũng dự trù sẽ viếng thăm Trung Quốc trong nay mai, cho thấy là dường như giới lãnh đạo Miến Điện đang rời xa phương Tây để quay nhiều hơn về phía một láng giềng vẫn rất " thông cảm" với họ trong vấn đề người tị nạn.

Chính quyền quân sự Thái Lan cũng tỏ dấu hiệu nghiêng về phía Bắc Kinh. Quan hệ giữa Thái Lan với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ đã trở nên nguội lạnh dưới thời tổng thống Barack Obama, vì chính quyền Obama vẫn thường xuyên chỉ trích các tướng lãnh cầm quyền. Tổng thống kế nhiệm Donald Trump thì cũng không mấy hài lòng với đồng minh Đông Nam Á này, vì thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Thái Lan vẫn rất lớn.

Trong bài phát biểu tại thượng đỉnh APEC vừa qua ở Đà Nẳng, Việt Nam, tổng thống Trump đã nói rõ là Hoa Kỳ sẽ can dự nhiều hơn vào vùng mà ông gọi là "Ấn Độ-Thái Bình Dương". Nhưng theo Nikkei Asian Review, một số chính phủ Đông Nam Á nay có vẻ không mấy "hào hứng" với đường lối của Washington, vốn vẫn thường quan ngại về vấn đề nhân quyền, mà "có cảm tình" nhiều hơn với cái chính sách cố hữu của Bắc Kinh là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau.

Thanh Phương

Published in Châu Á