Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/12/2017

Điểm báo Pháp - 17 thiên đường thuế

RFI tiếng Việt

Danh sách 17 thiên đường thuế : Liên Âu "chừa" 5 thành viên

Ngày 05/12/2017, toàn bộ 28 bộ trưởng tài chính cùng với Ủy ban Châu Âu đã nhất trí ban hành một danh sách đen 17 nước bị coi là thiên đường thuế và sẽ đáp trả bất kỳ nước nào không điều chỉnh lại. Trước đó, một số nước đã có danh sách riêng, như Pháp nêu 9 thiên đường thuế, còn danh sách của Tây Ban Nha có khoảng 30 thiên đường thuế.

paradis1

Cờ của Liên Hiệp Anh và cờ của đảo Jersey tại Gorey, Jersey, ngày 08/11/2017. Reuters/Darren Staples

Tất cả các nhật báo Pháp đều đánh giá, trên giấy tờ, đây là bước tiến lớn sau nhiều tháng thảo luận. Riêng Le Figaro nhận định phải chờ đến hai năm sau hàng loạt phát giác thiên đường thuế "Panama Papers", "LuxLeaks", "Paradise Papers" để "Liên Hiệp Châu Âucông bố danh sách đen 17 thiên đường thuế".

Bài xã luận của nhật báo thiên tả Libération cho rằng, khi không nêu bất kỳ tên nào từ Malta đến Jersay và Guernesay (thuộc Anh) hay Ireland, Luxembourg và Hà Lan trong danh sách đen, các nước Châu Âu khoác lên mình trang phục Tartuffe, hình ảnh được sử dụng nhằm ám chỉ thái độ giả đạo đức. Dù có lợi, nhưng bản danh sách vẫn chưa ngang tầm với tai tiếng sau loạt tiết lộ về "Paradise Papers".

Nhật báo kinh tế Les Echos tỏ ra nhẹ lời hơn khi nhận định danh sách thiên đường thuế của Bruxelles là "sự dàn xếp" để cho công luận thấy khả năng hành động của Liên Hiệp. Danh sách được lập dựa trên những tiêu chí rõ ràng và dễ hiểu đối với mọi người. Để tránh bị nêu tên trong danh sách này, các nước phải chấp nhận trao đổi tự động các dữ liệu thuế khóa, cảnh giác với việc lập trụ sở của các công ty offshore và chấp nhận các nguyên tắc của OCDE đối với thủ thuật tối ưu thuế của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, "danh sách 17" có thật sự công minh không ? Xã luận của Les Echos đưa ra ba lý do. Thứ nhất, chỉ có một quốc gia cùng bị cả Châu Âu và khối G20 "vạch mặt chỉ tên" là Trinidad và Tobago. Thứ hai, danh sách Châu Âu cũng nhắm vào vài quốc gia kém phát triển, không được biết đến như thiên đường thuế (Namibia, Mông Cổ…). Tunisia có mặt trong danh sách nhưng các nước và vùng tự trị trên thế giới thuộc Liên Hiệp Anh lại được chừa ra, vào thời điểm chỉ một năm đến Brexit.

Thứ ba, mức độ tin cậy của công trình mà Bruxelles tiến hành có lẽ sẽ mạnh mẽ hơn nếu các nước Châu Âu cảm thấy rằng một công việc điều hòa (theo cả hai hướng và không chỉ bằng cách căn chỉnh các nước được cho là thấp hơn theo tiêu chuẩn Pháp, một trong những nước phát triển nhất) đang được tiến hành liên quan đến cạnh tranh thuế khóa ngay trong nội bộ Liên Hiệp (Hà Lan, Ireland, Luxemburg).

Vậy tại sao danh sách thiên đường thuế không có bất kỳ thành viên nào của Liên Hiệp Châu Âu ? Theo giải thích chính thức, được nhật báo Le Figaro trích dẫn, "trên lý thuyết, khối 28 nước đều tôn trọng kỷ luật Châu Âu". Tuy nhiên, theo bài viết "Danh sách thiên đường thuế nhưng chưa phải là bản cuối" của nhật báo Libération, số lượng các nước bị liệt vào danh sách thiên đường thuế đã bị giảm đi sau nhiều cuộc tranh luận dữ dội mang tính chất ngoại giao giữa 28 bộ trưởng tài chính. Một nghị sĩ Châu Âu Pháp tìm cách giảm bớt những lời chỉ trích khi phát biểu : "Đây là cơ sở đầu tiên, các danh sách sẽ còn thay đổi".

Cuối cùng, bên cạnh "danh sách đen" gồm 17 thiên đường thuế còn có "danh sách xám"gồm 47 nước hoặc vùng lãnh thổ cần theo dõi. Anh Quốc chấp nhận để nhiều hòn đảo như đảo Man, Jersey, Guernesey, Bermuda và quần đảo Caimans trong danh sách xám. Tương tự, Pháp để tên đảo Nouvelle-Calédonie.

47 nước và vùng lãnh thổ này (trong đó có Thụy Sĩ, Maroc, Qatar, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ) có 6 tháng để điều chỉnh nhằm tránh bị liệt vào danh sách đen năm 2018. Nhiều tổ chức phi chính phủ như Oxfam muốn đưa vào "danh sách xám" một số nước Liên Hiệp Châu Âu, như Ireland, Luxemburg, Hà Lan và Malta. Điều ngạc nhiên là Hoa Kỳ, hoặc ít nhiều là hai thành trì bí mật Delaware và Wyoming, lại không bị liệt vào bất kỳ danh sách nào.

Tây Ban Nha bỏ lệnh bắt Châu Âu đối với cựu lãnh đạo vùng Catalunya

Theo dự kiến, ngày 14/12/2017, ngành tư pháp Bỉ có thể sẽ công bố quyết định có dẫn độ ông Carles Puigdemont và bốn cựu bộ trưởng vùng Catalunya về Tây Ban Nha hay không, thì Madrid bất ngờ tuyên bố rút mọi lệnh bắt Châu Âu nhắm vào năm quan chức này.

Tuy nhiên, theo nhật báo Libération, thẩm phán điều tra thuộc Tòa Án Tối Cao tại Madrid vẫn duy trì lệnh bắt Tây Ban Nha, có nghĩa là nếu về nước, năm cựu quan chức này vẫn sẽ bị bắt. Trong khi đó, cả năm ông đều là ứng viên trong cuộc bầu cử cấp vùng sẽ diễn ra vào ngày 21/12. Ông Puigdemont từng hy vọng sẽ giành chiến thắng để giữ lại chiếc ghế chủ tịch vùng.

Les Echos đánh giá, quyết định bất ngờ thay đổi chiến lược của tư pháp Tây Ban Nha được cho là tránh tham gia vào cuộc tranh luận với tư pháp Bỉ. Bruxelles không công nhận những tội liên quan đến nổi loạn và ly khai như tư pháp Tây Ban Nha.

Dời sứ quán sang Jérusalem, Trump khuấy động chảo lửa Trung Đông

Tổng thống Donald Trump có thông báo dời sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel-Aviv đến Jerusalem hay không, một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử ? Quyết định này của tổng thống Mỹ rất có thể sẽ gây ra một làn sóng bất bình trong thế giới Ả Rập Hồi giáo.

Thậm chí, theo Le Figaro, "Trump đang đùa với lửa về quy chế gây tranh cãi đối với Jerusalem"vì tổng thống Mỹ "muốn chứng tỏ không bị ràng buộc bởi hiện trạng này vì đã không mang lại bất kỳ thay đổi nào từ vài thập kỷ nay".

Libération cho biết "Sứ quán Mỹ ở Jerusalem : Trump liên tục gọi điện sang Trung Đông" để thông báo "ý định tiến thêm một bước trong dự án dời sứ quán Mỹ tại Israel". Nhiều quan chức cao cấp Trung Đông lần lượt bày tỏ quan ngại sâu sắc, như phát biểu của giáo chủ Mahmoud Abbas của Al Azhar, cơ quan Hồi giáo tối cao, nằm ở thủ đô Cairo : "Cánh cửa địa ngục sẽ mở ra đối với phương Tây ngay khi quyết định chuyển sứ quán được công bố", đồng thời ông nhấn mạnh đến "những hậu quả nguy hiểm của một quyết định như vậy đối với tiến trình hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng và trên thế giới".

Quyết định của tổng thống Mỹ, mà Israel mong muốn, lại khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại. Tổng thống Pháp nhắc lại là "vấn đề quy chế của Jerusalem phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine". Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn bộ thành phố Jerusalem.

Bất bình đẳng đe dọa các thành tựu kinh tế của Châu Á

Liên quan đến Châu Á nhưng trên lĩnh vực xã hội, hơn 40% dân số Châu Á thoát khỏi cảnh nghèo từ hơn hai thập kỷ qua nhờ nguyên tắc "làm việc nhiều hơn để có thể giầu có".

Tuy nhiên, hơn 90% người dân Trung Quốc và hơn 1/2 số người dân Philippines cho rằng cách biệt về thu nhập ở trong nước là rất nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, được nhật báo kinh tế Les Echos trích dẫn, tại Indonesia, 90% người được hỏi cho rằng đã đến lúc tấn công vào các bất bình đẳng. Tại Việt Nam, 8/10 người dân tỏ ra lo lắng về sự chênh lệnh trong tiêu chuẩn sống.

Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo hố sâu bất bình đẳng tăng nhanh, phần lớn ở các nước đang phát triển tại Châu Á-Thái Bình Dương đang đe dọa đến nền tảng thành công kinh tế của vùng này.

Nước Pháp "tạm biệt và cảm ơn" Jean d’Ormesson

Các nhật báo Pháp đều mượn tựa đề cuốn sách được xuất bản năm 1976, như là lời từ biệt với tiểu thuyết gia, viện sĩ hàn lâm Jean d’Ormesson qua đời đêm 04/12/2017 ở tuổi 92.

Với nhật báo Le Monde, Jean d’Ormesson trước hết là một nhà văn tài ba, lý thú và là một người ngưỡng mộ những tác giả lớn khác. Với bài xã luận của La Croix, người đàn ông này yêu cuộc sống và ông biết chia sẻ tình yêu này với người khác. Ông nói chuyện với mọi người bằng những lời lẽ tử tế, hóm hỉnh và chân thành, cả trong đời tư lẫn trước công chúng.

Trên Le Figaro, chân dung của Jean d’Ormesson chiếm trọn trang nhất với lời "Tạm biệt và cảm ơn" người viết xã luận của nhật báo thiên hữu trong suốt gần 50 năm. Với Le Figaro, ngoài yêu Chateaubriand, Homère, Paul-Jean Toulet và Aragon, viện sĩ hàn lâm Jean d’Ormesson còn yêu ánh nắng mặt trời, biển cả, những cô gái xinh đẹp, chính trị và nghệ thuật đối thoại. Le Figaro dành 10 trang báo để tưởng nhớ người cộng sự, "một quý ông luôn mang lại hạnh phúc", "một viện sĩ hàn lâm biểu tượng của Viện Hàn Lâm Pháp".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 652 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)