Nghi án Nga : Chuyên gia tình báo chỉ trích Trump ''ngây thơ'' (RFI, 13/11/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tin vào ai ? Vào Vladimir Putin, người cam đoan là chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hay vào các cơ quan tình báo của Mỹ (CIA, FBI, NSA), có bằng chứng Nga nhúng tay để cố phá hoại ngầm cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, Manila, ngày 11/11/2017. Reuteurs/Jorge Silva
Sau lời tuyên bố tại Đà Nẵng, tổng thống Donald Trump bị toàn bộ giới chính trị Hoa Kỳ chỉ trích, dù ông đã cố "chữa cháy" là "tin vào cơ quan tình báo của chúng ta, nhất là do những người mới, đáng tin cậy điều hành". Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tường trình :
Ông John McCain, thuộc đảng Cộng Hòa, là người ném đá đầu tiên. Ông chỉ trích tổng thống Mỹ "ngây thơ" cả tin vào những gì Putin nói, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Phía đảng Dân chủ có cùng phản ứng và chế giễu tính cả tin của Trump.
Tuy nhiên, có lẽ những lời chỉ trích nghiêm khắc nhất xuất phát từ phía các chuyên gia, những người nắm rõ tình hình. Trả lời đài CNN, ông John Brennan, cựu giám đốc CIA, khẳng định : "Không có chút nghi ngờ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử. Và thật lạ lùng khi thấy ông Trump không thừa nhận điều này và không phản kháng lại Putin. Mối đe dọa Nga đối với nền dân chủ Mỹ là có thật".
Ông James Clapper, cựu giám đốc cơ quan an ninh quốc gia NSA, ngồi cạnh ông Brennan, nhấn mạnh thêm phát biểu của cựu giám đốc CIA. Ông nói : "Putin đã tham gia phá hoại hệ thống, nền dân chủ và tiến trình của chúng ta. Và nếu diễn diễn giải theo cách khác, tôi nghĩ, thì thật là kinh ngạc, gây nguy hiểm cho đất nước".
Đối với hai chuyên gia tình báo này, ông Donald Trump là món đồ chơi của các chính trị gia như Putin, Tập Cận Bình, những người biết cách ve vãn "cái tôi" của Trump để thao túng tổng thống Mỹ.
Trong một tin Tweet, ông Donald Trump đã lên án Brennan, Clapper và James Comey, cựu giám đốc FBI, là những chính trị gia vô đạo đức. Cựu giám đốc CIA John Brennan đáp trả rằng ông nghĩ là tổng thống đang tìm cách vô hiệu hóa phân tích của các cơ quan tình báo, đồng thời nói thêm "căn cứ vào nguồn gốc của lời chỉ trích này, tôi coi đó như một huân chương danh dự.
Thu Hằng
*************************
Donald Trump lúng túng, tin cậy CIA lẫn Putin (RFI, 12/11/2017)
Nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo chân tổng thống Donald Trump đến tận Việt Nam. Ngày 11/11/2017, ông tuyên bố "tin lời trần tình" của chủ nhân điện Kremlin là chân thật. Thế nhưng, trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 12/11, tổng thống Mỹ bảo đảm là ông "tin vào lời cáo buộc của tình báo Mỹ" hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. Reuteurs/Kham
Theo Reuters và AFP, tổng thống Mỹ tìm cách làm sáng tỏ vấn đề là liệu ông "có chấp nhận hay không" lời phân trần của tổng thống Nga. Ngày 11/11, tại Đà Nẵng, sau khi gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Donald Trump đã dài dòng lý giải về những lời "trần tình" của chủ nhân điện Kremlin và ngầm cho biết đó là những lời chân thật, Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Ngay lập tức, lời tuyên bố này gây phản ứng bất bình từ Washington. Một trong những phê phán đến từ cựu lãnh đạo tình báo quốc gia James Clapper : Tổng thống Trump rõ ràng là thiếu cảnh giác khi tin vào lời nói của Putin hơn là của tình báo Mỹ.
CIA cũng lập tức ra thông cáo tái xác định những lời cáo buộc chính quyền Nga và nhấn mạnh "không thay đổi kết luận".
Do vậy, trong cuộc họp báo sáng Chủ Nhật 12/11 tại Hà Nội với chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, tổng thống Trump tìm cách chữa cháy. Ông phát biểu : "Tôi tin vào cơ quan tình báo của chúng ta, nhất là do những người mới đáng tin cậy điều hành".
Sau đó, tổng thống Trump tuyên bố thêm là không quan tâm đến chuyện Nga có can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không. Điều quan trọng trong cuộc thảo luận Mỹ-Nga hôm 11/11 là hợp tác giải quyết các hồ sơ quốc tế từ Bắc Triều Tiên, Syria cho đến Ukraina.
Tú Anh
**********************
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông tin phủ nhận của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với các cáo buộc Nga phá cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, bất chấp các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác đi bộ ra khu chụp ảnh chung sau phiên họp APEC ở Đà Nẵng, 11/11/2017.
Tổng thống Trump phát biểu như vậy sau khi ông và Tổng thống Putin gặp nhau "ngắn ngủi" tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Việt Nam hôm thứ Bảy 11/11. Trong cuộc gặp gỡ ngắn đó hai ông cũng đồng ý về một tuyên bố ủng hộ một giải pháp chính trị cho Syria.
Sau lần gặp đầu tiên hồi tháng 7, đây là lần thứ hai hai ông Trump-Putin gặp mặt trực tiếp nhau trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang chìm xuống mức thấp và vào thời điểm ông Trump đang bị bủa vây bởi cuộc điều tra về những tố cáo ông Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ giúp cho ông Trump vào Nhà Trắng.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí tháp tùng ông trên chuyên cơ Air Force One sau khi rời hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng rằng : "Lần nào gặp tôi, ông [Putin] cũng nói rằng ông không biết về chuyện đó, và tôi thực sự tin điều ông ấy nói với tôi, ông ấy nói thực lòng".
"Tôi nghĩ ông Putin bị xúc phạm nặng bởi điều đó, và đó là chuyện không tốt cho đất nước chúng ta", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump nói các cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Moscow là chơi khăm ông. Kể từ khi lên cầm quyền, ông luôn bị phe Dân chủ hạch hỏi về chuyện liên hệ với Nga. Biện lý đặc biệt Robert Mueller tiến hành một cuộc điều tra dẫn đến việc truy tố cựu quản lý ban vận động tranh cử của ông Trump là ông Paul Manafort và đối tác làm ăn của ông Manafort là ông Rick Gates.
Các cơ quan tình báo Mỹ cũng cũng kết luận rằng Nga đã can thiệp váo cuộc bầu cử của Mỹ để giúp cho ông Trump bằng việc đánh cắp và phổ biến các email gây khó xử cho đối thủ của ông Trump là bà Hillary Clinton và phổ biến tuyên truyền trên mạng xã hội.
Nga một mực bác bỏ các cáo buộc đó.
Thủ lãnh phe Dân chủ trong ủy ban tình báo Hạ viện, tức là ủy ban đặc trách cuộc điều tra này, kịch liệt chỉ trích phát biểu mới đây của Tổng thống Trump, và lên án ông đứng về phía ông Putin thay vì đứng về phía các cơ quan tình báo Mỹ.
Dân biểu Adam Schiff viết trong một thông cáo : "Tổng thống không phỉnh lừa được ai. Ông thừa biết rằng những người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng việc đánh cắp rồi công bố email của đối thủ của ông, một cơ hội mà ông liên tục khai thác trong suốt quá trình tranh cử".
Ông Schiff nói tiếp : "Ông ấy thừa hiểu tất cả những chuyện đó và nhiều hơn như vậy nữa. Chỉ có một điều ông ấy không hiểu là làm sao đặt đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, hay nói theo cách mà ông thường hay hô hào đó là ông đơn thuần không biết cách đặt nước Mỹ lên trên hết".
Tại Đà Nẵng, Tổng thống Putin nói với các phóng viên báo chí rằng cáo buộc ông Manafort liên hệ với Nga là một sự bịa đặt của các đối thủ của ông Trump.
Ông Putin bác bỏ những gợi ý rằng Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ bằng những quảng cáo chính trị. Các công ty công nghệ, trong đó có Facebook, nói một số nội dung chính trị được Nga trả tiền loan tải đã lan truyền trên các trang mạng xã hội vào thời gian đó.
Hạn chế tiếp xúc
Sau khi lớn tiếng nhấn mạnh trong quá trình tranh cử năm 2016 rằng Hoa Kỳ hợp tác với Nga sẽ tốt hơn, ông Trump từ khi lên nắm quyền đã hạn chế tiếp xúc với ông Putin.
Tổng thống Trump nêu vấn đề này lên lại hôm thứ Bảy. Ông nói các mối quan hệ tích cực với Moscow sẽ có lợi cho Washington, để hai bên có thể làm việc với nhau trong các vấn đề như cuộc nội chiến Syria, mâu thuẫn ở Ukraine và cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
"Tôi không thể đứng đó tranh cãi với ông ta", Tổng thống Trump nói. "Tốt hơn, tôi muốn ông ấy rút khỏi Syria. Tôi muốn làm việc với ông ta về vấn đề Ukraine hơn là đứng đó tranh cãi với ông ta".
Tại Việt Nam, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đồng ý với nhau về một tuyên bố chung nói rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria, nơi mà Nga đã hậu thuẫn quân sự cho chế độ Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ bảy.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên báo chí : "Chúng tôi đồng ý với nhau về tuyên bố đó rất nhanh. Chúng tôi có một cảm nhận tốt về nhau, một quan hệ tốt, xét trong thực tế là chúng tôi không biết nhiều về nhau".
Nói về cuộc gặp gỡ đó, Tổng thống Putin mô tả ông Trump là "một người lịch sự và rất cởi mở trong giao thiệp".
Tổng thống Putin nói : "Chúng tôi biết rất ít về nhau, nhưng cách cư xử của tổng thống Mỹ rất lịch sự và thân thiện. Chúng tôi nói chuyện bình thường với nhau, nhưng tiếc là có quá ít thời gian".
Tổng thống Trump cho biết hai ông trao đổi qua lại hai ba nội dung rất ngắn.
Các hình ảnh cho thấy hai ông trò chuyện rất thân tình với nhau trên đường đến chỗ chụp hình truyền thống chung của các lãnh đạo dự hội nghị APEC.
Iran khuyến cáo Pháp : Không được đụng tới hiệp định hạt nhân (RFI, 12/11/2017)
Hiệp định về chương trình hạt nhân Iran "không thể mặc cả được". Trên đây là tuyên bố của bộ ngoại giao Iran nhắm vào tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo tin và bình luận của hãng thông tấn chính thức Irna.
Một mô hình tên lửa và chân dung của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei trên quảng trường Baharestan, Teheran, ngày 27/09/2017. Reuteurs/Nazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA
Theo nguồn tin trên, được AFP lược thuật ngày 12/11/2017, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran, Bahram Ghassemi, cho biết "đã nhiều lần giải thích với các nhà lãnh đạo Pháp là "Kế hoạch hành động chung (hiệp định 2015) không thể đàm phán (lại) và cũng không thể thêm vào văn kiện đó những vấn đề khác". Mặt khác, theo ông Bahram Ghassemi, "nước Pháp biết rất rõ lập trường bất di bất dịch của Iran, đó là về phương tiện quốc phòng cũng không mặc cả được".
Những lời khuyến cáo này, theo AFP, nhắm vào tổng thống Pháp trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và các nước vùng Vịnh. Hôm 08/11, trả lời phỏng vấn của của báo Al-Ethiad khi viếng thăm Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố "cần phải cứng rắn với Iran về các hoạt động của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran".
Trước những đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hủy hiệp định hạt nhân ký với Iran, tổng thống Pháp nhiều lần đề nghị "đối thoại với Teheran về chương trình tên lửa đạn đạo, về ảnh hưởng của Iran tại Syria" cũng như "gắn liền" việc tiếp tục thi hành hiệp định hạt nhân với mở thương lượng về chương trình tên lửa và an ninh khu vực, với Iran.
Bahrein tố cáo Iran phá hoại đường ống dẫn dầu
Từ ngày 11/11, đường ống dẫn dầu nối liền Ả Rập Xê Út với Bahrein phải ngưng hoạt động sau một vụ hỏa họa. Ngoại trưởng Bahrein, ngày 12/11, quy trách nhiệm cho Iran, gọi đây là một hành vi khủng bố, "nhằm gây thiệt hại cho ngành dầu hỏa toàn cầu". Teheran bác bỏ các cáo buộc trên. Trong một thông cáo, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran Bahram Ghassemi cho rằng đây là một lời vu khống.
Bahrein, một quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Sunni, thường xuyên lên án Iran kết cấu với cộng đồng người Bahrein theo hệ phái Shia gây bất ổn cho tiểu vương quốc này. Từ 2011, chính quyền Manama thẳng tay đàn áp hàng trăm người Bahrein theo hệ phái Shia.
Tú Anh, Thanh Hà
******************
Căng thẳng với Iran, Saudi Arabia kêu gọi kiều dân rời Liban (RFI, 10/11/2017)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ đến Riyad, gặp thái tử nối ngôi Mohammed Ben Salman. Lý do là tình hình Trung Đông căng thẳng đột biến, nhất là giữa Saudi Arabia và Iran, trên hai điểm nóng : Liban và Yemen.
Thái tử nối ngôi Saudi Arabia Mohammed Ben Salman tại Riyad, ngày 24/10/2017. Reuters/Hamad I Mohammed/File Photo
Trước tiên, Riyad tố cáo Iran cung cấp tên lửa cho phe Houti-Shia tại Yemen pháo kích Saudi Arabia nhưng bị bắn chận. Tiếp theo đó, thủ tướng Liban, Saad Hariri, được Saudi Arabia hậu thuẫn, từ thủ đô Riyad, tuyên bố từ chức và tố cáo Iran thông qua tổ chức Hezbollah-Liban khuynh đảo chính trường Liban. Hezbollah, cũng như Teheran, bác bỏ cáo buộc này và tung tin thủ tướng Liban bị Riyad quản thúc.
Căng thẳng tăng thêm một nấc kể từ thứ Năm 09/11 : Riyad và các đồng minh vùng Vịnh kêu gọi kiều dân rời Liban. Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Báo chí Riyad nói đến nguy cơ chiến tranh trong khi Beyrouth đòi thủ tướng phải trở về nước.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :
"Một bộ trưởng thân cận với tổng thống Liban khẳng định với RFI rằng Liban coi như thủ tướng của họ đang bị bắt giữ tại Riyad. Một nguồn tin thân cận với ông Saad Hariri được Reuters trích dẫn cũng khẳng định chính quyền Saudi Arabia đã ra lệnh cho lãnh đạo Liban phải từ chức và quản thúc ông.
Đảng của Saad Hariri, tổ chức chính trị lớn nhất của hệ phát Sunni tại Liban, cùng phe của họ trong Quốc Hội đã ra thông cáo nhận định rằng : "Việc lãnh đạo chính phủ trở về là cần thiết để phục hồi phẩm giá và duy trì cân bằng trong và ngoài Liban trong khuôn khổ tôn trọng tính chính đáng của đất nước".
Tổng thống Michel Aoun đã cử các phái viên đến thủ đô nhiều nước, trong đó có Paris, để thông báo tình hình của Saad Hariri và kêu gọi các nước can thiệp để thủ tướng Liban có thể trở về Beyrouth. Trong trường hợp các kênh trung gian thất bại, Liban sẽ chính thức thông báo thủ tướng của họ đã bị cưỡng bức giữ lại ở Riyad.
Đại sứ Nga tại Beyrouth, Alexander Zasypkin, đã tuyên bố hôm qua rằng nếu hoàn cảnh của thủ tướng Liban không được làm sáng tỏ, Moskva có thể đưa vấn đề này ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".
Sáng 10/11, trên đài Europe 1, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian không giấu lo ngại chính sách bá quyền của Iran. Trước đó, thông cáo của Điện Elysée về chuyến công du bất ngờ của tổng thống Pháp tại Riyad, cho biết cần phải "ngăn chận mưu đồ bá quyền của Teheran" cho dù không đồng ý với thái độ mà ông gọi là "quá cứng rắn" của Saudi Arabia.
Anh Vũ, Tú Anh
Hôm 10/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã gia hạn cho Anh Quốc trong hai tuần phải làm rõ những cam kết của Luân Đôn về thủ tục ra khỏi khối này, xem đây là điều kiện tiên quyết để Bruxelles chấp nhận mở các cuộc đàm phán về thương mại trong tháng tới. Đàm phán về thương mại vẫn là điều mà Anh Quốc khẩn thiết yêu cầu để chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit.
Nhà đàm phán Anh David Davis (T) và Châu Âu Michel Barnier họp báo tại Bruxelles, ngày 10/11/2017. Reuteurs/Eric Vidal
"Tối hậu thư" nói trên đã được trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier đưa ra trong một cuộc họp báo tại Bruxelles sau một phiên họp kéo dài một ngày rưỡi. Phiên họp này đã làm nổi rõ một bất đồng mới giữa Bruxelles với Luân Đôn, đó là vấn đề biên giới giữa Anh với Ireland.
Theo lời ông Barnier, chỉ khi nào có những cam kết "rõ ràng và thành thật" của Luân Đôn trong vòng 2 tuần tới, Liên Hiệp Châu Âu mới mở đợt đàm phán thứ hai với Anh Quốc, nhân cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu vào giữa tháng 12.
Nếu Luân Đôn không tuân thủ thời hạn đó, cuộc đàm phán sẽ bị dời sang tháng 2 hoặc tháng 3 năm tới, nhân các cuộc họp thượng đỉnh kế tiếp của Liên Hiệp Châu Âu. Đợt đàm phán thứ hai này sẽ bàn luôn cả quan hệ tương lai giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng đối với 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu, trước khi bàn về quan hệ tương lai, phải giải quyết ba vấn đề, mà gai góc nhất là vấn đề thanh toán tài chính của thủ tục Brexit, tức là số tiền mà Anh Quốc phải trả để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, mà nước này đã là thành viên trong suốt hơn 40 năm. Số tiền này được thẩm định là khoảng 50 hoặc 60 tỷ euro. Hai vấn đề kia là các quyền của những công dân Châu Âu sống tại Anh thời kỳ hậu Brexit và ảnh hưởng của Brexit đối với đường biên giới giữa Ireland với tỉnh Bắc Ireland của Anh.
Trong cuộc họp báo hôm qua, trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier nhắc lại rằng Anh Quốc sẽ chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng nữa đêm ngày 26/03/2019.
Thanh Phương
Trump–Tập : Sự khác biệt ở hai tầm nhìn chiến lược
Đúng ngày này 13/11 cách đây 2 năm, một loạt vụ khủng bố kinh hoàng đã đánh vào thủ đô Paris và vùng phụ cận. Sự kiện đau thương này trở lại khắp các mặt báo Pháp ra hôm nay. Bên cạnh đó chủ đề quốc tế được các báo vẫn chú ý theo dõi là chuyến công Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump đặc biệt là chuyến đi Bắc Kinh. Trang dư luận của nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề : "Trump-Tập Cận Bình, mù quáng đối diện với nhìn xa trông rộng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh, 9/11/2017. Reuteurs/Thomas Peter
Bài viết của tác giả Dominique Moïsi, giáo sư tại Đại học Anh King’s College, cố vấn viện nghiên cứu chính trị Pháp Institut Montaigne, nhìn lại chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Trung Quốc, qua đó nhận thấy : "Nước Mỹ của Donald Trump không còn một tầm nhìn chiến lược dài hạn nào. Trái lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình được ấn định một mục tiêu, tuy còn xa xôi, nhưng rất rõ ràng : trở thành cường quốc số 1 thế giới".
Tác giả nhắc lại sự kiện năm 1972 cựu tổng thống Mỹ đến thăm Bắc Kinh, được coi như là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh lạnh. Trong thời gian từ 1972 đến 2017, đã có biết bao nhiêu thay đổi trong thế cân bằng thế giới và đặc biệt cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dominique Moïsi đặt vấn đề : "Năm 2017, thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đảo ngược. Trung Quốc có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Nước Mỹ thì không còn được như thế nữa. Mục tiêu của Washington liệu có phải là tập hợp các nước Châu Á, đặc biệt những nước dân chủ, để làm đối trọng cân bằng sức mạnh của Trung Quốc ? Có phải Mỹ xích lại gần Trung Quốc để chia sẻ với Bắc Kinh gánh nặng trách nhiệm đối với thế giới ? Cuối cùng là một câu hỏi nữa là : Phải chăng Mỹ vẫn muốn kiềm chế Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô trước đây ?".
Tác giả bài viết nhận định : "Đối tác, đối thủ, địch thủ (cạnh tranh) : Dường như Washington không thể lựa chọn giữa các khả năng trên".
Trái lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình lại có được một tầm nhìn chiến lược, đó không phải là chiến lược "Trung Quốc trước tiên" mà là "nước Trung Quốc hàng đầu". Trung Quốc không bằng lòng với việc vượt lên trên các cường quốc Châu Á. Mục tiêu này đã đạt được, giờ Trung Quốc muốn trở thành số 1 thế giới, vượt lên trên cả Mỹ về kinh tế, quân sự và cả văn minh văn hóa.
Trước những chệch choạc về dân chủ của nước Mỹ, Trung Quốc không còn cảm thấy yếu kém so với phương Tây. Theo một nghiên cứu do Viện Pew tiến hành tại Mỹ, Canada, Úc và Đức, giờ đây có nhiều người tin tưởng vào Trung Quốc hơn là tin vào Mỹ.
Cuối cùng tác giả Dominique Moïsi kết luận : "Trái với chuyến đi của Nixon đến Trung Quốc, chuyến công du của Trump đến Châu Á chắc chắn sẽ không đi vào lịch sử, nhưng sẽ còn ghi dấu ấn một giai đoạn hướng tới chuyển tiếp vai trò giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Washington không mong muốn".
Việt Nam lo ngại đơn độc trước Trung Quốc
Cùng chủ đề về chuyến đi của Trump, nhật báo Le Monde số ra cuối tuần, cũng có nhận định : "Trước Trung Quốc, thái độ thoái lui Châu Á của Trump khiến Hà Nội lo ngại".
Theo bài viết thì, trước chính sách Châu Á không rõ ràng của chính quyền Trump hiện nay, Việt Nam quả thực giờ không hiểu còn có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Washington để đối mặt với Trung Quốc nữa hay không. Theo Le Monde, "Việt Nam là nước duy nhất trong vùng còn ít nhiều kháng cự với người Trung Quốc, Bắc Kinh giờ có thể áp đặt các điều kiện của họ cho các nước ASEAN. Trong khi mà với tổng thống Barack Obama, Việt Nam là một nước chủ chốt trên bàn cờ khu vực chủ yếu để ngăn chặn "đế quốc" Trung Hoa".
Bài viết trích dẫn nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Trung thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế tại Hà Nội thừa nhận : "Những năm qua, tình hình quốc tế đã thay đổi theo hướng bất lợi cho Việt Nam. Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ hung hăng hơn ở Biển Đông, đồng thời nhiều nước nhỏ ở Đông Nam Á không cưỡng lại được cuộc tấn công lôi kéo của Trung Quốc bằng những khoản đầu tư quy mô lớn".
Trump-Duterte xích lại gần nhau
Le Figaro quan tâm đến sự kiện, hôm nay 13/11/2017, tổng thống Mỹ đang có mặt tại Philippines với bài "Trump xích lại gần Duterte". Bài viết ghi nhận "tổng thống Philippines đã kiềm chế thái độ chống Mỹ, nhưng vẫn gần với Bắc Kinh" .
Le Figaro viết : "Hôm nay, vị tổng thống miệng thét ra lửa Rodrigo Duterte, có biệt danh "Trump của Philippines" đón đồng cấp Mỹ tại Manila để thể hiện sự nồng ấm trong quan hệ với Washington, dưới cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Đông Nam Á".
Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2016 ông Duterte đã hùng hồn thông báo "ly dị" với Mỹ, trong chuyến thăm Bắc Kinh, một chuyến đi được nhìn nhận như để xác lập Philippines ngả theo Trung Quốc. Từ đó trở đi, Trung Quốc dấn thêm bước mới tại Philippines. Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, Duterte đã lặng thinh không còn tỏ thái độ chống Mỹ như đối với chính quyền Obama. Manila cũng không còn dọa dẫm cắt đứt quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.
Nhưng trên hồ sơ nóng Biển Đông, tổng thống Philippines đã ngả hẳn về phe Bắc Kinh. Trong những ngày này các bên có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông sẽ có dịp ngồi với nhau tại Philippines, nhưng tổng thống Duterte không định thúc bách gì đồng minh mới Trung Quốc về chuyện tranh chấp biển đảo.
Ông đã tuyên bố thế này với các nước Hiệp hội Đông Nam Á, nhân cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN tại Manila hôm qua : "Chúng ta phải là bạn, những kẻ xúi bẩy muốn chúng ta đối đầu với Trung Quốc… Tốt hơn là không xử lý vấn đề Biển Đông, bởi không một ai tự cho phép có chiến tranh". Nói một cách khác ông Duterte thừa nhận hiện trạng Biển Đông, đang có lợi cho Bắc Kinh.
Trong khi trước đó ít ngày, tại Hà Nội, ông Trump đã nói với các lãnh đạo Việt Nam rằng : "Tôi làm một người trung gian đàm phán giỏi. Nếu các vị cần đến tôi, cứ cho tôi biết". Le Figaro nhận xét : "Những lời lẽ ca tụng của ông Trump đối với ông Tập vừa rồi về hồ sơ Bắc Triều Tiên khiến người ta không thể an tâm trao vai trò trung gian cho ông được".
Pháp : Nỗi lo khủng bố thường trực từ sau vụ 13/11/2015
Trở lại với sự kiện chính của báo Pháp. Hầu như tất cả các báo Pháp đều chạy tự lớn trang nhất liên quan đến sự kiện 13/11. Hai năm, người Pháp vẫn chưa hết ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng của loạt tấn công khủng bố Paris.
Nhắc lại sự kiện đau thương, các báo dường như đều có chung một góc nhìn : Mối đe dọa khủng bố vẫn luôn tiềm ẩn đâu đó trong cuộc sống hàng ngày của người Pháp và có thể nổ ra bất kỳ lúc nào có điều kiện. Tựa trang nhất của Le Figaro : "Quyết tâm của Daesh tấn công chúng ta vẫn còn nguyên vẹn". Đó là ý kiến nhận định của ông Lauren Nunez, tổng giám đốc An ninh quốc nội Pháp, trong bài trả lời phỏng vấn tờ báo.
Libération thì đặt vấn đề : "13/11, lãnh đạo dưới mối đe dọa khủng bố", tựa trang nhất của tờ báo. Hồ sơ của Libération dành chủ yếu để trình bày về việc phủ tổng thống Pháp, điện Elysée, hoạt động ra sao với nỗi ám ảnh nguy cơ khủng bố thường trực. Theo tờ báo từ năm 2015 đến giờ, đe dọa khủng bố với nước Pháp chưa bao giờ giảm. Khả năng về một vụ khủng bố có thể nổ ra luôn hiện hữu khắp nơi trên thượng tầng lãnh đạo Nhà nước. Tổng thống đã phải theo cách thức tổ chức lãnh đạo mới để cho phép phản ứng hành động bất kỳ lúc nào.
Còn nhật báo Công Giáo La Croix thì dành chủ yếu hồ sơ 13/11 cho những nạn nhân của vụ khủng bố cách đây 2 năm với tựa chính "Hồi ức 13/11". La Croix ghi nhận, 2 năm sau cả nước Pháp vẫn in đậm dấu ấn của thảm kịch. Vụ tấn công khủng bố đôi khi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhiều người dân Pháp theo hướng tích cực đôi khi cả tiêu cực. Họ là những nạn nhân còn sống sót, cũng như những người chứng kiến vụ thảm sát.
Teddy Riner : Võ sĩ khổng lồ của Judo Pháp
Cuối cùng là phần tin thể thao mà hầu hết các báo Pháp đều hoan hỉ đăng tải đó là sự kiện võ sĩ Judo Teddy Riner hôm thứ Bảy vừa qua giành danh hiệu vô địch thế giới thứ 10 tại Marakech, Morocco. Le Figaro ca ngợi : "Teddy Riner, một người khổng lồ trong những người khổng lồ. Với danh hiệu thứ 10 trong sự nghiệp, võ sĩ nhu đạo Pháp đã tiếp tục viết nên huyền thoại của mình, đó là huyền thoại của một vận động viên thể thao bất bại".
Anh Vũ
"America First" của Trump làm tiêu tan quyền lực mềm Mỹ
Liên quan đến Hoa Kỳ, The Economist số ra tuần này cảnh báo "Nguy hiểm : Ảnh hưởng Mỹ bị suy yếu đi dưới thời Donald Trump", và không dễ dàng gì vực dậy nổi.
"America First" của Trump làm tiêu tan quyền lực mềm Mỹ
Cách đây đúng một năm, ông Donald Trump được bầu lên làm tổng thống. Nhiều người dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trở thành thảm họa. Ông Trump từng đòi từ bỏ các hiệp định tự do mậu dịch, bỏ rơi các đồng minh, làm đảo lộn trật tự toàn cầu hiện nay dựa trên cơ sở luật pháp. NATO bị cho là "lỗi thời", NAFTA (Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ) là"tồi tệ chưa từng thấy", và nước Mỹ quá lịch sự với người nước ngoài. Donald Trump dọa "thả bom xuống bọn khốn kiếp Daech", "đoạt lấy dầu lửa".
Trump vẫn chưa gây thảm họa
Cho đến nay, sự việc không đến nỗi tệ hại lắm như ông Trump đã dọa dẫm. Đành rằng ông quyết định Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định khí hậu Paris, bỏ rơi TPP, một hiệp định tự do mậu dịch quy mô. Tuy nhiên Donald Trump vẫn chưa tự cô lập. Ông không rút khỏi NATO, và một số đồng minh Đông Âu còn thích giọng điệu cứng rắn của Trump hơn là thái độ hòa nhã của Obama.
Trump chưa phát động một cuộc chiến tranh nào. Tổng thống Mỹ lại còn tăng cường bảo vệ chính quyền Afghanistan, và giúp Iraq tái chiếm các thành phố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh, IS).Tại các khu vực mà Mỹ không quan tâm mấy như Châu Phi, chính sách của chính quyền tiền nhiệm vẫn được tiếp tục. Và do Donald Trump đã dành 12 ngày cho chuyến công du Châu Á hiện nay, không thể nói rằng ông đã tách rời khỏi phần còn lại của thế giới.
Nhiều người cảm thấy an tâm khi xung quanh tổng thống Mỹ là các tướng lãnh điềm tĩnh và tài giỏi. Chánh văn phòng, bộ trưởng quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia đều hiểu rõ sự khủng khiếp của chiến tranh, sẽ ngăn cản Donald Trump làm những điều khinh suất.
Những người lạc quan còn cho rằng Trump sẽ bắt chước Ronald Reagan, qua việc làm chuyển động các cơ quan ngoại giao, xây dựng lại sức mạnh quân sự Mỹ ;tung ra nắm đấm khiến Bắc Triều Tiên phải run sợ, rồi sụp đổ như Liên Xô trước đây. Người khác cho rằng dù trước mắt Donald Trump làm phương hại đến vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới, ông sẽ thất cử vào năm 2020 và mọi sự sẽ trở lại như cũ.
Hoa Kỳ sẽ vực dậy được uy tín khi Donald Trump ra đi ?
Theo The Economist, đó chỉ là suy nghĩ viển vông. Đành rằng về mặt an ninh, Donald Trump đã tránh được một số sai lầm tai hại. Ông không tranh cãi một cách vô ích với Trung Quốc về tư cách nhập nhằng của Đài Loan. Xì-căng-đan Nga can thiệp bầu cử đã ngăn Trump bắt tay với Vladimir Putin, vốn đang gây sợ hãi cho các nước láng giềng. Và có vẻ như Donald Trump đã thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực nhiều hơn với Bắc Triều Tiên về chương trình nguyên tử.
Tuy nhiên Donald Trump đã có những quyết định gây tranh cãi, như muốn hủy hiệp định hạt nhân với Iran. Ông ưa thích các nhân vật quyền lực như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình. Trump mê các tướng lãnh, nhưng lại tỏ ra nghi hoặc các nhà ngoại giao : ông đã làm bộ ngoại giao Mỹ trở nên vắng vẻ, mất đi rất nhiều đại sứ đầy kinh nghiệm.
Qua các tin Twitter, ông nói ngược lại những gì các viên chức của mình phát biểu mà không thèm báo trước, đe dọa Kim Jong-un… Hơn nữa, Donald Trump chưa từng được thử thách qua một cuộc khủng hoảng. Các vị tướng có thể khuyến cáo ông, nhưng Trump là tổng tư lệnh quân đội, với tính cách khiến cả bạn lẫn thù đều phải cảnh giác.
Về thương mại, Trump đơn giản cho rằng nhà xuất khẩu "thắng", còn nhập khẩu là "thua" (Vậy thì những khách hàng mua trang phục, túi xách mang nhãn hiệu Ivanka sản xuất tại Châu Á đều thua thiệt ?). Donald Trump nói rõ, ông thích các thỏa thuận song phương hơn là đa phương, vì một nước lớn như Hoa Kỳ có thể ép các nước nhỏ phải nhượng bộ. Cách suy nghĩ này, theo The Economist, có đến hai cái sai.
Thứ nhất, thật vô cùng khó khăn cho các nước nhỏ, hiện đang vất vả xoay sở trước các nhóm lobby chủ trương bảo hộ. thứ hai, sẽ lại tạo ra một loạt những quy định phức tạp ; mà trước đây hệ thống thương mại đa phương đã được hình thành để đơn giản hóa chúng.
Quyền lực mềm Hoa Kỳ : Nạn nhân chính của Donald Trump
Nhưng có lẽ quyền lực mềm của Mỹ là nạn nhân chính của Donald Trump. Ông Trump công khai đặt dấu hỏi về việc Mỹ phải bảo vệ các giá trị phổ quát như dân chủ và nhân quyền. Không chỉ ngưỡng mộ các nhà độc tài, tổng thống Mỹ còn ca ngợi bạo lực, như việc sát hại hàng loạt nghi can ma túy ở Philippines. Đó không phải là chiến thuật ngoại giao, mà có vẻ như xuất phát từ niềm tin.
Đây là một điều mới. Các tổng thống Mỹ tiền nhiệm cũng đã từng ủng hộ các nhà độc tài, vì buộc phải làm như vậy trong thời chiến tranh lạnh. "Hắn ta là một tên khốn kiếp, nhưng là tên khốn của chúng ta" - Tổng thống Harry Truman từng nói về một lãnh đạo độc tài chống cộng ở Nicaragua như thế. Còn ông Trump thì : "Anh ta là một tên khốn. Thật tuyệt vời !".
Thái độ này đã đẩy lùi ra xa những đồng minh yêu chuộng tự do ở Châu Âu, Đông Á… đồng thời cổ vũ các nhà độc tài. Bắc Kinh có thể dễ dàng tuyên truyền rằng mô hình dân chủ Mỹ đã lỗi thời, và những nước khác có thể sẽ sao chép mô hình độc đoán của Trung Quốc.
Ý kiến cho rằng mọi việc sẽ trở lại như cũ sau khi Donald Trump ra đi là quá lạc quan. Thế giới đang thay đổi. Các nước Châu Á đang tạo dựng những quan hệ thương mại mới, mà thường thì Trung Quốc là trung tâm. Châu Âu đang cố gắng xây dựng một nền quốc phòng, một khi không còn có thể dựa vào Chú Sam. Và chính trị Mỹ đang hướng nội : cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ nay đều có xu hướng bảo hộ hơn so với thời điểm Donald Trump thắng cử.
The Economistkết luận, cho dù có những khiếm khuyết, Mỹ quốc từ lâu vẫn là lực lượng quan trọng nhất trên thế giới bênh vực cho điều thiện, ủng hộ tự do, và là kiểu mẫu dân chủ. Tất cả nay đang bị đặt trong tình trạng nguy hiểm. Khi thúc đẩy "Nước Mỹ trước hết", Donald Trump đã làm cho Hoa Kỳ suy yếu đi, và thế giới trở nên tồi tệ hơn.
Russiagate tệ hại hơn Watergate
Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, L’Express phân tích "Những điểm tưởng chừng là giống nhau giữa Russiagate" và Watergate. Còn theo The New York Review of Books được Le Courrier International dịch lại, "Russiagate còn tệ hại hơn" cả xì-căng-đan đã khiến tổng thống Nixon phải từ chức năm 1972.
L’Expresscho rằng sự kiện tuần qua là một bước ngoặt quan trọng. Hai cộng sự của Donald Trump là Paul Manafort và Richard Gates đã bị cáo buộc âm mưu, rửa tiền, gian lận tài chính và làm chứng gian, trong đó có việc "rửa" hàng mấy chục triệu đô la cho những người thân cận điện Kremlin. Cho dù tên của ông Trump lẫn cụm từ "thông đồng với Nga" không được nhắc đến trong văn bản dài đến 31 trang, nhưng giờ đây, không còn là những nguồn tin nặc danh nữa. Những chi tiết cụ thể được công khai, và các luật sư sẽ phát ngôn thay thân chủ.
The New York Review of Booksđặc biệt chú ý đến nhân vật George Papadopoulos, có thể từ nhiều tháng qua đã khai ra nhiều chuyện cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller để được hưởng giảm khinh.
Có vẻ như câu chuyện cũng giống như vụ Watergate đình đám cách đây gần 45 năm : một tổng thống Cộng Hòa ngày càng bị cô lập, bao quanh là một số cố vấn tai tiếng, không ngần ngại tìm cách bóp nghẹt những tiết lộ nguy hiểm. Nhưng theo L’Express, Hoa Kỳ đã thay đổi rất nhiều so với thời đó. Trong vụ Watergate, chỉ mất sáu tháng để đưa ra ánh sáng, còn bây giờ phức tạp hơn, sẽ phải chờ đợi lâu.
Quốc Hội Mỹ cũng khác : năm 1972, phe Dân Chủ chiếm đa số, nay thì Cộng Hòa thống trị cả lưỡng viện, và hầu hết giữ im lặng để khỏi mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018. Những thượng nghị sĩ Cộng Hòa hiếm hoi chỉ trích ông Trump thì uy tín đang bị xuống thấp trong các cuộc thăm dò, như Susan Collins (tiểu bang Maine), Lisa Murkowski (Alaska), Dean Heller (Nevada), Mitch McConnel (Kentucky). Như vậy chỉ có một sự kiện ngoạn mục nào đó xảy ra mới có thể truất phế được ông Trump.
Một khác biệt lớn nữa giữa Russiagate và Watergate là báo chí truyền thống bị yếu đi. Trong thập niên 1970, những lời lẽ phẫn nộ của tổng thống Nixon chỉ được thốt ra trong vòng thân mật (trừ một số bị lén ghi âm). Ngày nay Donald Trump công khai những phát biểu nảy lửa trên Twitter, được đông đảo người ủng hộ trên mạng xã hội chia sẻ lại, và có sự hỗ trợ của báo chí cực hữu như Fox News, Breibart. Khi nhìn lại, vụ Watergate bây giờ chỉ như một trò trẻ con.
Liệu Trung Quốc sẽ dùng vũ lực chiếm Đài Loan ?
Liên quan đến Châu Á, Le Courrier International trích dịch một bài viết của tạp chí á châu Chu san (Yazhou Zhoukan) ở Hồng Kông mang tựa đề "Nếu Bắc Kinh dùng vũ lực cưỡng chiếm Đài Loan thì sẽ như thế nào ?".
Sau Đại hội Đảng 19, với quyền lực mạnh hơn bao giờ hết, Tập Cận Bình nay có thể tìm cách "hoàn tất công trình lớn lao là thống nhất", sáp nhập Đài Loan, điều mà cả Mao Trạch Đông lẫn Đặng Tiểu Bình không làm được, giúp ông Tập hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa".
Tập Cận Bình có kiên nhẫn chờ đợi công luận Đài Loan thay đổi, hay sẽ tung ra đòn sấm sét để chiếm lấy hòn đảo này ? Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong năm nay đã diễu võ dương oai hai vòng xung quanh Đài Loan, và chỉ trong hai tuần lễ của tháng Bảy các oanh tạc cơ H-6 của Bắc Kinh đã bay thị uy bốn lần trên không phận đảo quốc. Đài Loan chưa bao giờ bị dọa nạt dữ dội như thế.
Cho dù không thể so sánh nổi về tương quan lực lượng, Đài Loan vẫn có khả năng tự vệ. Số hỏa tiễn phòng không được triển khai của lục quân Đài Loan đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Israel. Nhưng có thể chống chọi được bao lâu ? Người ta cho rằng chỉ một, hai tuần, cao lắm là một tháng. Theo cựu tướng Trung Quốc Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), có thể chiếm được Đài Loan sau khoảng 100 giờ tấn công.
Cựu chủ tịch đảng Dân Tiến Đài Loan Hứa Tín Lương (Hsu Hsin Liang) cho rằng trước một cuộc chiến bất cân sức như thế, "thế giới không thể bảo vệ được chúng tôi". Tuy nhiên nếu Tập Cận Bình dùng đến vũ lực như thế, "Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành đại cường số một thế giới được".
Mỹ thờ ơ, Việt Nam gia tăng trấn áp đối lập
Về Việt Nam, The Economist có bài viết mang tựa đề "Đảng cộng sản tái khẳng định sự kiểm soát tại Việt Nam". Theo tác giả, sự thờ ơ của Mỹ đã góp phần vào việc Hà Nội gia tăng trấn áp các nhà ly khai.
Tờ báo Anh nhận xét, so với "Vạn lý Hỏa thành" ngặt nghèo của Trung Quốc, dù sao tại Việt Nam vẫn tương đối dễ thở hơn. Người dân vẫn đọc được tin tức từ báo chí phương Tây, khoảng phân nửa trong số 90 triệu dân Việt sử dụng Facebook. Công chúng vẫn có thể chỉ trích chính sách kinh tế, biểu tình chống các hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, dù có bị giám sát.
Tuy nhiên gần đây một số nhà hoạt động đã bị bắt giam, chủ yếu là những người có dính líu đến Công giáo hoặc các nhóm xã hội dân sự như Hội Anh em Dân chủ, hay có liên lạc với Việt Tân. Và Hà Nội có vẻ muốn noi theo Bắc Kinh, với dự luật về an ninh mạng sẽ trói tay các nhà ly khai. The Economist cho rằng do Việt Nam nhỏ và nghèo hơn Trung Quốc, nên rất cần đầu tư ngoại quốc và thương mại. Cho dù với một chính quyền Mỹ ít đòi hỏi hơn, Hà Nội có nguy cơ mất nhiều hơn được khi siết chặt nhân quyền.
Lao động, cánh hữu, đạo Hồi : Tựa chính các tuần báo Pháp
Tựa chính của các tuần báo Pháp chủ yếu về các vấn đề trong nước. Le Point chạy tựa "Sự thực và huyền thoại về những người lười biếng". Hồi tháng Chín, dưới áp lực của đường phố, tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn tuyên bố "kiên quyết không nhượng bộ những người lười biếng, cực đoan…" gây tranh cãi. Tờ báo phân tích những nguyên nhân vì sao người Pháp được cho là làm việc ít hơn một số nước Châu Âu khác. L’Express đăng chân dung ông Laurent Wauquiez, ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa và đặt câu hỏi "Nhân vật này có thể đoàn kết được cánh hữu ?".
L’Obs nói về "Tariq Ramadan, điều tra về sự sụp đổ của một giáo chủ". Nhà nghiên cứu về đạo Hồi đã bị hai phụ nữ kiện vì tấn công tình dục, bạo lực và đe dọa tính mạng. Tuần báo đã tìm gặp hai cô gái khác, thuật lại mặt trái của người chuyên rao giảng cho Hồi giáo. Le Courrier International dành chủ đề cho "Hồi giáo, thách thức của thời hiện đại".
Thụy My
Mỹ : Donald Trump làm được gì sau một năm ở Nhà Trắng
Cách nay một năm, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Nhân dịp này, xã luận báo Le Monde có bài "Trump một năm sau". Theo tờ báo, việc Donald Trump trúng cử là một trong những sự kiện mà người dân Mỹ ghi nhớ rõ, giống như thông tin lần đầu tiên, con người đặt chân lên mặt trăng, hay vụ ám sát tổng thống Mỹ JF. Kennedy.
Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 13/10/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Một năm sau cơn chấn động chính trị, phần lớn dân chúng Mỹ vẫn còn bị choáng váng bởi nhiệm kỳ tổng thống không bình thường này. Nỗi bàng hoàng xen lẫn sự khó hiểu về một thắng lợi mà rất ít người dự báo được.
Trong khi đó, đông đảo cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ thì vẫn bị dày vò bởi những lời giải thích ít nhiều thuyết phục vì sao phe của họ lại thua. Một số người chỉ trích việc lựa chọn Hillary Clinton làm ứng viên. Thế nhưng, Le Monde cho rằng làm như vậy là đi không đúng hướng, bỏ qua vấn đề cơ bản cho phép hiểu được vì sao Trump thắng cử.
Nếu Donald Trump thắng cử, trước tiên là vì ông đã biết tập trung hướng vận động tranh cử vào một bộ phận cử trị có cảm giác bị bỏ quên. Ngoài các vùng trù phú ở miền duyên hải và các thành phố lớn, phần còn lại của nước Mỹ đã âm thầm chịu đựng sự thiệt thời trước sự thờ ơ của giới tinh hoa chính trị và một bộ phận truyền thông. Các số liệu vĩ mô kinh tế đáng phấn khởi mà Barack Obama để lại đã che dấu những rạn nứt, hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 và tiến trình toàn cầu hóa, trong khi đó chính quyền lại không có những biện pháp để hỗ trợ các nạn nhân này.
Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với tỷ lệ được lòng dân rất thấp. Một năm sau, tỷ lệ này không thay đổi. Với 38% tỷ lệ ủng hộ, dường như tổng thống Mỹ vẫn duy trì được một bộ phận cử tri trung thành với ông, ít quan tâm đến những cáo buộc về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hiện đang gây "ô nhiễm" bầu không khí của nhiệm kỳ tổng thống. Những cử tri trung thành này cũng không thay đổi ý kiến cho dù bản tổng kết thành tích một năm cầm quyền của Donald Trump khá sơ sài so với những gì ông đã hứa lúc vận động tranh cử : chương trình cải cách hệ thống y tế, xóa bỏ Obamacare không được Quốc Hội thông qua, dự án xây tường biên giới với Mêhicô vẫn chưa có nguồn tài chính, trong lúc đó, tư pháp liên tục bác bỏ những sắc lệnh của ông về nhập cư.
Tuy vậy, theo Le Monde, Donald Trump vẫn thành công trong việc lừa gạt cử tri của ông bằng cách liên tục tấn công vào những quyết định mà người tiền nhiệm đã đưa ra, như trong lĩnh vực môi trường, đối ngoại. Về điểm này, Le Monde nhấn mạnh, nhiều người đã đánh giá thấp mức độ phản đối của một bộ phận cử tri trước các quyết định của Obama. Những người này đã im lặng bất bình trong suốt 8 năm qua.
Khai thác tư tưởng dân tộc chủ nghĩa là một chuyện, áp dụng chính sách mà các cử tri đang mong đợi lại là một chuyện khác. Và tình hình có nguy cơ trở nên phức tạp đối với Donald Trump. Trong lúc tranh cử, ông đã hứa làm khô cạn vùng lầy Washington, tức là xóa bỏ các nhóm vận động hành lang vì tiền, làm tê liệt nền dân chủ Mỹ để phục vụ các lợi ích riêng tư.
Thế nhưng, thay vì gạt bỏ các hoạt động này, ông trùm địa ốc lại thiết lập một chế độ đầu sỏ tài chính mà các mục tiêu của chế độ này trái ngược hoàn toàn với những mong đợi của những người đã bỏ phiếu cho ông, những người vốn bị hệ thống chính trị hiện hữu không đoái hoài tới. Các kế hoạch nới lỏng quản lý hệ thống tài chính, cải cách thuế có lợi cho những người giàu có, cắt giảm ngân sách giáo dục và các chuơng trình xã hội, Le Monde cho rằng, khó mà tưởng tượng được là về lâu dài, những người đã bỏ phiếu cho Donald Trump vào Nhà Trắng lại có thể tiếp tục ủng hộ một chính sách có nguy cơ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực đối ngoại, các báo Pháp rất quan tâm đến chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Hoa Kỳ. Le Monde cho biết "Tập Cận Bình dành cho Donald Trump một sự đón tiếp như hoàng đế". Dường như biết tính cách của tổng thống Mỹ, Bắc Kinh nhấn mạnh đây là chuyến công du cao hơn cấp Nhà nước. Rất hài lòng về sự đón tiếp này, Donald Trump đã đáp lại với những câu ca ngợi hết lời, như hội đàm giữa hai nguyên thủ là một "cuộc gặp rất ấn tượng", "không có chủ đề nào quan trọng hơn là quan hệ Trung-Mỹ". Sáng hôm qua, tổng thống Mỹ hứa hẹn là cùng làm việc với Trung Quốc để không chỉ giải quyết các vấn đề giữa hai nước mà cả những vấn đề của thế giới. Gợi ý này dường như đáp ứng mong đợi của Trung Quốc vì trước đây, Bắc Kinh muốn lập một dạng cơ chế thượng đỉnh G2 Trung-Mỹ nhưng đã bị Obama bác bỏ.
Theo nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptist Hồng Kông, điều mà Trung Quốc đạt được ở bề ngoài, đó là có được quy chế một cường quốc lớn, ngang hàng để cùng quản lý vấn đề an ninh tại Châu Á. Thế nhưng, đây chỉ là sự ngang hàng giả tạo bởi vì Hoa Kỳ vẫn thống trị với các liên minh quân sự vững chắc, trong khi Trung Quốc chỉ có những quốc gia bạn bè, đi theo Bắc Kinh tùy theo tình hình.
Cùng chủ đề, Le Figaro chạy tựa "Tập Cận Bình thể hiện sự hoành tráng của Trung Hoa khi gặp Donald Trump".
Trong lĩnh vực kinh tế, chuyến công du Trung Quốc của Donald Trump là một "Vụ thu hoạch các hợp đồng", tựa của Le Monde. Theo hướng này, Les Echos cho biết "Vụ thu hoạch các hợp đồng biểu tượng của Trump tại Trung Quốc", còn theo Le Figaro, đó là "Vụ mùa kỳ diệu các hợp đồng".
Chủ đề thời sự khác được nhiều báo Pháp quan tâm, đó là vụ lách luật tránh thuế "paradise papers". Le Monde có nhiều bài về hồ sơ này. Theo tờ báo "Gửi tiền ở thiên đường thuế khóa, một phản xạ đối với các đầu sỏ tài chính Nga". Vụ "paradise papers" cho thấy, tổng số tiền mà các cá nhân, doanh nghiệp Nga đặt ở nước ngoài có thể lên tới khoảng 1000 tỷ đô la. Những người thân cận của Vladimir Putin đều làm như vậy. Một doanh nhân ngoại quốc giải thích : Càng gần gũi với chính quyền, thì tài sản của giới tài phiệt càng mong manh. Dường như có một sự hiểu ngầm giữa chính quyền và giới đầu sỏ tài chính là những khoản tiền khổng lồ của họ chỉ là sở hữu ủy quyền. Chính quyền có thể lấy lại bất kỳ lúc nào. Chính vì thế mà một số người trong số này đã tìm cách cất giấu một phần tài sản của họ.
Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos chạy trên trang nhất thông tin đáng mừng là "Tăng trưởng của Châu Âu đạt mức cao nhất kể từ 10 năm qua". Theo dự báo của Bruxelles, khu vực đồng euro sẽ có mức tăng trưởng là 2,2-2,3%, thâm hụt ngân sách của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều giảm. Do vậy, tờ báo kêu gọi, đây là lúc tiến hành các cải cách sâu rộng.
Le Monde nói tới "Tăng trưởng có thể đạt mức 2,3% trong Liên Hiệp Châu Âu năm 2017" và khẳng định, khu vực đồng euro thoát ra khỏi khủng hoảng và thậm chí tăng trưởng còn tăng tốc trong những tháng gần đây. Theo ủy viên Châu Âu phụ trách kinh tế, ông Pierre Moscovici, thì khu vực đồng euro phải tiến hành cải cách : đồng nhất về cơ cấu và củng cố khu vực đồng tiền chung, đó là hai điều kiện để tăng trưởng có thể kháng cự được những cú sốc mạnh trong tương lai và trở thành một động lực bền vững cho sự thịnh vượng chung.
Về xã hội, báo La Croix quan tâm đến "Cội nguồn của hiện tượng quấy rối tình dục" và đây cũng là chủ đề trên trang nhất của tờ báo. Kể từ khi vụ quấy rối tình dục của nhà sản xuất điện ảnh Hollywood Weinstein bị phát giác, ngày càng nhiều vụ tố cáo về quấy rối tình dục hoặc những hành vi không phù hợp của nam giới đối với phụ nữ. Đến mức là người ta phải đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của hiện tượng quấy rối tình dục : hành vi này của một số người đàn ông phải chăng có cội nguồn từ bản chất nam giới hay đó là hệ quả của một dạng văn hóa được tạo dựng qua hàng thế kỷ lịch sử.
Trong khi đó, Le Monde và Le Figaro chú ý tới thời sự Pháp. "Macron chỉ đạo các ê-kíp của mình như thế nào". Đó là tít một của Le Monde. Trong cuộc họp chính phủ vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc nhở các bộ trưởng : Không dãi bày tâm tư ở bên ngoài. Ông không ưa gì các kiểu nói kháy, chỉ trích giữa các bộ trưởng. Thậm chí, có lần, ông trao đổi, gửi tin nhắn SMS cho các bộ trưởng và cộng sự đến tận 3 giờ sáng, để yêu cầu họ đẩy mạnh nhịp độ làm việc và tỏ thái độ hoàn toàn trung thành với tổng thống. Theo ông Christophe Castaner, phát ngôn viên của tổng thống, thì khi nói một điều gì, ông Macron nói rõ và mạnh mẽ và điều này đủ để mọi người phải hiểu và lắng nghe.
Còn trang nhất của Le Figaro cho biết "Macron yêu cầu các bộ trưởng bảo vệ tốt hơn chính sách của mình". Theo tờ báo, cuộc thăm dò dư luận do viện nghiên cứu Odoxa thực hiện cho thấy đa số các bộ trưởng trong chính phủ của ông Macron không được mọi người biết đến, ngoại trừ ba nhân vật : bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot, bộ trưởng thể thao Laura Flessel và thủ tướng Edouard Philippe.
RFI tiếng Việt
APEC 2017 chờ đợi gì từ tổng thống của "nước Mỹ trước tiên" ? (RFI, 09/11/2017)
Ngày 10/11/2017, thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Tâm điểm chú ý của thượng đỉnh APEC lần này là tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo các nước APEC đang đợi vị tổng thống với khẩu hiệu nổi tiếng "nước Mỹ trước tiên" sẽ thể hiện tầm nhìn thế nào trước một diễn đàn tự do thương mại quốc tế.
Các bộ trưởng APEC chụp hình chung sau cuộc họp ngày 08/11/2017 tại Đà Nẳng. Reuters
Chặng đầu của chuyến công du Châu Á của ông Trump đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trước khi tới Việt Nam dự APEC, được đánh giá mang nặng tính chất địa chính trị để thể hiện chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á. Thế nhưng, người ta đã thấy bên cạnh những tuyên bố trấn an đồng minh chiến lược Nhật, Hàn về vấn đề an ninh, tổng thống Mỹ không quên lợi ích kinh tế của nước Mỹ.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nhắc lại với hai đồng minh về quan hệ làm ăn phải "tự do, công bằng và có qua có lại" để giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Tại Trung Quốc, ông Trump dường như đã hài lòng hơn với một loạt hợp đồng trị giá hơn 250 tỷ đô la được ký. Vì thế mà ông Doanld Trump đã đổi giọng, không còn chỉ trích Trung Quốc như trước đó không lâu.
APEC quy tụ 21 nước thành viên chiếm 40% dân số toàn cầu nắm giữ 60% của cải thế giới, với những nền kinh tế tiềm năng đa dạng. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là : Vị Tổng thống tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ sẽ thể hiện những gì tại diễn đàn thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại này ?
Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông McMaster đã giải thích trước chuyến công du quan trọng của ông Trump rằng tổng thống Mỹ muốn "bảo đảm các chính phủ không trợ giá một cách không công bằng cho công nghiệp của họ, không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc không hạn chế đầu tư nước ngoài".
Giảm thâm hụt thương mại của Mỹ là một trong các cuộc chiến tâm đắc nhất của ông Trump vì ông nhận thấy đó là mối đe dọa cho công ăn việc làm của người Mỹ. Vì thế mà ngay sau khi nhậm chức, ông đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP – hiệp định thương mại tự do Đii tác xuyên Thái Bình Dương ký với 11 nước, cho dù đa số những nước tham ký đều nhận thấy TPP là công cụ hữu hiệu để làm đối trọng với đà bành trướng kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng, ông Donald Trump cho rằng nước Mỹ không được lợi lộc gì và thậm chí còn bị thua thiệt ở hiệp định tự do thương mại TPP mà đa số các nước tham gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Hệ quả là Trung Quốc, nước bị gạt ra ngoài TPP, có thể lợi dụng dịp này vẽ lại bản đồ trao đổi thương mại của họ ở Châu Á bằng cách thúc đẩy ký các thỏa thuận đơn lẻ với các nước.
Ông Trump chưa tới Đà Nẵng, nhưng một ngày trước khi khai mạc APEC, người ta đã thấy hiệu ứng của chủ trương "nước Mỹ trước tiên". Theo AFP có mặt tại Đà Nẵng, các bộ trưởng Thương Mại và Ngoại Giao APEC vẫn chưa thể đạt được đồng thuận cho một bản tuyên bố chung của hội nghị. Thủ tục thông thường này đang vấp phải cản trở bởi khái niệm "tự do buôn bán" và "bảo hộ mậu dịch" theo kiểu "nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Trump.
Kinh tế cũng không choán hết mối quan tâm của ông Donald Trump tại diễn đàn ở Đà Nẵng. "Nước Mỹ trước tiên" và nước Mỹ cũng đang là mục tiêu đe dọa của hạt nhân Bắc Triều Tiên. Hồ sơ Bắc Triều Tiên đã theo ông ông Trump trong suốt ba chặng công du Châu Á những ngày qua với những tuyên bố cảnh cáo chế độ Bình Nhưỡng và kêu gọi hai nước lớn Trung Quốc và Nga phải có trách nhiệm chung tay gây sức ép, "cô lập chế độ tàn bạo Bắc Triều Tiên".
Tại APEC lần này người ta đang mong chờ thấy một tổng thống Trump khôn khéo hơn, ngoại giao hơn, không bốc đồng tuyên bố đe dọa, mạt sát Kim Jong Un và chế độ Bình Nhưỡng như trước đây, để thế giới có thể thở phào vì cuộc chiến thương mại hay chiến tranh với Bắc Triều Tiên chỉ là nguy cơ thoáng qua mà thôi.
Anh Vũ
********************
Mậu dịch và an ninh, hai trọng tâm của Trump ở Việt Nam (RFI, 08/11/017)
Sau khi dự thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng ngày 10/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mở chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam ngày 11/11/2017. Ông sẽ đến Hà Nội để gặp các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Hôm nay, tờ Asia Times đã có bài nhận định về mối quan hệ Việt -Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, Washington ngày 31/05/2017. SAUL LOEB / AFP
Asia Times nhắc lại rằng, trong các lãnh đạo chế độ Hà Nội, riêng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mối quan hệ làm việc với tổng thống Trump, vì ông đã là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á hội kiến ông Trump ở Nhà Trắng vào tháng 5 vừa qua.
Nhân chuyến viếng thăm đó, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký các hợp đồng mới để thúc đẩy trao đổi mậu dịch Việt Nam với Hoa Kỳ, trong đó có hợp đồng mua máy bay Boeing. Hà Nội ký những hợp đồng này để chứng tỏ họ sẳn sàng đáp ứng yêu cầu của tổng thống Trump giảm thặng dư thương mại rất lớn với Hoa Kỳ, vốn đã lên tới 29 tỷ đôla năm 2016, theo các số liệu của phía Việt Nam.
Đổi lại, Hà Nội muốn Hoa Kỳ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Trong tám tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư của Mỹ chỉ đạt tổng cộng 370 triệu đôla, chỉ bằng 5% của Hàn Quốc, nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Asia Times trích dẫn tờ Vietnam Investment Review cho biết giới doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam hy vọng chuyến viếng thăm của tổng thống Trump sẽ thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa hai nước. Họ cũng tin rằng Hà Nội sẽ cam kết tự do hóa kinh tế hơn nữa để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh mà ngân sách Nhà nước gặp khó khăn và nợ công tăng cao, chính quyền Việt Nam muốn thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với vốn đầu tư tư nhân.
Giới lãnh đạo Hà Nội cũng muốn thảo luận với tổng thống Trump về các vấn đề an ninh. Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào tháng Giêng đến nay, Hà Nội vẫn không biết là Washington có sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay không.
Tờ báo trích lời chuyên gia Bill Hayton, tác giả cuốn "Biển Đông : Cuộc tranh giành quyền lực ở Châu Á" viết rằng : "Chính quyền Trump đã tỏ cho thấy hoặc là họ không hiểu hoặc là họ không quan tâm đầy đủ đến các lợi ích của các nước bạn và các nước đối tác tiềm tàng ở Đông Nam Á để bảo vệ họ chống Trung Quốc.
Tuy vậy, các cố vấn của tổng thống Mỹ gần đây đã nói ngày càng nhiều đến mục tiêu xây dựng "một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Tuy không giống như chiến lược "xoay trục sang Châu Á" của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, nhưng dự án này cũng nhằm duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Nhưng theo Asia Times, tổng thống Trump viếng thăm Trung Quốc trước khi đến Việt Nam, với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh mở cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư Mỹ, cũng như yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thêm trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cho nên có một số người lo ngại là vì muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Trump sẽ hy sinh các lợi ích của Việt Nam, cũng hy sinh mục tiêu thiết lập vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các nhà hoạt động dân chủ ở Hà Nội thì cho biết họ không hy vọng tổng thống Mỹ sẽ công khai lên tiếng về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, vốn đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Thật ra thì khi viếng thăm Việt Nam vào năm ngoái, người tiền nhiệm Obama cũng đã không hề đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Chính quyền Trump dường như có cách tiếp cận giống như chính quyền Obama, tức là thay đổi ở Việt Nam sẽ diễn ra từ từ và thông qua các hành động mang tính xây dựng, chứ không phải là qua những hành động trừng phạt.
Vấn đề là do tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP. Hoa Kỳ nay không còn một công cụ hiệu quả để thúc đẩy Hà Nội tự do hóa kinh tế và chính trị vì hiệp định này buộc Việt Nam phải cho phép thành lập các công đoàn độc lập cũng như phải chấp nhận những cải tổ quan trọng khác.
Thanh Phương
Trump-Tập : "The Art of Deal" đấu với Binh thư Tôn Tử
Donald Trump và Tập Cận Bình dự dạ tiệc tại Đại lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh ngày 09/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump được tất cả nhật báo Pháp quan tâm. La Croixchơi chữ "Hoàng đế Tập tiếp ông chủ Trump như một ông hoàng". Le Figaro nhận xét "Bắc Triều Tiên là trung tâm cuộc đọ sức Trump-Tập". Tương tự với Les Echos "Tại Trung Quốc, ông Trump tìm kiếm những nhượng bộ về thương mại và Bắc Triều Tiên". Paradise Papers với những nhân vật tên tuổi dính líu, nạn nghèo khó tăng lên, thâm hụt thương mại của nước Pháp, viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi… đó là những đề tài được báo Pháp chú ý hôm nay.
Binh pháp Tôn Tử đối đầu "The Art of Deal"
La Croixmô tả, chủ tịch Trung Quốc đã tiếp đón tổng thống Mỹ tại Tử Cấm Thành, xưa kia là cung điện của các hoàng đế Trung Hoa, có diện tích đến 720.000 mét vuông. Đây là cả một biểu tượng, trong khi mùa xuân năm ngoái ông Donald Trump tiếpTập Cận Bình tại dinh cơ riêng ở Mar-a-Lago rộng 5.000 mét vuông, tại tiểu bang Florida. Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, theo binh pháp Tôn Tử, hiểu rõ kẻ thù và biết cách làm cho ông ta lóa mắt, dẫn đến chiến thắng mà không phải động binh. Nhà tỉ phú Mỹ vốn tự hào với "Nghệ thuật thương lượng",dùng cách tiếp cận tình cảm, hết lời ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa thắng lợi vẻ vang trong Đại hội Đảng.
Theo tường thuật của thông tín viên Les Echos, trong khi dùng trà, ông Trump đã rút chiếc máy tính bảng, đưa cho "ông bạn" Trung Quốc xem một video, trong đó cháu gái Arabella Kushner của ông hát và đọc một bài thơ bằng tiếng quan thoại. Ông Tập nhận xét những tiến bộ của cháu bé, bảy tháng sau cuộc gặp ở Florida. Rồi con người hét ra lửa ở Bắc Kinh trở thành hướng dẫn viên du lịch, đích thân dẫn tổng thống Mỹ và phu nhân tham quan Tử Cấm Thành, xem ca kịch truyền thống và dùng bữa tối.
Hai nhân vật quyền lực nhất thế giới, mỗi người có một cách riêng để khuyến dụ nhau. Donald Trump mong muốn có được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Trung Quốc, vốn chiếm đến 95% trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên, trong cuộc thập tự chinh của ông với Bình Nhưỡng. Nhưng tuy Bắc Kinh đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đối với Tập Cận Bình, không có chuyện làm cho chế độ Kim Jong Un bị lung lay, và tất nhiên không ủng hộ các đe dọa chiến tranh của ông Trump. Về chủ đề này, La Croix dự báo tất cả những lời ngon lẽ ngọt của Donald Trump sẽ không lay chuyển được Bắc Kinh.
Le Figaro nói thêm, người Trung Quốc vốn rất gắt gao về nghi thức, vẫn phải "cầu nguyện" cho nguyên thủ Mỹ không đưa ra những tuyên bố nảy lửa, làm cho các lãnh đạo Bắc Kinh phải bối rối. Các viên chức Bắc Kinh lo lắng theo dõi những tin Twitter của ông Trump, mạng xã hội bị cấm đoán tại Trung Quốc, nhưng riêng tổng thống Mỹ thì có quyền "vượt tường lửa".
Les Echos cũng nhận định, các nước Châu Á cũng phần nào nhẹ nhõm. Thay vì tung ra những cú sốc mới gây nguy cơ xung đột, rốt cuộc ông Donald Trump đã đóng tốt vai một nhà lãnh đạo chín chắn, nghiêm túc theo những bài diễn văn mà các cố vấn đã soạn sẵn. Tại Tokyo, Seoul và Bắc Kinh và trên mạng Twitter, ông Trump chưa có vấp váp gì.
Về một hồ sơ gai góc khác là thương mại, tổng thống Mỹ với khoảng 30 chủ doanh nghiệp tháp tùng, rất muốn giảm bớt số thâm hụt khổng lồ trong trao đổi song phương, có thể lên đến 370 tỉ đô la trong năm nay. Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, hai bên ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 250 tỉ đô la. La Croix cho rằng như vậy ông Trump đã được "dỗ dành", nhưng đến bao lâu ? Vòng công du Châu Á của Donald Trump, cho đến nay rất ổn thỏa, rất có thể chỉ là bề ngoài, che giấu một chiến lược tương lai hiếu chiến hơn.
Xâm nhập thị trường cần hơn cán cân thương mại
Theo Les Echos, các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi, không tin rằng các hợp đồng này có thể thực sự thay đổi thế trận. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng không lạc quan về những tiến triển trong việc mở cửa thị trường Hoa lục.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo kinh tế Pháp, nhà nghiên cứu Hoàng Dục Xuyên (Yukon Huang) của Carnegie Endowment for International Peace tại Washington, cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định "Điều quan trọng thực sự không phải là thâm hụt thương mại Mỹ, mà là xâm nhập được thị trường Trung Quốc".
Chuyên gia này cho biết, cán cân thương mại không phải là chỉ số tốt nhất để ấn định chính sách kinh tế. Một nước có thể bị thâm hụt thương mại lớn, nhưng tăng trưởng mạnh và thất nghiệp ít. Hoa Kỳ vẫn bị thâm hụt thương mại trước khi Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu. Hơn nữa, chú tâm vào chỉ số này chẳng có ý nghĩa gì trong thời buổi toàn cầu hóa chuỗi giá trị : các sản phẩm xuất khẩu được lắp ráp tại Trung Quốc từ các bộ phận do Hàn Quốc sản xuất chẳng hạn. Thâm thủng thương mại của Mỹ chủ yếu phản ánh một nền kinh tế tiêu thụ nhiều hơn là sản xuất ra.
Theo ông Hoàng Dục Xuyên, việc ít hiểu biết về cơ chế kinh tế dẫn đến các quyết định chính trị sai lầm. Tổng thống Donald Trump không có đủ các cố vẫn kỹ trị giỏi, hoặc là có nhưng ông không chịu nghe họ. Tuy nhiên, dư luận Mỹ đứng về phía ông Trump, tin rằng Hoa Kỳ xuống dốc là do Trung Quốc giành mất việc làm. Hoa Kỳ vẫn là đại cường hàng đầu thế giới về kinh tế lẫn quân sự, nhưng công dân Mỹ không nhìn ra điều đó.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất thế giới, nhưng chỉ có 2% tổng đầu tư của Mỹ là vào Trung Quốc. Quá ít, so với Châu Âu. Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào nông sản thực phẩm, một số dịch vụ và công nghệ cao, không cần đầu tư nhiều vào người khổng lồ Châu Á. Các chuỗi cửa hàng Starbuck và McDonald hiện diện khắp nơi ở Trung Quốc, nhưng thông qua nhượng quyền kinh doanh. Và tuy iPhone, iPad được sản xuất tại Trung Quốc nhưng Apple không đầu tư trực tiếp vào, mà qua các nhà thầu khác. Làm thế nào người Trung Quốc có thể mua nhiều hàng Mỹ hơn, trong khi họ đã sản xuất ra được nhiều loại hàng tiêu dùng, và nhập từ Châu Âu các loại hàng cao cấp ?
Ông Hoàng Dục Xuyên cho rằng đôi bên có thể cùng có lợi nếu Bắc Kinh chịu mở cửa thêm lãnh vực dịch vụ (tài chính, y tế, giải trí…) cho các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy chẳng những việc làm ở Mỹ không bị đe dọa, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho cả hai phía.
Bắc Triều Tiên nắm được công nghệ nguyên tử nhờ Pakistan
Quay lại với hồ sơ Bắc Triều Tiên, thông tín viên Le Figaro tại New Delhi cho biết, "Pakistan là đối tác quyết định đối với dòng họ nhà Kim trong cuộc chạy đua nguyên tử". Chế độ Bình Nhưỡng không thể tiến nhanh như vậy nếu Islamabad không cung cấp công nghệ làm giàu chất uranium.
Ngày 30/12/1993, nữ thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto chính thức viếng thăm Bình Nhưỡng, với mục đích mua hỏa tiễn đạn đạo Nodong kèm theo chuyển giao công nghệ. Pakistan đang chạy đua vũ khí hạt nhân với Ấn Độ, muốn vượt qua đối thủ. Islamabad mua 210 triệu đô la tên lửa, và không giao công nghệ gì cho Bắc Triều Tiên. Mười lăm năm sau, nhà báo điều tra Shyam Bhatia trong một cuốn sách đã thuật lại một câu chuyện khác hẳn.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, Benazir Bhutto cho nhà báo Bhatia biết, trước khi đi Bình Nhưỡng, bà nhét đầy các túi áo măng-tô những CD-Rom chứa những thông tin về công nghệ làm giàu uranium, để trao cho chính quyền Bắc Triều Tiên. Vào thời đó, chương trình nguyên tử của Kim Il-sung đang tiến triển về hướng plutonium dùng cho mục đích quân sự, nhưng không biết làm giàu uranium, một kỹ thuật mà Pakistan nắm vững.
Chính quyền Pakistan luôn bác bỏ thông tin của nhà báo Shyam Bhatia. Nhưng cũng trong năm 2003, ông Robert Kelly, thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đến Libya, nơi Kadhafi đã chấp nhận giải trừ hạt nhân. Ông phát hiện ra các vật liệu mà tiến sĩ Abdul Qadeer Khan - nhà khoa học Pakistan từng làm việc cho tập đoàn Hà Lan Urenco chuyên sản xuất máy ly tâm - bán cho Libya.
Ông Kelly kể lại : "Tôi có trong tay kế hoạch sản xuất đầu đạn nguyên tử với tất cả hướng dẫn chi tiết. Ông Khan bán các máy ly tâm, và kế hoạch này được giao theo hợp đồng. Vào thời đó, ông ta cũng làm việc với Bắc Triều Tiên và tôi suy ra rằng Khan cũng giao hàng tương tự". Thanh tra viên kết luận : "Không có công nghệ của Pakistan, chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng không thể tiến triển nhanh đến thế".
Xã hội dân sự Romania nhiều sáng kiến
Nhìn sang Châu Âu, La Croix quan tâm đến việc "Tại Romania, xã hội dân sự luôn trong tình trạng cảnh báo thường trực". Gần 35.000 người vừa xuống đường phản đối dư luật cải cách tư pháp của chính phủ. Từ sau cuộc biểu tình rầm rộ mùa đông năm ngoái, phong trào xã hội dân sự đang lớn mạnh trên đất nước cộng sản cũ này.
Các nhà hoạt động muốn tạo áp lực chính trị, chú ý đến từng hành động nhỏ của các lãnh đạo. Họ còn vượt ra ngoài biên giới để cảnh báo về tình trạng đất nước, với các lá thư gởi cho nguyên thủ các nước Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Các sáng kiến công dân nảy nở trên toàn quốc. Một trang web đóng góp tài chính ra đời từ tháng Ba, đã làm đầu mối giúp 880 mạnh thường quân đầu tư 26.000 euro vào một quỹ vì dân chủ. Tám dự án đã được hỗ trợ, chẳng hạn các lớp học dân chủ cung cấp những công cụ giáo dục công dân cho giáo viên, trong khi môn học này không có trong chương trình chính khóa.
Theo nhà chính trị học Cristian Parvulescu, hầu hết các nhà hoạt động là những người trẻ có học vấn thuộc tầng lớp trung lưu, sống ở thành thị, rất tích cực trên mạng xã hội. Nhưng phân nửa dân số còn lại sống ở nông thôn nghèo khó lại không mấy quan tâm. Xã hội dân sự Romania còn một con đường dài trước mặt để có thể trở thành lực lượng đối lập thực sự.
Lần đầu tiên ghép được hầu như toàn bộ da
Trên lãnh vực y tế, Le Figaro cho biết "Thành công trong việc ghép hầu như toàn bộ da cho một bé trai 7 tuổi". Số da được ghép lấy từ các tế bào đã biến đổi gien của chính em bé này.
Bé trai người Syria tị nạn bị một chứng bệnh di truyền hiếm gặp, được đưa vào khoa phỏng của một bệnh viện Đức tháng 6/2015. Gien bệnh trong da khiến biểu bì bên ngoài không dính chặt vào các phần bên trong, khiến một cú sốc nhẹ, một vết trầy xước nhỏ cũng làm cho bệnh nhân bị tuột hẳn da, vi khuẩn tha hồ xâm nhập. Đó là lý do khiến trên 40% trẻ em bị bệnh này không sống qua tuổi thiếu niên. Khi nhập viện, da của bệnh nhân bị bong tróc đến 50% và hai loại virus nguy hiểm đã xâm nhập vào trong cơ thể.
Các bác sĩ Đức đã nhờ một ê-kíp nghiên cứu Ý nuôi cấy các tế bào da còn lành mạnh, chỉ khoảng 6 cm2, sau khi chỉnh sửa gien bệnh, cho đến khi đạt được lượng da đủ để ghép. Tám tháng sau ba cuộc giải phẫu ghép da, nay em bé đã bình phục. Đây là thành công đầu tiên trên thế giới, đã được tạp chí Nature công bố vào ngày 7/11 vừa qua.
Thụy My
Cách đây 11 năm Việt nam đã là nước chủ nhà của Thượng đỉnh APEC. Từ đó đến nay kinh tế Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Nhân hội nghị APEC chính thúc khai mạc tại Đà Nẵng vào ngày 10/11 tới đây. RFI xin giới thiệu bài viết của tác giả Edmund Sim trên tạp chí The Diplomat nhìn lại những thay đổi về kinh tế của Việt Nam giữa hai lần đăng cai sự kiên quốc tế lớn này.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu trong diễn đàn doanh nghiệp APEC 2017 tại Đà Nẵng ngày 08/11/2017. Reuters
Hội nghị thượng đỉnh APEC quay lại với Việt Nam năm nay, sau 11 năm vắng bóng. Mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng kể từ thượng đỉnh APEC năm 2006 tại Hà Nội, môi trường khu vực và toàn cầu đã thay đổi hẳn. APEC 2017 tại Đà Nẵng mang lại cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cơ hội để đối mặt với các đổi thay này.
APEC 2006 : Bắt đầu cuộc đua với thế giới
Chiến tranh kết thúc năm 1975, hai miền Nam Bắc Việt Nam thống nhất, khởi đầu cho một quá trình tái thiết lâu dài. Bị phương Tây cô lập, mâu thuẫn với đa số láng giềng, quan hệ kinh tế đối ngoại của Hà Nội lệ thuộc vào người bạn lớn Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Việt Nam buộc phải tự do hóa thương mại, tập trung cho phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa là phải có quan hệ tốt đẹp với các láng giềng Đông Nam Á lẫn phương Tây.
Thế nên Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995. Hà Nội được hưởng lợi nhờ đầu tư và thương mại với ASEAN tăng lên thông qua hiệp định AFTA (Tự do mậu dịch ASEAN), và các FTA (Hiệp định tự do mậu dịch) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Cấm vận kết thúc vào năm 1994, và Việt Nam bình thường hóa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ năm 2000. Yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế Việt Nam là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.
Thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội là dịp Việt Nam ra mắt, khởi đầu cho quá trình hội nhập với thế giới. Việc cải thiện quan hệ đã giúp tăng cường thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm nội địa (GDB) của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 25 tỉ đô la năm 1996 lên 66 tỉ đô la năm 2006. Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người từ 310 đô la năm 1996 lên 760 đô la năm 2006. Tuy nhiên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn dừng lại ở mức 2,4 tỉ đô la một năm trong thời kỳ này.
APEC 2017 : Hội nhập hơn bao giờ hết
Kể từ APEC 2006, Việt Nam tiếp tục công cuộc hội nhập kinh tế với các nước láng giềng và các đối tác thương mại ở xa hơn. Việt Nam và các thành viên ASEAN khác đã mở rộng phạm vi của AFTA thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
ASEAN bắt đầu thương lượng để tăng cường FTA với sáu nước đối tác lâu nay về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Riêng Việt Nam còn ký hiệp định FTA song phương với Liên Hiệp Châu Âu (EU), Nhật Bản, Chilê, Liên minh Kinh tế Á-Âu (giữa Nga với bốn nước Liên Xô cũ là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
Sau đó Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) quy mô và khởi đầu thương lượng FTA (thông qua ASEAN) với Hồng Kông, Hiệp hội Mậu dịch Tự do Châu Âu (gồm bốn nước Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland), Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Kết quả của việc gia tăng hội nhập kinh tế là Việt Nam đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu. Theo thống kê Liên Hiệp Quốc, thặng dư xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 là 162 tỉ đô la. Hai mươi năm sau khi dỡ bỏ cấm vận, nay Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Hà Nội. EU là thị trường lớn thứ hai, tiếp đến là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản.
Kinh tế tăng trưởng cùng với hội nhập. Theo số liệu của WB, năm 2016, GDB Việt Nam đạt 203 tỉ đô la, gấp ba lần so với 2006. Riêng FDI tăng gấp bốn, lên 11,8 tỉ đô la vào năm 2015, cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc đang chú ý đến Việt Nam.
APEC 2017 : Cơn lốc chống toàn cầu hóa
Trong nhiều tình huống khác nhau, APEC 2017 có thể là một cơ hội khác để chứng tỏ Việt Nam tiếp tục phát triển thông qua toàn cầu hóa. Những sự kiện gần đây ở Hoa Kỳ và Anh quốc cho thấy xu hướng chống lại toàn cầu hóa, có thể ảnh hưởng đến nỗ lực hội nhập của Việt Nam.
Từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, tổ chức đa phương này đã không thành công trong việc xây dựng những hiệp định quan trọng có lợi cho Hà Nội. Chỉ có một thỏa thuận tạo điều kiện cho thương mại, chẳng đem lại lợi lộc gì mấy. Hơn nữa khi gia nhập, Việt Nam đã chấp nhận việc bị coi như một nền kinh tế phi thị trường (Nonmarket Economy - NME), khiến các đối tác thương mại có quyền áp đặt thuế chống phá giá.
Hà Nội nghĩ rằng sẽ thoát được tình trạng này vào năm 2019, theo thỏa thuận lúc gia nhập WTO. Tuy nhiên ngay cả Trung Quốc, gia nhập với các điều kiện tương tự, cũng vẫn tiếp tục bị coi là NME, cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa cho Việt Nam. Đối với Hà Nội, lợi ích khi là thành viên WTO chỉ giới hạn ở việc giải quyết tranh chấp, khác xa so với những hy vọng ban đầu.
Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng có những vấn đề. Các sản phẩm của ASEAN trên nguyên tắc được miễn thuế, tuy nhiên các nhà xuất khẩu khó thể chứng minh xuất xứ và các trở ngại khác như tiêu chuẩn công nghiệp hoặc giấy phép nhập khẩu vẫn tồn tại.
Tự do di chuyển chỉ giới hạn cho giới chuyên môn và cán bộ lãnh đạo, dịch vụ thương mại vẫn phải đối mặt với quyền sở hữu và các hạn chế đầu tư. Nhiều lãnh vực kỹ nghệ vẫn đóng cửa với đầu tư trong nội bộ ASEAN. Như vậy cộng đồng này chủ yếu vẫn là một dự án thay vì một thị trường chung thực sự.
Thử thách FTA lớn nhất của Việt Nam là TPP. Hiệp định này giúp hàng Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất vào thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất của nước này. Đổi lại, Hà Nội chấp nhận nhượng bộ về các quyền của người lao động và một số vấn đề nhạy cảm khác.
Đáng tiếc là cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ chủ chốt năm 2016 đều phản đối TPP. Khi ông Donald Trump lên nắm quyền đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này. Việt Nam nay chẳng còn tha thiết lắm với một TPP không có Mỹ, vì đã có FTA với hầu hết các đối tác khác trong TPP. Những nước khác như Canada, Mêhicô thì cũng không phải là những thị trường rộng lớn, hấp dẫn. Hơn nữa, dù sớm khởi động thương thảo FTA trong khu vực, Washington vẫn chưa đưa ra sáng kiến kinh tế nào để thay thế.
Một FTA quy mô khác là RCEP được Bắc Kinh giới thiệu nhằm thay chân TPP, tuy nhiên RCEP không thiết lập cùng một mức độ cam kết. Thương lượng về RCEP nhiều lần bị sa lầy, vì mặc dù tất cả các bên của RCEP đều có FTA với ASEAN, các nước này lại không ký FTA với nhau, như trường hợp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Thương lượng về hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam và EU đã kết thúc thành công, nhưng tiến trình phê chuẩn còn dài, còn phải chờ đợi từng nước thành viên thông qua. Quá trình này có vẻ gian nan, như mới đây FTA giữa Canada và EU đã gặp trở ngại vì một chính quyền vùng ở Bỉ. Cuối cùng, việc Anh ra khỏi EU khiến một số điều khoản phải được xem xét lại, và Việt Nam sẽ phải thương lượng một FTA riêng với Anh quốc.
APEC 2017 : Bão chống toàn cầu hóa ập vào tận nhà
Áp lực chống toàn cầu hóa lên Việt Nam không chỉ cảm nhận ở thị trường nước ngoài, mà còn ngay trong nội địa. Trong lịch sử, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam thường bị người láng giềng khổng lồ phương bắc là Trung Quốc thống trị. Quan hệ Việt-Trung thường xuyên hết nóng rồi lại lạnh, và bây giờ cũng chẳng khác.
Tất nhiên sự hiếu chiến của Bắc Kinh trên Biển Đông đang chế ngự quan hệ Việt-Trung hiện nay. Người Việt hết sức nhạy cảm về sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này. Khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, những vụ bạo động chống Trung Quốc đã nổ ra tại Việt Nam.
Quan hệ Việt-Trung còn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thương mại và đầu tư. Cũng như hầu hết các nước, Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng nhiều nhất cho Việt Nam ; xuất siêu đến 33 tỉ đô la, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.
Thị trường nội địa khổng lồ của Hoa lục và các công ty quốc doanh to lớn của Trung Quốc là các lợi thế cạnh tranh chính so với Việt Nam, vốn có thị trường nhỏ hơn và một nền kinh tế lệ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tác động của Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam còn nhiều. Tác giả Edmund Sim cho biết hồi đầu năm đã tổ chức một buổi hội thảo ở Hà Nội, dành cho các nông dân và nhà sản xuất nông sản phẩm Việt Nam, do cơ quan phát triển Đức German GiZ tài trợ. Mục đích là mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư trong FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA).
Nhiều công ty Việt Nam than phiền về các hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh như các tiêu chuẩn về thực phẩm, nông sản, cũng như việc kiểm tra tùy tiện. Họ cũng phản ứng trước tình trạng các nhà nhập khẩu Trung Quốc, với nguồn tín dụng rẻ và dồi dào, đã mua bao trọn mùa màng với giá rẻ, trước khi thu hoạch và vận chuyển đến Trung Quốc. Hậu quả là những lợi ích của tự do mậu dịch theo ACFTA hoàn toàn rơi vào túi của họ, chứ không phải các nhà nông Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam ý thức sâu sắc về tình cảm này, và theo tác giả bài viết, thì đúng là phải như thế. Dư luận quần chúng là quan trọng tại Việt Nam, cho dù không giống như ở phương Tây. Mạng xã hội ở Việt Nam tương đối ít bị kiểm soát. Hơn nữa, khác với Trung Quốc, ít có nhiều thủ tục quan liêu giữa chính quyền địa phương và trung ương, nhờ đó các vấn đề địa phương nhanh chóng mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, đảng Cộng Sản Việt Nam thường có những cuộc bầu cử và chọn lựa trong nội bộ, nên dư luận trong đảng cũng quan trọng.
APEC 202X : Vạch ra một đường hướng mới ?
Các áp lực từ bên ngoài và bên trong, do các điều kiện toàn cầu thay đổi, đã đặt các nhà lãnh đạo Việt Nam vào một tình huống phức tạp hơn. Ngược với 11 năm đã qua kể từ APEC 2006, một sự hội nhập phi tập trung không phải là giải pháp cho mọi nhu cầu phát triển kinh tế còn lại của Việt Nam.
Nền kinh tế ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc tạo ra thêm những cái giá phải trả về xã hội, kinh tế và an ninh khiến Việt Nam luôn phải dè chừng người láng giềng khổng lồ. Lấy lại cân bằng thông qua sự hỗ trợ và liên kết với các nhân tố quốc tế khác như Hoa Kỳ và Châu Âu thì lại phức tạp, và ngay cả quan hệ giữa Việt Nam với các láng giềng ASEAN cũng không hoàn toàn xuôi chèo mát mái.
Việc Việt Nam tổ chức thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng mang lại hơi hướm lịch sử đầy ý nghĩa. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, Đà Nẵng và miền trung Việt Nam đóng vai trò tiền phương. Các phi cơ Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân rộng lớn ở Đà Nẵng, thường xuyên oanh kích các đường tiếp tế từ Bắc vào Nam.
Mặc dù các vấn đề của năm 2017 không trầm trọng như năm 1967, kinh tế rất quan trọng cho sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo đất nước này sẽ phải bơi giữa dòng nước yên tĩnh của thịnh vượng và bãi cát hoang vu của sự cọ xát về an ninh xã hội.
Một lúc nào đó trong thập niên tới, Việt Nam sẽ lại là nước chủ nhà của thượng đỉnh APEC. Liệu APEC 202X sẽ lễ hội của thành công kinh tế Việt Nam, hay là tang lễ của những cơ hội mất đi, điều đó còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo Việt Nam và các đối tác của họ trong vài năm tới. Dù sao đi nữa, Việt Nam cũng phải chấn chỉnh khi bước vào một cuộc đua mới.
(Tổng hợp từ The Diplomat)
Thụy My
Donald Trump, năm thứ nhất
Tai tiếng "nhà giàu trốn thuế", chuyến công du Châu Á của chủ nhân Nhà Trắng, một năm Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, dư âm mờ nhạt của 100 năm cách mạng Nga, tiếp tục là những chủ đề của báo chí Pháp ngày thứ Tư 08/11/2017.
Tổng thống Donald Trump phát biểu với giới doanh nghiệp Nhật-Mỹ ngày 06/11/2017 tại Tokyo. /Kiyoshi Ota/Pool
Trong khi La Croix và Libération dành một loạt trang báo để tường thuật ngày khai trương viện bảo tàng Louvre "theo sắc thái Tiểu Vương Quốc Ả Rập" tại Abu Dhabi thì Le Monde cố ý in đậm trên trang nhất : Facebook, Nike, Apple… đại tẩu tán thuế vụ. Cũng trên trang nhất là biếm họa hai cảnh sát đứng nhìn xác người la liệt chung quanh một nhà thờ hỏi nhau lỗi từ đâu : Bán súng ? Không đâu, chỉ do xung khắc gia đình.
Kentucky chưa thất vọng Donald Trump
Tuy nhiên, chủ đề quan trọng thứ hai của nhật báo độc lập là "một năm của Trump nhìn từ Kentucky". Vì sao từ Kentucky ? Đây là địa bàn truyền thống của đảng Dân Chủ, thế nhưng cách nay một năm, đúng vào ngày 08/11, hầu như toàn thể tiểu bang này bầu cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Một năm sau họ không hề hối hận cho dù ít nhiều cảm thấy lo lắng khi nói đến các biện pháp an sinh xã hội của Donald Trump.
Sau khi làm một cuộc "cánh mạng" chiếm được ghế thống đốc và giành được đa số ở hai nghị viện tiểu bang, phe Cộng Hòa liên tục ban hành một loạt biện pháp mang màu sắc bảo thủ của tân chủ nhân Nhà Trắng nhưng phù hợp với tâm lý cư dân địa phương : Chống phá thai, chống di dân, xem hành động tấn công cảnh sát đáng bị nghiêm trị như kỳ thị màu da.
Một phụ nữ cho rằng, lúc đầu bà bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa vì ghét Hillary Clinton nhưng càng ngày bà càng thấy yêu mến Donald Trump hơn vì "ông ấy yêu nước, bảo vệ quyền mang vũ khí, củng cố súc mạnh quân đội, đẩy lùi hôn nhân đồng tính và có chủ trương chống phá thai". Một giáo sư toán khẳng định là tiếp tục bầu cho Trump và mong rằng chính phủ quản trị đất nước như điều hành một công ty.
Ngay một hạt có tiếng nghèo nhất trong tiểu bang trong tiểu bang cũng không hối hận bầu cho Trump. Một nhà giáo dạy tiếng Tây Ban Nha giải thích nghịch lý này : Dân chúng ở đây tuy nghéo không đủ tiền mua áo ấm nhưng họ giúp nhau rất chân tình. Sau khi Trump đắc cử, họ ra đường đầu ngẩng cao như chính họ là người chiến thắng.
Cho đến bây giờ không ít cử tri tiếp tục rộng lượng tha thứ những sai lầm của Donald Trump vì "ông ta cũng là con người" chỉ cần ông "tiếp tục bảo vệ biên giới và bớt tuyên bố vung vít"là được rồi.
Tuy nhiên, điều mà cử tri Kentucky sẽ không tha thứ cho Trump là bắt công chức đóng tiền vào quỹ hưu trí tư nhân. Nhiều cuộc họp được phe Cộng Hòa tổ chức khẩn cấp để chữa cháy nhưng không làm cho giới giáo chức và nhân viên bệnh viện, bớt phẩn nộ.
Nhà giáo dạy toán cùng với cô giáo dạy tiếng Tây Ban Nha được trích dẫn bên trên cảnh báo : nếu Trump đánh lừa chúng tôi bằng các giá trị tinh thần để biến chúng tôi thành nạn nhân của một dự án kinh tế xã hội thì chính phủ phải coi chừng bị phản kháng từ đường phố.
Cũng trong chủ đề tổng kết một năm Donald Trump, nhật báo Libération lấy nhận định của Noam Chomsky (82 tuổi), giáo sư đại học hồi hưu, thiên tả nổi tiếng của Mỹ làm tựa : Cảm tình viên của Trump là những người nhìn về quá khứ. Còn Les Echos thì đưa tựa "phấn khởi"cho phe Cộng Hòa : đảng Dân Chủ Mỹ bị "trầm cảm" nghiêm trọng từ sau thất bại của Hillary Clinton.
Le Figaro phê phán nghiêm khắc : Một năm ồn ào mà ít kết quả. Nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ chiến tranh Việt Nam. Tình trạng này rất đáng lo ngại cho uy thế của tổng thống siêu cường.
Chỉ cần một thành viên trong gia đình của ông bị dính vào vụ "thông đồng với Nga" hay bản thân tổng thống phạm một bước sai lầm trong chính sách đối phó với Bắc Triều Tiên là ông sẽ không còn ai ủng hộ. Trong bối cảnh Trung Quốc vươn lên như một đối thủ, tình thế này nguy hiểm cho cả nước Mỹ lẫn toàn cầu.
Trump lại chơi "nước đôi, tiền và an ninh" với đồng minh Seoul
Tình hình nóng bỏng này là nội dung chính trong chuyến công du của tổng thống Mỹ tại Châu Á. Tập trung vào ngày viếng thăm Hàn Quốc, Les Echos nhận định : Trump xuống thang với Bình Nhưỡng. Le Figaro cùng nhịp điệu : Tại Seoul, tổng thống Mỹ hé cánh cửa đối thoại với Bắc Triều Tiên.
Với ba hàng không mẫu hạm và tàu ngầm trang bị tên lửa Tomahawk áp sát bán đảo Triều Tiên, tổng thống Donald Trump biểu dương lực lượng trong chặng thứ hai trong vòng công du Châu Á : "Tôi nghĩ rằng Bình Nhưỡng đã hiểu". Tuy vậy, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo hay tuyên bố bốc đồng đã biết khoác chiếc áo ngoại giao : "Vâng, tôi thấy chúng ta đã thực hiện nhiều tiến bộ".
Về phần Bình Nhưỡng, Kim Jong-un cũng giữ thái độ khiêm tốn, không khóat lát, cũng không khiêu khích phóng tên lửa- như nhiều người dự đóan-trong lúc Trung Quốc tổ chức đại hội đảng.
Còn theo Les Echos, Hàn Quốc rất bất bình thái độ nước đôi của Trump. Một mặt khuyến khích thành lập "mặt trận chung ở Châu Á" buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân nhưng mặt khác lại ép Seoul, cũng như đã gợi ý với Tokyo, mua thêm vũ khí Mỹ để làm giảm thâm thủng cán cân ngoại thương của Hoa Kỳ.
Liên Âu trả đũa "thiên đường thuế" ?
Paradise papers, vụ tai tiếng né thuế thu nhập quy mô toàn cầu do báo chí phát hiện bước qua hồi thứ hai : phản ứng của chính quyền và các cơ quan tài chính. Le Figaro đưa hai tuyên bố. Phải thay đổi luật để chận làn sóng chuyển tiền qua các thiên đường thuế, phản ứng của Pascal Saint-Amans, giám đốc trung tâm quản lý thuế của OSDE Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế.
Còn đối với bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire : Tẩu tán tài sản là tấn công phá hoại nền dân chủ nơi mà mọi người dân đều phải đóng thuế thu nhập. Chính phủ Đức đòi hiệp hội phóng viên điều tra cung cấp danh sách những kẻ trốn thuế trong khi Ủy Ban Châu Châu thúc giục "55 nước", trong danh sách đen, trong đó có thành viên Malta, cam kết cải cách nếu không sẽ bị "trừng phạt trả đũa".
Trong bài bình luận , nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến yếu tố "đạo đức" : tố cáo không chưa đủ, phải cải cách luật lệ hạn chế những kẻ hở cho phép tránh né thuế.
Bóng ma trên quảng trường Đỏ
100 năm cách mạng tháng 10, nhìn từ Moskva và tòa soạn báo sự thật Pravda, Les Echos mô tả : vào lúc chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là một bóng ma trong viện bảo tàng còn Putin thì từ chối vinh danh một cuộc đảo chính bằng bạo lực thì những lễ hội kỷ niệm cách mạng Bolschevik diễn ra trong thờ ơ và hỗn độn. Từ một vùng cực bắc trên lãnh thổ rộng lớn của Nga, một độc giả cũ của báo Sự Thật gửi về lời ta thán về cuộc bầu cử chính quyền xã "gồm những bộ mặt cũ".
Người phụ nữ 62 tuổi này cho biết đã ngưng mua báo dài hạn vì giá báo quá cao đến 2000 rup mỗi sáu tháng. Bức thư gửi đi từ tháng 9 mà đến tháng 11 mới đến tay tổng biên tập Boris Komostsky, như một cái chay đựng lời kêu cứu của một kẻ bị đắm tàu, từ hoang đảo ném xuống biển cầu may.
Thời Liên Xô, mỗi ngày báo Sự Thật, tiếng nói của đảng Cộng Sản Xô Viết, nhận được hàng chục ngàn thư, nào là ca tụng chế độ, nào là thư tố cáo hay những nội dung do cơ quan tuyên truyền chỉ đạo và tất cả được một cơ quan 45 nhân viên trả lời chu đáo, và báo cáo với KGB. Bấy giờ thời hoàn kim đã hết, báo ra ba số mỗi tuần mà số thứ ba và thứ năm chỉ có hai trang. Cơ sở tòa soạn không còn chiếm trọn 12 tầng mà thu lại còn một tầng.
Giờ đây, tuy xác ướp của Lenin trở thành cồng kềnh, đảng Cộng sản Nga và lãnh đạo Guennadi Ziouganov tiếp tục được điện Kremlin khai thác. Tuy lần bầu cử nào cũng ra tranh với Putin nhưng ông Guennadi Ziouganov là một kẻ ngoan ngoãn, dễ đoán và sẵn lòng thu hút những lá phiếu bất bình chế độ không để lọt vào tay đối lập dân chủ.
Trí thông minh, giấc ngủ và thuốc trừ sâu và diệt cỏ
Cuối cùng, trong các trang khoa học, có hai khám phá mới. Theo nhà sinh học Pháp Barbara Demaneix, trả lời phỏng vấn báo Le Monde, thì nạn ô nhiễm môi trường có tác động đến bộ não con người.
Một công trình nghiên cứu Pháp-Mỹ vừa được công bố cho thấy các loại thuốc trừ sâu và phân hóa học sử dụng trong cánh tác nông nghiệp làm cho trí thông minh giảm xuống. Một trong những dữ liệu không thể phủ nhận được là qua kết quả trắc nghiệm tân binh do quân đội Phần Lan thực hiện từ 1988 đến nay cho thấy trong giai đoạn từ 1996 đến 2009, chỉ số thông minh QI của thanh niên Phần Lan nhập ngũ giảm 3,8 điểm mỗi năm.
Điều đáng ngại là các kết quả khảo sát ở các nước tây phương khác cũng theo chiều hướng này. Nhà nghiên cứu Barbara Demaneix khẳng định : "không thể nào phủ nhận tác động nhân quả giữa các hóa chất gây rối loạn tuyến nội tiết với não bộ".
Khám phá thứ hai , được Le Figaro loan tải, các bậc cha mẹ sắp hoặc vừa có con cần chú ý lời ăn tiếng nói : Trẻ sơ sinh học từ vựng trong giấc ngủ. Theo viện nghiên cứu max Planck ở Leipzig, Đức, nhiều tháng trước khi biết nói, trẻ con ôn tập từng lời , từng hình ảnh chung quanh trong khi ngủ.
Đối với trẻ lớn hơn, giác ngủ ích cần thiết cho việc học từ vựng nhưng lại rất cần cho trí nhớ. Đó là lý do tại sao khi thức giấc ta cảm thấy đầu óc sáng suốt và có nhiều ý mới. Do vậy, để giúp trẻ phát triển "kiến thức", các bậc phụ huynh được khuyên không nên cho con xem truyền hình trước khi đi ngủ.
Tú Anh