Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ trưởng Mattis : Mỹ không theo đuổi mục tiêu "chiến tranh" với Bắc Triều Tiên (RFI, 27/10/2017)

Có mặt tại Khu Vực Phi Quân Sự, DMZ, sát biên giới hai nước Triều Tiên, ngày 27/10/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tuyên bố "hành động khiêu khích của chế độ Kim Jong Un là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực", tuy nhiên Hoa Kỳ không theo đuổi mục đích chiến tranh mà vẫn thiên về giải pháp ngoại giao.

btt1

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Hàn Quốc Song Young Moo tại Khu Vực Phi Quân Sự, DMZ, biên giới hai nước Triều Tiên, ngày 27/10/2017. Reuters/Phil Stewart

Lần đầu tiên có mặt tại vùng DMZ với tư cách bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Mattis nhấn mạnh đến quyết tâm của Washington bảo đảm an ninh cho đồng minh lâu đời là Hàn Quốc và mục tiêu của Mỹ luôn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Sau khi dự hội nghị an ninh tại Philippines với các đồng nhiệm Đông Nam Á hôm đầu tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Seoul trong khuôn khổ cuộc họp thường niên với đồng cấp Hàn Quốc, Song Yong Moo, mở ra vào thứ Bảy 28/10.

Sự có mặt của bộ trưởng Mattis tại Seoul diễn ra trong bối cảnh tuần tới tổng thống Donald Trump chính thức công du Hàn Quốc trong hai ngày 7 và 8/11/2017.

Về phía Seoul, theo tiết lộ của nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal, một lần nữa chính quyền Hàn Quốc đòi được quyền tự định đoạt về mặt quân sự trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng theo nhiều quan chức Hoa Kỳ, Washington cho rằng Seoul còn chưa "sẵn sàng". Hiện vẫn có hơn 28.000 lính Mỹ hiện diện trên bán đảo Triều Tiên.

Thêm 7 quan chức Bắc Triều Tiên bị Mỹ trừng phạt

Cũng về Mỹ và Bắc Triều Tiên, bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, ngày 26/10, thông báo vừa ban hành thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào 7 quan chức và ba doanh nghiệp Bắc Triều Tiên với lý do "vi phạm trắng trợn" nhân quyền.

Tất cả bị Washington quy trách nhiệm trong các vụ sát hại, tra tấn và cưỡng bức lao động một số người Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi chế độ Bình Nhưỡng và xin tị nạn ở nước ngoài.

Trong số những người bị chính quyền Mỹ trừng phạt bao gồm các quan chức trong quân đội, hay các tay môi giới tài chính của chế độ Bình Nhưỡng.

Thanh Hà

*******************

Mỹ sẽ cho 3 tàu sân bay cùng phối hợp tập trận tại Châu Á (RFI, 27/10/2017)

Trong một động thái phô trương lực lượng rõ nét, Hải Quân Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức ngay vào tháng 11 tới đây một cuộc tập trận hiếm thấy, huy động đồng thời ba chiếc hàng không mẫu hạm cùng hải đội tác chiến đi kèm theo, đang hiện diện tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Một quan chức Mỹ cao cấp đã tiết lộ tin trên ngày hôm qua, 26/10/2017, nhân một cuộc họp tại Lầu Năm Góc ở Washington.

btt2

Tầu sân bay USS Ronald Reagan và khu trục hạm USS Stethemare tập trận cùng với chiến hạm Hải Quân Hàn Quốc tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, ngày 18/10/2017. Courtesy Kenneth Abbate/U.S. Navy/Handout via Reuters

Trung tướng Kenneth McKenzie, lãnh đạo Ban Tham Mưu Liên Quân Mỹ, đã gợi lên khả năng ba chiếc tàu sân bay hợp đồng tác chiến, tại một thời điểm nào đó, nhưng ông không cho biết chi tiết cụ thể, chỉ nêu bật sự kiện là lần gần đây nhất mà ba hàng không mẫu hạm Mỹ phối hợp hành động là vào năm 2007, nhân một cuộc tập trận hải quân ở ngoài khởi đảo Guam.

Theo hãng tin Mỹ AP, một quan chức Mỹ xin giấu tên đã xác nhận việc Hải Quân đã lên xong kế hoạch tập trận, nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể của sự kiện này, nhưng các nhà quan sát cho rằng cuộc tập trận có thể diễn ra vào cùng thời điểm mà tổng thống Mỹ Donald Trump công du khu vực, trong đó các chuyến thăm Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ba chiếc tàu sân bay Mỹ hiện diện trên vùng biển Châu Á gồm các chiếc USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan, mỗi chiếc đều chở theo một phi đoàn khoảng 75 chiến đấu cơ và các loại máy bay quân sự khác. Cả ba chiếc tàu sân bay đều được một hải đội tác chiến đi theo hộ tống, mỗi hải đội có thể có từ 6 đến 10 chiến hạm, trong đó có tàu tuần dương, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường.

Hải đội tác chiến với tàu sân bay là một biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, nhưng mục tiêu phô trương uy lực lần này không được nói ra một cách rõ ràng. Tuy vậy, ngày 26/10, khi được hỏi về sự kiên ba tàu sân bay được triển khai đồng thời tại Châu Á, tướng McKenzie xác định rằng việc ba chiếc hàng không mẫu hạm có mặt đồng thời trong Hạm Đội 7 "cho thấy năng lực hùng mạnh có một không hai của Hải Quân Mỹ, và có tác dụng đáng kể trong việc trấn an các đồng minh trong khu vực tây Thái Bình Dương".

Mỹ đã và đang tăng cường áp lực ngoại giao và kinh tế trên Bắc Triều Tiên, nhằm chống lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Chính quyền Trump đã nói rõ rằng Mỹ sẵn sàng hành động quân sự nếu Bắc Triều Tiên không ngừng phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể bắn tới Hoa Kỳ.

Trọng Nghĩa

********************

Một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ II sẽ gây ra tử vong khủng khiếp ! (RFI, 7/10/2017)

Vào lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng lúc càng nóng bỏng trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến nay, bóng ma chiến tranh đã quay trở lại và các nhà quan sát đã liên tiếp báo động về thảm họa của một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai. Giới chuyên gia đã cho rằng, ngay cả trong trường hợp một cuộc chiến tranh thông thường, hàng chục nghìn người dân Hàn Quốc sẽ bị thiệt mạng ngay trong ngày đầu tiên của một cuộc xung đột vũ trang mới với Bình Nhưỡng.

btt3

Một cuộc diễn tập quân sự kỷ niệm 85 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên (KPA). Ảnh do KCNA cung cấp ngày 26/04/2017. KCNA via Reuters

Mọi người đều nhớ lại rằng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi miền Bắc được Trung Quốc hỗ trợ lao xuống tấn công miền Nam, đã có hàng triệu người ở hai miền thiệt mạng, riêng miền Nam đã bị tàn phá nặng nề, còn Seoul đã bị đổi chủ 4 lần.

Hiện nay, thủ đô Hàn Quốc đã trở thành một thành phố công nghệ và văn hóa lớn với 10 triệu dân sống ở cả trong nội thành lẫn ngoại thành. Con số 10 triệu dân này sẽ là mồi ngon cho lực lượng pháo binh hùng hậu của Bắc Triều Tiên đồn trú phía bên kia khu phi quân sự.

Theo ước tính, Bắc Triều Tiên đã dàn trải khoảng 10.000 khẩu đại pháo và 500 quả tên lửa tầm ngắn dọc theo biên giới, đa phần được che giấu trong các hang động đường hầm hay bunker. Ngoài ra, theo phía Hàn Quốc, lực lượng bộ binh của Bắc Triều Tiên lên đến 1,1 triệu người, trong đó 70% đồn trú trong phạm vi 100 km tính từ biên giới với miền Nam.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia lo ngại rằng Bình Nhưỡng, vốn luôn đe dọa biến Seoul thành biển lửa, có thể sẽ áp dụng chiến thuật giết càng nhiều người càng tốt trong những giờ khắc đầu tiên của cuộc chiến.

Theo viện Nghiên Cứu Nautilus ở California, 65.000 người dân Seoul sẽ chết trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh thông thường, hầu hết trong ba giờ đầu. Trong vòng một tuần sẽ có 80.000 người chết.

Chuyên gia Roger Cavazos của Viện Nautilus cho rằng chiến thuật của Bắc Triều Tiên là "giết hàng chục ngàn người, bắt đầu một cuộc chiến dài hơi, gây nên những thiệt hại to lớn trước khi chế độ bị đánh gục".

Trong trường hợp nổ ra xung đột, phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc sẽ gần như tức thời, sau khoảng một vài phút, điều đó sẽ làm giảm tác hại của pháo binh Bắc Triều Tiên và số lượng thương vong ở miền Nam. Nhiều thường dân sẽ nhanh chóng tìm nơi ẩn náu tại hàng ngàn nhà tạm trú ở Seoul.

Theo kịch bản này, cuộc phản công sẽ hủy hoại 1% pháo binh Bắc Triều Tiên trong mỗi tiếng đồng hồ giờ, hoặc gần một phần tư ngày đầu tiên. Và phần lớn cuộc chiến sẽ kết thúc trong bốn ngày.

Các tài liệu chính thức của Hàn Quốc từ năm 2016 cho thấy là Washington sẽ huy động đến 690.000 binh lính, 160 tàu và 2.000 máy bay vào cuộc, bổ sung cho 28.500 quân Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, và đạo quân của Hàn Quốc gồm 625.000 quân.

Lợi thế như vậy sẽ nghiêng về phía Mỹ và Hàn Quốc, và kịch bản nào cũng kết thúc bằng thất bại của Bắc Triều Tiên. Vấn đề khiến nhiều người lo ngại, tuy nhiên lại là kho vũ khí nguyên tử mà Bình Nhưỡng nắm trong tay.

Trang web Nukemap, chuyên ước tính thiệt hại của các vụ tấn công hạt nhân, cho rằng nếu Bình Nhưỡng cho nổ một quả bom cỡ như trái bom thử đầu tháng 09/2017 ở độ cao 1.500 mét trên Seoul, thì sẽ có 660.000 người thiệt mạng. Trong trường hợp Mỹ dùng một quả bom tương tự đánh Bình Nhưỡng, thì số người chết sẽ lên đến 820.000 người.

Trọng Nghĩa

*****************

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ đe dọa, Hàn Quốc trả tiền (RFI, 27/10/2017)

Từ tầu sân bay đến tầu ngầm nguyên tử, từ máy bay ném bom chiến lược đến chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, Hoa Kỳ đã điều động một khối lượng kinh ngạc các loại vũ khí tối tân đến gần bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chi vài tỉ đô la để kìm hãm "Rocket Man" Kim Jong Un chừng nào Bắc Triều Tiên còn "chưa hành xử phải phép" theo nhà lãnh đạo Mỹ.

btt4

Một máy bay ném bom B-1B Lancer xuất phát từ căn cứ không quân Andersen, tại Guam, để diễn tập chung với chiến đấu cơ Nhật Bản, Hàn Quốc tại khu vực gần biển Nhật Bản, ngày 10/10/2017. Joshua Smoot/U.S. Air Force/Handout via Reuters

Theo trang mạng Sputnik tiếng Pháp của Nga (24/10/2017), không phải nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải thanh toán những chi phí này, mà chính là nước láng giềng Hàn Quốc. Sự bảo vệ của Washington đáng giá bao nhiêu ? Và Hoa Kỳ tìm cách khai thác tài chính cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên như thế nào ? Đây là những câu hỏi được Sputnik đặt ra trong bài viết : "Đe dọa Bình Nhưỡng : Với giá nào ? Và ai thanh toán ?". RFI tiếng Việt xin giới thiệu quan điểm của trang Sputnik.

*

Trước hết, trang Sputnik nêu con số thẩm định của tạp chí kinh tế Hàn Quốc Hanguk Kyongje, theo đó, các loại vũ khí của Hoa Kỳ tham gia vào loạt tập trận trên bán đảo Triều Tiên vào tháng 10/2017 có giá trị khoảng 13 tỉ đô la. Nếu tính cả số trang thiết bị được sử dụng, nhưng không được nhắc đến vì lý do an ninh, con số này còn có thể lên đến 17 tỉ đô la. Chỉ tính riêng một tầu sân bay lớp Nimitz đã có giá gần 4,5 tỉ đô la, trong khi đó, có đến hai tầu sân bay tham gia các cuộc tập trận trên : Tầu Ronald Reagan (CVN-76), vừa kết thúc vào thứ Sáu 20/10 giai đoạn tập trận tích cực trong vùng biển Triều Tiên ; và tầu Theodore Roosevelt (CVN-71) sắp sửa lên đường đến Trung Đông. Ngoài ra, chi phí cho mỗi ngày di chuyển của một chiếc tầu sân bay tiêu tốn khoảng 2,5 triệu đô la trong Ngân Khố Hoa Kỳ, tương đương với 10 chiếc xe Mercedes-Benz lớp S-classe.

Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, sự tập trung khối lượng trang thiết bị quân sự như vậy dĩ nhiên gây được tác động răn đe đối với Bắc Triều Tiên. Đúng là kho vũ khí của Mỹ là một mối đe dọa chết người đối với Bình Nhưỡng trong trường hợp bùng nổ hoạt động quân sự. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump đã đồng thuận triển khai luân phiên các trang thiết bị vũ khí chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc. Từ nay đến cuối năm 2017, nhiều chiến đấu cơ F-22 (trị giá khoảng 170 triệu đô la/chiếc) và F-35B (trị giá ít nhất 85 triệu đô la/chiếc) sẽ cất cánh từ các căn cứ quân sự Nhật Bản. Tương tự, máy bay ném bom B-1B (300 triệu đô la/chiếc) sẽ bay thường xuyên hơn, so với khoảng 2 lần mỗi tháng đã được tiến hành từ mùa hè này. Các bên liên quan cũng dự kiến tăng thêm số lần cập cảng của các tầu sân bay và tầu ngầm nguyên tử (có giá từ 1,3-1,7 tỉ đô la/chiếc).

Tất cả đều có vẻ rất tốn kém. Nhưng đây không phải là vấn đề của Hoa Kỳ vì, theo trang Sputnik, Washington biết phải gửi hóa đơn thanh toán cho ai.

Seoul sẽ phải mở hầu bao

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhà tỉ phú Donald Trump đã định rõ lập trường liên quan đến việc các nước đồng minh của Mỹ phải tăng chi phí quốc phòng. Dù còn hơn một năm nữa mới hết hạn thỏa thuận hiện hành về việc chia sẻ chi phí, nhưng tổng thống Donald Trump dường như không có ý định chờ đợi và vấn đề này sẽ được nêu ra trong thượng đỉnh Mỹ-Hàn diễn ra vào ngày 07 và 08/11/2017.

Theo các thỏa thuận còn hiệu lực, Hàn Quốc đóng góp gần 840 triệu đô la để duy trì các đội quân Mỹ trong năm 2017. Năm 2018, khoản tiền này chỉ có thể tăng thêm theo tỉ lệ lạm phát được dự báo, có nghĩa là sẽ không vượt thêm quá 2%. Nhưng con số này chắc chắn không phù hợp với những yêu cầu từ phía Mỹ.

Vào cuối tháng 04/2017, ông Donald Trump từng tuyên bố muốn nhận được 1 tỉ đô la từ phía Hàn Quốc để triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Một tháng sau, ông Dick Durbin, người giám sát ngân sách quốc phòng của Thượng Viện Mỹ, đã gặp tổng thống Moon Jae In và không úp mở nói rằng nên triển khai thêm nhiều hệ thống THAAD để bảo đảm hoàn toàn an ninh cho Hàn Quốc. Hiện giờ thêm vào danh sách vũ khí đạn đạo mà "Seoul phải thanh toán" còn có một gói vũ khí chiến lược mới trị giá vài chục tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận còn hiệu lực, số tiền đóng góp của Seoul chỉ có thể được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết, cung cấp đạn dược và lương thực, cũng như chi phí cho nhân sự Hàn Quốc làm việc tại các căn cứ của Mỹ. Còn tất cả những chi phí khác dành cho việc duy trì đội quân Mỹ tại Hàn Quốc là do Washington chịu trách nhiệm.

Việc chia sẻ chi phí từng được Hoa Kỳ đưa ra thảo luận lại dưới thời tổng thống Barack Obama. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng yêu cầu xem xét lại "thỏa thuận tồi"này, đồng thời đe dọa giảm bớt cam kết từ phía Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho đồng minh Châu Á trong trường hợp ngược lại.

Thanh toán hay là thua

Về mặt chính thức, theo thỏa thuận được các nhà lãnh đạo hai nước ký vào năm 2008, lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Hàn Quốc có 28.500 người. Và nếu Seoul hoàn toàn từ chối thanh toán, Washington có thể giảm bớt các đội quân của mình. Một vài trường hợp đã xảy ra trong quá khứ.

Khi lên nắm quyền ở Mỹ, các tổng thống Nixon và Carter từng hứa hẹn đưa quân Mỹ từ Hàn Quốc về. Sau đó, cả hai đều từ bỏ ý định rút quân hoàn toàn. Tuy nhiên, dưới thời Nixon đã có một đợt rút quân đáng kể : Đó là vào năm 1971, sư đoàn lục quân 7 của Mỹ gồm khoảng 20.000 người đã trở về Hoa Kỳ. Đáp lại phản đối của tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Park Chung Hee, cáo buộc Washington vi phạm thỏa thuận về quốc phòng hỗ tương, Hoa Kỳ vẫn chấp nhận cấp cho Hàn Quốc một khoản hỗ trợ quân sự và các khoản vay để phát triển quân đội quốc gia với tổng số tiền là 1,5 tỉ đô la (tương đương với 9,1 tỉ đô la theo trị giá năm 2017). Tuy nhiên, đến thời tổng thống George H. W. Bush, trong hai năm 1991-1992, quân số Mỹ tại Hàn Quốc bị rút xuống còn 13.000 người. Lần này, Seoul chẳng nhận được gì và thậm chí còn cam kết chịu trách nhiệm một phần chi phí cho việc duy trì số quân còn lại.

Dù Hàn Quốc mạnh gấp 30 lần so với Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại hơn, nhưng vẫn khó tin rằng Seoul sẽ nhanh chóng thắng được Bình Nhưỡng nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ. Và nếu Hàn Quốc không đồng ý với Nhà Trắng về việc triển khai hệ thống THAAD và một số biện pháp đòi hỏi nhằm đảm bảo an ninh cho Mỹ và các đội quân Mỹ đồn trú trong vùng, tổng thống Donald Trump có thể sẽ đưa ra những phản kháng quyết định. Căn cứ theo kinh nghiệm ở miền Nam Việt Nam, lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ có nguy cơ gây ra tổn thất nặng nề.

Dù sao, một kịch bản như vậy cũng không phải là điều Hoa Kỳ muốn, vì thế Washington chắc chắn sẽ sử dụng những biện pháp khác để bù cho các tổn thất, ví dụ một thương vụ mua vũ khí nửa tình nguyện nửa ép buộc.

Cái giá của phòng thủ

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc nằm trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới năm 2016 với 36,8 tỉ đô la. Là nước xuất khẩu vũ khí lớn (năm 2016, Hàn Quốc thậm chí đã vượt qua Ukraina để đứng vị trí thứ 9 trong danh sách của SIPRI), Hàn Quốc cũng xuất hiện trong số các nước nhập khẩu lớn nhất, chỉ đứng sau Ai Cập, Irak, Ấn Độ, Algeria và Saudi Arabia. Và dĩ nhiên, phần lớn vũ khí mà Hàn Quốc mua từ nước ngoài đều có xuất xứ từ Hoa Kỳ.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, trong 10 năm gần đây, Seoul đã chi 32 tỉ đô la để mua vũ khí của Mỹ. Chỉ riêng năm 2014, Hàn Quốc đã ký một hợp đồng mua 40 chiến đấu cơ F-35A với giá trị kỷ lục là 6,5 tỉ đô la (160 triệu đô la/chiếc). Tổng thống Moon Jae In đang tính đến việc tự đóng tầu ngầm nguyên tử, điều này không chỉ cần đến sự tham gia của các công ty Mỹ, mà còn cần sự cho phép chính thức của Washington để xử lý nhiên liệu hạt nhân dành cho các động cơ tầu ngầm nguyên tử.

Hiện tại, Hoa Kỳ bỏ qua khả năng đưa vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ trở lại Hàn Quốc, điều mà theo đối lập với chính quyền tổng thống Moon, lẽ ra là một yếu tố răn đe đáng tin cậy trước Bắc Triều Tiên và ít tốn kém hơn. Tương tự, Hoa Kỳ cũng không nghiên cứu những giải pháp ngoại giao thực sự để giải quyết các vấn đề tích trữ lâu nay thông qua con đường đàm phán.

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới với Hoa Kỳ về vấn đề chi phí cho quốc phòng. Hiện tại, người ta vẫn chưa biết Washington sẽ đề xuất kế hoạch nào và Seoul sẽ sẵn sàng chấp nhận kế hoạch đó ở chừng mực nào, nhưng một điều rõ ràng là các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng gì. Vì Kim Jong Un, bị dồn vào chân tường, có thể sẽ trở nên quá tốn kém cho các nước đồng minh.

RFI tiếng Việt

********************

Nga huy động cả ba lực lượng tấn công hạt nhân thử nghiệm tên lửa (RFI, 27/10/2017)

Ngày 26/10/2017, bộ Quốc Phòng Nga loan báo đã huy động cả ba lực lượng tấn công hạt nhân vào việc thử nghiệm một loạt tên lửa bắn từ trên không, từ dưới đáy biển và từ đất liền. Loạt thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ chương trình hạt nhân chiến lược của Nga.

btt5

Tổ hợp tên lửa địa đối không S-400 Triumph của Nga trong lễ diễu binh kỷ niệm chấm dứt Thế Chiến II, trên Quảng Trường Đỏ tại Moskva, ngày 09/05/2015.RIA Novosti via REUTER

Theo hãng tin Pháp AFP, bộ Quốc Phòng Nga cho biết chi tiết là một hỏa tiễn liên lục đia "Topol" đã được bắn đi từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền tây bắc Nga, trong lúc 3 hỏa tiễn đạn đạo được phóng lên từ 2 tàu ngầm nguyên tử ở Biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản và ở Biển Barents, vùng Bắc Cực.

Cùng lúc, các oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 và Tu-22M3, cất cánh từ một số sân bay, đã bắn thử tên lửa hành trình nhắm vào những mục tiêu trên đất liền ở Kamchatka, phía đông Nga, ở Cộng Hòa Komi, phía bắc và ở bãi tập quân sự Nga ở Kazakhstan.

Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga giải thích rằng các vụ bắn thử đều là "bài tập của các lực lượng hạt nhân chiến lược", và tất cả đều đạt kết quả tốt đẹp.

Các hoạt động quân sự của Nga như bắn thử tên lửa hay tập trận thường gây phản ứng quan ngại nơi các quốc gia láng giềng và khối NATO. Cuộc tập trận có quy mô lớn mang tên Zapad của Nga với Belarus vào tháng 09/2017 đã gây lo ngại cho Ba Lan và các quốc gia Baltic.

Vào ngày 26/10, tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, trả lời báo chí sau cuộc họp Hội Đồng Nga-NATO, phê phán Moskva là đã thông báo không đúng về số quân tham gia cũng như hình thức bài tập như lúc đưa ra chính thức ban đầu.

Theo NATO, cuộc tập trận Zapad đã huy động đến hơn 40.000 quân, trong lúc phía Nga chỉ nêu lên con số 12.700 người.

Mai Vân

Published in Châu Á
vendredi, 27 octobre 2017 00:36

Điểm báo Pháp - Vụ ám sát Kennedy

Mỹ : Vụ ám sát Kennedy vĩnh viễn trong vòng bí mật ?

Hôm 26/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý cho giải mật hơn 2.800 tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống J.F. Kennedy, cách nay hơn nửa thế kỷ. Libération đặt câu hỏi : "22/11/1963 : Bí mật về vụ Kennedy thực sự được vùi sâu chôn chặt ?".

kennedy1

Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong một bức ảnh không đề ngày tháng. Reuters/JFK Presidential Library and Museum

Năm 1992, các nghị sĩ Mỹ đã thông qua một văn bản luật bắt buộc giải mật và không được kiểm duyệt các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về vụ ám sát tổng thống Kennedy. Một phần tư thế kỷ sau, không ai ngờ rằng người chịu trách nhiệm làm việc này lại là tổng thống Donald Trump, người rất ham mê thuyết âm mưu và trong chiến dịch vận động tranh cử, ông đã thường xuyên nhắc đến vụ này.

Hôm thứ Tư, 25/10, trên đường tới Dallas, nơi Kennedy bị ám sát, chủ nhân Nhà Trắng, gửi tin trên Twitter, tỏ ra rất phấn khích về việc công bố tài liệu.

Theo giới chuyên gia và sử gia, những tài liệu được công bố này có thể đặt CIA và FBI vào tình thế khó xử. Trên tờ The Guardian, nhà báo Philip Shenon, tác giả của một cuốn sách nói về vụ ám sát Kennedy cho rằng, nhiều tài liệu sẽ cho thấy khối lượng thông tin khổng lồ mà CIA và FBI thu thập được về Oswald (kẻ bị cáo buộc là thủ phạm chính), trong nhiều tháng và nhiều năm trước khi xẩy ra vụ ám sát.

Từ trước tới nay, nhiều tổng thống Mỹ đã không cho giải mật một số tài liệu, vì có nguy cơ gây tổn hại đến các hoạt động quân sự, tình báo và giữ gìn trật tự hoặc trong việc thực hiện chính sách đối ngoại, nhưng theo Libération, khi làm việc này, tổng thống Donald Trump có một lô gích suy nghĩ khác : Ông không tin vào cơ quan tình báo Mỹ. Theo nhà sử học Mỹ Michael Beschloss, viết trên tờ New York Times, rằng trong tất cả các vị tổng thống của nước Mỹ từ năm 1963 đến nay, Donald Trump là người ít quan tâm nhất đến việc bảo vệ CIA và FBI, không cho giải mật một số tài liệu nhậy cảm vì ông rất bực tức hai cơ quan này.

Cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 làm cho ông Trump khó chịu. Ông đã nhiều lần chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ. Một số cộng sự thân cận của ông còn đi xa hơn, tố cáo sự tồn tại một Nhà nước chìm, hàm ý nói đến cái gọi là liên minh bí mật giữa các nhân viên CIA, FBI và bộ Quốc Phòng, hòng gây khó khăn, phá hỏng nhiệm kỳ của ông Trump. Thậm chí, hồi tháng Bẩy/2017, con trai ông Trump còn viết trên Twitter rằng Nhà nước chìm là có thật, bất hợp pháp và đe dọa an ninh quốc gia.

Ngoài việc nghi ngờ, chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, tổng thống Trump và một số người thân còn bị ám ảnh bởi thuyết âm mưu, "vun vén" duy trì các giả thuyết về cái chết của Kennedy. Trong lúc tranh cử tổng thống, ông Trump còn tố cáo cha của thượng nghị sĩ Ted Cruz có liên quan đến hung thủ Oswald. Cố vấn của Trump, ông Roger Stone, vào năm 2013, đã đăng một cuốn sách tố cáo phó tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ đạo, sắp xếp vụ ám sát Kennedy.

Tài liệu về cuộc điều tra vụ ám sát Kennedy bao gồm hơn 5 triệu trang và hiện chỉ còn 1% trong số này vẫn chờ được giải mật và từ ba năm qua, số tài liệu mật cuối cùng này đang được chụp lại và số hóa để đăng trên internet khi được phép.

99% các tài liệu đã được công bố nhưng các câu hỏi về vụ ám sát Kennedy vẫn chưa được giải đáp. Vậy phải chăng "bí mật về vụ Kennedy thực sự được vùi sâu chôn chặt ?".

Cùng chủ đề này, báo Libération còn có bài "Ba phát súng và có bao nhiều giả thuyết mù mờ ?", nêu ra các câu hỏi không lời giải đáp : Phải chăng Lee Harvey Oswald là thủ phạm ? Chỉ có một mình Oswald bắn tổng thống Kennedy hay còn ai khác ? Có ba hay bốn phát đạn bắn về hướng Kennedy ? Bởi vì thống đốc Texas John Connally ngồi cùng xe tổng thống và bị thương.

Liệu có ai đứng đằng sau Oswald hay không ? Tại sao Jack Ruby, chủ một hộp đêm, có quan hệ với mafia và gần gũi với một số cảnh sát, lại bắn chết Oswald ?

Theo Libération, hơn 50 năm sau vụ ám sát, không có một nhân chứng khả tín nào, không một nhà điều tra nào đưa ra được một tài liệu, một sự việc có thể kiểm chứng… và có thể tuyên bố rõ ràng "tôi có bằng chứng", hoặc "tôi đã ở đó" hoặc "tôi biết". Nói tóm lại, vẫn chỉ có kết luận chính thức của cuộc điều tra, theo đó, tổng thống Kennedy bị bắn chết bởi một cựu thủy thủ hơi tâm thần và hành động một mình. Hung thủ sau đó bị một chủ hộp đêm mắc bệnh hoang tưởng bắn chết.

Khủng hoảng Catalyna - Tây Ban Nha

Tại Châu Âu, chủ đề nóng bỏng nhất vẫn là cuộc đọ sức giữa vùng tự trị đòi độc lập Catalunya và chính quyền Tây Ban Nha cũng được báo chí Pháp quan tâm. Le Monde cho biết : "Trước nguy cơ ly khai, người Catalunya bị chia rẽ" bởi vì tại Quốc hội Catalunya, đa số các dân biểu muốn tuyên bố độc lập, thành lập một nước cộng hòa, nhưng phe ôn hòa phản đối.

Hôm 27/10, Thượng viện Tây Ban Nha xem xét việc cho phép áp dụng điều 155 trong Hiến Pháp, sau khi chủ tịch vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont không chấp nhận giải tán và cho bầu cử trước thời hạn Quốc hội Catalunya. Do vậy, theo Le Figaro, "Catalunya hướng tới việc bị giám hộ sau những hy vọng về một thỏa hiệp".

Cùng theo hướng này, Les Echos nhận định "Những hy vọng đạt được một thỏa thuận vào giờ chót trở nên xa vời tại Barcelona". Còn Libération nhận định, "bến dừng sắp tới của con tàu Catalunya là giám hộ".

Châu Á nhiều tỷ phú hơn Mỹ

Đó là bài viết trên Les Echos. Theo nghiên cứu của UBS và PricewaterhouseCooper, tổng tài sản của các nhà tỷ phú trên thế giới trong năm 2016, đã tăng từ 5.100 tỷ đô la lên thành 6.000 tỷ.

Lần đầu tiên, Châu Á có số tỷ phú nhiều hơn Hoa Kỳ. Cụ thể 637 người, còn Hoa Kỳ là 563, trong khi Châu Âu chỉ có 342 tỷ phú.

Tuy vậy, Mỹ vẫn là nơi mà các tỷ phú có số tài sản lớn nhất. 563 siêu tỷ phú Mỹ có 2800 tỷ đô la. Các tỷ phú Châu Á có 2000 tỷ và Châu Âu chỉ vào khoảng 1200 tỷ.

Định nghĩa lại "Cách mạng công nghiệp"

Để thư giãn cuối tuần, báo Le Monde, trong phụ trương Kinh tế và Doanh nghiệp có bài ""Cách mạng công nghiệp - lịch sử một câu chuyện được kể lại quá trôi chảy", tóm tắt cuộc tranh luận của giới sử học nhân hội thảo "Cuộc hẹn gặp với lịch sử", lần thứ 20, được tổ chức tại Blois, ngày 07/10/2017, với chủ đề Eureka : phát minh, phát hiện và sáng tạo. Một trong những chủ đề thú vị là nêu câu hỏi về nội dung của khái niệm "cách mạng công nghiệp".

Cho đến nay, luận điểm vẫn thường được nêu ra là quá trình công nghiệp hóa sản xuất, đặc biệt là sản xuất vải sợi, nẩy sinh ở Anh vào cuối thế kỷ 18, rồi sau đó lan tỏa ra toàn Châu Âu vào thế kỷ 19, nhờ có phát minh và sử dụng máy hơi nước, làm cho nông dân và thợ thủ công rời bỏ làng mạc, công xưởng để trở thành người làm công ăn lương trong các nhà máy khổng lồ ở thành thị.

Thế nhưng, theo bà Liliane Hilaire-Perez, Đại học Paris 7-Diderot, thì cụm từ "cách mạng công nghiệp" xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1830, trong các bài viết của kinh tế gia Pháp Jean-Baptiste Say, khi ông đề cập đến cuộc đấu tranh giành các quyền tự do chính trị của Cách mạng Tư sản Dân quyền Pháp (1789) và các tiến bộ kỹ thuật cho phép mang lại sự phong phú về các phương tiện sản xuất cũng như việc giới doanh nhân và kỹ sư sử dụng các công cụ này.

Mục đích của kinh tế gia Pháp là phản đối ý định của giới địa chủ trong Chế Độ Cũ (xã hội trước Cách mạng 1789) muốn xóa bỏ các thành quả đạt được của cuộc Cách mạng. Lập luận so sánh này được sử dụng lại tại Anh Quốc trong cuộc đấu tranh của những người theo trường phái tự do chống lại giới độc quyền sở hữu đất đai. Và chỉ đến cuối thế kỷ 19, sử gia Anh Arnold Toynbee mới biến lập luận này thành một khái niệm lịch sử.

Tuy nhiên, theo báo Le Monde, từ khoảng ba chục năm qua, giới sử gia mới thực sự quan tâm đến cuộc sống vật chất và kinh tế trong giai đoạn trước thời kỳ được gọi là "cách mạng công nghiệp".

Theo bà Catherine Lanoe, đại học Orléans, thì từ cuối thế kỷ 16, việc tiêu thụ các sản phẩm được chế biến đã tăng mạnh, về khối lượng và chủng loại, cao hơn cả các nhu cầu cơ bản, ngay cả trong các hộ gia đình có mức sống khiêm tốn. Sự bùng nổ nhu cầu nói trên đã tạo ra sức bật cho nền kinh tế các nước phương Tây.

Do vậy, nếu việc khai thác các nguồn tài nguyên của một vùng lãnh thổ nhằm nâng cao mức sản xuất, nhờ có các phát minh kỹ thuật và cách thức quản lý, được gọi là hoạt động công nghiệp, thì nền công nghiệp này vẫn luôn luôn tồn tại ở nông thôn cũng như thành thị, từ thời Trung Cổ tại Ý cũng như vào thế kỷ 18 tại Anh.

Ngược lại, nếu định nghĩa "công nghiệp hóa" là việc một bộ phận giới chủ và các nhà đầu tư chiếm đoạt một phần lớn giá trị kinh tế do sản xuất tạo ra, thì tiến trình "công nghiệp hóa"này xuất hiện ở Châu Âu và Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Cuộc đại khủng hoảng trong các năm từ 1875-1890 đã làm cho hàng triệu nông dân và thợ thủ công khuynh gia bại sản, buộc họ phải đi làm trong các nhà máy thuộc các doanh nghiệp của một nhóm nhỏ độc quyền quản lý nền sản xuất.

Như vậy, theo giới chuyên gia, khái niệm "cách mạng công nghiệp" không nhằm chỉ hệ quả của phát minh kỹ thuật, mà muốn nói tới sự thay đổi trong các quan hệ xã hội.

Trang nhất báo Pháp

Le Monde đề cập đến việc bầu chủ tịch đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa. Le Figaro quan tâm đến vụ xét xử Abdelkader Merah và mối hận thù thánh chiến được nuôi dưỡng trong gia đình bị cáo. Abdelkader là anh của Mohamed Merah. Tháng 3/2012, Mohamed Merah đã giết hại 7 người, trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Còn Libération chú ý đến việc giải mật các tài liệu liên quan đến vụ ám sát tổng thống Mỹ Kennedy : "JFK, hết bí mật".

Đức Tâm

Published in Quốc tế

Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 đã bế mạc ngày 23/10/2017, nhưng các báo Pháp vẫn có nhiều bài bình luận, phân tích. Trong bài xã luận mang tựa đề "Sức mạnh thầm lặng của Bác Tập", báo Le Monde giải mã sự kiện này : Trung Quốc muốn khẳng định sức mạnh, trọng lượng của mình trên thế giới.

cuongquoc1

Nơi diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 23/10/2017. Reuters/Jason Lee

Theo tờ báo, sự hoành tráng và lễ nghi lỗi thời phù phiếm của đại hội này có ý nghĩa của nó. Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục làm nhiệm kỳ thứ hai và tư tưởng của ông được đưa vào Điều Lệ Đảng cũng vậy. Thế nhưng, để hiểu được những sự kiện này thì cần phải vượt qua cái nhìn thông thường của phương Tây, coi đó chỉ là những điều kỳ thú vô bổ.

Trước tiên, trong cái nghi lễ cứng nhắc và hơi lỗi thời một chút, Đại Hội 19 đánh dấu một thời điểm : đó là Trung Quốc tự khẳng định mình là một cường quốc lớn của thời đại, ngang hàng với phương Tây. Trung Quốc không chỉ là một người khổng lồ về kinh tế, mà còn cả về chiến lược và tư tưởng. Đó là điều cần hiểu trong chuỗi diễn văn tràng giang đại hải ở đại hội này.

Kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, Tập Cận Bình, năm nay 64 tuổi, muốn là hiện thân của hiện tượng chủ chốt trong thế kỷ 21 : đó là nước Trung Hoa mới. Ông ta sẽ là người thực hiện sự "phục sinh một nước Trung Hoa", một nước Trung Quốc quay trở lại vị trí vốn có của nó - đế chế ở trung tâm và chấm dứt một thế kỷ bị làm nhục, từ thời chiến tranh thuốc phiện đến lúc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Chính vì thế, đối với Tập Cận Bình, cần chấm dứt thái độ e dè, thận trọng trên sân khấu chính trị quốc tế. Nước Trung Hoa của Tập Cận Bình tràn trề sự tự tin vì sức mạnh kinh tế và công nghệ và đề ra mục tiêu là trong vòng 20 năm tới, sẽ cạnh tranh được với phương Tây trong 5 hoặc 6 lĩnh vực, như thông minh nhân tạo, người máy, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…

Trong thời đại mới của Tập Cận Bình, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chính để phục vụ cho chiến lược bành trướng mà một trong những dự án chính là Con Đường Tơ Lụa Mới. Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng thông qua mạng lưới dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở ở vùng Âu-Á, trên biển và đặc biệt là ở Ấn Độ Dương.

Đồng thời, Tập Cận Bình còn tiến hành thường trực một cuộc chiến tranh về tư tưởng chống lại những "ảnh hưởng độc hại của phương Tây", đề ra mô hình Trung Quốc cho các nước ở Châu Á và Châu Phi noi theo. Có thể nói, với Đại Hội 19, Bắc Kinh muốn cạnh tranh với phương Tây trong lĩnh vực tư tưởng.

Trong toàn cảnh bức tranh Trung Quốc, còn có nhiều điểm đen, thậm chí rất đen và đó là những điểm yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Le Monde kết luận, điều mà Đại Hội 19 cho thấy rõ, đó là sức nặng của Trung Quốc trên thế giới.

Mô hình của Tập

Cũng về Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, báo Le Monde có bài bình luận của nhà báo Sylvie Kauffmann về "Mô hình Tập Cận Bình".

Trong Đại Hội, qua các diễn văn chính thức, thì đối với ông Tập Cận Bình, giấc mơ đã đổi bên : không còn "giấc mơ Mỹ" nữa mà giờ đây là "giấc mơ Trung Hoa". Thừa thắng sốc tới, Tập Cận Bình chỉ thừa nhận hai tiền bối có tầm cỡ như ông, đó là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Khẩu hiệu của ông, xây dựng "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" được đưa lên hàng tư tưởng. Một mình thâu tóm mọi quyền lực, Tập Cận Bình hứa hẹn với 1,4 tỷ đồng bào của mình là sẽ đưa Trung Quốc phát triển theo giai đoạn : từ nay đến 2035, Trung Quốc hoàn tất quá trình hiện đại hóa và đến năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đất nước này sẽ trở thành cường quốc lãnh đạo toàn cầu, có quân đội đứng đầu thế giới.

Với Đại Hội 19, Bắc Kinh chính thức khẳng định tham vọng coi mô hình "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa" là mô hình thay thế và có thể xuất khẩu được. Nhưng cho dù Trung Quốc đi vào "thời kỳ mới", mô hình tập trung quyền lực trong tay một người và đảng của ông ta, không phải là mới, thậm chí là quen thuộc. Và mô hình này có tên gọi là độc tài. Nhà báo Sylvie Kauffmann mỉa mai, sự thành công của mô hình độc tài này phải chăng mới thực sự là một phát minh.

Ngoài xã luận và bình luận về Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Tập Cận Bình, Le Monde còn có bài nói về những nhân vật được cho là thân cận với Tập Cận Bình vừa được bổ nhiệm vào Thường Vụ Bộ Chính Trị : "Tập Cận Bình bố trí các nhân vật trung thành để có được quyền lực tuyệt đối". Theo tờ báo, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không bổ nhiệm một người nào có khả năng kế nhiệm ông, vào Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Theo cùng hướng này, Le Figaro chạy tựa : "Tập Cận Bình và ý định nắm giữ quyền lực trọn đời". Còn Les Echos thì ghi nhận : "Tập Cận Bình cực mạnh và không có người kế vị".

Ba "bảo mẫu" tại "vườn trẻ Nhà Trắng"

Nhìn sang nước Mỹ, báo Libération có bài phân tích : "Ba người và một con ngựa ở Nhà Trắng". Theo đúng truyền thống hay chơi chữ, Libération chạy tựa này dựa theo một số phim hài hước của Pháp và chữ "bourrin" trong tiếng Pháp, ngoài nghĩa đen, thân mật là con ngựa, còn có nhiều nghĩa bóng, ám chỉ người thiếu tế nhị, kém tinh tế, chỉ biết sử dụng cơ bắp…

Ba người mà Libération nói đến là Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, ngoại trưởng Rex Tillerson và tổng thư ký Nhà Trắng John Kelly, được coi là ba trụ cột của chính quyền. Cả ba nhân vật này dường như ngày càng không hợp với tổng thống. Chỉ vì nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ mà họ chưa từ chức. Trong khi đó, một số chính trị gia khác trong đảng Cộng Hòa bắt đầu công khai lên tiếng chỉ trích tổng thống Donald Trump.

Trong tuần trước, thượng nghị sĩ Tennessee Bob Corker đã lên tiếng ca ngợi của họ trong vai trò "bảo mẫu" tại "nhà trông người lớn" và những nỗ lực phi thường trong việc kìm hãm Donald Trump. Bộ ba này là thành lũy cuối cùng bảo vệ, tránh cho đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, bởi vì sự bất tài và những hậu quả mà tổng thống Trump gây ra có thể dẫn đến đệ tam thế chiến. Thượng nghị sĩ Corker nhấn mạnh, do vậy, ba nhân vật nói trên không được từ chức.

Trang nhất các báo

Trang nhất các báo Pháp quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Le Monde chạy hàng tựa "Trung Quốc : Tập Cận Bình khóa chặt quyền lực". Tờ Le Figaro, ngoài thời sự Trung Quốc, chú ý đến cuộc chiến chống khủng bố : Các cơ quan chống khủng bố đấu tranh chống hiện tượng cực đoan hóa Hồi giáo ra sao.

Báo Libération thiên tả chú ý đến thời sự xã hội Pháp với hàng tựa : "Đóng góp xã hội, các cụ già thuộc thế hệ babyboom hãy nỗ lực một chút". Bởi vì hôm qua, các dân biểu Pháp đã thông qua việc tăng 1,7% mức đóng góp xã hội phổ cập (Contribution sociale généralisée- CSG) đối với những người về hưu, qua đó, giúp giảm đóng góp xã hội của những người đang làm việc.

Trong khi đó, Les Echos cho biết : "Các lựa chọn của Merkel về khí hậu bị phản đối". Tại thượng đỉnh G20 vừa qua, thủ tướng Đức Angela Merkel coi đấu tranh chống phát thải khí CO2 là ưu tiên, thì nước Đức, dưới sự lãnh đạo của bà, lại có thể không thực hiện được mục tiêu đề ra là giảm phát thải tới 40% khối lượng CO2 trong giai đoạn 1990-2020. Vấn đề khí hậu trở thành một trong những điều kiện để đảng Xanh tham gia liên minh cầm quyền tại Đức.

Riêng tờ La Croix quan tâm đến thời sự Syria với hàng tựa : "Raqqa, nỗi kinh hoàng của những người sống sót", với các nhân chứng kể lại nỗi thống khổ của họ trong ba năm sống dưới sự kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi giáo.

Solex sống lại nhờ động cơ điện

Để kết thúc nhẹ nhàng mục điểm báo, xin gửi tới quý vị hai thông tin đáng chú ý tại Pháp, báo kinh tế Les Echos cho biết "Mác Solex huyền thoại sống lại nhờ vào động cơ điện".

Solex vốn một thời rất quen thuộc với người Việt Nam, với chiếc xe máy có gắn động cơ ở phía trước. Từ năm 1946 đến nay, hãng đã bán ra hơn 7 triệu xe. Năm 2013, công ty Easybike đã mua lại Solex. Vừa qua, hãng này đã xây dựng một nhà máy mới ở Saint-Lô, vùng Normandie, phía tây bắc Pháp, để chế tạo xe đạp có động cơ điện trợ lực.

Gan ngỗng béo năm nay sẽ ít hơn

Thông tin thứ hai là nếu quý vị ưa thích gan ngỗng béo, món ăn không thể thiếu của dân Pháp trong dịp Giáng Sinh thì cứ yên tâm, báo Le Figaro trấn an. "Liệu sẽ có gan ngỗng béo vào Noel hay không ? Có, nhưng ít và đắt hơn".

Theo tờ báo, 79% dân Pháp ăn gan ngỗng béo, hay nói đúng hơn là gan ngỗng và vịt béo, trong dịp lễ Giáng Sinh. Thế nhưng, năm nay, khả năng cung ứng trên thị trường Pháp tụt giảm tới 44%, chỉ còn khoảng 10 750 tấn. Sự khan hiếm này, một phần là do dịch cúm gia cầm đã tàn phá đàn gia cầm Pháp trong các năm 2015 và 2016. Đàn gia cầm Pháp, từ 37 triệu con vịt trong năm 2015 xuống chỉ còn 23 triệu con trong năm 2017. Bên cạnh đó, một số nước Đông Âu, như Bulgaria, Hungary, vốn là nguồn gan ngỗng béo bổ sung, cũng bị tác động bởi dịch cúm gia cầm.

Do vậy, giá gan ngỗng béo sẽ tăng lên khoảng 10% so với năm ngoái, khoảng 4 euro cho 40 gam.

Đức Tâm

Published in Châu Á

"Hoàng đế" Tập "đóng ấn" tư tưởng đưa Trung Quốc thành đại cường

Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Trung Quốc từ 40 năm qua với "tư tưởng" được đưa vào cương lĩnh của Đảng cộng sản Trung Quốc ngay khi còn sống. Điều này chỉ xảy ra với Mao Trạch Đông, nhà sáng lập chế độ hiện nay, khi còn nắm quyền.

king0

Ông Tập Cận Bình trong buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 25/10/2017. Reuters/Jason Lee

Tất cả các nhật bào Pháp, trong số ra ngày 25/10/2017, đều đề cập đến sự kiện ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ 5 năm để đưa Trung Quốc thành một đất nước giầu có, hùng mạnh.

Với vị trí trung tâm trong đảng, ông Tập Cận Bình rảnh tay thực hiện chương trình đưa Trung Quốc sang "thời kỳ mới" vào năm 2050. Vậy "vị thế mới của Tập Cận Bình có ý nghĩa gì ?". Trả lời câu hỏi này của nhật báo công giáo La Croix, hai chuyên gia Pháp đưa ra ý kiến trái chiều.

"Sẽ không có tự do chính trị"

Theo ông François Bougon, trợ lý bộ phận Quốc tế của nhật báo Le Monde, không như nhiều người nghĩ, việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực đồng nghĩa với việc sẽ không có tự do hóa chính trị và ông Tập sẽ tiếp tục áp đặt một mô hình tân chuyên quyền.

Trước một thế giới hiện nay, ông càng có thêm tính chính đáng, trong bối cảnh các nền dân chủ phương Tây suy yếu, Liên Hiệp Châu Âu không vững chắc và Hoa Kỳ nằm trong tay một lãnh đạo dân túy. Ông Tập Cận Bình sẽ dùng quyền lực của mình để áp đặt "đạo lý" Trung Hoa thành một "mô hình" và một giải pháp cho các vấn đề của một thế giới đa cực phức tạp. Ông sẽ tiếp tục bằng mọi giá kiểm soát xã hội dân sự và tập trung quyền lực.

"Tôi là người mạnh mẽ", theo tư tưởng dân túy, thực dụng trong lĩnh vực kinh tế và chống nạn tham nhũng : Chính những yếu tố này đảm bảo sự nổi tiếng của ông Tập. Dù người ta không biết liệu ông Tập có đảm nhiệm trọng trách này hơn hai nhiệm kỳ hai không, nhưng kể cả khi ông nghỉ hưu, sau khi đã chỉ định người kế nhiệm, hẳn ông Tập sẽ vẫn hoạt động tích cực trong hậu trường.

"Ẩn sau quyền lực mênh mông là sự bất lực"

Nhà nghiên cứu Valérie Niquet, phụ trách khu vực Châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp lại cho rằng chính sách thu mình của Trung Quốc mà ông Tập đang thực hiện là dấu hiệu cho sự bất lực ẩn sau quyền lực mênh mông. Chủ tịch Trung Quốc lợi dụng sự lo lắng, sợ hãi có thể làm sụt giảm mức độ tín nhiệm của công luận đối với đảng. Nếu ông tin chắc vào bản thân, có lẽ ông đã không cần lấy lại quyền kiểm soát tuyệt đối với toàn xã hội - điều gây ra sự bất bình.

Trên thực tế, có rất nhiều cán bộ đang chờ dịp trả thù ông, họ theo dõi mức độ hiệu quả của ông Tập trên quy mô quốc tế, như trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, quan hệ với Hoa Kỳ hoặc cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại phát biểu của một cựu tướng Trung Quốc nghỉ hưu rằng "Quyền lực tuyệt đối là tốt nhưng ông ấy sẽ làm được gì với nó ?".

Trong bài diễn văn hơn 3 giờ khai mạc Đại hội Đảng, người ta thấy cựu chủ tịch Giang Trạch Dân ngồi bên cạnh, công khai ngáp dài, nhìn đồng hồ rồi ngước mắt nhìn lên trời… Hành động này được nhiều người suy diễn là "Mặc kệ Tập !".

Tập Cận Bình : Nhà tiên tri mới của chủ nghĩa Marx theo mầu sắc Trung Hoa

Phiên bế mạc đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc ngày 24/10/2017 cũng là "Lễ đăng quang của Tập Cận Bình tại Bắc Kinh", theo Le Monde, vì "Tư tưởng chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa đối với thời kỳ mới" được chính thức đưa vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là "Một tư tưởng cho một Trung Quốc đại cường", theo nhận định của một bài viết khác, vẫn trên Le Monde.

Về vị trí toàn năng của chủ tịch Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Tập Cận Bình sánh vai Mao trong đền thờ danh nhân cộng sản Trung Quốc". Tương tự, nhật báo Le Figaro nhận định : "Tập Cận Bình đi vào đền danh nhân cộng sản". Nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc, Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), cho rằng với việc tư tưởng Tập được đưa vào điều lệ đảng sẽ trao "quyền tối cao" cho nhà lãnh đạo và gần như không thể chống đối được "vì ý nguyện của ông từ giờ sẽ là ý nguyện của đảng".

Nhật báo thiên hữu Pháp cũng cho rằng cần phải chờ đến lúc danh sách chính thức 7 ủy viên thường trực Bộ chính trị để đánh giá tác động thật sự của ông Tập đối với Đảng. Nếu phần lớn Bộ chính trị là những người thân cận của ông, lúc đó ông có thể hoàn toàn kiểm soát được Đảng. Ông Tập sẽ có trong tay cả "tư tưởng và thể chế để trở thành "hoàng đế suốt đời" như Mao" theo nhận định của nhà nghiên cứu Willy Lam.

Với Libération, "ông Tập Cận Bình là một nhà tiên tri mới của chủ nghĩa Marx theo mầu sắc Trung Hoa". Hiểu theo một cách cụ thể là tên và tư tưởng của ông Tập sẽ được nhắc trong mọi bài diễn văn quan trọng, kể cả trong các bài diễn văn của các đời chủ tịch đảng hay các thủ tướng tương lai. Trong trường học, các thế hệ trẻ trên khắp Trung Hoa sẽ học nội dung "tư tưởng" Tập. Cuối cùng, mọi chỉ trích chống lại Tập Cận Bình sẽ có thể bị diễn giải là chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc.

Cuộc thiên di kinh hoàng của người Rohingya sang Bangladesh

Thoát khỏi địa ngục tại Miến Điện, hàng ngày vài chục nghìn người Rohingya tìm cách chạy sang Bangladesh. Đặc phái viên của Le Figaro tường trình cuộc thiên di của sắc dân thiểu số Hồi giáo sang nước láng giềng, nơi họ được đón tiếp và chí ít cũng giữ được tính mạng.

Câu chuyện của họ kể lại đều giống nhau : Quân đội Miến Điện đốt nhà của người Rohingya, cưỡng hiếp phụ nữ và bé gái, giết người trước mặt trẻ con, giằng những đứa trẻ khỏi tay cha mẹ rồi ném vào lửa.

Nhưng ở Cox’Bazar (Bangladesh), tình trạng cũng trở nên quá tải và "như một tổ kiến thật sự" với khoảng 1 triệu người lánh nạn thường vẫn trong tình trạng hoảng sợ. Các tổ chức phi chính phủ mỗi ngày phải đối mặt với những thách thức mới : những nhóm người mới đến đôi khi ba ngày không ăn uống, thiếu nước sạch, lương thực, đảm bảo an ninh…

Trong bản báo cáo ngày 18/10, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nêu lên 6 tội ác chống nhân loại mà chính quyền Miến Điện có thể bị cáo buộc : "giết người, giam hãm, tra tấn, cưỡng bức, truy bức và các tội ác phi nhân tính khác như không cho ăn uống".

Bà Aung San Suu Kyi trấn an công luận quốc tế rằng người tị nạn Rohingya có thể hồi hương, nhưng ở Cox’Bazar, không ai có ý định đó, như thổ lộ của một người tị nạn với phóng viên của Le Figaro : "Làm sao tôi có thể về đó ? Ở đây, ít nhất tôi được an toàn. Tôi đã mất tất, họ đã cướp mất cuộc sống của tôi".

Glyphosate : Thuốc trừ sâu khuấy động Châu Âu

Ngày 25/10/2017, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu bỏ phiếu thông qua việc triển hạn hay không giấy phép sử dụng thuốc trừ sâu Glyphosate, được dùng phổ biến trong ngành nông nghiệp. Đây là chủ đề được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp, cùng với hồ sơ lao động biệt phái ở Châu Âu.

Trang nhất của Le Figaro là hàng tựa lớn : "Glyphosate : cuộc chiến hoành hành tại Châu Âu"vì "Thuốc trừ sâu Glyphosate đã trở thành vấn đề quốc gia". Từ vài tháng nay, ngay trong hậu trường, các nhà khoa học, nghị sĩ, những thế lực vận động ủng hộ và các hiệp hội bất đồng về tính độc hại và nguy hiểm của loại thuốc trừ sâu bán chạy nhất thế giới này. Theo dự kiến, Châu Âu định triển hạn thêm 10 năm, nhưng trước sự phản đối từ khắp nơi, Ủy Ban Châu Âu có thể sẽ rút ngắn xuống còn 5 đến 7 năm.

Libération khẳng định trên trang nhất : "Người ta có thể hoàn toàn bỏ qua thuốc Glyphosate", trái hẳn với lời quả quyết của các tập đoàn công nghiệp vì đây là một thị trường đầy lợi nhuận đối với họ. Với Libération, Glyphosate vô cùng độc hại cho sức khỏe.

La Croix đặt câu hỏi "Các cuộc nghiên cứu về thuốc Glyphosate được tiến hành như thế nào ?"để giải thích những ý kiến trái chiều về tính độc hại đối với loài người. Theo nhật báo Công giáo, lý do đầu tiên là chưa có một tổ chức quốc gia hay quốc tế nào làm nghiên cứu từ A đến Z để khẳng định Glyphosate có nguy cơ gây ung thư. Lý do thứ hai, các cơ quan khác nhau không có cùng cách nghiên cứu. Thứ ba là các cơ quan này cũng không có cùng tiêu chí để đánh giá kết quả khoa học.

Một số tác hại của chất này được ghi nhận là nguy cơ đáng kể về ung thư máu đối với một số nông dân sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Tại Pháp, bệnh ung thư máu này, cũng như bệnh Parkinson, được công nhận là các bệnh nghề nghiệp, có liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu. Sắp tới có thể đến lượt các bệnh Alzheimer, ung thư tuyến tiền liệt được đưa vào danh sách. Tuy nhiên, dường như chất Glyphosate không gây tác động đặc biệt đến công chúng.

2017 : Mùa rượu vang thế giới thất thu

Thời tiết thất thường đã khiến mùa rượu vang năm 2017 giảm 8% sản lượng. Đây là mùa thu hoạch thấp nhất kể từ năm 1961, theo nhật báo Le Figaro.

Nguyên nhân chính là "hiện tượng khí hậu cực đoan, từ đông giá đến hạn hán, tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất rượu vang tại Tây Âu. Dự báo sản lượng của ba nước sản xuất chính trên thế giới sẽ giảm rõ rệt so với năm 2016". Đứng đầu 3 năm liên tiếp vẫn là Ý, nhưng giảm hẳn 23% so với năm 2016, tiếp theo là Pháp (giảm 19%) và cuối cùng là Tây Ban Nha (giảm 15%).

"Mùa thu hoạch tại Mỹ, Nam Phi và Úc, dù tốt hơn nhưng cũng không bù được khối lượng giảm của ba nước sản xuất hàng đầu thế giới", theo nhận định của ông Jean-Marie Aurand, giám đốc của Tổ chức Quốc Tế Vùng Trồng Nho và Rượu Vang (OIV).

Hoa Kỳ vẫn là nước tiêu thụ nhiều rượu vang nhất thế giới. Pháp cũng đang đứng ngấp nghé các nước tiêu thụ nhiều nhất với mức trung bình 42 lít rượu/năm/người.

Brexit làm du lịch Pháp lo lắng

Một số nhà hoạt động trong lĩnh vực du lịch Pháp bắt đầu lo ngại vì hậu quả của Brexit tác động đến số du khách Anh. Trong năm đầu tiên ngành du lịch Pháp phục hồi sau loạt khủng bố, chỉ có lượng du khách Anh sụt giảm (-1,5% trong 8 tháng đầu năm).

Tại vùng Normandie, nơi du khách Anh chiếm đa số, lượng du khách giảm từ hai năm nay do giá trị của đồng bảng Anh bị sụt giảm so với đồng euro. Theo đánh giá của giám đốc Ủy Ban Du Lịch của vùng, đây mới chỉ là hiện tượng "xói mòn" chưa đến mức "thảm họa" nhưng đáng quan ngại.

Không phải người Anh ngừng đi du lịch, nhưng họ chọn những điểm đến rẻ hơn tại Châu Âu, như Tây Ban Nha, Hy Lạp hoặc Bồ Đào Nha. Chính vì vậy, vùng Normandie đã tung ra nhiều chiến dịch quảng cáo, giảm giá để thu hút du khách Anh. Thế nhưng, giám đốc một hãng lữ hành tỏ ra lo ngại : "Điều tồi tệ nhất còn chưa tới".

Thu Hằng

Published in Châu Á

Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình cho các nước giàu ?

Trang kinh tế của tờ Le Figaro có bài nhận định về Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba thế giới luôn luôn đi đầu đối mặt với các thách thức. Le Figaro đặt câu hỏi : "Liệu Nhật Bản có trở thành mô hình đối với các nước giàu ?"

nhat1

Việc kéo dài tuổi thọ đi kèm với tỷ lệ sinh đẻ thấp làm giảm số người trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản. Nathalie Cuvelier via Getty Images

Theo tờ báo, cho đến nay, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi đánh giá về Nhật Bản, vẫn không có được một thái độ điềm tĩnh, vừa ghen tị thèm muốn, vừa chỉ trích. Thực ra, mối ám ảnh của phương Tây về Nhật Bản không có gì là mới, các thành công của xứ hoa anh đào luôn gây lo ngại.

Le Figaro cho rằng, mối sợ hãi này không có cơ sở. Sở dĩ Nhật Bản có được các thành công nói trên là do nước này đã phải đối mặt và xử lý thành công các thách thức to lớn, trước các nước phương Tây cả chục năm, ví dụ tình trạng đồng yên cao giá trong suốt những năm 1980, khủng hoảng tài chính 1998, khủng hoảng ngân sách và nợ công trong những năm 2000 và từ năm 2011 là thảm họa Fukushima.

Theo kinh tế gia Hajime Takata, thuộc Viện Nghiên Cứu Mizuho, "Nhật Bản đã trải qua tất cả các thách thức mà thế giới hiện nay đang phải đối mặt".

Để xử lý được các thách thức, Nhật Bản đã phải tiến hành cải cách sâu rộng lĩnh vực ngân hàng, nhờ vậy, kinh tế nước này không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Le Figaro cho biết thêm, Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản (BOJ) đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp "phi truyền thống" để chống lại tình trạng thoái lạm (deflation), trước cả Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE). Ngân hàng Nhật Bản có tỷ lệ mua công trái do Nhà nước phát hành cao nhất thế giới, 26%.

Cho dù Nhật Bản có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, tương đương 250% tổng sản phẩm quốc nội (PIB), nhưng điều này không gây nguy hiểm cho nền kinh tế vì toàn bộ chủ nợ là tác nhân Nhật. BOJ cũng là ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới, vào năm 2001, đã áp dụng lãi suất cho vay 0%.

Chuyên gia Hajime Takata nhấn mạnh : Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong việc đưa ra các giải pháp chống khủng hoảng và ông không ngần ngại nói đến việc "Nhật hóa nền kinh tế toàn cầu", kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Có một lĩnh vực khác mà Nhật Bản tỏ ra mạnh bạo hơn cả và gây thán phục : Đó là dân số và nguồn nhân lực. Hiện nay, mỗi năm dân số Nhật Bản giảm 885 ngàn và đến năm 2060, nước này chỉ còn 40 triệu dân. Vào tháng 10/2015, thủ tướng Shinzo Abe đề ra mục tiêu là mỗi phụ nữ Nhật Bản có 1,8 con, thay vì 1,45 như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhật Bản thành lập một hội đồng đa thế hệ, dự phóng một xã hội với tuổi thọ là 100 năm, trên cơ sở giả thuyết là một đứa trẻ sinh ra năm 2007 thì có tới 50% cơ may sống đến 100 tuổi.

Việc kéo dài tuổi thọ đi kèm với tỷ lệ sinh đẻ thấp làm giảm số người trong độ tuổi lao động. Theo số liệu của Văn phòng thủ tướng, trong giai đoạn 2012-2016, số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã giảm 3,9 triệu. Thế nhưng, số người làm việc lại tăng 1,85 triệu. Bởi hai lý do : thứ nhất, số phụ nữ đi làm tăng mạnh, còn cao hơn cả ở Hoa Kỳ, và thứ hai là huy động đàn ông ở độ tuổi nghỉ hưu quay lại làm việc ; một phần ba số đàn ông trong độ tuổi 70-74 đi làm việc.

Do xã hội Nhật Bản chưa hẳn cởi mở trong việc đón nhận lao động nước ngoài, thủ tướng Shinzo Abe chủ trương phát triển tự động hóa và "Xã Hội Siêu Thông Minh" còn gọi là Xã Hội 5.0 (Phiên bản 4.0 là Xã Hội Công Nghiệp).

Do bối cảnh thế giới và quốc gia, Nhật Bản trở thành một phòng thí nghiệm cho mô hình tăng trưởng "mềm". Tuy nhiên, mô hình này cũng có những điểm tồn tại, bảo thủ : để tăng ngân sách, chính phủ Nhật Bản quyết định tăng thuế giá trị gia tăng TVA từ 8 lên 10% vào năm 2019, luật lệ lao động sơ cứng, nhiều định chế chính trị-hành chính rất bảo thủ…

Để trả lời cho câu hỏi : Các nước giàu có nên theo mô hình Nhật Bản hay không, Le Figaro kết luận : Khai thác tối đa lá bài toàn cầu hóa, Nhật Bản là mô hình đối hẳn với tư tưởng dân túy về kinh tế của Donald Trump. Rất tự hào về nền văn hóa của mình, Nhật Bản đã hiểu rằng, cần phải thay đổi tất cả để duy trì được mọi thứ như trước.

Sự hồi sinh của các doanh nghiệp Pháp

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, nước Pháp có thêm một tin vui : Từ sau khủng hoảng tài chính thế giới cách nay đúng 10 năm, trong 34 tháng liên tiếp, số các doanh nghiệp Pháp bị phá sản liên tục giảm. Nhật báo kinh tế Les Echos phấn khởi nói tới "một kỷ lục". Chỉ số này giảm 5,2 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Le Figaro nêu lên một loạt thống kê : trong quý 3/2017, tại Pháp có 11.000 công ty phải đóng cửa, ảnh hưởng đến đời sống của 33.800 nhân viên nhưng đây là con số khả quan nhất từ một chục năm qua. Một số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất như ngành xây dựng, may mặc... bắt đầu "ngoi đầu lên khỏi mặt nước". Nhìn chung cho cả năm 2017, lần đầu tiên từ 2008, có dưới 55.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.

Đây là một tin vui, nhưng theo cơ quan nghiên cứu về hoạt động của các doanh nghiệp Pháp Altares, thành tích của Pháp tuy tốt đẹp nhất kể từ một thập niên qua, nhưng nếu nhìn sang bên kia bờ sông Rhin, số các hãng xưởng phải đóng cửa vẫn còn cao gấp đôi so với Đức. Thêm vào đó, dù có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng giới tiểu thương vẫn thận trọng, chưa dám mạnh dạn đầu tư thêm hay tuyển dụng thêm nhân viên cho tương lai lâu dài.

Thụy Điển : Quốc gia không dùng tiền mặt

Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro nói tới "Thụy Điển, một quốc gia không tiền mặt". Tại đất nước Bắc Âu này, tiền mặt dường như đã biến mất, thay vào đó là thẻ ngân hàng và ứng dụng Swish trên điện thoại đi động.

Tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch thương mại đã giảm từ 40% vào năm 2010 xuống còn 15% vào năm 2016. 2/3 dân số Thụy Điển nói rằng họ có thể sống mà không dùng tiền mặt. Một thanh niên 23 tuổi cho biết đã sáu năm nay anh không có một tờ tiền nào trong túi. Còn tại thủ đô Stockholm, rất khó dùng tiền mặt để mua sắm hay thanh toán bất cứ dịch vụ gì, dù là nhỏ nhất.

Xu hướng này được giải thích bằng lý do là người dân ham thích công nghệ. Thụy Điển là nơi ra đời của những chiếc điện thoại di động đầu tiên (điện thoại của hãng Ericsson), trang web chia sẻ âm nhạc Spotify và trò chơi nổi tiếng Candy Crush. Sở thích công nghệ đã khiến người Thụy Điển dễ dàng chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán phi vật thể.

Một lý do khác rất quan trọng là niềm tin. Giáo sư Niklas Arvidsson, thuộc Viện Hoàng Gia Cộng Nghệ Stockholm khẳng định : "Người Thụy Điển không cần nhìn thấy hay chạm vào đồng tiền để thấy yên tâm. Họ tin vào ngân hàng và chính phủ".

Ông Leif Trogen, thuộc hiệp hội các ngân hàng Thụy Điển cho biết vì mọi thanh toán đều có thể thực hiện qua Internet, nên các ngân hàng không phải chuyển hàng tấn tiền đi khắp nước, điều này tốt cho cả an ninh cũng như môi trường, và đương nhiên là có lợi cho các ngân hàng. Vào năm ngoái, chỉ có 2 vụ cướp ngân hàng. Con số này là 110 vụ vào năm 2008.

Tuy nhiên, vấn đề là phương thức thanh toán phi vật thể lại gây khó khăn cho những người không thông thao công nghệ, những người không có tài khoản ngân hàng hay những người sống ở vùng sâu vùng xa nơi không có Internet, người tàn tật và người cao tuổi.

Luân Đôn và cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

Trong lĩnh vực môi trường, báo Le Monde nhắc tới cuộc chiến chống ô nhiễm không khí ở Luân Đôn, Anh Quốc. Trong bài viết có tiêu đề "Luân Đôn tấn công nạn ô nhiễm không khí", Le Monde cho biết cũng giống như các thành phố lớn khác ở phương Tây, mức độ ô nhiễm do các phần tử siêu nhỏ ở Luân Đôn là rất cao, chủ yếu là do khí thải từ xe hơi.

Theo ước tính, tại thủ đô nước Anh, mỗi năm có 9.400 người chết vì ô nhiễm không khí. Những người sinh ra tại Luân Đôn sẽ mất hai năm tuổi thọ vì cùng lý do. Trước hiện trạng này, thị trưởng Luân Đôn, ông Sadiq Khan, đã coi cuộc đấu tranh chống các loại xe hơi phát thải nhiều khí độc hại là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Biện pháp đầu tiên là từ ngày hôm qua 23/10, các xe hơi gây ô nhiễm nhất phải trả phí cao gấp đôi để được lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố (24 EUR/ngày), và từ năm 2019, phí này sẽ còn tăng mạnh. Chính quyền thành phố khẳng định đây là chuẩn khắt khe nhất trên toàn thế giới. Quyết định của thành phố được các hiệp hội bảo vệ môi trường và đô thị hoan nghênh nhiệt liệt.

Le Monde cho biết từ năm 2008, xe tải muốn đi vào Luân Đôn phải đáp ứng rất nhiều chuẩn và phải đóng phí 100-200 bảng/ngày. Xe bus cũng được cải tiến, các xe bus chạy bằng điện và hydro được đưa vào sử dụng. Tất cả các xe bus chạy ở Luân Đôn đều phải được trang bị một hệ thống xúc tác xử lý khí thải. Kể từ năm 2019, chỉ có dòng xe hybride mới được cho phép đăng ký dịch vụ taxi. Phần lớn các quận của Luân Đôn đều quy định vận tốc tối đa của xe hơi chạy trong thành phố là 32km/h. Các làn đường dành cho xe bus và xe đạp được cải thiện, mở rộng. Trong khu vực trung tâm, không gian dành cho xe hơi đã giảm 30%.

Tuy nhiên, một chuyên gia nhấn mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường sẽ là công việc dài hơi, phải đến năm 2030 Luân Đôn mới đáp ứng được các chuẩn môi trường của Châu Âu.

Khí hậu : Sự tích cực của 12 thành phố lớn nhất trên thế giới

Vẫn liên quan tới môi trường, khí hậu, báo Le Figaro giới thiệu bài viết có tiêu đề :"Khí hậu : 12 thành phố lớn trên thế giới cam kết tích cực hơn nữa". Tụ họp ở thủ đô nước Pháp, theo ý tưởng của thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, đại diện của 12 thành phố lớn như Los Angeles, Milan, Barcelona… đã cam kết mua xe bus sạch vào năm 2025 và thành lập "các khu vực không có khí phát thải" từ nay tới năm 2030.

Công Giáo : Số tín đồ tăng, ngoại trừ Châu Âu

Nhìn sang lĩnh vực tôn giáo, báo La Croix cho biết : "Số người theo Công Giáo tăng khắp nơi, ngoại trừ Châu Âu". Theo số liệu mới nhất của Giáo Hội, số tín đồ trên toàn thế giới đã tăng lên thành gần 1,3 tỉ người. Tuy nhiên, nếu tính theo tỉ lệ thì họ chỉ chiếm 17,72% dân số toàn cầu, giảm 0,05% so với năm ngoái. Tại Châu Âu, không chỉ số tín đồ giảm (-11,3 triệu), mà số cha xứ cũng giảm (-2.502 người). Còn tại Châu Á và Châu Phi, cả số tín đồ và cha xứ đều tăng mạnh.

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề trên trang nhất các báo Pháp hôm nay khá dàn trải. Le Figaro quan tâm tới thời sự nước Đức với hàng tít : "Merkel đối mặt với cú sốc từ phe cực hữu". Báo Libération lại hướng sự chú ý tới nước Cộng Hòa Trung Phi, đất nước kém phát triển nhất hành tinh qua hàng tựa lớn : "Trung Phi : đất nước mà cả thế giới đã lãng quên". Báo Les Echos đề cập tới kinh tế Pháp : "Sự hồi phục của các doanh nghiệp đang được khẳng định".

Cũng nói về nước Pháp, nhưng liên quan đến người nhập cư tại thành phố miền bắc Calais, báo công giáo La Croix nhận định : "Calais muốn sang trang mới". Còn báo Le Monde, ra sạp sớm chiều từ hôm qua vẫn quan tâm đến cuộc khủng hoảng Catalunya qua hàng tựa "Chính quyền Madrid chỉ đạo vùng Catalunya".

RFI tiếng Việt

Published in Quốc tế
lundi, 23 octobre 2017 21:41

Thế giới bất ổn chưa từng có

"Một thế giới bất ổn chưa từng có" là nhận định của chuyên gia Arnaud Danjean, phụ trách tạp chí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. RFI tiếng Việt trích dịch bài phỏng vấn chuyên gia Arnaud Danjean trên tuần báo L'Express tuần qua.

thegioi1

Chuyên gia Arnaud Danjean, phụ trách tạp chí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.© DR

Thế giới giờ đây nguy hiểm hơn trước kia ?

Viễn cảnh về các nguy cơ và mối đe dọa khá u ám. Người ta có thể suy ra là thế giới trở nên nguy hiểm hơn, nhưng khái niệm đó quá mang tính chủ quan. Môi trường quan hệ quốc tế dường như bất ổn và đang xuống cấp. Một sự xuống cấp kéo dài. Các mối đe dọa được nêu trong Sách Trắng 2013 đang diễn biến nhanh hơn và mạnh hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là các mối đe dọa về khủng bố Hồi Giáo. Đúng là các nhóm Hồi Giáo cực đoan hiện đang gặp nhiều thất bại trên các chiến trường ở Trung Đông, nhưng các lực lượng đó thường xuyên được tổ chức lại. Mối đe dọa này sẽ chuyển hướng, giống như đã từng xảy ra trong quá khứ, và khủng bố có khả năng xâm nhập vào các vùng địa lý khác trên thế giới, từ Tây Phi cho tới Đông Nam Á, với những phương thức hành động khác nhau. Phong trào Hồi Giáo cực đoan sẽ còn dai dẳng.

Còn các mối đe dọa khác thì sao ?

Chúng ta không nên hy vọng là trong những tháng tới đây sẽ tìm ra những giải pháp kỳ diệu cho các xung đột hiện đang diễn ra ở mạn sườn Châu Âu, ở vùng Cận Đông và cả ở Châu Phi. Mức độ tập trung nhiều thách thức liên quan trực tiếp tới nước Pháp như vậy là chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Tình hình ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, gây lo ngại. Các biện pháp quân sự trở nên cứng rắn hơn ở khắp nơi. Sức mạnh quân sự của các nước như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia tăng một cách đáng ngạc nhiên. Nhiều nước khác cũng gia tăng trang bị quân sự kỹ lưỡng, làm thế cân bằng chiến lược trước đây bị đảo lộn, kể cả về chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân. Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Hiện tượng tăng cường quân sự liên quan tới tất cả các lĩnh vực : không chỉ lục quân, hải quân, không quân, mà cả không gian vũ trụ và công nghệ số.

Liệu chúng ta có cần phải lo ngại về khả năng xảy một cuộc xung đột lớn ngay tại Châu Âu ?

Cá nhân tôi thì tôi không cho rằng điều này có nhiều khả năng xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xung đột. Biện pháp răn đe và quan điểm đặt lên hàng đầu tương quan lực lượng của một số quốc gia có thể khiến xung đột leo thang. Chúng ta không thể quên những gì đã xảy ra ở Ukraine năm 2014. Thái độ của nước Nga cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về cách bảo đảm an ninh cho Châu Âu. Chúng ta không nên chủ quan, nhưng cũng không nên quá lo sợ. Những phân tích rõ ràng và khách quan cho phép chúng tôi khẳng định lập trường là nước Pháp vừa rất đoàn kết với các nước đồng minh, vừa sẵn sàng đối thoại với Matxcơva.

Ông rút ra được điều gì từ sự rút lui của Mỹ thời Donald Trump ?

Chúng ta không thể phủ nhận là hệ thống quan hệ quốc tế đa phương đã suy yếu từ nhiều thập kỷ nay. Đó là một thực tế. Thực tế này được nuôi dưỡng bởi xu hướng toàn cầu hóa, sự xuất hiện của các yếu tố mới, cũng như thái độ của các cường quốc công khai tranh cãi về nguyên tắc ngoại giao đa phương, đề cao sự lựa chọn đơn phương. Đáng tiếc là nhiều ý tưởng của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đi theo chiều hướng này, chẳng hạn trong hồ sơ khí hậu và hạt nhân Iran. Tất cả những điều đó dẫn tới một sự bấp bênh, nhất là vì nước Pháp rõ ràng là có những lợi ích chung với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bộ máy chính trị của Mỹ không chỉ dựa vào những phát ngôn của tổng thống. Thêm vào đó, một số chính sách vẫn chưa trở thành chính thức.

Nước Pháp có biện pháp gì để đối phó với các thách thức nói trên ?

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng bất ổn và có nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán định, kể cả từ các đồng minh, nước Pháp cần tự chủ mạnh mẽ về chiến lược. Điều đó không có nghĩa là chúng ta khẳng định một cách phi thực tế và ngạo nghễ là có thể một mình giải quyết mọi việc. Tuy nhiên, chúng ta phải bảo đảm có khả năng duy trì các cam kết của nước Pháp, cho dù là một mình hay cùng với liên minh. Có nghĩa là Pháp phải có một mô hình quân đội đầy đủ và cân đối để bảo đảm duy trì sức mạnh. Quân đội của Pháp hiện đang rất vững mạnh, nhưng nguy cơ quá tải đang rình rập. Thách thức trong những năm tới là thiết lập được sự gắn kết chặt chẽ giữa các mong muốn, tham vọng chính đáng, hợp pháp của Pháp với những điều mà quân đội Pháp có thể đảm đương được. Một khi đã ấn định nhiệm vụ cho các lực lượng, nhà chức trách phải bảo đảm quân đội có đủ phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ. Về mặt thể chế, thường thì rất dễ huy động quân đội. Quân đội bao giờ cũng được triển khai nhanh chóng và chuyên nghiệp, nhưng đó chỉ là bước ban đầu. Sau đó, cần bảo đảm cho lực lượng hoạt động được lâu dài và thích nghi với hoàn cảnh.

Ưu tiên chiến lược của Pháp là gì ?

Năm nhiệm vụ chiến lược của quân đội theo chính sách phòng vệ của Pháp là bảo vệ lãnh thổ, phòng ngừa, răn đe, tình báo và can thiệp. Răn đe hạt nhân từ trên không và từ tàu ngầm là yếu tố then chốt. Chúng ta sẽ phải củng cố, tăng cường công tác phòng ngừa khủng hoảng. Hành động quân sự "đơn thương độc mã" sẽ không thể giúp ổn định lại các khu vực mà chúng ta đang can thiệp quân sự, chẳng hạn ở Sahel và Trung Đông. Mọi nỗ lực quân sự phải đi kèm với các hoạt động ngoại giao và phát triển. Thêm vào đó, Pháp vừa là cường quốc hạt nhân, vừa là quốc gia Châu Âu duy nhất là thành viên của cả Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải biến điều này thành đặc thù mang tính chiến lược phục vụ cho các quan hệ đối tác quan trọng và bước tiến mới của Liên Hiệp Châu Âu. Việc mở rộng hợp tác với Đức là cần thiết. Là một dân biểu Châu Âu, tôi hiểu rằng chính sách phòng vệ của Châu Âu chính là "lá bùa bộ mệnh". Tôi tin rằng giờ là thời cơ thuận lợi cả về chính trị và chiến lược để tiến bước. Để làm được điều này, cần có ý chí mạnh mẽ, sự minh mẫn, sáng suốt cao độ và óc thực tế.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Tập Cận Bình "làm cho Trung Quốc thống trị thế giới trở lại"

Le Figaro hôm nay có bài viết mang tựa đề Tập Cận Bình "Make China Greastest Again" (làm cho Trung Quốc vĩ đại nhất trở lại). Tác giả Nicolas Baverez nhận xét, Đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc chắc chắn dành vòng nguyệt quế cho ông Tập Cận Bình. Khi biến mọi lực lượng đối lập thành con số không, tập trung mọi quyền bính vào tay mình, từ quân sự đến dân sự, ông Tập đã trở thành lãnh đạo Trung Quốc chuyên quyền nhất, kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay.

tq1

Tập Cận Bình có thể làm hồi sinh đế chế Trung Hoa cũ ? Reuters/Thomas

Bỏ tù 10% ủy viên trung ương đảng, bành trướng trên Biển Đông

Việc không chỉ định ra người kế thừa sẽ mở ra cho Tập Cận Bình cánh cửa tại vị thêm nhiệm kỳ đến sau năm 2022. Ông Tập đã kết thúc di sản của Đặng Tiểu Bình, kích hoạt hai cuộc cách mạng. Về đối nội, đó là việc quay lại với tôn sùng cá nhân, và sự toàn trị ngày càng ít "soft" (mềm) hơn. Về đối ngoại, đó là sự khẳng định một đại cường bành trướng trên toàn cầu, vào lúc sự lãnh đạo của Mỹ giảm sút dưới áp lực của chủ nghĩa dân túy và thái độ vô trách nhiệm của ông Donald Trump.

Tuy vậy, sự cất cánh ngoạn mục của Trung Quốc trong thập niên 2010 chủ yếu là nhờ Hoa Kỳ xuống dốc, chứ không phải nhờ Trung Quốc hiện đại hóa. Và mục tiêu đưa Trung Quốc lên vị trí đại cường số một vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khó có thể đạt nổi. Cuộc cách mạng mà ông Tập Cận Bình tiến hành trong nhiệm kỳ đầu đã để lại những di chứng nặng nề.

Việc nắm lấy mọi định chế quyền lực đã phải trả bằng một cái giá đắt. Tập Cận Bình lợi dụng chiêu bài chống tham nhũng để thanh trừng những người trung thành với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã làm rúng động toàn bộ Đảng cộng sản Trung Quốc : 750.000 quan chức bị trừng phạt, 35.600 bị truy tố, và gần 10% trong số 205 ủy viên trung ương bị bỏ tù.

Ưu tiên cho tăng trưởng đã khiến việc tái cơ cấu 155.000 công ty quốc doanh phải ngưng lại, tín dụng đen nổi lên chiếm 80% GDP, và tỉ lệ nợ nần từ 150% năm 2007 đã tăng vọt lên đến 260% GDP. Chủ nghĩa mác-xít lại được đề cao, đàn áp những người đấu tranh nhân quyền và giới luật sư, công an giám sát các mạng xã hội (700 triệu dân Trung Quốc trao đổi với nhau qua WeChat) tạo ra tâm trạng bất mãn ngày càng tăng.

Sự bành trướng trên Biển Đông, thông qua việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhỏ ở vị trí chiến lược ; và "Con đường tơ lụa mới" - một dạng chủ nghĩa thực dân mới - đã gây lo ngại cũng như phản ứng tại Châu Á và Châu Phi. Trong khi đó các nước phát triển phải vận dụng các biện pháp tự vệ trước cạnh tranh thương mại bất chính như việc phá giá thép, và việc Bắc Kinh tung tiền ra mua các công ty quan trọng về cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.

Thâu tóm mọi quyền lực, "hoàng đế đỏ" có thể làm hại cải cách

Ngược với người cha là Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông, phó thủ tướng rồi sau đó thành nạn nhân bị thanh trừng, Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực trước khi tiến hành cải cách Trung Quốc. Nhưng ông Tập phải đối mặt với những thách thức lớn lao vào đầu nhiệm kỳ thứ hai. Theo Le Figaro, việc tập trung toàn bộ quyền hành trong tay hoàng đế đỏ và quay lại với chế độ toàn trị, có thể làm phương hại đến tiến trình cải cách đất nước.

Mô hình phát triển lâu nay của Trung Quốc không thể kéo dài, cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Trong khi đó việc chuyển đổi sang tăng trưởng từ dựa vào kỹ nghệ sang tiêu thụ và dịch vụ tỏ ra quá chậm chạp : tiêu thụ từ 35% GDP vào năm 2010, nay chỉ là 40%. Các hoạt động được thúc đẩy trở lại sau cơn khủng hoảng mùa hè 2015 và đầu 2016 là dựa vào sản xuất. Tình trạng sản xuất thừa trong ngành thép và nhôm không giảm bớt, còn sản xuất và tiêu thụ than đá lại tăng.

Tín dụng tăng lên, và nợ nần có thể đến 300% vào năm 2022, nuôi dưỡng quả bóng địa ốc. Tuy nhiên Tập Cận Bình vẫn dè dặt trong cải cách kinh tế : không tái cấu trúc lại những doanh nghiệp quốc doanh trong các lãnh vực chủ chốt, không mở cửa cho thương mại và tài chính ; nhưng lại siết chặt về chính trị.

Tờ báo kết luận, Trung Quốc có công luận của riêng mình. Việc phá vỡ thỏa thuận ngầm thời Đặng Tiểu Bình - lãnh đạo tập thể, chấm dứt các vụ thanh trừng lớn - đã gây ra nghi ngại trong nội bộ đảng cộng sản. Kinh tế và xã hội bị bóp nghẹt gây bất mãn. Trung Quốc đã phải trả giá cho chủ nghĩa bành trướng, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang tại Châu Á, trong khi những khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã thách thức Bắc Kinh đồng thời đưa Hoa Kỳ trở lại Châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc của Tập Cận Bình hiện nay đang dấn tới mà không cần đeo mặt nạ. Giấc mơ Trung Hoa tuy vậy, tràn ngập những nghịch lý và căng thẳng.

Nhật Bản : Thủ tướng Abe vượt qua thách thức bầu cử

Nhìn sang Nhật Bản, các báo Pháp đều đề cập đến chiến thắng của thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Les Echos nhận xét, ông Abe đã thắng được thách thức, trong khi nhiều lãnh đạo phương Tây trong những năm gần đây đã gánh chịu thất bại khi cho giải thể Quốc Hội và tổ chức bầu cử trước hạn, như cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac và thủ tướng Anh Theresa May.

Tuy đối lập đã đột ngột tỉnh thức, nhưng họ đã không thành công trong cuộc bầu cử hôm qua. Tờ báo ghi nhận tỉ lệ vắng mặt đạt mức kỷ lục, một phần do ảnh hưởng của bão. Giáo sư Michael Cucek thuộc Temple University ở Tokyo cho biết, trước câu hỏi thăm dò "Vì sao ủng hộ thủ tướng ?", câu trả lời đầu tiên là "Vì không có ai khác".

Theo Le Figaro, người thua cuộc nặng nề nhất là bà Yuriko Koike. Thống đốc Tokyo đã vội vàng lập ra "Đảng Hy Vọng", nhưng dựa trên những tính toán vị kỷ thay vì niềm tin. Hôm qua bà đã nhìn nhận thất bại từ… Paris, gây thất vọng thay vì hy vọng cho những người đã tham gia đóng góp cho chiến dịch tranh cử của bà.

"Tuy thua mà thắng" là ông Yukio Edano, chủ tịch một đảng cánh tả mới thành lập. Không tiền, không phương tiện, bị loại ra khỏi đảng Dân Tiến (PDP), chỉ trong vòng hai tuần lễ đảng của ông Edano đã trở thành lực lượng đối lập đáng kể, tuy chỉ bằng 1/5 số ghế của phe đa số trong Quốc Hội. Nhờ huy động mạng xã hội, chỉ trong vài ngày Yukio Edano đã nhận được 85 triệu yen (635.000 euro) để vận động tranh cử.

Shinzo Abe, chính khách bất đắc dĩ

Báo Le Monde ra từ cuối tuần, vẽ nên chân dung ông Shinzo Abe. Là người thừa kế một dòng họ danh tiếng, ông là cháu của cựu thủ tướng Nobusuke Kishi (1957-1960), và cựu thủ tướng Eisaku Sato (1964-1972) từng được tặng giải Nobel Hòa bình năm 1974. Shinzo Abe bước vào đời sống chính trị khá muộn màng. Sau khi tốt nghiệp khoa luật trường đại học tư danh giá Seikei, ông sang Mỹ học khoa học chính trị ở đại học Nam Carolina, rồi sau đó làm việc cho tập đoàn luyện kim Kobe Steel.

Từ năm 1982, Shinzo Abe trở thành trợ lý cho cha là ngoại trưởng Shintaro Abe, chính khách có nhiều khả năng trở thành thủ tướng. Nhưng người cha qua đời năm 1991 ở tuổi 67. Anh thanh niên Shinzo Abe đành phải tiếp nối truyền thống gia đình, theo quyết định của người mẹ là bà Yoko Abe. Hiện bà vẫn có ảnh hưởng rất mạnh mẽ, sống chung với hai vợ chồng ông Shinzo Abe. Hai người không có con, nhưng bà vợ Akie từ chối đề nghị nhận con nuôi của ông Shinzo.

Chính sách đối ngoại của ông biểu trưng cho sự nhập nhằng của cánh hữu, vừa dân tộc chủ nghĩa vừa thân Mỹ. Ông Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Hoa Kỳ gặp gỡ ông Donald Trump khi vừa nhậm chức tổng thống. Le Monde dẫn lời những người thân cận ông Abe nhận định, sự thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo là phương tiện duy nhất để gây ảnh hưởng lên chính sách Châu Á của tổng thống Mỹ.

Nhưng theo Le Figaro, trong chuyến công du Nhật Bản đầu tháng 11 tới, Donald Trump như một con voi bước vào cửa hàng bán đồ sứ. Các viên chức ngoại giao cao cấp của Nhật trải qua những đêm trắng để tìm cách "hạn chế thiệt hại". Ông Trump sẽ có thái độ như thế nào trước Nhật hoàng, và trước báo chí ? Dân Nhật sẽ chịu đựng việc Tokyo ủng hộ Donald Trump vô điều kiện, kể cả những tuyên bố nảy lửa về Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, cho đến bao giờ ?

Đối với chủ trương sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của ông Shinzo Abe, tờ báo cho rằng không có gì ngăn trở nước Nhật đòi hỏi trở thành một cường quốc quân sự, mang lại tính chính danh cho quân đội nước mình. Nhưng do được tiến hành bởi một chính khách muốn làm ngơ trước những hành động của quân phiệt Nhật trước đây, nên công luận Nhật tỏ ra lo ngại.

Đày ải người Rohingya : Tội ác chống nhân loại

Còn tại Miến Điện, Le Monde trong bài xã luận mạnh mẽ tố cáo "Việc lưu đày người Rohingya là tội ác chống nhân loại".

Từ 8 tuần qua, làn sóng người Rohingya chạy sang tị nạn tại Bangladesh không ngày nào ngưng lại. Từ ngày 25/8 đến nay, đã có 600.000 người phải lìa bỏ làng mạc, rời mảnh đất của mình, bổ sung vào số người đã phải chạy trốn cách đây 30 năm.

Theo Le Monde, từ ngữ "cuộc di dân" trong trường hợp người Rohingya là thiếu chính xác, vì họ không chỉ chạy trốn bạo lực, mà đây chính là mục tiêu của chiến dịch quân sự Miến Điện. Cụ thể, đây là một "sự lưu đày", với tầm vóc quy mô và tốc độ của nó. Về mặt luật pháp, đó là "tội ác chống nhân loại".

Amnesty International trong báo cáo rất chi tiết công bố hôm 18/10 đã mô tả "một chiến dịch có hệ thống, có kế hoạch và vô nhân đạo". Tổ chức quốc tế này đã nhận diện ít nhất sáu tội ác có thể liệt vào tội chống nhân loại, đó là "giết người, đày ải, tra tấn, hãm hiếp, đàn áp, và các hành động phi nhân khác như bỏ đói". Human Rights Watch cũng có kết luận tương tự, và 80 tổ chức phi chính phủ (NGO) khác hoạt động tại Miến Điện và Bangladesh cũng đồng thuận.

Chính phủ và quân đội Miến Điện còn vi phạm cả các luật lệ thời chiến. Tuy hiếm có một quân đội nào lại không phạm phải tội ác chiến tranh, nhưng sự thiếu vắng các lên án và trừng phạt đối với Miến Điện, thật sự gây sốc. Amnesty International kêu gọi ngưng các hợp tác quân sự cấm vận vũ khí và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm.

Không ai có thể đoán được tương lai của người Rohingya ra sao. Ngược lại, cộng đồng quốc tế, hoặc thông qua Hội đồng Bảo an, hoặc từng nước có thể lên tiếng. Le Monde kết luận, những tội phạm chống nhân loại ở Miến Điện, thậm chí có thể cả giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, cần phải biết rằng tội ác của họ có mang một cái tên, và Tòa án Hình sự Quốc tế một ngày nào đó có thể yêu cầu họ phải trả lời.

Lao động biệt phái, quấy rối tình dục : Tựa chính báo Pháp

Các vấn đề thời sự trong nước chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Về kinh tế, Les Echos cho biết "Các cải cách thuế của tổng thống Macron được đặt trên đường ray", còn Le Figaro chạy tựa "Châu Âu trước thử thách lao động biệt phái".

Về mặt xã hội, Libération dành tựa chính và bốn trang trong cho chủ đề "Sau rừng Calais là niềm hy vọng mới". Cách đây đúng một năm, 7.600 di dân đã được giải tỏa khỏi khu rừng, và nay phân nửa trong số này đã được chấp nhận cho tị nạn, bắt đầu quá trình hòa nhập vào nước Pháp. Le Monde nói về một hồ sơ lớn khác : "Quấy nhiễu tình dục : Phụ nữ đã dám lên tiếng". Cũng như ở Hoa Kỳ, tại Pháp cũng có rất nhiều phụ nữ không còn giữ im lặng mà mạnh dạn tố cáo, kể cả một số người nổi tiếng, và trong nhiều lãnh vực. Tương tự, ảnh bìa của La Croix là một phụ nữ đang giơ tay ngăn cản, với dòng tựa "Quấy nhiễu : Hãy phản ứng trên mọi mặt", từ luật pháp cho đến lãnh vực giáo dục, văn hóa.

Thụy My

Published in Châu Á

Thủ tướng Tây Ban Nha ra lệnh giải thể chính quyền Catalunya (RFI, 21/10/2017)

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm nay 21/10/2017 loan báo giải thể chính quyền vùng Catalunya, theo điều 155 Hiến pháp. Bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức càng sớm càng tốt. Phe đòi độc lập cho vùng Catalunya kêu gọi xuống đường phản đối.

catalane1

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trong cuộc họp báo tại Madrid ngày 21/10/2017. Reuters/Juan Medina

Phát biểu sau cuộc họp khẩn của nội các sáng nay, ông Rajoy nhấn mạnh rằng thái độ của phe ly khai Catalunya đã buộc ông phải vận dụng đến điều khoản vốn chưa bao giờ được áp dụng, của Hiến Pháp năm 1978.

Ông Mariano Rajoy khẳng định "không rút lại quyền tự trị của Catalunya", quy mọi trách nhiệm cho ban lãnh đạo vùng. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có tại Tây Ban Nha kể từ sau âm mưu đảo chính quân sự tháng 2/1981.

Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết sẽ yêu cầu Thượng Viện thông qua việc cách chức chủ tịch vùng Catalunya là ông Carles Puigdemont, cũng như phó chủ tịch và các thành viên khác của chính quyền vùng này. Các đặc quyền của Nghị viện Catalunya sẽ bị siết lại, và quyền lực của chính quyền Catalunya được chuyển sang chính quyền trung ương.

Đến lượt Thượng Viện Tây Ban Nha sẽ quyết định có áp dụng các biện pháp vô tiền khoáng hậu này hay không. Dự kiến Thượng Viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 27/10 tới.

Thủ tướng Rajoy, vốn hy vọng nhận được tối đa ý kiến đồng thuận, tối qua đã có được sự hỗ trợ của quốc vương Felipe VI, cho rằng "Catalunya đang và sẽ là một thành phần cốt yếu" của Tây Ban Nha. Ông Rajoy cũng được sự ủng hộ của đảng xã hội PSOE và đảng cánh trung Ciudadanos. Nhắc nhở rằng đã có trên 1.000 công ty dời hội sở ra khỏi Catalunya, thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh, việc vùng này độc lập sẽ gây tác động tai hại cho nền kinh tế.

Hai tổ chức chủ trương độc lập là Nghị viện Catalunya (ANC) và Omnium kêu gọi xuống đường từ 17 giờ chiều nay (15 giờ GMT) tại Barcelona. Chủ tịch vùng Carles Puigdemont sẽ phát biểu vào lúc 21 giờ.

Cuộc đối đầu giữa Madrid và Catalunya đã kéo dài nhiều tuần lễ qua. Trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 1/10 tại Catalunya, bị cho là vi hiến, có đến 90,18% đồng ý ly khai. Số người tham gia bỏ phiếu gần 2,3 triệu, chiếm 43% số cử tri đăng ký.

Thụy My

******************

Catalunya : Madrid và Barcelona đối đầu trực diện, EU từ chối can thiệp (RFI, 20/10/2017)

Hôm 20/10/2017, một ngày trước khi chính phủ Tây Ban Nha họp khẩn để quyết định về việc rút lại quyền tự trị của Catalunya, cả Madrid và Barcelona đều tỏ ra không khoan nhượng, trong khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói rõ là không muốn đóng vai trò trọng tài.

catalane2

Người dân tập họp tại quảng trường Plaza Catalunya, Barcelona xem thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trên đài truyền hình. Ảnh ngày 1/10/2017. Cesar Manso/AFP

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk trong cuộc họp thượng đỉnh EU hôm qua tại Bruxelles nhìn nhận là tình hình đáng lo ngại, nhưng tỏ rõ sự ủng hộ Madrid. Ông tuyên bố : "Không có chỗ cho việc hòa giải, một sáng kiến nào đó hoặc một sự can thiệp quốc tế. Mỗi chúng ta đều có nỗi xúc động và sự đánh giá riêng, nhưng quan điểm chính thức là EU không can thiệp vào".

Trước đó thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định : "Chúng tôi ủng hộ chủ trương của chính phủ Tây Ban Nha, và hy vọng sẽ tìm được giải pháp trên cơ sở Hiến pháp". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, các lãnh đạo Châu Âu sẽ gởi đi thông điệp đoàn kết xung quanh Tây Ban Nha. Ngay cả thủ tướng Bỉ Charles Michel vốn đã từng chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của Madrid, cũng thanh minh là không hề có "sự cố ngoại giao" với Tây Ban Nha.

Trong khi đó chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdemont vẫn chưa trả lời tối hậu thư của chính quyền Tây Ban Nha, hạn định đến hôm qua phải làm rõ có tuyên bố độc lập hay không. Ông Puigdemont cũng không hề làm theo yêu cầu của Madrid là phải "tái lập trật tự hợp hiến". Trong lá thư gởi cho thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, ông chỉ viết : "Nếu chính quyền nhất định ngăn trở đối thoại và tiếp tục đàn áp, Nghị viện Catalunya có thể bỏ phiếu về việc chính thức tuyên bố độc lập".

Madrid coi lá thư này là một sự đe dọa, cho biết sẽ kích hoạt điều 155 Hiến pháp để ngưng toàn bộ hay một phần quyền tự trị của Catalunya. Ngày mai nội các sẽ họp khẩn để quyết định, sau đó chuyển sang Thượng Viện để được thông qua vào cuối tháng 10.

Theo các nhà quan sát, thủ tục mất nhiều thời gian này sẽ giúp các bên có thể tiến tới thương lượng. Đây cũng là phép thử của chính quyền Madrid, với hy vọng phe ly khai sẽ bị chia rẽ. CUP, liên minh cực tả của ông Puigdemont kêu gọi xuống đường đòi độc lập, còn giới kinh doanh muốn nhượng bộ : trên 900 công ty đã dời trụ sở chính ra khỏi Catalunya, và số lượng du khách sụt giảm.

Thụy My

********************

Catalunya : Tổng thống Nga chỉ trích thái độ "lá mặt lá trái" của Châu Âu (RFI, 20/10/2017)

Cuộc khủng hoảng Catalunya tiếp tục là vấn đề thời sự hàng đầu được thảo luận tại các hội nghị quốc tế. Hôm qua 19/10/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng coi đây là "công việc nội bộ" của Tây Ban Nha, đồng thời, ông cũng chỉ trích chính sách "lá mặt lá trái" của Liên Hiệp Châu Âu trước những ý định giành độc lập của các dân tộc.

catalane3

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại diễn đàn Câu lạc bộ Valdai, Sotchi, ngày 19/10/2017. Reuters

Phát biểu này của người đứng đầu điện Kremlin được đưa ra bên lề một hội nghị được tổ chức tại Sotchi, trong khuôn khổ diễn đàn thường niên của Câu lạc bộ Valdai, nơi quy tụ các học giả Nga và quốc tế nhằm mục đích thảo luận về sự phát triển, cũng như tiếng nói và tầm ảnh hưởng chính trị của siêu cường này trong một thế giới đa cực.

Tổng thống Putin đã nhắc lại thái độ trung lập của chính quyền Moskva đối với vấn đề đòi độc lập của vùng Catalunya. Song, ông chỉ trích mạnh mẽ cách ứng xử thiếu công bằng - "nhất bên trọng nhất bên khinh" - của các nước Châu Âu trước các cuộc đấu tranh đòi độc lập cho các vùng tự trị.

Nguyên thủ Nga nói :

"Trong trường hợp Catalunya, Liên Hiệp Châu Âu và một số nước khác đã lên án không khoan nhượng những người ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, với trường hợp Kosovo, những quốc gia này lại quyết định ủng hộ vô điều kiện cho vùng này được độc lập, nhằm làm vừa lòng người anh cả Hoa Kỳ của họ - và quyết định này đã tạo ra một tiền lệ tại những vùng đất khác ở Châu Âu cũng như trên thế giới.

Ngược lại, khi bán đảo Crimée chọn lựa nền độc lập thông qua trưng cầu dân ý, sau đó là xin sát nhập vào Nga, điều này không làm họ hài lòng … Có lẽ trong mắt của một số đối tác của chúng ta, có những người ủng hộ độc lập và tự do "chính đáng", và có những "kẻ đòi ly khai" không được phép tự vệ, thậm chí là thông qua các cơ chế dân chủ. Chính sách "nhất bên trọng nhất bên khinh" này rất nguy hiểm cho sự phát triển và ổn định của Châu Âu cũng như của các Châu lục khác".

Duy Anh

*****************

Khủng hoảng Tây Ban Nha : Catalunya từ chối hủy tuyên bố độc lập (RFI, 19/10/2017)

Ngày 19/10/2017, lãnh đạo vùng tự trị Cataluny đòi độc lập yêu cầu có 2 tháng để đối thoại với Madrid. Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo họp khẩn, tiếp tục tiến trình đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalunya.

catalane4

Các cổ động viên lợi dụng trận đấu của đội bóng FC Barcelona hôm 18/10 để kêu gọi độc lập cho Catalunya. Reuters/Albert Gea

Khủng hoảng giữa Madrid và Barcelona gia tăng : trên nguyên tắc, 10 giờ sáng nay là hạn chót để chính quyền Catalunya ra thông báo rõ ràng về tuyên bố độc lập. Thế nhưng lãnh đạo cấp vùng, Carles Puigdemont, vẫn không chùn bước và úp mở tuyên bố : Catalunya không tuyên bố độc lập, nhưng có khả năng sẽ làm điều ấy, nếu Madrid "gia tăng áp lực".

Lập tức chính quyền Tây Ban Nha của thủ tướng Mariano Rajoy thông báo : sẽ họp khẩn vào ngày Thứ Bảy tới đây, để thông qua thủ tục "đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalunya". Thủ tục này sau đó sẽ được trình lên Thượng Viện.

Từ 8 ngày qua, Madrid liên tục đe dọa sử dụng điều khoản 155 trong Hiến pháp để rút lại quy chế tự trị của vùng Catalunya. Một khi quyết định được chính thức thông qua, chính quyền trung ương Tây Ban Nha sẽ từng bước thâu tóm lại các quyền tự trị, tiếp thu từng bộ đang thuộc quyền hạn của chính quyền cấp vùng Catalunya.

Theo giới phân tích, giải pháp đối đầu này bất lợi cho cả đôi bên. Phe đòi ly khai đang đẩy Catalunya vào một vùng bất định : kinh tế bị suy yếu, công luận bị chia rẽ giữa hai giải pháp, ra đi hay ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha.

Về phía Madrid, việc rút lại quyền tự trị của Catalunya là một bài toán chính trị đầy rủi ro. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên từ khi chế độ dân chủ được tái lập, Madrid sử dụng điều khoản 155 trong Hiến pháp hiện hành từ năm 1978. Việc này chắc chắn sẽ càng khơi dậy những hiềm khích và nghi kỵ của người dân Catalunya, vốn có từ thời chế độ độc tài Franco. Một số nhà quan sát lo ngại Catalunya và Tây Ban Nha khó tránh khỏi bạo động.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Trung Quốc và sự cám dỗ của mô hình Singapore

Nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tuần báo Courrier International đặt tựa trang bìa : "Trung Quốc : những đứa con của Tập Cận Bình" và dành hồ sơ 10 trang giới thiệu những phân tích trên các báo Châu Á về dấu ấn của "nhân vật số 1 Trung Hoa" trong lĩnh vực xã hội. Đáng chú ý là bài viết với tiêu đề "Sự cám dỗ từ mô hình Singapore", Le Courrier International trích dịch từ báo Lianhe Zaobao của Singapore.

mohinh1

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tại Bắc Kinh, ngày 18/10/2017. Reuters/Aly Song

Những ngày qua, trước thềm diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, người ta không ngừng đặt câu hỏi về tương lai của Trung Quốc. Kể từ Đại Hội Đảng lần thứ 18 hồi tháng 11/2012 tới nay, hai sự kiện trung tâm trong mọi cuộc thảo luận trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng (2021) và 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (2049). Từ nay tới đó, "ưu tiên của mọi ưu tiên" là cải cách hệ thống chính trị. Ngay cả khi chủ đề này như "cái gai trong mắt", Đảng cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ tìm cách né tránh. Từ thời Đặng Tiểu Bình, nhiều hướng cải cách đã được vạch ra, mang lại ít nhiều thành công.

Xét về các thành tựu, cần nói rõ là từ sau vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc có đời sống chính trị ổn định, các nhà lãnh đạo đảng không gây ra việc gì có hại cho chế độ. Không có sự ổn định chính trị nói trên, không thể có những thành tựu kinh tế và xã hội như trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nghiêm trọng và đòi hỏi các giải pháp cấp thiết. Trước Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, tham nhũng, lợi ích nhóm và sự can thiệp của quân đội vào công tác chính trị là các vấn đề lớn.

Trong bối cảnh đó, Đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành thâu tóm quyền lực trung ương, rồi từ đó tung ra chiến lược quy mô lớn chống tham nhũng, đấu tranh chống lợi ích nhóm, một xu hướng vốn đang dần trở nên phổ biến không chỉ trong nội bộ đảng mà còn trong bộ máy hành chính và cả quân đội.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của việc thâu tóm quyền lực trung ương là nhằm tiến hành các cải cách. Vấn đề giờ đây là làm thế nào để hoàn thiện cải cách và đưa Trung Quốc thành một Nhà nước pháp quyền. Theo nghĩa rộng, cuộc cải cách này liên quan tới đảng cầm quyền, chính phủ, quân đội, nền kinh tế, xã hội và cả các mối liên hệ giữa các yếu tố trên. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của Trung Quốc, hơn nữa Bắc Kinh lại không muốn bắt chước một cách mù quáng mô hình của các nước khác.

Theo suy đoán của nhiều người, rất khó xảy ra chuyện Bắc Kinh theo mô hình của Moskva. Bởi vì tại nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, quyền lực tập trung trong tay một cá nhân chứ không phải thuộc về một định chế. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn quyền lực trung ương do một định chế nắm giữ, chứ không do một cá nhân thâu tóm. Đó là điểm khác biệt giữa hai quốc gia.

Một số người khác cho rằng Trung Quốc có thể sẽ học theo mô hình của Đài Loan thời Tưởng Kinh Quốc 1978-1988, nói cách khác, đó là mô hình của phương Tây. Nhưng khả năng thay đổi hệ thống chính trị này cũng khó xảy ra vì nếu nhiều yếu tố cấu thành một chế độ chính trị (dân chủ trong nội bộ đảng, ban lãnh đạo đảng, sự tiến bộ đều đặn của tư tưởng dân chủ trong xã hội…) tiến triển từng bước, rất có thể sẽ đó sẽ là những bước tiến đầu của quá trình dân chủ hóa rộng rãi. Ở Đông Á, người ta thấy là dân chủ hóa, nếu có, thường là theo mô hình kiểu Mỹ. Đó chính là trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, nền kinh tế suy yếu của các nước này đã cho thấy hệ quả của mô hình dân chủ kiểu này tới xã hội.

Khả năng thứ ba là Trung Quốc học theo mô hình chính trị của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, "cha đẻ" của Singapore hiện đại. Đó chính là mô hình tiêu biểu nhất về tập trung quyền lực trung ương vào một định chế. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu đương nhiên là có nhiều quyền lực, nhưng ông đã không lạm dụng quyền lực để trở thành một nhà độc tài. Thủ tướng Singapore giai đoạn 1959-1990 đã biến mọi quyền lực mà ông có thành một thứ quyền lực mang tính định chế, dựa trên sự tôn trọng pháp luật. Và chỉ sau một thế hệ, Singapore từ một nước thuộc "thế giới thứ ba" đã vươn lên thành nước có nền kinh tế và xã hội phát triển, người dân có thu nhập cao.

Hiện nay, mặc dù Singapore cũng đang có những thay đổi về mặt chính trị, nhưng xã hội không phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn mạnh, nhờ tính vững chắc của các định chế, và chắc chắn Singapore sẽ tiếp tục dẫn đầu Châu Á. Còn về Trung Quốc, tác giả viết khẳng định nhiều yếu tố có thể sẽ dẫn dắt Bắc Kinh theo con đường của Singapore để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền thông qua tập trung quyền lực vào các định chế. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẽ có thể vươn lên thành một nền kinh tế trình độ cao và xây dựng hệ thống xã hội phát triển. 

Philippines : Mục tiêu tấn công mới của khủng bố Daesh

Vẫn về Châu Á, tuần báo L’Express quan tâm tới mối đe dọa khủng bố Daesh ở Philippines qua bài viết "Philippines : Đích ngắm mới của Daesh". Thông tín viên báo L’Express, Charles Haquet, cho biết 5 tháng sau vụ tấn công bất ngờ trên đảo Mindanao, mối đe dọa khủng bố vẫn chưa lắng, các trận chiến vẫn tiếp tục, nhiều chiến binh Hồi giáo vẫn còn đang lẩn trốn trên đảo, trong rừng rậm. Bộ trưởng quốc phòng Lorenzana lo ngại phiến quân Hồi giáo sẽ thực hiện các vụ tấn công tự sát.

Theo một quan chức quân đội Philippines, vụ tấn công vào thành phố Marawi hôm 23/05/2017 chỉ là bước đầu, tới đây sẽ còn nhiều làn sóng chiến binh tới từ Malaysia. Biên giới giữa Mindanao và Malaysia lại không được kiểm soát chặt chẽ. Và phần lớn các chiến binh nước ngoài, người Yemen, Saudi Arabia, Indonesia và Tchetchenia… sẽ xâm nhập vào Philippines qua ngả này. Và không có gì ngăn cản họ tấn công vào các đảo khác của Philippines.

Thêm vào đó, lợi dụng tình trạng lộn xộn trên đảo, lực lượng Hồi giáo cực đoan đang tìm cách tuyển mộ tân binh người Philippines, với mục tiêu thiết lập một vương quốc Hồi giáo "califat" ở tỉnh Bangsamoro, tỉnh duy nhất theo đạo Hồi tại quốc gia mà đa phần dân chúng theo đạo Thiên Chúa, biến vùng này thành nơi rút lui trú ẩn cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria. Hồi giáo cực đoan trên đảo Mindanao đang tìm cách thuyết phục các thanh niên gia nhập Daesh, đổi lại họ được nhận số tiền tương đương 1650 euro và được Daesh trả lương 500 euro/tháng. Đói nghèo, thất nghiệp, sự thất vọng và tức giận đối với chính quyền sẽ đẩy hàng ngàn người Hồi giáo, thậm chí là cả người theo đạo Thiên Chúa, vào tay Daesh.

Một câu hỏi được đặt ra : Bằng cách nào các phiến quân có tiền để hoạt động ? Một nguồn tin quân sự Philippines cho biết nguồn tài chính đó tới từ các hoạt động buôn bán ma túy, nhưng một số nước vùng Vịnh cũng cung cấp tài chính cho khủng bố Hồi giáo ở Philippines bằng cách chuyển nhiều khoản tiền qua Western Union.

Những người "đi săn" tổng thống Trump

Tuần báo L’Obs quan tâm đến tổng thống Mỹ Donald Trump với bài viết "Những người "đi săn" tổng thống Trump". Thông tín viên báo L’Obs tại Mỹ, Philippe Boulet-Gercourt, cho biết có một nhóm công dân Mỹ đang mơ ước giải thoát Nhà Trắng khỏi ông Trump, người mà họ gọi là "một kẻ bịp bợm". Đội "thợ săn" này, người thì dành toàn bộ thời gian, người thì tranh thủ những lúc rỗi rãi ngoài thời gian đi làm kiếm sống, để theo dõi hoạt động của ông Trump suốt nhiều tháng nay. Và các tiết lộ của họ có thể khiến tổng thống Mỹ phải lo lắng. 

Những người đi săn Donald Trump, dù là luật sư, chủ nhà hàng, hay nghệ sĩ …, đều coi kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 08/11/2016 là "một cái tát trời giáng", "một cơn ác mộng". Họ đi tìm kiếm các quan hệ để thu thập thông tin và được tư vấn về tài chính, bất động sản, họ tự tiến hành điều tra. Họ "soi" mọi "ngõ ngách" trên các trang web, các tài liệu lưu trữ phủ đầy bụi trong kho của nhiều thành phố, từng công ty của nhà tài phiệt… để biết ông Trump đã "lách luật" thế nào. Có người đã phát hiện được cả mạng lưới những người hợp tác hay có quan hệ qua lại với tỷ phú Donald Trump từ nhiều quốc gia như Nga, Saudi Arabia…, thậm chí phát hiện ra các kỹ thuật rửa tiền của một số sân golf, sòng bạc của ông Trump.

Một số người, một cách kín đáo, cung cấp thông tin cho báo giới hay nhà chức trách để họ tiếp tục điều tra sâu rộng hơn nếu cần. Một số người lại tỏ ra thận trọng hơn, không chia sẻ thông tin rộng rãi, nhất là với FBI vì họ tin rằng FBI đã từng "thông đồng" với nhà tài phiệt trước khi ông Trump bắt đầu sự nghiệp chính trị. 

Khi con người làm Trái Đất rung chuyển

Trong lĩnh vực khoa học, tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết đăng trên tạp chí khoa học Nature : "Khi con người làm Trái Đất rung chuyển". Từ khai thác mỏ tới cho tới khai thác khí ga và dầu lửa, các hoạt động của con người khiến các mảng kiến tạodịch chuyển, gây sức ép lên lớp vỏ trái đất, dẫn tới các vụ động đất tại nhiều nơi trên thế giới, và tại các địa hình khác nhau.

Các nhà địa chất học đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu liên quan đến tất cả các vụ động đất có nguy cơ xảy ra do hoạt động của con người gây ra. Mục tiêu là để hiểu về các nguy cơ trên và phòng ngừa tốt hơn. HiQuake là cơ sở dữ liệu lớn nhất, gồm dữ liệu về 728 trận động đất hoặc dư chấn có thể là do con người gây ra trong vòng 149 năm qua, từ năm 1868 tới nay. Phần lớn có cường độ nhẹ, 3-4 độ trên thang Richter. Tuy nhiên, cũng có những trận động đất mạnh có sức tàn phá rất cao, chẳng hạn trận động đất mạnh 7,8 độ Richter vào tháng 04/2015 ở Nepal. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters hồi năm 2015 cho thấy có mối liên hệ giữa hoạt động bơm nước từ tầng nước ngầm lên với vụ động đất này.

Trong số 728 vụ động đất và dư chấn nói trên, 31% liên quan đến các hoạt động khai thác mỏ, các vụ sạt lở đường hầm nói chung, gần 23% liên quan tới các hoạt động bơm rút nước từ mạch nước ngầm hoặc bơm nước đã qua sử dụng ngược trở lại lòng đất, 15% các trận động đất là hậu quả của các hoạt động khai thác khí ga và dầu lửa. Chỉ khoảng 4% có liên quan tới các vết nứt gãy do thủy điện gây ra. Một số dư chấn khác có nguồn gốc từ việc xây dựng các tòa cao ốc hoặc các vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất.

Trong cơ sở dữ liệu HiQuake, việc các nhà khai thác khí ga và dầu lửa bơm nước ngược trở lại vào lòng đất ngày càng gây nhiều trận động đất. Kỹ thuật này được sử dụng đặc biệt nhiều hồi đầu những năm 2000, nhất là ở Oklahoma và nhiều vùng khác của Hoa Kỳ.

Đường : "thuốc độc" được bán tràn lan

Trong lĩnh vực sức khỏe, tuần báo Le Point chạy tựa trang nhất "Sự thật về đường" và dành 17 trang bên trong để giới thiệu nghiên cứu của các nhà khoa học về đường "giấu mặt" trong các loại thực phẩm bày bán trên thị trường, cũng như các lời khuyên của các chuyên gia để vừa thỏa mãn khẩu vị, vừa hạn chế được tác hại của chế độ ăn quá nhiều đường đối với sức khỏe con người.

Đường được gọi là "vàng trắng", nhưng cũng là "kẻ thù số 1 của cộng đồng", là một loại "bột trắng", "một chất độc gây nghiện" có những "tác hại lâu dài tới sức khỏe người dùng tương tự như rượu, chẳng hạn chứng trầm cảm, bệnh xơ gan…".

Giáo sư vi sinh vật học Didier Raoult, giám đốc Viện nghiên cứu IHU Méditerranée Infection tại Marseille, miền nam nước Pháp, cho biết sức tiêu thụ đường đã bùng nổ từ một thế kỷ rưỡi qua. Đường bắt đầu trở thành một mặt hàng tiêu dùng phổ biến từ giữa thế kỷ XIX. Công nghệ chiết xuất từ củ cải đường đã cho phép tăng sản lượng đường. Theo ước tính, vào năm 1850, người Pháp tiêu thụ 1kg đường/người/năm. Từ 35 năm trở lại đây, con số này là 35kg/người/năm. Phần lớn đường mà chúng ta hấp thụ không phải là do chúng ta cho thêm vào mà là do nhà sản xuất cho vào sản phẩm trong quá trình chế biến. Đường có mặt trong mọi sản phẩm : từ rau củ đóng hộp (đậu, cà rốt, ngô…), cho tới thực phẩm chế biến từ thịt, thức ăn chế biến sẵn, và đương nhiên là đồ uống ngọt.

Việc cho quá nhiều đường vào thực phẩm đã gây ra nhiều hậu quả : con người hấp thụ quá nhiều calorie, hệ vi sinh vật trong cơ thể bị biến đổi. Nhiều công trình nghiên cứu từ thế kỷ XIX về sự tiến hóa của hệ vi sinh vật trên răng của con người từ thời đồ đồng tới nay cho thấy đã có sự thay đổi lớn với sự xuất hiện thêm của nhiều loại vi khuẩn và tỉ lệ sâu răng cũng cao hơn nhiều. Hệ tiêu hóa của con người cũng bị đường làm biến đổi mạnh mẽ, bất kể đó là đường glucose hay đường fructose. Đặc biệt, đường fructose dường như có liên quan đến bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ không phải do rượu. Gan nhiễm mỡ do ăn quá nhiều đường là nguyên nhân gây bệnh xơ gan và ung thư gan nhiều không kém gan nhiễm mỡ do uống nhiều rượu. Mối liên hệ giữa đường và bệnh béo phì cũng đã được chứng minh.

Theo giáo sư Didier Raoult, điều đáng chú ý là hầu như các tập đoàn lớn về chế biến thực phẩm đều tung ra các chiến dịch cung cấp thông tin bảo vệ sức khỏe dựa trên mối lo của người tiêu dùng, chẳng hạn về các sản phẩm biến đổi gien hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ, trong khi đó, loại độc dược được bán tràn lan với số lượng lớn lại là đường được thêm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến.

Phần lớn các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng đều cho rằng đường là kẻ thù lớn thứ hai, chỉ sau thuốc lá. Đường được tiêu thụ quá nhiều đã trở thành một đại dịch, mà cho đến giờ, vẫn chưa có dấu hiệu tạm ngưng.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Vào lúc thời sự Châu Á sôi nổi với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp diễn ra, Nhà Trắng hôm 16/10/2017 thông báo : Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện vòng công du Châu Á vào tháng 11 nhân dịp ghé Việt Nam dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC, và đến Philippines dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á EAS, hai định chế khu vực mà Mỹ là thành viên.

donald1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí nhân đón thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, ngày 31/05/2017. Reuters/Jonathan Ernst TPX IMAGES OF THE DAY

Điều khiến giới quan sát khá ngạc nhiên là trong chương trình của tổng thống Mỹ, có chuyến ghé Hà Nội trong khuôn khổ một chuyến công du Việt Nam vào ngày 11/11, sau khi dự Thượng Đỉnh APEC tại Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là mục tiêu của tổng thống Trump khi chính thức đi thăm Việt Nam là gì.

Ngay từ hôm 17/10/2017, chuyên san The Diplomat tại Nhật Bản đã nêu bật hai vế khác nhau trong chuyến ghé thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ.

Phác họa chiến lược của Mỹ nhằm phản ứng trước sáng kiến con đường tơ lụa của Trung Quốc

Về vế đầu tiên là Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC, The Diplomat đặc biệt ghi nhận quyết định của ông Trump là sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của các Tổng Giám đốc khối APEC. Tham luận này có thể là bài phát biểu đầu tiên về chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mà Mỹ muốn được tự do và mở cửa. Đối với tờ báo Nhật, rất có thể chiến lược đó là phản ứng của Hoa Kỳ đối với sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Về vế công du Việt Nam, nhà phân tích trên tờ Diplomat đặc biệt chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh song phương Donald Trump-Trần Đại Quang tại Hà Nội. Dù chương trình nghị sự cụ thể chưa rõ, nhưng thoe The Diplomat, rất có thể là tổng thống Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington, từng được người tiền nhiệm Obama đẩy mạnh vào năm cuối nhiệm kỳ.

Một cách cụ thể hơn, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales) đã nhắc lại vị trí đặc biệt của Việt Nam hiện nay trong chính sách Châu Á của Mỹ, với việc chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump, trong tư cách tổng thống Mỹ, đón tiếp tại Nhà Trắng.

Việt Nam : Đối tác quan trọng của Mỹ trong nhiều vấn đề khu vực

Trong một bài phân tích ngày 19/10, giáo sư Thayer cho rằng quyết định công du Việt Nam sau Thượng Đỉnh APEC là tín hiệu mạnh của ông Trump, cho thấy rằng ông vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với Việt Nam là củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời công nhận Việt Nam là một tác nhân quan trọng trong các vấn đề khu vực, và là một đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm.

Đối với giáo sư Thayer, nhân chuyến công du Việt Nam, tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến những hồ sơ mà cả hai bên đều có cùng một quan điểm chiến lược từ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cho đến tự do hóa kinh tế dựa trên các chuẩn mực cao của quốc tế và nhất là bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, trong đó có việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không…

Theo dự đoán của giáo sư Thayer, một người rất thạo tin, tại Hà Nội, rất có thể là Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định quyết tâm tăng cường Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện giữa hai nước. Cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ sẽ cho phép hai bên loan báo các hướng hoạt động mới như hợp tác về an ninh biển, không gian và các vấn đề hậu chiến tranh.

Trọng Nghĩa

Published in Việt Nam