Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm 2018 bắt đầu với khá nhiều sự kiện quốc tế sôi động. Tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 27/01/2018 xin điểm lại những động thái đáng chú ý trong tháng Giêng này.

btt1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đọc diễn văn chào mừng năm mới 2018 (Ảnh do KCNA công bố ngày 01/01/2018) Reuters

Bất ngờ lớn nhất có lẽ đến từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ngay vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng tột độ, tưởng chừng chiến tranh sắp diễn ra, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng đã thực hiện một cú tấn công ngoại giao ngoạn mục : Bình Nhưỡng thông báo tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang vào tháng 2/2018.

Tuyên bố này chẳng khác gì với những cơn địa chấn do các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên gây ra. Tuy nhiên, cơ hội vàng có một không hai đã được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhanh chóng nắm lấy và có cử chỉ đáp trả bất chấp những lời lẽ nghi kỵ của đồng minh Hoa Kỳ. Hai bên đã liên tục có các cuộc đàm phán tại Bàn Môn Điếm thảo luận về thể thức tham gia, thành phần phái đoàn vận động viên, cổ động viên …

Kết quả là ngày 20/01/2018 Ủy Ban Thế Vận Hội Olympic Quốc Tế CIO, sau cuộc họp với đại diện hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã đồng ý để hai miền diễn hành chung trong lễ khai mạc và thành lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng chung.

Sự việc diễn ra nhanh chóng khiến thế giới ngỡ ngàng. Theo giới quan sát, Kim Jong-un đã có một bước đi ngoại giao khôn khéo khi sử dụng lá bài "thống nhất" với Hàn Quốc, đồng thời tránh né được sức ép và đe dọa của Hoa Kỳ, như đánh giá của bà Marianne Peron Doise, chuyên gia về Trung Quốc, Nhật Bản và hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quân sự Pháp trên đài RFI.

"Người ta thấy rõ mưu mẹo ngoại giao của Bắc Triều Tiên khi chìa lá bài xích lại gần với Hàn Quốc và nhất là khi nhắc đến từ ‘thống nhất’ thần kỳ. Chắc chắn là chính đất nước đang bị cô lập, do các lệnh trừng phạt lại có thể đưa ra những sáng kiến ngoại giao. Ý đồ quả thật là lớn khi chìa tay ra với Hàn Quốc để làm thất bại các chính sách trừng phạt của Hoa Kỳ và nhằm giảm thiểu các mối đe dọa mà Donald Trump tuyên bố.

Đây là quyết định chiến thuật cho phép Bình Nhưỡng tranh thủ thời gian, và tái lập bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên. Cũng từ điều này, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ đang nắm trong tay các lá bài làm chủ tình thế và như vậy có thể tùy nghi hành động".

Một điều chắc chắn cả thế giới giờ đang muốn biết xem : Bước tiếp theo của Kim Jong-un sau Thế Vận Hội là gì ? Liệu cành ô liu Kim Jong-un mang tặng Moon Jae-in có sẽ tiếp tục tồn tại hay không ? Hạ hồi phân giải.

Việt Nam : Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh "xông đất" tòa án

Một sự kiện khác cũng ít nhiều thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế là Việt Nam tuần đầu năm 2018 đã mở phiên tòa xét xử các lãnh đạo tập đoàn dầu khí Nhà nước Việt Nam PetroVietnam (08/01/2018).

Hai mươi hai bị cáo phải ra hầu tòa với các tội danh "cố ý làm trái" và "tham nhũng" gây lỗ nghiêm trọng cho PetroVietnam. Trong số này có hai nhân vật đáng chú ý là Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Tuy nhiên, quá trình bắt giữ và đưa ra xét xử ông Trịnh Xuân Thanh là được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều nhất. Báo Pháp còn ví vụ việc này như một "tiểu thuyết gián điệp". Bởi vì theo chính quyền Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người có vũ trang bắt cóc tại một công viên ở Berlin hồi tháng 7/2017. Vụ việc đã làm cho mối quan hệ bang giao giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng nghiêm trọng.

Riêng đối với ông Đinh La Thăng, tư pháp Việt Nam làm việc với tốc độ khẩn trương đáng ngạc nhiên, chỉ cần khoảng một tháng hoàn tất toàn bộ việc truy tố và đưa ra tòa. Sau nhiều ngày xét xử, ngày 22/01 vừa qua tòa án Hà Nội đã kết án ông Đinh La Thăng 13 năm tù giam, và ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân.

Mặc dù được xét xử dưới mầu sắc chống tham nhũng, nhưng theo nhận định của giới quan sát quốc tế, tốc độ làm việc khẩn trương của tư pháp Việt Nam, vụ án này không che giấu được hình ảnh "thanh trừng nội bộ" lẫn nhau như nhận xét của bà Pénélope Faulkner, thuộc Ủy Ban Việt Nam vì Nhân Quyền trên làn sóng RFI :

"Ở đây lẽ ra tôi rất muốn nói rằng đó là một nỗ lực chống tham nhũng, nhưng rất tiếc đó lại là một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe của đảng thì đúng hơn. Ban lãnh đạo hiện nay, được bầu lên vào năm 2016, là những người theo đường lối cứng rắn. Họ đang tìm cách loại trừ tất cả các thành viên của ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng".

Một quan điểm cũng được báo Le Monde số ra ngày 25/01 cùng chia sẻ trong bài viết đề tựa "Tại Việt Nam : Chiến dịch chống tham nhũng nhuốm mầu sắc chính trị". Tờ báo viết rằng :

"Vai vế của hai bị cáo chính khiến người ta nghĩ rằng phiên tòa ở Hà Nội mang màu sắc chính trị, dù diễn ra trong khuôn khổ một chiến dịch nhằm chống lại nạn dịch đang hoành hành tại một trong những nước tham nhũng nhất Đông Nam Á.

Ông Đinh La Thăng, ngoài chức vụ ủy viên Bộ chính trị, còn là cựu bộ trưởng giao thông, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ, thủ đô kinh tế của cả nước. Ông Thăng còn là một trong những người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một "người chủ trương tự do" thân phương Tây, nạn nhân của một cuộc "thanh trừng" trong Đại hội Đảng năm 2016" (Trích điểm báo ngày 25/01/2018).

Với những bản án vừa được tuyên, thì không biết nhà tù nào có vinh hạnh được đón hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh "xông đất" Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 này nhỉ ?

btt2

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa ở Hà Nội ngày 08/01/2018. VNA/Doan Tan via  Reuters

Những món quà năm mới không mong đợi của Donald Trump

Có lẽ sẽ không ai có nhiều quà năm mới 2018 bằng tổng thống Mỹ Donald Trump. Mở đầu là món quà không được mong đợi "Lửa và Cuồng nộ : Bên trong Nhà Trắng của Trump", một cuốn sách của nhà báo chính trị nổi tiếng người Mỹ, ông Michael Wolff.

Tác phẩm tập hợp những câu chuyện và giai thoại được thu thập qua hơn 200 cuộc phỏng vấn từ những người thân cận của tổng thống Mỹ, đặc biệt là từ vị cựu cố vấn đặc biệt Steve Bannon. Theo đó, ông Donald Trump không muốn trở thành tổng thống, không màng nghiên cứu đến Hiến Pháp, sợ bị đầu độc rồi phẫu thuật da đầu ; rồi con trai Trump Jr từng bị Steve Bannon cáo buộc là phản bội hay như tham vọng trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên của cô con gái Ivanka Trump...

Những thông tin trên đã thật sự làm cho ông Donald Trump nổi dóa và tìm cách ngăn chận việc phát hành. Như dự đoán trước ý định của chủ nhân Nhà Trắng, nhà xuất bản đã cho ra mắt độc giả sớm hơn 4 ngày dự kiến. Kết quả là sách bán chạy như tôm tươi, không đủ sách để bán. Tổng thống Mỹ không còn cách nào khác là lại đe dọa kiện tác giả, ngậm đắng nuốt cay cho đấy là "cuốn sách viễn tưởng".

btt3

Bìa cuốn sách Fire and Fury : Inside the Trump White House. Ảnh chụp từ màn hình của Amazon.com. RFI / Tiếng Việt

Ngày 20 tháng Giêng này còn đánh dấu một năm ông Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng quà mừng cho ông lại là một cú "shutdown", tức là Hoa Kỳ rơi vào tình trạng bị tê liệt, chính quyền liên bang phải tạm ngưng hoạt động, công chức tạm thất nghiệp, nhiều công sở tạm đóng cửa do thiếu ngân sách. Nguyên nhân là hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không đạt được thỏa thuận ngân sách 2018.

Cũng nhân ngày này phụ nữ Mỹ đã tặng cho tổng thống Mỹ một món quà khác không mấy gì làm ông thích thú. Hàng ngàn người đã ồ ạt xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn phản đối Donald Trump, từ vấn nạn quấy nhiễu tình dục, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, bài người đồng tính, hay như phản đối sự bất tài của tổng thống.

Quả thật, một năm cầm quyền của nhà tỷ phú Mỹ có thể nói cũng không khác gì với tiêu đề quyển sách "Lửa và Cuồng nộ". Hy vọng rằng quà tặng cho năm thứ hai nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ sẽ khá hơn so với năm vừa qua.

Iran : khởi đầu năm mới với bạo động và "tối hậu thư" của Trump

Có cùng nỗi bất hạnh với tổng thống Mỹ Donald Trump là Iran. Các nhà lãnh đạo nước này không mấy vui vẻ khi phải đón năm 2018 với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bắt đầu từ cuối năm 2017 và kéo dài qua tuần đầu 2018. Các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh dẫn đến hệ quả là hàng chục người chết và hàng trăm người bị bắt. Cuộc biểu tình này đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế.

Cuộc sống khó khăn vì cấm vận của quốc tế, cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng do tổng thống Rohani ban hành từ năm 2013 khiến giới trẻ bất mãn. Nhà báo Ahmad Parhizi tại Teheran giải thích với ban tiếng Pháp đài RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình phản đối tại Iran.

"Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt. Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ. Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng. Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết".

btt4

Sinh viên biểu tình tại đại học Tehran của Iran, ngày 30/12/2017. AFP

Nỗi lo dẹp tan các đợt biểu tình vừa tạm lắng thì đến trung tuần tháng Giêng, tổng thống Mỹ Donald Trump lại dội một gáo nước lạnh cho Iran và ba cường quốc Tây Âu đã ký hiệp định hạt nhân Iran, đó là Anh, Pháp, Đức. Tổng thống Mỹ ra "tối hậu thư" ba nước này có 120 ngày để "khắc phục những thiếu sót khủng khiếp" trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết vào tháng 07/2015, dưới thời tổng thống Barack Obama.

Nếu Iran và Châu Âu không đạt được một thỏa thuận như mong muốn của Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump sẽ tái lập các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran. Đòi hỏi này của tổng thống Mỹ đã không được nhiều chuyên gia tán đồng.

Ông Benjamin Hautecouverture, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khẳng định trên đài RFI rằng cơ chế thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran là một cơ chế thanh tra quốc tế sâu sát nhất trên thế giới hiện nay. Do đó, các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) mong muốn là văn bản này được coi như là chuẩn mực trong lĩnh vực thanh tra hạt nhân, làm mẫu cho các hiệp định trong tương lai.

Dẫu sao Iran cũng được an ủi phần nào khi nhận được sự ủng hộ từ ba cường quốc Châu Âu (Anh, Pháp và Đức) nhất là từ Nga và Trung Quốc khẳng định không muốn nghe nhắc đến việc tái đàm phán thỏa hạt nhân. Với báo chí Pháp, lối ứng xử của Hoa Kỳ hiện nay là cách tốt nhất để làm suy yếu phe cải tổ tại Iran và thúc đẩy lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo đòi phục hồi hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử (Le Figaro ngày 16/01/2018).

Minh Anh

Published in Quốc tế

Không chiến cũng chẳng hòa : Chiến lược Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Tuần báo Anh The Economist dành chủ đề cho "Cuộc chiến sắp tới", với nhiều bài viết nói về sự cạnh tranh về công nghệ và địa chính trị đang làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh. Riêng trong bài "Sắc xám : Không chiến cũng chẳng hòa", tờ báo phân tích về chiến lược nhập nhằng để giành chiến thắng, chẳng hạn như thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.

bd1

Không ảnh ngày 11/05/2015 cho thấy Trung Quốc hối hả đào đắp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa. Reuters/Ritchie B. Tongo/Pool/File Photo

Trực diện đối đầu quân đội Mỹ sẽ là tự sát

Một nhân tố chính trong chiến lược của Trung Quốc là "hiểu rõ kẻ thù". Các tướng lãnh tại Học viện Khoa học quân sự ở Bắc Kinh nghiên cứu mọi phương diện về chiến tranh với Hoa Kỳ trong thập niên 80, và kết luận rằng mặc dù Trung Quốc đã khai thác được các công nghệ mới nhằm "tin học hóa" chiến tranh, nhưng vẫn không thể đối đầu trực diện với quân đội Mỹ cho đến giữa thế kỷ 21. Nếu hành động sớm hơn sẽ là tự sát.

Thế nên các tướng Trung Quốc và Nga, rất ấn tượng với các cuộc tấn công chính xác của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, đã tìm cách giành thắng lợi về chính trị và lãnh thổ mà không phải vượt qua ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh công khai. Họ hình dung ra một "vùng xám" trong đó các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Iran có thể tấn công và cưỡng bức mà không bị nguy cơ leo thang hay trừng trị. Ông Mark Geleotti, Viện Quan hệ Quốc tế ở Praha gọi cung cách này là "địa chính trị du kích".

Điểm chính của vùng xám là đủ nhập nhằng để đối thủ không biết phải phản ứng thế nào. Nếu ít quá, có thể thất bại, còn nếu làm quá trớn, thì có nguy cơ phải chịu trách nhiệm về việc leo thang. Theo Hal Brands, Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại ở Philadelphia, chiến thuật vùng xám "thường được che giấu trong các thủ thuật bóp méo thông tin, dối trá, bằng một cách khó thể quy trách nhiệm". Chiến thuật này được tiến hành với một loạt công cụ, từ tấn công tin học cho đến tuyên truyền, nổi dậy, bắt bí về kinh tế, phá hoại, tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm và bành trướng quân sự.

Chiến lược vùng xám : Địa chính trị kiểu du kích

Các ví dụ điển hình nhất cho chiến lược vùng xám là việc Nga can thiệp vào Ukraine, thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, và việc Iran giựt dây lực lượng dân quân để thiết lập vòng cung ảnh hưởng từ Syria đến Lebanon. Cả ba nước này đều e ngại sức mạnh quân sự của phương Tây, nhưng cũng nhận ra những lỗ hổng có thể khai thác.

Chiến lược vùng xám của Nga nhằm làm lung lay lòng tin nơi các định chế phương Tây, cổ vũ các phong trào dân túy qua việc can thiệp vào bầu cử, sử dụng thủ thuật máy tính để gây tranh cãi, tung tin thất thiệt, tạo thành kiến trên mạng xã hội. Nếu các vụ tấn công tin học của Nga đã đóng góp vào thắng lợi của ông Donald Trump, chúng cũng thành công trong các mục tiêu rộng hơn.

Tuy không có bằng chứng về bàn tay của Bắc Kinh trong các vụ tin tặc tấn công theo kiểu Nga, nhưng hàng năm có hàng trăm triệu thông tin gây nhiễu trên mạng xã hội, tấn công vào các giá trị phương Tây, nuôi dưỡng xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Việc Donald Trump đắc cử cũng đã phục vụ cho mục đích của Trung Quốc. Từ bỏ hiệp định TPP, ông Trump đã tự gỡ bỏ thách thức cho chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trong khu vực. Việc chống đối tự do mậu dịch, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris đã giúp Tập Cận Bình đóng vai người bảo vệ trật tự quốc tế.

Còn với Iran, sự thiếu vắng chiến lược lâu dài của Mỹ tại Trung Đông đã tạo ra cơ hội lớn cho Tehran. Iran phối hợp giữa quyền lực mềm về tín ngưỡng và quyền lực cứng quân sự, huấn luyện và trang bị cho dân quân Shia để biến Iraq và Syria thành một thứ thuộc địa.

Thành công của chiến lược vùng xám tùy thuộc vào sự kiên nhẫn và khả năng trộn lẫn tất cả các công cụ của Nhà nước, mà các xã hội dân chủ, đa phương không thể làm được. Chẳng hạn như ở Ukraine, Nga sử dụng nhiều kỹ thuật tuyên truyền tinh vi để khuấy động những bất bình tại chỗ và hợp pháp hóa hành động quân sự, tấn công tin học vào mạng lưới điện, cắt nguồn khí đốt cung cấp, đưa những đoàn quân không phiên hiệu vào Crimea, yểm trợ vũ khí và nhân lực cho phe ly khai, hăm dọa leo thang kể cả việc sử dụng hạn chế vũ khí nguyên tử.

Tất cả nhằm ngăn cản mọi toan tính trả đũa của phương Tây. Mỗi lần vấn đề bán vũ khí phòng vệ cho Ukraine được nêu ra ở Washington, ông Putin lại đe dọa đẩy mạnh một cuộc chiến mà ông ta bảo là không tham gia. Mục tiêu của Nga không phải là "thắng" cuộc chiến với Ukraine, mà làm đảo ngược xu hướng rời khỏi quỹ đạo Nga, răn đe các nước khác như Belarus, khích động dân tộc chủ nghĩa và tâm lý chống phương Tây.

Trung Quốc và "vùng xám đen" trên Biển Đông

Chiến lược vùng xám của Trung Quốc nhằm xác lập quyền kiểm soát Biển Đông và quyền tài phán đối với các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông thì diễn ra từ rất lâu, và màu xám càng đậm hơn theo với thời gian, khi sự tự tin và sức mạnh của Bắc Kinh tăng lên. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trưng ra bản đồ đường 9 đoạn tại Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi "chủ quyền không thể tranh cãi" trên 90% diện tích Biển Đông.

Chuyên gia James Holmes của Naval War College, Hoa Kỳ mô tả đây là "ngoại giao cây gậy nhỏ" (trái ngược với chiến lược "cây gậy lớn" thông qua lực lượng Hải quân quy ước). Trung Quốc huy động lực lượng tuần duyên và dân quân đông đảo, trang bị tận răng, trà trộn vào đội tàu đánh cá để đẩy các quốc gia ven biển ra khỏi vùng biển thuộc quyền lịch sử của họ.

Các nước láng giềng đành cắn răng chấp nhận sự áp bức của Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc vẫn tránh được việc đối đầu trực diện với các chiến hạm Mỹ, vì không muốn xảy ra sự cố. Năm 2013, khi Trung Quốc dấn thêm một bước qua việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa, Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Nhưng năm 2017, các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế công bố đã cho thấy những kho chứa các giàn hỏa tiễn, thiết bị radar quân sự đã được thiết lập trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi ở Trường Sa, và sắp tới sẽ đến lượt các chiến đấu cơ.

Ngược với chiến tranh truyền thống, chiến lược vùng xám không tạo ra kết quả mang tính quyết định trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên cả Nga và Trung Quốc đều đã chứng tỏ rằng một cuộc chiến tranh hỗn hợp, nếu không bị đẩy đi quá xa, có thể đạt đến các kết quả lâu dài mà chẳng tốn kém gì cả.

Chuyên gia Brands cho rằng không có lý do gì mà Hoa Kỳ và các đồng minh lại không sử dụng chiến lược tương tự. Mỹ sở hữu các công cụ kinh tế và tài chính quan trọng, cùng với vũ khí tin học, các lực lượng đặc nhiệm tài giỏi, mạng lưới liên minh và quyền lực mềm vô địch. Tuy nhiên những lợi thế này dễ dàng bị lãng phí. Không có sự cam kết của Mỹ đối với trật tự thế giới và quyền lực cứng để tự vệ trước những thách thức, nguy hiểm sẽ tăng lên, và tương lai chiến tranh sẽ cận kề hơn là chúng ta nghĩ.

Aung San Suu Kyi : Bệnh "ngạo mạn quyền lực" ?

Liên quan đến Châu Á, Le Monde Magazine cho biết "Một nhà cựu ngoại giao Mỹ tố cáo thái độ của bà Aung San Suu Kyi về người Rohingya". Đối với ông Bill Richardson, bạn lâu năm của lãnh tụ Miến Điện, bà đã mất đi mọi "năng lực lãnh đạo về mặt đạo đức".

Bill Richardson, nguyên thống đốc tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ vừa từ chức khỏi "Ủy ban tư vấn" do giải Nobel hòa bình 1991 thành lập, nhằm tham vấn về tình hình bang Arakan, nơi người Rohingya sinh sống. Ông cho biết không thể tiếp tục ở lại trong một định chế mà theo ông chỉ là "bộ máy tuyên truyền" cho các hành động của Nhà nước và quân đội Miến Điện, làm ngơ trước vấn đề nhân quyền.

Lời cáo buộc này càng có sức nặng khi biết rằng ông Richardson là bạn lâu năm của "Lady", từ khi ông là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống Clinton. Hôm thứ Năm 25/1 khi trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Bill Richardson nhận định Aung San Suu Kyi đã mắc chứng bệnh "ngạo mạn của quyền lực", và tự cô lập trong tháp ngà, xung quanh toàn "những kẻ nịnh hót, không cho bà biết thực tế tình hình".

Cựu đại sứ Mỹ tả lại cuộc tranh cãi dữ dội với bà Suu Kyi vào đầu tuần, trong bữa tiệc tối gồm mười nhân vật Miến Điện và ngoại quốc trong Ủy ban tư vấn. Sau khi ông Richardson "cả gan" nêu ra trường hợp hai nhà báo Miến Điện làm việc cho Reuters bị bắt vì "tiết lộ bí mật Nhà nước", một tội danh có khung hình phạt đến 14 năm tù, Aung San Suu Kyi đã tức điên người, lên án ông bạn là can thiệp vào chuyện nội bộ. Ông Richardson kể lại, lãnh đạo Miến Điện giận run người khiến ông có cảm giác nếu ngồi gần hơn, bà có thể hành hung ông.

Theo Le Monde, đây là lần đầu tiên kể từ đầu cuộc khủng hoảng Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã để lộ tình cảm thật. Trước đây nhiều nhà quan sát cho rằng bà buộc lòng phải hợp tác với quân đội, nhưng nay, ngay cả trong vòng thân mật, "Lady" đã bước thêm một bước về phía thỏa hiệp với những kẻ từng giam giữ bà.

Nga-Ukraine : Đôi ngả đôi nơi

Tại Châu Âu, "Chúng ta đã mất hẳn Ukraine", đó là lời than thở của nhật báo Nga Kommersant, được Le Courrier International dịch lại. Theo tờ báo, hố sâu ngăn cách về ý thức hệ giữa hai quốc gia đã lớn đến mức không thể đảo ngược.

Rada (Quốc hội Ukraine) đã chính thức tuyên bố Nga là "quốc gia xâm lược", thông qua một luật cấm sử dụng tiếng Nga trong trường tiểu học và sắp tới là quy định mới về nhập cảnh đối với công dân Nga. Chưa đi đến mức thiết lập một chế độ visa, nhưng các quy định này sẽ gây nhiều rắc rối cho người Nga. Chính quyền Ukraine đang dần dà chia cắt người dân nước này với Moskva, với ngôn ngữ Nga và "thế giới Nga".

Liên lạc với Moskva bị giảm xuống ở mức tối thiểu, và trong năm 2018, Rada có thể lại thảo luận về việc chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nga, ngưng tuyến đường sắt nối liền hai nước. Tuy nhiên theo Kommersant, nếu tỏ ra cực đoan, Ukraine có thể mất luôn cơ hội lấy lại Donbass một cách hòa bình. Đầu tàu Ukraine đã tăng tốc từ năm 2014 sau khi mất Crimea và Donbass, lao thẳng về hướng ngày càng rời xa nước Nga, không hẹn ngày trở lại.

Chủ tịch Cuba thời kỳ hậu Castro

Nhìn sang Châu Mỹ la tinh, Le Courrier International dịch bài viết của tờ Laszorillas xuất bản tại Bogota nói về "Cuba, chủ tịch hậu Castro". Ở tuổi 86, Raul Castro sẽ rời chức vụ vào ngày 19/4 tới, và dường như ngôi vị sẽ được nhường cho phó chủ tịch hiện nay là Miguel Diaz-Canel. Nhân vật suốt 30 năm qua đứng trong bóng tối phía sau gia đình Castro là ai ?

Lần đầu tiên kể từ hơn nửa thế kỷ qua, tân chủ tịch Cuba sẽ không là một người nhà Castro, mà là một kỹ sư điện tử 57 tuổi tóc muối tiêu, ngoại hình hơi giống Richard Gere. Suốt 30 năm qua, Miguel Diaz-Canel đã leo dần lên từng bậc thang, luôn là một nhân vật kín tiếng. Ông bắt đầu làm chính trị ở tuổi 27, sau khi lấy bằng kỹ sư và có được cấp bậc trung tá ở một đơn vị phòng không, trở thành nhân vật số hai của Đoàn thanh niên cộng sản. Lần lượt giữ chức bí thư tỉnh ủy Villa Clara rồi Holguin, trở thành ủy viên Bộ Chính trị năm 2003 rồi lên phó thủ tướng, Diaz-Canel tỏ ra có "lập trường rất kiên định" - theo Raul Castro.

Phong trào cải cách ở Cuba hiện đã chựng lại, nhất là trước thái độ của chính quyền Mỹ hiện nay. Hơn nữa Raul Castro vẫn là tổng bí thư cho đến năm 2021, nên không thể chờ đợi có những thay đổi tại đảo quốc trong thời gian tới.

Vì sao ngoại ô Paris sản sinh ra nhiều ngôi sao bóng đá quốc tế ?

L’Obsdành chủ đề tuần này cho câu hỏi thuộc loại cấm kỵ trong xã hội Pháp xưa nay : "Lương của bạn bao nhiêu ?". L’Express nói về "Macron, Thượng đế và chính trị". Le Point quan tâm đến "Dữ liệu cá nhân và cuộc sống riêng tư : Làm thế nào tái lập kiểm soát", còn tuần báo Le Courrier International có chuyên đề về phong trào chống quấy rối tình dục "MeToo, những gì phải thay đổi".

Trên lãnh vực thể thao, Le Courrier International trích dịch bài viết "Bóng đá, vàng ròng trên đôi chân người Paris" của ESPN Magazine xuất bản tại New York. Pogba, Kanté, Mbappé… vì sao có rất nhiều cầu thủ giỏi xuất thân từ vùng ngoại ô Paris ? Tờ báo thể thao Mỹ đã sang tận nơi để tìm ra câu trả lời.

Paris và vùng phụ cận (Île-de-France) sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá bằng cả Châu Á, Châu Phi và Bắc Mỹ cộng lại. Vì sao ? Cầu thủ nối tiếng Paul Pogba khi trả lời phỏng vấn của ESPN Magazine đã cho biết : "Bởi vì ở đây chỉ có bóng đá mà thôi… Mọi người đều chơi bóng, khỏi phải vô công rỗi nghề". Ngay trong kỷ nguyên smartphone, trẻ em ngoại ô cũng chuyên cần luyện tập, ít quan tâm đến những kỳ nghỉ hoặc khóa học violon… Cũng cùng những lý do này mà những thành phố Mỹ đã sinh ra những ngôi sao bóng rổ.

Tác giả bài báo mô tả những buổi sáng thứ Bảy, Chủ nhật tại các sân vận động vùng ngoại ô Paris, bao quanh là những tòa nhà xám xịt. Phụ huynh uống cà phê chờ đợi con em, là những thanh thiếu niên đủ màu da, đá banh. Những băng-rôn "Fair play" bao quanh sân bóng, mọi người siết tay nhau sau trận đấu. Bóng đá ngày càng có vị trí quan trọng tại ngoại ô, nơi cư dân đa số là người nhập cư.

Ban đầu, những tài năng ngoại ô ít được phát hiện. Đến năm 1998, đội tuyển Pháp đoạt giải vô địch bóng đá thế giới có được ba cầu thủ lớn lên từ ngoại ô Paris : Thierry Henry, Patrick Vieira và Lilian Thuram. Ngày nay Île-de-France cung cấp đến một phần ba số cầu thủ trong đội tuyển quốc gia.

Các tài năng được phát hiện và hỗ trợ bởi những định chế công rất hiệu quả, những em giỏi nhất nhanh chóng lọt vào quỹ đạo bóng đá chuyên nghiệp. Các câu lạc bộ này có mạng lưới tìm kiếm nhân tài trên toàn vùng. Chẳng hạn Pogba được trung tâm đào tạo Havre tuyển vào từ năm 13 tuổi, và đầu quân cho Manchester United lúc mới 15 tuổi. Và nay câu lạc bộ PSG không bỏ qua bất cứ một mầm non nào.

Thụy My

Published in Châu Á

Nhàm chán như bầu cử tổng thống Nga 2018

Sự kiện chính của nhật báo Libération hôm 26/01 là kỳ bầu cử tổng thống Nga ngày 18/03 tới đây. Tờ báo dành tới 5 trang bài để cho thấy khung cảnh chính trị Nga bị Kremlin khóa chặt, chỉ có vài ứng viên đối lập "được phép". Ông Vladimir Putin thì không cần đến chương trình hành động thực sự nào cho tranh cử mà vẫn cứ thẳng tiến đến đích tái đắc cử nhiệm kỳ mới, dù cử tri không hứng khởi gì với cuộc bầu cử.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin vận động tranh cử ở Moskva ngày 10/01/2018. Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS

Bài phân tích của Libération trước tiên nhận xét : "Ông Vladimir Putin lên làm tổng thống từ năm 2000. Đứng về "tuổi thọ cầm quyền" ở Nga hay cả ở Liên Xô cũ, ông Putin được xếp trên cả ông Leonid Brejnev (nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô) và chỉ xếp sau có Staline, lãnh đạo Liên bang Xô Viết trong 30 năm". Cuộc bầu cử sắp tới diễn ra vào ngày 18/03, đúng dịp kỷ niệm ngày sáp nhập Crimea (2014). Việc ông Putin đắc cử là điều chắc chắn.

Cũng như các kỳ bầu cử tổng thống Nga trước, việc tham gia của các ứng viên khác chỉ mang tính hình thức "mô phỏng dân chủ". Người duy nhất có thể quấy phá ngày hội của chủ nhân điện Kremlin là Alexei Navalny thì đã bị loại khỏi cuộc đua một cách không thương tiếc. Hôm Chủ nhật vừa qua, nhà đối lập này đã kêu gọi cử tri biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử ngày 18/3. Tuy nhiên, theo Libération, "đó chỉ là cách để Navalny tiếp tục chứng tỏ sự tồn tại về mặt chính trị và nhất là về mặt truyền thông".

Còn lại những ứng cử viên khác gọi là đại diện cho đối lập "trong hệ thống", tức phe ngoan ngoãn, bị kiểm soát để đổi lại quyền được ngồi trong Quốc Hội. Đó là trường hợp của đảng cộng sản hay đảng Tự Do-Dân Chủ Nga. Chiến dịch tranh cử của họ chỉ như là một show diễn.

Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp, thách thức lớn nhất của cuộc tuyển cử sắp tới là tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu, đang có nguy cơ xuống mức thấp chưa từng có. Có điều là sự vắng mặt sẽ không chỉ ở những người thờ ơ với thời cuộc chính trị Nga mà còn cả ở những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm, những người vẫn tin chắc ông Putin sẽ tái đắc cử. Ngoài ra, một lực lượng cử tri tiềm tàng của Putin cũng có thể sẽ vắng mặt không đi bầu vì vỡ mộng.

Về bối cảnh chính trị xã hội Nga, Libération nhận thấy, những năm qua, đa phần người Nga cảm nhận được khó khăn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Sau những năm 2000 sung túc dư thừa do dầu mỏ bán được giá, kinh tế Nga giờ đang kiệt sức, đặc biệt do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau vụ Moskva sáp nhập Crimée và cuộc nội chiến dai dẳng ở miền Đông Ukraine. Cuộc đối đầu với phương Tây dường như sẽ còn kéo dài dài.

Trong hoàn cảnh như vậy, theo Libération, bộ phận cử tri thất vọng vẫn không đoái hoài hay quay sang bầu cho các ứng cử viên khác. "Đó chính là một trong những thành công không thể chối cãi của chế độ trong việc duy trì sự ổn định đến bất biến".

Trong bối cảnh kỳ bầu cử lần này, ngay cả ông Putin phần nào cũng mất hứng, khó mà đưa ra hứa hẹn tranh cử. Bài phân tích của Libération trích dẫn nhà nghiên cứu chính trị Tatiana Stanovaya nhận định : "Chính quyền bị mắc kẹt trong hiện tại. Ông Putin không có chương trình cho tương lai, mọi nỗ lực của chế độ hiện nay đều quay về hướng nâng niu hiện tại và khôi phục lại giá trị quá khứ".

Brazil : Lula gần nhà tù hơn dinh tổng thống

Cũng là chuyện tranh cử tổng thống, các báo Pháp hôm nay chú ý đến đất nước Nam Mỹ, Brazil với sự kiện cựu tổng thống Lula không được gia ứng cử vì bị tư pháp kết án.

Libération chạy tựa : "tại Brazil, Lula bị kết án nhưng vẫn là ứng cử viên biểu tượng". Tòa án nước này vừa kết án nặng nề cựu tổng thống Lula 12 năm tù. Mặc dù vậy, được sự ủng hộ của đảng, ông Lula, 72 tuổi vẫn còn quyền kháng án. Ngay sau khi bị tòa kết án hôm thứ Tư vừa qua vì tội "tham nhũng thụ động và rửa tiền", ông Lula cho biết vẫn ra ứng cử tổng thống.

Libération nhắc lại : "Trong 40 năm hành trình phi thường, từ một chàng trai nghèo, cựu lãnh đạo công đoàn, ông Lula đã trở thành vị tổng thống trong suốt 2 nhiệm kỳ từ 2003 đến 2010 có sức thu phục dân chúng ở một trong nhưng nền dân chủ rộng lớn nhất hành tinh. Chưa bao giờ ông bị thất thế như lần này. Giờ đây ông Lula đang ở gần nhà tù hơn dinh tổng thống Planalto". Tuy nhiên theo các cuộc thăm dò dư luận ông Lula vẫn có thể giành được 34 đến 37% phiếu ở vòng đầu. Một tỷ lệ không hề nhỏ.

Pháp-Nhật : Đối thoại Quốc Phòng- Ngoại Giao 2018

Liên quan Châu Á, nhật báo Le Figaro quan tâm đến cuộc đối thoại Quốc Phòng-Ngoại Giao của Pháp với Nhật Bản diễn ra trong hôm nay (26/01) và ngày mai tại Tokyo.

Cuộc gặp thường niên vẫn được gọi là đối thoại "2+2" giữa hai nước được bắt đầu mở ra từ năm 2014. Le Figaro ghi nhận chủ đề chính của cuộc đối thoại năm nay giữa Paris và Tokyo là để đồng lòng đối phó với mối đe dọa của chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Mối quan ngại hàng đầu về an ninh này của Nhật Bản sẽ có được sự chia sẻ của Pháp.

Ngoài ra, theo Le Figaro, một chủ đề khác cũng được hai bên chia sẻ đó là nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải. Đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ làm cản trở con đường hàng hải sống còn đối với Nhật Bản cũng được Pháp quan tâm cao độ. Tokyo nhấn mạnh "Pháp là một cường quốc Thái Bình Dương" đồng thời nhắc đến việc bảo vệ lợi ích chung vì bản thân Pháp cũng có phần lãnh thổ trên vùng biển này. Trong lĩnh vực Quốc Phòng, hai nước sẽ mở rộng mạnh hơn nữa các hợp tác quân sự và công nghiệp quốc phòng.

Donald Trump lại một mình đối mặt với thế giới

Donald Trump, vị tổng thống Mỹ hầu như không mấy khi vắng bóng trên các trang báo Pháp suốt thời gian dài vừa qua. Ông Doland Trump lại càng được chú ý nhiều hơn khi hôm nay, ông đang có mặt tại Thụy Sĩ dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới Davos và chiều nay ông sẽ có bài phát biểu trước diễn đàn.

Trang kinh tế của báo La Croix chạy tựa : Tại Davos, Donald Trump đối mặt với phần còn lại của thế giới. Quả thực, tổng thống Mỹ là nhân vật thu hút sự chú ý chủ yếu của Diễn đàn Davos lần thứ 48 này với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên". Đây là điều đi ngược lại hoàn toàn với việc tạo dựng một thế giới rộng mở, hợp tác đang được các nhà tổ chức và những người tham dự diễn đàn bảo vệ. Giới quan sát dự báo, bài diễn văn của ông Trump hôm nay hứa hẹn sẽ lại gây bão dư luận bởi ông vẫn luôn là một người khó lường.

Chung Hyeon : Ngôi sao Châu Á mới trong làng quần vợt Thế giới

Ở những chặng cuối cùng của giải quần vợt Úc Mở rộng (Australia Open) đang diễn ra sôi động tại Melburn, làng banh nỉ thế giới vừa phát hiện ra một ngôi sao mới nổi đến từ đất nước Hàn Quốc. Theo Le Figaro, Chung Hyeon, tay vợt trẻ Châu Á đã làm rúng động làng quần vợt đỉnh cao tại Melburn, khi anh lần đầu tiên vào được bán kết hôm nay đối mặt với huyền thoại Roger Federer. Trước giải đấu Úc Mở rộng năm nay, tên Chung Hyeon, 21 tuổi xếp hạng 58 thế giới vẫn còn rất xa lạ với các giải đấu Grand Chelem. Ở giải đấu này tay vợt Chung Hyeon đã có một hành trình thi đấu thăng hoa, gây bất ngờ lớn cho người hâm mộ và giới chuyên môn.

Tay vợt kỳ cựu hàng đầu thế giới của Mỹ, John McEnroe đã thốt lên rằng "Xin chào mừng đến với thế giới tennis". Tờ Telegraph tại Úc thì chạy tựa : "Mội ngôi sao ra đời". Tay vợt Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng của giải Úc Mở rộng 2018.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

SARS, Ebola, Zika…, những dịch bệnh nghiêm trọng vẫn tiếp tục gia tăng, một trăm năm đã trôi qua sau trận đại dịch cúm "Tây Ban Nha" làm hơn 50 triệu người chết. Trong thế giới cực kỳ kết nối, nguy cơ đối mặt một cơn đại dịch mới dường như là không thể tránh khỏi. Đây là lời cảnh báo của giới chuyên gia tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ.

dich1

Virus thuộc chủng H1N1, nguồn gốc đại dịch cúm Tây Ban Nha - Ảnh : Wikipedia

Câu hỏi "Liệu chúng ta đã sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh sắp tới hay chưa ?" đã được các chuyên gia, các bên tham gia diễn đàn bàn thảo một cách nghiêm túc. Theo bà Sylvie Briand, chuyên gia về rủi ro lây nhiễm thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới OMS, người ta biết rằng dịch bệnh sẽ đến, nhưng lại "không có một khả năng nào để ngăn chặn cả".

Năm nay cũng khá đặc biệt quan trọng, bởi vì năm 2018 đánh dấu 100 năm trận dịch cúm mang tên "Tây Ban Nha", cơn đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại cho đến giờ. Chỉ trong vòng có hai năm 1918-1919, dịch cúm này do những người lính Mỹ đến chiến đấu tại Châu Âu du nhập vào, đã nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới.

Theo ước tính có khoảng từ 40-50 triệu người chết vì dịch bệnh, cao hơn số người chết trong Đệ Nhất Thế Chiến và trong trận "đại dịch hạch đen" thế kỷ XVI. Vào thời kỳ đó, Ấn Độ mất đi 5% dân số. Đây là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Ấn Độ có dân số giảm, theo như lời thuật của ông Richard Hatchett, giám đốc Liên minh Đối phó Dịch bệnh.

Một thế kỷ đã trôi qua, nhưng kịch bản về một loại virus lạ lẫm nào đó vẫn ám ảnh giới chuyên gia. Bà Sylvie Briand giải thích : "Cúm, chính là một loại virus hô hấp lây lan rất dễ dàng và người ta có bị lây nhiễm trước khi có các biểu hiện bệnh. Do vậy, không dễ gì kiểm soát".

Quả thật, những trận dịch gần đây cho thấy con người dễ bị tấn công đến dường nào. Dịch bệnh SARS (triệu chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) năm 2003 đã làm hơn 700 người chết. Dịch Ebola tại các nước Châu Phi năm 2014-2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người. Hay như dịch virus Zika tại Nam Mỹ vẫn còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ tương lai vì những biến dạng bào thai.

Thế nhưng, tìm đáp án cho câu hỏi phía trên cũng không dễ chút nào. Mỗi một trận dịch không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về nhân mạng mà còn cả vấn đề tài chính. Nhưng chi phí để dự phòng tốn kém cũng không ít. Người ta ước tính "chi phí tổng cộng để dự phòng một trận dịch là khoảng 3,4 tỷ đô la/năm".

Bởi vì, theo giải thích của ông Peter Piot, hiệu trưởng trường London School of Hygiene and Tropical Medecine, để có thể chế tạo ra một loại vắc-xin, phải mất ít nhất từ 4-6 tháng và cần phải chi ra từ 100-200 triệu đô la cho nhiều xét nghiệm. Nhiêu đó thôi cũng đủ làm nản lòng nhiều hãng chế biến dược phẩm.

Nguồn : RFI tiếng Việt, 25/01/2018

Published in Văn hóa
jeudi, 25 janvier 2018 17:14

Điểm báo Pháp - Xử Đinh La Thăng

Xử Đinh La Thăng : Chống tham nhũng ở Việt Nam nhuốm màu chính trị

Liên quan đến Việt Nam, Le Monde số đề ngày hôm nay, 25/01/2018, có bài viết mang tựa đề "Chiến dịch chống tham nhũng nhuốm màu sắc chính trị", với việc hai quan chức cao cấp bị lãnh những bản án tù nặng nề.

dlt1

Ông Đinh La Thăng lúc còn là bộ trưởng Giao Thông Vận Tải. (Ảnh chụp trong một buổi lễ tại Hà Nội, ngày 02/07/2015) Reuters

Chiến dịch chống tham nhũng dữ dội được giới lãnh đạo Việt Nam tung ra từ nhiều tháng qua, vừa làm rơi rụng thêm hai nhân vật, và không hề là loại tép riu. Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam, hôm thứ Hai 22/1 đã bị tuyên án 13 năm tù giam. Còn ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo một công ty con của PetroVietnam, được cho là đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc tại Đức năm 2017, bị lãnh án chung thân.

Trịnh Xuân Thanh đào thoát sang Đức năm 2016 để trốn tránh tư pháp, sau khi bị tước chức vụ đại biểu quốc hội. Vụ bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở thủ đô nước Đức đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Hà Nội và Berlin. Hai bị cáo, ra tòa từ hai tuần qua cùng với 20 quan chức khác, với cáo buộc "cố ý làm trái" và tham ô công quỹ, được ước tính trên 4 triệu euro.

Vai vế của hai bị cáo chính khiến người ta nghĩ rằng phiên tòa ở Hà Nội mang màu sắc chính trị, dù diễn ra trong khuôn khổ một chiến dịch nhằm chống lại nạn dịch đang hoành hành tại một trong những nước tham nhũng nhất Đông Nam Á.

Ông Đinh La Thăng, ngoài chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, còn là cựu bộ trưởng giao thông, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ, thủ đô kinh tế của cả nước. Ông Thăng còn là một trong những người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một "người chủ trương tự do" thân phương Tây, nạn nhân của một cuộc "thanh trừng" trong Đại hội Đảng năm 2016 theo Le Monde.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cựu bộ trưởng công an, đã đòi hỏi những vụ liên quan đến "các hoạt động kinh tế và tham nhũng" phải được xử lý đích đáng. "Các bản án chủ yếu nhằm chứng tỏ với công chúng là chính quyền rất nghiêm túc trong việc tấn công vào nạn tham nhũng ở cấp độ cáo". 

Hồi tháng 9/2017, chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer đã nhận xét như trên sau khi Nguyễn Xuân Sơn, một cựu lãnh đạo khác của PetroVietnam bị kết án tử hình. Ông Thayer tuy vậy tỏ ra nghi hoặc về tác động thực sự của các bản án, khi mà tham nhũng "là hậu quả của một hệ thống quản lý kém và thiếu vắng tư pháp độc lập".

Đối với nhà chính trị học Jonathan London, chiến dịch chống tham nhũng là "phương cách tốt để cảnh cáo" các địch thủ của ban lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay, vốn thường bị xâu xé bởi đấu đá nội bộ. Theo ông London, chiến dịch này gợi nhớ đến chương trình "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình, nhằm thanh trừng "những người chống đối thực sự hoặc tiềm năng…".

Nate Fischler trên trang web Asia Times nhận định : "Xét đến chức vụ cao của ông Đinh La Thăng, vụ kết án ông thật đáng ngạc nhiên. Các cựu ủy viên Bộ chính trị trước đây dù có tham nhũng đều được bỏ qua, không có ai bị đưa ra tòa".

Việc xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, "người bị bắt cóc từ Berlin" vẫn chưa kết thúc : thứ Tư 24/1, ông Thanh còn phải trả lời về một vụ khác, trong đó ông bị cáo buộc đã bỏ túi khoảng 600.000 euro. Ông Thanh có nguy cơ lãnh án tử hình. Chính quyền Việt Nam luôn chối vụ bắt cóc ông Thanh theo kiểu thời chiến tranh lạnh. Hà Nội nhấn mạnh là bị cáo đã tự ý quay về nước hồi tháng 8/2017, thú nhận các "tội lỗi" của mình trong một cuộc "phỏng vấn" truyền hình.

Câu chuyện này, theo Le Monde, sắp tới có thể có thêm những diễn biến mới. Việt Nam đã yêu cầu Singapore cho dẫn độ một cựu sĩ quan tình báo, ông Phan Văn Anh Vũ, bị cáo buộc "tiết lộ bí mật Nhà nước", đã bỏ trốn ra nước ngoài cùng với gia đình hồi tháng 12/2017. Một số nguồn tin cho rằng ông Vũ có thể nắm giữ những thông tin gây bối rối, nhất là về việc làm thế nào ông Trịnh Xuân Thanh đã được "thuyết phục" trở về đầu thú.

Người lao động nghèo bị xua đuổi khỏi Bắc Kinh

Về Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Figaro chú ý đến việc "Nhiều khu phố tại Bắc Kinh sẽ bị giải tỏa trắng trong năm 2018". Những căn nhà xây dựng "bất hợp pháp" sẽ bị phá hủy toàn bộ.

Tại nhiều khu phố ngoại ô, nhà cửa đã bị san bằng hàng loạt, trông giống như một bãi chiến trường. Nhân vụ một tòa nhà bị hỏa hoạn hôm 18/11/2017, chính quyền đã tung ra đợt cưỡng chế quy mô, lấy cớ phải tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn. Trong chiến dịch chớp nhoáng này, mấy chục ngàn lao động nhập cư đành phải rời bỏ nhà cửa, một số phải về quê. Họ chỉ có vài ngày để thu dọn đồ đoàn của cả gia đình, sự thô bạo này gây sốc cho giới trí thức và nhiều cư dân mạng Trung Quốc.

Chính quyền địa phương vẫn làm ngơ, tiếp tục phá hủy những khu phố với những ngõ hẻm quanh co làm nên linh hồn của phố cổ Bắc Kinh. Họ muốn giới hạn dân số ở mức 23 triệu cho đến năm 2020. Nhưng phía sau việc truy quét những người lao động nghèo, còn có tính toán khác : thủ đô chỉ dành cho giới tinh hoa giàu có và học vấn cao. Giải tỏa trắng còn giúp thu hồi được một diện tích đất lớn, để xây lên các tòa nhà và khu văn phòng cho giới thượng lưu.

Người Hàn Quốc chia rẽ vì Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội

Cũng về Châu Á, La Croix nhận xét "Việc xích gần lại Bắc Triều Tiên trong dịp Olympic gây chia rẽ tại Hàn Quốc". Đa số người Hàn Quốc hoan nghênh sự hòa dịu tạm thời giữa hai miền, nhưng một số trách cứ Seoul đã đi quá xa.

Chẳng hạn đảng đối lập chính theo khuynh hướng bảo thủ là Liberty Korea Party tố cáo "Chính quyền đã từ bỏ Thế vận hội Pyeongchang, biến thành Thế vận hội Pyongyang (Bình Nhưỡng)". Hôm thứ Hai đầu tuần, những người cực đoan đã đốt cờ Bắc Triều Tiên và ảnh Kim Jong-un trước nhà ga Seoul, nơi một phái đoàn vừa đến từ Bình Nhưỡng để chuẩn bị một loạt các cuộc trình diễn ca nhạc.

Có đến 80% người Hàn Quốc ủng hộ việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội Pyeongchang. Nhưng điều gây chia rẽ là việc lập đội nữ khúc côn cầu trên băng chung, và vận động viên hai miền diễu hành dưới cùng một lá cờ. Chi phí cho đoàn Bắc Triều Tiên 500 người đều do phía Hàn Quốc đài thọ.

Đã qua rồi thời kỳ mọi người đều đẫm lệ khi hai nước Triều Tiên lần đầu cùng diễu hành tại Olympic năm 2000. Thế hệ trẻ Hàn Quốc hiện nay không cảm thấy gắn bó với miền Bắc, đối với họ việc thống nhất đất nước không còn là điều bắt buộc.

Ai Cập : Một cựu tướng bị bắt sau khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống

Nhìn sang Ai Cập, Le Monde cho biết "Tổng thống Sissi tống khứ được một địch thủ bên quân đội". Cựu tổng tham mưu trưởng Sami Anan đã bị bắt giam, chỉ ba ngày sau khi loan báo sẽ ra ứng cử tổng thống vào tháng Ba tới.

Vị tướng về hưu Anan, 69 tuổi đã từng định ra ứng cử vào năm 2014, có uy tín đang lên trong dân chúng, bị cáo buộc xúi giục gây chia rẽ giữa quân đội và nhân dân, làm giả tài liệu. Trước ông, đã có ba ứng cử viên tổng thống bị loại hoặc rút lui, trong đó có cựu thủ tướng và là tướng không quân Ahmed Chafiq. Chỉ có một chủ tịch câu lạc bộ bóng đá là Mortada Mansour và luật sư cánh tả Khaled Ali còn trên đường đua, nhưng cả hai đều bị rắc rối với tư pháp nên khó thể được chấp nhận ứng cử.

Tướng Sami Anan có thể tập hợp được các cử tri nuối tiếc kỷ nguyên Moubarak và những người thất vọng về chính quyền Sissi, với nạn lạm phát phi mã. Kêu gọi mở cửa và tôn trọng các quyền tự do, ông thu hút những người đấu tranh cho dân chủ và cả phe ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo. Nhưng từ khi tuyên bố ra tranh cử, ông Anan liên tục bị truyền thông do Nhà nước chỉ đạo tấn công. Một nhà phân tích nhận định, thật ra tướng Sami Anan khó thể thắng cử, nhưng chế độ không muốn thấy hiện tượng vết dầu loang.

Venezuela tổ chức bầu cử sớm để loại đối lập

Còn tại Venezuela, "Cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành trước thời hạn để ngáng chân phe đối lập". Theo Le Monde, trên đất nước đang rệu rã này, tổng thống Nicolas Maduro muốn tổ chức bầu cử trước ba tháng để có thể nhanh chóng tái đắc cử.

Loan báo này được Quốc hội lập hiến – một định chế gồm toàn các thành viên phe Chavez và không được quốc tế nhìn nhận - đưa ra hôm thứ Ba 23/1. Việc bầu cử sớm nhằm lợi dụng tình trạng chia rẽ hiện nay trong phe đối lập : người thì muốn tổ chức bầu cử sơ bộ, người khác muốn chỉ định ứng cử viên ra tranh cử. Tuy nhiên đối lập nhấn mạnh, Quốc hội lập hiến không có "tính chính danh" để triệu tập bầu cử. Hơn nữa, chế độ đã tước quyền tham gia chính trường của các lãnh đạo đối lập chủ chốt, thậm chí còn đe dọa cấm luôn đảng của các nhân vật này.

Họp tại Lima, 14 nước Châu Mỹ và vịnh Caribê đòi hỏi "bầu cử cần có thời gian cần thiết, với sự tham gia của tất cả các nhân tố tại Venezuela". Riêng Mexico còn đòi rút lui khỏi cuộc đối thoại ở Saint Domingue, giữa chính phủ Maduro và phe đối lập.

Tuy nhiên ngay trong phe cầm quyền cũng đang chia rẽ, nhất là khi siêu lạm phát làm sức mua giảm còn hầu như bằng không, thiếu thốn thực phẩm, thuốc men… Nạn đói đe dọa những người nghèo nhất, vốn là cử tri của phe Chavez, và số lượng người ly khai không ngừng tăng lên. Cựu bộ trưởng kinh tế Rafael Ramirez, cựu bộ trưởng Nội Vụ Miguel Rodriguez Torres và Lorenza Mendoza, tổng giám đốc tập đoàn Polar cũng ngấp nghé ra tranh cử.

Tựa chính báo Pháp

Le Mondehôm nay chạy tựa "Giáo dục : Những đề nghị để cải cách kỳ thi tú tài". Theo đó không còn các ban (filière) L (littéraire-văn chương), ES (économique et sociale-kinh tế xã hội), S (scientifique-khoa học), mà học sinh chọn ra hai môn chính và hai môn phụ thêm vào chương trình chung. "Tú tài mới mở cửa cho kiểm tra thường xuyên" - tựa của Le Figaro : điểm của năm lớp 11 và 12 sẽ được tính đến 40% trong tổng số điểm thi.

Về kinh tế, Les Echos quan tâm đến "Số doanh nghiệp thua lỗ ở mức thấp nhất từ mười năm qua". Libération dành trọn số báo hôm nay cho truyện tranh : tất cả các bài viết về mọi đề tài đều được minh họa cụ thể, tranh vẽ chiếm nhiều diện tích của tờ báo.

La Croixnhìn sang "Hy Lạp, sau bảy năm khốn khó". Tờ báo quay lại Volos, thành phố từng bị cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng nặng nề. Tại đây, người dân đã học được cách tự lực tự cường.

Thụy My

Published in Châu Á

Con ngựa thành Troie của Bắc Kinh tại nhà ga Hồng Kông

Libérationhôm nay có bài "Một con ngựa thành Troie của Trung Quốc sắp vào ga Hồng Kông". Trên lãnh thổ vẫn đang bị chấn động vì vụ bắt cóc các nhà xuất bản sách chỉ trích Trung Quốc, quyết định áp dụng luật lệ của Bắc Kinh tại nhà ga tương lai gây lo ngại cho nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ".

troie1

Công trường xây dựng nhà ga Tây Cửu Long (West Kowloon) ở Hồng Kông, 21/07/2017. Reuters/Bobby Yip/File Photo

Nếu vụ "Các nhà xuất bản ở Causeway Bay" (Đồng La Loan) từng gây xúc động cho người dân Hồng Kông thì nay lại càng thêm rúng động. Một trong năm chủ nhà sách mất tích hồi mùa thu 2015 rồi xuất hiện một tháng sau đó tại Hoa lục, một lần nữa lại bị bắt cóc.

Ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển, hôm thứ Bảy 20/1 khi đang trên tàu đến Bắc Kinh đã bị mười công an mặc thường phục bắt đi, ngay trước mắt các nhà ngoại giao Thụy Điển đi cùng. Từ đó đến nay, không ai tiếp xúc được với ông, và không hề có được hỗ trợ của luật sư.

Quế Dân Hải sống tại Hoa lục sau khi được ra khỏi nhà tù tháng 10/2017. Đối với tổ chức Văn bút Hồng Kông, vụ bắt cóc ông là "mưu toan dập tắt tiếng nói" của ông và các đồng nghiệp, tại nhà xuất bản chuyên cho ra đời các tác phẩm về mặt trái của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.

Sự kiện này gây chấn động lớn tại Hồng Kông. Cựu thuộc địa Anh lâu nay cho rằng được bảo vệ với tư cách đặc khu, cho đến khi một trong những nhân viên nhà sách ở Causeway Bay tiết lộ việc bị công an Trung Quốc bắt cóc thô bạo ngay trên đất Hồng Kông. Vụ ông Quế Dân Hải lại bị lọt vào móng vuốt của Bắc Kinh gây lo ngại khi mùa thu tới Hồng Kông sẽ khai trương một nhà ga giáp giới với Trung Quốc.

Thật ra tranh cãi đã nổi lên ngay trước khi các máy xúc, máy ủi bắt đầu làm việc tại khu Tây Cửu Long (West Kowloon). Đối với nhiều người, tuyến tàu cao tốc nối liên Hồng Kông và Quảng Châu trong vòng 45 phút chỉ là con ngựa thành Troie của Bắc Kinh. Dù nằm ngay trung tâm Hồng Kông, ở ngõ vào vịnh Victoria, một phần nhà ga sẽ được Trung Quốc "cho thuê" và bị coi là lãnh thổ dưới luật lệ của Hoa lục.

Đất Hồng Kông, luật Trung Quốc

Quốc Hội Trung Quốc đã quyết định như thế vào cuối năm ngoái. Để giao thông được thông suốt, công an, hải quan và nhân viên an ninh Trung Quốc cho đến nay vẫn ở bên kia đường biên, sẽ được triển khai trên bến tàu và khuôn viên nhà ga, phụ trách kiểm tra các tờ khai nhập cảnh và "áp dụng các biện pháp thích hợp nếu vi phạm luật pháp Trung Quốc".

Theo nữ dân biểu đối lập Trần Thục Trang (Tanya Chan), như vậy một khi bước vào khu vực có diện tích khoảng 105.000 mét vuông này, "không thể được đối xử khác với ở Hoa lục, dù đây là đất Hồng Kông". Khách có được tự do truy cập internet như bên ngoài hay không ? Có phải che đi những dòng chữ trên áo thun thuộc loại bị cấm đoán ở Trung Quốc ?

Nhiều khả năng là tất cả sẽ bị kiểm soát chặt chẽ bởi các camera và nhân viên an ninh Trung Quốc, vốn là bậc thầy trong việc theo dõi bằng kỹ thuật số. Bà Trần Thục Trang lo sợ sẽ xảy ra những vụ bắt bớ như vụ ông Quế Dân Hải, hoặc tạm giữ hành chính. Luật sư đoàn Hồng Kông phản đối "biện pháp thụt lùi chưa từng thấy kể từ khi Hiến Pháp Hồng Kông được áp dụng năm 1997".

Theo bản Hiến Pháp này, luật Trung Quốc không được áp dụng tại Hồng Kông, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi. Ngay cả 8.000 lính Trung Quốc đóng tại đây cũng phải tôn trọng. Luật sư đoàn Hồng Kông cảnh báo ý định áp đặt luật lệ của Bắc Kinh trên lãnh thổ Hồng Kông "làm phương hại sâu sắc lòng tin của người dân địa phương cũng như của quốc tế trong việc duy trì Nhà nước pháp quyền và nguyên tắc Một đất nước, hai chế độ" ở thị trường tài chính này.

Giáo sư Eric Chung nhận định đây là một loạt vi phạm Hiến Pháp và xâm phạm tư pháp Hồng Kông, lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng sức mạnh áp đặt tại đặc khu. Ông giải thích : "Trong tương lai, nếu có những quy định đi ngược lại Hiến Pháp, tòa án của chúng tôi vẫn không thể ngăn cản một khi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc cho rằng phù hợp". Như vậy Tây Cửu Long sẽ trở thành án lệ, mở ra cánh cửa cho nhiều dự án để Hoa lục xâm nhập về kinh tế và nhân sự vào Hồng Kông.

TPP tái sinh dù không có Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Hiệp định TPP tái sinh mà không có Hoa Kỳ". Mười một quốc gia còn lại trong Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương đã quyết định đi tiếp dù nước Mỹ đã rút lui, và việc ký kết dự định diễn ra vào tháng Ba tới.

Sau thời gian còn lưỡng lự, nay thủ tướng Justin Trudeau đã quyết định là Canada ở lại với TPP. Ông cho biết : "Chúng tôi đã có được những tiến triển ý nghĩa về các điểm bất đồng đã nhận ra bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam hồi tháng 11". Cùng ngày tại Tokyo, bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi vui mừng thông báo các nhà đàm phán của 11 nước đã đạt được thỏa thuận, "một quyết định lịch sử đối với đất nước chúng tôi và tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Tuy vậy Les Echos cho biết vẫn còn những bất đồng riêng giữa một số đối tác với nhau. Hôm 16/1, chính phủ Úc đã nộp đơn kiện Canada lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì nhiều tỉnh của Canada hạn chế nhập cảng rượu vang, mà theo phía Úc là không phù hợp với các quy định của GATT.

Hoa Kỳ và trận chiến thương mại với châu Á

Cũng về kinh tế, Les Echos đề cập đến việc "Washington tiến hành cuộc chiến thương mại chống lại châu Á". Tổng thống Donald Trump đã thông qua việc thiết lập hàng rào hải quan về mặt hàng máy giặt và pin mặt trời, theo khuyến cáo của bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Bắc Kinh và Seoul đe dọa sẽ đưa vấn đề ra trước WTO.

Cuộc chiến thương mại như vậy đã bước vào giai đoạn cụ thể. Hai nhà sản xuất pin mặt trời Suniva và SolarWorld, và hãng điện lạnh Whirlpool của Mỹ phàn nàn về các loại hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Thuế hải quan từ nay sẽ đánh đến 30% giá trị sản phẩm trong năm đầu, và đến năm thứ tư giảm còn 15% đối với pin mặt trời, mà theo Hiệp hội kỹ nghệ năng lượng đã đe dọa 23.000 việc làm và hàng tỉ đô la đầu tư trên đất Mỹ. Đối với máy giặt, thuế đánh 20% trên 1,2 triệu sản phẩm nhập khẩu đầu tiên, số còn lại sẽ bị đánh đến 50%.

Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong tố cáo "Hoa Kỳ đặt chính trị lên trên các tiêu chuẩn quốc tế". Trong nhiều năm qua để tránh đối đầu, LG và Samsung đã dần dà chuyển dịch sản xuất sang những nước không nằm trong tầm ngắm của Washington. Những chiếc máy giặt bị chính quyền Donald Trump trừng phạt còn được lắp ráp tại các nhà máy ở Việt Nam, Thái Lan, và hai nước này có thể cũng sẽ cùng với Hàn Quốc đứng ra kiện tại WTO.

Còn Trung Quốc, nước sản xuất 60% động cơ điện gió và 71% pin mặt trời trên thế giới, bày tỏ "hết sức bất bình". Bắc Kinh cảnh báo "sẽ cùng các thành viên WTO khác kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình", tuy nhiên không nói rõ sẽ hành động như thế nào.

"Cancer SEEK" giúp phát hiện sớm 8 loại ung thư

Trên lãnh vực y học, Le Monde cho biết các nhà nghiên cứu Úc-Mỹ đã có được một công cụ đầy hứa hẹn mang tên "Cancer SEEK", một xét nghiệm máu giúp phát hiện 8 loại ung thư khác nhau.

Việc thử máu tương đối ít tốn kém, khoảng 500 đô la, giúp phát hiện sớm các u ác đang tiềm ẩn trong cơ thể, sẽ làm giảm đi số trường hợp tử vong vì ung thư. Tám loại ung thư có thể tìm ra là ung thư buồng trứng, gan, dạ dày, tụy tạng, thực quản, trực tràng, phổi và vú, trong đó năm loại đầu có tỉ lệ phát hiện từ 69% đến 98%. Tám loại này là nguyên nhân của 60% trường hợp tử vong vì ung thư ở Mỹ, làm 360.000 người chết mỗi năm.

Thi tú tài, siêu thị, thánh chiến : Tựa chính báo Pháp

Libération dành trang nhất và ba trang trong cho việc cải cách cuộc thi tú tài, một vấn đề rắc rối và tốn kém mà xưa nay chưa ai dám đụng đến. Chính phủ Pháp hôm nay 24/01/2018 bắt đầu nghiên cứu việc cải cách dự trù áp dụng vào năm 2021 : đơn giản hóa cách tổ chức, giảm số môn thi, tăng các cuộc kiểm tra thường kỳ. Đây là một thử thách chính trị, theo tờ báo thiên tả.

Về kinh tế xã hội, Le Monde chạy tựa "Siêu thị : Kế hoạch của Carrefour đối phó với cuộc cách mạng Amazon". Để vực dậy chuỗi siêu thị Carrefour, tân tổng giám đốc Alexandre Bompard dự định giảm 2.400 nhân viên, tiết kiệm 2 tỉ euro, tăng gấp sáu lần đầu tư vào kỹ thuật số… trong bối cảnh cuộc chiến giá cả và sự lên ngôi của thương mại điện tử làm các nhà phân phối lớn của Pháp chao đảo. Đặc biệt từ thứ Hai đầu tuần tại Hoa Kỳ, Amazon đã khai trương siêu thị của tương lai : không còn quầy tính tiền, không quét mã vạch các món hàng, trả tiền tự động.

Les Echosgọi đây là "Cú sốc Bompard", dù không có siêu thị Carrefour nào bị đóng cửa. Ông Bompard chủ trương cung cấp các loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, sinh thái, đáp ứng với yêu cầu cao của người tiêu dùng.

Trang nhất La Croix đăng ảnh một ly đầy những viên đường trắng, trên nền hồng ngọt ngào, nhân bộ phim "Sugarland" được đưa ra trình chiếu hôm nay. Bộ phim tài liệu này cảnh báo nguy cơ của thành phần đường trong thực phẩm. Tờ báo đặt câu hỏi : "Đường có thực sự là chất độc ?"

Nhìn sang Trung Đông, Le Figaro đặt vấn đề "Biết làm gì với quân thánh chiến Pháp bị bắt ở Irak và Syria ?". Tranh cãi nổ ra về tương lai năm chục quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mang quốc tịch Pháp bị bắt ở Trung Đông : nên tổ chức xét xử tại chỗ hay đưa họ về nước ?

Tờ báo cánh hữu Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề "Những kẻ phản quốc" cho biết đến nay đã có khoảng 300 quân thánh chiến Pháp chết tại các vùng chiến sự, 680 người sống sót và 500 trẻ em. Có nên tin những người cho biết đã hối hận và muốn trở về ? Công tố viên trưởng Paris François Molins không hề tin tưởng chút nào, còn con cái của những người này, theo ông là những quả bom nổ chậm.

Thụy My

Published in Châu Á

Ngày 23/01/2018, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2018 chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Cũng như mọi năm sự kiện thường niên này quy tụ nhiều lãnh đạo chính phủ, giới tinh hoa kinh tế và các nhà hoạt động xã hội lớn trên toàn cầu. Với chủ đề "Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt", Davos 2018 tập trung vào mục đích thúc đẩy chia sẻ, chung sức của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với thách thức toàn cầu.

davos1

Davos 2018 trước giờ khai mạc WEF. ReutersDenis Balibouse

Diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu có những có dấu hiệu hồi phục khả quan 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính với vụ đổ bể ngân hàng Lehman Brothers. Tuy vậy viễn cảnh kinh tế thế giới năm nay chưa hẳn đã là tươi sáng. Thế giới vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia.

Theo giới quan sát, diễn đàn Davos 2018 sẽ chứng kiến sự đối đầu giữa một bên bảo vệ chủ nghĩa đa phương với đại diện là Liên Hiệp Châu Âu trước thông điệp "nước Mỹ trước tiên"của tổng thống Donald Trump.

Một năm qua, thế giới đã xuất hiện những rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các cường quốc. Tại Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh dứt áo ra đi. Quan hệ Mỹ với các cường quốc như Trung Quốc, Nga đều có những trục trặc về cả chính trị cũng như kinh tế. Quan hệ đồng minh Washington - Bruxelles cũng không tránh khỏi những khúc mắc nghi kỵ kể từ khi tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, chính sách "nước Mỹ trước tiên" của ông Donald Trump đã khiến thế giới lo ngại. Những quyết định của ông Trump để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ đã phủ nhận các nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos lần thứ 48 vốn luôn tin tưởng, như thương mại tự do, toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới....

Bản "Báo cáo Rủi ro toàn cầu - Global Risk Report" được diễn đàn Davos 2018 công bố tuần trước, đã chỉ ra nguy cơ đối đầu sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc trong năm nay.

Nếu như ở Diễn Đàn Davos 2017, sự có mặt và những cam kết mở cửa đầu tư và ủng hộ tự do hóa thương mại của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý làm nóng bầu không khí của Davos thì ở diễn đàn năm nay, sự tham gia lần đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ có những màn tranh cãi gay gắt về chính sách giữa nhà lãnh đạo nền kinh tế số một thế giới với các đại biểu ủng hộ toàn cầu hóa.

Lãnh đạo các nước Châu Âu sẽ sử dụng diễn đàn để phản bác lại ý đồ phá bỏ những luật chơi kinh tế đã được định hình mà tổng thống Donald Trump vẫn nhiều lần nhắc lại. Dư luận chờ đợi một bài diễn văn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vào ngày mai, trong đó đề xuất những giải pháp nhằm rút ngắn hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo, hay những giải pháp hành động bảo vệ bầu khí hậu chung, một chủ đề mà nước Mỹ đã quyết định đứng ngoài cuộc.

Chuyên gia Robin Niblett, giám đốc cơ quan tư vấn Chatham Luân Đôn dự đoán chắc chắn tổng thống Pháp sẽ có những phát biểu nhằm phản công những luận điểm về trật tự kinh tế thế giới vẫn được ông Donald Trump rao giảng đây đó. Cùng ngày bà thủ tướng Angela Merkel, sau một thời gian khá kín tiếng vì lo chuyện lập chính phủ mới, cũng đăng đàn để khẳng định vai trò của Châu Âu trước xu hướng thoái lui của nước Mỹ.

Người ta cũng sẽ chú ý nhiều đến diễn văn của thủ tướng Anh, để xem bà Theresa May sẽ thuyết phục giới kinh tế tài chính ra sao khi nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không làm đổ vỡ những quan hệ làm ăn trước đó.

Như nhận định của Le Monde số ra hôm nay, Davos luôn là một diễn đàn kinh tế nhưng mang tính chính trị nhất trên thế giới. Các diễn văn của lãnh đạo chính trị mỗi nước, các cuộc tranh luận, trao đổi của giới chuyên gia hay doanh nghiệp ở Davos không thể đưa ra được những giải pháp cụ thể nào cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Với chủ đề "Tạo dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt", Davos 2018 sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị đang nổi lên.

Dư luận hy vọng diễn đàn Davos 2018 vẫn sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu và cuối cùng là sự hiện diện hay diễn văn của tổng thống Donald Trump sẽ không phải là "sợi tóc trong bát súp" như ví von của tờ báo kinh tế Pháp Les Echos.

Anh Vũ

Published in Quốc tế
mardi, 23 janvier 2018 08:14

Điểm báo Pháp - Châu Âu ngây thơ

Châu Âu đã ngây thơ trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ ?

Ngày 23/01/2018 khai mạc diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ. Trong bối cảnh Hoa Kỳ thực thi chính sách bảo hộ mậu dịch và Trung Quốc tìm cách chiếm đoạt công nghệ tiên tiến, mục "Ý kiến – Thảo luận" của báo Les Echos có bài "Châu Âu nên thoát khỏi tình trạng ngây thơ khi đối mặt với Trung Quốc và Hoa Kỳ". Bài viết của nhà nghiên cứu chính trị Zaki Laidi, thuộc trường Khoa học Chính trị Pháp.

chauau1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron duyệt hàng quân danh dự tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/01/2018. Ảnh minh họa. Reuters Ludovic Marin/Pool

Kể từ khi vào Nhà Trắng, hầu như toàn bộ các quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đều trái ngược với những nguyên tắc, ưu tiên của Châu Âu bởi vì, các quyết định này nhằm làm suy yếu cơ chế quan hệ đa phương, được coi là thuộc tính của Châu Âu. Câu hỏi đặt ra là Châu Âu nên làm gì để đối phó với những cách lập luận của các cường quốc như Hoa Kỳ hay Trung Quốc ?

Một trong những thách thức chính đối với Châu Âu hiện nay là mối đe dọa nhắm vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO. Đương nhiên, tổ chức này không thể giải quyết hết được mọi vấn đề, nhưng tổng thống Mỹ muốn làm tê liệt WTO, xóa bỏ nguyên tắc công bằng thương mại. Đây là một thách thức lớn và Hội Đồng Châu Âu cần tái khẳng định sự gắn bó với WTO. Nói một cách cụ thể là chiến lược của Châu Âu phải dựa trên một nguyên tắc đơn giản và vững chắc : Đó là bảo vệ Châu Âu nhưng không áp dụng bảo hộ.

Tác giả giải thích, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một cái bẫy chết người vì hai lý do. 

Thứ nhất, chính sách bảo hộ sẽ dẫn đến hậu quả, phản ứng dây chuyền. Ngay cả khi Donald Trump quyết định nâng cao mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này cũng không làm thay đổi gì.

Thâm hụt cán cân thương mại là hậu quả của việc mất cân đối giữa tiêu dùng và tiết kiệm. Nếu người dân Mỹ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn là tiết kiệm, thì Hoa Kỳ tiếp tục bị nhập siêu trong trao đổi thương mại với Trung Quốc. Nước Đức ở trong trường hợp ngược lại. Dân Đức tiết kiệm quá nhiều và tiêu thụ quá ít, do vậy, mức xuất siêu của Đức rất lớn.

Thứ hai, tác giả nhấn mạnh, các biện pháp chống bán phá giá cũng ít hiệu quả. Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá rất cao đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, nhưng ngành này của Mỹ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nếu bảo hộ mà không tiến hành tái cơ cấu hoặc hiện đại hóa thì các biện pháp bảo hộ sẽ gây ra hậu quả "gậy ông đập lưng ông".

Còn trong quan hệ với Trung Quốc, thì ưu tiên tuyệt đối của Châu Âu là tránh để cho Trung Quốc chiếm đoạt các tiến bộ công nghệ. Không thể chấp nhận điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra là nếu muốn vào thị trường Trung Quốc thì phải chuyển giao công nghệ.

Để làm được việc này, Châu Âu có hai cách thức hành động : gây áp lực mạnh để thuyết phục Trung Quốc ký với Châu Âu một hiệp định về đầu tư và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đầu tư, mua lại của Trung Quốc, đặc biệt đối với những ngành công nghệ tiên tiến của Châu Âu.

Điều đáng phấn khởi là Đức đã chấp nhận ý tưởng này của Pháp để cùng hành động. Điều đáng lo là một số nước Đông Âu có cái nhìn lệch lạc và thiển cận, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, chấp nhận các đầu tư của Trung Quốc bất chấp các quy định của Bruxelles.

Do vậy, Châu Âu phải chú ý đấu tranh cùng lúc trên hai mặt trận : một bên là những nước chủ trương tự do hóa thương mại, không bao giờ muốn áp dụng các cơ chế kiểm soát, và bên kia là những quốc gia đề cao quá mức vấn đề chủ quyền quốc gia chỉ quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích của riêng mình.

Để thực hiện chiến lược này, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu phải phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Tác giả kết luận : Trong một thế giới bị thống trị bởi những kẻ thèm khát ăn thịt, thì không có chỗ cho những người ăn chay.

Syria : Nỗi ám ảnh của Erdogan

Về thời sự quốc tế, bài xã luận của Le Monde bày tỏ sự quan ngại của mình về chiến dịch tấn công người Kurdistan của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng Afrin, lãnh thổ Syria. Bài viết có tựa đề : "Cuộc xâm nhập Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là mạo hiểm".

Nhật báo đặt câu hỏi : "Vì sao ông Erdogan lại có một quyết định rủi ro lớn như thế là châm ngòi nổ tại khu vực vào lúc mà những tàn tích của Daech vẫn còn chưa tan khói ?". Rồi tờ báo cũng tự trả lời : "Bởi vì, ông ấy muốn ngăn chặn bằng mọi giá sự hình thành một không gian trong tay người Kurdistan ở sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết tâm coi việc này thành ‘một cuộc chiến quốc gia’ như ông tuyên bố hôm Chủ Nhật vừa qua với người dân trong nước, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ông".

"Choose France" và quản ngục đình công : Đề tài chính trên các báo

Đề tài chính trên trang nhất các nhật báo Pháp tập trung quanh đề tài tổng thống Macron mở chiến dịch "cám dỗ" các doanh nghiệp nước ngoài trước khi đến tham dự diễn đàn Davos, tại Thụy Sĩ vào ngày mai.

Le Monde thông báo : "Macron muốn tái khởi động hấp lực của nước Pháp". Hôm qua, nguyên thủ Pháp đã tiếp 140 lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia tại cung điện Versailles. Mục tiêu của cuộc họp này là muốn trưng bày hình ảnh một nước Pháp như là "một điểm đáng được đầu tư".

Sau cuộc gặp này, La Croix ở một góc nhỏ trên trang nhất tự hỏi : "Phải chăng Pháp lại trở nên hấp dẫn ?". Les Echos cho rằng là "có". Bởi vì theo quan điểm của nhật báo kinh tế, ông Macron đã thành công chiến dịch "chiêu dụ". Tổng cộng 3,5 tỷ euro đầu tư đã được thông báo sau cuộc họp này.

Như để củng cố thêm sự hấp dẫn của nước Pháp, Paris đã tạm thời đưa ra "nhiều biện pháp mới để thu hút đầu tư vào Pháp", tít nhỏ trên trang nhất của Les Echos. Chẳng hạn như miễn phần đóng góp về hưu cho chuyên viên Pháp hay nước ngoài đến sống hay trở về Pháp. Mở thêm các trường học quốc tế như tăng thêm 1000 chỗ nhập học tại Ile-de-France ngay từ tháng 9/2018.

Tờ Libération mỉa mai cho rằng kết quả ngày hôm nay không chỉ có công của Macron mà còn có một phần "thành tích" của người tiền nhiệm François Hollande. Tờ báo đề tít : "Đầu tư nước ngoài. Cảm ơn Hollande !".

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, trang nhất Les Echos chạy tít lớn thông báo : "Kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại". Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và 2019 sẽ là 3,9%. Tờ báo ghi nhận chính sách cải cách thuế của tổng thống Mỹ Donald Trump trong trước mắt tạm thời củng cố tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi nền kinh tế Pháp có dấu hiệu năng động trở lại.

"Quá tải, cực đoan hóa : chất nổ hỗn hợp trong các trại tù" là lời cảnh báo lớn trên trang nhất của Le Figaro. Cuộc đình công của các quản giáo bắt đầu từ cuối tuần trước vẫn tiếp tục cho đến hôm nay nhằm phản đối điều kiện làm việc và bảo đảm an toàn sau vụ hai quản giáo ở trại tù Borgo, Corse đã bị một tù nhân hành hung. Sau cuộc gặp hôm qua chưa có kết quả, cuộc đàm phán giữa bộ trưởng và các nghiệp đoàn tiếp tục trong ngày hôm nay.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Đừng đánh giá Tổng thống Trump chỉ dựa trên bề ngoài

Sự kiện chính quyền Mỹ buộc phải cắt giảm nhiều hoạt động do Quốc hội lưỡng viện không thông qua được ngân sách liên bang, đúng vào dịp tổng thống Mỹ mừng một năm vào Nhà Trắng, là chủ đề lớn của báo Le Monde hôm nay. Tình trạng mâu thuẫn, hỗn loạn cao độ trong chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump là điều đã rõ ràng, nhưng xã luận của Le Monde cũng cảnh báo "các đối thủ" của tổng thống Mỹ sẽ phạm phải sai lầm chết người, nếu không chú ý đến những gì mà chính quyền Trump thực sự đã làm trên bình diện đối nội, cũng như đối ngoại.

danhgia1

Chuẩn bị hình nộm tổng thống Mỹ Donald Trump cho cuộc diễu hành Carnaval ở Nice (từ 17/2 đến 3/3), Pháp, ngày 19/01/2018. Reuters/Eric Gaillard

Bài "Đừng đánh giá Donald Trump dựa trên bề ngoài" nhấn mạnh là một chính quyền ít tuân thủ các quy tắc truyền thống như chính quyền của ông Trump chỉ có thể gây ra hỗn loạn, tại Hoa Kỳ cũng như ở mọi nơi trên thế giới. Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, tổng thống Mỹ ở trong tình trạng bên bờ vực, liên tục đứng trước nguy cơ bị mất tính chính danh, thậm chí có khả năng bị phế truất, đặc biệt do hồ sơ Nga thao túng bầu cử Mỹ. Dư luận cũng liên tục đặt câu hỏi về "sức khỏe tâm thần" của nguyên thủ Mỹ.

Tuy nhiên, nếu bị hút vào những khía cạnh nói trên, người ta sẽ quên đi một điều là "tỉ phú bất động sản Donald Trump đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử", về thực chất là "cuộc đua tranh dân chủ", chứ không phải là một cuộc đánh giá về năng lực và tư cách. Được bầu cho một nhiệm kỳ bốn năm, và vừa được bác sĩ của Nhà Trắng đánh giá là có sức khỏe "tuyệt vời", ông Donald Trump hiện đang nhắm đến một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ở ngưỡng cửa 2020.

Xã luận Le Monde nhận xét là, cho dù phong cách cầm quyền đặc biệt của ông Trump gây nhiều náo loạn, tổng thống Mỹ cũng đã đạt được một số mục tiêu của mình trong giai đoạn nắm quyền đầu tiên, như cải cách thuế, thắt chặt quy định về nhập cư, bổ nhiệm ồ ạt các thẩm phán liên bang cho nhiều thập niên tới. Và đặc biệt là, cho dù bị mất lòng dân chưa từng thấy trong 12 tháng cầm quyền đầu tiên, Donald Trump vẫn là tổng thống của một nền kinh tế "đang tăng trưởng". Ông Trump một ngày nào đó rất có thể sẽ được coi là người có công lớn vực dậy nền kinh tế Mỹ, thành tích mà cho đến nay Donald Trump vẫn phải chia sẻ với tiền nhiệm Obama, người mà ông ta vốn "ghét cay, ghét đắng".

Theo Le Monde, cũng cần chú ý đến "một số bóng đen" che phủ bức tranh kinh tế sáng sủa nói trên. Đó là nghi án Nga can thiệp tiếp tục đeo bám Nhà Trắng, là quyết tâm của ông Trump liên tục thách thức "các thế cân bằng quốc tế mong manh" với "những trắc nghiệm gây sốc", từ vấn đề cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế, hay hồ sơ hạt nhân với Iran, xung đột Israel-Palestine. Tóm lại, khuyến nghị của Le Monde là có rất nhiều hồ sơ cần được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá được đúng "ông Trump đã làm gì, và ông ta là người như thế nào", hơn là để bị thu hút vào "các huyên náo", sau các thông điệp sáng sớm của tổng thống Mỹ trên mạng Twitter ưa thích.

"Ba trở ngại" nội bộ với tổng thống Mỹ

Vẫn về tổng thống Mỹ Donald Trump, mục "Thảo luận" của Le Monde giới thiệu quan điểm của hai nhà nghiên cứu. Ông Denis Lacore, chuyên gia về chính trị Mỹ (Học viện Chính trị Paris), nhận xét là hiện thời đảng Cộng Hòa vẫn dành sự ủng hộ cho tổng thống Trump, nhưng trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào cuối năm nay, phần thắng có thể sẽ thuộc về đảng Dân Chủ.

Chuyên gia Pháp ghi nhận "ba trở ngại lớn" trong hệ thống chính trị Mỹ mà tổng thống Trump phải đối mặt. Thứ nhất là, đảng Cộng Hòa không có đủ 60 /100 ghế tại Thượng Viện để phê chuẩn các quyết định của tổng thống. Thứ hai là tư pháp liên tục đưa ra các biện pháp ngăn cản những biện pháp bị coi là vi hiến của nguyên thủ, và thứ ba là tính chất liên bang của nước Mỹ khiến chính quyền các tiểu bang có thể đưa ra các quyết định đi ngược lại quyết tâm của Washington.

Các hệ phái Phúc Âm : "Khối cử tri vững chắc" của Donald Trump

Về phần mình, giáo sư chính trị Samuel Goldam, Đại học George Washington, đánh giá : tổng thống Trump đã không làm được gì đáng kể, nhưng ngược lại ông ta có được sự hậu thuẫn của "một khối cử tri vững chắc". Nhà chính trị học Mỹ nêu bật một số nghịch lý như nhiều cử tri dành sự ủng hộ cho Donald Trump, không phải vì đồng ý với các ý tưởng của tổng thống Mỹ, mà vì "phong cách nói thẳng tuột" của ông ta.

Nhà chính trị học đại học Washington cũng nhấn mạnh đến sự ủng hộ lớn dành cho Donald Trump từ phía các lực lượng bảo thủ trong các phái Tin Lành Phúc Âm. Các giáo phái Phúc Âm, đã trở nên thiểu số trên đất Mỹ từ nhiều thập niên nay, đang cần đến một người bảo trợ, họ cảm thấy tổng thống Trump mang lại điều này. "Donald Trump – biểu tượng mới của nước Mỹ Phúc Âm" là một phóng sự của Le Figaro hôm nay.

Trung Quốc : "Nhà tù lớn" của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Về Trung Quốc, báo Le Monde có hồ sơ lớn : "Trung Quốc : Nhà tù lớn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương", cho biết người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương là nạn nhân của "các đàn áp khốc liệt" của chính quyền Bắc Kinh dưới danh nghĩa "chống ly khai, khủng bố, cực đoan tôn giáo".

Phóng viên Le Monde ghi nhận sự hiện diện quân sự bất thường của Trung Quốc trên trục đường chính xuyên qua khu tự trị Tân Cương, nối liền thủ phủ Urumqi với thành phố Kashgar (hay Khách Thập). Trên tuyến đường dài gần 1.500 km này, phóng viên đã nhìn thấy ít nhất 36 xe quân sự, một đoàn tàu chở xe thiếp giáp ngang qua. Binh sĩ mang vũ khí hiện diện ở khắp nơi. Trên đường phố, người Duy Ngô Nhĩ có thể bị kiểm tra, khám xét nội dung điện thoại cầm tay bất cứ lúc nào. Mọi liên lạc với gia đình ở nước ngoài bị nghi ngờ. Tất cả những người Duy Ngô Nhĩ được hỏi đều cho biết không còn giữ các tiếp xúc với bên ngoài thông qua mạng We Chat, mạng tin nhắn bằng tiếng Trung, hay bất cứ mạng nào khác.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, từ mùa hè vừa qua chính quyền Trung Quốc – thông qua các cuộc thăm khám sức khỏe trá hình – đã thu thập các dữ liệu nhân trắc học (trong đó có thông tin về ADN) của toàn bộ cư dân Duy Nhĩ.

Theo Le Monde, các đàn áp, kiểm soát siết chặt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương diễn ra trong sự thờ ơ của người dân sắc tộc Hán, hiện đã trở thành sắc tộc đa số tại vùng đất lâu đời của người Duy Ngô Nhĩ.

Can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ : Bước ngoặt trong cuộc chiến Syria

Can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc nước Syria hai đang trong nội chiến là một tâm điểm thời sự quốc tế. Les Echos nhận xét can thiệp của Ankara vào cuối tuần qua là một "bước ngoặt trong cuộc chiến tại Syria".

Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một hành lang sâu khoảng 30 km suốt dọc biên giới để đẩy lực lượng Kurdistan, mà họ cho là khủng bố, ra xa khỏi lãnh thổ nước này. Quyết định được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ lực lượng Kurdistan xây dựng các nhóm bảo vệ an ninh biên giới, với khoảng 30.000 người. Ankara coi đây là hành động đe dọa chủ quyền nước này. Theo Les Echos, với can thiệp quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ thêm trở nên xa cách với các đồng minh phương Tây. Hôm nay, một cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An về vấn đề này được triệu tập, theo đề nghị của Paris.

Vẫn về cuộc can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ, báo Le Figaro cho hay Ankara dự kiến sẽ "một chiến dịch phức tạp và kéo dài". Đà tiến quân của phía Thổ sẽ phụ thuộc vào khả năng kháng cự của từ 8.000 đến 10.000 chiến binh Kurdistan có mặt tại Afrin. Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Ahmet Kasim Han (Đại học Kadir Has ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) dự đoán người Kurdistan sẽ kéo quân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến đô thị tại một địa bàn mà họ đã kiểm soát từ lâu, và đã rất quen thuộc trong kiểu tác chiến này.

Tunisia : "Nỗi giận" của dân chúng và "niềm hy vọng" của dân chủ

Vẫn liên quan đến khu vực Trung Cận Đông, Les Echos có bài phóng sự : "Iran – Tunisia : Nỗi giận xuyên thấu", nhấn mạnh đến một điểm chung mà chính quyền hai nước Iran và Tunisia đang phải đối mặt, cho dù thể chế chính trị tại mỗi nước là rất khác nhau. Điểm chung đó là sự bất bình của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, đang lâm vào các điều kiện sống ngày càng khó khăn hơn.

Về mặt "địa chính trị", vị trí của Tunisia là ít quan trọng hơn nhiều so với Iran, bên cạnh đó là diện tích và dân số của quốc gia Bắc Phi cũng đều ít ỏi hơn. Thế nhưng theo Les Echos, khủng hoảng tại Tunisia hiện nay cần phải được coi là quan trọng, không chỉ với Châu Âu, mà còn đối với toàn bộ khu vực Bắc Phi và Trung Cận Đông.

Liên Hiệp Châu Âu - với thể chế dân chủ - hiện đang đối mặt với đe dọa của các chế độ độc tài từ bên ngoài, và làn sóng dân túy từ bên trong, cần "bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình chính thông qua việc ủng hộ các nguyên tắc của nền dân chủ". Ủng hộ nền dân chủ tại Tunisia chính là gửi một thông điệp mạnh đến nước Nga, quốc gia từng mưu toan làm suy yếu nền dân chủ tại Anh Quốc hay Tây Ban Nha, cũng là một thông điệp gửi đến các thế lực chính trị dân túy Châu Âu tại Hungary hay Ba Lan.

Les Echos nhấn mạnh là "tương lai của Tunisia có một giá trị biểu tượng mang tính toàn cầu". Vào lúc nền dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang chao đảo, điều quan trọng là Tunisia tiếp tục đứng vững, như đã từng như vậy kể từ năm 2011, để tiếp tục là "ốc đảo hy vọng" trong một khu vực đang khủng hoảng nặng nề.

Đức – Pháp muốn gia tăng hợp tác xóa nhòa biên giới

Nỗ lực tăng cường quan hệ Pháp – Đức, trụ cột của dự án phục hưng Châu Âu, là một chủ đề chính của Les Echos.

Les Echos đặc biệt chú ý đến việc Quốc hội hai nước hôm nay chuẩn bị thông qua một nghị quyết đẩy mạnh hợp tác, trong đó có dự án thực nghiệm xây dựng "các khu xuyên biên giới", được coi là "chưa từng có". Nghị quyết - được đưa ra đúng vào dịp kỉ niệm 55 năm hiệp định Elysée, mở đầu cho kỷ nguyên hữu nghị Pháp – Đức.

Khu vực giáp biên giới Pháp – Đức vốn là nơi các đảng dân túy đang dành nhiều ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Theo chuyên gia về quan hệ Pháp Đức Claire Demesmay (Viện Chính Trị Đối Ngoại Đức DGAP), nếu được thực hiện đây sẽ là một bước vọt đầy tham vọng của sự hội nhập Pháp-Đức, và Châu Âu nói chung.

Nghị quyết của Quốc hội Pháp – Đức kêu gọi chính quyền hai bên dành thêm cho nhiều đơn vị hành chính xuyên biên giới Pháp-Đức (gọi là "eurodistrict") các quy chế riêng ; chế độ thuế tại những nơi này cũng khác phần còn lại của quốc gia. Dự án các vùng xuyên biên giới Pháp-Đức cho phép dân cư hai bên biên giới phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đặt ra với đời sống địa phương, không phân biệt quốc gia, lãnh thổ. Một trong các kế hoạch tiêu biểu của dự án này là xây dựng các trường học hỗn hợp Pháp-Đức, nơi việc giảng dạy được tiến hành đồng đều bằng cả hai thứ tiếng.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Tuần hành Phụ nữ chống tổng thống Donald Trump (RFI, 21/01/2018)

Đúng một năm ông Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ngày 20/01/2018, tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ đã diễn ra các cuộc tuần hành quy tụ hàng ngàn phụ nữ để phản đối tổng thống Mỹ.

trump2 - Copie

Cuộc Tuần hành Phụ nữ chống tổng thống Donald Trump tại Los Angeles, California ngày 20/01/2018. Reuters/Patrick T. Fallon

Tại nhiều thành phố lớn từ New York, Los Angeles, Chicago cho đến Washington hàng trăm nghìn phụ nữ tuần hành lên án nạn quấy rối tình dục trong vụ tai tiếng Weinstein, tình trạng kỳ thị chủng tộc gia tăng hay như phản đối sự bất tài của tổng thống Mỹ.

Theo mô tả của thông tín viên Marie Bourreau, tại New York, đông đảo phụ nữ đã tụ tập bên cạnh Central Park, ngay chân một khách sạn thuộc gia đình Trump.

Khẩu hiệu của năm trước ‘Donald Trump xéo đi’ và mũ len mầu hồng – biểu tượng của cuộc đấu tranh của phụ nữ - lại được trưng ra nhân dịp này. Bầu không khí có vẻ hiền hòa nhưng chủ đề bận tâm thì rất nhiều.

Họ nói : "Chúng tôi có một vị tổng thống công khai kỳ thị sắc tộc, phân biệt giới tính, bài người đồng tính và ông ấy lại tự hào về điều đó. Điều này thật sự đáng lo ngại cho chúng tôi, người dân Mỹ".

"Điều này làm mọi người thực sự thức tỉnh. Người ta vẫn tưởng còn có thể vui mừng hoan hỉ với nhau, nói rằng mọi thứ đều tốt đẹp dưới thời tổng thống Obama và rằng họ là những người giỏi nhất. Cần phải tát một cái như trời giáng (thì mới tỉnh) và họ đã bị ăn tát."

Cũng nhiều khẩu hiệu đòi tổng thống Mỹ từ chức dù Kristin thật sự không chút ảo tưởng. "Điều không may là ông ấy đầy quyền lực. Nhưng chúng tôi muốn rằng người ta phải bỏ phiếu : cho Thượng Viện, Quốc Hội, cho tất cả những ai làm khác hẳn đi. Và cách biểu tình như vậy có thể giúp điều gì đó. Cám ơn ông Donald Trump đã giúp tôi trở thành một người đấu tranh ! !"

Hơn nữa, những người phụ nữ này muốn rằng tiếng nói của họ phải được lắng nghe và điều đó phải được thể hiện qua các lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử bán phần sẽ diễn ra vào tháng 11/2018.

Minh Anh

****************

Hoa Kỳ : "Shutdown" tác động đến cả du khách (RFI, 21/01/2018)

Hoa Kỳ một lần nữa rơi vào tình trạng "Shutdown", tức một số cơ quan chính phủ Mỹ phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, công chức tạm thất nghiệp và sẽ bị trả lương chậm vì thiếu ngân sách. Đảng Cộng Hòa và Dân chủ đã không đạt được thỏa thuận cho ngân sách chính phủ liên bang. Tình trạng "shutdown" này đang bắt đầu có những tác động đầu tiên trong lĩnh vực du lịch.

trump1 - Copie

Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 20/01/2018. Reuters/Joshua Roberts

Tại New York, khu tượng đài Nữ Thần Tự Do và Bảo tàng Di Dân hôm qua 20/01/2018 không mở cửa khiến nhiều người du khách thất vọng.

Thông tín viên Marie Bourreau tại New York :

 Bình thường, khi họ nghe tiếng còi hụ, du khách biết ngay là chỉ cần có 10 phút băng sông là đến khu vực tượng Nữ Thần Tự Do và bảo tàng Ellis Island. Thế nhưng, hôm nay, do không đạt được đồng thuận về ngân sách liên bang, họ đành phải chiêm ngưỡng tượng từ xa. Một nỗi thất vọng tràn trề đối với Benjamin, du khách Pháp dành một tuần đến thăm Big Apple (biệt danh của thành phố New York).

"Chúng tôi chỉ làm một vòng du ngoạn trên sông. Chúng tôi không thể đến và đặt chân lên Ellis Island hay Liberty Island".

Nằm dưới sự quản lý của Công Viên Quốc Gia, bảo tàng về di dân và khu vực tượng Nữ Thần Tự Do đã bị đóng cửa do tình trạng "shutdown", đặt nhiều công chức vào tình trạng thất nghiệp tạm thời. Coraline đã biết vụ việc nhưng cũng chẳng buồn tìm hiểu hậu quả

"Chúng tôi có biết thông tin này khi chúng tôi đang dùng bữa điểm tâm ở khách sạn. Chúng tôi thấy "shutdown" cùng với việc đếm ngược giờ nhưng chúng tôi chẳng biết chính xác đó là gì và người ta đã giải thích điều đó với chúng tôi hôm nay…".

Rất nhiều du khách, ngay vào lúc lên tầu, ít nhiều cũng đã bình tĩnh khám phá rằng chiếc vé mà họ mua trước đó không còn giá trị nữa.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến đây, nhưng thôi không sao, việc này cũng đâu có làm tôi chết đâu, chẳng sao cả. Còn có nhiều thứ nghiêm trọng hơn trong cuộc sống".

Trong lần shutdown cuối cùng năm 2013, tượng Nữ Thần Tự Do đã bị đóng cửa trong vòng hai tuần".

Minh Anh

Published in Quốc tế