Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/01/2018

Điểm báo Pháp - Đừng đánh giá Trump dựa trên bề ngoài

RFI tiếng Việt

Đừng đánh giá Tổng thống Trump chỉ dựa trên bề ngoài

Sự kiện chính quyền Mỹ buộc phải cắt giảm nhiều hoạt động do Quốc hội lưỡng viện không thông qua được ngân sách liên bang, đúng vào dịp tổng thống Mỹ mừng một năm vào Nhà Trắng, là chủ đề lớn của báo Le Monde hôm nay. Tình trạng mâu thuẫn, hỗn loạn cao độ trong chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump là điều đã rõ ràng, nhưng xã luận của Le Monde cũng cảnh báo "các đối thủ" của tổng thống Mỹ sẽ phạm phải sai lầm chết người, nếu không chú ý đến những gì mà chính quyền Trump thực sự đã làm trên bình diện đối nội, cũng như đối ngoại.

danhgia1

Chuẩn bị hình nộm tổng thống Mỹ Donald Trump cho cuộc diễu hành Carnaval ở Nice (từ 17/2 đến 3/3), Pháp, ngày 19/01/2018. Reuters/Eric Gaillard

Bài "Đừng đánh giá Donald Trump dựa trên bề ngoài" nhấn mạnh là một chính quyền ít tuân thủ các quy tắc truyền thống như chính quyền của ông Trump chỉ có thể gây ra hỗn loạn, tại Hoa Kỳ cũng như ở mọi nơi trên thế giới. Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, tổng thống Mỹ ở trong tình trạng bên bờ vực, liên tục đứng trước nguy cơ bị mất tính chính danh, thậm chí có khả năng bị phế truất, đặc biệt do hồ sơ Nga thao túng bầu cử Mỹ. Dư luận cũng liên tục đặt câu hỏi về "sức khỏe tâm thần" của nguyên thủ Mỹ.

Tuy nhiên, nếu bị hút vào những khía cạnh nói trên, người ta sẽ quên đi một điều là "tỉ phú bất động sản Donald Trump đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử", về thực chất là "cuộc đua tranh dân chủ", chứ không phải là một cuộc đánh giá về năng lực và tư cách. Được bầu cho một nhiệm kỳ bốn năm, và vừa được bác sĩ của Nhà Trắng đánh giá là có sức khỏe "tuyệt vời", ông Donald Trump hiện đang nhắm đến một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ở ngưỡng cửa 2020.

Xã luận Le Monde nhận xét là, cho dù phong cách cầm quyền đặc biệt của ông Trump gây nhiều náo loạn, tổng thống Mỹ cũng đã đạt được một số mục tiêu của mình trong giai đoạn nắm quyền đầu tiên, như cải cách thuế, thắt chặt quy định về nhập cư, bổ nhiệm ồ ạt các thẩm phán liên bang cho nhiều thập niên tới. Và đặc biệt là, cho dù bị mất lòng dân chưa từng thấy trong 12 tháng cầm quyền đầu tiên, Donald Trump vẫn là tổng thống của một nền kinh tế "đang tăng trưởng". Ông Trump một ngày nào đó rất có thể sẽ được coi là người có công lớn vực dậy nền kinh tế Mỹ, thành tích mà cho đến nay Donald Trump vẫn phải chia sẻ với tiền nhiệm Obama, người mà ông ta vốn "ghét cay, ghét đắng".

Theo Le Monde, cũng cần chú ý đến "một số bóng đen" che phủ bức tranh kinh tế sáng sủa nói trên. Đó là nghi án Nga can thiệp tiếp tục đeo bám Nhà Trắng, là quyết tâm của ông Trump liên tục thách thức "các thế cân bằng quốc tế mong manh" với "những trắc nghiệm gây sốc", từ vấn đề cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thương mại quốc tế, hay hồ sơ hạt nhân với Iran, xung đột Israel-Palestine. Tóm lại, khuyến nghị của Le Monde là có rất nhiều hồ sơ cần được xem xét kỹ lưỡng để đánh giá được đúng "ông Trump đã làm gì, và ông ta là người như thế nào", hơn là để bị thu hút vào "các huyên náo", sau các thông điệp sáng sớm của tổng thống Mỹ trên mạng Twitter ưa thích.

"Ba trở ngại" nội bộ với tổng thống Mỹ

Vẫn về tổng thống Mỹ Donald Trump, mục "Thảo luận" của Le Monde giới thiệu quan điểm của hai nhà nghiên cứu. Ông Denis Lacore, chuyên gia về chính trị Mỹ (Học viện Chính trị Paris), nhận xét là hiện thời đảng Cộng Hòa vẫn dành sự ủng hộ cho tổng thống Trump, nhưng trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào cuối năm nay, phần thắng có thể sẽ thuộc về đảng Dân Chủ.

Chuyên gia Pháp ghi nhận "ba trở ngại lớn" trong hệ thống chính trị Mỹ mà tổng thống Trump phải đối mặt. Thứ nhất là, đảng Cộng Hòa không có đủ 60 /100 ghế tại Thượng Viện để phê chuẩn các quyết định của tổng thống. Thứ hai là tư pháp liên tục đưa ra các biện pháp ngăn cản những biện pháp bị coi là vi hiến của nguyên thủ, và thứ ba là tính chất liên bang của nước Mỹ khiến chính quyền các tiểu bang có thể đưa ra các quyết định đi ngược lại quyết tâm của Washington.

Các hệ phái Phúc Âm : "Khối cử tri vững chắc" của Donald Trump

Về phần mình, giáo sư chính trị Samuel Goldam, Đại học George Washington, đánh giá : tổng thống Trump đã không làm được gì đáng kể, nhưng ngược lại ông ta có được sự hậu thuẫn của "một khối cử tri vững chắc". Nhà chính trị học Mỹ nêu bật một số nghịch lý như nhiều cử tri dành sự ủng hộ cho Donald Trump, không phải vì đồng ý với các ý tưởng của tổng thống Mỹ, mà vì "phong cách nói thẳng tuột" của ông ta.

Nhà chính trị học đại học Washington cũng nhấn mạnh đến sự ủng hộ lớn dành cho Donald Trump từ phía các lực lượng bảo thủ trong các phái Tin Lành Phúc Âm. Các giáo phái Phúc Âm, đã trở nên thiểu số trên đất Mỹ từ nhiều thập niên nay, đang cần đến một người bảo trợ, họ cảm thấy tổng thống Trump mang lại điều này. "Donald Trump – biểu tượng mới của nước Mỹ Phúc Âm" là một phóng sự của Le Figaro hôm nay.

Trung Quốc : "Nhà tù lớn" của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Về Trung Quốc, báo Le Monde có hồ sơ lớn : "Trung Quốc : Nhà tù lớn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương", cho biết người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương là nạn nhân của "các đàn áp khốc liệt" của chính quyền Bắc Kinh dưới danh nghĩa "chống ly khai, khủng bố, cực đoan tôn giáo".

Phóng viên Le Monde ghi nhận sự hiện diện quân sự bất thường của Trung Quốc trên trục đường chính xuyên qua khu tự trị Tân Cương, nối liền thủ phủ Urumqi với thành phố Kashgar (hay Khách Thập). Trên tuyến đường dài gần 1.500 km này, phóng viên đã nhìn thấy ít nhất 36 xe quân sự, một đoàn tàu chở xe thiếp giáp ngang qua. Binh sĩ mang vũ khí hiện diện ở khắp nơi. Trên đường phố, người Duy Ngô Nhĩ có thể bị kiểm tra, khám xét nội dung điện thoại cầm tay bất cứ lúc nào. Mọi liên lạc với gia đình ở nước ngoài bị nghi ngờ. Tất cả những người Duy Ngô Nhĩ được hỏi đều cho biết không còn giữ các tiếp xúc với bên ngoài thông qua mạng We Chat, mạng tin nhắn bằng tiếng Trung, hay bất cứ mạng nào khác.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, từ mùa hè vừa qua chính quyền Trung Quốc – thông qua các cuộc thăm khám sức khỏe trá hình – đã thu thập các dữ liệu nhân trắc học (trong đó có thông tin về ADN) của toàn bộ cư dân Duy Nhĩ.

Theo Le Monde, các đàn áp, kiểm soát siết chặt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương diễn ra trong sự thờ ơ của người dân sắc tộc Hán, hiện đã trở thành sắc tộc đa số tại vùng đất lâu đời của người Duy Ngô Nhĩ.

Can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ : Bước ngoặt trong cuộc chiến Syria

Can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc nước Syria hai đang trong nội chiến là một tâm điểm thời sự quốc tế. Les Echos nhận xét can thiệp của Ankara vào cuối tuần qua là một "bước ngoặt trong cuộc chiến tại Syria".

Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập một hành lang sâu khoảng 30 km suốt dọc biên giới để đẩy lực lượng Kurdistan, mà họ cho là khủng bố, ra xa khỏi lãnh thổ nước này. Quyết định được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ lực lượng Kurdistan xây dựng các nhóm bảo vệ an ninh biên giới, với khoảng 30.000 người. Ankara coi đây là hành động đe dọa chủ quyền nước này. Theo Les Echos, với can thiệp quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ thêm trở nên xa cách với các đồng minh phương Tây. Hôm nay, một cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An về vấn đề này được triệu tập, theo đề nghị của Paris.

Vẫn về cuộc can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ, báo Le Figaro cho hay Ankara dự kiến sẽ "một chiến dịch phức tạp và kéo dài". Đà tiến quân của phía Thổ sẽ phụ thuộc vào khả năng kháng cự của từ 8.000 đến 10.000 chiến binh Kurdistan có mặt tại Afrin. Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Ahmet Kasim Han (Đại học Kadir Has ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) dự đoán người Kurdistan sẽ kéo quân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến đô thị tại một địa bàn mà họ đã kiểm soát từ lâu, và đã rất quen thuộc trong kiểu tác chiến này.

Tunisia : "Nỗi giận" của dân chúng và "niềm hy vọng" của dân chủ

Vẫn liên quan đến khu vực Trung Cận Đông, Les Echos có bài phóng sự : "Iran – Tunisia : Nỗi giận xuyên thấu", nhấn mạnh đến một điểm chung mà chính quyền hai nước Iran và Tunisia đang phải đối mặt, cho dù thể chế chính trị tại mỗi nước là rất khác nhau. Điểm chung đó là sự bất bình của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, đang lâm vào các điều kiện sống ngày càng khó khăn hơn.

Về mặt "địa chính trị", vị trí của Tunisia là ít quan trọng hơn nhiều so với Iran, bên cạnh đó là diện tích và dân số của quốc gia Bắc Phi cũng đều ít ỏi hơn. Thế nhưng theo Les Echos, khủng hoảng tại Tunisia hiện nay cần phải được coi là quan trọng, không chỉ với Châu Âu, mà còn đối với toàn bộ khu vực Bắc Phi và Trung Cận Đông.

Liên Hiệp Châu Âu - với thể chế dân chủ - hiện đang đối mặt với đe dọa của các chế độ độc tài từ bên ngoài, và làn sóng dân túy từ bên trong, cần "bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình chính thông qua việc ủng hộ các nguyên tắc của nền dân chủ". Ủng hộ nền dân chủ tại Tunisia chính là gửi một thông điệp mạnh đến nước Nga, quốc gia từng mưu toan làm suy yếu nền dân chủ tại Anh Quốc hay Tây Ban Nha, cũng là một thông điệp gửi đến các thế lực chính trị dân túy Châu Âu tại Hungary hay Ba Lan.

Les Echos nhấn mạnh là "tương lai của Tunisia có một giá trị biểu tượng mang tính toàn cầu". Vào lúc nền dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang chao đảo, điều quan trọng là Tunisia tiếp tục đứng vững, như đã từng như vậy kể từ năm 2011, để tiếp tục là "ốc đảo hy vọng" trong một khu vực đang khủng hoảng nặng nề.

Đức – Pháp muốn gia tăng hợp tác xóa nhòa biên giới

Nỗ lực tăng cường quan hệ Pháp – Đức, trụ cột của dự án phục hưng Châu Âu, là một chủ đề chính của Les Echos.

Les Echos đặc biệt chú ý đến việc Quốc hội hai nước hôm nay chuẩn bị thông qua một nghị quyết đẩy mạnh hợp tác, trong đó có dự án thực nghiệm xây dựng "các khu xuyên biên giới", được coi là "chưa từng có". Nghị quyết - được đưa ra đúng vào dịp kỉ niệm 55 năm hiệp định Elysée, mở đầu cho kỷ nguyên hữu nghị Pháp – Đức.

Khu vực giáp biên giới Pháp – Đức vốn là nơi các đảng dân túy đang dành nhiều ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Theo chuyên gia về quan hệ Pháp Đức Claire Demesmay (Viện Chính Trị Đối Ngoại Đức DGAP), nếu được thực hiện đây sẽ là một bước vọt đầy tham vọng của sự hội nhập Pháp-Đức, và Châu Âu nói chung.

Nghị quyết của Quốc hội Pháp – Đức kêu gọi chính quyền hai bên dành thêm cho nhiều đơn vị hành chính xuyên biên giới Pháp-Đức (gọi là "eurodistrict") các quy chế riêng ; chế độ thuế tại những nơi này cũng khác phần còn lại của quốc gia. Dự án các vùng xuyên biên giới Pháp-Đức cho phép dân cư hai bên biên giới phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đặt ra với đời sống địa phương, không phân biệt quốc gia, lãnh thổ. Một trong các kế hoạch tiêu biểu của dự án này là xây dựng các trường học hỗn hợp Pháp-Đức, nơi việc giảng dạy được tiến hành đồng đều bằng cả hai thứ tiếng.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 689 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)