Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cũng như hạt nhân, kinh tế Bắc Triều Tiên "ngụy trang" tiến bước

Cách mạng nhung tại Nam Phi, cách mạng xe hỏa, cải tổ thi cử và giáo dục tại Pháp, chiến trường mới giữa các cường quốc cấp vùng tại Trung Đông, nước cờ bén nhạy của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong trận đồ hạt nhân phức tạp, Kim Jong-un "cũng che giấu" chiến lược kinh tế là một số đề tài chính của báo chí Pháp ngày 16/02/2018.

kinhte1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một nhà máy mới ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phân phát ngày 01/02/2018. KCNA/via Reuters

Zuma từ chức, tựa lớn của Le Monde. Tại Nam Phi, dưới sức ép của đảng ANC cầm quyền, của tư pháp và dân chúng, tổng thống Zuma phải từ chức. Đây là tổng thống thứ hai ở Châu Phi, sau nhà độc tài Mugabe ở Zimbabwe, mất ghế dưới ba áp lực. Cũng trên trang nhất, nhật báo độc lập cho biết bằng cách nào bộ trưởng giáo dục Pháp "Blanquer sẽ cải cách bằng tú tài và trung học cấp ba", một nhu cầu "canh tân cần thiết".

Con Chó Đất

Không quên hôm nay là ngày đầu năm Mậu Tuất, La Croix chia sẻ dự báo của một chiêm tinh gia Hồng Kông "con chó đất (thổ) đem lại một năm tốt lành" trong khi chờ đợi những biến cố đáng lo "với con chó lửa vào năm 2030".

Chiếm gần hết trang nhất của nhật báo công giáo là bức ảnh một tên lửa rời giàn phóng cùng với bài nhận định của một chuyên gia Pháp , nhân diễn đàn an ninh quốc tế hàng năm khai mạc tại Munich vào chiều nay : "Nguy cơ chạy đua vũ trang xuất phát từ chính sách răn đe hạt nhân của Nga và Mỹ".

Trong khi đó, Le Monde tập trung vào bán đảo Triều Tiên với hai bài phân tích : "Bàn đạp Thế Vận Hội" và "Trong kinh tế cũng thế, Bắc Triều Tiên ngụy trang đi tới".

Bắc Triều Tiên và kinh tế "ngụy trang"

Để minh chứng cho nhận xét này, Marie de Verges, tác giả của bài kinh tế Bắc Hàn tìm lại một bức thư trong kho tài liệu mật của Bộ ngoại giao Pháp. Trong chuyến thăm viếng Bắc Triều Tiên vào năm 1974, đại sứ Pháp tại Trung Quốc Etienne Manac’h "cho biết" nhìn thấy hiện tượng "sinh động" ở phía bắc vĩ tuyến 38. Gặp nhiều người dân mà bề ngoài có thể "bị lầm với một công dân Nhật có tiền". Thủ đô Bình Nhưỡng có "nhiều toà cao ốc mới toanh, nông thôn được cơ giới hóa và đáng chú ý hơn hết là chính quyền tỏ ra quan tâm đến việc cải thiện điều kiện vật chất và đời sống của người dân".

Giờ đây, trong bối cảnh Thế Vận Hội đưa Bắc Triều Tiên lên trang nhất thời sự, thì bức điện tín lạc quan của đại sứ Pháp 40 năm về trước không khỏi làm người đọc ngỡ ngàng. Tuy Bình Nhưỡng biết lợi dụng Thế Vận Hội để đóng vai đoàn kết với anh em miền nam, thậm chí giành được thiện cảm quốc tế, nhưng trên thực tế hai nước khác xa nhau một trời một vực.

Quê hương của Samsung, của Hyundai là con rồng kinh tế của thế giới trong khi ở phía bắc vĩ tuyến 38, phải nhìn nhận rằng những lời hứa phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng qua sự mô tả của đại sứ Etienne Manac’h không được thực hiện. Kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn bị xếp vào hạng nghèo khó ở Châu Á. Những sản phẩm công nghệ chế biến của họ, thuộc loại nhu yếu phẩm ở miền bắc, hoàn toàn không có tiếng tăm gì trên thị trường thế giới.

Tại sao Bình Nhưỡng không theo chân Trung Quốc, Việt Nam mở cửa ? Do khép kín, bế quan tỏa cảng, Bắc Triều Tiên bị nạn đói trong thập niên 1990 và rơi vào tình trạng trì trệ. Các nguồn kinh tế hiếm hoi lại được dồn vào cuộc chay đua hạt nhân thay vì dành cải thiện đời sống dân chúng.

Thật ra câu chuyện không đơn giản như thế, theo Le Monde. Cũng như thời "Triều du" của đại sứ Etienne Manac’h, kinh tế Bắc Triều Tiên tiếp tục đánh lừa giới quan sát. Vì không có thống kê, các chuyên gia dựa theo những gì họ thấy : cao ốc mọc như nấm, một xã hội tiêu dùng manh nha xuất hiện, những trung tâm thương mại được xây cất, hiện tượng cạnh tranh giữa các xe taxi, giữa những quán ăn hay nhãn hiệu kem đánh răng, sữa chua, xe đạp...

Theo Ngân hàng Nhà nước Hàn Quốc, tỉ lệ tăng trưởng của Bắc Triều Tiên là 3,6% trong năm 2016, tương tự như tình hình Ba Lan và Hungary sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản. Theo Le Monde, một bộ phận dân chúng vẫn đói nhưng từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền, "lãnh đạo tối cao" cam kết chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng", từ nay gắn kết phát triển kinh tế với vũ khí hạt nhân. Làm ăn tư nhân được khuyến khích, với một giai cấp doanh nghiệp được gọi là "đại gia" không khác mấy so với Trung Quốc trong thập niên 1980.

Vấn đề là lời hứa của Kim Jong-un rất khó thực hiện vì đụng phải chính sách cấm vận. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế Pháp, Bình Nhưỡng đã chuẩn bị tình huống này và đã có chính sách luồn lách cấm vận để tồn tại. Trong quân sự cũng như trong kinh tế, Bắc Triều Tiên là một phương trình "phức tạp" theo kết luận của Le Monde.

Giàn nhúng và dốc tuyết của "vận động viên Moon"

Lọt trong thế trận phức tạp của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc còn chịu áp lực của Trung Quốc và đồng minh Hoa Kỳ. Seoul không thụ động.

Chiến pháp đầy rủi ro của tổng thống Hàn Quốc - tìm cách thuyết phục Washington và Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán - được phân tích trong bài "Bàn đạp Thế Vận Hội" của Le Monde, một sáng kiến không được đa số dân chúng Hàn Quốc hưởng ứng.

Chính vì xác suất thành công không cao nên tổng thống Moon Jae-in chấp nhận đánh cược : lối thoát trong ngõ cụt. Mười triệu dân thủ đô Seoul nằm trong tầm mưa pháo của Bắc Triều Tiên : của 8.000 khẩu đại bác có khả năng bắn ra 300.000 quả đạn trong một giờ. Do vậy, trước khi giải quyết vũ khí hạt nhân, ưu tiên số một của tổng thống Hàn Quốc là phải "hạ nhiệt" tại bán đảo, tức là phải kéo Washington và Bình Nhưỡng ngồi vào bàn thương lượng.

Đối với tổng thống Donald Trump, chế độ Kim Jong-un sớm muộn gì cũng sụp đổ thì đàm phán làm gì. Nhưng bây giờ tổng thống Mỹ thấy rõ Trung Quốc không làm thay Mỹ, chế độ Bình Nhưỡng tìm cách tồn tại - bằng mọi giá buộc Mỹ phải nhìn nhận là siêu cường hạt nhân. Với hai thực tế này, con đường duy nhất là Mỹ phải đích thân nói chuyện với Bắc Triều Tiên qua trung gian môi giới của… tổng thống Hàn Quốc. Theo Le Monde, tổng thống Moon có cơ may thắng cược hòa bình, gây áp lực tối đa với đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng như một vận động viên trượt tuyết, con dốc giá băng của Pyeongchang đòi hỏi tổng thống Moon phải thật cẩn thận.

Hỏa xa Pháp trước quả bom tái cấu trúc

Coi chừng xe khởi hành : nhật báo cánh tả Libération tóm lược trên trang bìa "Ngành đường sắt của Pháp sẽ thay đổi sâu sắc" qua những đề nghị cải cách "như quả bom" của bản báo cáo Spinetta, tên của cựu lãnh đạo hãng hàng không dân dụng "giảm cân" Air France.

Cũng như đồng nghiệp cánh tả, trang nhất của Le Figaro đặt câu hỏi : Phải chăng quy chế đặc quyền của nhân viên ngành xe lửa Pháp sắp đến hồi kết ? Bảo báo cáo vừa trao cho chính phủ đề ra 43 biện pháp cải cách công ty nhà nước nhiều nợ nần, trong đó có việc biến hai bộ phận của SNCF thành những công ty nặc danh, và lập quy chế mới cho các nhân viên được tuyển dụng trong tương lai : một cuộc tuyên chiến, theo cảnh báo của giới nghiệp đoàn lao động.

Syria : Nga gặp cảnh "lực bất tòng tâm"

Trên trang quốc tế, nhật báo cánh hữu chú ý về lò lửa Trung Đông, chiến trường mới của các cường quốc cấp vùng và vũng lầy của nước Nga.

Theo Le Figaro, sự tham chiến ngày càng sâu của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria, có mục đích làm thay đổi kết quả cuộc xung đột. Ankara muốn chận Kurdistan lập quốc, còn Tel Aviv thì dứt khoát không để cho Iran cắm cọc tại Syria.

Trong bối cảnh tranh giành chiến lược nóng bỏng này, Nga tuy vẫn mạnh trên lý thuyết, nhưng vì ủng hộ Bachar al-Assad nên không còn vũ khí chính trị nào để đạt được một thỏa hiệp ngoại giao ở Syria. Moskva còn khó thoát vũng lầy bởi vì chủ trương thân Nga của "đồng minh Donald Trump" đã bị xếp vào quá khứ. Đưa tên lửa tối tân S-400 vào Syria, Nga gây hệ quả tiêu cực trong quan hệ với Châu Âu qua thông điệp, thực tế, phũ phàng : sức mạnh quân sự không bao giờ là phương tiện lỗi thời trong ván cờ địa chính trị.

Hóa chất trong đồ chơi trẻ con đe dọa tương lai nhân loại

Le Monde trở lại với hồ sơ "Chất độc trong đồ chơi trẻ con" và "Tác hại của hóa chất bisphenol A trong quá trình hình thành tế bào sinh dục của thai nhi".

Một cuộc thanh tra cấp Châu Âu phát hiện chất chì, amiante và phtalates vẫn còn được dùng trong đồ chơi, dụng cụ trong nhà và trong xe đẩy chở em bé.

Tai hại hơn nữa là hợp chất bisphenol A được chứng minh gây tác hại cho tế bào gốc trong tuyến sinh dục bé trai, một khám phá của giới khoa học Pháp

Vận động viên thể thao : Vì sao nam đông hơn nữ

Trong mùa Thế vận, Libération tìm hiểu vì sao nam giới giỏi thể thao hơn nữ giới. Thủ phạm chính là tâm lý "trọng nam khinh nữ" bắt rễ trong xã hội : dụng cụ thể thao và cơ sở tập luyện công cộng luôn ưu tiên cho bọn con trai. Thế vận hội Sochi 2014 và Rio 2016 cho thấy dù ở các bộ môn nào, mùa hè hay mùa đông, nữ vận động viên bao giờ cũng ít hơn nam giới, số huy chương gặt hái cũng ít hơn (hai lần ít hơn ở Rio, hai lần ít hơn ở Sochi).

Giới nghiên cứu đề nghị : hãy bắt đầu như Bordeaux, thành phố tây nam nước Pháp, nơi đã có một "ban theo dõi thể thao" nữ giới để tái lập quân bình, thêm phụ cấp cho các chương trình dành cho phái nữ thay vì dành đến 70% cho nam giới như hiện nay.

Tú Anh

Published in Châu Á

Một cách ngấm ngầm, không lộ liễu, càng lúc càng có thêm nhiều diện tích hàng trăm héc ta đất nông nghiệp ở Pháp lọt vào tay chủ nhân người Trung Quốc. Những thương vụ thu mua này, với giá cao ngất ngưởng, đang đội giá đất canh tác ở Pháp lên cao, và bắt đầu khiến cho người địa phương ngày càng bất bình.

tq0

Người Trung Quốc mua đất canh tác nông nghiệp của Pháp * Ảnh minh họa (agravis)

Trong bài viết (ngày 11/02/2018) mang tựa đề : "Lòng háu ăn không tả của người Trung Quốc đối với đất nông nghiệp Pháp", nhà báo Edouard de Mareschal của nhật báo Pháp Le Figaro đã tìm hiểu thêm về một khía cạnh ít được chú ý trong xu hướng bành trướng hiện nay của Trung Quốc.

Phóng sự điều tra xuất phát từ một ví dụ gần đây nhất : Một tập đoàn Trung Quốc đa ngành vừa mua 900 ha đất ở tỉnh Allier, miền trung nước Pháp, nơi có thành phố Vichy nổi tiếng. Thương vụ này đã được thực hiện một cách rất kín đáo, tương tự như giao dịch trước đó, thực hiện tại tỉnh Indre, gần đấy, quê hương của nữ văn hào George Sand hay tài tử Gérard Depardieu. Những vụ mua lại với quy mô to lớn như vậy đã làm giá đất nông nghiệp trong vùng tăng vọt, và càng lúc càng làm nông dân địa phương khó chịu.

Theo ký giả của tờ Le Figaro, như vậy là từ tháng 11 năm 2017, 900 ha đất của tỉnh Allier đã lọt vào tay Trung Quốc, thông qua một cuộc chinh phục không phải bằng vũ khí hay bạo lực, mà bằng những giao dịch bí mật.

Tại sao Trung Quốc lại thu mua đất nông nghiệp Pháp ? Họ định làm gì ? Đối với thị trưởng của Thiel-sur-Acolin, một trong những thị trấn, có một phần đất đai đã trở thành sở hữu của Trung Quốc, có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Ông thị trưởng Daniel Marchand của thị trấn không đầy một nghìn dân này nói ngay : "Tôi không thể nói với ông bất cứ điều gì, vì lý do rất đơn giản là không ai thông báo cho tôi bất kỳ điều gì. Chúng tôi rất muốn gặp các sở hữu chủ của các khu đất, hay ít nhất là người đại diện của họ. Đối với một thị trưởng, chẳng phải điều tối thiểu là phải biết được những gì đang xảy ra trong địa phương của mình chứ !".

Đầu tư chiến lược

Chủ nhân mới của khu đất rộng gần một ngàn héc ta ở tỉnh Allier là công ty con của một tập đoàn Trung Quốc, Reward Group International, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ bất động sản, sản phẩm vệ sinh gia dụng, cho đến lương thực, thực phẩm. Tại Pháp, tập đoàn này đã phô trương một mục tiêu rất rõ ràng : "Đặt ngũ cốc Pháp trên bàn ăn người Trung Quốc".

Ông chủ của tập đoàn Reward, doanh nhân Hồ Khắc Cần (Keqin Hu), rất tự hào về việc có được "tám trang trại lớn ở Pháp với quyền sở hữu vĩnh viễn". Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, ông muốn mở một chuỗi tiệm bánh cao cấp, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất công nghiệp, từ thu hoạch nguyên liệu ở Pháp cho đến các quầy hàng bán bánh mì và bánh ngọt ở Trung Quốc. Trong công việc thu mua của mình, Hồ Khắc Cần đi theo một ưu tiên hàng đầu : "Phát triển ngành công nghiệp để phục vụ đất nước", dĩ nhiên là Trung Quốc !

Phải nói là việc thâu tóm đất canh tác tại Pháp không đơn thuần là một dự án công nghiệp và thương mại, mà còn là một chiến lược đầu tư. Theo chuyên gia Christophe Dequidt, nghiên cứu hệ thống nông nghiệp của khoảng mười lăm quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, thì "phương trình rất đơn giản : Trung Quốc có đến 20% dân số thế giới nhưng lại chỉ có dưới 10% diện tích đất canh tác để làm ra thức ăn".

Vì vậy, theo ông Dequidt, Trung Quốc "nhất thiết phải nhìn ra nước ngoài... Và mô hình nông nghiệp Pháp rất được người Trung Quốc ưa chuộng nhờ hiệu suất cao, kỹ năng thực hiện hiệu quả, và cách tổ chức các ngành nghề tốt".

Lôgíc tài chính

Việc mua đất tại Pháp cũng có thể chỉ tuân theo một lôgíc thuần túy tài chính. Bà Marie–Hélène Schwoob, kỹ sư nông nghiệp đồng thời là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế Iddri, nhận định : "Tại một nước như Trung Quốc, nơi mà tăng trưởng nhiều lúc trên 10%, thì có rất nhiều khoản vốn to lớn bị dư thừa... Giới đầu tư do đó muốn ‘cất giữ’ tiền trong địa ốc hay đất đai. Đó là chưa kể đến việc mua đất cũng mang lại những khoản lợi về thuế".

Ví dụ nêu trên về thương vụ người Trung Quốc thu mua đất tại Pháp đã gây sốc trên bình diện truyền thông báo chí. Thế nhưng ký giả của Le Figaro cũng nhắc lại đâu phải chỉ có người Trung Quốc là đầu tư vào đất đai Pháp : còn có nào là Đức, Anh, nào là Hà Lan, Bỉ nếu chỉ nhìn phía người Châu Âu.

Chính quyền Pháp bất lực

Trước vấn đề đầu tư vào đất đai này, các cơ quan Safer của Pháp, tức là các cơ quan phụ trách quy hoạch đất đai và cơ sở ở nông thôn, như đã phải bó tay.

Được thiết lập vào những năm 1960 để theo dõi vấn đề quy hoạch lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ nông thôn lập nghiệp, giới hạn tình trạng tập trung quá mức, các cơ quan này giờ đây không thể giải quyết một xu hướng đang lên nhanh chóng.

Trong vòng 10 năm, 20% đất nông nghiệp đã lọt vào tay các công ty nặc danh. Khi cơ quan Safer ở Allier biết đến đề án của Reward Group International, thì tình hình đã quá trễ để sử dụng quyền trưng mua ưu tiên cho một khách hàng khác.

Kẽ hở pháp lý quen thuộc của Pháp

Về phản ứng thụ động của cơ quan Safer, ông Marc Bernardet phó thị trưởng đặc trách tài chính ở Thiel-sur-Acolin giải thích : "Vì không làm gì được cho nên (Safer) đã không trả lời khi được công chứng viên thông báo chứng từ bán đất".

Theo Le Figaro, tập đoàn Trung Quốc đã dựa trên một kẻ hở pháp lý quen thuộc ở vùng nông thôn Pháp : Cơ quan Safer chỉ có quyền trưng thu khi toàn bộ khu canh tác được bán đi. Như vậy người bán chỉ cần biến khu canh tác thành một công ty cổ phần, trước khi bán cho người mua.

Đó là điều đã xẩy ra ở Allier : Người bán, một chủ nhân người Pháp, đã bán cho Trung Quốc tất cả khu canh tác của mình đã được chia thành phần và gộp lại trong các công ty nông nghiệp, chỉ giữ lại tượng trưng một hay hai phần trong mỗi lô bán đi.

Trước khi thâu tóm đất ở vùng Allier thì Hồ Khắc Cần đã áp dụng cách thức tương tự để mua đất ở tỉnh Indre. Từ cuối năm 2014 đến tháng 4/2016, quỹ đầu tư Hong Yang của ông mua lại nhiều công ty khai thác nông nghiệp ở các địa danh Châtillon-sur-Loire, Vendœuvres hay Clion. Tổng cộng 1700 ha đã lọt vào tay ông như vậy.

Để làm những thương vụ đó, Hồ Khắc Cần đã dựa trên một doanh nhân người Pháp, Marc Fressange, người đã thành lập một công ty xuất khẩu đặc sản nông nghiệp Pháp sang Trung Quốc. Về phục vụ cho Hồ Khắc Cần, Marc Fressange đã tham gia vào tất cả các ban điều hành của các công ty nông nghiệp được mua lại.

Trung Quốc vung tiền dễ dàng làm giá đất tăng vọt

Tại vùng Allier, vụ Trung Quốc thâu tóm đất gây bực tức không ít. Khoản tiền bỏ ra không được công bố, nhưng được ước tính là từ 10 đến 12 triệu euro. Dĩ nhiên số tiền này không phải chỉ là tiền đất mà còn gồm bao nhiêu phụ phí khác, khó tính được giá một ha đất là bao nhiêu.

Có điều theo dân biểu Jean Paul Dufrène của vùng này, giá một ha đất ở đây là từ 2.000 đến 3.000 euro... Giá mua như nói trên là cao hơn giá thị trường rất nhiều, cao hơn gấp 3 lần. Hậu quả rất hiển nhiên, các nông dân trẻ ở địa phương không thể với tới được, nên sẽ không có đất canh tác.

Những thương vụ mua đất canh tác này được các giới nông dân trẻ theo dõi khá sát. Jean Taboulot, hiện khai thác một nông trại 460 ha và một đàn bò 360 con, nhớ lại lúc trẻ ông làm việc cho người chủ đã bán lại đất cho người Trung Quốc. Trả lời phóng viên Le Figaro, Jean Taboulot đã rào trước là ông không muốn nói xấu người chủ cũ, vốn đã làm rất nhiều điều cần thiết cho khu đất canh tác, đã đầu tư rất nhiều vào những năm 1980, vào lúc mọi người đang cần.

Có điều là khi ông bán lại đất, thì không một nhà nông trẻ nào đủ tiền để tranh mua được với người Trung Quốc.

Mai Vân

Published in Quốc tế

Trục trặc trong trục Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara là chặng dừng "nhạy cảm nhất" trong vòng công du Trung Đông của ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, trong bối cảnh hai đồng minh khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, này đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết vì chiến sự Syria.

mytho1

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ gần Núi Barsaya, phía đông-bắc Afrin (Syria), ngày 23/012018. Reuters/Khalil Ashawi

Hai lý do giải thích cho trục trặc trong quan hệ giữa Ankara và Washington lần này. Một là Hoa Kỳ ủng hộ người Kurdistan trong vùng Afrin – Tây Bắc Syria, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công Afrin từ hôm 20/01/2018. Thứ hai là Washington vừa thông báo bỏ ra nửa triệu đô la để trang bị và đào tạo cho Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS- mà trong đó lực lượng vũ trang của người Kurdistan YPG chiếm đa số.

Giới quan sát loại trừ khả năng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đối đầu về mặt quân sự, nhưng lo ngại sẽ "khó tránh được những sự cố va chạm". Nhưng không chỉ có thế. Vào lúc mà trục Washington–Ankara bị đe dọa thì nước Nga của tổng thống Putin lại trở thành "đối tác chiến lược" đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Moskva không bỏ lỡ cơ hội "đổ thêm dầu vào lửa". Ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov làm lung lạc công luận Thổ Nhĩ Kỳ khi tuyên bố thẳng thừng là Mỹ đang có kế hoạch thành lập một Nhà nước Kurdistan ở phía bắc Syria.

Tại Washington, chưa bao giờ lo ngại "để mất Thổ Nhĩ Kỳ" lại lớn như hiện nay. Có điều, như bình luận của một chuyên gia được Le Monde trích dẫn, Ankara "không xích lại gần phương Tây hay phương Đông, mà đang lao vào thế bị cô lập". Không chỉ với Hoa Kỳ, nước Thổ Nhĩ Kỳ trong tay tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn khiến cả NATO đau đầu : có lực lượng lớn thứ nhì trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng từ sau cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7/2016 quân đội nước này đang "xa dần các đối tác phương Tây".

Thất bại của Nga trên hồ sơ Syria

Xã luận của La Croix xoáy vào thất bại của Nga tại Syria, nhưng đó là một thất bại chính trị như tựa của bài viết.

Chiến sự tại Syria kéo dài từ 7 năm qua mà vẫn chưa tới hồi kết. Những nước lớn trong khu vực lần lượt theo chân nhau "nhập cuộc". Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, các siêu cường trên thế giới vẫn không tìm ra đồng thuận, cho dù là vấn đề khá đơn giản nếu như các bên chấp nhận đặt quyền lợi của người dân Syria lên trên hết khi biết có tới 13 triệu người – trong đó gần một nửa là trẻ em, cần được cứu trợ nhân đạo.

Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm về bế tắc đó ? Theo nhật báo La Croix, "các lực lượng quân sự có mặt tại hiện trường, chủ yếu là Nga và Iran (...). Moskva và Teheran đã giành được thắng lợi trên một mặt trận mà cả Washington, Paris hay Ryad đã không thực sự dấn thân vào. Từ nhiều tháng qua, điện Kremlin cố gắng tạo điều kiện để giảm bớt căng thẳng nhưng đã thất bại. Putin nên nhìn nhận thất bại ấy và mở rộng đàm phán đến nhiều phe phái hơn, đồng thời buộc Damascus giảm cường độ các cuộc giao tranh, ngưng sử dụng vũ khí hóa học".

Tờ báo kết luận : Chỉ khi đó tiến trình đàm phán hướng tới một giai đoạn chuyển tiếp chính trị cho Syria mới hy vọng thành công. Trong khi chờ đợi, Paris "cố gắng nói lên tiếng nói của mình" về xung đột Syria, như nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận sau khi tổng thống Emmanuel Macron dọa là Pháp sẽ "ra tay" nếu có bằng chứng là chế độ Damascus sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria.

Seoul đi dây giữa Washington và Bình Nhưỡng

Về thời sự Châu Á, dư âm lời mời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên gửi tới tổng thống Hàn Quốc vẫn còn đọng lại. Le Monde trong bài viết mang tựa đề "Moon, người làm xiếc đi dây giữa Washington và Bình Nhưỡng" nhận định : nếu thuyết phục được Mỹ thay đổi thái độ về chính sách đối với Bắc Triều Tiên thì đây sẽ là thắng lợi rất lớn của tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in.

Không thể phủ nhận là Bình Nhưỡng đã có những tính toán khi tung một đòn ngoại giao ngoạn mục, chìa bàn tay thân thiện với Seoul chia rẽ liên minh Mỹ-Nhật Hàn. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng, Bắc Triều Tiên đang thao túng Hàn Quốc và tổng thống Moon Jae-in ngây thơ để bị lọt vào bẫy của Kim Jong Un. Bởi đơn giản là Seoul cũng có nhiều mục tiêu đang nhắm tới.

Những mục tiêu đó là thứ nhất, bảo đảm an ninh cho suốt mùa Thế Vận Hội Pyeongchang. Về điểm này, Moon Jae-in đã ghi được bàn thắng. Thứ hai là, nhìn xa hơn, tổng thống Hàn Quốc muốn xua tan nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Bình Nhưỡng trong trường hợp Hoa Kỳ khai chiến với Bắc Triều Tiên. Mục tiêu thứ ba mà Seoul đang hướng tới là định hình một chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Để thực hiện được các mục tiêu thứ hai và thứ ba này, tổng thống họ Moon chọn đi theo con đường từng được hai người tiền nhiệm – Kim Dae-jing và Roh Moo-hyun, vạch ra. Đó là chính sách Vầng Thái Dương, trong những năm 1998-2008.

Tác giả bài báo, Philippe Pons ghi nhận : "Có một thay đổi lớn từ đó tới nay. Giờ đây Bắc Triều Tiên đã nắm giữ vũ khí hạt nhân". Dù vậy Seoul và Bình Nhưỡng sưởi ấm quan hệ, tạo cơ hội làm hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên và kể cả việc cho phép mở ra đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên. Có điều trên ván bài này, Seoul không làm chủ được tất cả mọi nước cờ. Ẩn số lớn nhất là hiềm kị giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Nhưng đổi lại, con đường tổng thống Moon chọn lựa đang khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Seoul. Công luận Hàn Quốc nhận thấy rằng, họ có trách nhiệm và phải có tiếng nói để quyết định về quan hệ với nước láng giềng phương Bắc. Theo như ghi nhận của tác giả bài báo trên tờ Le Monde, "đó là điều mà Mỹ và các đồng minh của Hàn Quốc nên cân nhắc".

Hoàng thân Đan Mạch biết tiếng Việt và tiếng Hoa

Chồng của nữ hoàng Đan Mạch, hoàng thân Henrik vừa tạ thế, thọ 83 tuổi. Le Figaro nhìn lại tiểu sử của một ông hoàng, gốc Pháp và rất am tường về Á Châu. Tên thật là Henri de Monpezat, sinh năm 1934 tại Talence, miền tây nam nước Pháp. Cho đến 5 tuổi, ông sống tại Đông Dương, bố mẹ là chủ đồn điền. Người chồng tương lai của nữ hoàng Đan Mạch đã đỗ tú tài ở Hà Nội, năm 1952.

Ông trở lại Pháp theo học trường Luật ở Sorbonne. Ngay giữa kinh kỳ Paris, ông học tiếng Việt và tiếng Hoa, làm việc trong bộ ngoại giao Pháp. Sau một thời gian phụ trách về hồ sơ Đông Phương, Henri de Monpezat được bổ nhiệm làm thư ký thứ ba tại sứ quan Pháp ở Luân Đôn. Chính trên quê hương của nhà văn Shakespeare ông đã lọt vào mắt xanh của cô công chúa Margreth xứ Đan Mạch. Thành hôn với nàng năm 1967 và chấp nhận, đổi cái tên Henri rất Pháp thành Henrik và vĩnh viễn nhận xứ sở của văn hào Andersen là quê hương thứ hai.

Ít người biết rằng, chính hoàng thân Henrik và nữ hoàng Margreth là tác giả từng dịch Simone de Beauvoir sang tiếng Đan Mạch. Ông sáng tác nhiều tập thơ bằng ngôn ngữ của Beaudelaire và luôn tự hào là một người chơi dương cầm không đến nỗi tệ : hoàng thân Henrik thủa thiếu thời từng là học trò của nhạc sĩ dương cầm bậc thầy, Alfred Cortot.

"Big bang" trong ngành giáo dục Pháp

Pháp thông báo kế hoạch cải tổ thể thức thi tú tài, kể từ năm 2021. Hiện nay, cứ vào quãng tháng 6, học sinh lớp 12 phải thi rất nhiều các bộ môn, tùy theo ban, từ Toán, Lý-Hóa đến Sử-Địa, Sinh Ngữ và cả Thể Thao. Lứa học sinh phải thi tú tài vào năm 2021 sẽ được nhẹ gánh hơn nhiều. Đây là chủ đề chiếm hầu hết trang nhất các báo.

Chuyện hiếm có là các tờ báo thuộc mọi khuynh hướng tả hữu, đều ít nhiều hoan nghênh kế hoạch cải tổ được bộ trưởng Giáo Dục Jean–Michel Blanquer trình làng vào hôm qua 14/02/2018.

"Đơn giản hơn", "rõ ràng hơn" là những cụm từ các tờ báo dành để nói về thủ tục thi tú tài sắp được áp dụng. Vậy học sinh Pháp tới đây sẽ thi tú tài như thế nào và tại sao cần phải thay đổi ?

Có hai thay đổi quan trọng, một là học sinh trung học cấp 3 không còn chia ra thành ban "Khoa học, Văn Chương hay Kinh Tế"

Trong hai năm cuối ở trung học (tức là ở lớp 11 và 12) tất cả đều có chương trình học như nhau ở các môn như Pháp Văn, Triết, Sử-Địa hay Ngoại Ngữ… Bên cạnh đó, tùy sở thích, mỗi học sinh được chọn thêm 3 môn học gọi là "chuyên môn" trong một danh sách gồm hơn một chục môn khác nhau. Trong số này có Toán, Lý Hóa, Khoa Học, Kinh Tế, Tin Học, Nghệ Thuật…

Thay đổi thứ nhì là thể thức thi tú tài. Từ năm 2021, điểm kiểm tra trong suốt hai năm học ở lớp 11 và 12 sẽ được tính vào bảng điểm cuối cùng để được trở thành cô hay cậu Tú.

Cuối năm học lớp 12, học sinh sẽ phải thi 4 môn và nhất là phải trải qua một kỳ thi hỏi đáp, phải trình bày trước một ban ban giám khảo về một chủ đề đã học qua trong năm.

Đó là về nội dung, nhưng báo chí Paris hôm nay đánh giá thế nào về kế hoạch cải tổ đó ? Xã luận của nhật báo Libération thiên tả đánh giá đây là sư sửa đổi "hợp lý". Les Echos không bình luận nhiều nhưng trích lời đại diện của một công đoàn của các thầy cô giáo cho rằng bằng tú tài sắp tới đây "sẽ thích hợp hơn với chương trình đào tạo ở cấp đại học, gần với thực tế hơn" đối với một thanh niên chuẩn bị vào đời, chuẩn bị chen chân vào thị trường lao động.

Le Figaro thiên hữu nhìn nhận đây là một dự án cải tổ "đầy tham vọng và đã được bộ trưởng Blanquer khéo lèo lái để đi đến đích". Cũng tờ báo này hết lời khen ngợi Jean-Michel Blanquer khi cho rằng, "từ thời tướng De Gaulle đến giờ, nước Pháp mới có được một vị bộ trưởng giáo dục có tầm vóc".

Người ta có thể có những cái nhìn rất khác nhau về hệ thống giáo dục của Pháp, về việc đào tạo con em, nhưng không ai có thể chê trách được kế hoạch cải tổ lần này. Tờ Libération thiên tả công nhận rằng bộ trưởng Blanquer là một người quá "khéo léo", không chần chừ đưa ra những biện pháp mạnh thay đổi cả hệ thống giáo dục mà không làm phật lòng một ai, kể cả những thành phần bảo thủ nhất cũng không tìm thấy kẽ hở để tấn công dự án cải tổ của ông.

Năm Tuất lành hay dữ ?

Trước thềm năm Mậu Tuất, mục kinh tế của tờ Le Monde điểm qua thẻ bói của một nhà chiêm tinh không chuyên nghiệp Hồng Kông, Alec So.

Alec So dựa trên tử vi để nhìn vào tương lai thị trường tài chính Hồng Kong năm Mậu Tuất tốt hay xấu. Bằng giọng điệu hài hước, tác giả giải thích : Chó là con vật trung thành với chủ, do vậy năm nay các công ty nên trung thành với thân chủ là hơn. Các nhà đầu tư chớ tham mà tìm kiếm những "cục xương quá lớn".

Sắp chia tay với con Gà Lửa của năm Đinh Dậu để chơi với Chó Đất của năm Mậu Tuất, Alec So nhắc lại ba đời tổng thống Mỹ, là các ông Bill Clinton, George W. Bush và Donald Trump đều cầm tinh con vật thông minh này.

Riêng tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, tuổi Tỵ, thì nhà chiêm tinh Hồng Kông khuyên chủ nhân điện Elysée rằng, năm nay "Nhà nước Pháp nên hợp tác với ngành tài chính và sẽ giàu to. Trong gia đạo, Macron có thể nâng ly rượu mừng cuộc sống êm đềm và hạnh phúc" đang chờ đón ông trong năm Mậu Tuất.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Grudinin, đối thủ "cộng sản" của ông Putin

Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Nga, Le Figaro mô tả nhân vật "Grudinin, đối thủ ‘cộng sản’ của ông Putin". Ứng cử viên này là một nhà triệu phú đỏ, đang ngự trị trong "nông trang tập thể" theo kiểu Disneyland, quảng bá cho "chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21".

putin1

Ông Pavel Grudinin (T), ứng cử viên tổng thống của đảng cộng sản Nga, đi thăm Bảo tàng Stalin ngày 25/01/2018. Reuters/Sergei Karpukhin

Đặc phái viên của Le Figaro mô tả tại nông trang Lenin, mô hình hợp tác kiểu mẫu ở ngoại ô Moskva, mỗi ngày đều là Noel. Dưới những bông tuyết, phía sau cánh cổng trang trí một quả dâu khổng lồ, người ta có cảm giác đây là một vương quốc Disney. Nhưng thay cho chú chuột Mickey quen thuộc, lại là các nhân vật trong truyện cổ tích Pushkin, và các phim hoạt hình thời xô-viết.

Nông trang tập thể Lenin có 350 công nhân, là nơi cư ngụ của 8.000 người, mà chủ nhân là Pavel Grudinin, 57 tuổi. Tuy không phải là đảng viên, nhưng ông lại đại diện Đảng cộng sản Nga (KPRF) ra ứng cử, và đang là ứng cử viên đầy hứa hẹn chỉ sau Vladimir Putin, trong các cuộc thăm dò dư luận. Đảng cộng sản đã chọn lựa nhà triệu phú này, thay vì tổng bí thư đảng Gennady Zyuganov, 73 tuổi.

Tuy là triệu phú, nhưng ông Grudinin lại hứa hẹn sẽ quốc hữu hóa hàng loạt lãnh vực kỹ nghệ và tài chính. Làm giàu qua việc tư nhân hóa bừa bãi trong thập niên 90 như nhiều nhà giàu mới khác, ông hứa hẹn nếu đắc cử sẽ săn lùng giới tài phiệt. Pavel Grudinin chuyên về nông sản thực phẩm nói chung, và đặc biệt là trồng dâu, với doanh số 57 triệu euro. "Tổng thống tiềm năng" chủ trương phân phối lại nguồn lực cho "quần chúng"

Các đại biểu Đại hội Komsomol quốc tế lần thứ 6 khi đi tham quan nông trang Lenin đều khen ngợi doanh nghiệp hiện đại này. Chẳng hạn đại biểu Ấn Độ cho rằng : "Đó là một cơ sở hạ tầng hoàn toàn dành cho giai cấp công nhân, một mô hình kiểu mẫu cho nước Nga và cho thế giới".

Natalia Grigorieva, một người cộng sản từ Novossibirsk nhận xét : "Pavel Grudinin là hiện thân của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ 21. Không giống như các ông chủ khác hưởng thụ của cải, ông dành tài sản của mình để phục vụ người dân". Một ưu điểm khác nữa là "Grudinin nói chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng giống như Stalin", và ông cũng để râu giống như cố lãnh tụ cộng sản quá cố.

Tuy vậy cách hoạt động của nhà triệu phú đỏ chẳng có gì là sáng tạo. Nông trang Lenin, mua lại với giá rẻ mạt sau khi Liên Xô sụp đổ, được chia ra những mảnh nhỏ bán lại với giá rất đắt cho các nhà đầu tư. Pavel Grudinin chiếm 44% cổ phần, và bố trí con trai vào chiếc ghế quan trọng là quản lý địa ốc.

Các căn hộ tại đây được bán bằng nửa giá thị trường cho 350 "xã viên", cộng thêm số tiền vay không tính lãi trả dần trong 15 năm. Đại đa số các gia đình khác phải mua đúng giá, và con em họ muốn vào khu vui chơi dành cho trẻ em hàng tháng phải trả phí 25.000 rúp (357 euro), trong khi xã viên chỉ mất 40 euro.

Maxim Suraikin, ứng cử viên cộng sản thứ nhì trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, đã ly khai khỏi đảng, tố cáo : "Grudinin không phải là người cộng sản. Đó là một nhà tư bản đóng vai dân chủ xã hội".

Trong bài phóng sự "Vua dâu đối mặt với ông chủ điện Kremlin", thông tín viên nhật báo La Croix tại Moskva cũng ghi nhận bên cạnh những lời ca ngợi, còn có không ít chỉ trích. Một người về hưu cho biết đã bị tước đoạt tài sản trong giai đoạn tư hữu hóa thập niên 90, một cựu nhân viên phàn nàn về những hứa hẹn đã bị nuốt lời, một nhà buôn mỉa mai về cuộc sống vương giả của giám đốc Grudinin…

Nhiều câu hỏi được đặt ra đối với gia tài của Pavel Grudinin (thu nhập 2,2 triệu euro trong sáu năm gần đây), chủ yếu nhờ đầu cơ địa ốc chứ không phải trồng dâu. Tuy nhiên theo La Croix, trong một nước Nga thiên tả nhưng cởi mở trước thực tế tự do, ứng cử viên Grudinin có thể chinh phục được một lớp cử tri đã mệt mỏi với chế độ của ông Putin, và lo ngại trước sự giảm sút phúc lợi xã hội trong hai năm suy thoái kinh tế.

Vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ Bắc Triều Tiên chinh phục Hàn Quốc quen "dao kéo"

Nhìn sang một nước mang danh cộng sản là Bắc Triều Tiên, Le Monde cho biết "Phụ nữ miền Bắc mê hoặc phương Nam".

Từ khi Kim Yo-jong, em gái của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào Hàn Quốc cho đến khi ra đi, các caméra không ngừng chĩa vào cô : lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang, bốn cuộc gặp với tổng thống Moon Jae-in, buổi trình diễn của đoàn ca nhạc nữ Samjiyon…

Truyền thông Seoul cũng rất chú ý đưa hình ảnh của 230 nữ cổ động viên Bắc Triều Tiên, đoàn Samjiyon và trước đó là ngôi sao nhạc pop nữ Hyon Song-wol. Hiện tượng này phản ánh sự quan tâm của nam giới Hàn Quốc đối với phụ nữ Bắc Triều Tiên. Một chuyên gia truyền thông giải thích : "Ở miền Nam, giải phẫu thẩm mỹ quá phổ biến, còn vẻ đẹp của các cô gái miền Bắc tự nhiên hơn, cổ điển hơn".

Israel đối đầu trực diện Iran tại Syria

Còn tại Trung Đông, bài xã luận của Le Monde nói về "Israel trước các cuộc chiến ở Syria". Vụ không kích của Israel hôm 10/2 vào Syria, sau khi một máy bay không người lái của Iran xâm nhập vào không phận Nhà nước Do Thái, rồi vụ một chiếc F16 của Israel bị bắn hạ, một lần nữa lại nhắc nhở rằng không chỉ có một, mà là nhiều cuộc chiến tại Syria.

Bằng chứng là cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng đất Kurdistan ở Syria cách đây một tháng, Mỹ không kích vào quân đội Bachar al-Assad đang đánh vào Lực lượng Dân chủ Syria ở miền đông… Vụ đối đầu trực diện đầu tiên giữa Iran và Israel, cho thấy sự bắt rễ của Iran vào Syria là một thử thách an ninh quan trọng đối với Tel Aviv.

Nhà nước Do Thái cần phải nỗ lực chứng tỏ sự khả tín của Không Quân nước mình, sau khi lần đầu tiên từ 35 năm qua, một chiến đấu cơ bị bắn rơi. Le Monde cho rằng nguy cơ xung đột lan rộng đang tăng lên : thử hình dung nếu chiếc F16 bị hạ trên lãnh thổ Syria và các phi công bị bắt, thì sự thể sẽ ra sao ?

Johnny Hallyday : Vợ sau và 2 con nuôi thừa kế gia tài, con ruột đi kiện

Tại nước Pháp, sự kiện đang được chú ý là việc thừa hưởng gia tài của ca sĩ nhạc rock nổi tiếng Johnny Hallyday, qua đời vào cuối năm ngoái. Hai người con ruột của ông là Laura Smet và David Halliday chuẩn bị khởi kiện, vì Johnny Hallyday để lại toàn bộ gia sản cho người vợ sau, bà Laetitia và hai bé gái con nuôi gốc Việt, Jade 13 tuổi và Joy, 9 tuổi.

Trong bài "Johnny Hallyday, gia tài tẩm thuốc độc", Le Figaro nhận định cuộc chiến này là lâu dài và phức tạp. Nếu áp dụng luật Mỹ, thì hai người con ruột sẽ trắng tay, còn nếu áp dụng luật của Pháp, chú trọng tính huyết thống, Laura Smet và David Hallyday có thể hy vọng thương lượng trên thế mạnh. Như vậy địa chỉ thường trú là chi tiết mang tính quyết định.

Johnny Hallyday đã đưa vợ và hai bé Jade, Joy sang Los Angeles sống trong những năm 2000, nhưng năm ngoái ông quay về Pháp chữa bệnh và qua đời tại đây.

Nếu các thẩm phán cho rằng ca sĩ người Pháp thường xuyên ở California, thì sẽ phải áp dụng đúng theo di chúc của ông. Ngược lại, luật pháp của Pháp cấm việc truất quyền hưởng gia tài của con cái. Người vợ sau cùng chỉ được một phần tư, số còn lại phải chia đều cho các con, dù là con ruột hay con nuôi. Le Monde trong bài "Johnny, lúc chết lại càng ‘Mỹ’ hơn" đặt vấn đề là liệu có thể không để lại gì cho những người con của mình bằng cách chuyển sang cư ngụ tại một đất nước xa lạ.

Con người sẽ tái ngộ Chị Hằng ?

Trên lãnh vực khoa học, Le Monde tìm cách trả lời câu hỏi "Vì sao con người quay lại với Mặt Trăng ?".

Thật khó thể tưởng tượng là nửa thế kỷ sau chương trình Apollo, vào thời buổi của trí thông minh nhân tạo và công nghệ vi tính, lại không thể gởi người lên thăm Chị Hằng. Lý do đầu tiên là tài chính. Không còn sự chạy đua sôi nổi giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong thập niên 60 và thời thế cũng đã đổi thay : Đối với phi thuyền Apollo, nước Mỹ đã huy động tổng lực trong mười năm trời, còn bây giờ thì không thể mơ nổi. Trở ngại thứ hai là kỹ thuật : Không thể để các phi hành gia chịu đựng những rủi ro như trong chương trình Apollo trước đây.

Tuy vậy nhiều người vẫn đặt niềm tin vào "tập hai" của cuộc chinh phục Mặt Trăng, sau quyết định ngày 11/12/2017 của tổng thống Mỹ Donald Trump. Riêng giám đốc cơ quan CNES của Pháp trông cậy vào chương trình thám hiểm Hỏa Tinh bằng các phi thuyền tự động. Ông nói : "Người ta thích cái mới. Mặt Trăng thì đã lên rồi. Cần nhớ rằng trong hai vụ phóng phi thuyền Apollo sau cùng, phải trả tiền cho các nhà báo mới được đưa tin".

"Finding Phong", bộ phim về người chuyển giới Việt

Trong bình diện điện ảnh, nhiều tờ báo Pháp giới thiệu bộ phim tài liệu "Finding Phong" của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus-Mallet, nói về một nam thanh niên người Việt quyết định tìm lại giới tính đích thực của mình qua việc giải phẫu chuyển giới.

Bộ phim bắt đầu theo kiểu nhật ký, với tự sự của nhân vật, rồi sau đó theo thể loại phim tài liệu cổ điển. Chuyến đi Thái Lan của Phong chiếm vị trí chính của phim, và Le Monde cho rằng những trao đổi với người thân của nhân vật là rất cảm động. Libération cho biết người mẹ không hề muốn con trai thay đổi giới tính, bà nói : "Con trai giống như gạo tẻ nuôi sống chúng ta mỗi ngày, còn con gái như gạo nếp, thỉnh thoảng mới dùng đến". Tờ báo nhấn mạnh đến sự cảm thông đáng ngạc nhiên của người cha, và sự do dự của gia đình, đã đóng góp vào sự phong phú của bộ phim, nhưng điều đáng tiếc là phim dừng lại với cuộc giải phẫu. Các đạo diễn giải thích : "Nếu quay lại giai đoạn mới trong cuộc sống của nhân vật, thì phải mất đến mười năm", nhưng theo Libération thì "Tại sao lại không thể ?".

Bạo lực, cải cách tú tài, việc làm : Tựa chính báo Pháp

Tựa chính các báo Paris hôm nay tập trung cho thời sự nước Pháp. Le Figaro lo lắng trước "Sự gia tăng đáng lo ngại của bạo lực vô cớ" : mỗi ngày có 777 vụ bạo hành kiếu này xảy ra tại Pháp, cho thấy môi trường xã hội đang xuống cấp. Về giáo dục, Le Monde đặt vấn đề "Cải cách kỳ thi tú tài : Giáo chức lo ngại những gì ?". Nếu chính phủ ấn định năm môn thi trong đó có phần thi vấn đáp, thì giáo viên các môn khoa học, hóa lý, sử địa, kinh tế lo ngại giờ học sẽ bị giảm.

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cho biết tin vui "Việc làm : Nước Pháp thoát khỏi mười năm khủng hoảng" : số nhân viên trong lãnh vực thương mại đã tương đương với năm 2007, và tiền lương tương đối khá.

Về điện ảnh, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa "Đức tin ở trung tâm nghệ thuật thứ bảy", với bài phỏng vấn đạo diễn Xavier Giannoli về bộ phim nói về sự kiện Đức Mẹ hiện ra, được trình chiếu tại các rạp kể từ hôm nay.

Libération nhìn sang "Baghdad thời hậu chiến". Vào lúc một hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Koweit để tài trợ cho việc tái thiết Iraq, tờ báo mô tả một thủ đô bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và nạn khủng bố.

Thụy My

Published in Quốc tế

Hồ sơ Trung Đông : Pháp nên hợp tác với Nga

Tình hình Trung Đông thu hút sự quan tâm của báo chí Pháp. Iraq thời hậu chiến sẽ tái thiết ra sao. Syria có nguy cơ biến thành mồi lửa cho một cuộc xung đột giữa Iran – Israel.

trungdong1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles ngày 29/05/2017. Sputnik/Mikhail Metzel/Kremlin via Reuters

Trước rủi ro ngọn lửa xung đột quân sự trong khu vực bùng lên, báo Le Figaro (13/02/2018) có bài phân tích của nhà báo Renaud Girard cho rằng "Nước Pháp nên hợp tác với Nga tại Trung Đông", vì hòa bình cho khu vực cũng như lợi ích lâu dài của nước Pháp.

Về mặt chiến lược, Israel không thể chấp nhận nguy cơ Iran "cắm rễ" quân sự tại Syria bởi vì cho đến nay, Iran chưa bao giờ chính thức thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Theo tác giả, điều này thật phi lý vì nhiều lý do : Chưa bao giờ người Do Thái và người Ba Tư (Perse – Iran) thực sự thù nghịch với nhau ; tổng thống Iran Rohani theo xu hướng cải tổ đã chọn mở cửa đối thoại, ký kết thỏa thuận hạt nhân với phương Tây. Do vậy, tác giả lấy làm tiếc là sự đối đầu giả tạo giữa hai nước lại ăn sâu trong suy nghĩ của những chiến lược gia quân sự ở Israel và Iran.

Sau sự cố quân sự ngày 10/02, thủ tướng Israel đã điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin. Israel duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga bởi vì họ hiểu rằng Moskva là trụ cột không thể thiếu trong hồ sơ Trung Đông.

Vì thế, nhà báo Renaud Girard nghĩ rằng Pháp cũng phải làm như vậy vì Paris có bốn lợi ích cùng chia sẻ với Moskva tại Trung Đông.

Thứ nhất, Pháp và Nga cùng chống lại một kẻ thù chính, đó là thánh chiến Hồi giáo Sunni.

Thứ hai, Pháp cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ các giáo dân Kito giáo phương Đông.

Thứ ba, Pháp có quan điểm giống Nga trong hồ sơ Kurdistan, tức là không chấp nhận một Nhà nước Kurdistan, nhưng ủng hộ quy chế tự trị cho vùng Rojava Kurdistan tại Syria, cũng như đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đảng PKK của người Kurdistan.

Thứ tư, Pháp và Nga cùng mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 14/07/2015 về phi hạt nhân hóa Iran trong lúc chính quyền Mỹ của Donald Trump đang tìm cách xé bỏ văn bản này.

Tuy nhiên tác giả lưu ý : Làm việc, phối hợp với Nga không có nghĩa là đồng ý với toàn bộ chính sách đối ngoại và đối nội của điện Kremlin. Tình hình phức tạp hiện nay tại Trung Đông buộc Pháp phải nhìn nhận một thực tế : Nga là trụ cột cần dựa vào để làm dịu bớt bệnh hoang tưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong hồ sơ Kurdistan, thuyết phục Iran từ bỏ những phát ngôn hung hăng chống Israel. Tư tưởng thực tế, sự nghiệp hòa bình và lợi ích lâu dài của Pháp thúc giục Paris phải hành động theo hướng này.

Syria : Giữa hai làn đạn

Cũng liên quan đến Trung Đông, Les Echos có bài viết cho rằng "Syria nằm giữa hai cuộc xung đột quan trọng tiềm tàng".

Ở phía bắc là Thổ Nhĩ Kỳ, mở chiến dịch tấn công nhắm vào người Kurdistan tại Afrin. Kể từ khi nội chiến bùng nổ tại Syria vào năm 2011, cả Damascus lẫn Ankara đều tránh đối đầu trực diện, nhưng cuối tuần qua, chính quyền Bachar al-Assad đã cho phép lực lượng Kurdistan băng qua những vùng do Damascus kiểm soát để đến Afrin chống Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân của nước này.

Trong khi đó tại phía Nam, căng thẳng cũng đã bắt đầu dấy lên giữa Israel và Syria, sau một vụ oanh kích chưa từng có hôm thứ Bảy vừa qua nhắm vào các đơn vị chiến đấu của Iran trên lãnh thổ Syria. Trong vụ này, Israel lần đầu tiên từ 30 năm bị mất một chiếc F-16.

Giới quân sự Israel quan ngại gia tăng leo thang xung đột quân sự với trục liên minh Hồi giáo Shia bao gồm Iran, Hezbollah tại Lebanon và chế độ Damascus được Nga hậu thuẫn.

Tổng thống Hàn Quốc : "Nhà trung gian hòa giải bất đắc dĩ"

Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục là tâm điểm thời sự tại Châu Á. Lãnh đạo Kim Jong-un, thông qua cô em gái Kim Yo-jong đến Seoul để dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông, đã gởi thư mời tổng thống Hàn Quốc đến thăm Bình Nhưỡng. Chính quyền Washington có vẻ sẵn sàng mở đối thoại sơ bộ mà không có điều kiện tiên quyết. Trong tình hình này, La Croix có bài nhận định đề tựa "Tổng thống Hàn Quốc, nhà trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng".

Ông Moon Jae-in đang phải chơi trò tung hứng với Washington và Bình Nhưỡng, tờ báo viết. Được bầu làm tổng thống Hàn Quốc với chủ trương "hòa giải" với phía Bắc để làm hạ nhiệt căng thẳng bán đảo Triều Tiên, nay ý định này của ông có nguy cơ bị phá hỏng vì nhiều trở ngại.

Thứ nhất là tuyên bố thông qua các biện pháp trừng phạt mới "cứng rắn nhất chưa bao giờ được áp dụng" của phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Đe dọa này của Mỹ có nguy cơ dẫn đến việc Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách tiến hành trở lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thứ hai là các chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn, hiện được cả hai bên chấp nhận tạm hoãn vì lý do cho phép Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận Mùa đông. Việc hai bên tái khởi động chiến dịch sau thế vận rất có thể lại đẩy khu vực rơi vào căng thẳng.

Nhiều nhà quan sát nghi ngờ cơ hội mở một tiến trình thương lượng sơ bộ vô điều kiện tiên quyết. Với Bắc Triều Tiên, mối đe dọa từ Mỹ lên sự sống còn của chế độ biện minh cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Theo đánh giá của ông Kim Byung-yeon, giáo sư trường đại học quốc gia Seoul, được La Croix trích dẫn việc đưa Bình Nhưỡng và Washingtonra khỏi ngõ cụt là một nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Bởi vì, "hiện nay Bắc Triều Tiên đòi hỏi một cái giá quá cao và Hoa Kỳ chưa sẵn sàng để trả. Nếu như người đứng làm trung gian nài nì quá mức để cố thuyết phục đôi bên trong khi mà sự cách biệt lại quá lớn, những gì ông có được sẽ chỉ là những lời chỉ trích từ hai phía".

Trong quá khứ, thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và 2007, cũng như là những lần sự kiện văn hóa hay thể thao đều không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ cuộc đua vũ khí nguyên tử.

Từ đây đến năm 2050, hàng trăm đô thị có nguy cơ "chết khô"

Trong lĩnh vực môi trường, báo Les Echos trích dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức đăng trên tờ Nature, đưa ra một lời báo động được cho "lạnh xương sống". Theo đó, trong vòng ba thập niên tới, hơn 100 khu đô thị lớn nhất hành tinh có nguy cơ bị khan hiếm nước nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Kassel (Đức), 416 trong số 482 thành phố, tức chiếm khoảng hơn một phần tư (27%) số thành phố trên địa cầu, sẽ không còn khả năng cung cấp nước cho 233 triệu dân của mình. Thành phố Cap tại Nam Phi có lẽ sẽ nằm trong số những thành phố đầu tiên nhìn thấy các vòi nước bị khô hạn.

Các nhà khoa học liệt kê 10 thành phố có nguy cơ bị đe dọa nhiều nhất theo thứ tự cấp bách : Los Angeles (Hoa Kỳ), Jaipur (Ấn Độ), Dar es Salaam (Tanzania), Đại Liên (Trung Quốc), San Diego (Mỹ), Karachi (Pakistan), Harbin (Trung Quốc), Phoenix (Hoa Kỳ), Porto Alegre (Brazil) và Monterrey (Mexico).

Vẫn theo các nhà khoa học Đức, tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến các xung đột với giới nhà nông tại một nhóm nhỏ khoảng 100 thành phố khác. Nguồn nước dự trữ trên bề mặt, nguồn cung cấp nước duy nhất sẽ không đủ để đáp ứng cùng lúc các nhu cầu của cả cư dân thành thị lẫn cho nông nghiệp.

Những dự báo u ám này được dựa từ nhiều yếu tố khác nhau. Đầu tiên là yếu tố dân số. Tỷ lệ dân thành thị trên thế giới có lẽ sẽ tăng từ 54% lên hơn 60% từ đây cho đến cuối thế kỷ. Hệ quả là mức nước tiêu thụ hiện nay, vốn dĩ đã tăng gấp 4 lần trong vòng 60 năm qua, ít nhất chắc sẽ tăng thêm 80% từ đây đến năm 2030.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hiện tượng khí hậu ấm dần còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Biến đổi của lượng mưa không nghiêm trọng bằng việc thay đổi chế độ mưa. Hiện tượng khô hạn và hơi nước bốc nhanh sẽ đan xen ngày càng nhiều. Lượng nước đổ ra biển sẽ nhanh như là lượng mưa rơi, và hệ quả là các mạch nước ngầm không kịp đầy nước.

Tuy nhiên, các nhà khoa học còn có chút tia hy vọng cho rằng nhiều cuộc khủng hoảng vẫn có thể tránh được nếu nhân loại chấp nhận thay đổi cách thức làm nông nghiệp. Tại 80% các vùng hạ lưu nơi có nguy cơ xung đột giữa thành thị và giới nhà nông sẽ có thể tránh nhờ vào việc trồng trọt những loại cây "ngốn" ít nước, tái sử dụng nước đã qua sử dụng, chống rò rỉ hệ thống dẫn nước hay như cải thiện kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả hơn.

Bắc Băng Dương ngày càng bị acid hóa

Về phần mình, Le Figaro trích dẫn một nghiên cứu khác được đăng trên tờ Nature do các nhà khoa học Pháp và Tây Ban Nha đồng thực hiện, báo động hiện tượng nước biển tại Bắc Băng Dương ngày càng bị acid, gây tổn hại cho loài san hô nước lạnh.

Đại dương hấp thụ đến 90% hơi nóng dư thừa trong bầu khí quyển và hòa tan gần 30% lượng carbon dioxide có liên quan đến các hoạt động của con người. Tuy nhiên, hiện tượng thừa thải khí CO2 trong khí quyển và bị tan trong nước biển đang dẫn đến những biến đổi sâu sắc hệ sinh thái biển.

Nước biển tại Bắc Đại Tây Dương, nhất là tại vùng biển Irminger, nằm giữa Groenland và Iceland đang ngày càng bị acid hóa. Xu hướng này ngày càng rõ nét trong những năm gần đây đến mức hiện tượng acid hóa đang lan sâu xuống đáy biển, gây nguy hại những điều kiện cần thiết cho tăng trưởng của loài san hô "nước lạnh", sinh sống ở độ sâu 1.000 – 2.000 mét.

Tình trạng này dẫn đến hiện tượng thiếu các carbonate ion, vốn rất cần thiết cho quá trình tạo xương của san hô (được tạo thành từ calcium carbonate). Nói một cách khác, tính acid là kẻ thù của loài san hô và xu hướng này có nguy cơ trở nên nghiêm trọng.

Than đá hồi sinh

Phụ trang kinh tế của Le Monde nhận thấy "Sự hồi sinh của ngọn lửa than đá". Trong những năm gần đây, nhiều nước đang phát triển vẫn chú trọng sử dụng than đá với nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Theo chuyên gia Carlos Fernadez Alverez, thuộc Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE), từ năm 2014, mức tiêu thụ than đá trên thế giới có giảm, nhưng lại tăng nhẹ trong năm 2017 do nhu cầu tại Châu Á.

Hiện tại, than đá vẫn đáp ứng 27% nhu cầu về năng lượng nói chung và 40% nhu cầu sản xuất điện trên thế giới. Tính theo giá hiện nay trên thị trường quốc tế, tổng giá trị sản lượng than đá trên thế giới là 350 tỷ euro.

Theo Le Monde, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á quyết định tương lai của than đá. Mức tiêu thụ tại Châu Á chiếm tới ba phần tư nhu cầu thế giới, thay vì 50% như trong năm 2010.

Than đá là kẻ thù của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực khí hậu. Ngày càng có nhiều các nhà máy nhiệt điện cũ, lạc hậu. Ngoài việc thải khí lưu huỳnh, nitrogen oxide và các phân tử cực nhỏ, than đá còn thải ra tới 45% lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Theo tổ chức Climate Action Netword – CAN, đây là nguồn sản xuất điện gây nhiều tác động nhất. Cần phải từ bỏ loại năng lượng này.

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự nước Pháp chiếm trang nhất một số các nhật báo lớn. "Chính phủ gia tăng cuộc chiến chống lao động bất hợp pháp" là hàng tít lớn trên nhật báo Le Monde.

Phương pháp dạy toán ở trường học là mối bận tâm chính của Libération. Trên nền ảnh nhà toán học Villani, đại biểu quốc hội đảng LREM của tổng thống Macron, và người từng đoạt giải thưởng Field về toán học cùng thời với giáo sư Ngô Bảo Châu, tờ báo đề tựa : "21 đề xuất để dạy cách đếm, Villani – ông chủ toán học". Hôm qua, nhà toán học đã trình bày 21 giải pháp về giảng dạy toán cho các học sinh Pháp, vốn dĩ nằm trong số những học sinh có trình độ toán học tồi nhất.

"Sau chính trị, một cuộc đời mới", là tựa của La Croix. Sau các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2017, rất nhiều bộ trưởng và đại biểu quốc hội trong thành phần chính quyền thời tổng thống François Hollande đã phải thay đổi nghề nghiệp.

Về thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos quan ngại cho dự án ngân sách 2019 của Hoa Kỳ qua hàng tựa lớn "Trump : Những dự án lớn với cái giá thâm thủng khổng lồ". Le Figaro chú ý đến Trung Đông với hàng tít "Iraq, sau chiến tranh, những thách thức cho tái thiết".

Minh Anh

Published in Quốc tế
lundi, 12 février 2018 15:39

Khi Trung Quốc thống trị thế giới

Sự đe dọa của Trung Quốc đối với phương Tây là chủ đề quốc tế nổi trội trong những tháng đầu năm 2018. Trước một nước Mỹ bị rung chuyển bởi tư tưởng của Donald Trump, một Châu Âu đang phải đối phó với chủ nghĩa dân túy đang lên, một nước Nga bị chủ nghĩa Putin chi phối, Trung Quốc vẫn theo quỹ đạo thẳng tiến. Trên "bàn cờ" quốc tế, Bắc Kinh đi những con tốt, khiến phương Tây tin rằng những bước đi đó là vô hại nhưng thực tế lại không phải như vậy.

chine1

Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh, ngày 09/01/2018. Reuters/Charles Platiau

Trên đây là những nhận định trong bài viết có tiêu đề "Khi Trung Quốc thống trị" của nhà báo Sylvie Kauffmann đăng trên báo Le Monde của Pháp, số ra ngày thứ Năm 08/02/2018. RFI xin tóm lược nội dung bài viết.

Tập Cận Bình tỏa sáng ở diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017 trong vai một nguyên thủ quốc gia "hiền lành, nhân từ" và làm cử tọa kinh ngạc, thán phục với cương lĩnh toàn cầu hòa và tự do mậu dịch. Nhưng hình ảnh ấy đã bị xóa nhòa tại Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu 2017. Tập trung vào củng cố quyền lực đã giúp Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc, chỉ sau Mao Trạch Đông. Bắc Kinh cũng vươn lên nắm vai trò quan trọng trên toàn thế giới.

Nhưng đó chỉ là phần nổi trong thắng lợi của Trung Quốc, phần mà chúng ta nhìn thấy rõ. Chính quyền Mỹ khẳng định ẩn sau đó là sự thâm nhập, gây ảnh hưởng và các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa mang tên Trung Quốc rất nhiều lần và bằng mọi cách.

Một quan chức Washington, khi trả lời phỏng vấn báo le Monde, cho biết : "Tất cả chúng ta đều đổ dồn mắt nhìn về nước Nga, nhưng vấn đề trong tương lai lại nằm ở Trung Quốc, và chúng tôi muốn cảnh báo Châu Âu về chủ đề này". Trong buổi phỏng vấn phát ngày 30/01/2018 trên đài BBC, giám đốc tình báo Mỹ (CIA), ông Mike Pompeo, đã thẳng thắng cho biết là trong mắt ông, Trung Quốc cũng đáng lo ngại như Nga.

Lãnh đạo ngành tình báo Mỹ phát biểu là chỉ cần nhìn vào quy mô hai nền kinh tế Nga – Trung là thấy điều đó. Trung Quốc có những phương tiện mạnh hơn Nga để thực hiện nhiệm vụ. Điều mà Washington thấy được là nỗ lực mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc đánh cắp thông tin, can dự vào công việc của Hoa Kỳ thông qua các điệp viên, những người hoạt động chống lại nước Mỹ vì quyền lực của Trung Quốc. Điều này được thấy trong các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp của Mỹ. Giám đốc CIA cũng nhận định thực tế đó tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, kể cả ở Liên Hiệp Châu Âu và tại Anh Quốc.

Cũng có suy nghĩ tương tự giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cảnh giác phương Tây trước "kẻ săn mồi" mang tên Trung Quốc. Theo ông, hợp tác với Trung Quốc là con đường phát triển hấp dẫn nhiều quốc gia, nhưng trên thực tế, đó thường là sự phụ thuộc lâu dài chỉ để đổi lấy những mối lợi ngắn hạn. Và lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ kết luận điều này, làm nhớ lại thời kỳ huy hoàng của "chủ nghĩa thực dân Châu Âu".

Tại Châu Mỹ, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại số 1 của các nước Brazil, Achentina, Chilê và Peru. Chúng ta có thể nghĩ rằng, đối với chính quyền Mỹ của Donald Trump, thu hút sự chú ý của công luận về phía Trung Quốc vào thời gian này góp phần đánh lạc hướng dư luận khỏi hồ sơ Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Hoa Kỳ không phải quốc gia duy nhất gióng hồi chuông báo động về âm mưu của Trung Quốc. Các nước Liên Hiệp Châu Âu, cho dù đôi khi có phản ứng muộn hơn Hoa Kỳ, cũng đã bắt đầu cảnh giác trước chiến lược của Bắc Kinh.

Năm 2008, một số người lo lắng về việc tập đoàn Trung Quốc Cosco đã kiểm soát được cảng Pirée, tức là có được cảng trung chuyển tại Châu Âu trên "con đường tơ lụa mới".Nhưng chỉ cách nay 10 năm, khi tập đoàn Cosco lần đầu tiên đầu tư vào cảng Athènes, Hy Lạp, chẳng ai lo ngại gì ! Quả thực, vào thời kỳ đó, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính diễn ra trầm trọng, các nhà đầu tư Trung Quốc đã được Châu Âu nhiệt liệt hoan nghênh, mở rộng vòng tay chào đón. Còn ngày nay, vào giai đoạn "Liên Hiệp Châu Âu tự bảo vệ mình", Ủy ban Châu Âu đã ý thức được về tham vọng của Trung Quốc và đề cao cảnh giác để bảo vệ lợi ích chiến lược của Liên Hiệp.

Trong một báo cáo công bố trong tháng 02/2018, "Sự đột khởi chuyên quyền : làm thế nào để đáp trả ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Châu Âu", hai viện nghiên cứu độc lập của Đức, GPPI (Global Public Policy Institute) và Merics (Mercator Institute for China Studies) mô tả chi tiết nỗ lực về việc thay đổi phương pháp hành động của chính quyền Trung Quốc để thâm nhập và gây ảnh hưởng lên giới tinh hoa chính trị, kinh tế, truyền thông, giảng dạy và nghiên cứu đại học, cũng như giới tinh hoa trong xã hội dân sự của các nước Châu Âu.

Sylvie Kauffmann, tác giả bài báo trên Le Monde, khẳng định chiến lược của Trung Quốc đương nhiên thành công ở các nước nhỏ và bấp bênh, đặc biệt ở Đông Âu hơn là tại các nước phát triển mạnh. Điều này cũng tạo cơ hội để Trung Quốc chia rẽ Châu Âu. Hơn nữa, trong khi các cánh cửa của Châu Âu mở rộng, thì Trung Quốc lại luôn tìm cách hạn chế tối đa việc để tư tưởng, nguồn vốn đầu tư và nhân tố nước ngoài lọt vào nước này.

Một báo cáo độc lập khác, có tên gọi "China at the gate" - Trung Quốc ở ngưỡng cửa, do François Godement và Abigael Vasselier, hai chuyên gia về Châu Á thuộc Hội đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế, thực hiện và công bố hồi tháng 12/2017, cũng nhấn mạnh tới sự mất cân đối trong các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Âu. Các chuyên gia nhận định "Trung Quốc hiện đang ở Châu Âu".

Trung Quốc cũng thâm nhập vào khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng không theo cách mà Úc mà Nouvelle Zélande mong chờ. Hai quốc gia này đang bị Bắc Kinh dùng thủ đoạn nhắm tới. Có mối lên hệ chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc, Úc là nước có rất đông người Hoa sinh sống. Theo Sylvie Kaufmann, trước đây, Canberra từng nghĩ rằng sự phát triển của mô hình phương Tây ảnh hưởng tới Trung Quốc, nhưng nay họ nhận ra rằng điều ngược lại đang xảy ra : Trung Quốc đang gây tác động tới phương Tây, hay ít nhất đó là điều mà Bắc Kinh đang tìm kiếm, thông qua chiến lược gây ảnh hưởng mà đảng Cộng Sản Trung Quốc theo dõi sát sao.

Hồi tháng 12/2017, chính quyền Canberra đã đề xuất các dự luật nhằm bảo vệ đời sống chính trị của Úc khỏi sự can dự của các chính phủ nước ngoài. Không cần phải nêu tên quốc gia có liên quan, tại Úc, ai cũng hiểu nước bị nhắm tới chính là Trung Quốc.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Đối đầu Israel - Iran tại Syria : Nguy cơ bùng phát thành xung đột ?

Khủng hoảng tại Syria một lần nữa lại thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận quốc tế. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến Lebanon 1982, phòng không Damascus bắn hạ một chiến đấu cơ Israel hôm 10/02/2018, sau khi không quân Israel xuất kích tìm diệt cơ sở phóng drone Iran đã xâm phạm lãnh thổ nước này. Các chuyên gia lo ngại thế đối đầu giữa Israel và Iran có thể bùng phát thành xung đột vượt tầm kiểm soát. Khủng hoảng Syria có thể bước sang một khúc quanh mới. Đây là chủ đề của hầu hết các báo Pháp hôm nay 12/02. Libération có bài phân tích đáng chú ý.

trungdong1

Iran (hình xanh bên phải) và Israel trên bản đồ Trung Cận Đông. Ảnh : Wikipedia

Bài "Nỗi sợ chiến sự leo thang vượt tầm kiểm soát" nhấn mạnh là, trước khi xảy ra biến cố này, chính quyền Syria thường xuyên đe dọa trả đũa đối với mọi phi cơ nước ngoài hoạt động trong không phận nước này, mà không xin phép trước, bao gồm cả máy bay của liên quân quốc tế chống Daesh ở Raqqa, hay của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng Kurdistan ở miền bắc Syria. Nhưng đây là lần đầu tiên, phòng không Damascus biến đe dọa thành hiện thực.

Các cảnh tượng dân chúng hân hoan chào mừng máy bay Israel bị tên lửa Damascus bắn hạ được các kênh truyền thông thân chính phủ loan tải rộng rãi. Về phần mình, quân đội Israel trả đũa bằng một loạt không kích nhắm vào các đơn vị phòng không Syria.

Trên thực tế, Syria là địa bàn đọ sức gián tiếp giữa Israel với Iran. Đa số các cơ sở phòng không Syria, cũng như các lực lượng quân sự khác của Damascus, được sự hậu thuẫn của Iran và Nga.

Về mặt chính thức, chính quyền Iran phủ nhận đã đưa máy bay không người lái xâm nhập Syria, điều mà phía Israel coi là nguyên nhân trực tiếp của biến cố ngày 10/02. Trong khi đó, một lãnh đạo của lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa Iran cảnh báo Tel Aviv về mọi hành động "hung hăng", và đe dọa biến Israel thành "địa ngục", đồng thời cũng khẳng định Iran có đủ tiềm lực phá hủy "toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ (đồng minh trụ cột của Israel) trong khu vực". Lực lượng Hezbollah Lebanon, đồng minh của Iran và chính quyền Syria, tuyên bố : đây là điểm "khởi đầu cho một giai đoạn chiến lược mới", bởi vì kể từ đây Israel "không còn làm chủ được toàn bộ bầu trời" Syria.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ tại Syria vào năm 2011 cho đến nay, Israel đơn phương xác lập "các lằn ranh đỏ". Không quân Israel thường xuyên oanh tạc các đoàn xe quân sự, nhà máy chế tạo tên lửa, kho vũ khí, trung tâm huấn luyện quân sự, mà họ cho là của Iran hoặc lực lượng Hezbollah Lebanon.

Chuyên gia Ofez Zalzberg, thuộc cơ sở tư vấn International Crisis Group, nhận xét : Tel Aviv tin chắc là Iran đang chuẩn bị các cơ sở bàn đạp tại Syria, cho cuộc chiến tương lai chống lại nhà nước Do Thái, bởi vậy, họ "cố gắng chứng minh" chiếc drone nói trên là của Iran.

Vai trò bí ẩn của Nga

Thế đối đấu Israel và Iran tại Syria sẽ ra sao ? Theo Libération, một "ẩn số" quan trọng là thái độ của nước Nga.

Cho đến nay, Moskva một mặt can thiệp quân sự để chống lưng cho chế độ Damascus, mặt khác vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Israel.

Trước biến cố nói trên, theo các nhà quan sát tại chỗ, dường như đã có một thỏa thuận ngầm giữa Nga với Israel, về các cuộc không kích mang tính ngăn chặn của Tel Aviv trên đất Syria, nhắm vào các đồng minh khác của Damascus, ngoài Moskva. Theo đó, Moskva chấp nhận "làm ngơ" để không quân Israel hoạt động, với điều kiện không gây nguy hiểm cho các đơn vị quân đội Nga.

Theo nhà phân tích của Crisis Group, Moskva muốn tỏ ra không đứng về bên nào, nhưng cũng không muốn đóng vai trò trung gian.

"Không ai có lợi nếu căng thẳng leo thang, nhưng…"

Về căng thẳng Israel-Syria-Iran, cũng Libération có bài phỏng vấn chuyên gia Bruno Tertrais (Fondation pour la recherche stratégique), mang tựa đề "Sẽ không ai có lợi nếu để căng thẳng leo thang, nhưng mỗi bên đều đặt tay lên cò súng".

Theo chuyên gia này, trong hiện tại, cả Israel và Iran đều không muốn căng thẳng gia tăng thêm nữa. Thế nhưng, tình hình khó dự đoán, cần phải cẩn thận theo dõi như "sữa đun trên lửa", lúc nào cũng chực trào lên. Còn xét về dài hạn, các tham vọng quân sự của Iran chắc chắn sẽ vượt qua "các lằn ranh đỏ" mà Israel ấn định hiện nay.

Ông Brunot Tertrais cũng lưu ý là cho đến nay, Hoa Kỳ, cho dù ủng hộ Israel, nhưng không khuyến khích đồng minh Cận Đông cứng rắn hơn nữa với Iran. Phản ứng của Washington được coi là "kiềm chế" : Tổng thống Trump hiện chưa có thông điệp Tweet nào về biến cố hôm thứ Bảy.

Cũng về biến cố nói trên, Le Figaro có bài phân tích : "Israel và Iran thăm dò giới hạn của nhau ở Syria". Tờ báo dẫn lời chuyên gia Crisis Group cho rằng Moskva không ủng hộ "các lằn ranh đỏ" của Israel tại Syria, đồng thời nhấn mạnh là Nga là "cường quốc duy nhất" có thể áp đặt các giới hạn cho các bên tham chiến, và lợi ích của Moskva sẽ bị tổn hại nhiều, nếu khủng hoảng gia tăng tại Syria.

Hội nghị tái thiết Iraq : Nền tảng là "giáo dục" và "hòa giải"

Vẫn về Trung Cận Đông, La Croix chú ý đến hội nghị quốc tế lớn về tái thiết Iraq, khai mạc hôm nay tại Kuwait, sẽ diễn ra trong ba ngày. Bài viết mang tựa đề "Ba ngày để hàn gắn Iraq" mời độc giả chú ý đến một thay đổi ngoạn mục.

Đó là Kuwait, quốc gia từng bị nhà độc tài Iraq Saddam Hussein xâm chiếm năm 1990, nay lại là trở thành nước đăng cai cho lộ trình tìm kiếm "hòa giải" giữa các quan điểm khác biệt về tương lai Iraq.

Quan điểm của Pháp là nhấn mạnh đến vấn đề "giáo dục", được coi là linh hồn của mọi nỗ lực hòa giải và tái thiết, như phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được đại sứ Pháp tại Iraq nhắc lại. Paris đang nỗ lực đóng góp xây dựng lại đại học Mosul, từng là thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.

Một đại diện của hiệp hội công giáo Phương Đông Pháp (Oeuvre d’Orient) lưu ý là với nước Iraq đa tôn giáo - nơi sự đối đầu giữa các hệ phái Hồi giáo, giữa các cộng đồng Hồi giáo với các cộng đồng Thiên Chúa giáo là câu chuyện khó giải - thì chỉ tuyên bố hòa giải là không đủ. Mà vấn đề hàng đầu là phải từ bỏ mọi ý định trả thù. Bản thân người dân theo hệ phái Sunni cũng từng là nạn nhân của Daesh. Chỉ có một cộng đồng những người Iraq - cùng chia sẻ với nhau về các thảm họa mà họ phải chịu những năm qua - mới có thể tạo nên được hòa giải dân tộc.

"Bắc Triều Tiên chìa tay, Hàn Quốc chờ thời, Hoa Kỳ ngoảnh mặt"

Căng thẳng gia tăng tại Cận Đông không khiến báo Pháp quên đi một tâm điểm khác của thời sự quốc tế : Thế Vận Hội Mùa đông tại Hàn Quốc, khai mạc hôm thứ Sáu, 09/02, với sự tham gia của đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên, quốc gia đang bị quốc tế cô lập vì chương trình vũ khí hạt nhân.

Xã luận Le Monde mang tựa đề "Thế Vận Hội của Bắc Triều Tiên" nhấn mạnh đến thế thượng phong của Bắc Triều Tiên, với việc "nhà độc tài của Bình Nhưỡng đã áp đặt được lịch trình hành động của mình", khẳng định được vị thế, không chỉ trong, mà cả bên ngoài sự kiện thể thao này.

Theo Le Monde, phản ứng huyênh hoang của tổng thống Mỹ Donald Trump - với các dòng Tweet khiêu khích, câu nói khoe khoang "nút bấm hạt nhân" của mình to hơn nút bấm của "nhóc tì tên lửa" họ Kim - chỉ càng gây bất lợi cho hình ảnh nước Mỹ. Việc Washington không chấp nhận ông Victor Cha, một người có quan điểm ôn hòa, làm đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc (chiếc ghế vốn bị bỏ trống từ một năm nay), càng khiến cho khả năng vận động ngoại giao của Washington bị thu hẹp.

Về cơ hội mới mở ra nhân Thế Vận Hội Hàn Quốc, Les Echos có bài "Sau ngày hội Thế Vận, triển vọng hòa giải khó khăn giữa Seoul và Bình Nhưỡng". Les Echos chú ý đến phản ứng dè dặt của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau lời mời hội kiến thượng đỉnh của lãnh đạo Bình Nhưỡng, được gửi đến Seoul qua em gái ông Kim Jong-un, đang có mặt trong phái đoàn Bắc Triều Tiên dự Thế Vận.

Theo Les Echos, tổng thống Hàn Quốc đứng trước lựa chọn đầy khó khăn, giữa một bên là kéo dài thời kỳ hòa hoãn Thế Vận Hội, với việc chấp nhận dự án thượng đỉnh liên Triều của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và bên kia là trở lại với lập trường chung với Mỹ, tiếp tục kể từ tháng 4/2018, cuộc tập trận thường niên với Mỹ, giả định đối phó với các cuộc xâm lược từ miền bắc. Điều đó cũng đi liền với việc từ chối lời mời của lãnh đạo Bình Nhưỡng trên thực tế.

Quan điểm hiện tại của Seoul là, cần tạo "bối cảnh" cho một thượng đỉnh liên Triều, và để làm điều này, Bắc Triều Tiên cần "nối lại đối thoại với Hoa Kỳ", một nhân tố chủ chốt trong hồ sơ này.

Về chủ đề này, Libération có bài bình luận : "Bắc Triều Tiên chìa tay, Hàn Quốc chờ thời, Hoa Kỳ ngoảnh mặt", như một bức ảnh chụp tuy mang tính thời điểm, nhưng có tham vọng ghi lại xu hướng chuyển động ngoại giao lớn trong kỳ Thế Vận Mùa đông Hàn Quốc.

Xứ Catalunya đang hướng đến một chính quyền "hai đầu" ?

Về thời sự Châu Âu, Les Echos chú ý đến tình hình kỳ lạ tại xứ Catalunya, Tây Ban Nha, nơi phe đòi độc lập giành phần thắng trong cuộc bầu cử Nghị Viện vùng, nhưng ứng cử viên duy nhất vào chức chủ tịch vùng, đang phải lưu vong tại Bỉ, không có cơ hội về nước nhậm chức, do bị chính quyền Madrid truy nã về tội "phản loạn".

Liên minh đòi độc lập đang hướng tới một giải pháp chưa từng có. Theo Les Echos, các phe phái trong liên minh nghị sĩ đòi độc lập cho Catalunya hiện đang điều chỉnh sách lược hành động của họ, "theo hướng thực tế hơn", thay vì sa lầy vào bế tắc chính trị trong thế đối đầu không khoan nhượng với chính quyền trung ương. Theo đó, tuy lãnh đạo đòi độc lập lưu vong Puigdemont vẫn có thể sẽ là chủ tịch vùng, nhưng đây chỉ là một chức vụ mang tính biểu tượng. Việc điều hành xứ Catalunya, trên thực tế, sẽ được trao cho một chủ tịch khác, một người điều hành trực tiếp các công việc cụ thể. Hiện tại, ứng cử viên số một vào vị trí này là người đứng đầu chương trình tranh cử của ông Puigdemont, và cũng là cộng sự của lãnh đạo lưu vong, chính trị gia Elsa Artadi.

Các phe phái trong liên minh đòi độc lập vẫn còn chưa hoàn toàn thống nhất về giải pháp này. Madrid đang theo dõi sát các động thái nói trên.

Pháp : Giải thưởng cho "tiểu thuyết sinh thái"

Trong lĩnh vực văn hóa, La Croix chào mừng sự ra đời của một giải thưởng dành cho "tiểu thuyết sinh thái".

Theo La Croix, giải thưởng văn học đặc biệt này sẽ là dịp để công chúng biết đến các "vấn đề nóng bỏng của thời đại chúng ta" thông qua những cách biểu hiện khác.

Sáu tác phẩm Pháp ngữ là ứng cử viên của giải. Dù lấy đề tài là tỉnh Herault nước Pháp (một trong những tỉnh đứng đầu về thành tích sinh thái quốc gia), về Nam Cực, hay thung lũng Silicon Valley, điểm chung của các tác phẩm là "chất lượng văn học cao, và các ám ảnh môi trường xuyên suốt", theo La Croix.

Ban giám khảo bao gồm 24 thành viên, trong đó có các nhà văn tên tuổi, như Alexis Jenni, giải Goncourt năm 2011, hay nữ tác giả Alice Ferney, cũng như nhiều sinh viên ngành sáng tác văn học Ecole Supérieure d’art ở Le Havre, hay trường Ecole Nationale Supérieure de Paysage.

Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 10/4 tới.

Trang nhất các báo

Về thời sự nước Pháp, Le Figaro chú ý đến hàng loạt các cải cách lớn trong giáo dục, dạy nghề, cắt giảm công chức, hưu trí, an ninh, giao thông, thể chế thế tục…, vừa được chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron công bố chi tiết trong những ngày gần đây, với hàng tựa trang nhất : "Cải cách : Macron không muốn giảm tốc". Xã luận của Le Figaro ca ngợi chính phủ duy trì nhịp độ cải cách, như các cam kết tranh cử của tổng thống, nhưng báo hiệu là các nỗ lực cải cách dồn dập nói trên có nguy cơ vấp phải các đối kháng ngày càng mạnh trong xã hội.

Trang nhất của La Croix nói riêng về cuộc cải cách trong ngành tàu hỏa Pháp, với tựa "SNCF tìm đường". Tờ báo nhận định, với việc mở cửa cho tư nhân đầu tư, ngành hỏa xa Pháp sắp trải qua những thay đổi lớn nhất trong lịch sử.

Les Echos chú ý đến tình trạng thị trường tài chính Mỹ vừa trải qua đợt mất giá nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, với khoảng 7.500 tỉ đô la tiền chứng khoán bốc hơi trong tuần lễ vừa qua. Theo đa số các chuyên gia, đây là giai đoạn điều chỉnh "tự nhiên" và "cần thiết", chấm dứt một thời kỳ cho vay dễ dãi kéo dài hàng chục năm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại phản ứng "sai lầm" của các ngân hàng trung ương. Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IFM), bà Christine Lagarde cảnh báo viễn cảnh một "khủng hoảng tài chính mới", cho dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được coi là vững chắc.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Quan hệ liên Triều sưởi ấm ngoạn mục nhưng mong manh (RFI, 12/02/2048)

Phái đoàn chính thức Bắc Triều Tiên đã trở về nước, sau ba ngày công du và dự lễ khai mạc TVH Pyeongchang tại Hàn Quốc. Câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ nồng thắm và những cử chỉ đầy thiện chí giữa Seoul và Bình Nhưỡng mang tính trình diễn bề ngoài, hay là một bước đột phá cả về ngoại giao lẫn chiến lược do Bình Nhưỡng chủ động ? Liệu tuần trăng mật này giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có lâu bền hay không ?

caoly1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) và Kim Yo-jong (G), em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xem biểu diễn ca nhạc của đoàn văn công Bắc Triều Tiên, ngày 11/02/2018, tại Seoul.Yonhap via Reuters

Vắng mặt tại Pyeongchang nhưng Kim Jong-un lại là nhân vật được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều nhất từ trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 khai mạc. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi trên khán đài danh dự nhân lễ khai mạc Pyeongchang bên cạnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng lại không thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế cũng như ở Seoul bằng Kim Jong-un hay đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng liên Triều. Tại Washington, truyền thông Mỹ thậm chí còn bình luận : Kim Jong-un "đoạt huy chương vàng tại Pyeongchang".

Trên thực tế những động thái ngoại giao ngoạn mục liên tiếp diễn ra trong ba ngày qua tại Pyeongchang và Seoul đã được cả Hàn Quốc lẫn Bắc Triều Tiên chuẩn bị từ lâu trước đó.

Từ khi đắc cử tổng thống tháng 05/2017, ông Moon Jae-in nỗ lực biến Thế Vận Hội lần này thành một diễn đàn hòa bình với hy vọng nước láng giềng phương bắc "xuống thang". Về phía Bình Nhưỡng, từ nhiều tuần lễ qua, Kim Jong-un là người làm chủ tình thế, khi quyết định gửi một phái đoàn đến Pyeongchang và nhất là qua em gái, Kim Yo-jong, chuyển lời mời tổng thống Moon đến Bắc Triều Tiên khi "điều kiện cho phép".

Từ ngày 28/11/2017, Bình Nhưỡng tạm ngưng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Seoul thuyết phục được Washington lùi chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn đến sau Thế Vận Hội.

Cộng đồng quốc tế đã không khỏi ngạc nhiên về "tiến độ" sưởi ấm quan hệ của hai nước trên bán đảo Triều Tiên, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, tinh thần yêu chuộng hòa bình này có lẽ khá "mong manh".

Bắc Triều Tiên giăng bẫy Moon Jae-in ?

Hình ảnh cô Kim Yo-jong chuyển thư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc bước qua phía bắc vĩ tuyến 38 và sự kiện em gái Kim Jong-un cùng dự một buổi lễ hòa nhạc bên cạnh tổng thống Moon Jae-in đã được truyền đi khắp thế giới. Nhưng theo giới quan sát, thiện chí đó của Bình Nhưỡng đẩy Seoul vào thế tiến thoái lưỡng nạn. Nhận lời mời của Bắc Triều Tiên, nắm bắt lấy bàn tay thân thiện của Kim Jong-un, thì coi như như phần nào tách rời khỏi Washington. Ngược lại, từ chối viếng thăm Bình Nhưỡng, thì có nghĩa là chôn vùi giấc mơ đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ai cũng biết, trong suốt sự nghiệp chính trị, tổng thống Moon Jae-in luôn theo đuổi mục tiêu hòa bình.

Tổng thống Moon sinh năm 1953 vào thời điểm chiến tranh liên Triều khép lại. Cha mẹ ông đã phải từ bỏ miền bắc để chuyển về miền nam sinh sống. Từ quá khứ ấy, tổng thống tương lai của xứ Hàn luôn chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng và làm hạ nhiệt tại bán đảo Triều Tiên.

Nhưng trên con đường đi tìm hòa bình đó, đương kim tổng thống Hàn Quốc gặp một trở ngại không nhỏ. Theo như ghi nhận của một chuyên gia Mỹ thuộc đại học Busan, Robert Kelly, Olympic Pyeongchang lần này "làm lộ rõ rạn nứt giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ". Đến nay, Washington một mực đòi Bình Nhưỡng phải có những "biện pháp cụ thể, tỏ thiện chí từ bỏ tham vọng hạt nhân". Chính quyền Trump xem đây là một "điều kiện tiên quyết" cho mọi kế hoạch đàm phán. Đó là chưa kể những tuyên bố với lời lẽ hung hăng của tổng thống Donald Trump nhắm vào Kim Jong-un, mà Bình Nhưỡng thì đã không bỏ lỡ cơ hội để lao vào các cuộc đấu khẩu hung hăng không kém.

Sự lạnh nhạt giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ - Hàn đã lộ rõ nhân lễ khai mạc Pyeongchang hôm 09/02 : phó tổng thống Pence rất lạnh lùng khi phái đoàn các vận động viên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bước vào sân vận động dưới cùng một lá cờ, và đã tránh né, khi tổng thống Hàn Quốc bắt tay chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và cô em gái của Kim Jong-un ngồi ở hàng ghế ngay phía sau phó tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân.

Trên đường trở về Mỹ, ông Pence đã tuyên bố với báo chí rằng, giữa Washignton và Seoul, "không hề có một vết rạn nứt nào" trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời nhấn mạnh đến ưu tiên duy trì "áp lực tối đa" đối với Bình Nhưỡng để đạt tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hy vọng thực sự cho bán đảo Triều Tiên ?

Trở lại với câu hỏi chính là liệu tình hình trong khu vực này có được hạ nhiệt một cách lâu dài hay không, các chuyên gia phương Tây về Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đưa ra nhiều quan điểm khác nhau.

Chuyên gia Mỹ, Robert Kelly, bi quan cho rằng, trước đây hai nước Triều Tiên từng "nối vòng tay lớn" chung quanh hai sự kiện văn hóa và thể thao, hợp tác cả trong lĩnh vực kinh tế qua khu công nghiệp Kaesong, và mối quan hệ đó có lợi cho Bình Nhưỡng. Chung cuộc, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cuộc chạy đua võ trang để có vũ khí hạt nhân. Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi : liệu Kim Jong-un có còn hòa hoãn hay không sau Thế Vận Hội, khi mà Mỹ và Hàn quốc nối lại các cuộc thao diễn quân sự chung ở ngay sát cạnh cửa ngõ Bắc Triều Tiên ? Không nên quên rằng, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo là "một lá bùa hộ mệnh, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ trong tay gia đình họ Kim". Do vậy, chuyên gia này cho rằng, Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng được công nhân là một cường quốc hạt nhân.

Còn theo giáo sư Kim Byung-yeon, đại học quốc gia Seoul, thì không có phép lạ "để Bình Nhưỡng và Washignton thoát khỏi bế tắc hiện nay", vì Bắc Triều Tiên đòi hỏi quá nhiều, treo giá quá cao, mà Mỹ thì không sẵn sàng trả cái giá đó.

Chuyên gia Pháp, Juliette Morillot, lạc quan hơn khi cho rằng, "hai nước Nam và Bắc Hàn muốn đối thoại trực tiếp, làm chủ lại vận mệnh" của mình. Vấn đề đặt ra là liệu thiện chí đối thoại giữa Bình Nhưỡng với Seoul có còn tính thời sự khi Thế Vận Hội bế mạc hay không ? Đây là câu hỏi đáng giá ngàn vàng mà chưa một chuyên gia nào dám trả lời. Chỉ biết rằng, ngoại trưởng Hàn Quốc - bà Kang Kyung-wha - báo trước : trong lĩnh vực ngoại giao, Seoul dự trù "một môi trường mới" cho thời kỳ hậu Olympic Pyeongchang.

Thanh Hà

*****************

Bắc Triều Tiên muốn gì ở Pyeongchang ? (RFI, 10/02/2018)

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 hôm 09/02/2018 chính thức khai mạc. Một "Thế Vận Hòa Bình" là hình ảnh mà tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In muốn đem đến cho thế giới. Nhưng với Bắc Triều Tiên, đây không chỉ là một Thế Vận Hội thuần túy thể thao, mà còn là một "trò chơi địa chính trị".

pyeong1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in et sa femme (Áo trắng) và Kim Yong-nam (G - hàng thứ 2) chủ tịch Quốc Hội BTT, Kim Yo-jong (P - hàng thứ 2), em gái Kim Jong-un, trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, ngày 09/02/2018 - Reuters

Pompom-girls đối nghịch với tên lửa. Cùng một ngày, chế độ Bình Nhưỡng đã đưa ra hai hình ảnh tương phản. Bên kia lãnh thổ ở phía Nam là đoàn các vận động viên Bắc Triều Tiên được đón tiếp nồng nhiệt hôm qua tại làng thế vận Gangneung. Bầu không khí lạnh giá như tan biến trước các màn trình diễn của hơn 200 thiếu nữ hoạt náo viên xinh đẹp.

Một điểm nhấn khác trong sự kiện thể thao trọng đại này là lần đầu tiên có sự hiện diện của hai nhân vật lãnh đạo cao cấp của Bắc Triều Tiên : Kim Yo-jong, em gái út của lãnh đạo Kim Jong-un và ông Kim Yong-nam, chủ tịch Quốc Hội, một chức vụ tuy mang tính hình thức, nhưng về mặt lễ tân, thể hiện sự trọng thị đối với Thế Vận Hội.

Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm là tổng thống Moon Jae-in thứ Bảy 10/02 sẽ tiếp hai nhân vật này tại Nhà Xanh, điều chưa từng có trong lịch sử hai miền kể từ thời cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Trong khi đó, ở miền Bắc là màn trình diễn diễu binh rầm rộ. Bình Nhưỡng phô trương tên lửa mừng 70 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân. Một cuộc diễu binh mà Washington xem đấy như là một hình thức biểu dương sức mạnh hiếu chiến của Bình Nhưỡng.

Dù khẳng định rằng cuộc diễu binh này chỉ là chuyện nội bộ vẫn được tổ chức hàng năm, nhưng việc Bình Nhưỡng chọn thời điểm kỷ niệm một ngày trước khi Thế Vận Hội Pyeongchang khai mạc cũng không phải là ngẫu nhiên. Bắc Triều Tiên không ngần ngại dời ngày kỷ niệm vốn trước đây thường được tổ chức vào ngày 25/04, ngày thành lập Quân Đội Cách Mạng Nhân Dân năm 1932.

Với người dân trong nước, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un muốn khẳng định rằng nếu Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế, thì Bắc Triều Tiên có thể tự hào về sức mạnh quân sự của mình. Với thế giới, Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh đến vị thế cường quốc hạt nhân mà cộng đồng quốc tế không muốn nhìn nhận.

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận nước đôi này cho phép chế độ Bình Nhưỡng muốn được "bình thường hóa" vị thế "quốc gia hạt nhân", nhưng đồng thời tìm cách giảm nhẹ được các trừng phạt và gây chia rẽ hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Hàn.

Có thể nói, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã khôn khéo thực hiện chính sách "ngoại giao Thế Vận Hội" và tách bạch hai vấn đề : "Hòa giải liên Triều" là một chuyện. "Hạt nhân" là một chuyện khác. Thể thao là một "công cụ" để đối thoại. Còn vấn đề hạt nhân là chuyện giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ. Và cách nay vài hôm, Bình Nhưỡng còn cao giọng khẳng định Thế Vận Hội không phải là lúc để nói chuyện đàm phán hồ sơ hạt nhân.

Minh Anh

*********************

Phó TT Mỹ Mike Pence không hài lòng về sự hiện diện của em gái Kim Jong-un tại Thế Vận Hội (RFI, 10/02/2018)

Lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang 2018 đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận với sự hiện diện của em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và sự xích lại gần nhau giữa hai miền nam bắc Triều Tiên. Điều này đã khiến sự xuất hiện của phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc trở nên mờ nhạt. Và Mike Pence đã nhấn mạnh là mục tiêu của các nước đồng minh trong khu vực vẫn là cô lập Bắc Triều Tiên.

pyeong2

Phó tổng thống mỹ Mike Pence (G) và bà Kim Yo-jong (P) trên khán đài trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 - Yonhap via  Reuters

Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier giải thích từ New York :

"Mike Pence không tìm cách che giấu sự bực tức khi biết em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi cách ông chỉ vài mét trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Mike Pence có nhìn thấy em gái ông Kim Jong-un không ? Ông Pence dường như cố không quay đầu về phía bà ấy. 

Như vậy là, mặc dù Hàn Quốc muốn phó tổng thống Mỹ trao đổi với phái đoàn Bắc Triều Tiên, nhưng không có cuộc đối thoại nào diễn ra.

Hôm thứ Bảy, trên đường bay về Mỹ, trong chuyên cơ Air Force 2, ông Pence đã nhắc lại rằng mục tiêu của Mỹ vẫn là buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Và phó tổng thống Mỹ đặc biệt muốn Tokyo và Séoul theo đường hướng của Mỹ.

Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc trong những ngày qua đã có nhiều dấu hiệu cởi mở với người anh em Bắc Triều Tiên. Thậm chí, ông Moon Jae-in còn được mời tới thăm Bình Nhưỡng.

Nếu có, chuyến thăm của ông Moon Jae-in sẽ không làm chính quyền Mỹ hài lòng. Washington có lẽ sẽ xem xét lại chiến lược cứng rắn đã được áp dụng trong những tháng qua. Tuy nhiên, về mặt chính thức, chủ đề trên không được nhăc tới trong buổi làm việc giữa phó tổng thống Mike Pence và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in".

Ngoại trưởng Pháp và Hàn Quốc thống nhất tăng cường quan hệ song phương

Trong chuyến thăm Seoul, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, đặc phái viên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang 2018, đã ăn tối và làm việc với ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha.

Lãnh đạo ngoại giao của hai nước ghi nhận sự hợp tác của Pháp và Hàn Quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực và hai bên sẽ tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để củng cố quan hệ song phương, thông qua các chuyến thăm viếng cấp cao và các cuộc thảo luận chiến lược cấp bộ.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian hoan nghênh việc hai miền nam bắc Triều Tiên nối lại đối thoại và hy vọng đối thoại liên Triều sẽ được tiếp tục sau Thế Vận Hội Pyeongchang.

Thùy Dương

************************

Thế Vận Hội Pyeongchang : Hàn Quốc vất vả "lách" trừng phạt để đón đoàn Bắc Triều Tiên (RFI, 10/02/2018)

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018, được cho là cơ hội hâm nóng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, sau quyết định ngày 09/01 của Bình Nhưỡng cử đoàn vận đông viên tham dự.

pyeong3

Đoàn vận động viên hai miền Triều Tiên diễu hành trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 - Reuters

Theo giới quan sát, đây là chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm đột phá mặt trận "trừng phạt" mà cho đến giờ các quốc gia phương Tây vẫn liên kết với nhau gây áp lực với Bình Nhưỡng.

Vừa bận chuẩn bị "Thế vận Hòa bình", Seoul vừa "đau đầu" tìm cách đón phái đoàn của người anh em láng giềng mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vậy Hàn Quốc đã "lách" các nghị quyết này như thế nào ? Trang France 24 (08/02/2018) tóm tắt bốn điểm :

1. Máy bay được thuê để đến miền Bắc

Trở ngại đầu tiên phải vượt qua là chính quyền Mỹ. Về lý thuyết, một phi cơ từng đến Bắc Triều Tiên sẽ không được phép hạ cánh ở Hoa Kỳ trong vòng sáu tháng sau đó. Seoul đã phải xin phép Washington miễn cho trường hợp của một phi cơ thuộc hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) để đưa đoàn vận động viên trượt tuyết đến luyện tập cùng với đồng đội phương Bắc ở đỉnh núi Masik (thuộc Bắc Triều Tiên) và sau đó quay về nước chở theo đội tuyển Bắc Triều Tiên. Do vậy, chiếc phi cơ vẫn có thể hạ cánh ở Hoa Kỳ.

Tập luyện chung ở đỉnh núi Masik cũng là nhượng bộ đầu tiên của Seoul và gây ra một cuộc tranh luận ở Hàn Quốc vì sân băng ở đỉnh Masik là dự án quan trọng của Kim Jong-un với trang thiết bị hiện đại, quá đắt so với tình hình kinh tế ảm đạm của Bắc Triều Tiên.

2. Yêu cầu miền Nam tiếp nhiên liệu cho phà miền Bắc cập bến Hàn Quốc

Theo dự kiến, một nhóm nghệ sĩ miền Bắc đến miền Nam qua đường bộ, nhưng cuối cùng Bình Nhưỡng thông báo phái đoàn đến bằng đường thủy. Chiếc phà Man Gyong Bong 92, trọng tải 9.700 tấn, chở 114 nghệ sĩ đã cập bến Hàn Quốc ngày 06/02.

Chính quyền Seoul đã phải vi phạm lệnh cấm mọi tầu bè miền Bắc lưu thông trong vùng biển của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng còn nghiễm nhiên yêu cầu người anh em miền Nam tiếp nhiên liệu cho chiếc phà. Nếu tiếp liệu, Seoul sẽ lại vi phạm loạt nghị quyết trừng phạt vì Bắc Triều Tiên bị hạn chế nhập khẩu dầu lửa, chỉ còn 500.000 thùng mỗi năm, tương đương khoảng 65.000 tấn. Hiện bộ Thống Nhất Triều Tiên vẫn chưa cho biết là đã đáp ứng hay không yêu cầu của miền Bắc.

3. Hai nhân vật trong đoàn Bắc Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen

Bình Nhưỡng cố tình kéo dài thời hạn công bố danh sách các nhân vật đến tham dự Thế Vận Hội nhằm "nắn gân" các nghị quyết trừng phạt. Và đúng như nhận định của nhật báo New York Times, phái đoàn Bắc Triều Tiên có hai nhân vật nằm trong danh sách đen của Hội Đồng Bảo An và Hoa Kỳ.

Người thứ nhất là Kim Yo-jong, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un. Nhân vật này được đánh giá là ngày càng có ảnh hưởng trên thượng tầng Nhà nước và vừa mới trở thành ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền lực.

Người thứ hai là ông Choe Hwi, chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên. Cả hai đều nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ vì bị cho là có vai trò trong "hàng loạt vi phạm hiện tại và nghiêm trọng về nhân quyền và hoạt động kiểm duyệt". Tuy nhiên, chỉ có ông Choe Hwi là nằm trong danh sách cá nhân bị trừng phạt của Hội Đồng Bảo An.

Người dân Hàn Quốc có phản ứng tích cực khi biết tin Kim Yo-jong tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội vì đây là chuyến công du đầu tiên của một thành viên gia đình họ Kim cầm quyền kể từ năm 1953, khi hai miền đình chiến. Và để đón tiếp phái đoàn cao cấp này, một lần nữa, Seoul lại phải xin phép Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ để "phá luật".

4. "Đau đầu" vì hàng cao cấp

Biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo Anh gây nhiều vấn đề nhất ở Thế Vận Hội Pyeongchang có lẽ là lệnh cấm chuyển giao sản phẩm cao cấp.

Bắt đầu từ túi quà tặng cho mọi vận động viên, bên trong có một chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 8 của Samsung. Hội Đồng Bảo An có thể coi đó là một mặt hàng cao cấp vì theo giá bán, chiếc điện thoại này trị giá 1,09 triệu won (khoảng 817 euro). Ủy Ban Thế Vận (CIO) nảy ra ý kiến là ban tổ chức chỉ cho vận động viên Bắc Triều Tiên "mượn" điện thoại và thu lại sau kỳ thi đấu. Seoul không theo ý tưởng này vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt và theo tin mới nhất thì các vận động viên Bắc Triều Tiên (và Iran – nước cũng bị cấm vận) đã từ chối nhận quà.

Liệu lệnh cấm vận đối với sản phẩm cao cấp có giá trị với… gậy khúc côn cầu trên băng ? Theo New York Times, đây cũng là một thách thức với ban tổ chức.

Nhật báo Mỹ nhắc lại, năm 2017, các vận động viên khúc côn cầu trên băng Bắc Triều Tiên đã tham gia một trận thi đấu quốc tế tại Auckland (New Zealand) với những cây gậy bằng gỗ và đã mòn. Ban tổ chức đã phải cho họ mượn dụng cụ mới bằng sợi cac-bon, sau đó được thu lại khi kết thúc trận đấu. Cách thức này cũng được áp dụng tại Pyeongchang, vì đội hình nữ thi đấu bộ môn khúc côn cầu trên băng bao gồm vận động viên của cả hai miền.

Liệu những nỗ lực của Hàn Quốc có biến được Olypmic Pyeongchang thành "Thế vận Hòa bình" giúp hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau ? Câu trả lời sẽ được kiểm chứng trong thời gian sau Thế Vận.

Thu Hằng

***********************

Quan hệ liên Triều : Kim Jong-un mời Moon Jae-in họp thượng đỉnh (RFI, 10/02/2018)

Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước trong chiến dịch làm lành với Seoul : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã viết thư mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng tham dự một hội nghị thượng đỉnh. Thông tin này đã được phủ tổng thống Hàn Quốc chính thức loan báo vào hôm nay, 10/02/2018 sau cuộc tiếp xúc bên lề Thế Vận Hội Pyeongchang, giữa tổng thống Hàn Quốc với một phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên, trong đó có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un.

pyeong4

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P). Reuters/EDIT RFI

Từ Seoul, thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tường trình :

Bắc Triều Tiên đã chính thức mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong-un. Địa điểm hội nghị sẽ là Bình Nhưỡng, còn thời điểm sẽ là "càng sớm càng tốt".

Lời mời đã được chính Kim Yo-jong, em gái của Kim Jong-un, chuyển đến tận tay tổng thống Hàn Quốc. Bà Kim Yo-jong hiện đang có mặt ở Hàn Quốc trong khuôn khổ một cuộc đối thoại do hai miền Triều Tiên khởi xướng nhân dịp Thế Vận Hội.

Tổng thống Hàn Quốc đã phản ứng một cách thận trọng trước lời mời, cho rằng để cho một cuộc họp như vậy có thể diễn ra, trước tiên hết là phải "ấn định một số điều kiện cần thiết". Trong vòng 70 năm qua từ khi hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt đến nay, lãnh đạo hai nước chỉ mới gặp nhau hai lần, đều ở Bình Nhưỡng, vào năm 2000 và 2007.

Ông Moon Jae-in cũng kêu gọi chính quyền Bắc Triều Tiên nhanh chóng nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, nước có vẻ như không mấy thoải mái với việc quan hệ hòa dịu hẳn lên một cách bất ngờ giữa Seoul và Bình Nhưỡng nhân dịp Thế Vận Hội đang diễn ra.

Đến dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm mọi cách để tránh gặp các quan chức Bắc Triều Tiên, thậm chí còn từ chối bắt tay họ tại lễ khai mạc.

Các cử chỉ đó bị coi là phản ánh thái độ coi thường các nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng, và đã làm dấy lên nhiều lời bình luận và ý kiến quan ngại ở Seoul.

Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, lời mời đã được bà Kim Yo-jong chuyển đến ông Moon Jae-in trong cuộc gặp hôm nay giữa tổng thống Hàn Quốc với phái đoàn Bắc Triều Tiên. Khi trao bức thư cá nhân của anh trai mình cho tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong còn nói thêm : "Chúng tôi hy vọng sớm gặp lại ngài ở Bình Nhưỡng". Theo bà, Bắc Triều Tiên rất muốn tổng thống Moon Jae-in trở thành "tác nhân trong một chương mới về tiến trình thống nhất (Triều Tiên), để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử".

Dẫu sao thì nhân dịp phái đoàn cao cấp Bắc Triều Tiên do chủ tịch trên danh nghĩa của Bắc Triều Tiên là ông Kim Yong-nam và bà Kim Yo-jong dẫn đầu đến Hàn Quốc, hai chính phủ Nam Bắc đã liên tiếp tung ra những tín hiệu hòa dịu. Sau bữa ăn trưa kéo dài 3 tiếng đồng hồ vào hôm nay, hai ông Moon Jae-in và Kim Yong-nam cùng đến xem đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ chung của hai miền thi đấu tại Thế vận hội PyeongChang.

Về chiến lược ẩn đằng sau động thái ngoại giao khá bất ngờ nói trên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhà báo Bruno Daroux của RFI nhận định :

"Có thể nói rằng nhà lãnh đạo trẻ - cai trị Bắc Triều Tiên bằng bàn tay sắt từ sáu năm nay - đang chơi một ván bài mạo hiểm, nhưng khôn khéo. Chiến thuật của ông ta là lúc thì cứng rắn, lúc tỏ ra mềm mại trong các chiến dịch tuyên truyền, được kiểm soát một cách hoàn hảo.

Trong trò chơi sấp ngửa này, Bình Nhưỡng để ngỏ cho cánh cửa đối thoại với người anh em thù địch miền Nam, mà về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền Triều Tiên chỉ mới ký kết một hiệp ước đình chiến vào năm 1953. Chiến lược ngoại giao thể thao đã được sử dụng để chứng minh là Bắc Triều Tiên sẵn sàng chìa tay ra với người láng giềng Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đắc cử hồi năm ngoái, chủ trương hòa bình. Đây là điều hết sức thuận lợi đối với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng nhìn thấy ở đây một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của chế độ. Thậm chí hôm nay, tổng thống Hàn Quốc và chủ tịch danh nghĩa của Bắc Triều Tiên đã có một cuộc hội kiến.

Chúng ta có thể đánh giá Hàn Quốc đã ngây thơ, hay ít nhất việc Seoul bị cuốn vào cuộc chiến tuyên truyền của Bắc Triều Tiên cũng là điều gây sốc. Bắc Triều Tiên muốn tỏ ra mình cũng là một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác. Mà điều này trên thực tế không phải vậy. Bắc Triều Tiên vẫn là một chế độ toàn trị, hành quyết những người có quan điểm đối lập, hoặc giam cầm họ trong các trại tập trung khủng khiếp.

Bắc Triều Tiên khẳng định rõ ràng không nhân nhượng bất cứ điều gì về mặt quân sự, đặc biệt là vị thế của một cường quốc hạt nhân, điều mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận".

Trọng Nghĩa, Trọng Thành

***********************

Em gái Kim Jong-un rời Hàn Quốc sau chuyến thăm được xem là thành công (RFI, 10/02/2018)

Sau ba ngày được tiếp đón trọng thể tại Hàn Quốc, phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên trở về Bình Nhưỡng vào hôm nay, 11/02/2018.

pyeong5

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) gặp chào bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh do KCNA công bố ngày 10/02/2018, nhưng không ghi ngày) - KCNA/via  Reuters

Trước đó, nhân vật chủ chốt của phái đoàn Bắc Triều Tiên là bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đã cùng với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến xem buổi trình diễn thứ hai của đoàn ca nhạc Bắc Triều Tiên. Vào lúc trưa, bà đã được thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon chiêu đãi tại một khách sạn 5 sao ở Seoul.

Sự kiện nổi bật hôm qua là bà Kim Yo-jong đích thân chuyển lời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc qua Bình Nhưỡng họp thượng đỉnh. Có thể nói, chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn Bắc Triều Tiên đã gặt hái thành công về phương diện ngoại giao và truyền thông.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias nhận định :

"Đệ Nhất Tiểu Muội" của Bắc Triều Tiên kết thúc vào tối nay chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài ba ngày. Chuyến công du lịch sử đó - lần đầu tiên trong vòng 70 năm nay của một thành viên của gia đình cai trị miền Bắc - có thể được coi là một thành công về ngoại giao và truyền thông đối với chế độ Bình Nhưỡng.

Giới truyền thông và công chúng Hàn Quốc như đã bị bà Kim Yo-jong cuốn hút. Nụ cười bí ẩn luôn nở trên môi cũng như bộ trang phục rất giản dị của bà đã được soi rọi kỹ lưỡng mỗi khi bà xuất hiện trước công chúng, chẳng hạn như nhân bữa ăn trưa với tổng thống Hàn Quốc hoặc nhân trận đấu khúc côn cầu của đội tuyển nữ Triều Tiên thống nhất.

Dù bị Mỹ trừng phạt do vai trò của bà trong những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, người phụ nữ trẻ đã được tiếp đón ở Hàn Quốc với mọi nghi thức long trọng. Bà đã kết thúc chuyến thăm với một bữa tiệc trưa do thủ tướng Hàn Quốc khoản đãi và một buổi hòa nhạc tại Seoul do một dàn nhạc Bắc Triều Tiên biểu diễn.

Ở phía đối diện, Hoa Kỳ đã bị thua trong trận chiến truyền thông. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence - cũng ghé thăm Hàn Quốc - đã cố nhắc lại tội trạng của chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng việc ông khăng khăng từ chối gặp đại diện Bắc Triều Tiên đã bị nhiều người cho là phản tác dụng.

Về phần mình, tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa trả lời đề nghị họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Ông cố tránh làm mích lòng đồng minh Mỹ rất đa nghi, và nói rằng cần phải hội đủ các điều kiện cần thiết. Thế nhưng ông được cho là sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng với miền Bắc thông qua đối thoại và đàm phán.

Trọng Nghĩa

********************

Kim Yong-nam, vị chủ tịch "bù nhìn" của Bắc Triều Tiên là ai ? (RFI, 10/02/2018)

Đây là câu hỏi của báo Les Echos đăng trên mạng ngày 09/02/2018. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Kim Yong-Nam đại diện cho Bắc Triều Tiên đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Ở tuổi 90, sự trường tồn của ông dưới ba đời lãnh đạo họ Kim là một ngoại lệ.

pyeong6

Ông Kim Yong-nam (P) Chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và Kim Yo-jong (G), em gái lãnh đạo Kim Jong-un, tại phòng tiếp khách ở sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 Reuters

Từ 65 năm qua, ông là chủ tịch Quốc Hội tại một đất nước thường xuyên chiếm trang nhất các báo phương Tây. Ấy vậy mà tên của Kim Yong-nam, và ngay cả chức vụ của ông, cho đến giờ hầu như không ai biết đến.

Tháng Hai này, ông Kim Yong-nam tròn 90 tuổi. Và tuần nay, ông đã gần như thoát khỏi chiếc vỏ bọc ẩn danh khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang. Điều chưa từng có đối với một lãnh đạo cao cấp như thế của chế độ Bình Nhưỡng.

Về mặt chính thức, ông dẫn đầu đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang. Dù rằng trên thực tế, trưởng đoàn thật sự mới chính là Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là đại diện đầu tiên của dòng họ Kim bước qua biên giới kể từ năm 1950.

Đời thứ ba dòng họ Kim

Theo Seoul, Kim Yong-nam sinh năm 1928. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành, rồi có bằng Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Moskva năm 1953. Sau đó, ông làm việc cho Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng và từ đó bắt đầu lên từng cấp bậc để cuối cùng nắm giữ vị trí lãnh đạo Ban Đối Ngoại từ năm 1972.

Năm 1983, Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng, bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Mười lăm năm sau, ông được Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) nâng cấp, bổ nhiệm làm chủ tich đoàn chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao – tức Quốc Hội Bắc Triều Tiên – một nghị viện do độc đảng kiểm soát. Với chức danh này, Kim Yong-nam được coi là chủ tịch nước, một chức vụ mang tính danh dự. 

Do vậy, chính ông là người ký thư ủy nhiệm cho các đại sứ Bắc Triều Tiên và là người tiếp các sứ giả ngoại quốc. Công việc này rất có ích cho ông Kim Jong-il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay vì ông Kim Jong-il nổi tiếng là người tránh các tiếp xúc với các quan chức nước ngoài. Và hiện nay, Kim Jong-un là đời lãnh đạo thứ ba của triều đại họ Kim mà ông phục vụ.

Nhân vật thứ hai trong nghi thức lễ tân

Ông cũng đã nhiều lần đại diện cho Bắc Triều Tiên trong các sự kiện quốc tế, như Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 và Mùa Đông Sochi ở Nga năm 2014, trước kỳ thế vận Pyeongchang năm nay, cũng như là nhân dịp lễ nhậm chức tổng thống của ông Hassan Rohani tại Iran vào tháng 8/2017.

Tuy vậy, thật khó đánh giá tầm ảnh hưởng chính trị của ông. Chính Kim Jong-un mới là Lãnh đạo tối cao của chế độ và là người nắm quyền lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên, với chức vụ chủ tịch Đảng.

Yang Moo-jin, thuộc trường Đại học Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên nhấn mạnh là trong các hoạt động lễ hội, các cơ quan truyền thông chính thống của Bắc Triều Tiên nêu tên các lãnh đạo hiện nay thì tên của Kim Yong-nam "luôn được đặt ngay sau tên của Kim Jong-un. Điều đó có nghĩa ông là nhân vật số hai trong hàng ngũ Đảng".

"Chiếc máy ghi âm"

Nhưng làm thế nào ông có thể sống sót lâu đến thế trên thượng tầng lãnh đạo tại một đất nước thường xuyên diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu ? Kim Jong-un đã không ngần ngại trừ khử người chú dượng Jang Song-thaek vì tội phản quốc năm 2013, và gần đây nhất là người anh cùng cha khác mẹ Kim Yong-nam tại sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017.

Nhưng Kim Yong-nam, vốn không thuộc dòng dõi triều đại lãnh đạo họ Kim, đã tránh được số phận đó. Đối với các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, "cụ già 90 tuổi" này có thể sống sót được nhờ vào sự khôn khéo cũng như là sự tận tụy. Chuyên gia Yang Moo-jin giải thích tiếp : "Ông ấy chưa bao giờ bị xem như là một mối đe dọa cho chế độ. Đó là một nhà kỹ trị nhã nhặn luôn trung thành đi theo các chỉ thị của lãnh đạo".

Tại Hàn Quốc, giới chuyên gia đã đặt cho ông Kim Yong-nam biệt danh là "Chiếc máy ghi âm", bởi vì theo ông Yang Moo-jin "ông ấy luôn lặp lại như là một con vẹt những gì lãnh đạo tối cao nói".

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á

Vụ con trai Fidel Castro tự sát và hoàng hôn của chế độ Cuba

Tác giả Christian Makarian trong bài viết "Vụ tự sát trong gia đình Castro"đăng trên L’Express nhận định : việc người con trai của lãnh tụ Cuba Fidel Castro tự kết liễu cuộc đời là một chỉ dấu chính trị.

fidel1

"Fidelito", con trai cả của cố chủ tịch Cuba Fidel Castro, tự sát ở tuổi 68. ADALBERTO ROQUE / AFP

Đó là người nối dõi duy nhất có ngoại hình giống y Fidel Castro. Trong số những người con trong và ngoài giá thú mà lãnh tụ Cuba để lại, Fidelito cũng là người duy nhất tìm đến cái chết ở tuổi 68. Người ta biết được sự kiện này qua một thông cáo ngắn gọn : "Tiến sĩ khoa học Fidel Castro Diaz-Balart, đã được một nhóm bác sĩ chăm sóc từ nhiều tháng qua do bị trầm cảm nặng nề, đã tự sát sáng nay 01/02/2018".

Theo tác giả, bản thân vụ tự tử này cho thấy sự trượt dốc của chế độ Castro - dường như không thể nào vực dậy được nếu không thay đổi triệt để đường lối. Cuộc đời của Fidelito là sự tóm lược kinh nghiệm thảm hại của chủ nghĩa mác-xít Cuba. Cái chết của ông như một sự biểu hiện về chính trị, nhấn mạnh đến sự vô nghĩa của một ý thức hệ cằn cỗi mà một giai cấp phải bám vào – một viễn cảnh tuyệt vọng.

Fidelito được biết đến rất sớm. Năm 1959, trong một cuộc phỏng vấn hết sức nổi tiếng do kênh truyền hình CBS thực hiện, nhà cách mạng có bộ râu quai nón đang thách thức Hoa Kỳ, xuất hiện trên màn hình với bộ pyjama. Để trấn an công chúng Mỹ, Fidel bỗng dưng bế cậu bé Fidelito, cũng đang mặc đồ ngủ, giơ lên cao.

Nhưng tình phụ tử chỉ ở ngoài mặt… Fidel không quan tâm lắm đến con cái, ngược lại với chủ tịch hiện nay, ông Raul Castro là người cha rất có trách nhiệm của bốn đứa con. Raul cũng có một thời gian mang cháu Fidelito về chăm sóc.

Sau khi học ngành vật lý nguyên tử ở Liên Xô dưới một cái tên giả, trong một trường đại học dành riêng cho con cái quan chức lớn, Fidelito trở về Cuba, tiếp tục làm công tác nghiên cứu khoa học và đến năm 1980 trở thành người lãnh đạo CEA (Trung tâm nghiên cứu về nước Mỹ). Nói thạo tiếng Nga, ông cưới cô Olga Smirnova, có hai con là Fidel Antonio và Mirta Maria.

Năm 1992, Fidelito bỗng dưng bị chính cha mình tước chức vụ. Fidel Castro tuyên bố một cách nghiêm khắc : "Fidelito không phải từ chức mà bị cách chức : Cuba không phải là một nước quân chủ !". Sau đó nhà khoa học bị trầm cảm nặng, kéo theo một chuỗi ngày suy sụp, dù người ta đã cho ông một chức vụ ngồi chơi xơi nước là phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Cuba.

Số phận của Fidelito cho thấy sự thô bạo của chế độ cộng sản Cuba. Mẹ ông, bà Mirta Diaz-Balard, vợ đầu của Fidel Castro vốn là thành viên một gia đình đông đúc. Do đó Fidelito có người anh em họ là dân biểu Mỹ Mario Diaz-Balart, một nhân vật chống chế độ Castro kịch liệt. Ông Mario rất ủng hộ Donald Trump, gần đây tuyên bố "mọi người đã đánh giá không đúng về tổng thống Trump" - người mà hồi tháng 6/2017 đã hủy bỏ thỏa thuận xích gần lại với Cuba do ông Barack Obama ký kết.

Tác giả Christian Makarian kết luận, như một thách thức cuối cùng đối với người cha đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng "Tổ quốc hay là chết", Fidelito đã chọn cái chết lạnh lẽo, thay cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới ánh mặt trời nhiệt đới.

Trí thức Pháp bị Mao mê hoặc như thế nào ?

Cũng liên quan đến ý thức hệ cộng sản, Le Point có bài phỏng vấn chuyên gia François Hourmant, tác giả cuốn "Những năm tháng mao-ít tại Pháp". Nhiều trí thức Pháp trong thời kỳ từ 1966 đến 1976 đã bị Mao Trạch Đông mê hoặc như thế nào ?

Theo ông Hourmant, từ khi khởi đầu cuộc Trường Chinh, Mao trở thành một biểu tượng cách mạng, một con người hành động theo kiểu Fidel Castro hoặc Che Guavara. Việc phổ biến quyển Sách Đỏ tại Pháp với giá rất rẻ cũng giúp nâng Mao Trạch Đông lên hàng lý thuyết gia cách mạng, bên cạnh Lenin và Stalin.

Cuộc chiến tranh Việt Nam mang lại một luống gió mới "chống đế quốc". Vụ Budapest và bản báo cáo Khrouchtchev năm 1956 đã khiến Liên Xô gây thất vọng nơi những người mác-xít. Cuộc Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông tung ra năm 1966 mang lại tia hy vọng : được tuyên truyền là một phong trào đột xuất của quần chúng, chiến dịch này giúp Trung Quốc gây tiếng vang lớn, qua mặt cả Cuba. Mốt cổ áo kiểu Mao được nhiều nhà tạo mốt lừng danh của Pháp lăng-xê.

Nhiều trí thức, chính khách tên tuổi Pháp được mời sang Trung Quốc, được Bắc Kinh hậu đãi. Đa số khám phá ra rằng giấc mơ bình đẳng mà trong sâu thẳm tâm hồn họ luôn tin, vẫn chỉ là giấc mơ, nhưng "há miệng mắc quai". Bên cạnh đó, một số vẫn còn ảo tưởng. Tác giả Simon Leys sau khi can đảm tung ra cuốn "Bộ áo mới của Mao chủ tịch" năm 1971, tố cáo sự tàn bạo của Cách mạng văn hóa và sự mù quáng của những người tôn sùng Mao, đã bị đả kích dữ dội.

Tựa chính báo Pháp : Thế vận hội Pyeongchang, bitcoin…

Trang nhất tuần báo L’Express chạy tựa "Để hiểu bitcoin" với các câu hỏi được đặt ra : Liệu có thể hưởng lợi từ đồng tiền ảo này, hay nên nghi ngại ? Và các ngân hàng và Nhà nước chừng như không theo kịp thời sự ?

Le Point tuần này đăng chân dung Laurent Wauquier, thủ lãnh đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, mà tờ báo nhận định là người làm cho tổng thống Emmanuel Macron e sợ.

L’Obs báo động về "Những xu hướng hằn thù mới đối với người Do Thái", với những bài phóng sự tại Đức, Bỉ, Thụy Điển và Pháp.

Le Courrier International dành chủ đề cho "Hàn Quốc, Thế vận của đối thoại" với nhận định tổng thống Moon Jae-in trông cậy vào Olympic Pyeongchang vừa khai mạc ngày thứ Sáu 09/02/2018 để đánh bóng lại hình ảnh một trong những nền dân chủ hiếm hoi ở Châu Á.

Moon Jae-in, người mơ mộng bướng bỉnh

Trước hết về tống thống Hàn Quốc, Le Point nhận định "Ông Moon, người mơ mộng bướng bỉnh".

Theo một người có trách nhiệm ở Phủ tổng thống Hàn Quốc, hồi đầu tháng 11/2017, trong cuộc hội đàm với người đứng đầu nước Mỹ, ông Donald Trump có hỏi ông Moon Jae-in là "Ngoài Bắc Triều Tiên, ông còn đang lo lắng điều gì khác ? Tôi có thể giúp ông được không ?". Dù rất muốn trả lời "Điều đáng lo nhất của tôi chính là ông !", nhưng ông Moon lại thổ lộ "Đó là Thế vận hội mùa đông". Donald Trump đồng ý giúp, và gởi phó tổng thống Mike Pence đến hỗ trợ.

Ba tháng sau, giấc mộng của ông Moon trở thành sự thật. Nhưng nhiều chiến lược gia Mỹ lo lắng, liệu tổng thống Hàn Quốc có rơi vào bẫy, làm lỏng lẻo đi liên minh Seoul-Washington, nhờ đó Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thủ lợi lớn ? Để trấn an, Moon Jae-in đòi hỏi việc phi hạt nhân hóa phải nằm trong chương trình nghị sự liên Triều.

Ông cố làm mọi cách để qua sự kiện Olympic tái lập được kênh liên lạc với Bình Nhưỡng, điều kiện cần thiết để tiến đến một hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un. Nhưng không phải bằng mọi giá, "không mở thượng đỉnh chỉ để có được thượng đỉnh". Moon Jae-in không muốn bước theo vết xe đổ của người tiền nhiệm Roh Moo-hyun – viện trợ ồ ạt cho Bắc Triều Tiên nhưng không được đáp lại bao nhiêu.

Thời gian không còn nhiều đối với một tổng thống mà Hiến Pháp cấm tái ứng cử. Nhà nghiên cứu Kim Ji-yoon, Viện nghiên cứu Châu Á ở Seoul cảnh báo : "Ông Moon có hai năm để thành công, sau đó sức bật sẽ không còn nữa". Trừ phi Thế vận hội mang lại được phép lạ.

Dân chủ có thể đi liền với văn hóa Khổng giáo

Trong hồ sơ về Olympic Pyeongchang, Le Courrier International dịch bài báo của tờ Kyunghyang Shinmun cho rằng "Người Hàn Quốc phải tỏ ra gương mẫu". Nhật báo xuất bản tại Seoul vui mừng nhận định, dân chủ có thể hòa hợp với văn hóa Khổng giáo, mà những sự kiện chính trị chấn động gần đây tại nước này đã chứng tỏ.

Tác giả nhắc lại cuộc tranh luận năm 1994 giữa thủ tướng Singapore thời đó là ông Lý Quang Diệu và ông Kim Dae-ung, thủ lãnh phe đối lập dân chủ Hàn Quốc. Ông Lý cho rằng Khổng giáo vốn độc đoán, giúp phát triển kinh tế nhưng không phù hợp với nền dân chủ. Nhưng ông Kim phản bác, nói rằng dân chủ không phải là một loại văn hóa, mà là một giá trị phổ quát của lịch sử nhân loại.

Về sức mạnh phong trào quần chúng và cách điều hành nhà nước dân chủ, thì Singapore, Trung Quốc và thậm chí Nhật Bản tỏ ra yếu hơn Hàn Quốc, nếu so sánh với tầm vóc kinh tế. "Cuộc cách mạng nến" tại Hàn Quốc năm 2017 cho thấy rõ điều đó. Bài xã luận của tờ Financial Times hôm 29/08/2017 khẳng định "Dân chủ và kinh tế đều tiến triển" tại nước này, sau vụ tư pháp kết án cựu tổng thống và người kế nghiệp Samsung - tập đoàn uy lực nhất nước.

Hàn Quốc cũng gặp phải các vấn đề bất bình đẳng xã hội, dân số lão hóa… như đa số các quốc gia phát triển. Nhưng nếu các nước này tiết giảm vai trò của Nhà nước, thì ông Moon lại mở rộng, đồng thời áp dụng các biện pháp tự do hóa. Theo Bloomberg, chính sách này có cơ thành công, vì nền tài chính Hàn Quốc khá lành mạnh, và phúc lợi xã hội cũng tương đối. Hãng tin bày tỏ hy vọng Hàn Quốc giải quyết được những vấn đề kinh tế một cách dân chủ.

Bốn chàng ngự lâm pháo thủ của Donald Trump

Liên quan đến Hoa Kỳ, L’Express nói về "John Kelly, ông từ giữ đền của Donald Trump". Là cựu tướng lãnh trong chiến tranh Iraq, John F.Kelly đã được đôn lên làm chánh văn phòng Nhà Trắng, một chức vụ chủ chốt tại Phủ tổng thống.

Có cách nói năng điềm tĩnh, khuôn mặt thản nhiên, rất tự chủ, ông Kelly không cần phải cao giọng để buộc người ta lắng nghe. Bốn mươi lăm năm phục vụ ở thủy quân lục chiến và tài lãnh đạo bẩm sinh khiến vị tướng bốn sao trở thành một huyền thoại, được cả phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ kính nể. Vị tướng về hưu 67 tuổi có sức khỏe rất tốt : ông có thể hít đất liên tục 200 cái một cách thoải mái.

Với chức vụ chánh văn phòng Nhà Trắng (chief of staff), ông John Kelly, được gọi thân mật "Kel", là cố vấn thân cận nhất của tổng thống. Chính ông là người quyết định xem ai được bước vào Phòng Bầu dục. Ông thương lượng với Quốc Hội, tiếp xúc trực tiếp với các nguyên thủ nước ngoài, là người duy nhất ở bên cạnh tổng thống trong những quyết định quan trọng. Từ khi nhậm chức hôm 31/12/2017, ông đã lập lại trật tự ở "West Wing", khu vực trước đây là nơi tranh giành ảnh hưởng của ba phe : Steve Bannon, cặp vợ chồng Ivanka, và người tiền nhiệm của ông là Reince Priebus. Nay thì tất cả những ai muốn nói chuyện với tổng thống phải được chánh văn phòng thông qua, kể cả cô con gái cưng Ivanka của ông Trump !

Tổng biên tập tạp chí The Atlantic nhận định, nếu Nhà Trắng không còn lộn xộn như trước, phần lớn là do công lao của Kelly và hai vị tướng khác. Đó là H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia ; và James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, trước đây là sếp của ông Kelly. Ngoài ra còn phải kể thêm tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội. Bốn vị tướng uy tín này là "bốn chàng ngự lâm pháo thủ" của tổng thống.

Xuất thân từ một gia đình công giáo bình dân gốc Ireland, chàng thiếu niên Kelly từng du lịch xuyên nước Mỹ bằng cách đi nhờ xe. Thích phiêu lưu, ông trở thành thủy thủ tàu vận tải năm 1970, và chuyến hải hành đầu tiên của Kelly là nhằm giao 10.000 tấn bia cho Việt Nam. Sau đó ông gia nhập thủy quân lục chiến, leo dần từ lính trơn lên đến chức vụ ngày hôm nay.

Gần đây theo lời đồn đãi Donald Trump do bất đồng quan điểm với John Kelly, có nặng lời về ông. Nhưng cũng theo tin đồn, là bốn chàng ngự lâm pháo thủ có bí mật cam kết với nhau, nếu một người rời chức vụ thì tất cả sẽ từ chức cùng một lúc. Do đó tổng thống khó thể tự tiện xuống tay.

Thụy My

Published in Quốc tế

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) vào hôm qua, 08/02/2018 cho biết đã bắt đầu thủ tục xem xét sơ bộ các hành động phạm tội ác chống nhân loại ở Venezuela và Philippines.

cpi1

Đối lập Venezuela tuần hành lên án chính phủ Nicolas Maduro, tại bang Tachira-San Cristobal, ngày 22/04/2017. AFP/George Castellanos

Đối với Philippines, đó là cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte, đã làm ít nhất 4000 người chết từ tháng Bảy 2016, theo số liệu chính thức, và gấp đôi theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, với những vụ tự do giết người trong các chiến dịch của cảnh sát.

Trường hợp Venezuela là những vụ đàn áp từ tháng 4/2017, nhắm vào các vụ biểu tình chống tổng thống Maduro. Cảnh sát đã dùng võ lực để giải tán, hàng ngàn người phe đối lập bị bắt, bị hành hung trong lúc bị giam giữ.

Cho dù Tòa Án Hình Sự Quốc Tế khẳng định là việc xem xét sơ bộ này không phải là một cuộc điều tra thực thụ, và tòa cũng không có thời hạn về việc lấy quyết định, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines cho là tòa án đã mở điều tra và Manila sẽ chứng minh rằng Tòa Án CPI "bất tài".

Chính quyền Venezuela thì đã có phản ứng rất mạnh mẽ. Thông tín viên RFI tại Venezuela, Julien Gonzalez ghi nhận :

"Một vụ xét xử theo kiểu bài trừ dị giáo thời Trung Cổ, một cung cách hành xử phô trương và đáng xấu hổ : Đây là phản ứng của bộ Ngoại Giao Venezuela.

Caracas phủ nhận tất cả những cáo buộc. Về các cuộc biểu tình chống ông Maduro, phía chính quyền cho đây là do phe đối lập đã tung tiền ra để tổ chức trong lúc cảnh sát chỉ lo việc duy trì trật tự, bảo vệ Nhà Nước pháp quyền, và nhiều cảnh sát đã hy sinh.

Nếu thông báo của Tòa Án Quốc Tế làm chính quyền tức giận, thì nhiều người khác lại hoan nghênh, như cựu chưởng lý Luisa Ortega Diaz. Bà nhắc lại là đã đưa ra trước Tòa Án CPI hơn 1.600 bằng chứng về những điều bà gọi là "tội ác" gây ra trong các cuộc biểu tình.

Nghị viện Venezuela, nơi mà phe đối lập chiếm đa số, thông báo sẽ hợp tác với tòa án CPI."

Mai Vân

Published in Quốc tế