Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/02/2018

Khi Trung Quốc thống trị thế giới

RFI tiếng Việt

Sự đe dọa của Trung Quốc đối với phương Tây là chủ đề quốc tế nổi trội trong những tháng đầu năm 2018. Trước một nước Mỹ bị rung chuyển bởi tư tưởng của Donald Trump, một Châu Âu đang phải đối phó với chủ nghĩa dân túy đang lên, một nước Nga bị chủ nghĩa Putin chi phối, Trung Quốc vẫn theo quỹ đạo thẳng tiến. Trên "bàn cờ" quốc tế, Bắc Kinh đi những con tốt, khiến phương Tây tin rằng những bước đi đó là vô hại nhưng thực tế lại không phải như vậy.

chine1

Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh, ngày 09/01/2018. Reuters/Charles Platiau

Trên đây là những nhận định trong bài viết có tiêu đề "Khi Trung Quốc thống trị" của nhà báo Sylvie Kauffmann đăng trên báo Le Monde của Pháp, số ra ngày thứ Năm 08/02/2018. RFI xin tóm lược nội dung bài viết.

Tập Cận Bình tỏa sáng ở diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017 trong vai một nguyên thủ quốc gia "hiền lành, nhân từ" và làm cử tọa kinh ngạc, thán phục với cương lĩnh toàn cầu hòa và tự do mậu dịch. Nhưng hình ảnh ấy đã bị xóa nhòa tại Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu 2017. Tập trung vào củng cố quyền lực đã giúp Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc, chỉ sau Mao Trạch Đông. Bắc Kinh cũng vươn lên nắm vai trò quan trọng trên toàn thế giới.

Nhưng đó chỉ là phần nổi trong thắng lợi của Trung Quốc, phần mà chúng ta nhìn thấy rõ. Chính quyền Mỹ khẳng định ẩn sau đó là sự thâm nhập, gây ảnh hưởng và các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa mang tên Trung Quốc rất nhiều lần và bằng mọi cách.

Một quan chức Washington, khi trả lời phỏng vấn báo le Monde, cho biết : "Tất cả chúng ta đều đổ dồn mắt nhìn về nước Nga, nhưng vấn đề trong tương lai lại nằm ở Trung Quốc, và chúng tôi muốn cảnh báo Châu Âu về chủ đề này". Trong buổi phỏng vấn phát ngày 30/01/2018 trên đài BBC, giám đốc tình báo Mỹ (CIA), ông Mike Pompeo, đã thẳng thắng cho biết là trong mắt ông, Trung Quốc cũng đáng lo ngại như Nga.

Lãnh đạo ngành tình báo Mỹ phát biểu là chỉ cần nhìn vào quy mô hai nền kinh tế Nga – Trung là thấy điều đó. Trung Quốc có những phương tiện mạnh hơn Nga để thực hiện nhiệm vụ. Điều mà Washington thấy được là nỗ lực mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc đánh cắp thông tin, can dự vào công việc của Hoa Kỳ thông qua các điệp viên, những người hoạt động chống lại nước Mỹ vì quyền lực của Trung Quốc. Điều này được thấy trong các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp của Mỹ. Giám đốc CIA cũng nhận định thực tế đó tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, kể cả ở Liên Hiệp Châu Âu và tại Anh Quốc.

Cũng có suy nghĩ tương tự giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cảnh giác phương Tây trước "kẻ săn mồi" mang tên Trung Quốc. Theo ông, hợp tác với Trung Quốc là con đường phát triển hấp dẫn nhiều quốc gia, nhưng trên thực tế, đó thường là sự phụ thuộc lâu dài chỉ để đổi lấy những mối lợi ngắn hạn. Và lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ kết luận điều này, làm nhớ lại thời kỳ huy hoàng của "chủ nghĩa thực dân Châu Âu".

Tại Châu Mỹ, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại số 1 của các nước Brazil, Achentina, Chilê và Peru. Chúng ta có thể nghĩ rằng, đối với chính quyền Mỹ của Donald Trump, thu hút sự chú ý của công luận về phía Trung Quốc vào thời gian này góp phần đánh lạc hướng dư luận khỏi hồ sơ Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Hoa Kỳ không phải quốc gia duy nhất gióng hồi chuông báo động về âm mưu của Trung Quốc. Các nước Liên Hiệp Châu Âu, cho dù đôi khi có phản ứng muộn hơn Hoa Kỳ, cũng đã bắt đầu cảnh giác trước chiến lược của Bắc Kinh.

Năm 2008, một số người lo lắng về việc tập đoàn Trung Quốc Cosco đã kiểm soát được cảng Pirée, tức là có được cảng trung chuyển tại Châu Âu trên "con đường tơ lụa mới".Nhưng chỉ cách nay 10 năm, khi tập đoàn Cosco lần đầu tiên đầu tư vào cảng Athènes, Hy Lạp, chẳng ai lo ngại gì ! Quả thực, vào thời kỳ đó, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính diễn ra trầm trọng, các nhà đầu tư Trung Quốc đã được Châu Âu nhiệt liệt hoan nghênh, mở rộng vòng tay chào đón. Còn ngày nay, vào giai đoạn "Liên Hiệp Châu Âu tự bảo vệ mình", Ủy ban Châu Âu đã ý thức được về tham vọng của Trung Quốc và đề cao cảnh giác để bảo vệ lợi ích chiến lược của Liên Hiệp.

Trong một báo cáo công bố trong tháng 02/2018, "Sự đột khởi chuyên quyền : làm thế nào để đáp trả ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Châu Âu", hai viện nghiên cứu độc lập của Đức, GPPI (Global Public Policy Institute) và Merics (Mercator Institute for China Studies) mô tả chi tiết nỗ lực về việc thay đổi phương pháp hành động của chính quyền Trung Quốc để thâm nhập và gây ảnh hưởng lên giới tinh hoa chính trị, kinh tế, truyền thông, giảng dạy và nghiên cứu đại học, cũng như giới tinh hoa trong xã hội dân sự của các nước Châu Âu.

Sylvie Kauffmann, tác giả bài báo trên Le Monde, khẳng định chiến lược của Trung Quốc đương nhiên thành công ở các nước nhỏ và bấp bênh, đặc biệt ở Đông Âu hơn là tại các nước phát triển mạnh. Điều này cũng tạo cơ hội để Trung Quốc chia rẽ Châu Âu. Hơn nữa, trong khi các cánh cửa của Châu Âu mở rộng, thì Trung Quốc lại luôn tìm cách hạn chế tối đa việc để tư tưởng, nguồn vốn đầu tư và nhân tố nước ngoài lọt vào nước này.

Một báo cáo độc lập khác, có tên gọi "China at the gate" - Trung Quốc ở ngưỡng cửa, do François Godement và Abigael Vasselier, hai chuyên gia về Châu Á thuộc Hội đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế, thực hiện và công bố hồi tháng 12/2017, cũng nhấn mạnh tới sự mất cân đối trong các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Âu. Các chuyên gia nhận định "Trung Quốc hiện đang ở Châu Âu".

Trung Quốc cũng thâm nhập vào khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng không theo cách mà Úc mà Nouvelle Zélande mong chờ. Hai quốc gia này đang bị Bắc Kinh dùng thủ đoạn nhắm tới. Có mối lên hệ chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc, Úc là nước có rất đông người Hoa sinh sống. Theo Sylvie Kaufmann, trước đây, Canberra từng nghĩ rằng sự phát triển của mô hình phương Tây ảnh hưởng tới Trung Quốc, nhưng nay họ nhận ra rằng điều ngược lại đang xảy ra : Trung Quốc đang gây tác động tới phương Tây, hay ít nhất đó là điều mà Bắc Kinh đang tìm kiếm, thông qua chiến lược gây ảnh hưởng mà đảng Cộng Sản Trung Quốc theo dõi sát sao.

Hồi tháng 12/2017, chính quyền Canberra đã đề xuất các dự luật nhằm bảo vệ đời sống chính trị của Úc khỏi sự can dự của các chính phủ nước ngoài. Không cần phải nêu tên quốc gia có liên quan, tại Úc, ai cũng hiểu nước bị nhắm tới chính là Trung Quốc.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)