Mỹ lôi kéo Việt Nam ngừng mua vũ khí của Nga ? (VOA, 12/02/2018)
Hoa Kỳ đang tìm cách lôi kéo Hà Nội mua vũ khí của mình, thay vì các quốc gia cung cấp truyền thống như Nga, Defense News mới nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong chuyến thăm Việt Nam tháng trước.
Trang chuyên về tin tức quốc phòng này dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên nói rằng phía Washington "khuyến khích" Việt Nam "đa dạng hóa" nguồn vũ khí, thay vì tập trung vào các nước như Nga.
Từ trước đến nay, Washington tìm cách lôi kéo quốc gia cựu thù mua vũ khí của mình trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông bằng việc xây dựng rầm rộ các hòn đảo nhân tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận xét rằng "người Việt Nam rất hoan nghênh sự hiện diện gia tăng của Mỹ ở khu vực".
Ông nói thêm : "Việt Nam phải tiến hành các quan hệ của mình dựa trên các nguyên tắc phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam. Việt Nam ở trong vị thế khá độc đáo ở vùng Đông Nam Á này, đặc biệt là tại Biển Đông. Với vị trí chiến lược của mình, Việt Nam phải hình thành lập trường và đối sách có tính nguyên tắc và tính nguyên tắc này không thể vì sự biến động tức thời mà bị ảnh hưởng".
Mới đây, sau khi thăm Việt Nam, Đại sứ Tina Kaidanow, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất, phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự, bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam "sẽ cân nhắc các công ty Mỹ" khi mua vũ khí.
Phát biểu của quan chức ngoại giao này dường như lặp lại mong muốn trước đó của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump chụp ảnh với lãnh đạo các nước trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.
Trong chuyến thăm Việt Nam, đích thân ông Trump đã chào bán "máy bay, tên lửa" trong các cuộc gặp song phương với các lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này.
Nguyên thủ Mỹ mong muốn Hà Nội "mua thiết bị từ Hoa Kỳ" vì "chúng tôi sản xuất máy bay và thiết bị quân sự tốt nhất".
Năm ngoái, trước khi ông Trump công du Việt Nam, chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel chi khoảng 40 nghìn đôla (hơn 900 triệu đồng) một tháng cho nỗ lực vận động về quốc phòng và vũ khí tại thủ đô Washington.
VTA Telecom Corporation đã thuê công ty McDermott Will & Emery vận động nhánh hành pháp và lập pháp của Hoa Kỳ về "các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam" cũng như "tìm cách tận dụng quyết định gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giao thương quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Dù phía Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương năm 2016, tới nay, hai nước vẫn chưa ký một thỏa thuận mua bán khí tài nào.
Nhận định về điều này, cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear từng nói với VOA tiếng Việt rằng "các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng".
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm, Việt Nam từng chi hơn 4 tỷ đôla để mua sắm thiết bị quân sự năm 2015.
Phần lớn các máy bay chiến đấu và toàn bộ đội tàu ngầm của Việt Nam hiện nay được sản xuất tại Nga.
Viễn Đông
********************
Trung Quốc muốn thử nghiệm tàu thủy không người lái ở Biển Đông (RFI, 12/02/2018)
Theo trang thông tin của Mỹ Business Insider, hôm nay, 12/02/2018, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một địa điểm ở Biển Đông để thử nghiệm các tàu thủy không người lái.
Ảnh minh họa : Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 06/2010© AFP/ Park Yeong-Dae
Trích dẫn Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, Business Insider cho biết khu vực thử tàu thủy không người lái đã bắt đầu được xây dựng từ thứ Bảy tuần trước trên vùng Biển Đông, ngoài khơi thành phố Châu Hải (Zhuhai), nằm gần Macao và cũng cách không xa một trong những hải cảng lớn của Hồng Kông.
Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc mô tả dự án nói trên là "dự án lớn nhất thuộc loại này trên thế giới và là căn cứ chủ yếu của Trung Quốc về công nghệ tàu thủy không người lái". Đây là dự án chung của nhiều cơ quan của Trung Quốc, trong đó có chính quyền thành phố Châu Hải và Đại học Công nghệ Vũ Hán. Trường đại học này đã phát triển công nghệ tàu nổi không người lái cho chính phủ Trung Quốc từ nhiều năm nay.
Theo Business Inseder, cách đây một tuần, Trung Quốc cũng vừa hoàn tất đợt thử nghiệm đầu tiên các tàu thủy không người lái tại một nơi gần thành phố Đông Hoàn (Dongguan). Chiếc tàu này do Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung - Thâm Quyến phát triển, có thể thực hiện các chuyến tuần tra và hoạt động cùng các tàu không người lái khác. Với các tàu thủy không người lái, Trung Quốc có thể tuần tra ở các vùng biển xa và củng cố thêm các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thanh Phương
**********************
Trung Quốc đưa chiến đấu cơ tàng hình tuần tra Biển Đông (Người Việt, 11/02/2018)
Trung Quốc đưa các loại chiến đấu cơ tối tân nhất, gồm cả hai loại chiến đấu cơ tàng hình SU-35 và J-20 phối hợp "tuần tra tác chiến" trên khu vực Biển Đông.
Chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi SU-35 Trung Quốc mua của Nga bay huấn luyện. (Hình : Tân Hoa Xã)
Tân Hoa Xã hôm Thứ Bảy, 10 tháng Hai loan tin, ba ngày trước đó, Bắc Kinh đã đưa hai loại chiến đấu cơ tối tân nhất phối hợp bay "tuần tiễu tác chiến" trên khu vực Biển Đông nhưng không nói rõ vùng biển nào. Đi kèm với bản tin và hình ảnh là video clip Su-35 biểu diễn bay nhào lộn và cả tiếp nhiên liệu trên không.
Trung Quốc đặt mua 24 chiến đấu cơ tàng hình Sukhoi SU-35 hồi hai năm trước, nhận bốn chiếc hồi năm ngoái. Tin tức quốc tế cho hay hôm 4 tháng Hai, 2018, Trung Quốc đã nhận thêm 10 chiếc nữa và 10 chiếc còn lại sẽ nhận trong năm nay qua thương vụ trị giá $2 tỷ. Đây là loại chiến đấu cơ đa năng tối tân nhất của Nga, vốn là phiên bản cải tiến từ dòng SU-30, thường được đưa so sánh với F-22 Raptor của Mỹ. Còn J-20 là khu trục đa năng tàng hình do Trung Quốc sản xuất dựa trên các kỹ thuật đánh cắp từ nước ngoài.
Tân Hoa Xã nói rằng, dù mới nhận được không bao lâu nhưng Bắc Kinh đã đưa các loại khu trục tàng hình tối tân nhất của họ tới Biển Đông "tuần tra tác chiến", khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước trong khu vực, đặc biệt với Việt Nam.
Tân Hoa Xã thuật lời Wang Mingzhi (Vương Minh Chí) , một huấn luyện viên của Không Quân Trung Quốc biện minh cho hành động của họ là "giúp cải thiện khả năng duy trì chủ quyền quốc gia và an ninh cũng như lợi ích trên Biển Đông".
Một ngày sau khi khoe đưa các khu trục cơ tàng hình xuống "tuần tra tác chiến" trên Biển Đông, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phó sản của tờ Nhân Dân nhật báo ở Bắc Kinh, hôm Chủ Nhật, 11 tháng Hai, viện dẫn nhận định của các chuyên viên nước này khoe Trung Quốc sẽ chiến thắng nếu có cuộc chiến xảy ra trên Biển Đông.
Tờ Hoàn Cầu thuật lời Lý Kiệt, một chuyên viên về Biển Đông của Bắc Kinh, như một cách phản ứng lại phát biểu của đề đốc Phillip Sawyer, tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, căn cứ tại Nhật, khi ông lập lại lời nói của những giới chức Hải Quân khác của Mỹ cam kết bảo vệ quyền tự do hải hành và phi hành trên các vùng biển quốc tế trên Biển Đông qua cuộc phỏng vấn của thông tấn Nhật Kyodo News.
Hoa Kỳ, theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) không coi các vùng biển đảo bồi đắp từ các bãi đá ngầm và những vùng tranh chấp trên Biển Đông là "chủ quyền" của Trung Quốc như lâu nay Bắc Kinh vẫn ngang ngược xác nhận.
Không thấy Hà Nội có hành động gì dù là lên tiếng suông về sự thách đố ngang ngạnh của Bắc Kinh khi đưa các chiến đấu cơ tàng hình tới Biển Đông. Một ngày nào đó không xa, chúng sẽ đáp xuống các phi trường và các căn cứ tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng tại quần đảo Trường Sa, vốn là các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988.
Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) có một chuyên mục tên "Biên giới biển đảo Việt Nam" không thấy đề cập gì về chuyện máy bay chiến đấu tối tân của Trung Quốc bay trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam mà Hà Nội vẫn thỉnh thoảng nhắc đi nhắc lại. Còn tờ Quân Đội Nhân Dân, báo tuyên truyền của bộ Quốc Phòng cộng sản Việt Nam, luôn luôn nín lặng trước những thứ thông tin nhạy cảm đụng đến tình nghĩa "16 chữ vàng" và "4 tốt" như thế này.
Giữa tháng Giêng, 2016, người ta thấy một số báo trong nước kêu ca hàng chục lần phi cơ Trung Quốc xâm phạm vùng bay an toàn của Việt Nam trên Biển Đông. Từ đó đến nay nín lặng dù tình trạng không có gì cải thiện.
Hôm Thứ Bảy 10, tháng Hai, 2018, người ta thấy TTXVN loan tin "Nhân dịp Tết Mậu Tuất sắp tới, Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi ngày 8 tháng Hai đã tới chúc Tết Ban Liên Lạc Đối Ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc – cơ quan đầu mối trong việc thúc đẩy, phối hợp, triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với các chính đảng nước ngoài, trong đó có Đảng cộng sản Việt Nam".
Trước đó, TTXVN nói "Ngày 8 tháng Hai, 2018, tức 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi thư chúc mừng năm mới nhân dịp nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Mậu Tuất. Hai tổng bí thư cùng đánh giá tích cực sự phát triển của quan hệ Việt-Trung trong năm qua, khẳng định mong muốn và quyết tâm đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai đảng, hai nước tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, ngày càng tốt đẹp, bền vững vì lợi ích của nhân dân hai nước".
Bắc Kinh vừa chúc tết lãnh tụ đảng cộng sản Việt Nam trong khi vẫn đưa các chiến đấu cơ tàng hình xuống Biển Đông để dằn mặt Hà Nội. (TN)