Hồ sơ Trung Đông : Pháp nên hợp tác với Nga
Tình hình Trung Đông thu hút sự quan tâm của báo chí Pháp. Iraq thời hậu chiến sẽ tái thiết ra sao. Syria có nguy cơ biến thành mồi lửa cho một cuộc xung đột giữa Iran – Israel.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles ngày 29/05/2017. Sputnik/Mikhail Metzel/Kremlin via Reuters
Trước rủi ro ngọn lửa xung đột quân sự trong khu vực bùng lên, báo Le Figaro (13/02/2018) có bài phân tích của nhà báo Renaud Girard cho rằng "Nước Pháp nên hợp tác với Nga tại Trung Đông", vì hòa bình cho khu vực cũng như lợi ích lâu dài của nước Pháp.
Về mặt chiến lược, Israel không thể chấp nhận nguy cơ Iran "cắm rễ" quân sự tại Syria bởi vì cho đến nay, Iran chưa bao giờ chính thức thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Theo tác giả, điều này thật phi lý vì nhiều lý do : Chưa bao giờ người Do Thái và người Ba Tư (Perse – Iran) thực sự thù nghịch với nhau ; tổng thống Iran Rohani theo xu hướng cải tổ đã chọn mở cửa đối thoại, ký kết thỏa thuận hạt nhân với phương Tây. Do vậy, tác giả lấy làm tiếc là sự đối đầu giả tạo giữa hai nước lại ăn sâu trong suy nghĩ của những chiến lược gia quân sự ở Israel và Iran.
Sau sự cố quân sự ngày 10/02, thủ tướng Israel đã điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin. Israel duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga bởi vì họ hiểu rằng Moskva là trụ cột không thể thiếu trong hồ sơ Trung Đông.
Vì thế, nhà báo Renaud Girard nghĩ rằng Pháp cũng phải làm như vậy vì Paris có bốn lợi ích cùng chia sẻ với Moskva tại Trung Đông.
Thứ nhất, Pháp và Nga cùng chống lại một kẻ thù chính, đó là thánh chiến Hồi giáo Sunni.
Thứ hai, Pháp cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ các giáo dân Kito giáo phương Đông.
Thứ ba, Pháp có quan điểm giống Nga trong hồ sơ Kurdistan, tức là không chấp nhận một Nhà nước Kurdistan, nhưng ủng hộ quy chế tự trị cho vùng Rojava Kurdistan tại Syria, cũng như đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đảng PKK của người Kurdistan.
Thứ tư, Pháp và Nga cùng mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran được ký ngày 14/07/2015 về phi hạt nhân hóa Iran trong lúc chính quyền Mỹ của Donald Trump đang tìm cách xé bỏ văn bản này.
Tuy nhiên tác giả lưu ý : Làm việc, phối hợp với Nga không có nghĩa là đồng ý với toàn bộ chính sách đối ngoại và đối nội của điện Kremlin. Tình hình phức tạp hiện nay tại Trung Đông buộc Pháp phải nhìn nhận một thực tế : Nga là trụ cột cần dựa vào để làm dịu bớt bệnh hoang tưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong hồ sơ Kurdistan, thuyết phục Iran từ bỏ những phát ngôn hung hăng chống Israel. Tư tưởng thực tế, sự nghiệp hòa bình và lợi ích lâu dài của Pháp thúc giục Paris phải hành động theo hướng này.
Syria : Giữa hai làn đạn
Cũng liên quan đến Trung Đông, Les Echos có bài viết cho rằng "Syria nằm giữa hai cuộc xung đột quan trọng tiềm tàng".
Ở phía bắc là Thổ Nhĩ Kỳ, mở chiến dịch tấn công nhắm vào người Kurdistan tại Afrin. Kể từ khi nội chiến bùng nổ tại Syria vào năm 2011, cả Damascus lẫn Ankara đều tránh đối đầu trực diện, nhưng cuối tuần qua, chính quyền Bachar al-Assad đã cho phép lực lượng Kurdistan băng qua những vùng do Damascus kiểm soát để đến Afrin chống Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân của nước này.
Trong khi đó tại phía Nam, căng thẳng cũng đã bắt đầu dấy lên giữa Israel và Syria, sau một vụ oanh kích chưa từng có hôm thứ Bảy vừa qua nhắm vào các đơn vị chiến đấu của Iran trên lãnh thổ Syria. Trong vụ này, Israel lần đầu tiên từ 30 năm bị mất một chiếc F-16.
Giới quân sự Israel quan ngại gia tăng leo thang xung đột quân sự với trục liên minh Hồi giáo Shia bao gồm Iran, Hezbollah tại Lebanon và chế độ Damascus được Nga hậu thuẫn.
Tổng thống Hàn Quốc : "Nhà trung gian hòa giải bất đắc dĩ"
Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục là tâm điểm thời sự tại Châu Á. Lãnh đạo Kim Jong-un, thông qua cô em gái Kim Yo-jong đến Seoul để dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông, đã gởi thư mời tổng thống Hàn Quốc đến thăm Bình Nhưỡng. Chính quyền Washington có vẻ sẵn sàng mở đối thoại sơ bộ mà không có điều kiện tiên quyết. Trong tình hình này, La Croix có bài nhận định đề tựa "Tổng thống Hàn Quốc, nhà trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng".
Ông Moon Jae-in đang phải chơi trò tung hứng với Washington và Bình Nhưỡng, tờ báo viết. Được bầu làm tổng thống Hàn Quốc với chủ trương "hòa giải" với phía Bắc để làm hạ nhiệt căng thẳng bán đảo Triều Tiên, nay ý định này của ông có nguy cơ bị phá hỏng vì nhiều trở ngại.
Thứ nhất là tuyên bố thông qua các biện pháp trừng phạt mới "cứng rắn nhất chưa bao giờ được áp dụng" của phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Đe dọa này của Mỹ có nguy cơ dẫn đến việc Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách tiến hành trở lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Thứ hai là các chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn, hiện được cả hai bên chấp nhận tạm hoãn vì lý do cho phép Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận Mùa đông. Việc hai bên tái khởi động chiến dịch sau thế vận rất có thể lại đẩy khu vực rơi vào căng thẳng.
Nhiều nhà quan sát nghi ngờ cơ hội mở một tiến trình thương lượng sơ bộ vô điều kiện tiên quyết. Với Bắc Triều Tiên, mối đe dọa từ Mỹ lên sự sống còn của chế độ biện minh cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Theo đánh giá của ông Kim Byung-yeon, giáo sư trường đại học quốc gia Seoul, được La Croix trích dẫn việc đưa Bình Nhưỡng và Washingtonra khỏi ngõ cụt là một nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Bởi vì, "hiện nay Bắc Triều Tiên đòi hỏi một cái giá quá cao và Hoa Kỳ chưa sẵn sàng để trả. Nếu như người đứng làm trung gian nài nì quá mức để cố thuyết phục đôi bên trong khi mà sự cách biệt lại quá lớn, những gì ông có được sẽ chỉ là những lời chỉ trích từ hai phía".
Trong quá khứ, thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và 2007, cũng như là những lần sự kiện văn hóa hay thể thao đều không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ cuộc đua vũ khí nguyên tử.
Từ đây đến năm 2050, hàng trăm đô thị có nguy cơ "chết khô"
Trong lĩnh vực môi trường, báo Les Echos trích dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức đăng trên tờ Nature, đưa ra một lời báo động được cho "lạnh xương sống". Theo đó, trong vòng ba thập niên tới, hơn 100 khu đô thị lớn nhất hành tinh có nguy cơ bị khan hiếm nước nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Kassel (Đức), 416 trong số 482 thành phố, tức chiếm khoảng hơn một phần tư (27%) số thành phố trên địa cầu, sẽ không còn khả năng cung cấp nước cho 233 triệu dân của mình. Thành phố Cap tại Nam Phi có lẽ sẽ nằm trong số những thành phố đầu tiên nhìn thấy các vòi nước bị khô hạn.
Các nhà khoa học liệt kê 10 thành phố có nguy cơ bị đe dọa nhiều nhất theo thứ tự cấp bách : Los Angeles (Hoa Kỳ), Jaipur (Ấn Độ), Dar es Salaam (Tanzania), Đại Liên (Trung Quốc), San Diego (Mỹ), Karachi (Pakistan), Harbin (Trung Quốc), Phoenix (Hoa Kỳ), Porto Alegre (Brazil) và Monterrey (Mexico).
Vẫn theo các nhà khoa học Đức, tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến các xung đột với giới nhà nông tại một nhóm nhỏ khoảng 100 thành phố khác. Nguồn nước dự trữ trên bề mặt, nguồn cung cấp nước duy nhất sẽ không đủ để đáp ứng cùng lúc các nhu cầu của cả cư dân thành thị lẫn cho nông nghiệp.
Những dự báo u ám này được dựa từ nhiều yếu tố khác nhau. Đầu tiên là yếu tố dân số. Tỷ lệ dân thành thị trên thế giới có lẽ sẽ tăng từ 54% lên hơn 60% từ đây cho đến cuối thế kỷ. Hệ quả là mức nước tiêu thụ hiện nay, vốn dĩ đã tăng gấp 4 lần trong vòng 60 năm qua, ít nhất chắc sẽ tăng thêm 80% từ đây đến năm 2030.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hiện tượng khí hậu ấm dần còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Biến đổi của lượng mưa không nghiêm trọng bằng việc thay đổi chế độ mưa. Hiện tượng khô hạn và hơi nước bốc nhanh sẽ đan xen ngày càng nhiều. Lượng nước đổ ra biển sẽ nhanh như là lượng mưa rơi, và hệ quả là các mạch nước ngầm không kịp đầy nước.
Tuy nhiên, các nhà khoa học còn có chút tia hy vọng cho rằng nhiều cuộc khủng hoảng vẫn có thể tránh được nếu nhân loại chấp nhận thay đổi cách thức làm nông nghiệp. Tại 80% các vùng hạ lưu nơi có nguy cơ xung đột giữa thành thị và giới nhà nông sẽ có thể tránh nhờ vào việc trồng trọt những loại cây "ngốn" ít nước, tái sử dụng nước đã qua sử dụng, chống rò rỉ hệ thống dẫn nước hay như cải thiện kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả hơn.
Bắc Băng Dương ngày càng bị acid hóa
Về phần mình, Le Figaro trích dẫn một nghiên cứu khác được đăng trên tờ Nature do các nhà khoa học Pháp và Tây Ban Nha đồng thực hiện, báo động hiện tượng nước biển tại Bắc Băng Dương ngày càng bị acid, gây tổn hại cho loài san hô nước lạnh.
Đại dương hấp thụ đến 90% hơi nóng dư thừa trong bầu khí quyển và hòa tan gần 30% lượng carbon dioxide có liên quan đến các hoạt động của con người. Tuy nhiên, hiện tượng thừa thải khí CO2 trong khí quyển và bị tan trong nước biển đang dẫn đến những biến đổi sâu sắc hệ sinh thái biển.
Nước biển tại Bắc Đại Tây Dương, nhất là tại vùng biển Irminger, nằm giữa Groenland và Iceland đang ngày càng bị acid hóa. Xu hướng này ngày càng rõ nét trong những năm gần đây đến mức hiện tượng acid hóa đang lan sâu xuống đáy biển, gây nguy hại những điều kiện cần thiết cho tăng trưởng của loài san hô "nước lạnh", sinh sống ở độ sâu 1.000 – 2.000 mét.
Tình trạng này dẫn đến hiện tượng thiếu các carbonate ion, vốn rất cần thiết cho quá trình tạo xương của san hô (được tạo thành từ calcium carbonate). Nói một cách khác, tính acid là kẻ thù của loài san hô và xu hướng này có nguy cơ trở nên nghiêm trọng.
Than đá hồi sinh
Phụ trang kinh tế của Le Monde nhận thấy "Sự hồi sinh của ngọn lửa than đá". Trong những năm gần đây, nhiều nước đang phát triển vẫn chú trọng sử dụng than đá với nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Theo chuyên gia Carlos Fernadez Alverez, thuộc Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE), từ năm 2014, mức tiêu thụ than đá trên thế giới có giảm, nhưng lại tăng nhẹ trong năm 2017 do nhu cầu tại Châu Á.
Hiện tại, than đá vẫn đáp ứng 27% nhu cầu về năng lượng nói chung và 40% nhu cầu sản xuất điện trên thế giới. Tính theo giá hiện nay trên thị trường quốc tế, tổng giá trị sản lượng than đá trên thế giới là 350 tỷ euro.
Theo Le Monde, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á quyết định tương lai của than đá. Mức tiêu thụ tại Châu Á chiếm tới ba phần tư nhu cầu thế giới, thay vì 50% như trong năm 2010.
Than đá là kẻ thù của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực khí hậu. Ngày càng có nhiều các nhà máy nhiệt điện cũ, lạc hậu. Ngoài việc thải khí lưu huỳnh, nitrogen oxide và các phân tử cực nhỏ, than đá còn thải ra tới 45% lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Theo tổ chức Climate Action Netword – CAN, đây là nguồn sản xuất điện gây nhiều tác động nhất. Cần phải từ bỏ loại năng lượng này.
Trang nhất các báo Pháp
Thời sự nước Pháp chiếm trang nhất một số các nhật báo lớn. "Chính phủ gia tăng cuộc chiến chống lao động bất hợp pháp" là hàng tít lớn trên nhật báo Le Monde.
Phương pháp dạy toán ở trường học là mối bận tâm chính của Libération. Trên nền ảnh nhà toán học Villani, đại biểu quốc hội đảng LREM của tổng thống Macron, và người từng đoạt giải thưởng Field về toán học cùng thời với giáo sư Ngô Bảo Châu, tờ báo đề tựa : "21 đề xuất để dạy cách đếm, Villani – ông chủ toán học". Hôm qua, nhà toán học đã trình bày 21 giải pháp về giảng dạy toán cho các học sinh Pháp, vốn dĩ nằm trong số những học sinh có trình độ toán học tồi nhất.
"Sau chính trị, một cuộc đời mới", là tựa của La Croix. Sau các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2017, rất nhiều bộ trưởng và đại biểu quốc hội trong thành phần chính quyền thời tổng thống François Hollande đã phải thay đổi nghề nghiệp.
Về thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos quan ngại cho dự án ngân sách 2019 của Hoa Kỳ qua hàng tựa lớn "Trump : Những dự án lớn với cái giá thâm thủng khổng lồ". Le Figaro chú ý đến Trung Đông với hàng tít "Iraq, sau chiến tranh, những thách thức cho tái thiết".
Minh Anh