Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Trump hay Harris, lựa chọn khó khăn với Trung Quốc
Bước leo thang mới trong cuộc chiến tranh Ukraine với sự can dự trực tiếp của quân đội Bắc Triều Tiênhiến với Ukraine : Chưa đầy 2 tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ 2024, cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên dữ dội và quyết liệt hơn… Đó là những chủ đề thời sự được các báo Pháp quan tâm đặc biệt.
Ảnh ghép của AP : ứng viên Kamala Harris trong một cuộc thảo luận ngày 07/10/2020, tại Salt Lake City, Utah và Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Atlanta, Georgia, ngày 27/06/2024. AP
Về cuộc chiến tranh Ukraine, Le Monde có bài : "Ukraine : Bình Nhưỡng can dự rõ rệt". Tờ báo cho cho biết, sau những đồn đoán, phát giác của Seoul và Kiev, cuối cùng NATO cùng Hoa Kỳ hôm 23/10 lần đầu tiên cùng lên tiếng xác nhận quân đội Bắc Triều Tiên đã được triển khai tại Nga, đồng thời tỏ lo ngại về bước "leo thang" chưa từng có trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Đích thân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Mỹ có bằng chúng các đơn vị quân Bắc Triều Tiên đã đến Nga, nhưng ông cho biết là còn phải xác định đội quân này đến Nga làm gì. Và ông nhận định : "Nếu họ là đồng tham chiến, nếu họ có ý định tham gia vào cuộc chiến tranh này nhân danh nước Nga, đó là vấn đề rất, rất nghiêm trọng".
Về phần NATO, theo Le Monde, phát ngôn viên của tổ chức cho rằng "nếu các đội quân này đến để tham chiến tại Ukraine, thì điều đó đó đánh dấu một bước leo thang lớn trong hỗ trợ của Bắc Triều Tiên cho cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga".
Le Monde nhận định : Người nước ngoài chiến đấu cho Nga với tư cách là lính đánh thuê thì đã có. Nhưng việc một chính phủ nước ngoài gửi quân chính quy tới cuộc chiến ở Ukraine thì là lần đầu tiên.
Bài xã luận : "Bước leo thang của Bắc Triều Tiên" nhận định : "Đây là một diễn tiến lớn trong cuộc chiến ở trung tâm Châu Âu. Trước hết, đây là tín hiệu đầu tiên về việc quốc tế hóa cuộc xung đột một cách cụ thể". Nếu hai bên tham chiến đều được trợ giúp từ các đồng minh của họ - phương Tây với Ukraine ; Iran, Bắc Triều Tiên và gián tiếp là Trung Quốc dành cho Nga - thì sự hỗ trợ đó cho đến nay chỉ giới hạn ở trang thiết bị quân sự.
Sự can thiệp của quân đội nước ngoài là ranh giới mà chưa quốc gia nào dám vượt qua : việc tổng thống Emmanuel Macron đề cập vào tháng 2 về khả năng cử chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraine đã gây ra tranh cãi gay gắt ở Châu Âu và không được hưởng ứng.
Mối lo ngại khác của phương Tây và chắc hẳn cũng là của Bắc Kinh là không biết Bắc Triều Tiên nhận được gì từ Moskva, để đổi lại việc điều quân đội và vũ khí của mình tới Nga ?
Le Monde kết luận : "Có thể là sự hỗ trợ này của Bắc Triều Tiên là để chi trả cho việc chuyển giao công nghệ hạt nhân của Nga : Đó sẽ là tin xấu cho tất cả mọi người".
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Chặng cuối dữ dội
Về sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ 2024, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa đến ngày bỏ phiếu chính thức. Báo chí quốc tế đều hướng về nước Mỹ. Đây là chủ đề chính của nhật báo Libération. Tờ báo tập trung chú ý đến chặng nước rút của ứng viên Cộng Hòa với nhận xét là càng đến gần ngày bầu cử, Donald Trump càng gia tăng những phát ngôn dữ dội thô bạo để tấn công đối thủ.
Tờ báo ghi nhận "Donald Trump lăng mạ, chửi thề và dường như coi những lời tục tĩu là đặc điểm trong cách giao tiếp của mình kể từ khi bước vào chính trường". Jérôme Viala-Gaudefroy, tiến sĩ về nền văn minh Mỹ và là tác giả cuốn sách Words of Trump (2024), lưu ý : "Donald Trump đã từng có những phát biểu như vậy trong quá khứ, chẳng hạn như khoe khoang về việc có thể sờ soạng phụ nữ. Nhưng chiến dịch này thậm chí còn thô tục hơn hai chiến dịch trước".
Bên cạnh bài viết về ứng viên Cộng Hòa, Libération có bài "Elon Musk", cho thấy tỷ phú giàu nhất thế giới, đang lăn xả, chơi tất tay ủng hộ cuộc tranh cử của Donald Trump như thế nào. Tờ báo ghi nhận : "Từ nhiều tháng nay, ông chủ khối tài sản lớn nhất thế giới đã lao đầu vào một chiến dịch điên cuồng ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa, đổ vào cuộc đua của Donald Trump hàng chục triệu đô la".
Cùng chủ đề, Le Figaro có bài : "Musk, người giàu nhất thế giới phục vụ ứng viên tỷ phú". Theo bài báo, hồi mùa hè vừa qua sau khi tuyên bố ủng hộ cựu tổng thống Mỹ, nhà tài phiệt trong lĩnh vực công nghệ này giờ đích thân nhảy vào cuộc vận động tranh cử cho Donald Trump, không tiếc tiền bạc cũng như sức lực cho cuộc đua của cựu tổng thống.
Trung Quốc : Trump - Harris không có sự lựa chọn tối ưu
Cũng là liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, Le Figaro chú ý đến mối quan tâm của Trung Quốc với bài viết : "Trung Quốc trước sự lựa chọn lưỡng nan thực sự".
Bài báo cho thấy, "không hề ảo tưởng, Bắc Kinh đang soi rất kỹ chặng cuối cùng chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, cố gắng che đậy bằng thái độ trung lập ngoại giao nhưng mang nặng tính toán để chuẩn bị cho một chương mới trong quan hệ với chính quyền tiếp theo của Mỹ, hứa hẹn sẽ còn căng thẳng, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa".
Theo Le Figaro, các chiến lược gia cộng sản ở Trung Nam Hải cảm nhận có sự lựa chọn lưỡng nan, do giữa một Kamala Harris "vô danh", báo trước sự tiếp tục của chiến lược "bao vây" của Joe Biden, và một Donald Trump khó lường, bốc đồng, nhưng là người sẵn sàng thương lượng. Chế độ cộng sản Trung Quốc biết rõ hơn về kẻ phá bĩnh của Cộng Hòa, từng bất ngờ phát động "cuộc chiến thương mại" trong nhiệm kỳ của ông ta. Harris chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc, trong khi Trump đã gặp Tập Cận Bình vài lần.
Le Figaro nhận định, khả năng trở lại nắm quyền của vị tỷ phú khó nắm bắt làm dấy lên sự lo lắng trong một chế độ vốn không ưa bị bất ngờ. Nhưng, người chủ xướng "Nước Mỹ trên hết" cũng mang lại cơ hội cho chính sách ngoại giao thực dụng của Trung Quốc, bằng cách làm rạn nứt khối phương Tây, gây rắc rối cho các đồng minh của nước này. Còn theo giáo sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong), thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, được tờ báo trích dẫn, thì "nếu Harris thắng, sẽ có thêm xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ. Harris quyết tâm trong việc duy trì ưu thế của Mỹ hơn Trump".
Những lời đe dọa của Trump về việc "bỏ rơi" Kiev và đòi các đồng minh tăng đóng góp tài chính khiến Bắc Kinh chú ý. Trung Quốc vốn đang nỗ lực phá hoại trật tự quốc tế do các nền dân chủ thiết lập. "Trung Quốc thích Trump hơn. Họ đang dựa vào con tốt này để đạt được ván cược chiến lược của mình : lãnh đạo toàn cầu tay ba cùng với Nga", một nhà nghiên cứu chính trị độc lập ở Bắc Kinh đánh giá.
Nhưng Trump là người luôn dùng con bài thương mại để gây sức ép với Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, có thể buộc Đảng cộng sản Trung Quốc phải thận trọng cam chịu một nhiệm kỳ của Dân Chủ, một sự đảm bảo cho tính liên tục. Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nhận xét : "Người Trung Quốc muốn có Harris vì bà là người dễ đoán hơn. Và trên hết, Trump hứa hẹn các mức thuế bổ sung". Trong trường hợp Kamala Harris thắng cử, giới chuyên gia dự đoán sẽ có sự tiếp tục chiến lược Biden, tập trung vào trừng phạt công nghệ, vào các mối liên minh quân sự ở Châu Á với Hàn Quốc và với Philippines.
Theo Le Figaro, dù Trump hay Harris thắng, trận đấu thế kỷ giữa hai cường quốc sẽ càng gay gắt hơn vào năm 2025, với thách thức là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, lá phổi của kinh tế thế giới và nhất là có "cái gai" chính Đài Loan.
Thượng đỉnh BRICS, Putin bớt cô lập
Một thời sự khác được các báo Pháp quan tâm nhiều là hội nghị thượng đỉnh Brics tại Kazan, Nga hôm qua 24/10 vừa khép lại ba ngày họp.
Le Figaro cho hay tại kỳ họp thượng đỉnh quy tụ hai chục nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng tỏ mình là lãnh đạo của các nước Nam bán cầu. Theo Kremlin, đây là cuộc gặp thương đỉnh lớn nhất được tổ chức tại Nga, trong bối cảnh đất nước này đang bị quốc tế cô lập vì cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Brics, tập hợp các nền kinh tế được gọi là mới nổi lên, không phải là một nhóm nước có chức năng hay thiên hướng về an ninh, và họ cũng không ràng buộc các thành viên của mình với bất kỳ nghĩa vụ nào về mặt quốc phòng hoặc ngoại giao. Tuy nhiên, sự "chính trị hóa" của diễn đàn này đã thể hiện rõ ở Kazan. Hai cuộc xung đột chính đang diễn ra ở Đông Âu và Trung Đông đã được liên tục đề cập đến trong các bài phát biểu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cũng được mời tham dự hội nghị và đã có cuộc gặp Vladimir Putin, lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2022.
Về sự kiện này, nhật báo kinh tế Les Echos nhận định, nguyên thủ Nga, trong ba ngày hội nghị Kazan đã chứng minh ông đã làm thất bại các biện pháp của phương Tây nhằm cô lập nước Nga. Tuy nhiên, tuyên bố chung của thượng đỉnh vẫn không có được quyết định nào cụ thể, đặc biệt là về việc hình thành một hệ thống tài chính quốc tế thay thế hệ thống hiện hành.
Georgia trước sự lựa chọn Moskva hay Bruxelles
Vẫn liên quan đến Châu Âu, La Croix chú ý đến nước Cộng Hòa Georgia (Gruzia) với bài : "Bầu cử lập pháp tại Georgia, cuộc bầu cử mang âm hưởng trưng cầu dân ý về Châu Âu".
Cử tri Georgia nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ chỉ có 3,7 triệu dân, thứ Bảy này (26/10) sẽ đi bầu Quốc hội mới trong bối chế độ ngày càng trở nên chuyên chế và đảng cầm quyền bị cáo buộc xích lại gần Nga hơn. Cuộc bỏ phiếu sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của nước này. Nói một cách khác, không hề dễ dàng, họ sẽ phải lựa chọn giữa sự ảnh hưởng của Moskva và Bruxlles.
Anh Vũ
Trung Quốc phát hiện có sự 'phối hợp chiến thuật' radar bí mật giữa Biển Đông, Guam và Alaska
Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện các tín hiệu điện từ trường, một chỉ dấu về sự hiện diện mang tính "phối hợp chiến thuật" giữa các radar được triển khai trên khắp Thái Bình Dương, theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày thứ Sáu 16/8.
Quân đội Trung Quốc đã phát hiện những tín hiệu bí mật liên tục xuất hiện ở Biển Đông, Guam, quần đảo Marshall và quần đảo Aleutian ở bang Alaska của Mỹ
Trí thông minh nhân tạo (AI) tác chiến điện tử của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã phát hiện những tín hiệu bí mật liên tục xuất hiện ở Biển Đông, Guam, quần đảo Marshall và quần đảo Aleutian ở bang Alaska của Mỹ và dường như giữa chúng có sự kết nối với nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai cho thấy khả năng thu thập thông tin tình báo chiến tranh điện tử trên toàn cầu "dựa vào những mục tiêu cụ thể và dữ liệu do thám thực", SCMP trích dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, SCMP không nêu thông tin chi tiết về những tín hiệu này đến từ quốc gia nào.
Các thông tin thu thập được sẽ giúp quân đội Trung Quốc lên kế hoạch tốt hơn cho các nhiệm vụ tác chiến điện tử như ngăn chặn, đánh lừa và gây nhiễu tín hiệu điện từ trường.
Nghiên cứu được SCMP trích dẫn là của các tác giả từ Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc trực thuộc quân đội ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, với trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Chu Trường Lâm.
BBC News tiếng Việt chưa thể tiếp cận được nghiên cứu đầy đủ của các tác giả này.
Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc và máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30CM của Nga trong chuyến bay tuần tra chung gần bang Alaska của Mỹ vào ngày 24/7
Sự so kè quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây gây chú ý trong một vụ việc ở ngoài khơi Alaska.
Nga và Trung Quốc từng tiến hành một số cuộc tuần tra chung và Nga thường cho máy bay ném bom bay qua biển Bering.
Vào ngày 24/7, lần đầu tiên Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc bay tuần tra chung qua bắc Thái Bình Dương và biển Bering gần bờ biển Alaska (Mỹ).
Moscow và Bắc Kinh tuyên bố "không nhắm đến bên thứ ba nào" trong khi Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) tuyên bố những máy bay ném bom đó chỉ nằm trong không phận quốc tế và "không bị xem là mối đe dọa".
Tác chiến điện tử giữa các cứ điểm trong chiến lược chuỗi đảo của Mỹ ?
Từ cách đây hơn một thập niên, các chuyên gia nhận định tương lai chiến tranh không phải là đạn hay bom, hay thống trị vùng trời, đất liền và vùng biển. Thay vào đó, bên chiến thắng là bên thống trị về tác chiến điện tử (Electromagnetic warfare).
Theo bài viết của BBC News vào năm 2014 về tác chiến điện tử, tác giả viết về hình thức tác chiến này có thể bao gồm bất kỳ hoặc tất cả các loại vũ khí có thể phóng điện từ trường, để làm phá sóng hoặc làm hư hỏng thiết bị điện tử.
Lúc bấy giờ, Đô đốc Jonathan Greenert, Chủ nhiệm tác chiến Hải quân Mỹ, đã đề cập đến khái niệm kết hợp tấn công mạng và tấn công bằng việc sử dụng phổ điện từ, mà ông gọi là "địa hạt tấn công mạng và điện tử".
Các địa điểm có sự "phối hợp chiến thuật" của hệ thống radar mà các tác giả Trung Quốc nghiên cứu đề cập gồm Guam, quần đảo Marshall và quần đảo Aleutian (bang Alaska).
Có thể thấy đây đều là những cứ điểm quan trọng trong chiến lược chuỗi đảo của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Có nhận định cho rằng quần đảo Marshall là cứ điểm radar do thám mạnh nhất của quân đội Mỹ.
Trong chính sách "chuỗi đảo thứ nhất", việc Trung Quốc vươn ra vùng biển lớn hơn bị kìm hãm bao gồm hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ kéo dài từ quần đảo Nhật Bản, Okinawa và Philippines, đến các đảo Borneo và Sumatra.
Những nhóm đảo này được coi là "tuyến phòng thủ đầu tiên" vì chúng nằm ở vị trí án ngữ, có thể kiểm soát chuyển động của Hải quân Trung Quốc, và Mỹ có đồng minh hoặc có sức ảnh hưởng đến những quốc gia nằm trong "chuỗi đảo đầu tiên" này.
Chuỗi đảo thứ hai đi từ đông nam Nhật Bản, mở rộng tới đảo Guam và đảo quốc Palau, cho đến Papua New Guinea.
Đảo Guam là một điểm chính trong chiến lược "chuỗi đảo thứ hai" của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tại đây có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
"Chuỗi đảo thứ ba" bắt đầu từ quần đảo Aleutian ở Alaska, đi qua quần đảo Hawaii, thông qua đảo quốc Tonga hướng xuống New Zealand.
Chiến lược chuỗi đảo hiện đang bị thay đổi nhanh chóng do sự phát triển của khoa học công nghệ, nhưng vẫn là trọng tâm trong chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Việc Hải quân Mỹ triển khai tên lửa không đối không tầm cực xa mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể xóa bỏ lợi thế về tầm bắn trên không của Trung Quốc, theo đánh giá của các chuyên gia.
Đây cũng là động thái tăng cường khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ giữa lúc căng thẳng khu vực đang leo thang.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đặt trọng tâm đối phó với chiến lược này, như xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, tăng cường năng lực tác chiến điện tử..., củng cố thêm tham vọng trở thành lực lượng hải quân nước xanh.
Nếu so với Mỹ, Trung Quốc hiện đang thiếu một mạng lưới căn cứ và cơ sở hạ tầng hậu cần rộng khắp cần có để trở thành một lực lượng "hải quân nước xanh" hoạt động khắp thế giới.
"Hải quân nước xanh" được định nghĩa là hải quân có khả năng huy động lực lượng tàu đặc nhiệm trên đại dương và hỗ trợ những tàu này ở khoảng cách xa các căn cứ hiện có. Sở hữu "hải quân nước xanh" giúp tăng cường vị thế một quốc gia trên trường quốc tế.
Nguồn : BBC, 18/08/2024
Vì sao các chiến lược gia Trung Quốc lại cho rằng ít có sự khác biệt giữa hai ứng cử viên ?
Đồ họa do Foreign Affairs thực hiện. Nguồn : Reuters
Trong những tuần gần đây, các biến động trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng quốc tế. Thậm chí, ngay từ trước mùa hè, các nước đã tính toán đến những hệ quả từ việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, hoặc ngược lại, những gì mà một nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Joe Biden có thể mang đến. Với nhiều nước, hai kịch bản này mở ra những viễn cảnh hoàn toàn khác nhau về địa chính trị và vai trò tương lai của nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Rồi chín ngày đáng chú ý trong tháng Bảy đã diễn ra, trong đó cựu Tổng thống Trump suýt bị ám sát còn Tổng thống Biden đột ngột tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Những sự kiện này đã làm đảo lộn cuộc đua tổng thống Mỹ của cả hai đảng, đồng thời tạo thêm sự bất định về hướng đi sắp tới của Hoa Kỳ. Nhiều nước giờ đây nhận thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa việc tiếp tục chính sách đối ngoại quốc tế của ông Biden dưới thời nữ Tổng thống tương lai Kamala Harris và hướng tiếp cận mang tính cô lập hơn nhiều nếu ông Trump tái đắc cử, với J.D. Vance là phó tướng của ông Trump.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của Trung Quốc, quan điểm lại có phần khác biệt. Tám năm trước, chính quyền Trump đã đưa ra một cách tiếp cận đối đầu hơn nhiều trong quan hệ với Bắc Kinh, điều mà nhiều nhà quan sát Trung Quốc cảm thấy khó hiểu. Thay vì coi Trung Quốc là đối tác thương mại và đôi khi là đối thủ, Mỹ bắt đầu gọi Trung Quốc là "cường quốc xét lại", đối thủ chiến lược, và thậm chí là mối đe dọa. Đáng chú ý, dù có thay đổi về giọng điệu, chính quyền Biden vẫn đang củng cố và đẩy mạnh quan điểm này hơn nữa trong một số vấn đề. Quả thực, có sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington rằng Trung Quốc giờ đây phải được coi là một đối thủ chính, với ngày càng nhiều nhà phân tích kêu gọi áp dụng một khuôn khổ chiến tranh lạnh.
Đối với các nhà quan sát Trung Quốc, thay vì đưa ra những cách tiếp cận khác đối với đất nước họ và thế giới, cả hai chính đảng lớn của Mỹ đều phản ánh một quan điểm chung mới xuất hiện trong những năm gần đây về Trung Quốc, một quan điểm chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các vấn đề chính trị nội bộ của nước Mỹ. Điều quan trọng hơn so với quan điểm của từng đảng là những mức độ khác nhau trong một phân tích chung của Mỹ về Trung Quốc và ý nghĩa thực tiễn của những phân tích đó. Hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc không mong đợi sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn đang tìm cách hiểu những quan điểm nào hiện đang chi phối ở Washington có khả năng trở thành quan điểm chủ đạo trong tương lai.
Chiều lòng công chúng
Với cấu trúc chính trị của Trung Quốc và việc chính phủ quản lý chặt chẽ dư luận đại chúng, muốn thăm dò các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhận định và phản ứng như thế nào trước cuộc tranh luận của Mỹ về Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, có thể rút ra một số điểm chung về các yếu tố mà nhiều người ở Trung Quốc cho là đang thúc đẩy cuộc tranh luận này. Trước tiên, hoạt động đối ngoại của một quốc gia thường phản ánh tình hình chính trị nội bộ của chính đất nước đó. Hiện tượng này dường như đặc biệt đúng ở Mỹ, nơi các cuộc tranh luận chính trị nội bộ quan trọng có thể dễ dàng ảnh hưởng đến các vấn đề đối ngoại. Điều này đã trở thành một yếu tố đặc biệt hình thành nên cách Washington tiếp cận Trung Quốc.
Vì vậy, cả khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Trump và "Chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu" của Tổng thống Biden đều thể hiện rõ mối liên hệ mật thiết giữa tình hình chính trị trong nước và chính sách đối ngoại ở Mỹ. Sau khi ông Trump lên nắm quyền, bầu không khí chính trị phân cực sâu sắc ở Mỹ đã định hình chính sách đối ngoại của ông, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" phần lớn là lời hồi đáp của chính quyền đối với những lo ngại của cử tri Mỹ về vấn đề toàn cầu hóa và nhập cư. Do đó, chính quyền Trump đã tăng cường các rào cản thương mại, hạn chế nhập cư và giảm bớt sự tham gia của Mỹ trong các tổ chức quốc tế, ưu tiên lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền Biden đã khẳng định rõ ràng rằng các quyết định chính sách đối ngoại của họ được đưa ra nhằm phục vụ lợi ích của cử tri trong nước, đồng thời nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của người dân Mỹ cũng gắn liền với bối cảnh quốc tế. Chính vì vậy, chính sách đối ngoại của Biden cũng có những cân nhắc chính trị tương đồng với chính quyền Trump, khi cả hai đều nỗ lực tái cân bằng các chính sách công nghiệp trong nước và các quy tắc kinh tế quốc tế để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Nhiều vấn đề của Mỹ mang tính chất cả trong nước lẫn quốc tế. Dòng người nhập cư liên tục không chỉ là động lực cho sự phát triển của kinh tế Mỹ mà còn tác động đến an ninh biên giới và quan hệ quốc tế của nước này. Từ thời chính quyền Trump, cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ đã đòi hỏi sự hợp tác của Mỹ với Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã phản hồi một cách tích cực. Tuy nhiên, các thành viên Quốc hội Mỹ vẫn không ngừng quy trách nhiệm cho Trung Quốc về việc fentanyl tiếp tục xâm nhập vào Mỹ qua ngả Mexico.
Một đặc điểm thứ hai trong chính sách đối ngoại của Mỹ những năm gần đây là vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc. Mặc dù cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cùng cuộc chiến của Israel với Hamas tại Gaza đang thu hút nhiều chú ý, Trung Quốc vẫn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu được nêu của Washington. Tại thời điểm mang tính bước ngoặt này, nhiều nhà chiến lược Mỹ đang thúc giục Washington đẩy nhanh việc chuyển hướng chiến lược sang Châu Á. Ví dụ, trong cuốn Lost Decade mới xuất bản, hai nhà phân tích chính sách đối ngoại Robert Blackwill và Richard Fontaine lập luận rằng các chính quyền Obama, Trump và Biden, theo những cách khác nhau, đều vẫn chưa xây dựng được các chính sách mạnh mẽ và nhất quán đối với Trung Quốc và phần còn lại của Châu Á. Mặc dù Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức liên tiếp ở Châu Âu và Trung Đông, hai nhà phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải đẩy mạnh quá trình chuyển hướng chiến lược sang Châu Á.
Tầm quan trọng của chính sách đối phó với Trung Quốc đã trở nên rõ nét trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Cả hai đảng đều cạnh tranh để đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhất về việc cứng rắn với Bắc Kinh và hạn chế vai trò toàn cầu của Trung Quốc. Điều này còn phản ánh một đặc điểm khác của cuộc tranh luận ở Mỹ về Trung Quốc : trong bối cảnh chính trị hiện tại ở Mỹ, cách phân loại truyền thống "phái Bồ câu" và "phái Diều hâu" không thể phản ánh đầy đủ những phức tạp trong cách Mỹ nhìn nhận Trung Quốc. Với sự đồng thuận rộng rãi giữa hai đảng rằng Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Mỹ, việc phân tích các quan điểm chính sách đa dạng trong bối cảnh chung này trở nên có ý nghĩa hơn.
Cuộc tranh luận giữa ba trường phái
Từ góc nhìn tổng quan, các chiến lược gia về Trung Quốc của Mỹ có thể được phân thành ba trường phái chính.
Trường phái đầu tiên có thể gọi là "Chiến binh Chiến tranh Lạnh Mới" (New Cold Warriors). Những người thuộc nhóm này tin rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một trò chơi có tổng bằng không, và Washington cùng Bắc Kinh đang tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh, một cuộc chiến tranh đòi hỏi Mỹ phải sử dụng nhiều chiến thuật mang tính tấn công hơn. Dẫn lời Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matt Pottinger và cựu Hạ nghị sĩ Mike Gallagher trên tạp chí Foreign Affairs, hai người cho rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc "phải giành được thắng lợi, chứ không chỉ là giành được kiểm soát". Khi đưa ra lập luận này, họ và những người ủng hộ khác đã lấy ví dụ từ việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nhằm cố gắng giành được chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, đã coi mối đe dọa từ Liên Xô là ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ.
Trường phái thứ hai có thể được gọi là các "Nhà Quản lý Cạnh tranh" (Competition Managers). Khác với nhóm "Chiến binh Chiến tranh Lạnh Mới", nhóm này cho rằng sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là trò chơi có tổng bằng không, vì vậy cần có chiến lược để cùng tồn tại với Trung Quốc. Nguồn gốc tri thức của cách tiếp cận này có thể được tìm thấy trong bài viết của Kurt Campbell và Jake Sullivan trên Foreign Affairs năm 2019, trước khi hai người cùng gia nhập chính quyền Biden. Họ cho rằng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là "một tình trạng cần được kiểm soát thay vì một vấn đề cần giải quyết". Cùng với Rush Doshi, người từng là phó giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2021 đến 2024, và những người ủng hộ khác, họ đề xuất rằng cách tiếp cận tốt nhất của Washington đối với Trung Quốc là ưu tiên cạnh tranh trước, sau đó mới đến các đề nghị hợp tác.
Nhóm thứ ba có thể được gọi là các "Nhà Thỏa hiệp" (Accommodationists). Mặc dù họ cũng không ưa thích hệ thống chính trị và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc như các trường phái khác, nhưng trường phái thứ ba tỏ ra lo ngại hơn về nguy cơ cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột. Các học giả về quan hệ quốc tế nổi bật như Jessica Chen Weiss và James Steinberg thuộc nhóm này, phản đối việc phát động một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc do nhận thấy rằng chiến tranh lạnh vốn dĩ rất nguy hiểm. Theo họ, quan điểm của Pottinger và Gallagher về việc đạt chiến thắng có phần ảo tưởng, vì "những nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra thay đổi thông qua áp lực có thể làm gia tăng sự củng cố quyền lực độc tài hơn là làm suy yếu nó". Do đó, Chen Weiss và Steinberg lập luận rằng trường phái thứ ba mang lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Washington trong việc giảm thiểu nguy cơ chiến tranh và tăng cường hợp tác trong những vấn đề quan trọng chung, như biến đổi khí hậu và y tế cộng đồng.
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, cả ba trường phái đều đồng ý rằng Trung Quốc là một thách thức đáng kể đối với Mỹ. Họ cũng nhất trí rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cần có nền tảng từ cả hai đảng để đạt được thành công. Tuy nhiên, dường như không có quan điểm nào ở Washington thắng thế trong việc xác định cách tiếp cận của trường phái nào là hiệu quả nhất, hoặc khía cạnh nào của thách thức mà Mỹ đang đối mặt – chính trị, quân sự, kinh tế hay quản trị toàn cầu – là vấn đề quan trọng nhất. Đối với Bắc Kinh, cuộc tranh luận chưa ngã ngũ này đã chỉ ra rằng việc hiểu các trường phái khác nhau đang ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ như thế nào, đặc biệt là cách chúng có thể định hình chính quyền Mỹ sắp tới, là điều hết sức quan trọng.
Nhiều chiến lược, một mục tiêu
Người Mỹ có thể tự hỏi liệu Trung Quốc sẽ thích một chính quyền Harris hay một nhiệm kỳ thứ hai của Trump hơn – hoặc nói rộng ra, liệu Trung Quốc thích Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa hơn. Thực tế, vào năm 1972, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói với Tổng thống Richard Nixon rằng ông thích cánh hữu ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Mặc dù Mao không đưa ra lý do, nhưng có vẻ như ông cho rằng Nixon và các nhà lãnh đạo phương Tây thiên hữu chú trọng nhiều hơn đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi các chính trị gia cánh tả thường dựa vào lý tưởng và giá trị chính trị để xây dựng chính sách.
Tuy nhiên, rất khó để đánh giá liệu Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đã đóng góp nhiều hơn vào mối quan hệ Mỹ – Trung. Ví dụ, mặc dù Nixon, một đảng viên Cộng hòa, là người đầu tiên nối lại quan hệ với Trung Quốc, thì chính Tổng thống Jimmy Carter, một đảng viên Dân chủ, lại là người quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Mỹ đã có bảy tổng thống Dân chủ và bảy tổng thống Cộng hòa, và các bước tiến mang tính đột phá quan trọng cũng như các đợt khủng hoảng trong quan hệ song phương đã diễn ra trong thời gian cầm quyền của cả hai bên.
Sự không chắc chắn này cũng phản ánh trong cách đánh giá của Trung Quốc về hai đảng hiện tại. Khi Trump lên nắm quyền vào năm 2017, mối quan tâm hàng đầu của ông đối với Trung Quốc là khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ, và lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, khoản thâm hụt này, cùng với lợi thế công nghệ của Trung Quốc, được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Chính quyền Trump không chỉ coi Trung Quốc là một "cường quốc xét lại" và đối thủ chiến lược, mà còn coi Đảng cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa đối với lối sống của người Mỹ và với "thế giới dân chủ". Khởi xướng một chiến lược "toàn chính phủ" một cách quyết liệt tuy không nhất quán, chính quyền Trump đã cố gắng cạnh tranh và đối đầu với Trung Quốc trên gần như mọi lĩnh vực.
Bắt đầu với lĩnh vực thương mại, chính quyền Trump đã triển khai các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và sau đó mở rộng chiến dịch của mình bằng cách gia tăng sự giám sát và hạn chế các khoản đầu tư từ Trung Quốc, siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao và thực hiện các biện pháp nhắm vào một số công ty Trung Quốc cụ thể có sự hiện diện lớn ở nước ngoài như Huawei. Về vấn đề an ninh, chính quyền Trump cũng đã thực hiện các bước đi mới để duy trì sự ưu việt của Mỹ trong khu vực mà các nhà chiến lược hiện nay gọi là "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", một thuật ngữ địa lý trước đây chỉ được sử dụng một cách hạn chế. Chính quyền Trump đã cam kết đảm bảo an ninh đặc biệt cho Đài Loan và giảm mức độ quan trọng của chính sách "Một Trung Quốc" về lâu dài ; đầu tư thêm nguồn lực vào nhóm Quad (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ) nhằm cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ; và tăng cường các hoạt động quân sự của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương nhằm thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Liên quan đến mối quan hệ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, dù ông Trump không có những quan điểm cứng rắn về hệ thống và lãnh đạo Trung Quốc, nhưng ông cho phép các quan chức trong chính quyền của mình và Quốc hội Mỹ chỉ trích mạnh mẽ Đảng cộng sản Trung Quốc và cách thức quản trị của chính quyền, đặc biệt là trong các chính sách của Trung Quốc đối với Tân Cương và Hồng Kông. Khi chính quyền của ông Trump áp dụng một luận điệu rộng hơn về "mối đe dọa từ Trung Quốc", điều này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến các trao đổi học thuật, khoa học và xã hội giữa hai nước, vốn đã tồn tại hàng thập kỷ qua. Trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, Washington cũng bắt đầu công kích Bắc Kinh và phản đối mạnh mẽ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quốc tế, nhằm cố gắng hạn chế vai trò toàn cầu ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như sự tham gia ngày càng gia tăng của Trung Quốc vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Sau đó, vào năm 2020, trong bối cảnh một năm bầu cử phức tạp tại Mỹ, sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự suy giảm trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Chính quyền Trump đã đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc về cuộc khủng hoảng y tế công cộng, ngừng hầu hết các cuộc đối thoại song phương và thể hiện thái độ thù địch đối với Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 2020, chính phủ Mỹ thậm chí đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, cáo buộc nơi đây là một "trung tâm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ".
Dù vậy, nhìn chung, chính quyền Trump vẫn giữ một mức độ linh hoạt đối với Trung Quốc. Mặc dù áp dụng thuế quan trừng phạt và các biện pháp hạn chế khác, Mỹ vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán thương mại và thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp trong các vấn đề nhạy cảm như cạnh tranh công nghệ và Đài Loan. Hơn nữa, chính sách "Nước Mỹ trên hết" cũng đồng nghĩa với việc Washington ít có uy tín và ảnh hưởng hơn trong việc phối hợp với các nước khác trong các chính sách liên quan đến Trung Quốc của các nước đó, kết quả là chính quyền Trump không xây dựng và dẫn dắt được một mặt trận đa phương đủ mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc. Điều này đã tạo ra một quan niệm phổ biến của một số bình luận viên Trung Quốc khi họ cho rằng, ông Trump chủ yếu chỉ quan tâm đến lợi ích kinh doanh và việc đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 2017, ông Trump đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh – một bước đi mà ông Biden chưa thực hiện được trong nhiệm kỳ của mình – và vào tháng 1 năm 2020 ông Trump đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc để bắt đầu giải quyết các căng thẳng thương mại. Vào cuối nhiệm kỳ, nhiều người ở Mỹ đã coi cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc là một thất bại.
Mặc dù có vẻ khác biệt so với chính quyền Trump, chính quyền Biden cũng đã thể hiện sự tiếp nối đáng kể với chính quyền tiền nhiệm trong các chính sách liên quan đến Trung Quốc. Chủ yếu, Biden đã củng cố định hướng đối đầu chung của các chính sách dưới thời ông Trump thông qua một cách tiếp cận hệ thống và đa phương hơn, mà chính quyền của ông gọi là "đầu tư, phối hợp và cạnh tranh". Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên của mình vào tháng 2 năm 2021, Biden đã gọi Trung Quốc là "đối thủ đáng gờm nhất" của Mỹ và cam kết "đối mặt trực tiếp" với các thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với sự "thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ" của Mỹ.
Vì vậy, tổng thống Biden đã làm việc chặt chẽ với Quốc hội để triển khai các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn và các chính sách công nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ và giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, chính quyền Biden cũng đã thắt chặt các quy định xuất khẩu, áp đặt thuế quan mới đối với các sản phẩm công nghệ xanh của Trung Quốc, và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác quốc tế, điển hình là liên minh Chip 4 – một liên minh bán dẫn giữa Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ.
Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã tăng cường hiện diện quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, đồng thời bổ sung thêm yếu tố kinh tế khu vực vào các liên minh an ninh của Mỹ tại Châu Á. Tổng thống Biden cũng đã thúc đẩy các lãnh đạo G-7 tiến hành sáng kiến Tái thiết Toàn cầu (Build Back Better World) và Đối tác Toàn cầu về Cơ sở hạ tầng và Đầu Tư (Partnership for Global Infrastructure and Investment) – cả hai đều nhằm cung cấp một giải pháp của phương Tây để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dưới tác động từ mối quan hệ ngày càng sâu rộng giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc có giao dịch với Nga. Washington cũng đã bổ sung một lớp phủ ý thức hệ mới vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc – mà chính quyền gọi là "dân chủ đối lập với chuyên quyền" – nhằm nỗ lực xây dựng một liên minh lớn chống lại Bắc Kinh.
Mặc dù cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc, chính quyền Biden vẫn giữ liên lạc cấp cao thường xuyên và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác. Dù có sự nhấn mạnh đối với các ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc, chính quyền Biden vẫn cố gắng làm giảm tính chính trị và khôi phục các trao đổi học thuật và xã hội song phương, bao gồm việc chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc (China Initiative) dưới thời chính quyền Trump – một chiến dịch gây tranh cãi nhắm vào các nhà nghiên cứu ở Mỹ có liên hệ với các tổ chức Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã có các cuộc gặp mặt trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia vào tháng 11 năm 2022 và tại San Francisco vào tháng 11 năm 2023, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết duy trì quan hệ song phương ổn định và lành mạnh.
Chính sách sân rộng tường cao hay xây dựng liên minh hơn ?
Các chiến lược gia Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng vào việc chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể thay đổi trong thập kỷ tới. Dựa trên các cuộc khảo sát dư luận Mỹ và sự đồng thuận của hai đảng về vấn đề Trung Quốc ở Washington, các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng bất kể ai được bầu vào tháng 11 năm 2024 đều sẽ tiếp tục ưu tiên sự cạnh tranh chiến lược và thậm chí là ưu tiên các chính sách kiềm chế của Washington đối với Bắc Kinh, trong khi hợp tác và trao đổi sẽ bị đặt sang một bên.
Chính quyền Trump mới gần như chắc chắn sẽ theo đuổi một chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Ông Trump đã đề xuất áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời thu hồi tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc – cung cấp các điều khoản thương mại thuận lợi, không phân biệt đối xử và quyền tiếp cận thị trường kể từ năm 2000. Ông cũng kêu gọi một học thuyết "sân rộng, hàng rào cao" – một sự mở rộng rõ ràng của khái niệm "sân nhỏ, hàng rào cao" của chính quyền Biden, một khái niệm về việc bảo vệ các công nghệ quan trọng và mới nổi bằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt – nhằm tạo điều kiện cho một sự tách biệt công nghệ lớn hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, với xu hướng thích thỏa thuận của Trump, ông có thể quyết định theo đuổi các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh về mặt hàng tiêu dùng, năng lượng và công nghệ. Trump cũng có thể cố gắng sử dụng vấn đề Đài Loan như một quân bài mặc cả để có được lợi thế trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như đề nghị kiềm chế các hành động khiêu khích của Đài Loan để đổi lấy sự nhượng bộ của Bắc Kinh trong các vấn đề thương mại. Nhưng khả năng Trung Quốc đồng ý với một thỏa thuận như vậy là rất thấp, và các cố vấn chính sách đối ngoại của Trump cũng có thể phản đối. Một lần nữa, với sự ưu tiên chung của ông đối với ngoại giao song phương hơn là đa phương, Trump có thể sẽ ít có khả năng huy động được các đồng minh và đối tác chống lại Trung Quốc cũng như ông có vẻ sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận riêng với Nga, một đối tác chiến lược vững chắc của Trung Quốc.
Về phần mình, nếu một chính quyền Harris tiếp tục duy trì phần lớn cách tiếp cận của Biden, khả năng cao là họ sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và củng cố các nỗ lực của Biden trong việc xây dựng một liên minh các quốc gia phương Tây và Châu Á để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. So với cách làm chính sách tùy tiện và thiếu nhất quán của Trump, những chiến lược này có khả năng được duy trì một cách có tổ chức và mang tính dự đoán được cao hơn.
Tuy nhiên, từ góc độ của Trung Quốc, chính sách liên quan đến Trung Quốc của một chính quyền Trump mới và của một chính quyền Harris có khả năng sẽ nhất quán về mặt chiến lược. Với tư cách là tổng thống, cả hai ứng cử viên đều sẽ đặt ra những thách thức và bất lợi cho Trung Quốc, cũng như không ai trong số họ có vẻ muốn một cuộc xung đột quân sự lớn hay cắt đứt hoàn toàn các liên hệ kinh tế và xã hội với Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh khó có thể có sự ưu tiên rõ ràng giữa hai ứng cử viên. Hơn nữa, Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để duy trì một mối quan hệ ổn định với Mỹ và tránh đối đầu hoặc các sự gián đoạn lớn. Với những nhạy cảm chính trị liên quan đến cuộc bầu cử và quan hệ Mỹ – Trung, bất kỳ hành động can thiệp nào của Trung Quốc cũng có thể sẽ phản tác dụng.
Khi cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2024 ngày càng nóng lên, các quan chức ở Bắc Kinh đã đưa ra những phát biểu thận trọng và dè dặt về sự kiện này, với các quan chức chính phủ mô tả cuộc bầu cử là "vấn đề nội bộ của Mỹ". Trong một cuộc họp báo vào tháng 7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lin Jian, nhấn mạnh rằng Trung Quốc "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ". Tuy nhiên, Lin cũng cho biết chính phủ Trung Quốc "kiên quyết bác bỏ bất kỳ ai lợi dụng vấn đề Trung Quốc để tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc vì mục đích bầu cử", và rằng hai đảng chính trị của Mỹ "không nên phát tán thông tin sai lệch để bôi nhọ Trung Quốc và không nên biến Trung Quốc thành một vấn đề". Điều này cho thấy Bắc Kinh có thể cảm thấy bị buộc phải phản ứng, ít nhất là bằng lời nói, nếu bị công kích trong các chiến dịch tranh cử. Mặc dù đã tuyên bố nguyên tắc không can thiệp, Bắc Kinh có thể gặp khó khăn trong việc làm im lặng các lời nói mang tính giật gân, thiếu trách nhiệm và khiêu khích trên mạng xã hội tiếng Trung. Một số lời nói như vậy được phát sóng bên ngoài Trung Quốc và có thể phản ánh những chương trình nghị sự riêng biệt của các cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, do đó cũng không nên coi chúng là lập trường chính thức của Trung Quốc.
Thận trọng với nhau để tránh một kết cục không vui
Giống với Washington, mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh trong năm 2024 là tình hình trong nước. Khác với sự phân cực chính trị và mùa bầu cử đầy biến động ở Mỹ, Trung Quốc dường như duy trì sự ổn định về chính trị và gắn kết xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Vào giữa tháng 7, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 20 đã kết thúc phiên họp toàn thể thứ ba với đánh giá tích cực về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, dù các số liệu tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2024 không đạt như mong đợi, và đưa ra đề xuất về việc làm sâu rộng các cải cách nhằm thúc đẩy sự hiện đại hóa của Trung Quốc. Trong nỗ lực cân bằng giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh vẫn là xây dựng thể chế, đặc biệt là củng cố sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc và thực thi kỷ luật đảng.
Một mặt, Bắc Kinh nhận thức rằng duy trì tăng trưởng kinh tế là điều thiết yếu cho sự ổn định nội bộ và đang thực hiện các biện pháp từng bước để nâng cao thương mại quốc tế, đầu tư và hợp tác công nghệ. Trong vấn đề này, Trung Quốc không thấy lợi ích gì khi đối đầu với Mỹ và phương Tây. Mặt khác, chính phủ Trung Quốc không tiếc công sức để chống lại những gì họ coi là nỗ lực của phương Tây – đặc biệt là Mỹ – nhằm làm suy yếu quyền lực và tính chính danh trong nước của mình, và Trung Quốc sẽ không hy sinh các nguyên tắc chính trị và an ninh quốc gia để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Mặc dù hướng tới sự ổn định với Washington, Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị cho sự gia tăng bất ổn trong quan hệ song phương. Vào tháng 3 năm 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định rằng "các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện các biện pháp bao vây, cô lập và đàn áp toàn diện nhằm chống lại chúng ta, mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có cho sự phát triển của đất nước". Hai tháng sau, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương mới, Tập kêu gọi đảng "chuẩn bị cho các kịch bản tồi tệ nhất và cực đoan nhất, sẵn sàng đối mặt với thử thách lớn của cơn gió mạnh, sóng dữ, và thậm chí là bão tố nguy hiểm". Về đối ngoại, Bắc Kinh tiếp tục coi thế giới là sự phân chia giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, thay vì chia thế giới thành khối phương Tây và chống phương Tây đang tranh giành ảnh hưởng ở phương Nam toàn cầu.
Trung Quốc đã kiên quyết phản đối sự can thiệp của Mỹ vào những vấn đề mà họ coi là công việc nội bộ của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và nhân quyền. Cụ thể, Trung Quốc coi vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi. Bắc Kinh tin rằng họ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể đối với Đài Loan và vẫn còn nhiều lựa chọn chính sách để ngăn chặn hòn đảo này đạt được độc lập hợp pháp. Trong bối cảnh này, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ kiên định với nguyên tắc đã tuyên bố về việc thống nhất hòa bình với Đài Loan và "một quốc gia, hai chế độ", trừ khi họ bị khiêu khích một cách nghiêm trọng và không thể cứu vãn. Trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines ở Biển Đông, Trung Quốc xem cách tiếp cận của mình là thận trọng và đầy tự tin. Trong những căng thẳng với Mỹ về thương mại và công nghệ, Trung Quốc coi mình đang tập trung vào các biện pháp đối phó có tính toán và buộc phải tăng cường nỗ lực tự cường.
Dù có nhiều điểm tương đồng trong cách tiếp cận Trung Quốc của cả chính quyền Trump và Biden, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho kết quả của cuộc bầu cử Mỹ với sự thận trọng cao độ và hy vọng hạn chế. Vào tháng Tư, Tập Cận Bình đã tái khẳng định với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng "Trung Quốc hoan nghênh một nước Mỹ tự tin, cởi mở, thịnh vượng và phát triển mạnh mẽ, đồng thời hy vọng Mỹ cũng sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách tích cực". Đáng tiếc thay, khả năng chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách tích cực là rất thấp. Khi Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển và an ninh trong nước, nhiều khả năng nước này sẽ nỗ lực bảo vệ các mô hình kinh tế và quản trị của mình, đồng thời duy trì không gian cho thương mại và đầu tư toàn cầu. Trong một thời gian dài tới, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ khó có thể quay trở lại mức độ trao đổi và hợp tác sâu rộng như đã diễn ra vào đầu thế kỷ 21. Mặc dù việc hàn gắn quan hệ có vẻ không khả thi, Trung Quốc và Mỹ vẫn có thể duy trì sự ổn định và tránh được một kết cục không vui cho cả hai, bất kể ai sẽ là người nắm quyền tại Nhà Trắng.
Wang Jisi, Hu Ran & Zhao Jianwei
Nguyên tác : "Does China Prefer Harris or Trump", Foreign Affairs, 01/08/2024
Tạ Kiều Trang biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/08/2024
Wang Jisi (Vương Tập Tư) là Chủ tịch sáng lập của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hu Ran là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Đại học Bắc Kinh.
Zhao Jianwei là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Đại học Bắc Kinh.
Trong khi người Mỹ đang hết sức lo ngại trước quan điểm "Đông thịnh Tây suy" thì "lý thuyết về sự suy tàn của Mỹ" về chính người Mỹ cũng đang trỗi dậy. Trong một bản báo cáo được công bố gần đây, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Mỹ đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này và thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông chính thống. Người Mỹ nên ý thức được rằng, nếu nước Mỹ không giải quyết vấn đề của chính mình mà chỉ bận rộn tìm kiếm "vật tế thần" từ bên ngoài thì quốc gia này khó có thể ngăn chặn xu thế đi đến suy tàn.
Người Mỹ nên ý thức được rằng, nếu nước Mỹ không giải quyết vấn đề của chính mình mà chỉ bận rộn tìm kiếm "vật tế thần" từ bên ngoài thì quốc gia này khó có thể ngăn chặn xu thế đi đến suy tàn.
Mới đây, Tập đoàn RAND đã công bố một báo cáo có tựa đề Phục hưng sức sống quốc gia và chỉ ra rằng, trong lịch sử, các cường quốc đạt đến đỉnh cao thường sẽ chuyển sang trì trệ rồi cuối cùng suy tàn, rất ít cường quốc có thể tạo dựng được một quỹ đạo phát triển liên tục. Đây là thách thức mà nước Mỹ hiện đang phải đối mặt.
Báo cáo này cho rằng, vị thế cạnh tranh hiện tại của Mỹ đang bị đe dọa bởi các yếu tố đến từ nội bộ như sự chậm đi của tốc độ tăng năng suất, sự già hóa dân số, sự phân cực của hệ thống chính trị và tình trạng ngày càng mục ruỗng của môi trường thông tin, đồng thời cũng phải đối diện những thách thức đến từ các yếu tố bên ngoài như sự phát triển của Trung Quốc và việc hàng chục quốc gia đang phát triển ngày cảng giảm phụ thuộc vào Mỹ. Nếu không được xử lý, những xu hướng này sẽ đe dọa vị thế cạnh tranh của Mỹ và đẩy nhanh sự suy thoái tương đối của nước này.
Bản báo cáo thừa nhận rằng, Mỹ chưa thể hiện nhận thức chung về các thách thức xã hội và cũng chưa cho thấy quyết tâm theo đuổi cải cách trong các lĩnh vực hay vấn đề then chốt. Sự thiếu nhận thức chung về những trở ngại, vốn đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, cũng như việc các tầng lớp khác nhau trong xã hội và các nhóm lãnh đạo chính trị có quan điểm bất đồng trong các vấn đề cơ bản, đã tạo ra những thách thức rõ ràng cho các nỗ lực.
Ngay sau khi được công bố, báo cáo này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới truyền thông chính thống Mỹ. David Ignatius, cây bút bình luận của Washington Post, đặt ra câu hỏi : "Sức mạnh quốc gia của Mỹ có đang suy thoái ? Điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta !" Ông chỉ ra rằng, nước Mỹ đang lao dốc và thứ có thể cứu Mỹ là một cam kết rộng rãi bắt đầu từ giới thượng lưu, đồng thời phải nỗ lực vì lợi ích chung và sự phục hưng dân tộc. Nếu không tìm được nhà lãnh đạo mới và đạt được đồng thuận về các giải pháp thích hợp, nước Mỹ sẽ gặp rắc rối.
Bản báo cáo đã chỉ ra những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt trong "sự phục hưng quốc gia được kỳ vọng" : Khả năng nhận thức được những vấn đề đang tồn tại ; áp dụng thái độ giải quyết vấn đề thay vì thái độ theo ý thức hệ ; có cơ cấu quản trị tốt ; duy trì "cam kết vì lợi ích chung" của giới tinh hoa.
Thật không may, báo cáo của RAND đánh giá hiệu quả hoạt động của Mỹ trong năm 2024 là "yếu ớt", "bị đe dọa" và "nửa xấu nửa tốt".
Trên thực tế, trong các cuộc tranh luận chính trị hằng ngày ở Mỹ, lý thuyết cho rằng nước Mỹ đang đi đến suy tàn tồn tại ở cả cánh tả lẫn cánh hữu, nhưng con đường họ lựa chọn để vực dậy vị thế của Mỹ thì lại hoàn toàn trái ngược nhau. Đặc biệt, Trump thường xuyên sử dụng khẩu hiệu "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA), đồng thời chỉ trích rằng nước Mỹ ngày càng suy thoái dưới thời Đảng Dân chủ cầm quyền. Hiện giờ, Trump vẫn đang sử dụng khẩu hiệu này trong nỗ lực quay trở lại chính trường. Ở Mỹ, có không ít người tin rằng chỉ Trump mới có thể "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Trong bối cảnh mà sự đối lập về ý thức hệ và sự phân cực chính trị diễn ra gay gắt như hiện nay, giới tinh hoa Mỹ khó có thể "cam kết vì lợi ích chung" và đạt được sự đồng thuận về các phương án giải quyết vấn đề. Hai đảng của Mỹ có điểm chung duy nhất là : Không tự xem xét bản thân mà đổ lỗi cho đối thủ bên ngoài và Trung Quốc đã trở thành "vật tế thần" thuận tiện mà cả hai đảng cùng tìm thấy. Tranh nhau chứng tỏ ai cứng rắn hơn với Trung Quốc là điểm chung hiếm có giữa các ứng cử viên của cả hai đảng ; dù ai nắm quyền thì Mỹ cũng đều sẽ nhất quán trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, khác biệt duy nhất chỉ là về mặt phương pháp.
Thực tế trong khoảng 5 năm qua đã chứng minh rằng, dù là sự độc đoán chuyên quyền và gây áp lực một cách cực đoan của Trump hay việc lôi kéo đồng minh để cùng ngăn chặn của Biden, thì cả hai cách thức đều có những ưu nhược điểm riêng và đều khó có thể đạt được mục đích như kỳ vọng. Càng gặp khó khăn trong việc kiềm chế Trung Quốc, người Mỹ càng cảm thấy lo lắng, càng khó đạt được sự đồng thuận trong cách đối phó với Trung Quốc, họ càng có khả năng thực hiện những hành động đi ngược lại các giá trị truyền thống của Mỹ, thậm chí sẽ nảy ra những ý tưởng phi thực tế và điên rồ.
Đây là lý do khiến Matt Pottinger, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, và Mike Gallagher, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa có tư tưởng chống Trung Quốc, đã có một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs để thách thức chiến lược "cạnh tranh và cùng tồn tại" với Trung Quốc của chính quyền Biden, đồng thời chủ trương rằng nước Mỹ phải thực hiện chiến lược "thay đổi chính quyền" đối với Trung Quốc và "đánh bại triệt để" nước này. Ngay cả Kurt Campbell, một trong những kiến trúc sư xây dựng chiến lược Trung Quốc của chính quyền Biden, cũng nhận xét rằng ý tưởng điên rồ này là "thô thiển và phí công".
Đây là lý do khiến chính quyền Biden bỏ qua những kiến thức cơ bản về kinh tế, đi ngược lại nền kinh tế thị trường và thương mại tự do mà Mỹ luôn nhất mực cổ vũ, đồng thời tưởng tượng ra "thuyết dư thừa công suất" để áp đặt mức thuế cao lên các sản phẩm năng lượng xanh mới của Trung Quốc như xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời. Nước này đã sử dụng chủ nghĩa bảo hộ thương mại một cách trắng trợn, đồng thời lôi kéo EU vào một cuộc chơi "hại người mà cũng chẳng có lợi cho bản thân".
Một mặt, Mỹ áp đặt một cách nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát công nghệ cao đối với Trung Quốc và ngăn cản nước này có được những con chip tiên tiến, mặt khác cũng ngăn cản các công ty Trung Quốc xuất khẩu chip thông thường sang Nga. Một mặt, Mỹ liên tục gửi vũ khí cho Ukraine, nhưng mặt khác, nước này lại hợp tác với các đồng minh châu Âu để cường điệu hóa "sự hỗ trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga". Để kiềm chế Trung Quốc và Nga về mặt chiến lược, Mỹ đã không màng đến các chuẩn mực cơ bản cùng nhận thức chung về quan hệ quốc tế để đưa ra những yêu cầu vô lý và lố bịch đối với hai đối thủ chiến lược hùng mạnh của mình.
Nguyên nhân gốc rễ khiến Mỹ dần suy thoái trong vài thập kỷ qua nằm ở chính bản thân nước này : Sự mạnh lên của các nhóm lợi ích mà giới tinh hoa Mỹ cấu thành nên, chẳng hạn như tổ hợp công nghiệp-quân sự hay những ông trùm Phố Wall, đã khiến hệ thống "tam quyền phân lập" của Mỹ trở thành công cụ và cơ chế để củng cố lợi ích nhóm. Xung đột lợi ích giữa các nhóm lợi ích khác nhau đã phát triển thành sự chia rẽ ngày càng gay gắt giữa hai đảng, con đường trung dung đã đánh mất thị trường và không làm được gì trong những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng. Bên dưới lớp vỏ dân chủ, cơ cấu quản trị nội tại ngày càng mục ruỗng.
Sự suy giảm của các ngành công nghiệp và sản xuất ở Mỹ trong thời đại toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ. Việc "đưa ngành sản xuất trở lại nước Mỹ" đã được kêu gọi trong nhiều năm nhưng khó có thể thực hiện, chủ yếu là bởi nước Mỹ đã trở thành một xã hội không chịu sản xuất, tiêu tài hoang phí và thịnh hành các quan niệm như kiếm tiền nhanh chóng hay "không làm mà hưởng". Dưới sự dẫn dắt của các giá trị quan này, sẽ ngày càng có ít người tin vào việc làm giàu nhờ lao động chăm chỉ, và cũng ngày càng có ít người sẵn sàng học những ngành khoa học và kỹ thuật khó hơn. Khi không bồi dưỡng được đủ nhân tài về khoa học kỹ thuật và không có đủ công nhân sẵn sàng làm việc chăm chỉ, việc khôi phục ngành sản xuất và tái cơ cấu chuỗi công nghiệp sẽ trở thành một con sông không nguồn, một cái cây không rễ.
Những người có hiểu biết đều biết rằng, nếu Mỹ muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thì điều quan trọng hơn cả là phải "điều chỉnh bản thân cho tốt" và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình. Thật không may, dưới hệ thống và bầu không khí xã hội bị phân hóa như hiện nay, Mỹ càng muốn chạy nhanh hơn thì lại càng cảm thấy chạy không nổi. Một số người Mỹ muốn ngáng chân đối thủ cạnh tranh của mình, nhưng lại không biết rằng làm như vậy có thể khiến họ càng dễ vấp ngã hơn, từ đó đẩy nhanh sự suy tàn của nước này.
Đông Nhật
Nguyên tác : "冬日:美国衰落论再起 找替罪羊难遏止", Aisixiang, 19/06/2024.
Lê Thị Thanh Loan biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/07/2024
Việc Trung Quốc trợ cấp ngành công nghiệp đang tạo ra hiện tượng "dư thừa" sản xuất, và đây là một "rủi ro cho khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu". Trên đây là lời cảnh báo từ bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen trước các doanh nhân Mỹ nhân chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày bắt đầu từ hôm 04/04/2024.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen tại phi trường Quảng Châu - Ảnh ngày 04/04/2024. Reuters - Tingshu Wang
Trong chặng dừng thứ nhất tại tỉnh Quảng Đông, phát biểu trước các doanh nhân Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng các khoản hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của Bắc Kinh đang dẫn đến hiện tượng "sản lượng vượt quá mức nhu cầu trong nước" cũng như là "khả năng tiêu thụ của thị trường thế giới".
Vẫn theo bà, điều này có thể đi đến việc xuất khẩu khối lượng lớn với giá rẻ, và hiện tượng "tập trung quá mức chuỗi cung ứng", "gây ra các rủi ro cho việc phục hồi nền kinh tế thế giới". Và đó còn là một mối đe dọa cho tính sống còn các doanh nghiệp Mỹ cũng như nhiều nước khác.
Trong cuộc gặp do Phòng Thương Mại Mỹ tổ chức, lãnh đạo bộ Tài chính Mỹ cam kết sẽ đề cập với giới chức Trung Quốc về những "khó khăn" mà các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang gặp phải. Nhất là việc Bắc Kinh "áp đặt các rào cản tiếp cận đối với các công ty nước ngoài và có những biện pháp cưỡng chế đối với nhiều tập đoàn Mỹ".
Dù vậy, bộ trưởng Tài chính Mỹ trấn an rằng việc bày tỏ những quan ngại này không nằm trong một "chính sách chống Trung Quốc", mà nhằm giảm thiểu các rủi ro có liên quan đến "sự xáo trộn không thể tránh khỏi của nền kinh tế toàn cầu", kết quả của việc duy trì một chiến lược như vậy của Bắc Kinh.
Theo AFP, Mỹ bày tỏ những lo lắng này vào lúc tổng thống Mỹ Joe Biden muốn gia tăng sản xuất của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng xanh, với hy vọng có thể dùng điều này như một lập luận cho chiến dịch vận động tái tranh cử.
Đây là chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của bà Janet Yellen trong vòng chưa đầy một năm. Hôm nay, bộ trưởng Tài chính Mỹ có cuộc gặp với phó thủ tướng Hà Lập Phong trước khi có cuộc hội đàm với thủ tướng Lý Cường, bộ trưởng Tài chính Lam Phật An cũng như là thống đốc Ngân hàng Trung ương Phan Công Thắng tại Bắc Kinh.
Chuyến đi này của bà Yellen cũng nằm trong xu hướng Mỹ và Trung Quốc mong muốn nối lại đối thoại. Theo dự kiến, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng sẽ đến Trung Quốc trong những tuần sắp tới.
Minh Anh
Quan hệ giữa hai siêu cường đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có thể quản lý được nếu Mỹ đi đúng nước cờ.
Joe Biden và Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự tại cuộc gặp tuần này © Doug Mills/The New York Times/AP
Bất chấp cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở California tuần này, nơi hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại đối thoại quân sự, quan hệ Mỹ – Trung vẫn còn nhiều khó khăn. Một số người Mỹ từng gợi ý về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng Trung Quốc khác với Liên Xô. Bởi vì Mỹ không có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Liên Xô, nhưng lại có trao đổi thương mại trị giá 500 tỷ đô la với Trung Quốc.
Dù phân tách một phần (hay "giảm thiểu rủi ro") về các vấn đề an ninh là một biện pháp hữu ích, việc phân tách toàn bộ nền kinh tế sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt, và rất ít đồng minh sẽ làm theo. Nhiều quốc gia hiện đang xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của họ, chứ không phải Mỹ. Do đó, việc giải quyết thách thức từ Trung Quốc sẽ đòi hỏi một chiến lược phức tạp hơn.
Các khía cạnh khác của sự phụ thuộc lẫn nhau, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và đại dịch, tuân theo các định luật vật lý và sinh học, và vì thế cũng khiến cho việc phân tách hoàn toàn là không thể. Không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết được những vấn đề xuyên quốc gia này. Dù tốt hay xấu, Mỹ vẫn bị mắc kẹt trong một cuộc "cạnh tranh có tính hợp tác" với Trung Quốc. Điều này không giống như chính sách ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh. Các đồng minh và đối tác như Ấn Độ là những đồng minh mà Trung Quốc thiếu, và tổng tài sản của các đồng minh dân chủ sẽ vượt xa Trung Quốc (cộng với Nga) trong thế kỷ này.
Nếu Mỹ kỳ vọng sẽ biến đổi Trung Quốc theo cách tương tự như sự sụp đổ của chế độ Xô-viết vào cuối Chiến tranh Lạnh, thì có khả năng họ sẽ phải thất vọng. Trung Quốc quá lớn để Mỹ có thể xâm chiếm hoặc tạo ra thay đổi trong nước, và điều ngược lại cũng đúng. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không gây ra mối đe dọa sống còn cho nhau, trừ phi họ phạm sai lầm bước vào một cuộc chiến lớn.
Phép so sánh phù hợp nhất trong lịch sử không phải là Châu Âu sau Thế chiến II, mà là Châu Âu trước Thế chiến I. Đài Loan có thể là một điểm nóng giống như vùng Balkan khi đó. Mỹ nên giúp Đài Loan tự vệ, nhưng là trong bối cảnh sự thành công của chính sách "Một Trung Quốc" mà Richard Nixon và Henry Kissinger đã tạo ra vào đầu những năm 1970. Có thể sẽ có xung đột kinh tế và xung đột ở cường độ thấp, nhưng mục tiêu chiến lược của Mỹ phải là tránh leo thang.
Một chiến lược như vậy là khả thi vì Mỹ có lợi thế địa chính trị lớn, và Trung Quốc khó có thể thay thế nước này trở thành cường quốc hàng đầu. Về mặt địa lý, Mỹ nằm tiếp giáp hai đại dương và có các láng giềng thân thiện, trong khi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.
Lợi thế thứ hai của Mỹ là năng lượng : cuộc cách mạng dầu khí đá phiến đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu dầu. Trong khi đó, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu đi qua vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Mỹ cũng có lợi thế về nhân khẩu học với lực lượng lao động có khả năng tăng trưởng trong thập niên tới, trong khi dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2015. Thêm nữa, dù Trung Quốc vượt trội ở một số lĩnh vực phụ, Mỹ vẫn dẫn đầu trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ nano, và công nghệ thông tin.
Trung Quốc có những điểm mạnh ấn tượng nhưng cũng có những điểm yếu nghiêm trọng. Ví dụ, giải pháp cho tình trạng suy giảm nhân khẩu học là tăng năng suất, nhưng năng suất tổng hợp của Trung Quốc lại giảm và sự kiểm soát gắt gao của Đảng cộng sản đối với nền kinh tế đang bóp nghẹt tinh thần kinh doanh trong khu vực tư nhân.
Đúng là Mỹ nắm trong tay những quân cờ tốt, nhưng một chiến lược sai lầm vẫn có thể khiến nước này thất bại. Ví dụ, một chính quyền Trump trong tương lai có thể loại bỏ các át chủ bài trong các liên minh và thể chế quốc tế, hoặc hạn chế nghiêm ngặt vấn đề nhập cư. Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi rằng ông không nghĩ Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, vì Mỹ có khả năng thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Xét đến chủ nghĩa dân tộc sắc tộc và nhà nước độc đảng của Trung Quốc, kiểu cởi mở này sẽ không thể xảy ra ở nước này.
Chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh nên là tránh cả chiến tranh nóng lẫn chiến tranh lạnh, hợp tác khi có thể, và huy động nguồn lực của mình để định hình hành vi đối ngoại của Trung Quốc. Chiến lược này có thể được thực hiện thông qua việc ngăn chặn và tăng cường các liên minh và thể chế quốc tế.
Chìa khóa để bảo vệ chuỗi đảo đầu tiên ngoài khơi Trung Quốc là Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, nơi Mỹ đang có quân đồn trú. Đồng thời, Mỹ nên cung cấp viện trợ cho các nước nghèo hiện đang được Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc lôi kéo. Trên hết, Mỹ phải duy trì sự cởi mở trong nước và bảo vệ các giá trị dân chủ. Các cuộc thăm dò quốc tế cho thấy Mỹ có sức mạnh "mềm" lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Và sức mạnh răn đe quân sự của Mỹ cũng được hoan nghênh bởi nhiều quốc gia muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng không muốn bị nước này thống trị. Tóm lại, Mỹ nên tập trung vào một chiến lược mang lại nhiều hứa hẹn cho chúng ta hơn là tái diễn Chiến tranh Lạnh.
Joseph Nye
Nguyên tác : "America should aim for competitive coexistence with China", Financial Times, 16/11/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/11/2023
Joseph Nye là giáo sư hưu trí tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn hồi ký sắp xuất bản, ‘A Life in the American Century’.
Đối thủ Trung Quốc xuống dốc, gây lo lắng cho… Hoa Kỳ
Theo Le Figaro ngày 28/09/2023, những vụ thanh trừng bí ẩn trong quân đội Trung Quốc, xu hướng dân tộc chủ nghĩa được đẩy mạnh trong lúc kinh tế đang sa sút, Bắc Kinh hung hăng với láng giềng khiến Hoa Kỳ lo ngại hơn cả khả năng bị giành mất vị trí đại cường số một thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và tư lệnh Quân chủng hỏa tiễn Vương Hậu Bân (trên, bên trái), chính ủy Từ Tây Thịnh (trên, bên phải) tại Bắc Kinh,Trung Quốc, ngày 31/07/2023. AP - Li Gang
Nội bộ căng thẳng, Tập Cận Bình tiếp tục "đả hổ"
Trong bài "Tập Cận Bình và những vụ thanh trừng bí ẩn ở đầu não quân đội Trung Quốc", Le Figaro nhắc lại sự mất tích của bộ trưởng quốc phòng sau khi nhiều sĩ quan cao cấp bị cách chức, gây ra những đồn đãi về quyền hành thực tế của ông Tập. Đây là người thân tín thứ hai của Tập Cận Bình bị thất sủng, sau ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang). Bắc Kinh chỉ nói rằng việc bộ trưởng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) lỗi hẹn với các đồng nhiệm Việt Nam là vì "lý do sức khỏe".
Ngoài tướng Lý còn có 8 sĩ quan cao cấp khác bị cáo buộc nhận hối lộ. PLA Daily hôm 22/09 cảnh báo các quân nhân nên "thanh lọc các mối quan hệ xã hội", cho thấy không khí thanh trừng. Chuyên gia Alex Payette, người sáng lập Cabinet Cercius cho rằng Tập Cận Bình không dự G20, thay vào đó đi thanh tra các doanh trại quân đội ở Hắc Long Giang, có thể do tình hình nội bộ căng thẳng.
Các nhà quan sát nhận định quyền lực của ông Tập vẫn bao trùm, nhưng không phải là tuyệt đối. Theo nhà chính trị học độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), đang có những đấu đá nội bộ, mỗi bên dùng ngọn cờ chống tham nhũng để tấn công nhau. Ông Khúc Thanh Sơn (Qu Qingshan), Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn minh và Lịch sử Đảng của Trung ương Đảng, tuyên bố "Tham nhũng là khối u độc hại nhất đe dọa đảng", loan báo một chiến dịch năm năm mới, trong khi hàng trăm ngàn cán bộ đã bị trừng phạt.
Payette nhấn mạnh : "Vấn đề là ngoài tham vọng cá nhân, liệu có bất đồng về đường hướng chính trị của ông Tập hay về cách lãnh đạo hay không". Nhất là về chiến lược Đài Loan, khi quân đội trên tuyến đầu. Nếu Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, bạn thời thơ ấu của Tập Cận Bình bị kỷ luật, thì đây sẽ là một trận địa chấn. Nhưng ông Trần Đạo Ngân cho rằng hiện chưa ai có thể đương đầu với ông Tập, sau cái chết của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và vụ ông Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi Đại hội Đảng.
Tạo không khí khủng bố để chuẩn bị cho "bão lớn" ?
Le Figaro nhận thấy đẩy mạnh dân tộc chủ nghĩa là "Lời đáp của Tập Cận Bình trước tình hình kinh tế chậm lại và thách thức từ Mỹ". Vũ Hán đã mở ra một cuộc truy lùng kimono. Một nhóm người mặc trang phục truyền thống nhiều màu sắc đã bị bảo vệ một công viên chận lại, nói rằng những ai ăn mặc và trang điểm kiểu Nhật không được vào. Nhưng hóa ra đó là "Hán phục" (hanfu) đời nhà Đường, và mỉa mai thay, lại là thời kỳ cực thịnh của Trung Hoa, mở cửa với thế giới, không như Trung Quốc của ông Tập trong nhiệm kỳ thứ ba.
Sự cố trên đây minh họa cho cao trào dân tộc chủ nghĩa, sau khi Bắc Kinh đã viết lại lịch sử trong sách giáo khoa, đàn áp các tỉ phú đỏ. Một dự luật đe dọa bỏ tù công dân nào mặc quần áo "làm tổn thương đến tình cảm dân tộc". Những ai thích áo thun in hình sao và sọc, hãy coi chừng !
Ông Trần Đạo Ngân nhận định : "Đây là điều mới. Chế độ tạo ra không khí khủng bố để kiểm soát dân chúng, chuẩn bị cho những cơn bão sắp tới, nhất là chiến tranh với Đài Loan hay trên Biển Đông". Một giáo sư đại học Chính trị Bắc Kinh viết trên WeChat "Ăn sushi hay coi manga có vi phạm luật hay không ?". Nhưng câu này bị kiểm duyệt xóa mất.
Hoang tưởng về "thế lực thù địch"
Những tháng gần đây, Đảng tạo ra tâm lý hoang tưởng, huy động dân Hoa lục chống việc Mỹ "bao vây" Trung Quốc. Quần chúng được kêu gọi tố cáo "thế lực thù địch" xâm nhập. Phong trào yêu nước được cổ vũ trong lúc kinh tế u ám, các tập đoàn hùng mạnh như Country Garden suýt phá sản. Les Echos cho biết ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), chủ tịch Hằng Đại (Evergrande), tỉ phú giàu nhất châu Á năm 2017 vừa bị quản thúc tại gia vì tập đoàn nợ đến 328 tỉ đô la. Nhiều nhà đầu tư chuyển sang Ấn Độ và Đông Nam Á, nhất là do Tập Cận Bình đứng về phía Vladimir Putin từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra.
Nhà nghiên cứu Marc Julien nhận định : "Tất cả những chỉ số của Trung Quốc đều màu xanh trong nhiều thập niên, nhưng nay đã chuyển sang đỏ". Đảng có hai khả năng, hoặc thực dụng quay lại với cải cách, hoặc thúc đẩy xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Có vẻ như ông Tập đã chọn cách thứ hai. Về "nhiệm vụ lịch sử" là "thống nhất Đài Loan", một doanh nhân ở Thượng Hải thổ lộ, nay mọi người đều bị ám ảnh vì giả thiết này nhưng không dám nói ra.
"Khi kẻ độc ác gặp khó khăn, có thể làm chuyện ác độc"
Trung Quốc bị giảm phát, dân số sụt xuống khiến vai trò quốc gia đông dân nhất thế giới bị Ấn Độ giành mất. Viễn cảnh một Trung Quốc có nguy cơ suy thoái và bất ổn chính trị gây lo lắng cho… Hoa Kỳ. Đối phó với Bắc Kinh vốn đang cạnh tranh về kinh tế và quân sự luôn là điểm đồng thuận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thế nhưng, tại Washington hiện nay, kinh tế Trung Quốc đi xuống cùng với việc Tập Cận Bình tỏ ra cứng rắn hơn hẳn có vẻ đáng lo hơn là khả năng bị Bắc Kinh tranh lấy vị trí đại cường số một thế giới. Ông Joe Biden tháng trước đã tóm tắt : "Khi những kẻ ác gặp khó khăn, họ sẽ làm những chuyện ác".
Giáo sư Joshua Eisenman nhận xét, mô hình phát triển đã mang lại thành công lớn cho Trung Quốc nay không còn áp dụng được. Phương Tây cũng đánh giá chưa đúng mức tác động xã hội của chính sách zero Covid trong ba năm qua. Sự hung hăng trước các nước trong khu vực cộng thêm liên minh với Nga khiến Washington thêm cảnh giác, nhất là vụ tung ra tấm bản đồ lấn sang lãnh thổ của tất cả láng giềng kể cả Nga, cho thấy Bắc Kinh đã bất chấp luật pháp quốc tế. Hai bộ trưởng quan trọng về ngoại giao và quốc phòng thì "mất tích", khiến Mỹ khó đối thoại.
Tuy chưa bao giờ công khai chính sách ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Biden đã tăng cường mở rộng các liên minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc, Ấn, Nhật và AUKUS, liên minh quân sự Mỹ, Úc, Anh là những tổ chức chính thức, nhưng Hoa Kỳ còn ký nhiều thỏa thuận quốc phòng hay đối tác với các nước ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Washington xích lại gần Ấn Độ, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, Philippines, tập hợp Hàn Quốc và Nhật Bản, thành lập hoặc tái lập quan hệ ngoại giao với các đảo quốc Thái Bình Dương. Chủ thuyết của Biden "cạnh tranh nhưng không đối đầu" đã thu hút được một số quốc gia đang lo lắng trước sự hiếu chiến của Trung Quốc.
Phương pháp NATO khó áp dụng cho chiến trường Ukraine
Liên quan đến Ukraine, Le Monde nói về "Những lỗ hổng trong việc đào tạo của NATO". Phóng viên của tờ báo rong ruổi trên ba mặt trận khác nhau từ miền đông đến đông nam, và ghi nhận các chiến binh đều phàn nàn rằng những gì được đào tạo không phù hợp với thực tế chiến trường.
Các nước đồng minh từ một năm qua vẫn nói rằng cùng với chi viện vũ khí, việc huấn luyện - chủ yếu tại Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan - đã mang lại hiệu quả cho cuộc chiến vệ quốc của Ukraine. Sự thật ra sao ? Trước hết là vấn đề phiên dịch. Trên mặt trận Bakhmut, Yeyhen, 24 tuổi có kỷ niệm đáng nhớ lúc tập huấn tại Anh. "Có lần huấn luyện viên nói cần lo cho an ninh cá nhân trước khi nghĩ đến những người bị thương". Nhưng phiên dịch người Ukraine lại hiểu rằng "Nếu có người bị thương thì nên giết họ để giữ an toàn cho mình". Những hoạt động được dạy dành cho bộ binh "không chịu hỏa lực của địch, không dưới đạn pháo, không bãi mìn và những tay súng bắn tỉa, trong khi đây là chuyện thường ngày ở chỗ chúng tôi. Ngay cả độ sâu của chiến hào cũng khác".
Khi về nước, Yeyhen cũng như nhiều người khác đành tìm hiểu cách sử dụng vũ khí mới và chiến thuật trên mạng. Vadim, tức "Nesquik", tiểu đoàn trưởng 28 tuổi nhưng đã dạn dày kinh nghiệm, được học cách tổ chức tiếp liệu ở Đức, nhưng "không ai đến kho để nhận cả, mỗi lần đều hẹn gặp để giao và địa điểm luôn thay đổi". Anh cũng cho rằng không nên đánh giá thấp quân Nga, "họ thích ứng rất nhanh, có nguồn nhân lực dự trữ mà chúng tôi không có và vô số thiết bị. NATO nên gởi người ra mặt trận một tháng, sẽ thấy mỗi ngày mỗi khác".
Huấn luyện viên phải tham khảo… YouTube
Tại Donetsk, trung sĩ Vassil tức "Papic", đã trải qua 35 ngày ở Anh để phối hợp việc huấn luyện 200 người lính. Anh nói với các huấn luyện viên người Anh và Đan Mạch, là cẩm nang của NATO không thích hợp trên thực địa Ukraine như cách tấn công chiến hào chẳng hạn, nhưng họ trả lời là tất cả đã được viết sẵn. Nhiều khi huấn luyện viên phải lên YouTube để tìm giải pháp.
Cách đánh phối hợp với drone không có trong giáo trình NATO trong khi không thể tách rời khỏi cuộc chiến Ukraine. Vassil nói : "Những nước không chiến đấu lại dạy cách đánh, lẽ ra phải ngược lại". Dmitri và đồng đội thì phải mày mò tìm cách sửa chữa các xe tăng bị hư hại. Yevgeny, mới 24 tuổi nhưng đã nhận được huy chương anh hùng Ukraine, kể lại anh phải gởi trả về hậu phương một tân binh học ở Đức vì người lính này chỉ biết cách dàn hàng tiến lên, nhưng như vậy lực lượng xe tăng sẽ bị thiệt hại nặng trước pháo Nga.
Xa hơn ở phía nam, tại mặt trận Zaporijia, trung sĩ Mikhaël Vovk tức "The Performer" nhận định : "Ở đây chúng tôi chiến đấu mà không được không lực và pháo binh yểm trợ, trong khi đây là trung tâm của chiến thuật NATO. Hơn nữa, những chiến binh của chúng tôi giàu kinh nghiệm hơn những người huấn luyện họ. Đã mười năm qua họ phải chiến đấu từ khi Donbass và Crimea bị xâm chiếm".
Một chủ đề bất đồng nữa là phá mìn. Dmitri, có ngoại hình như tài tử xi-nê Mỹ, đã sang học ở Ba Lan, kể rằng NATO đòi hỏi phải phá toàn bộ bãi mìn, trong khi người Ukraine chỉ cần mở một lối vào để đội quân tiến lên, và lại phải làm việc dưới bom đạn. Le Monde kết luận, các quân nhân được phương Tây huấn luyện đều phải đào tạo lại trên thực địa.
Đối lập Nga lưu vong không có lãnh đạo xứng tầm
Về phía đối lập Nga, nhà phân tích Tatiana Kasstouéva-Jean của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trả lời Le Monde, cho rằng thực ra nhiều người trong số họ tự coi là nhà ly khai thay vì đối lập. Những khuôn mặt hàng đầu như Mikhail Khodorkovski, Garry Kasparov, ê-kíp quỹ chống tham nhũng FBK của Alexei Navalny… đã lưu vong từ trước chiến tranh. Từ ngày 24/02/2022, nhiều nhà đấu tranh nhân quyền, nhà báo, blogger, luật sư, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ chạy ra nước ngoài vì không còn có thể tự do hành nghề tại Nga. Tiếp theo, lệnh tổng động viên từng phần tháng 9/2022 khiến hàng loạt thanh niên phải chạy trốn, tuy chưa hẳn chống Putin.
Trước đây Lênin đang lưu vong đã bí mật về nước tổ chức Cách mạng tháng Mười và nắm quyền năm 1917, nhưng đó chỉ là trường hợp đặc biệt trong lịch sử Nga. Tuy internet và mạng xã hội giúp trong và ngoài nước liên lạc được với nhau, nhưng khác với Belarus có Svetlana Tsikhanovskaia, nhân vật được coi là lãnh tụ, giới lưu vong Nga bị chia năm xẻ bảy. Khi một nhóm cố gắng ngoi lên dẫn đầu với ý tưởng riêng, những nhóm khác liền phản đối tính chính danh. Trong giới tinh hoa trẻ tuổi mới chạy sang, có người kết nối được với lớp cũ, người thì cố hòa nhập vào cuộc sống mới, có người tìm cách tự biến thành vô hình để tránh bàn tay nối dài của Vladimir Putin, không tham gia bất cứ sự kiện chính trị nào.
Thụy My
Hiện nay, ở Washington đang có một quan điểm ngày càng vững chắc cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới và tái tạo hệ thống quốc tế theo hình ảnh phi tự do của mình.
Quốc kỳ Hoa Kỳ và Trung Quốc - Ảnh Feng Li
Tất nhiên, Trung Quốc đã thúc đẩy những nỗi sợ này qua việc phát triển quân đội, hợp tác với một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù, thúc đẩy các yêu sách tranh chấp lãnh thổ, và dựa vào những luận điệu của riêng mình. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thề sẽ chặn đứng những gì ông coi là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm "ngăn chặn, bao vây, và đàn áp" Trung Quốc, và đã tuyên bố rằng "chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ diệt vong và chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ chiến thắng".
Nhưng các tuyên bố về ý thức hệ như vậy thường một phần được thúc đẩy bởi sự bất an – hầu hết các quốc gia Cộng sản đã sụp đổ, và giới lãnh đạo Trung Quốc lo sợ mình sẽ là người tiếp theo. Những tuyên bố đó cũng nhằm mục đích củng cố niềm tin và lòng trung thành trong nước đối với đảng, hơn là phản ánh chính sách hoặc niềm tin thực tế.
Ý thức hệ ở Trung Quốc là một khái niệm linh hoạt, chứ không phải là một bộ khung cứng nhắc với các chính sách rõ ràng, và nó đã liên tục được điều chỉnh để biện minh cho việc duy trì chế độ độc đảng qua những thay đổi lớn sau nhiều thập niên. Ví dụ, dưới thời Mao Trạch Đông, các nhà tư bản bị lên án là "bọn phản cách mạng". Nhưng dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) đã từ bỏ niềm tin cốt lõi của chủ nghĩa Marx vào năm 2001, khi họ chấp nhận các doanh nhân tư nhân làm đảng viên. Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay mang tính tư bản hơn là Marxist, và cực kỳ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thị trường thế giới.
Đánh giá về Trung Quốc dựa trên ngôn từ có chủ ý của chương trình tuyên truyền của đảng đã bỏ qua khoảng cách giữa lời nói và hiện thực. Chẳng hạn, vào năm 2018, Trung Quốc đã đàn áp các nhóm sinh viên Marxist và các tổ chức lao động, nhiều khả năng là vì – như nhà lao động học và xã hội học Eli Friedman lưu ý – các nhà hoạt động trẻ tuổi này là hiện thân cho "các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx mà Đảng cộng sản Trung Quốc thực tế đã từ bỏ từ rất lâu". Tương tự, suốt nhiều năm, Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến sự tôn nghiêm của chủ quyền quốc gia và việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng lại cung cấp sự hỗ trợ ngoại giao cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Các trí thức hàng đầu Trung Quốc công khai thừa nhận khó khăn trong việc dung hòa những gì Trung Quốc nói với những gì họ làm. "Ngay cả chúng tôi cũng không tin nhiều vào những gì mình nói", nhà kinh tế học Trung Quốc Diêu Dương (Yao Yang), người nổi tiếng với quan điểm thực dụng, từng nói. "Mục tiêu của chúng tôi không phải là đánh bại chủ nghĩa tự do, mà thay vào đó nói rằng những gì chúng tôi đang có cũng tốt như những gì các vị đang có". Giang Thế Công (Jiang Shigong), một học giả chuyên về pháp lý và là người biện hộ cho triết lý chính trị của Tập, đã viết rằng "‘chủ nghĩa xã hội’ không phải là một loại tư tưởng cứng nhắc, mà là một khái niệm mở, đang chờ được khám phá và định nghĩa".
Rất khó để xác định chắc chắn tham vọng lâu dài của Trung Quốc, và những tham vọng đó cũng có thể thay đổi. Nhưng nhìn chung nước này không thể – thậm chí không tìm cách – thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới.
Tập và Đảng cộng sản Trung Quốc rõ ràng cho rằng Mỹ đang cố gắng giữ cho Trung Quốc luôn bị phụ thuộc và dễ bị tổn thương, phản đối bất cứ điều gì Trung Quốc khởi xướng hoặc ủng hộ trong một hệ thống quốc tế mà Bắc Kinh tin là thiên vị Mỹ và các nền dân chủ phát triển. Nhưng ở mức tối thiểu, ý định của Trung Quốc dường như chỉ là sửa đổi các khía cạnh của một hệ thống mà nhờ nó họ đã phát triển thịnh vượng – làm cho nó an toàn hơn cho chế độ chuyên chế – chứ không phải thay thế nó hoàn toàn.
Tập thường nói về nỗ lực này trong các khẩu hiệu chính trị của mình như "giấc mơ Trung Hoa" và "tương lai chung cho nhân loại". Tuy nhiên, người ta vẫn đang tiếp tục tranh luận ở Trung Quốc về ý nghĩa thực sự của những tầm nhìn này, cũng như các chi phí và rủi ro mà Trung Quốc cần chấp nhận trong hành trình tìm kiếm vị trí lãnh đạo toàn cầu. Ví dụ, nghiên cứu của học giả Diệp Mẫn (Min Ye) đã chỉ ra rằng quy mô phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc bị giới hạn bởi sự cấp bách, bắt buộc phải giải quyết các nhu cầu phát triển ở trong nước. Các chiến lược quan trọng khác của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng của họ cũng gặp khó khăn tương tự : Nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và giảm sự thống trị của đồng đô la bị hạn chế bởi sự kiểm soát chặt chẽ giá trị của đồng nhân dân tệ, cũng như nhiều biện pháp kiểm soát vốn khác. Các chính sách này tuy giúp ổn định nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng tháo vốn, nhưng lại hạn chế sức hấp dẫn toàn cầu của đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, quan ngại của người Mỹ thường tập trung vào nỗi sợ hãi chính đáng rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan. Nhưng bất chấp các cuộc tập trận quân sự hung hăng của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hòn đảo tự trị tiến gần hơn đến nền độc lập chính thức, nhiều chuyên gia tin rằng Bắc Kinh vẫn muốn đạt được mục tiêu lâu dài là "thống nhất trong hòa bình" thông qua các biện pháp khác, ngoài chiến tranh. Trung Quốc có thể thua trong một cuộc chiến quân sự và phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Kết cục đó là rất nguy hiểm về kinh tế và chính trị, đe dọa các mục tiêu hàng đầu của Tập về an ninh chế độ, ổn định trong nước, và phục hưng quốc gia.
Ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc Trung Quốc, với khó khăn về kinh tế và dân số sụt giảm, có thể đạt được mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không, chứ chưa nói đến các chỉ số lãnh đạo toàn cầu khác. Hiện vẫn có một sự thừa nhận rộng rãi ở Trung Quốc rằng nước này vẫn còn yếu hơn về quân sự, kinh tế, và công nghệ so với Mỹ, và việc hiện đại hóa đất nước phụ thuộc vào khả năng duy trì tiếp cận công nghệ, vốn, và thị trường quốc tế trong một trật tự kinh tế ổn định. "Mỹ không thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc", học giả Trung Quốc nổi tiếng Hoàng Nhân Vỹ (Huang Renwei) đã lưu ý, "nhưng Trung Quốc cũng không thể nhanh chóng vượt qua Mỹ".
Luận điệu của Trung Quốc về cải cách quản trị toàn cầu đã gây được tiếng vang ở nhiều nước đang phát triển, nơi cũng cho rằng các thể chế quốc tế đang chống lại họ. Nhưng có rất ít lý do để tin rằng ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa, tư lợi của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới, đặc biệt là khi Tập đã gây mất lòng tin vì cai trị bằng đường lối độc đoán, áp dụng các chiến thuật cưỡng chế đối với các doanh nghiệp và đối tác thương mại nước ngoài, và triển khai các chính sách ngày càng hoang tưởng. Trung Quốc đúng là có xu hướng được nhìn nhận tích cực hơn ở các nước đang phát triển. Nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế chứ không phải ý thức hệ, và các khoản đầu tư ra nước ngoài của nước này thường bị chỉ trích là thiếu minh bạch, gây nợ nần cho các nước nghèo, gây tác động lên môi trường và nhiều các vấn đề khác.
Mỹ phải tiếp tục ngăn cản và chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm cả việc củng cố khả năng chống xâm lược của Đài Loan. Nhưng Washington cần tránh để mình bị hướng dẫn chỉ bởi nỗi sợ, theo đó cản trở tư duy cởi mở và năng động vốn là cơ sở cho vai trò lãnh đạo khoa học và công nghệ của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách nên kết hợp các biện pháp răn đe với những nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, đồng thời bảo vệ các giá trị và lợi ích cốt lõi của một trật tự quốc tế mang tính bao trùm, cũng như kêu gọi Bắc Kinh đưa ra những cam kết đáng tin cậy hơn về ý định thực sự của họ.
Rõ ràng là Trung Quốc – bất kể ý định của họ là gì – đang đặt ra một thách thức chính sách to lớn và phức tạp đối với Mỹ. Nhưng việc phóng đại nỗi sợ về "cuộc đối đầu một mất một còn" sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột, lấn át nỗ lực giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, và tạo ra một khuôn khổ ‘hoặc ủng hộ hoặc chống lại chúng tôi’ vốn có thể khiến Mỹ bị cô lập khỏi các đồng minh và phần còn lại của thế giới.
Tồi tệ hơn, hành động theo bản năng để vượt qua hoặc ngăn chặn Trung Quốc chỉ khiến những người theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh tin rằng Mỹ là kẻ thù không đội trời chung và phản ứng duy nhất là phải làm suy yếu nước Mỹ.
Bằng cách tiếp tục đi trên con đường đó, hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có thể sẽ biến nước còn lại thành chính thứ kẻ thù mà họ vẫn luôn sợ hãi.
Jessica Chen Weiss
Nguyên tác : "Even China Isn’t Convinced It Can Replace the U.S.", New York Times, 04/05/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng iên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/05/2023
Jessica Chen Weiss là giáo sư về quản trị chính quyền tại Đại học Cornell và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á. Bà là tác giả của cuốn sách "Powerful Patriots : Nationalist Protest in China’s Foreign Relations".
Việt Nam nên chọn phe nào ?
Hoàng Bách nói chuyện với Nguyễn Gia Kiểng
+ Cải tổ hưu trí tại Pháp, uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron xuống rất thấp.
+ Tập cận Bình lợi dụng Nga sa lầy Ukraine, lên lớp Vladimir Putin và chơi điếm Nga về Bắc Kinh chưa nóng ghế đã mời 5 nước Trung á thuộc sân sau của Nga như : Kazakhstan, Kirghizstan, Uzbekistan… mời họp ở Bắc Kinh.
+ Kinh tế Trung Quốc phát triển không như 4 thập niên trước năm 2022 chỉ có 3% ,dự trù năm 2023 là 5%. Trung Quốc đang đối mặt về kinh tế, chính trị, môi trường…
+ Trung Quốc chưa thể đánh Đài Loan.
Nguồn : Người Việt Channel, 24/03/2023
Washington sẵn sàng để tổng thống Đài Loan đến Mỹ gặp chủ tịch Hạ Viện
Thùy Dương, RFI, 09/03/2023
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Ned Price, ngày 08/03/2023 nói với báo chí là "việc các quan chức cấp cao của Đài Loan quá cảnh ở Mỹ là phù hợp với chính sách lâu nay của Mỹ và với các quan hệ không chính thức nhưng chặt chẽ với Đài Loan". Theo AFP, điều này cho thấy Washington không phản đối việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến Hoa Kỳ để gặp chủ tịch Hạ Viện.
Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Ned Price trong một cuộc họp báo tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/03/2022. AP - Manuel Balce Ceneta
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ dùng từ "quá cảnh" chứ không phải "chuyến thăm". Phát biểu của ông Ned Price được đưa ra sau khi hôm 07/03 chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định ông sẽ gặp tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại bang California và tạm thời tránh công du Đài Loan, để không làm gia tăng căng thẳng Trung - Mỹ. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng sau này sẽ đến thăm Đài Loan.
Còn theo thông tín viên Frédéric Lemaitre của báo Le Monde tại Bắc Kinh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn dường như là người đã đề xuất là chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Kevin McCarthy không nên đến Đài Bắc như ông từng có ý định mà sẽ tiếp bà tại California.
Reuters trước đó trích dẫn hai nguồn tin ẩn danh cho biết tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được mời phát biểu tại thư viện Ronald Reagan khi dừng chân ở California, trong chuyến công du đến Trung Mỹ và chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy sẽ có cuộc gặp với bà.
Bà Thái Anh Văn đã từng 6 lần quá cảnh tại Mỹ trong vòng 6 năm lãnh đạo Đài Loan, lần gần đây nhất là vào năm 2019 trong chuyến công du chính thức đến vùng Carribe. Bắc Kinh, luôn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, luôn phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa đại diện chính quyền Đài Loan với nước ngoài.
Thùy Dương
**********************
Mỹ thấy nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ngày càng giống Nga
AP, VOA, 08/03/2023
Hoa Kỳ từ lâu đã coi Trung Quốc là nguồn tuyên truyền chống Mỹ mạnh mẽ nhưng ít tích cực hơn trong các hoạt động gây ảnh hưởng so với Nga, quốc gia đã sử dụng các cuộc tấn công mạng và hoạt động bí mật để làm gián đoạn các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và bôi nhọ các đối thủ.
Dân biểu Dân chủ Raja Krishnamoorthi của Illinois, người đứng đầu Đảng Dân chủ trong ủy ban Hạ viện mới thành lập tập trung vào Đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhưng nhiều người ở Washington giờ đây cho rằng Trung Quốc đang ngày càng áp dụng các chiến thuật dính líu tới Nga — và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Hoa Kỳ không hành động đủ để đáp trả.
Các quan chức Hoa Kỳ và các chuyên gia bên ngoài trích dẫn các ví dụ gần đây về việc các ‘diễn viên’ có liên hệ với Trung Quốc tạo ra các báo cáo tin tức sai sự thật bằng trí tuệ nhân tạo và đăng một lượng lớn các bài phỉ báng trên mạng xã hội. Mặc dù nhiều nỗ lực được phát hiện là nghiệp dư, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng báo hiệu rõ ràng Bắc Kinh sẵn sàng thử nhiều chiến dịch gây ảnh hưởng hơn như một phần của một loạt các hoạt động bí mật, theo hai người quen thuộc với vấn đề nói với điều kiện giấu tên.
"Đối với chúng tôi, nỗ lực này là điều nổi bật," một quan chức tình báo Mỹ nói.
Tâm trạng ngày càng bi quan ở Washington về các mục tiêu chính trị và kinh tế bành trướng của Bắc Kinh cũng như khả năng xảy ra chiến tranh về Đài Loan đang thúc đẩy những lời kêu gọi Hoa Kỳ nỗ lực mạnh mẽ hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Các nhà lập pháp và quan chức đặc biệt lo ngại về các quốc gia bao gồm Khu vực phía Nam bán cầu Global South ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latin, nơi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế và chính trị to lớn. Nhiều quốc gia trong số này có dân số ủng hộ cả hai bên - điều mà một quan chức gọi là "các quốc gia dao động" trong trận chiến tường thuật.
Dân biểu Raja Krishnamoorthi của Illinois, người đứng đầu Đảng Dân chủ trong ủy ban Hạ viện mới thành lập tập trung vào Đảng cộng sản Trung Quốc, nói : "Đây phải là nỗ lực của toàn bộ chính phủ".
"Đảng cộng sản Trung Quốc đang đi khắp thế giới để nói xấu Hoa Kỳ, nói xấu các định chế của chúng ta, nói xấu hình thức chính phủ của chúng ta," ông Krishnamoorthi nói trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng ta phải chống lại điều này bởi vì cuối cùng nó không mang lại lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ".
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh "phản đối việc bịa đặt và phổ biến thông tin sai lệch" và đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì đã biến mạng xã hội "thành công cụ để thao túng dư luận quốc tế và là vũ khí của họ để bêu xấu và bôi nhọ các quốc gia khác".
"Về vấn đề này, phía Mỹ phải tự kiểm điểm và ngừng la làng ‘ăn cướp’," phát ngôn viên tòa đại sứ Liu Pengyu nói.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc và các kênh liên kết, cũng như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với lượng người theo dõi đông đảo, thường xuyên truyền bá những ý tưởng mà Hoa Kỳ cho là phóng đại, sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Trong những tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi sự chú ý đến vụ tàu trật đường ray phóng hóa chất độc hại ở Ohio cũng như cáo buộc Hoa Kỳ có thể đã phá hoại các đường ống được sử dụng để vận chuyển khí đốt của Nga.
Chính quyền ông Biden đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc về đường ống Nord Stream và bênh vực phản ứng của mình ở Ohio.
Trung Quốc từ lâu được coi là ít sẵn sàng hơn Nga trong việc thực hiện các bước khiêu khích có thể bị lộ và lo ngại hơn về việc bị đổ lỗi công khai. Tình báo Mỹ nhận định Nga cố gắng ủng hộ ông Donald Trump trong hai kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, trong khi Trung Quốc năm 2020 có cân nhắc nhưng không tìm cách tác động đến cuộc bầu cử.
Nhưng một số quan chức Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc hiện đang thực hiện hoặc xem xét các hoạt động mà trước đây họ không thực hiện, theo hai người quen thuộc với vấn đề này. Một phần là do Bắc Kinh lo ngại rằng họ đang thua trong trận chiến về tuyên truyền ở nhiều quốc gia, một nguồn tin cho biết.
Công ty nghiên cứu Graphika gần đây đã xác định các video do trí tuệ nhân tạo làm ra có liên quan đến hoạt động gây ảnh hưởng thân Trung Quốc. Một video công kích cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn bạo lực súng đạn ; một video khác "nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Trung để phục hồi nền kinh tế toàn cầu," theo Graphika. Và các nhà phân tích mối đe dọa tại Google cho biết họ đã phá vỡ hơn 50.000 trường hợp đăng bài và hoạt động khác vào năm ngoái có liên quan đến hoạt động gây ảnh hưởng thân Trung Quốc được gọi là "Dragonbridge".
Các video do trí tuệ nhân tạo làm ra rõ ràng là hư cấu và Graphika cho biết không có video nào có hơn 300 lượt xem. Hầu hết các bài đăng của Dragonbridge, Google cho biết, cũng tiếp cận được một lượng độc giả nhỏ.
Quan chức tình báo Hoa Kỳ nói thủ đoạn của Trung Quốc trên truyền thông xã hội là "không đồng đều" và kém tinh vi hơn so với những gì thường liên quan đến Điện Kremlin. Nhưng kỹ thuật gián điệp đó - cả về hoạt động truyền thông xã hội và nỗ lực che giấu bất kỳ mối liên hệ nào với Bắc Kinh - có thể được cải thiện theo thời gian và với thực tế, quan chức này cho biết.
Và đã có những lo ngại từ lâu ở Washington về TikTok, ứng dụng chia sẻ video lan truyền có hoạt động tại Hoa Kỳ hiện đang trải qua một đợt duyệt xét an ninh. Không có bằng chứng công khai nào cho thấy Bắc Kinh đã sử dụng quyền hạn rộng rãi của mình đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc để điều hướng nội dung trên ứng dụng này hoặc khởi động các hoạt động gây ảnh hưởng do chính phủ phê chuẩn, nhưng có niềm tin rằng Trung Quốc có thể làm như vậy đủ nhanh để không bị bắt hoặc dừng lại.
Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố năm ngoái, Trung Quốc ngày càng bị coi là không thiện cảm ở Mỹ, phần lớn Châu Âu, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng ở các quốc gia khác tại Châu Á cũng như ở phần lớn Châu Phi và Châu Mỹ Latin, có nhiều thái độ tích cực hơn đối với chính phủ Trung Quốc, thường được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư kinh tế và cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng và an ninh của Bắc Kinh.
Khảo sát Thanh niên Châu Phi năm ngoái, bao gồm 4.500 cuộc phỏng vấn của những người từ 18 đến 24 tuổi ở 15 quốc gia, cho thấy 76% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực ở đất nước họ. Về Mỹ, 72% cho biết họ tin rằng ảnh hưởng của Mỹ là tích cực.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh về Đài Loan, các chuyên gia tin rằng việc định hình thái độ và tuyên truyền toàn cầu sẽ là chìa khóa để đảm bảo hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho cả hai bên.
Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa ở Wisconsin, chủ tịch ủy ban mới lập tại quốc hội Mỹ chuyên về Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố sau chuyến thăm Đài Loan gần đây rằng các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc là một phần của chiến lược rộng lớn hơn về "chiến tranh nhận thức". Ông nói thêm rằng ủy ban sẽ "làm việc để phơi bày sự thật về mô hình xâm lược (của Đảng cộng sản Trung Quốc) chống lại Mỹ và những người bạn của chúng ta".
Trung tâm Tham gia Toàn cầu của Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm chống lại thông điệp của Trung Quốc bên ngoài cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phát biểu với điều kiện giấu tên theo các quy tắc cơ bản do Bộ đặt ra, một quan chức Bộ Ngoại giao hồi đáp về các mối lo ngại cho rằng Hoa Kỳ không trực tiếp chống lại nhiều đường tấn công từ Bắc Kinh :
"Đã có một quyết định được đưa ra rằng chúng tôi sẽ không nhắm dập tắt từng dòng tin cụ thể của Trung Quốc," quan chức này cho biết. "Thành thật mà nói, có quá nhiều thứ. Điều đó giống như cố gắng đặt ngón tay của bạn vào con đập để ngăn rò rỉ".
Thay vào đó, Bộ Ngoại giao cố gắng tài trợ cho các chương trình phơi bày sự thật và ý tưởng mà Trung Quốc muốn đàn áp. Trung tâm Tham gia Toàn cầu đã tài trợ cho nghiên cứu của bên thứ ba về cuộc đàn áp của Trung Quốc tại tỉnh Tân Cương đối với người Uyghur và các nhóm sắc tộc chủ yếu theo đạo Hồi khác. Bắc Kinh từ lâu đã cố gắng đóng khung các hoạt động của mình ở Tân Cương là chống khủng bố và chủ nghĩa cấp tiến trước sự chỉ trích của quốc tế về mạng lưới các trại tạm giam và những hạn chế đối với việc di chuyển và biểu hiện tôn giáo trong tỉnh.
Nhà nước cũng đã tài trợ cho các khóa đào tạo ký giả điều tra ở các quốc gia nhận đầu tư của Trung Quốc và một dự án theo dõi việc xây dựng đập của Trung Quốc dọc theo sông Mekong, nguồn cung cấp nước chính cho các quốc gia Đông Nam Á ở hạ lưu từ Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng sử dụng đầu tư trực tiếp như một công cụ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, mặc dù các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu một số chương trình được tài trợ có hiệu quả hay không.
Chẳng hạn, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ năm ngoái đã đề xuất sử dụng tiền từ quỹ hàng năm để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc để hỗ trợ các tiệm bánh ở Tunisia. Theo hai người khác quen thuộc với vấn đề này, các quan chức muốn mua phần mềm cho các chủ tiệm bánh để giúp họ xác định sản phẩm nào của họ có thị trường tốt nhất.
Trong một tuyên bố, USAID cho biết chương trình của Tunisia nhằm "tạo việc làm bền vững theo nhu cầu" và thúc đẩy phần mềm phương Tây thay vì các chương trình của Trung Quốc "có thể dễ dàng truy cập" nhưng "kém hiệu quả hơn".
Tuyên bố cho biết : "Chúng tôi biết rằng sự hỗ trợ dựa trên các khoản tài trợ của chúng tôi có thể còn tiến xa hơn nữa khi được kết hợp với các khoản đầu tư công và tư nhân, vượt xa các nguồn lực mà Công hòa Nhân dân Trung Hoa đã mang đến cho tới nay".
Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ ra những thách thức từ Trung Quốc
VOA, 08/03/2023
Chỉ huy Lục quân của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gần đây đưa ra quan điểm cơ bản về những thách thức do việc Trung Quốc tăng cường quân sự trong khu vực, chỉ ra tình trạng thiếu đạn dược là một trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ nên củng cố để ngăn chặn hiệu quả sự xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc.
Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth xem phiên bản mới nhất của xe tăng M1A2 Abrams tại Trung tâm Sản xuất Hệ thống Chung ở Lima, Ohio, ngày 16/2/2023.
"Tôi đã theo dõi các lực lượng trên bộ và PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân] kể từ năm 2014," Tướng Tư lệnh Charles A. Flynn của Lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói với cử tọa ở Washington vào tuần trước. Ông đang trong một kỳ nghỉ hiếm hoi ngoài Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi ông bắt đầu với tư cách là Tư lệnh của Sư đoàn Bộ binh 25 đóng tại Hawaii.
Ngồi bên cạnh Bộ trưởng Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth, tướng Flynn mô tả lực lượng quân sự của Trung Quốc là khác thường và "đang đi theo quỹ đạo lịch sử", lưu ý rằng "họ đang diễn tập, thực hành, thử nghiệm và họ đang chuẩn bị những lực lượng này cho một điều gì đó".
Ông chia sẻ với cử tọa tập trung tại Viện Doanh nghiệp Mỹ về việc tăng cường đều đặn sự hiện diện và năng lực của quân đội Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ năm 2014 đến nay, nêu bật việc tái tổ chức lực lượng kết hợp với hiện đại hóa mà Trung Quốc đã tiến hành vào năm 2015, và việc thành lập cơ cấu mới các bộ chỉ huy quân khu xảy ra sau đó.
Ông Flynn nói rằng vào năm 2018, Trung Quốc đã xây dựng và trang bị vũ khí cho các đảo nhân tạo ở Biển Đông đồng thời tăng cường các hoạt động chung. Ngày nay, ông quan sát thấy sự gia tăng đáng kể "khối lượng hoạt động mà họ đang thực hiện với tất cả các dịch vụ của mình, từ lực lượng phi đạn đến lực lượng hỗ trợ chiến lược, đến không gian, mạng, đất liền và biển".
Ông cảnh báo : "Nếu họ không giảm tốc độ, đó là một quỹ đạo nguy hiểm mà họ đang đi".
Ông Flynn lưu ý ba lợi thế mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ so với Hoa Kỳ.
"Họ đang vận hành cái được gọi là đường bên trong. Họ ở ngay bên cạnh mục tiêu chính của họ. Và đừng nghi ngờ gì về điều đó – giải thưởng là Đài Loan và đất đai".
"Điều thứ hai họ có là, họ có khối lượng," [có nghĩa là., các con số], ông tiếp tục.
"Và sau đó, tất nhiên, họ có nhiều vũ khí đạn dược". "Họ có rất nhiều đạn dược, rất nhiều mũi tên trong ống tên của họ," ông Flynn giải thích.
Vấn đề có nhiều vũ khí đạn dược là "một vấn đề thực sự," bà Wormuth nói, đồng thời nói với cử tọa rằng Mỹ cần điều chỉnh lại chiến lược của mình đối với việc cung cấp vũ khí.
Bà Wormuth chỉ ra : "Mọi thứ chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải tăng cường sản xuất," đặc biệt là khi xem xét khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài.
Bà cảnh báo mô hình chuỗi cung ứng thời bình hiện tại của Hoa Kỳ không đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời chia sẻ với cử tọa rằng Quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện các bước để tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực này.
Bà nói : "Chúng tôi đang làm rất nhiều việc trong Lục quân để tăng cường cơ sở công nghiệp hữu cơ của riêng mình và hợp tác rất chặt chẽ với ngành công nghiệp để thấy họ phát triển cơ sở công nghiệp của họ".
Người đứng đầu Lục quân thừa nhận rằng "công tác hậu cần sẽ rất khó khăn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra xung đột," và cho biết Lục quân đang tập trung vào lĩnh vực chuẩn bị sẵn sàng này.
Lục quân đang tạo ra cái mà ông Flynn gọi là "đường nội bộ chung" để củng cố và ngăn chặn trước bối cảnh quân đội Trung Quốc đang mở rộng quy mô ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong số những dấu ấn đáng kể mà Trung Quốc đã tích lũy trong khu vực có 12 sân bay thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây của Trung Quốc, "hầu hết chúng [có] kích thước bằng sân bay Dulles," ông Flynn chỉ ra, ám chỉ sân bay quốc tế khổng lồ nằm ngay bên ngoài Washington.
Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây, một trong năm bộ tư lệnh quân sự được thành lập dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thực thi quyền tài phán hoạt động đối với các biên giới của Trung Quốc với Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Myanmar.
Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng đã điều động hai quân đoàn đến bố trí dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế, biên giới thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, xây dựng các sân bay trực thăng và các địa điểm phi đạn đất đối không, và "bóp nghẹt nước ngọt ở sông Mekong," ông Flynn cảnh báo.
Các nhà nghiên cứu và các nhà điều tra mô tả các con đập do Trung Quốc xây dựng ở các vị trí thượng nguồn trong lãnh thổ của họ là lần lượt lấy đi sinh kế và tạo thành một chốt chặn chiến lược đối với các quốc gia và cộng đồng tại hạ lưu ở Đông Nam Á.
Các đường dây liên lạc "cắt ngang qua Myanmar và Pakistan để tiếp cận Biển Ottoman" là một diễn biến đáng lo ngại khác, ông Flynn lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng 1,2 triệu người tị nạn Rohingya ở Bangladesh cũng đặt ra một thách thức tiềm ẩn. "Và đó chỉ là một mình Nam Á".
Trong khi Đông Nam Á đi theo một chiều hướng tích cực, theo ông Flynn, về mặt quan hệ với Hoa Kỳ, Châu Đại Dương, ông nói, hiện đang "bị áp lực". Ở đó, Trung Quốc đã có những bước tiến lớn bằng cách thỏa hiệp với giới tinh hoa địa phương, ông Flynn nói.
"Tiền tệ của họ là tham nhũng". Cuối cùng, Trung Quốc tìm cách giành được "quyền tiếp cận địa hình," ông nhấn mạnh.
Ông Flynn đã xác định một số tính năng trên địa hình hoặc về địa hình mà Trung Quốc tìm cách tiếp cận : xương sống công nghệ thông tin, lưới điện, nhà kho, bến tàu, sân bay và cảng.
Ông Flynn nêu tên Kiribati, Quần đảo Solomon, Papua New Guinea, là những nơi mà ảnh hưởng của Trung Quốc đặt ra một thách thức đặc biệt.
Nhìn quanh khu vực, ông chỉ ra những khu vực khác mà căng thẳng đã gia tăng. "Tất nhiên là hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và xung quanh Đài Loan," ông nói.
"Tôi không thể đi vào chi tiết ở đây về những gì đang xảy ra trên bộ, nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng Quân đội PLA, Lực lượng Phi đạn PLA và Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược đang ở những vị trí nguy hiểm," ông Flynn cảnh báo cử tọa ở Washington.
Ông cũng gợi ý về một vai trò độc đáo mà Lục quân có thể thực hiện để chống lại chiến lược của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan.
Ông lưu ý : "Kho vũ khí chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực A2AD mà Trung Quốc thiết kế chủ yếu được thiết kế để đánh bại các khả năng trên không và trên biển. Ông tiếp tục : "Thứ hai, nó được thiết kế để làm suy giảm, phá vỡ và từ chối không gian và mạng.
Trung Quốc được cho là sử dụng chiến lược A2AD [chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực] liên quan đến Đài Loan nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ và các lực lượng thân thiện khác ra khỏi chiến trường đó trong một cuộc xâm lược tiềm tàng.
Một điểm khác mà ông nhấn mạnh là Hoa Kỳ không muốn tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc.
"Mục tiêu của chúng tôi là không có chiến tranh. Nhưng chúng ta phải ở trong một vị trí và sẵn sàng với các lực lượng chiến đấu đáng tin cậy để ngăn chặn điều đó xảy ra," ông Flynn nói. Nếu sự răn đe "thất bại, thì ít nhất chúng ta cũng có thể tận dụng lợi thế [cùng với] với lực lượng chung, để đạt được các mục tiêu quốc gia do Cơ quan Chỉ huy Quốc gia và Tổng thống thiết lập".
Bà Wormuth lưu ý rằng Hoa Kỳ cũng đang chú ý đến các kịch bản xung đột tiềm tàng với Trung Quốc bên ngoài Eo biển Đài Loan. Bà lưu ý, xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng đột biến, hành vi hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông hoặc xung quanh quần đảo Senkaku, một điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, là một trong những kịch bản đó.
****************************
Trung Quốc ‘rất quan ngại’ về kế hoạch ‘quá cảnh’ của Tổng thống Đài Loan giữa lúc có tin bà đi Mỹ
Reuters, VOA, 08/03/2023
Trung Quốc nói hôm 8/3 rằng họ "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch "quá cảnh" của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và yêu cầu Washington làm rõ, trong bối cảnh có tin bà sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tại Hoa Kỳ, theo Reuters.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ông McCarthy có kế hoạch gặp bà Thái ở Hoa Kỳ trong những tuần tới, hai nguồn tin nói với Reuters hôm 6/3. Điều đó có thể thay thế cho chuyến công du được mong đợi nhưng đầy nhạy cảm của Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa tới Đài Loan, hòn đảo dân chủ bị Trung Quốc tuyên bố là họ có chủ quyền.
Ông McCarthy hôm 7/3 xác nhận kế hoạch gặp bà Thái Anh Văn tại Hoa Kỳ trong năm nay và nhấn mạnh điều này không ngăn cản chuyến thăm Đài Loan sau này của ông, hãng Bloomberg đưa tin.
Các tổng thống Đài Loan, bao gồm cả bà Thái Anh Văn, từng quá cảnh Hoa Kỳ, thường là trong một hoặc hai ngày, khi họ trên đường đến các quốc gia khác, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ thường tránh gặp các quan chức cấp cao của Đài Loan ở thủ đô Washington.
Văn phòng tổng thống Đài Loan, trong một tuyên bố ngắn gọn trả lời cho các câu hỏi của giới truyền thông về các chuyến thăm nước ngoài của bà Thái, cho biết "các dàn xếp về việc quá cảnh" đã được thực hiện trong nhiều năm, mặc dù tuyên bố không đề cập trực tiếp đến Hoa Kỳ.
"Hiện tại, các bộ phận khác nhau đang liên lạc và chuẩn bị cho các kế hoạch liên quan, và việc lập kế hoạch cho hành trình liên quan sẽ được giải thích kịp thời sau khi kế hoạch được hoàn thành", tuyên bố cho biết thêm nhưng không giải thích chi tiết.
Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết họ "quan ngại sâu sắc về tin tức này".
Bà Mao nói thêm : "Chúng tôi đã gửi công hàm nghiêm túc tới phía Hoa Kỳ và yêu cầu họ làm rõ".
Bà nói Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời nói thêm : "Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".
Vẫn bà Mao nói tiếp : "Mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan chính là lực lượng ly khai đòi Đài Loan độc lập".
Trung Quốc từ chối lời kêu gọi đàm phán của bà Thái kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016, tin rằng bà là một người theo tư tưởng ly khai.
Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Chính phủ Đài Loan nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị hòn đảo này và vì vậy không có quyền nêu ra yêu sách chủ quyền đối với họ, và chỉ có chính 23 triệu dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Chủ tịch Tập Cận Bình lên án phương Tây "trấn áp" Trung Quốc
Thùy Dương, RFI, 07/03/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong phiên họp Quốc hội ở Bắc Kinh, lên án việc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, "ngăn chặn" và "trấn áp" đất nước Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải đối phó với những thách thức chưa từng có.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) tham dự phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 05/03/2023. Reuters – Thomas Peter
Tân Hoa Xã tối thứ Hai 06/03/2023 trích dẫn phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : "Môi trường bên ngoài của công cuộc phát triển của Trung Quốc đã có những thay đổi nhanh chóng. Các yếu tố bấp bênh và không thể lường trước đã tăng mạnh", "các nước phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đã triển khai chính sách ngăn chặn, bao vây và trấn áp nhắm vào Trung Quốc, điều này đã gây ra những thách thức chưa từng có đối với sự phát triển" của Trung Quốc.
Cũng theo ông Tập Cận Bình, 5 năm qua được đánh dấu bằng hàng loạt trở ngại mới, đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
AFP nhắc lại, các chủ đề căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã gia tăng trong những năm gần đây, chẳng hạn về hồ sơ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, sự mất cân bằng cán cân thương mại song phương, hồ sơ Đài Loan, sự thống trị trong các ngành công nghệ mũi nhọn, thiết bị bán dẫn, các cáo buộc gián điệp, những chuyến thăm của các nghị sĩ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tới Đài Loan … Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã thông qua nhiều biện pháp trừng phạt Kắc Kinh liên quan đến một số hồ sơ nói trên, và Bắc Kinh đã có nhiều biện pháp đáp trả.
Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ "xung đột và đối đầu"
Trong khi đó, vào hôm nay 07/03, tân ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương, đổ lỗi cho Mỹ về những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước. Theo Reuters, phát biểu với các nhà báo bên lề phiên họp Quốc hội, ông Tần Cương, cảnh báo về nguy cơ "xung đột và đối đầu" nếu Washington không điều chỉnh chính sách. Theo lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc, thay vì cạnh tranh, Washington đã trấn áp và phong tỏa Trung Quốc, và đây là một trò "đánh cược đầy rủi ro" của Mỹ, có thể gây tổn hại cho những lợi ích cơ bản của nhân dân Trung Quốc và Mỹ, thậm chí là tương lai của nhân loại.
Liên quan đến chiến tranh Ukraine, ngoại trưởng Tần Cương cho rằng đang có một "bàn tay vô hình" – hàm ý nói Hoa Kỳ - sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để phục vụ cho mục đích địa chính trị.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ định gặp Tổng thống Đài Loan tại Mỹ
Reuters, VOA, 07/03/2023
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy có kế hoạch gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Hoa Kỳ trong những tuần tới, hai nguồn tin nói với Reuters ngày 6/3, một động thái có thể thay thế chuyến đi dự kiến nhưng nhạy cảm của ông McCarthy tới Đài Loan, hòn đảo được quản lý một cách dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy.
Các nguồn tin giấu tên cho biết bà Thái đã được mời phát biểu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan trong thời gian quá cảnh qua California trong chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Trung Mỹ và ông McCarthy có thể sẽ gặp bà ở Hoa Kỳ.
Một trong những nguồn tin cho biết nếu cuộc họp tại Hoa Kỳ diễn ra - có thể là vào tháng 4 - thì không nhất thiết loại trừ khả năng ông McCarthy sẽ đến thăm Đài Loan trong tương lai.
Văn phòng của ông McCarthy không trả lời ngay các câu hỏi của Reuters về vấn đề này, bao gồm cả việc liệu cuộc họp theo kế hoạch có phải là một nỗ lực nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc hay không. Bắc Kinh từng tức giận về chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Financial Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về kế hoạch gặp mặt ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn của CNBC vào sáng ngày 6/3, ông McCarthy từ chối trả lời liệu ông có đến thăm Đài Loan hay không, nói rằng ông sẽ thông báo bất kỳ kế hoạch du hành nào khi có.
Bốn nguồn tin khác - bao gồm các quan chức Hoa Kỳ và những người hiểu biết về suy nghĩ của chính quyền Hoa Kỳ và Đài Loan - cho biết cả hai bên đều vô cùng lo lắng rằng chuyến thăm trong tương lai của ông McCarthy sẽ làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng trên Eo biển Đài Loan vào thời điểm hòn đảo này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm tới.
Thư viện Reagan và Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Tòa đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington cho biết họ "không có thông tin để chia sẻ" khi được hỏi về cuộc gặp.
"Nói chung, việc sắp xếp cho các chuyến thăm của Tổng thống Thái Anh Văn tới các đồng minh ngoại giao của Đài Loan và quá cảnh qua Hoa Kỳ được thực hiện theo thông lệ," tòa đại sứ nói với Reuters.
Trung Quốc coi việc giao tiếp giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng các tổng thống Đài Loan, bao gồm cả bà Thái Anh Văn, từng đi qua Hoa Kỳ trên đường đến các nước khác, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ thường tránh gặp các quan chức cấp cao của Đài Loan ở Washington.
Giống như hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên, theo luật Mỹ, Washington phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.
Washington lâu nay có chính sách "mơ hồ chiến lược", nghĩa là không nói rõ liệu có đáp trả bằng quân sự trước một cuộc tấn công vào Đài Loan hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cho biết vào tháng 9 năm ngoái rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược. Đây là tuyên bố rõ ràng nhất của ông về vấn đề này.