Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vừa xóa tên hai luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng ra khỏi danh sách đoàn luật sư của thành phố này vì hai ông "không đóng phí thành viên". Hai luật sư cho VOA biết rằng động thái xóa tên này nhằm "hạ uy tín" của hai ông dù họ đã rời Việt Nam và đang tị nạn chính trị lại Hoa Kỳ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Văn Miếng trong một buổi trả lời phỏng vấn VOA qua Skype.
Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh loại tên luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng ra khỏi danh sách thành viên hôm 5/4 "vì đã nợ phí thành viên liên tục nhiều năm", Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh loan tin hôm 10/4.
Theo thông cáo ngày 22/2/2024 của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm cùng ngày, có tổng cộng có 494 luật sư còn nợ phí thành viên, bao gồm cả ông Đặng Đình Mạnh nợ 5,1 triệu đồng, và ông Nguyễn Văn Miếng nợ 6,3 triệu đồng.
Theo quan sát của VOA, trong danh sách 494 người này, có nhiều luật sư còn nợ tiền đoàn phí nhiều hơn cả ông Mạnh và ông Miếng.
Trước khi sang Mỹ tị nạn chính trị hồi tháng 6/2023, hai ông bị chính quyền Long An triệu tập, do bị cáo buộc phát tán nội dung xâm phạm lợi ích nhà nước và cá nhân khác, có thể vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Vụ việc này xảy ra sau khi hai ông tham gia nhóm luật sư bào chữa cho các thành viên của Thiền Am Bên bờ Vũ trụ, những người đã bị kết án vào năm 2022 với mức tổng cộng 23 năm 6 tháng tù giam cũng với tội danh "lợi dụng các quyề tự do dân chủ".
Các luật sư tham gia bào chữa vụ án Tịnh thất Bồng Lai – Bắc Bình
Các luật sư cho VOA biết rằng việc xóa tên thành viên trong các đoàn luật sư ở Việt Nam rất hiếm xảy ra và việc xóa tên vì "nợ phí thành viên" lại càng hy hữu hơn do việc nợ phí là phổ biến.
"Tôi không bất ngờ gì về việc đoàn luật sư quyết định xóa tên tôi trong danh biểu. Điều còn lại khá khôi hài khi lý do xóa tên được nêu ra lại liên quan đến ‘đoàn phí’ mà thôi", luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ quan điểm với VOA.
"Tôi hoàn toàn có lý do để phỏng đoán rằng việc xóa tên luật sư là động thái trả đũa của chính quyền nhắm người bảo vệ nhân quyền, hạ uy tín người lên tiếng vì công lý dù tôi không còn ở Việt Nam nữa", vẫn lời ông Mạnh.
"Tôi cho rằng đây là những hành vi trả đũa những luật sư nhân quyền. Khi chúng tôi bị công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An truy tìm và hiện giờ đã tị nạn ở nước ngoài thì Đoàn Luật sư đã xóa tư cách thành viên của chúng tôi với lý do đơn giản nhất là ‘thiếu phí thành viên’", luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với VOA hôm 15/4.
"Việc thiếu phí thành viên chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều lần, nhưng tôi chưa từng thấy luật sư nào bị xóa tư cách thành viên vì không đóng đoàn phí. Rất là hy hữu khi họ sử dụng biện pháp này để xóa tên".
Trụ sở Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa
VOA đã liên lạc Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị họ đưa ra ý kiến vì sao chỉ có hai luật sư trong số 494 vị bị xóa tên và đoàn có phản hồi gì đối với các phát biểu trên của hai ông, nhưng chưa được trả lời.
Ông Mạnh nói thêm rằng hồi tháng 11/2023, ông đã gởi văn bản đến đoàn luật sư để đề nghị xóa tên ông trong danh biểu của đoàn vì ông cho rằng Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh "đã không thực hiện chức năng, trách nhiệm của mình là bảo vệ thành viên và bảo vệ hoạt động nghề nghiệp luật sư khi bị xâm phạm".
Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một tổ chức nghề nghiệp chịu sự chi phối và quản lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam.
"Hoàn cảnh tỵ nạn chính trị hiện nay cũng đã giúp tôi không còn bị ràng buộc gì đối với điều 4 Hiến pháp về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với đất nước và với nghề nghiệp luật sư. Cho nên, không phù hợp nếu tôi còn duy trì tư cách thành viên của đoàn luật sư", luật sư Mạnh bày tỏ.
VOA, 16/04/2024
Luật sư Võ An Đôn, sau sáu năm bị tước thẻ luật sư do bào chữa miễn phí người nghèo trong các vụ án nhạy cảm như "người dân chết trong đồn công an", đã đến Mỹ định cư theo diện tị nạn hồi tháng 10/2023 cùng gia đình.
Luật sư Võ An Đôn - RFA
Vào ngày 5/3/2024 ông đã dành cho RFA một cuộc trò chuyện, chia sẻ về chuyện hành nghề luật sư ở Việt Nam, chuyện ông đã bị chính quyền trả thù như thế nào đến mức phải quyết định ra đi.
Bảo vệ miễn phí cho dân nghèo
Cao Nguyên : Xin chào luật sư Võ An Đôn, trước khi sang Mỹ, ông nổi tiếng với các vụ án bảo vệ miễn phí cho người nghèo. Những cái vụ án nào mà ông cho là đáng nhớ trong khoảng thời gian mà ông còn hành nghề luật sư ở Việt Nam ?
Võ An Đôn : Trước kia, khi còn hành nghề luật sư thì mình đã tham gia rất là nhiều vụ án miễn phí cho người dân, khoảng hơn 200 vụ án hình sự, nhưng đáng nhớ nhất là những vụ liên quan tới chính quyền và rất là nhạy cảm mà công chúng quan tâm ấy.
Ví dụ như khi còn làm luật sư thì mình đã tham gia ba vụ công an đánh chết dân ở ba tỉnh khác nhau là ở Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngoài ra còn có bào chữa những vụ án của các tù nhân lương tâm.
Cao Nguyên : Thế thì ông có thể nói rõ hơn về ba cái vụ án công an đánh chết dân trong đồn không ?
Võ An Đôn : Vụ thứ nhất là bị hại Ngô Thanh Kiều ở tỉnh Phú Yên, khi ra tòa khoảng năm 2014. Vụ thứ hai là công an xã Vạn Ninh đánh chết em bé học lớp 9 ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vụ thứ ba là một anh ở tỉnh Ninh Thuận, thành phố Phan Rang Tháp Chàm.
Tổng cộng truy tố khoảng 13 sĩ quan công an với khoảng hơn 50 năm tù. Hiện giờ, mình đã nghỉ luật sư sáu năm rồi nhưng vẫn còn một số công an Ninh Thuận đang còn ở tù.
Vụ án anh Ngô Thanh Kiều thì bên công an nói nghi ngờ anh tham gia vụ trộm cắp, rồi bắt giữ đánh chết. Mình giúp làm đơn tố cáo gửi cho các cơ quan trung ương và địa phương ở tỉnh Phú Yên và ở Hà Nội. Sau đó thì được Chủ tịch nước chỉ đạo giải quyết cái vụ này.
Cao Nguyên : Cơ duyên nào khiến ông biết được gia đình của anh Kiều để có thể bảo vệ pháp lý cho họ ?
Võ An Đôn : Gia đình mình và gia đình anh Kiều ở gần nhau. Khi xảy ra sự việc thì người nhà có tới nhờ và sau đó mình nhận làm.
Cao Nguyên : Ông đánh giá như thế nào về tình trạng tra tấn cũng như là người dân chết trong đồn công an ?
Võ An Đôn : Trước đây, tình trạng người dân chết trong tù rất là nhiều, công an họ tra tấn khủng khiếp lắm, khi chết thì họ nói là tự tử chết nhưng mà vô đó làm sao tự tử được.
Họ đánh đập rất nhiều trong giai đoạn đầu, đặc biệt là những vụ án hình sự. Ví dụ ngay đêm đầu bị bắt thì bị đánh dã man, đa số có chết hay không là trong thời gian đó. Nhưng sau này những vụ chết trong tù bị đưa ra tòa rồi công luận nữa thì nó giảm bớt nhưng mà tình trạng đó vẫn còn.
Bị đàn áp
Cao Nguyên : Khi tham gia những vụ án như vậy thì ông phải chịu những cái áp lực gì ?
Võ An Đôn : Mình vẫn biết là khi tham gia vào những vụ này thì rất là khó khăn cho việc hành nghề và cả tính mạng của mình, nhưng nếu mình không tham gia, mình sợ thì cái lương tâm mình cắn rứt. Dù biết trước điều đó nhưng mình vẫn tham gia, mình chấp nhận tất cả.
Cao Nguyên : Theo như báo chí trong nước thì từ sau khi tham gia vụ án Nguyễn Thanh Kiều vào khoảng năm 2015, ông bị Đoàn luật sư Phú Yên đề nghị xóa tên ra khỏi đoàn luật sư tỉnh này. Sự việc đó diễn ra như thế nào ?
Võ An Đôn : Khi vụ án của anh Kiều đưa ra sơ thẩm tại tòa án thành phố Tuy Hòa thì tòa xử mức án các bị cáo là công an rất là nhẹ, trong đó bỏ lọt người phạm tội là ông Thượng tá Công an thành phố Tuy Hòa thì tôi đã đề nghị tăng hình phạt cũng như khởi tố người đứng đầu Công an Thành phố Tuy Hòa đó.
Sau đó vài ngày sau thì liên ngành công an, viện kiểm sát, tòa án cho ra văn bản đề nghị tước quyền hành nghề luật sư của tôi nhưng do dư luận trong và ngoài nước lúc đó ủng hộ tôi và lên án việc ra quyết định tước giấy phép hành nghề của tôi cho nên việc tước đó không được. Cho đến khi 2017, họ thực hiện lần thứ hai thì mới được tước vĩnh viễn việc hành nghề của tôi.
Cao Nguyên : Như vậy thì phải hiểu là những người công an đánh chết dân vẫn có thể bị truy tố nhưng, mặt khác, những luật sư bảo vệ người dân, dám lên tiếng tố cáo công an vẫn có thể bị trả thù phải không ?
Võ An Đôn : Đúng vậy, nếu mình không lên tiếng thì cái vụ án đó có thể không bị khởi tố. Người ta ghét mình bởi vì mình đi khiếu kiện, viết đơn tố cáo rồi cho dư luận biết cho nên những sĩ quan công an đó mới bị ra tòa. Nếu không có mình thì vụ việc đó sẽ im đi, không bị khởi tố.
Cao Nguyên : Cuộc sống của anh như thế nào sau khi bị tước thẻ luật sư ?
Võ An Đôn : Sau khi bị tước thẻ luật sư thì mình trở về làm nông giống như mọi người nông dân ở Việt Nam. Mình muốn ở lại Việt Nam để đỡ giúp người dân, dùng kiến thức mình để giúp người dân. Dù mình tư vấn và hoàn toàn miễn phí nhưng không ai dám tới hết.
Mình thấy ở lại Việt Nam tới nay là sáu năm nhưng cái việc mình ở lại để giúp người dân là không có đạt kết quả. Thứ hai là mình đi đâu cũng bị theo dõi nghe lén, mọi người thân, bạn bè, họ hàng không ai dám tới thăm. Con cái càng ngày càng lớn không làm gì có tiền, cho nên mình quyết định bỏ nước ra đi chứ thật sự là trong lòng không muốn.
Tới Mỹ tị nạn
Cao Nguyên : Ông có thể nói về quá trình mình đã xin tị nạn ở Hoa Kỳ như thế nào không ?
Võ An Đôn : Sau khi bị tước quyền hành nghề luật sư thì mình muốn ở lại để phục vụ người dân như mình đã trình bày, nhưng thời gian đã kéo dài 5-6 năm mà không có tác dụng gì hết.
Mình muốn hi sinh, mình muốn phục vụ người dân thì người dân không dám tới cho nên mình quyết định xin tị nạn ở Hoa Kỳ để cho gia đình qua đó sinh sống và tiếp tục hoạt động cho Việt Nam.
Riêng bản thân mình, mình làm cái đơn xin tị nạn sau đó gửi qua mail cho Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Sài Gòn. Sau đó vài ngày thì có anh nhân viên sứ quán gọi điện cho mình hỏi là có phải đúng mình hay không, rồi anh ấy hỏi có làm đơn xin tị nạn không thì mình nói có.
Sau đó Lãnh sự quán mời mình lên phỏng vấn, hỏi lý do sao tị nạn, rồi sau đó một lần nữa họ yêu cầu cả gia đình vô, đem giấy khai sinh với giấy kết hôn vô rồi cho đi khám sức khỏe và cho đi định cư. Khoảng thời gian đó kéo dài khoảng một năm.
Cao Nguyên : Ông đã một lần bị chặn xuất cảnh ngay tại sân bay, trong suốt một năm sau đó cho tới khi ông được đi trở lại thì cuộc sống của gia đình anh như thế nào ?
Võ An Đôn : Thật sự trước đó thì không bao giờ trong đầu mình nghĩ là mình bị cấm xuất cảnh. Khi bước chân đến sân bay và sau khi làm xong thủ tục, hành lý chuyển lên máy bay hết rồi, vợ con bước qua cổng an ninh đi trước, còn mình thì đi sau. Bất thình lình anh công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất hỏi "anh có phải Võ An Đôn hay không", mình nói phải thì liền bị mời vô phòng an ninh sân bay làm việc, rồi sau đó họ ra quyết định là mình bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia.
Hồi đó bất ngờ quá, cả gia đình mình không đi được nên phải về lại nơi cư ngụ cũ. May mắn là nhà mình ở nông thôn, không có giá trị cho lắm nên vẫn còn nguyên căn nhà, vẫn còn đất nên trở về cuộc sống bình thường, hơi khó khăn đấy nhưng mà bình thường.
Nhưng mục đích của điều luật vì lý do an ninh quốc gia này thì rất là tàn ác, nó được dùng để trả thù những người đấu tranh, gây ra sự bất ngờ, thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với những người bị cấm xuất cảnh như mình.
Cao Nguyên : Có bao giờ ông từng hối hận vì những việc mình đã làm ? Nếu không tham gia đấu tranh bảo vệ người nghèo thì anh vẫn là một luật sư sống ổn định tại Việt Nam.
Võ An Đôn : Không. Tôi rất là vui và hạnh phúc khi làm những việcụ đó. Bởi vì, mình dùng kiến thức của mình để phục vụ người dân. Mình muốn xã hội thay đổi tốt đẹp cho người dân thì rất là ý nghĩa chứ mình không có bao giờ nói rằng cái việc đó là mình không muốn.
Cao Nguyên : Vậy thì dự định sắp tới của anh là gì ?
Võ An Đôn : Mình mong muốn nhất trong lòng mà trước khi qua Mỹ cũng như ở đây là muốn tiếp tục hành nghề luật sư để giúp người dân trong nước, đặc biệt là mình muốn thành lập Đoàn luật sư Việt Nam ở hải ngoại, quy tụ những luật sư đang tị nạn đây và tiếp tục làm công việc luật sư. Ví dụ như là tư vấn pháp luật và soạn thảo đơn thư, cũng như lên tiếng về những bất công trong xã hội Việt Nam qua hệ thống mạng mạng xã hội.
Cao Nguyên : Một lần nữa cảm ơn luật sư đã dành thời gian cho RFA. Chúc cho những dự định của ông sẽ sớm được thực hiện.
Cao Nguyên thực hiện
Nguồn : RFA, 07/03/2024
Mới đây, vợ của một người luật sư nhân quyền tại Trung Quốc đã đi bộ trên con đường dài 100 km đòi câu trả lời về việc chồng bà bị mất tích. Sự kiện này lại dấy lên mối quan tâm về câu chuyện nhân quyền, và thảm trạng của cả những người bảo vệ nhân quyền ở các nước độc tài.
Vợ của luật sư nhân quyền Wang Quanzhang, đang bị giam giữ và Lin Ermin, vợ của nhà hoạt động nhân quyền Zhai Yanmin, người đã bị kết án 3 năm tù vào tháng 8 năm 2016, ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 4 năm 2018. Li đang đi bộ 100 km từ Bắc kinh đến Thiên Tân, nơi cô tin rằng chồng cô đang bị giam giữ, đòi hỏi những câu trả lời về số phận của ông. Greg Baker / AFP
Bằng cuộc tuần hành dài 100 cây số, người vợ của một luật sư nhân quyền ở Trung Quốc muốn cậy nhờ thế giới trong và ngoài nước quan tâm đến tình trạng của chống bà, mà hiện nay, bà nói rằng không biết được ông còn sống hay đã chết trong tay nhà cầm quyền.
Luật sư Wang Quanzhang (Vương Toàn Chương) là người đã bào chữa cho các nhà hoạt động chính trị và nạn nhân của vụ cưỡng chiếm đất đai. Đột ngột vào năm 2015, ông Wang biến mất và hoàn toàn không còn thể liên lạc được nữa, từ khi có cuộc càn quét của công an Trung nhắm vào những người đã lên tiếng chỉ trích về hệ thống tòa án của các nhà nước cộng sản.
Và bằng một các buộc tương tự như điều 79 hay 88 của Việt Nam, luật sư Wang bị buộc tội "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân". Việc giam giữ này cũng không cho bất kỳ sự thăm viếng nào từ bên ngoài, kể cả luật sư hay người đại diện pháp lý.
"Chắc phải có cái gì đó khủng khiếp lắm đã xảy ra với chồng tôi trong tù, và đó là lý do tại sao các nhà chức trách không muốn bất cứ ai tìm hiểu", bà Li Wenzu (Lý Văn Túc), vợ của luật sư Wang Quanzhang kể với phóng viên của hãng AFP như vậy.
"Đã hơn 1.000 ngày, tôi không biết là anh ấy còn sống hay đã chết rồi", bà Lin Wenzu nói.
Bà Li cùng một nhóm nhỏ các người ủng hộ bà đã lên đường đi từ Bắc Kinh đến 'Trung tâm giam giữ số 2' ở thành phố đông bắc Thiên Tân, nơi các quan chức cuối cùng cũng xác nhận rằng luật sư Wang đang bị giam giữ ở nơi này.
Bất chấp cơn bão tuyết đang ập vào vùng đất lạnh giá này, người vợ của luật sư Wang quyết tâm phải đến được Thiên Tân để đòi hỏi quyền được biết về sinh mạng của chồng bà, một người chỉ làm công việc bảo vệ người chịu nạn.
'Chúng tôi muốn gặp vị chánh án, ai đó trong hệ thống tòa án làm ơn nói với chúng tôi về trường hợp của Wang Quanzhang, nếu chồng tôi không phạm tội, họ phải thả chồng tôi ra' cô ấy nói.
Li mặc một chiếc áo len màu đen với khẩu hiệu 'Free Quanzhang' và một cái mũ thêu với những từ của bức thư cuối cùng Wang gửi cha mẹ của ông ta.
Không phải ông Wang không biết trước số phận của mình. Ông đã lo lắng về việc Nhà nước cộng sản Trung Quốc có thể trả thù ông. Nhưng ông từng nói với gia đình rằng việc chọn nghề luật sư nhân quyền không phải là sự chọn lựa liều lĩnh mà là bị thôi thúc từ tiếng gọi trong trái tim mình.
Trong gần ba năm, Bà Li đã gửi hàng chục lá đơn đòi tự do cho chồng bà đến các cơ quan Nhà nước và công an, nhưng chưa bao giờ được trả lời . Rồi bà cũng đã Văn phòng khiếu nại của Tòa án nhân dân tối cao ở Bắc Kinh mỗi tuần, mà chẳng có hồi âm gì.
Nhưng thay vì được giải đáp, bà Li lại bị công an điều tra theo dõi liên tục.
Bà Li chảy nước mắt, khi nói về việc con trai năm tuổi của bà sợ hãi các nhân viên an ninh nhà nước nay đã chuyển đến ở ngay căn hộ dưới nhà của họ.
"Những lời dối trá" của Cộng sản Trung Quốc
Trong một cuộc ruồng bố lớn nhất của Trung Quốc trong thời gian gần đây, bắt đầu từ ngày 9 tháng 7 năm 2015, đã có hơn 200 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã bị bắt giam hoặc bị thẩm vấn.
Mặc dù đa số đã được trả tiền bảo lãnh tại ngoại, nhưng một số luật sư nổi tiếng như Xie Yang và Li Heping đã bị công an Trung Quốc kết án với nhiều tội danh khác nhau và bị kết án lên đến 7 năm tù giam.
Trường hợp của luật sư Wang là bất thường vì việc tạm giam kéo dài mà không có ngày xét xử. Ông là người cuối cùng trong cái gọi là 'cuộc đàn áp 709' để vẫn còn trong tình trạng điều tra chưa kết thúc.
Khi hãng tin AFP thử gọi vào Trung tâm giam giữ số 2 Thiên Tân, một người trả lời điện thoại nói rằng : "Mấy người không nên hỏi về vấn đề này".
Frances Eve, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Chinese Human Rights Defenders (Người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc), cho biết cuộc vận động không mệt mỏi của các thành viên trong gia đình các luật sư bị giam giữ đã thu hút sự chú ý của quốc tế đến "những lời dối trá" của Trung Quốc về hệ thống pháp luật của nước này.
"Bà Li không nên bị buộc phải chờ đợi nhiều năm và đi bộ hàng dặm để nhận những thông tin đơn giản về tình trạng của chồng mình. Luật sư Wang Quanzhang nên được trả tự do và đoàn tụ với gia đình của ông ta", cô Eve nói.
Trung Quốc trong sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần cam kết thực thi 'luật pháp', nhưng các nhà phân tích nói rằng cuộc đàn áp đã cho thấy những giới hạn của lời hứa đó.
Các tòa án của đất nước này được kiểm soát chặt chẽ bởi đảng, với những lời ép buộc tội thường được sử dụng làm bằng chứng và phán quyết có tội với hơn 99,9 phần trăm các vụ án hình sự.
Luật sư nhân quyền, dù được Nhà nước cộng sản cho phép hành nghề như một biểu hiện của xã hội bình thường, nhưng thực chất là những người luôn bị công an và các hệ thống quản lý Nhà nước xem như là một loại tội phạm chính trị tiềm ẩn, và luôn có những kết cục nghiệt ngã.
Từ nhiều năm nay, luật sư nhân quyền luôn là đích ngắm của của các nước độc tài giả dân chủ. Nhưng từ năm 2015 đến nay, tình hình rộ lên những điều khiến giới luật sư Trung Quốc lo ngại như tình trạng luật sư Dư Văn Sinh bị bắt cóc trên đường đưa con đi học. Các luật sư như Giang Thiên Dũng, Lý Hòa Bình bị bắt và hành hạ tể xác trong tù do tội "kích động quần chúng". Thậm chí luật sư Hạ Lâm bị 12 năm tù, rút tên khỏi luật sư đoàn do chính quyền nói ông ta lừa tiền của khách hàng, mà không qua điều tra. Tất cả những người này đều đang đại diện hay bào chữa cho các vụ án về nhân quyền tại Trung Quốc.
Joanna Chu tổng hợp và chuyển ngữ từ AFP, BBC
Tuấn Khanh ghi lại
Nguồn : RFA, 08/04/2018
Phỏng vấn Luật sư Lê Công Định về hoạt động của giới luật sư
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanViet Media, 15/10/2017