Nhà nước không thể bóp méo sự thật về Đồng Tâm !
Thanh Trúc, RFA, 22/01/2020
Vụ Đồng Tâm xảy ra đã hơn chục ngày; thông tin về cuộc tấn công và cái chết của cụ Lê Đình Kình vẫn chỉ được loan theo một nguồn của Công an đưa ra. Những người trong cuộc và người chứng kiến trực tiếp không được phép lên tiếng.
Nhóm tố giác tội phạm đã đến Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội nộp đơn hôm 21/1/2020 - Photo : RFA
Một câu hỏi cho đến giờ phút này là đến bao giờ sự thật về Đồng Tâm, đặc biệt cái chết của cụ Lê Đình Kình, mới thôi bị bóp méo, làm sai lệch theo ý muốn của Nhà nước ?
Không có thông tin đáng tin cậy !
Nhiều người trong nước khi được hỏi về Đồng Tâm nói rằng họ chỉ biết vụ việc qua báo chí. Một số người khác thì cho hay họ không biết gì hết. Sau đây là một số ý kiến của người dân mà Đài Á Châu Tự Do thu thập được :
"Đồng Tâm chú không nghe nói, không biết bởi vì đi làm tối về mệt nên cũng ít khi tham khảo được những vấn đề bên ngoài".
"Những đối tượng ấy rất manh động, em hay đọc báo và em thấy những vụ ấy Nhà nước nên quản lý chặt chẽ hơn".
"Sự việc Đồng Tâm em thấy người dân kích động quá, Nhà nước phải có chính sách để người dân ở đấy đừng có tư tưởng bạo loạn như thế".
"Chỉ nghe trên Tivi rứa thôi, nghe rồi thấy rồi biết rứa thôi chứ mình không quan tâm".
"Nói chung quyền lực lúc nào cũng thắng, cũng đứng trên. Bởi vậy dân của mình chịu khổ nhiều. Chính trị bây giờ là xa dân, cũng có đọc báo vụ đó".
Dưới mắt tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói bưng bít là đúng bởi vì :
"Không có ai lọt được vào Đồng Tâm để đưa tin. Người từ Đồng Tâm cũng không được ra để đưa bất kể tin tức gì. Cho nên thực sự bên ngoài hầu như bị cách ly với Đồng Tâm. Chúng ta chỉ biết được thông tin qua các tuyên bố của chính công an, mà công an thì từ trước tới nay bao giờ cũng chỉ nói lấy được, họ nói cho họ mà thôi".
"Đáng tiếc còn nhiều người dân vẫn tin sái cổ VTV nói như thế chắc là đúng, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên đăng như thế chắc là đúng. Họ không để ý là tất cả những nguồn tin ấy đều lấy từ cái gọi là thông tin của Bộ Công an. Thực sự chỉ có một người phát ngôn duy nhất về vụ này là Bộ Công an mà thôi".
Giá trị tin thực và tin sai lệch !
Dù bị bưng bít một cách triệt để, một vài thông tin liên quan bị lọt ra ngoài và đối với những người quan tâm đến vụ việc như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đó là những tin tức giá trị để người tỉnh táo có thể nhận định về vụ việc :
"Có một vài thông tin rò rỉ mà thực sự có giá trị gấp ngàn lần những bài viết, những tuyên bố của báo Đảng cộng sản Việt Nam. Không một giây nào về đám tang cụ Kình lọt ra, nhưng có cái clip mấy phút một người phỏng vấn được bà vợ cụ Kình, đấy là nguồn thông tin vô giá. Và một hai clip rùng rợn về việc khâm liệm như thế nào. Những hình ảnh ấy gấp ngàn lần bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam"
Thực tế thì báo đảng cùng khắp trong nước đều có đưa tin về Đồng Tâm nhưng theo một ý khác, một hướng khác, là nhận xét của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người đã cùng vợ là chị Nguyễn Thúy Hạnh, ký tên vào Đơn tố giác tội phạm đề ngày 20 tháng 1 :
"Thật ra Nhà nước không bưng bít thông tin nhưng làm sai lệch thông tin theo hướng của nhà cầm quyền".
"Ngược lại với dòng tin Nhà nước là kênh thông tin trên mạng xã hội nói sự thực về những người giữ đất Đồng Tâm bị chính quyền cố tình cưỡng chế. Mạng xã hội đương nhiên ít người xem trừ những người có điều kiện vào mạng, còn luồng dư luận Nhà nước được người ta nghe nhiều hơn nên nhiều người không biết gì về Đồng Tâm cũng đúng. Người dân rất mơ hồ về chuyện đó" .
"Nhưng Luật pháp của chính Nhà nước cũng nói có án mạng là phải khởi tố vụ án, vì vậy tôi ký tên vào đơn tố giác và yêu cầu Viện Kiểm sát cũng như Công an Hà Nội phải khởi tố vụ án giết người" .
Tố giác tội phạm !
Sáng 21/1/2020, 5 trong số 12 người ký tên vào Đơn tố giác tội phạm đã đến Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Cơ quan Điều tra Công an thành phố Hà Nội, nộp đơn tố giác hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong vụ hàng nghìn công an, cảnh sát cơ động đột kích vào xã Đồng Tâm lúc giữa đêm về sáng 9/1 vừa qua mà hậu quả là cái chết thương tâm của cụ Lê Đình Kình cùng 22 người dân bị bắt giữ.
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, một trong những người tham gia ký tên vào Đơn tố giác tội phạm, cho biết :
"Có 5 người đi, tôi vì đau chân phải nằm nhà. Những người đi có tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà báo Nguyên Bình, chị Bích Phượng và 2 người nữa tôi không quen".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A xác nhận với RFA :
"Sáng nay chúng tôi đã đến Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để đưa một bản đơn tố giác tội phạm hình sự, cụ thể đây là tội giết cụ Lê Đình Kình, yêu cầu Công an Điều tra thành phố Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phải thực hiện đúng Luật, tức là phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự và điều tra về vụ giết cụ Kình này. Thực sự chúng tôi không chỉ 12, 13 người ký mà trên mấy chục người đã bàn bạc với nhau mấy hôm nay. Cuối cùng có 12 người cùng ăn với nhau một buổi ăn tất niên tối hôm qua thì cùng ký".
Nội dung Đơn tố giác tội phạm ngày 21/1/cho rằng :
"Qua Thông tin của Bộ Công an và các video clip trên mạng thì các sự thật được phát hiện ông Lê Đình Kình, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã bị giết sáng sớm ngày 9/1/2020. Thứ hai, ông Kình chết vì bị bắn từ cự ly gần vào tim, vào đầu, bị đánh trật khớp đầu gối. Thứ ba, xác ông Kình đã bị mổ và được trao lại cho gia đình để mai táng".
Từ các sự thực trên, đơn viết tiếp là đã xảy ra sự phạm tội giết ông Lê Đình Kình, đề nghị các Quý cơ quan nhận đơn tố giác này theo Điều 145 và tiến hành theo đúng quy trình của Luật từ Điều 145 đến 150 và khởi tối vụ án hình sự.
Nói sự thật là trách nhiệm của những người có thẩm quyền, là khẳng định tiếp của tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào khi vụ việc Đồng Tâm chưa ngã ngũ và dư luận cả trong lẫn ngoài đều chú ý theo dõi :
"Theo Luật thì công dân khi phát hiện có vi phạm pháp luật thì có quyền tố cáo theo Điều 144 Bộ Luật Tố tụng Hình sự . Đây thực sự là tội phạm giết người mà chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ công dân là tố giác sự việc lên các cơ quan chức năng, yêu cầu làm đúng trách nhiệm của mình theo luật hiện hành, tức phải khởi tố và điều tra vụ án".
Lý do thứ hai quan trọng không kém để sự thật Đồng Tâm được sớm phơi bày, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh trình bày tiếp, là câu chuyện tài khoản trong Vietcombank của vợ ông, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bị công an ra lệnh phong tỏa vì đã cho nhiều người mượn nơi gởi tiền phúng điều cụ Nguyễn Đình Kình, bị kết tội khủng bố.
Tóm lại, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, vụ việc Đồng Tâm đã không thể bị bóp méo mà còn cho thấy mạng xã hội đã thắng mạng báo đảng vì đã phơi bày sự thật từ hôm 9/1 đến nay :
"Thấy chi sai thì mạng xã hội phải nói, người dân mình vốn đã không thông hiểu Luật rồi, mạng xã hội được cái may mắn am hiểu hơn, mà không nói thì người ta không biết, nó vậy đó".
Có muốn bưng bít cũng không thể bưng bít nổi trong thời đại thông tin này, là khẳng định của nhà báo kỳ cựu Lê Phú Khải, cựu phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội :
"Trong nước rất nhiều người biết, mạng Internet vẫn đưa như thế, trang Bauxite vẫn đưa như thế. Theo tôi không thể bưng bít được. Một số người không có thông tin, một số người bảo thủ, một số người có quyền lợi vật chất đối với đảng cộng sản thì không nói làm gì, còn đa số bàn dân thiên hạ mà tôi biết thì họ có đầy đủ thông tin, là vì nó quá trắng trợn cho nên ai người ta cũng biết. Sự thật vẫn là sự thật, chả ai bưng bít được.
Nhà nước và Đảng cứ tha hồ mà bưng bít mọi thông tin về mọi sự, nhà báo Lê Phú Khải nói tiếp, thí dụ như Formosa, những công trình xây dựng công, những dự án lãng phí gây thất thoát ngàn tỷ… nhưng thông tin về chúng lại xuất hiện đầy dẫy trên mạng cả rồi.
Chính vì vậy, hỏi khi nào hết bưng bít sự thật về Đồng Tâm nói riêng là thắc mắc không có giải đáp chừng nào Nhà nước còn đánh giá thấp trí thông minh và sự phán đoán của người dân, nhà báo Lê Phú Khải kết luận.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 22/01/2020
*****************
Nhận định về vụ cưỡng chế đất đai của nông dân Đồng Tâm
Thiện Ý, VOA, 22/01/2020
Việc nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện cưỡng chế đất đai trưng dụng của nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại vi Hà Nội đêm Mùng 9/1/2020, đã và đang là sự kiện thời sự nóng được sự quan tâm theo dõi của công luận quốc tế và quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước. Vì sao?
Một thanh niên Hà Nội cầm trên tay tấm hình ông Lê Đình Kình trong buổi lễ ngày 12 tháng Giêng. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Để trả lời phần nào câu hỏi trên, bài viết này lần lượt trình bày :
- Diễn tiến vụ việc
- Nhận định : Nguyên nhân và hậu quả, trấn áp hay đàn áp,biện pháp khác giải pháp.
I. Diễn tiến vụ việc
Diễn tiến vụ việc cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020 do Bộ công an Việt Nam độc quyền đưa ra có những chi tiết được điều chỉnh theo thời gian mâu thuẫn nhau, khác với thực tế được nhân dân xã Đồng Tâm phản ánh, được các cơ quan truyền thông quốc tế và giới truyền thông tự do, ngoài luồng trong nước ghi nhận và phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự mâu thuẫn và khác biệt này, dường như cơ quan có trách nhiệm cưỡng chế đã bị động, lung túng trong việc hoàn chỉnh một kịch bản biện minh cho cuộc cưỡng chế gây nhiều phản ứng bất bình trong nhân dân và công luận quốc tế. Tổng hợp cả hai luồng tin khác biệt trên, chúng tôi cố gắng tóm lược diễn tiến các sự kiện một cách khách quan, hợp lý hơn.
Theo đó, từ mấy ngày trước khi xẩy ra vụ việc (9/1/2020) công an đã chuyển lực lượng cưỡng chế bao vây làng Hoành, xã Đồng Tâm, với lực lượng cảnh sát cơ động lên đến khoảng 3000. Cuộc cưỡng chiếm khởi sự vào rạng sáng ngày 9/1/2020, khoảng 2 giờ sáng, lực lượng cưỡng chế đã xâm nhập làng Hoành, Xã Đồng Tâm. Vụ đụng độ được nói là diễn ra vào lúc 4 giờ sáng. Một thông cáo của Bộ Công an cho biết vụ đụng độ chết người xảy ra khi lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn bị tấn công bởi những người dân chống đối ‘sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng’. Thông tin này công luận cho là giả tạo, phi lý. Vì không lẽ ‘lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn’ vào lúc 4 giờ sáng lại bị tấn công khi dân làng Hoành, xã Đồng Tâm còn ngủ.
Trong khi có nhận định cho rằng dường như có sự rút kinh nghiệm từ vụ cưỡng chế năm 2017, lực lượng cưỡng chế lần này thuộc Bộ Công an đã lên kế hoạch cưỡng chế quy mô như một cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ, ban đêm và sử dụng lực lượng cưỡng chế có tính áp đảo để người dân không kịp phản ứng và không thể huy động đông đảo lên đến 6000 người dân như trước đây để bắt giữ người thi hành cưỡng chế làm con tin?
Do đó, để thực hiện kế hoạch cưỡng chế quy mô này, trước hết là bao vây cô lập Đồng Tâm, nội bất xuất, ngoại bất nhập trên thực địa và cắt đứt mọi liên lạc điện thoại, internet khu vực Đồng Tâm với bên ngoài. Các mục tiêu ưu tiên mà lực lượng cưỡng chế tấn công là các đối tượng bao lâu nay bị coi là cầm đầu cuộc đấu tranh giữ đất bị trưng dụng, theo chủ trương "đập đầu, bắt rắn". Do đó nhà cha con ông Lê Đình Kình, 84 tuổi đời, 57 tuổi đảng, được coi là người lãnh đạo tinh thần của cuộc đấu tranh giữ đất bị trưng dụng của nông dân xã Đồng Tâm đã là một trong các mục tiêu tấn công hàng đầu. Sự đụng độ này đã gây tử thương cho ông Kình, một vài người con trai của ông Kình và một số người khác đã bị thương. Ba sĩ quan công an đã thiệt mạng vì bị té "giếng nước kỹ thuật (giếng nước ngoài trời) trên đường tiến quân vào nhà ông Kình. Những cái chết của ông Kình và ba sĩ quan cộng an này cũng đang gây nhiều nghi vấn của công luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết. Ông Kình có thật sự cầm lựu đạn trong tay chống cự công an nên bị bắt chết? Ba sĩ quan công an té giếng sâu 4 mét cùng lúc, chấn thương chết hay bị người dân ném xuống giếng rồi đổ xăng đốt cháy…?
Theo lời cư dân Đồng Tâm kể lại, thì tiếng kẻng tiếng mâm, tiếng xoong đập vào nhau của dân làng vang khắp mọi con ngõ nhỏ như dấu hiệu ‘khi mà thấy có quân tiến về Đồng Tâm thì đánh kẻng báo động, để tập hợp người dân. Trong khi lực lượng cưỡng chế tiến vào đến làng thì nổ súng trấn áp người dân. Đồng thời bắn nhiều hơi cay, đạn cao su các thứ. khói mù mịt. Các nhà gần đường bị khói bay vào làm trẻ con bị ngạt. Tất cả họ đều xông vào như thế’... Tuy nhiên, dân làng không di chuyển được, do đã bị các nút chặn khắp ngõ, khắp nhà của công an cơ động chặn lại, hô lớn qua loa phóng thanh ‘Tất cả vào nhà ngay’ kèm theo lựu đạn cay đẩy mọi người vào nhà. Thành ra đã không xẩy ra các cuộc đụng độ lớn giữa lực lượng cưỡng chế và dân làng. Tình hình xã Đồng Tâm qua đêm, sau đó trở lại yên tĩnh trong bầu không khí tang tóc u buồn vì có một số người chết, bị thương và bị bắt đem đi. Ít ngày sau đó, chợ búa tạm ngưng họp, trường học tạm đóng cửa…
Hậu quả sau cùng, theo truyền thông trong nước đưa tin vào ngày thứ Bảy 11/1/2020, được biết ba viên chức công an tử vong trong vụ đụng độ ở xã Đồng Tâm được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất của Chủ tịch Nước và cơ quan công an các cấp cũng đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho họ. Trong khi thi thể của ông Lê Đình Kình, thường dân duy nhất được chính thức xác nhận thiệt mạng, cũng được trả về cho gia đình mai táng. Những cái chết này đánh dấu một kết cục bi thảm giữa căng thẳng và phẫn nộ sục sôi liên quan đến một trong những vụ tranh chấp đất đai thu hút nhiều sự chú ý nhất giữa người dân và chính quyền trong những năm qua ở Việt Nam.
Chiều 13/1, trang báo Thanh Niên dẫn lời một lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm vào ngày 9/1, với các tội danh "giết người" và "chống người thi hành công vụ". Sự khởi tố này có nhận định cho rằng quá nóng vội, có tinh áp đặt một chiều. cần có thêm thời gian điều tra xem những hành vi của của những người này có hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các hành vi của phía công an cơ động cưỡng chế có hợp pháp và chính đáng không.
II. Nhận định
1. Cưỡng chế Đồng Tâm : Nguyên nhân pháp lý và thực tế
Nguyên nhân pháp lý đưa đến cưỡng chế gây xung đột đổ máu giữa lực lượng công an thi hành cưỡng chế ở xã Đồng Tâm, cũng là nguyên nhân chung của các vụ cưỡng chế trước đây và cả sau này, nếu Luật Đất đai hiện hành vẫn được duy trì. Bởi vì Luật Đất đai này chỉ thích dụng, khả thi trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, không còn thích dụng và khả thi trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (giả tạo, gượng ép, duy ý chí, nửa nạc nửa mỡ..) hiện nay. Nhất là với Điều khoản quy định ‘Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ (Điều 5, khoản 1 của Luật Đất Đai hiện hành).
Điều khoản này của Luật Đất Đai chỉ phù hợp và khả thi trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vì là nền kinh tế hoạch định cứng rắn với vai trò chủ đạo duy nhất của kinh tế quốc doanh do nhà nước thống nhất quản lý, không có quyền tư hữu, công nhân không được quyền có đất lập cơ sở sản xuất kinh doanh riêng, nông dân không có đất canh tác cá thể, đất thổ cư cũng được tiêu chuẩn hóa khi cấp đất sử dụng cho người dân…Thế nhưng thực tế, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi thống nhất cả nước (sau 1975) đã thất bại dù cố gắng "Đổi mới" theo gương Liên Xô (1985-1995) vẫn không cứu vãn được sự thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn sau 20 năm (1975 -1995), phải "mở cửa" làm ăn với thế giới bên ngoài bằng con đường ‘Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ (chỉ là giả tạo, ngụy biện, duy ý chí, không phù hợp với thực tế khách qua…) trong khi thực tế sau 25 năm ‘Mở cửa’ (1995-2020) Việt Nam đã đang thực hiện "kinh tế thị trường định hướng tư bản chủ nghĩa". Từ đó và nhờ đó Việt Nam mới có bộ mặt phát triển toàn diện, đời sống nhân dân được cải thiện và ngày một nâng cao mọi mặt như hiện nay.
Nguyên nhân thực tế :
Chính trong ‘môi trường mật ngọt kinh tế thị trường’, định hướng xã hội chủ nghĩa’(ngụy tạo, ngụy biện) mà vẫn duy trì Điều khoản coi "đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu’ đã là căn bản pháp lý cho một thực tế, là các quan chức nhà nước lớn bé và các nhóm lợi ích lợi dụng quyền ‘nhà nước đại diện chủ sở hữu" để thủ lợi. Tệ tham nhũng, cửa quyền, mắc ngoặc làm giầu bất chính bằng quy hoạch, trưng dụng đất đai người dân đang sử dụng đã là một thực tế phổ biến dẫn đến các vụ khiếu kiện dân oan như mọi người đã thấy, bế tắc, không giải quyết được. Đồng Tâm chỉ là trong nhiều khiếu kiện đất đai của người dân, dẫn đến hệ lụy bi thảm như thế đó.
2. Hậu quả của cưỡng chế Đồng Tâm
Vụ cưỡng chế đất đai Đồng Tâm đã gây tổn hại nghiêm trọng cho cả chính quyền và nhân dân.
- Tổn hại về phía chính quyền : Hao tổn vật chất, chi phí nhiều tiền bạc, huy động nhiều nhân lực thực hiện như một cuộc hành quân quy mô lớn chống lại nhân dân. Một số nhân viên công lực đã hy sinh mạng sống một cách không cần thiết, hệ lụy tang thương đến những người thân yêu trong gia đình, dòng tộc khi năm hết, những ngày Tết cổ truyền sắp đến. Đồng thời ảnh hưởng xấu đối với tình cảm, niềm tin, uy tín của chính quyền đối với nhân dân trong nước và quốc dân Việt Nam ở hải ngoại – cũng như công luận quốc tế về nhiều mặt (chính trị, ngoại giao, kinh tế quốc tế…)
- Tổn hại về phía người dân Đồng Tâm : cưỡng chế quy mô lớn vào thời điểm những ngày giáp Tết, không chỉ gây tang tóc, đau thương cho những gia đình có người chết, bị thương, mà còn gây khổ lụy cho những gia đình có người bị bắt bớ tù đầy vì bị chính quyền truy tố về các tội "giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ" phát sinh từ vụ cưỡng chế đất đai của nông dân Đồng Tâm.
3. Cưỡng chế Đồng Tâm : Trấn áp hay đàn áp ?
Nhà cầm quyền Việt Nam nói họ đã sử dụng biện pháp ‘trấn áp’ chứ không phải ‘đàn áp’ trong vụ đụng độ làm ít nhất 4 người chết hôm 09/01/2020. Dường như đứng trước sự quan tâm, bất bình và phẫn nộ của người dân trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài và lên án của công luận quốc tế; trước những cái chết thương tâm của vài người dân cũng như quân, nhà cầm quyền Việt Nam đã muốn dùng từ ngữ ‘Trấn áp’ thay vì ‘đàn áp’ (mà các thông tin ngoài luồng trong nước và truyền thông quốc tế thường dùng), là muốn làm giảm bớt cường độ bạo lực và tính tàn bạo đối với người dân Đồng Tâm khi sử dụng lực lượng lớn, trang bị khí tài dầy đủ thực hiện cưỡng chế như một cuộc hành quân vào đêm Mùng 9/1/2020 vừa qua. Vì ‘trấn áp’ có nghĩa qua hình ảnh "đè một nạn nhân xuống, còng tay, khống chế bắt đi" chứ không ‘đàn áp’ là ‘tấn công, đáng đập, bắn giết’. Để công an có thể giải thích cái chết của ông Lê Đình Kình, người bị coi là cầm đầu, là vì tay cầm vũ khí (lựu đạn) chống cự nên mới bị bắn chết thôi…
Mặt khác, có sự bất nhất trong thông tin độc quyền của Bộ công an, cơ quan chức năng thi hành lệnh cưỡng chế, có lẽ cũng là vì muốn biện minh cho tính hợp pháp, chính đáng, làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng và cường độ cưỡng chế thái quá, gây cái chết cho người dân vượt quá quyền tự vệ chính đáng theo luật.
4. Nhà cầm quyền Việt Nam cưỡng chế đúng hay sai ?
Trên nguyên tắc về mặt pháp lý, không kể chế độ dân chủ pháp trị như Hoa Kỳ, mà cả chế độ độc tài đảng trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa hiện nay tại Việt Nam, đều có quyền trưng dụng đất đai của các tư nhân có quyền sở hữu (như tại Hoa Kỳ) hay quyền sử dụng đất (tại Việt Nam) vì lợi ích quốc gia, quốc phòng hay công ích.
Tuy nhiên việc trưng dụng vì lợi ích quốc gia hay công ích phải chính đáng và hợp pháp. Việc trưng thu phải tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật, với tiền bồi thường thỏa đáng, công bằng thương lượng theo thời giá, chứ không chỉ là quyết định đơn phương của chính quyền sở tại (Điều 5, khoảng 2 (d) Luật Đất Đai hiện hành năm 2013). Biện pháp cưỡng chế chỉ được thi hành khi sở hữu chủ không chịu giao đất, sau khi đã tiến hành đầy đủ tiến trình trên và tránh dùng bạo lực thái quá, không gây hậu quả nghiêm trọng về của và người cho cả đôi bên.
Vấn đề cưỡng chế Đồng Tâm có thể đúng về mặt nguyên tắc pháp lý. Nhưng có thể đã sai về mặt thực tế khi chưa làm đủ các điều kiện và tiến trình pháp lý đòi hỏi. Ngay cả trường hợp đã làm đầy đủ đòi hỏi của tiến trình pháp lý, việc cưỡng hành thái quá khi sử dụng quy mô bào cường độ bạo lực trấn áp người dân vượt quá mức độ cần thiết. Vụ cưỡng chế Đồng Tâm có thể đã vi phạm tính chất này. Đúng ra, việc giải quyết khiếu kiện đất đai bị trưng dụng chỉ có thể giải quyết ôn hòa theo trình tự pháp lý hành chánh, không cần thiết sử dụng bạo lực cưỡng chế quy mô, mạnh bạo và tàn bạo gây hậu quả nhiều mặt, nhất là mặt sinh mạng và nhân tâm. Cuộc cưỡng chế theo kiều "đánh úp", tấn công bất ngờ thường dùng trong trận chiến với quân thù áp dụng với người dân, thực hiện trong những ngày giáp Tết cổ truyền đã là sai lầm lớn của nhà cầm quyền mà họ phải gánh chịu mọi trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng do cưỡng chế Đồng Tâm gây ra.Người dân có vi phạm pháp luật là do nhà cấm quyền đã không giải quyết những nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của họ, dồn họ vào chân tường. ‘Thượng bất chính, hạ tắc loạn’ mà. Vì thông thường, người dân ở thế yếu không bao giờ giám làm loạn chống lại chính quyền, với trang bị thì chỉ vũ khi thô sơ như giáo mác, gạch đá, bom xăng làm sao giám chống lại lực lượng cưỡng chế đông đảo, trang bị đầy đủ vũ khí trấn áp.
5. Cưỡng chế Đồng Tâm chỉ là biện pháp, không phải là giải pháp
Theo nhận định của chúng tôi, cưỡng chế Đồng Tâm cũng như nhiều vụ cưỡng chế trước đây, gần nhất là vụ cưỡng chế Vườn Rau Lộc Hưng ở Miền Nam, tất cả chỉ là biện pháp, không phải là giải pháp. Vì cưỡng chế chỉ là cách đối phó tạm thời để giải quyết tạm thời một vấn đề vẫn tồn tại bao lâu nay là nhiều vụ khiếu kiện của người dân bị chính quyền các cấp trưng dụng đất đai, vẫn chưa được giải quyết. Vậy cần tìm ra nguyên nhân cơ bản để để có một giải pháp dứt điểm vấn đề khiếu kiện đất đai của người dân. Nguyên nhân cơ bản đó là gì và giải quyết cách nào có hiệu quả thực tế?
Như trên đã trình bày, qua vụ cưỡng chế Đồng Tâm cũng như các vụ cưỡng chế khác, có hai nguyên nhân pháp lý và thực tiễn. Nguyên nhân pháp lý là Luật pháp và nguyên nhân thực tế là sự lợi dụng, lạm dụng của các viên chức nhà nước khi vận dụng Luật Đất Đai để thủ lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích.Vậy thì, giải pháp riêng cho vụ khiếu kiện đất đai xã Đồng Tâm liên quan đến trưng dụng đất đai vì lợi ích quốc phòng; cũng là giải pháp chung cho các vụ khiếu kiện đất đai trên cả nước liên quan đến trưng dụng đất đai vì lợi ích quốc gia, quốc phòng hay công ích. Để có được giải pháp này, theo thiển ý :
1) Điều tiên quyết là sửa đổi các Điều khoản liên quan đến quyền sở hữu đất đai của Hiến pháp và Luật đất đai hiện hành cho phù hợp thực tế "Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa" (không phải định hướng xã hội chủ nghĩa như ‘Đảng ta’ nói đâu). Nếu Việt Nam muốn hội đủ các nhân tố để được quốc tế công nhân đạt tiêu chuẩn là một nền kinh tế thị trường tự do hoàn chỉnh như trước đây đã từng có lần yêu câu. Điều quan trọng nhất cần sửa đổi 53 và 54 của Hiến pháp (*) và Điều 5 và các Điều khoản khác liên quan đến quyền sở hữu đất đai mà ‘Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ (**) ; cẩn trả lại cho người dân quyền sở hữu đất đai như hầu hết người dân tại các nước dân chủ, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, phát triển văn minh trên thế giới ngày nay.
2) Thực tế cả nhà cầm quyền và người dân phải chấp hành nghiêm túc luật đất đai đã được sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Vì chỉ có như thế, mới tránh tình trạng như nông dân Đồng Tâm bị đẩy đến cảnh phạm pháp do "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Thực sự người dân Đồng Tâm vì bị ức chế nên mới có hành động chống lại sự cưỡng chế. Vậy cần xem xét ức chế đó là gì có thực tế, chính đáng không để giải quyết. Thực tế ức chế ấy có phải là vì sự trưng dụng đất đai của nông dân Đồng Tâm giống như nhận định sau đây của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, bày tỏ quan điểm trong một cuộc tọa đàm về các chính sách và luật đất đai diễn ra tại Hà Nội ngày 20/4/2017, rằng ""Không thể có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh mà gọi đó là đất quốc phòng. Đất quốc phòng chỉ được sử dụng cho mục đích quốc phòng, bảo vệ tổ quốc. Không thể đem ra kinh doanh"..
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 22/01/2020
(*) Điều 53 & 54 Hiến pháp Việt Nam hiện hành (2013)
Điều 53
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Điều 54
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
(**) Điều 5 Luật Đất Đai Việt Nam hiện hành (2013)
Điều 5. Sở hữu đất đai
1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
2. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai như sau:
a) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất (sau đây gọi chung là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất);
b) Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất;
c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
d) Định giá đất.
3. Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai như sau:
a) Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
b) Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất;
c) Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
4. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
*********************
Những tấm huân chương nhuộm đỏ máu dân
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 22/01/2020
Sau khi tội ác tại Đồng Tâm được thực hiện bằng cuộc thảm sát giữa đêm 9/1/2020, mà chiến công là tiêu diệt được một cựu đồng chí đảng viên có gần 60 năm tuổi đảng - công dân Lê Đình Kình - bắt đi hàng loạt người dân, đổi lại, ba mạng cả chỉ huy cả lính trong đội quân thiện chiến, giỏi nhất thế giới phải đền tội. Gần như ngay lập tức ngày 10/1/2020, Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy tặng huân chương "chiến công hạng nhất" cho ba công an té giếng khi xông vào nhà giết dân.
Trong chế độ cộng sản, những điều tàn ác đến mức nào, cũng có thể được thực hiện dễ dàng nếu như đảng nuốn.
Có lẽ, đây là hành động nhanh chóng nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là chủ tịch nước, nhằm trả ơn cho những người đã bỏ mạng theo lệnh của đảng.
Có điều, những tấm "huân chương chiến công" ấy đã nói lên nhiều điều :
Trước hết, điều đó khẳng định điều mà nhiều người đang nghi ngờ trước đó rằng : Những hành động tội ác, chống lại nhân dân, chống lại dân tộc, bán đứng đất nước… đều là hành động của đám tay chân bên dưới, còn ở cấp cao hơn của Đảng, đó không phải là chủ trương.
Nay thì đã có thể khẳng định rõ ràng rằng : Việc tấn công cướp đất đai, tài sản của người dân bằng những cuộc thảm sát bất chấp đạo lý, luật lệ và lương tâm mà người cộng sản đã có bề dày 2/3 thế kỷ nay, thì bây giờ vẫn không có gì thay đổi.
Và đây là chủ trương hẳn hoi từ chóp bu của đảng, đứng đầu là Bộ Chính trị do Nguyễn Phú Trọng là thủ lĩnh.
Điều đó cũng thể hiện rằng : Trong chế độ cộng sản, những điều tàn ác đến mức nào, cũng có thể được thực hiện dễ dàng nếu như đảng nuốn.
Và đó là tình trạng nhà dột từ nóc dột xuống, thối từ móng thối lên của đảng hiện nay.
Nó cũng khẳng định rằng, cái gọi là "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" là một sự dối trá trắng trợn và là sự bỉ ổi. Ở đất nước này, người dân chẳng là gì khi lợi ích của đảng cần được đáp ứng.
Lời Hồ Chí Minh rằng : "Đảng không có lợi ích nào, ngoài lợi ích của nhân dân" có thể hiểu theo nhiều cách mà cách nào cũng thấy thật tởm lợm.
Có thể giải thích rằng : Đảng không có lợi ích nào, và để có lợi ích mà tồn tại, đảng không thể làm gì khác ngoài việc cướp lấy lợi ích của nhân dân.
Và đảng đã làm điều đó thật xuất sắc.
Điều người dân đặt ra rằng : những tấm huân chương đó sẽ ghi chiến công là gì ? Dù Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu cùng đám báo chí bưng bô có tán hươu, tán vượn gì đi nữa, thì chính xác nhất vẫn là : Đã lập chiến công khi theo lệnh đảng thảm sát dân lành để cướp đất.
Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh, những người lập công là những người đã trực tiếp chống giặc ngoại xâm, hoặc ngay trong cuộc chiến nồi da nấu thịt Bắc – Nam mang danh "Cuộc kháng chiến chống Mỹ" đi nữa, thì những người ngã xuống vẫn mang trong mình những suy nghĩ "chiến đấu vì nhân dân, vì đất nước.
Còn ngày nay, cuộc chiến đã chuyển đổi bản chất. Lực lượng vũ trang đã thay đổi mục tiêu.
Từ chỗ kẻ thù là những lực lượng, những người cầm súng xâm lược đất nước, lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, thì giờ đây, kẻ thù của đảng, của lực lượng công an mà dân đang ngày đêm bòn xương, vắt máu nuôi chúng.
Từ chỗ những cuộc chiến là những trận công đồn, tập kích vào kẻ thì súng đạn đầy mình, thì nay, cuộc chiến là những trận đột kích vũ trang vào làng và thảm sát người dân giữa đêm.
Từ chỗ coi những người dân là "hậu phương lớn" của tiền tuyến diệt thù, thì nay, nhân dân đã trở thành thế lực thù địch, khi mà đất đai, tài nguyên của dân đang là miếng mồi ngon của đảng.
Cũng do vậy, một sự logic không thể thiếu, đó là với kẻ thù, nếu ngày xưa là "không đội trời chung" vì đã cam tâm cướp và xâm lược lãnh thổ Việt Nam, thì ngày nay, đó là bạn vàng của đảng. Và do vậy, đảng hướng dẫn bán đất, bán nước từ từ, êm thấm cho bạn vàng của mình.
Thậm chí, khi để đạt được mưu đồ bẩn thỉu của mình, đảng không từ bất cứ ai, sẵn sàng giết hại kể cả đồng chí của mình, dù đã tận tâm với đảng và trung thành với đảng hơn nửa thế kỷ qua.
Ai cũng biết, hành động thảm sát người dân Đồng Tâm, nhất là cụ Lê Đình Kình là hành động trời không dung, đất không tha cho đảng.
Ngay cả Nguyễn Phú Trọng, kẻ vừa ký tên lên những tấm huân chương kia, cũng chỉ thuộc đàn em, đàn con của cụ Lê Đình Kình kể cả tuổi đời lẫn tuổi đảng. Nghĩa là khi Nguyễn Phú Trọng còn là những kẻ thất phu, thì những người như cụ Lê Đình Kình đã có bề dày cống hiến và tin tưởng vào đảng nhiều năm.
Việc xông vào làng bằng vũ khí, đột nhập nhà dân nổ súng giữa đêm, giết hại người già không khả năng chống cự, là một hành động khủng bố.
Và lực lượng công an, quân đội đã bị biến thành lực lượng công cụ của đảng trong sự nghiệp cướp đất của nhân dân, càng ngày càng lộ rõ bản chất tay sai, là sự cam chịu làm bầy chó săn của đảng mà cắn lại nhân dân những miếng rõ đau.
Do vậy, những chiến công mà họ lập được, tai ác thay lại là những tội ác mà họ đã gây ra cho đồng bào mình.
Đó là cảnh bỗng nhiên bị cướp đất đai, tài sản chỉ vì đã trót sinh ra trong những khu đất vàng mà đảng đang thèm muốn.
Đó là cảnh cảnh sát, công an, mật vụ ruồng bố cả ngày lẫn đêm cũng như sẵn sàng gây tội ác khi người dân muốn bảo vệ tài sản, đất đai hợp pháp của mình.
Họ được tặng huân chương, chỉ vì chiến công giết chết người dân bằng hành động khủng bố trái với luật trời và luật đời.
Họ được gọi là "Hy sinh". Nhưng, họ đã hy sinh cho ai và vì điều gì ? Có lẽ những người có lương tri đều hiểu rằng, họ đã bị biến thành công cụ và là con tốt thí, con chó săn cho đảng được tồn tại.
Họ đã lấy mạng sống mình để xông vào giết chính những người dân đã nuôi nấng, chăm sóc mình, chỉ vì lệnh của đảng.
Đó là những hành động mà bất cứ người nào có lương trị và đạo đức đều không thể không im lặng, mà còn nôn mửa trước những mưu đồ khốn nạn và đen tối đó.
Và vì thế, những chiến công hôm nay của Công an Việt Nam, chính là những tội ác với chính đồng loại, với chính đồng bào Việt Nam
Đã đến lúc, những chiếc huân chương, huy chương mà đảng trao hôm nay, chỉ còn là những chứng tích, những bằng chứng ghi ghi lại những tội ác của những người được trao tặng với đồng bào, với dân tộc mình.
Bởi, những chiếc huân chương, huy chương đỏ rực kia có được chỉ vì đã thấm đẫm và rỏ máu đồng bào mình.
Ngày 21/1/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 22/01/2020 (nguyenhuuvinh's blog)
Thông tin mới đây cho biết cơ quan điều tra của Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Rất không công bằng khi việc khởi tố được thực hiện khi chưa có kết luận thanh tra vấn đề đất đai tại Đồng Tâm, để xác định xem việc lấy đất của chính quyền và giữ đất của người dân bên nào đúng bên nào sai.
Từ sự việc gây xáo động nhân tâm này, nhìn về quá khứ soi xét lại các chính sách giải quyết tranh chấp đất đai trước đây sẽ còn thấy nhiều điều chua chát.
Nhìn lại thì thấy nhiều quy định chính sách về giải quyết tranh chấp đất đai rất bất lợi cho người dân, nhiều quy định ngáng trở tước đoạt những quyền pháp lý rất chính đáng hợp pháp của con người.
Ví như khoảng chục năm trước, các quy định pháp luật về đất đai, khiếu nại và tố tụng hành chính đã ràng buộc người bị thu hồi đất không được khởi kiện ngay ra tòa mà phải qua khâu khiếu nại và giải quyết khiếu nại của chính quyền các cấp.
Nếu người dân nộp đơn khởi kiện hành chính đối với quyết định thu hồi đất mà không kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại của chính quyền địa phương thì tòa án sẽ không thụ lý.
Trong khi hầu hết các vụ khiếu nại dân đều thua, vì khiếu nại cái quyết định đến cái người đã ban hành ra nó thì làm sao dân thắng được ? Các địa phương luôn bảo vệ quan điểm việc làm của họ, làm sao họ lại đi nhận sai, việc khiếu nại gần như vô ích.
Để tránh việc bị kiện, nhiều địa phương khi giải quyết khiếu nại thay vì ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì họ lại ra một văn bản dạng như thông báo hoặc công văn về nội dung giải quyết khiếu nại.
Tòa án a dua theo đó bênh vực chính quyền, gây khó khăn cho người dân không thụ lý vụ án. Họ đòi phải có quyết định giải quyết khiếu nại theo đúng quy chuẩn chứ không chấp nhận văn bản dạng công văn hay thông báo giải quyết khiếu nại.
Đây là một kiểu bắt bẻ về câu chữ và hình thức văn bản, một lối làm việc quan liêu cửa quyền đã gây ra nhiều khốn đốn khốn nạn cho người dân đi kiện và luật sư.
Sau khi những diễn biến tệ hại diễn ra một thời gian và bị nhiều phản đối gay gắt, tòa án tối cao mới ban hành ra một văn bản hướng dẫn yêu cầu tòa án các cấp thụ lý vụ kiện hành chính và chấp nhận coi là hợp lệ các văn bản giải quyết khiếu nại dạng thông báo hoặc công văn mà không nhất quyết phải là quyết định giải quyết khiếu nại.
Nhiều hộ dân canh tác tập thể (hình minh họa)
Từ hàng chục năm trước và cho đến tận ngày nay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm số lượng lớn nhất trong tất cả các mặt lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong thực tế, nhiều trường hợp chính quyền địa phương nhằm giảm tránh việc bị khiếu nại và phải giải quyết khiếu nại nên đã có nhiều chiêu trò xấu với dân, ví như họ không giao các quyết định thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi.
Nhiều trường hợp thu hồi đất, phía chính quyền chỉ công khai một quyết định thu hồi tổng thể và danh sách các hộ có đất bị thu hồi và thông tin về số thửa đất bị thu hồi. Họ không giao quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình như luật quy định phải thế.
Khi không có quyết định thu hồi đất người dân sẽ gặp khó khăn trong việc khiếu nại và không thực hiện được việc khởi kiện ra tòa hành chính. Vì pháp luật tố tụng hành chính yêu cầu hồ sơ khởi kiện phải có bản sao quyết định hành chính bị kiện.
Đây cũng là một chướng ngại mà người dân và luật sư đã phải chịu nhiều khốn khổ khốn nạn trên hành trình đòi quyền lợi công bằng.
Các văn bản pháp luật về đất đai thì nhiều, có lẽ là nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và thường xuyên thay đổi. Ngoài luật đất đai thì còn có nghị định của chính phủ, thông tư của các bộ, quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh về chính sách đất đai.
Nhiều văn bản thiết lập những câu chữ dài dòng lằng nhằng ngoắt ngoéo, tạo ra sự rối rắm bùng nhùng mà rồi chót lại hóa ra là cản trở người dân thực hiện các quyền chính đáng của họ.
Những quy định ngang trái thô thiển khinh rẻ quyền lợi công dân đã được lược giảm đi qua quá trình giải quyết hàng vạn vụ việc khiếu kiện đất đai, trong đó là vô số nỗ lực vô bờ của biết bao người dân mất đất và giới luật tư vấn.
Luật tố tụng hành chính hiện tại cho phép người bị thu hồi đất được quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa mà không phải qua khâu khiếu nại hành chính như trước. Việc giao cấp quyết định hành chính của ủy ban nhân dân các cấp cũng được cải thiện do những tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính và ngăn ngừa lạm quyền của nhà nước trung ương.
Trước kia các dự án phát triển kinh tế xã hội được lập ra để thu hồi đất có thể được thực hiện bởi ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh thì đến nay sau hàng chục năm thi hành đã bộc lộ nhiều sai trái bất cập, nhiều dự án không hiệu quả khả thi.
Giải quyết khủng hoảng ở Đồng Tâm cần lãnh đạo có uy tín cá nhân để người dân có thể đặt niềm tin.
Tiếc thay, cách thức vận hành quyền lực ở Việt Nam hiện nay không thể tạo ra một kiểu lãnh đạo như vậy.
Giải quyết khủng hoảng ở Đồng Tâm cần lãnh đạo có uy tín cá nhân để người dân có thể đặt niềm tin.
Nhận định này không phải đơn thuần dựa trên quan sát các dữ kiện lịch sử, mà quan trọng hơn, căn cứ vào nguyên tắc tổ chức quan trọng bậc nhất của mô hình đảng leninist : Tập trung dân chủ.
Theo đó, bất kì đảng viên nào cũng không được nói hay làm trái nghị quyết - tức là quyết định của tập thể cấp ủy đảng của mình. Bằng không sẽ bị buộc rời bỏ hàng ngũ với kết cục không thể tồi tệ hơn. Đảng viên quèn cấp thôn hay Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực như Trần Xuân Bách thì cũng không khác nhau một khi đã nói và làm trái nghị quyết.
Điều này giải thích vì sao nhiều đảng viên có thể rất tử tế ở phương diện cá nhân, song lại trở thành con người khác mỗi khi xuất hiện trong không gian quyền lực. Để không bị loại bỏ hàng ngũ, họ đã phải trải qua vô số trường hợp trong đó họ phải nói và làm trái những gì họ tin là đúng - nhiều đến mức họ còn không tin vào chính bản thân họ nữa, thì làm gì còn chuyện uy tín cá nhân với cộng đồng và xã hội.
Trong vụ Đồng Tâm, vô số trường hợp đảng viên phải nói và làm trái những gì họ tin là đúng
[Chẳng hạn trong vụ Đồng Tâm này, ngay cả khi Chủ tịch Chung muốn thỏa hiệp với dân làng để giải quyết ôn hòa nhưng Thường trực Thành ủy Hà Nội - cấp ủy của ông Chung - quyết ngược lại thì liệu ông Chung có chấp nhận rời bỏ hàng ngũ để bảo vệ những gì ông tin là đúng hay nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của tập thể cấp ủy ?]
Đây cũng là một trong những lí do quan trọng nhất khiến trong xã hội do đảng leninist cầm quyền, lòng tin luôn dưới đáy. Và chính họ cũng bất lực khi đứng trước một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội.
Sinh ra từ tập trung dân chủ, gây dựng sức mạnh và cầm quyền nhờ tập trung dân chủ để rồi tiêu vong bởi tập trung dân chủ là như vậy.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 19/04/2017 (nguyenanhtuan's blog)