Chủ tịch Tập : Trung Quốc sẽ luôn ‘tôn trọng lẫn nhau’ (VOA, 05/12/2018)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5/12 nói rằng Trung Quốc sẽ luôn "tôn trọng lẫn nhau" trong khi xử lý các thách thức trên thế giới.
Theo Reuters, ông Tập phát biểu như vậy trong chuyến thăm Bồ Đào Nha, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm còn đưa ông tới dự cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, nơi Trung Quốc và Mỹ đồng ý ngưng gia tăng cuộc chiến thương mại.
"Cho dù thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc sẽ luôn tuân thủ sự tôn trọng lẫn nhau và sự phát triển hòa bình, thúc đẩy hòa bình và ổn định", ông Tập nói trong bài phát biểu ngắn.
Theo Reuters, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng trong chuyến công du lần này, ông cảm nhận được ước vọng của mọi người về "hòa bình, ổn định, thịnh vượng và một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Lisbon, Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Bồ Đào Nha đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác liên quan tới "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.
Sáng kiến này thúc đẩy việc mở rộng hợp tác trên bộ và trên biển giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu, với cam kết hàng tỷ đôla nhằm phát triển cơ sở hạ tầng.
Chuyến thăm của ông Tập cũng củng cố sự hiện diện đầu tư của Trung Quốc ở Bồ Đào Nha, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng và ngân hàng.
**********************
Tổng giám đốc Đức bị Trung Quốc sa thải : Một gáo nước lạnh cho Berlin (RFI, 05/12/2018)
Hôm thứ Hai 26/11/2018, ông chủ mới Trung Quốc khi loan báo về việc sa thải Till Reuter, tổng giám đốc KUKA, tập đoàn Đức nổi tiếng về sản phẩm "cánh tay thông minh", biểu tượng cho công nghệ thời kỳ 4.0, đã dội một gáo nước lạnh vào giới kỹ nghệ nước Đức.
Xe hơi BMW được các "cánh tay robot" của KUKA lắp ráp.Wikipedia
Ông Till Reuter, 50 tuổi, vốn là người tích cực ủng hộ việc tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại KUKA với giá 4 tỉ đô la hồi năm 2016. Bộ trưởng Kinh Tế Đức thời đó là Sigmar Gabriel đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng không được. Từ đó đến nay, ông Reuter không bỏ lỡ một dịp nào để nhấn mạnh việc Midea mua KUKA rất có lợi cho tập đoàn Đức.
Nhưng những lời ca ngợi này không cứu vãn được sự nghiệp của chính ông Reuter. Ông bị ông chủ Hoa lục cho về vườn một cách phũ phàng, sau mười năm lãnh đạo tập đoàn KUKA, tên tuổi hàng đầu thế giới trên thị trường robot thông minh.
Nhật báo kinh tế Handelsblatt dẫn các nguồn tin kỹ nghệ tiết lộ, đó là do cổ đông Trung Quốc muốn tăng thêm trọng lượng trong những quyết định của KUKA. Tất nhiên ban lãnh đạo do Bắc Kinh khống chế cố tìm mọi cách trấn an, bảo đảm việc làm cho công nhân đến năm 2023. Nhưng sự kiện Till Reuter bị ông chủ Trung Quốc đột ngột tống cổ, đã kết thúc hẳn thời kỳ ngây thơ của Berlin.
Tin tưởng rằng các nhà đầu tư Hoa lục là vô hại, Đức đã để yên cho họ mua lại các công ty của mình. Nhưng Bắc Kinh quá háu ăn, một loạt các vụ thâu tóm năm 2015 và 2016 khiến Berlin bắt đầu lo ngại.
Mikko Huotari, giám đốc Viện Merics giải thích : "Chúng tôi nhận ra rằng người Trung Quốc không giống những nhà đầu tư các nước khác. Ba năm sau đợt hàng loạt công ty Đức bị Trung Quốc mua lại, các ông chủ mới không hề quan tâm đến các vấn đề sát sườn của địa phương. Trường hợp KUKA chứng tỏ khả năng hành động của doanh nghiệp Châu Âu bị thu hẹp dưới sự can thiệp của ban lãnh đạo Trung Quốc".
Sự kiện này làm giới kỹ nghệ Đức tăng thêm ngờ vực trước đối tác Trung Quốc. Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây, người Đức ghi nhận chính quyền Bắc Kinh đè nặng chưa từng thấy lên các quyết định của giới công nghiệp. Các công ty ngày càng bị giám sát chặt hơn, hy vọng cải thiện, mở rộng thêm thị trường Hoa lục tan thành mây khói. Cho đến nỗi BDI, nghiệp đoàn kỹ nghệ Đức nay kêu gọi các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong một thông báo chưa công bố nhưng Reuters đọc được hôm 31/10, BDI khuyến cáo các công ty Đức tính toán lại chuỗi gia công sản xuất, xem lại trọng lượng thị trường Hoa lục trong tổng lượng hàng bán. BDI nhấn mạnh : "Có sự cạnh tranh dứt khoát giữa mô hình kinh tế thị trường rộng mở của chúng ta và nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước lãnh đạo", và nhận định, việc mở cửa thị trường Hoa lục như hứa hẹn có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier, từ hôm qua 04/12/2018, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 6 ngày. Quan hệ thương mại đôi bên hiện căng thẳng đến nỗi tất cả phát biểu đều được theo dõi kỹ càng.
Thụy My
*******************
Trung Quốc chính thức nói về ‘hưu chiến thuế quan 90 ngày’ với Mỹ (VOA, 05/12/2018)
Mặt tiền Bộ Thương mại Trung Quốc (ảnh tư liệu, tháng 4/2018)
Trung Quốc bắt đầu đưa ra các chi tiết về một thỏa thuận hưu chiến thuế quan đạt được hồi cuối tuần qua với Hoa Kỳ, sau nhiều ngày có những phát biểu mơ hồ từ một số quan chức Trung Quốc.
Trong một tuyên bố hôm 5/12, Bộ Thương mại Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận rằng Bắc Kinh vào ngày 1/12 đã đồng ý "ngừng bắn 90 ngày" để mở đường cho các cuộc đàm phán diễn ra.
Trong vài ngày qua, các ý kiến của Tổng thống Trump đăng trên Twitter cũng như các tuyên bố từ chính ông và các quan chức hàng đầu trong chính quyền đã mô tả về những nhượng bộ mà Bắc Kinh tự nguyện đưa ra - bao gồm giảm thuế đối với ô tô do Mỹ sản xuất và thỏa thuận mua một số lượng rất lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, và các sản phẩm khác từ Mỹ.
Nhưng tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc lại không đề cập đến việc mua các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm khác, giảm thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ hoặc đàm phán về bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay chuyển giao công nghệ và các vấn đề về cơ cấu khác mà Hoa Kỳ đã loan báo.
Tuyên bố của bộ cũng không xác định cụ thể ngày tháng mà các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu, cũng như không nói rõ giai đoạn 90 ngày bắt đầu từ khi nào. Các quan chức Hoa Kỳ, sau khi có những thông tin không rõ ràng, đã nói rằng thời điểm đó bắt đầu vào ngày 1/12, có nghĩa là hạn chót sẽ rơi vào khoảng ngày 1/3/2019. Ông Trump mới đây viết trên Twitter rằng hạn chót đó có thể được gia hạn.
Việc Trung Quốc thừa nhận về thời hạn 90 ngày báo hiệu rằng Trung Quốc chấp nhận một điều khoản của Hoa Kỳ trong thỏa thuận "ngừng bắn" thương mại. Tương tự như vậy, việc trừng phạt hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ là một tiến bộ trong một vấn đề mà Bắc Kinh đã hứa sẽ giải quyết nhưng lâu nay vẫn không làm gì nhiều.
Trong một tuyên bố chung mới đây, hơn 30 cơ quan chính phủ Trung Quốc và các cơ quan chính thức đã đưa ra 38 hình phạt đối với các công ty vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các hình phạt bắt đầu có hiệu lực trong tháng này và bao gồm cả việc hạn chế những kẻ vi phạm được tiếp cận các nguồn tài chính, kể cả trợ cấp của nhà nước. Tuyên bố đề ngày 21/11, nhưng đến hôm 4/12 mới được công bố.
(WSJ, CNBC)
****************
Chiến tranh thương mại : Trung Quốc tin sẽ đạt thỏa thuận với Mỹ (RFI, 05/12/2018)
Mặc dù tổng thống Donald Trump vừa lên tiếng đe dọa, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tìm được một hiệp định thương mại trong 90 ngày tới. Bộ Thương Mại Trung Quốc, trong thông cáo công bố thứ Tư 05/11/2018, cam kết sẽ thực hiện những cam kết bên lề G20 và "tích cực" đàm phán với Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và các thành viên đoàn Trung Quốc trong buổi ăn tối làm việc với đoàn Mỹ, bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, 1/12/2018 Reuters/Kevin Lamarque
Tuyên bố của bộ Thương Mại Trung Quốc được loan báo trên mạng chính thức : đàm phán tại Argentina mang lại kết quả tốt. Trung Quốc sẽ thực thi những vấn đề đã được giải quyết. Hai bên sẽ đàm phán tích cực theo lịch trình 90 ngày.
Trước đó vài giờ, từ Washington, tổng thống Donald Trump bắn lên trang "Tweet" lời de dọa : nếu không đạt được thỏa thuận "đúng nghĩa" với Trung Quốc, tôi sẽ áp thuế. Cũng theo tổng thống Donald Trump, ông và chủ tịch Trung Quốc đồng ý với nhau có "90 ngày để đàm phán, kể từ bữa ăn tuyệt vời ở Buenos Aires", tức là cho đến đầu tháng 3/2019.
Theo Washington, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, tháo bỏ chướng ngại thuế quan, tích cực đàm phán bảo vệ, tôn trọng tác quyền và chuyển giao công nghệ. Theo tin riêng của Reuters, công ty dầu khí Trung Quốc UNIPEC chuẩn bị mua dầu hỏa của Mỹ kể từ tháng ba 2019.
Thực hiện một lời hứa : Trung Quốc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ
Không đầy một tuần sau khi đạt được hưu chiến thương mại với Mỹ, qua cuộc đàm phán Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề G20, Bắc Kinh thông báo các biện pháp tăng cường bảo vệ tác quyền. Bị đánh cắp phát minh là một trong những ưu tư lớn của các đối tác Tây phương làm ăn tại Trung Quốc.
Từ Thượng Hải, thông tín viên Simon Leplatre tường thuật :
"Đây là những biện pháp cụ thể đầu tiên mà Trung Quốc ban hành để xoa dịu Hoa Kỳ. Thứ ba, 04/11/2018, Bắc Kinh thông báo sẽ trừng phạt nặng nề những ai không tôn trọng sở hữu trí tuệ.
Các biện pháp mới, nhằm ngăn ngừa những người tái phạm, bằng cách cải thiện hợp tác giữa các cơ quan hành chính : Tên tuổi những kẻ tái phạm nhiều lần bị đưa vào danh sách đen, dẫn đến hình phạt nặng nề hơn, chẳng hạn như bị cấm đi máy bay và xe hỏa cao tốc.
Bảo vệ tác quyền là một vấn nạn trầm kha tại Trung Quốc nơi mà hàng nhái, hàng giả và tin tặc là chuyện cơm bữa, nhưng tình hình có thay đổi trong những năm gần đây.
Sau một thời gian dài phủ nhận tệ nạn này, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc hơn, bởi một lý do đơn giản : chính những xí nghiệp công nghệ hiện đại của Trung Quốc muốn bảo vệ các khám phá của mình.
Động thái đầu tiên của chính quyền Trung Quốc "tôn trọng tác quyền" có lẽ là quyết định dễ nhất trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, bởi vì Bắc Kinh cũng theo con đường này. Đàm phán mở rộng thị trường Hoa lục, không thiên vị công ty Trung Quốc mới là chuyện khó".
Tú Anh
*******************
Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến Việt Nam và nhiều nước (RFI, 05/12/2018)
Cả thế giới như tạm thở phào nhẹ nhõm trước việc hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hôm 02/12/2018 vừa qua quyết định ngưng tấn công nhau về thương mại trong vòng 90 ngày, để đàm phán lại quan hệ mậu dịch song phương. Thỏa thuận hưu chiến đó dĩ nhiên có lợi cho hai bên tranh chấp, nhưng câu hỏi được đặt ra là đối với các nước khác thì tác động ra sao, đặc biệt đối với các đối tác hay đối thủ của Bắc Kinh, trong thời gian qua đã thu hoạch được một số lợi ích từ việc Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.
Ảnh chụp ngày 14/01/2018 tại một xưởng chế tạo phụ tùng xe đạp tại Chiết Giang. Công ty đã di dời sản xuất sang nhiều nước sang Việt Nam, Serbia và Mexico.Ảnh : AFP
Từ lúc Hoa Kỳ bắt đầu khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào Trung Quốc, hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến đó, với việc các doanh nghiệp di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam để tránh việc bị Mỹ đánh thuế khi đi vào thị trường Hoa Kỳ.
Với ba tháng hưu chiến vừa được quyết định, và triển vọng Mỹ - Trung tìm được giải pháp chấm dứt cuộc chiến, đà chuyển dịch cơ sở sản xuất đó chắc chắn sẽ chậm lại.
Đây chính là nhận định của lãnh đạo một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên trách việc giúp các doanh nghiệp Trung Quốc qua làm ăn tại Việt Nam. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 03/12 vừa qua, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11, công ty này đã nhận được hơn 130 yêu cầu tìm hiểu thị trường Việt Nam từ phía các nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhân vật này cho rằng thỏa thuận hưu chiến Mỹ-Trung chỉ làm chậm đà di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam, chứ không làm cho việc này dừng hẳn lại.
Lý do là vì việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một xu hướng tất yếu, kéo dài trong thời gian, do việc chi phí nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng cao, buộc các công ty sản xuất đi tìm nơi có chi phí thấp hơn, và Việt Nam là một điểm đến lý tưởng.
Mặt khác, tại Trung Quốc, các luật lệ bảo vệ môi trường cũng ngày càng chặt chẽ hơn, làm cho công việc sản xuất tốn kém hơn. Điều đó cũng thúc đẩy các nhà sản xuất tìm đến Việt Nam, nơi luật lệ môi trường còn tương đối lỏng lẻo.
Nhật Bản, Brazil, Argentina cũng bị ảnh hưởng
Nếu quyết định hưu chiến về mặt thương mại được cho là sẽ chỉ có tác động hạn chế đến Việt Nam, thì Nhật Bản có khả năng sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn, do sức ép gia tăng từ phía Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post, sau khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể chuyển mũi dùi thương mại qua phía Nhật Bản. Trong một cuộc họp hôm thứ Sáu 30/11 vừa qua với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Argentina, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc nhở rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản thuộc diện đáng kể và hai bên "hy vọng rằng sẽ sớm cần bằng được".
Chính quyền Trump dự kiến sẽ yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường xe hơi của họ, đồng thời thúc đẩy giới sản xuất ô tô Nhật Bản mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ.
Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến Brazil và Argentina. Trước khi cuộc chiến bùng lên, Trung Quốc là nước nhập khẩu đến 60% lượng đậu nành bán ra trên toàn thế giới, và đã mua đến 32,9 triệu tấn từ Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Thế nhưng, sau khi tổng thống Trump khởi động cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc đã áp thuế suất 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, và quay sang tìm các nhà cung cấp khác. Theo hãng Reuters, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua từ 12 triệu đến 14 triệu tấn đậu nành từ Brazil trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11. Hoa Kỳ cũng vậy, cũng phải tìm thị trường mới cho khối lượng sản phẩm mà Trung Quốc không mua, và Argentina đã thay thế Trung Quốc trong tư cách khách hàng số một của nông sản Mỹ.
Tuy nhiên, với thỏa thuận hưu chiến ngày 01/12 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm sản phẩm nông nghiệp Mỹ, và điều này sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các nhà cung cấp khác.
Trọng Nghĩa