Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad ở Nam Hàn (BBC, 07/03/2017)
Hoa Kỳ cho hay đang bắt đầu triển khai giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ hỏa tiễn gây tranh cãi tại Nam Hàn.
Hệ thống Thaad nhằm đối phó với các hỏa tiễn phóng vào Nam Hàn - REUTERS
Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad) được thiết lập nhằm bảo vệ Nam Hàn trước đe dọa từ Bắc Hàn.
Một hôm trước, Bắc Hàn phóng bốn hỏa tiễn đạn đạo, vi phạm chế tài Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng thỏa thuận giữa Mỹ và Nam Hàn làm nhiều người trên bán đảo Triều Tiên tức giận, cũng như khiến Trung Quốc đưa ra phản ứng giận dữ.
Phát ngôn viên Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Ba 7/3 nói Trung Quốc cực lực phản đối việc triển khai Thaad.
Báo chí Hàn Quốc nói công tác lắp đặt một cụm phòng thủ Thaad bắt đầu hôm 6/3, một số bộ phận được chuyển từ Mỹ tới căn cứ quân sự gần Seoul. Quân đội Mỹ cũng ra thông cáo xác nhận "các cấu thành đầu tiên" của hệ thống đã được chuyển tới Nam Hàn.
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn quan chức quân đội cho hay hệ thống này có thể bắt đầu hoạt động "ngay từ tháng Tư".
Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad)
- Có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn sắp tiếp đất
- Sử dụng công nghệ bắn để tiêu diệt, trong đó động năng được dùng để phá hủy đầu đạn phóng tới
- Có tầm che phủ 200km và đạt độ cao 150km
- Hoa Kỳ từng triển khai Thaad tại Guam và Hawaii, cũng nhằm đối phó đe dọa từ Bắc Hàn
Tại sao Thaad gây tranh cãi ?
Nhiều người Nam Hàn cho rằng hệ thống phòng thủ này có thể lại trở thành mục tiêu, gây nguy hiểm cho những người sống xung quanh.
Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối, thí dụ như tại Seongju vào tháng Tám năm ngoái.
Nga và Trung Quốc cũng đã nêu quan ngại về việc triển khai hệ thống này, với lý do radar của Thaad đặt tại Nam Hàn có thể thâm nhập sâu vào lãnh thổ của hai nước.
Năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Thaad vượt quá nhu cầu tự vệ trên bán đảo Triều Tiên và trực tiếp ảnh hưởng "lợi ích an ninh chiến lược" của Trung Quốc.
Người Trung Quốc cũng giận dữ chỉ trích tập đoàn Lotte của Nam Hàn, vốn cho phép đặt Thaad tại một trong các khu đất của hãng.
*****************************
Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc (RFI, 07/03/2017)
Các thiết bị dàn tên lửa THAAD đang được bốc dỡ tại sân bay quân sự Osan, Hàn Quốc. Ảnh đêm ngày 06/03/2017. Reuters
Ngày 07/03/2017, hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ bắt đầu được triển khai ở Hàn Quốc, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn 4 tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :
"Máy bay vận tải chở hai xe tải và các dàn tên lửa THAAD đã đáp xuống sân bay quân sự Osan, phía nam Seoul, vào đêm ngày 06/03/2017. Quân đội Mỹ đã phát đi các hình ảnh bốc dỡ các thiết bị từ máy bay. Trong một thông cáo, quân đội Mỹ nhấn mạnh rằng chính những hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên, trong đó có các vụ bắn tên lửa hôm qua, đã khiến cho hai đồng minh Mỹ- Hàn thêm quyết tâm triển khai hệ thống rất tối tân này, được thiết kế để bắn chặn các tên lửa ở độ rất cao.
Hệ thống THAAD có thể sẽ đi vào hoạt động ngay từ tháng 4/2017, theo dự kiến của quân đội Hàn Quốc. Nhưng tại nước này, việc triển khai hệ thống đó đang gây tranh cãi. Trong giới cấp tiến, nhiều người không tin vào hiệu quả của lá chắn chống tên lửa và lo ngại quan hệ với láng giềng Trung Quốc xấu đi.
Việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc và Nga giận dữ, vì Bắc Kinh và Matxcơva xem đây là một mối đe dọa đối với an ninh nước họ."
Trung Quốc dĩ nhiên là đã có phản ứng ngay lập tức. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng (Gueng Shuang) tuyên bố là Bắc Kinh sẽ "kiên quyết" bảo vệ an ninh quốc gia sau khi hệ thống THAAD bắt đầu được triển khai ở Hàn Quốc. Ông Cảnh Sảng dọa là Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ gánh chịu mọi hậu quả.
Bắc Kinh vẫn cho rằng hệ thống tên lửa THAAD và dàn radar rất mạnh của hệ thống này sẽ làm suy giảm hiệu quả của hệ thống tên lửa Trung Quốc.
Về phản ứng quốc tế sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa ngày 06/03/2017, theo yêu cầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp vào ngày mai để bàn về vụ này. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, mà theo Bình Nhưỡng là một cuộc thao dượt nhằm tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Thanh Phương
************************
THAAD : Bắc Kinh gia tăng trả đũa thương mại Hàn Quốc (RFI, 07/03/2017)
Cửa hàng của siêu thị Lotte tại Hàng Châu, Trung Quốc, bị đóng cửa. Ảnh ngày 05/03/2017. Reuters
Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Seoul do việc việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc. Đảng Tự Do Hàn Quốc, cầm quyền tại miền nam Triều Tiên, ngày 07/03/2017, vừa cho biết Seoul đang xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra Tổ Chức Thương Mại Thế Giới- WTO về những biện pháp trả đũa thương mại của Bắc Kinh do việc triển khai THAAD.
Kể từ tháng 7/2017 khi Seoul quyết định cho lắp đặt hệ thống THAAD để đối phó với hiểm họa tên lửa Bắc Triều Tiên, các công ty của Hàn Quốc ở Trung Quốc liên tục bị tấn công tin tặc, bị xử phạt hoặc buộc phải đóng cửa các cơ sở.
Bắc Kinh càng gia tăng các biện pháp trả đũa, đặc biệt nhắm vào tập đoàn Lotte, kể từ khi tập đoàn đứng hàng thứ năm của Hàn Quốc vào tuần trước chấp nhận nhượng cho Nhà nước sân golf của tập đoàn này để lấy đất làm nơi triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa. Tập đoàn Lotte lại có mặt rất nhiều tại Trung Quốc cho nên càng là mục tiêu tấn công dễ dàng.
Uy Long, một công ty thực phẩm của Trung Quốc, vừa rút toàn bộ các mặt hàng của công ty này khỏi 120 cửa hàng của Lotte ở Trung Quốc, và tuyên bố sẽ không bao giờ hợp tác với tập đoàn Hàn Quốc nữa. Một liên đoàn gồm khoảng 100 công ty cung cấp hàng cho các siêu thị cũng đã hứa sẽ "trừng trị" Lotte. Còn tại tỉnh Cát Lâm, sát biên giới Bắc Triều Tiên, người tiêu dùng được kêu gọi tẩy chay Lotte.
Theo thông báo của Lotte, hàng chục cửa hàng của tập đoàn ở Trung Quốc đã phải đóng cửa, với lý do là các cơ sở này không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã buộc tập đoàn Lotte đình chỉ một dự án công viên giải trí 2,5 tỷ đôla ở tỉnh Thẩm Dương. Không những thế, trang web của Lotte trong tuần qua còn bị tấn công tin tặc.
Vốn đã đầu tư hơn 8 tỷ đôla ở Trung Quốc từ năm 1994, Lotte hiện có đến 22 chi nhánh ở nước này, sử dụng tổng cộng 26 000 nhân viên, và mỗi năm thu về 2,5 tỷ đôla. Bị đánh trực diện như vậy, Lotte bị thiệt hại rất nhiều.
Ngay cả tại Hàn Quốc, các cửa hàng miễn thuế của Lotte chủ yếu sống nhờ vào các du khách Trung Quốc. Thế mà các công ty du lịch Trung Quốc dường như vừa được lệnh tạm ngưng bán các tour du lịch sang Hàn Quốc, "vì lý do an ninh".
Hãng tin Yonhap cũng vừa loan tin là Trung Quốc đã lại bác đơn của các hãng hàng không Hàn Quốc xin mở thêm các chuyến bay giá rẻ giữa hai nước. Trong hai tháng 1 và 2, phía Trung Quốc cũng đã bác những yêu cầu tương tự của các hãng hàng không Hàn Quốc.
Nhưng không chỉ về mặt thương mại, hệ thống lá chắn chống tên lửa này còn ảnh hưởng đến trao đổi văn hóa giữa hai nước. Các chuyến lưu diễn của những nhóm nhạc K-pop, rất ăn khách ở Trung Quốc, đã bị hủy.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, nhập đến một phần tư hàng xuất khẩu của nước này. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay đã tuyên bố là Hàn Quốc cùng với Mỹ sẽ "gánh chịu những hậu quả nặng nề" do việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD. Như vậy không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp trả đũa thương mại Seoul.
Thanh Phương
***********************
Bắc Hàn phóng bốn tên lửa đạn đạo (BBC, 06/03/2017)
Truyền hình Nam Hàn tường thuật về vụ phóng tên lửa của miền Bắc - API
Bắc Hàn phóng bốn tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản vào sáng hôm 6/3, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho hay.
Ba tên lứa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật (EEZ) sau khi bay được 1.000km.
Vụ phóng diễn ra tại khu vực Tongchang-ri, gần biên giới của miền Bắc với Trung Quốc, quân đội Nam Hàn cho biết.
Hiện chưa rõ loại tên lửa được phóng, nhưng miền Bắc bị Liên Hiệp Quốc cấm bất kỳ vụ thử nghiệm tên lửa hoặc công nghệ hạt nhân.
Giới chức quân sự Nam Hàn cho biết vụ phóng diễn ra vào 07:36 giờ địa phương hôm 6/3 và vụ việc đang được điều tra.
Hôm 3/3, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ phóng tên lửa để đáp trả đợt tập trận Đại bàng non giữa Nam Hàn và Mỹ.
Bình Nhưỡng xem cuộc tập trận thành niên là nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược miền Bắc.
Tên lửa của hai miền Nam, Bắc Hàn được trưng bày tại một bảo tàng ở Seoul - API
Đây là vụ mới nhất trong chuỗi thử công nghệ tên lửa của Bắc Hàn mà các chuyên gia nhận định có khả năng được cải thiện với các vụ thử liên tiếp.
Bắc Hàn nhiều lần tuyên bố chương trình không gian của họ có mục đích hòa bình nhưng họ được cho là đang phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công Mỹ.
Tháng trước Bắc Hàn tuyên bố phóng thử thành công loại tên lửa đạn đạo mới và vụ phóng được nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát.
Đó là vụ phóng đầu tiên từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và bị Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Nam Hàn và Nhật lên án.
Các hoạt động gần đây tại khu Tongchang-ri, nơi đặt trạm Vệ tinh Sohae, khiến các quan chức Nhật quan ngại.
Các màn hình được đặt tại các khu vực trọng điểm trong vùng, có lẽ nhằm ngăn vệ tinh do thám, theo hãng tin Yonhap của Nam Hàn.
Hôm 5/3, Nam Hàn cho biết sẽ tăng gấp bốn tiền thưởng đến 860.000 đôla cho những người đào tẩu từ miền Bắc chia sẻ thông tin mật giúp tăng cường an ninh.