Ngoại trưởng Mỹ ‘xuống thang’ về Biển Đông ? (VOA, 11/03/2017)
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ dường như đã mềm mỏng hơn, sau khi bất ngờ có phát biểu cứng rắn về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Xét về nhiều khía cạnh, việc xây đảo ở Biển Đông rồi đưa vũ khí lên các hòn đảo đó giống với việc Nga chiếm Crimea. Hành động của Trung Quốc hết sức đáng ngại, và tôi nghĩ rằng việc không có phản ứng đã khiến họ ngày càng lấn lướt. Cần phải gửi tín hiệu cho Trung Quốc rằng họ phải ngưng xây đảo, và việc tiếp cận các đảo này cũng sẽ không được phép", ông Rex Tillerson nói trong buổi điều trần chuẩn thuận chức ngoại trưởng hồi đầu năm nay.
Sau đó, xuất hiện một tài liệu dài hơn 50 trang bao gồm các câu trả lời bằng văn bản đối với những câu hỏi của ông Ben Cardin, thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Maryland từ buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Tài liệu mới này cho thấy ông Tillerson có vẻ như dịu hơn sau khi có tuyên bố cứng rắn mà báo chí nhà nước Trung Quốc nói là có thể gây ra chiến tranh, theo tờ Japan Times.
"Trung Quốc không thể được cho phép sử dụng các đảo nhân tạo để ép buộc các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải hoặc việc bay ngang ở Biển Đông", ông Tillerson đáp lại câu hỏi về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. "Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải và bay ngang bằng cách tiếp tục bay, giương buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Nếu một tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác phải có thể hạn chế sự tiếp cận cũng như việc sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói.
Trong tài liệu mới, ông Tillerson, người được Thượng viện Mỹ chính thức chuẩn thuận trong cuộc bỏ phiếu thuận/chống là 56-43 hôm 1/2, cũng nói về sự cần thiết của Mỹ và đồng minh phải chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các hòn đảo này trong trường hợp xảy ra "tình huống bất ngờ".
"Nếu một tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác phải có thể hạn chế sự tiếp cận cũng như việc sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh", ông Tillerson viết.
Ông cũng dường như ủng hộ một chính sách mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với các vùng biển tranh chấp", cũng như các nguy cơ ngày càng tăng từ một động thái như vậy, theo nhận định của Japan Times.
"Hoa Kỳ phải sẵn lòng chấp nhận nguy cơ nếu muốn ngăn chặn các hành động gây thêm bất ổn và bảo đảm các đồng minh cũng như các đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ để duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế", ông Tillerson viết. Ông cũng nói thêm rằng ông sẽ hợp tác với "các đối tác từ nhiều cơ quan khác nhau [của Mỹ] để phát triển một cách tiếp cận của toàn chính phủ [Mỹ] để chặn hành động lấn chiếm và đe dọa thêm nữa của Trung Quốc, cũng như "các thách thức đối với tự do hàng hải hoặc bay ngang" ở các vùng biển.
Trung Quốc bác bỏ chuyện nước này hạn chế tuần tra hàng hải ở Biển Đông, nhưng từng một số lần phản đối việc Mỹ đưa tàu chiến tới gần các hòn đảo nhân tạo.
Mới đây, sau khi Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông kể từ ngày 19/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phản đối bất kỳ hành động của các nước dưới "chiêu bài tuần tra tự do hàng hải", đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.
Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Phát ngôn viên Việt Nam Lê Hải Bình nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản ứng rằng "duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực", và rằng "các bên đều có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung này".
Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, và nhiều khả năng vấn đề Biển Đông sẽ nằm cao trong chương trình nghị sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.
"Ngay lúc này, chúng tôi không thấy sự cần thiết phải thực thi các bước tiến quân sự mạnh mẽ", ông James Mattis được Reuters dẫn lời nói. "Điều chúng ta cần phải làm là nỗ lực hết sức, nhất là về ngoại giao, để giải quyết hợp lý việc này, duy trì việc mở các kênh trao đổi".
*******************
Trung Quốc ‘sẽ thường xuyên’ đưa du khách ra Trường Sa (VOA, 11/03/2017)
Chính quyền tỉnh Hải Nam ở miền nam Trung Quốc cho biết sẽ tổ chức các chuyến du lịch thường xuyên ra quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) ở Biển Đông vào năm 2020, ít ngày sau khi đưa hàng trăm khách du lịch ra Hoàng Sa.
Trung Quốc đưa tàu biển du lịch ra quần đảo Tây Sa
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ tiến hành việc này với tần suất ra sao. Tân Hoa Xã còn dẫn lời một tờ báo du lịch địa phương hôm 10/3 đưa tin rằng tỉnh Hải Nam sẽ cải thiện trải nghiệm của du khách với đội tàu mới cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng và các gói tour tốt hơn.
Truyền thông Trung Quốc cho biết rằng tỉnh Hải Nam đang nâng cấp các cảng biển và có kế hoạch tổ chức các tuyến tàu du lịch khắp vùng Biển Đông gồm các nước thuộc "Con đường tơ lụa trên biển".
Thông tin mới nhất trên được đăng tải ít ngày sau khi Trung Quốc đưa một chiếc du thuyền với hơn 300 người ra Hoàng Sa từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức đưa tàu biển du lịch ra quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) năm 2013, và kể từ đó tới nay, hai tàu biển du lịch đã thực hiện hơn 100 chuyến với hơn 20 nghìn du khách.
Giới quan sát cho rằng các động thái trên của Trung Quốc nhằm "khẳng định tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chiến lược".
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về các hoạt động du lịch mới nhất của Trung Quốc tới vùng biển tranh chấp, nhưng báo chí do nhà nước kiểm soát đã chỉ trích hành động này.
Trong bài viết với tựa đề "Trung Quốc ngang ngược triển khai du lịch tàu biển đến Trường Sa", trang tin của Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng Hà Nội "đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tổ chức những chuyến du lịch trái phép tới Hoàng Sa".
Việt NamA dẫn lại một tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hôm 24/6/2016 rằng "việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các bãi đá tại khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".
Ông Bình được trích lời nói tiếp : "Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này".
Năm 2015, tin cho hay, Thành phố Hồ Chí Minh lập kế hoạch thí điểm tuyến du lịch ra Trường Sa, cũng như xây dựng kế hoạch phát triển du lịch biển đảo cho tới năm 2020. Tuy nhiên, hiện chưa rõ việc này đã được triển khai ra sao.