Trung Quốc và hiểm họa một năm Hợi tồi tệ
Với tựa lớn trang bìa dịch nguyên văn thành "Trung Quốc : Thời tiết "xấu như heo" (Chine : Un temps de cochon)", tức là thời tiết cực kỳ tồi tệ, tuần báo Pháp Courrier International số ghi ngày 17-23/01/2019 đã dành hồ sơ chính của mình cho tình hình cường quốc Châu Á vào thời điểm đầu năm dương lịch 2019, lúc sắp bước vào năm Hợi âm lịch.
Trang bìa tuần báo Courrier International từ 17-23/01/2019 - với tựa chính "Trung Quốc : Thời tiết 'xấu như heo'" - Copie Ecran
Hình một con rồng đang phải đi dưới đất, người bị băng bó, hai chân trước phải chống nạng, nêu bật ý chính của hồ sơ, được tóm gọn trong tiểu tựa : "Lần đầu tiên Tập Cận Bình bị phản đối trong lúc chiến dịch đàn áp tiếp diễn và nền kinh tế đã đến lúc hụt hơi".
Trong bài xã luận mang tựa đề "Trung Quốc : Sau Mặt Trăng là thực tế trên Trái Đất", Courrier International đã nêu bật những hiểm nguy đang rình rập Trung Quốc trong năm nay
Mở đầu bài xã luận, Courrier International ghi nhận : Ngày 5/02, Trung Quốc sẽ bước vào năm Hợi, một năm có vẻ rất hoành tráng với sự kiện là ngày 1/10, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ mừng 70 năm Cách Mạng, một dịp để cho thấy sức mạnh đã tìm lại được. Và tháng Giêng đã bắt đầu với sự kiện Trung Quốc gởi được một con robot lên mặt khuất của Mặt trăng, một kỳ công được ghi lại cho thời nay và mai sau qua một bức ảnh toàn cảnh đã đi vòng quanh thế giới.
Thế nhưng một thời tiết kinh tế thất thường đang làm cho những giấc mơ đầu năm âm lịch của ông Tập Cận Bình ảm đạm đi.
Các động cơ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang hụt hơi. Tháng 12 vừa qua, xuất-nhập khẩu đã giảm sụt, gánh chịu những hậu quả đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Dấu hiệu của thời thế : Lượng xe hơi bán ra năm ngoái đã giảm, lần đầu tiên từ 12 năm qua.
Câu hỏi đặt ra là liệu con tàu Trung Quốc có thể chìm hay không ? Khi nổ ra khủng hoảng Châu Á năm 1997, hay khủng hoảng tài chánh năm 2008, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tránh được tình hình tồi tệ bằng cách bơm tiền, chi tiêu ồ ạt hoặc hiện đại hóa đất nước.
Theo Courrier International, là người độc đoán, không mấy thích cải cách, ông Tập Cận Bình giờ đang bị đẩy vào chân Vạn Lý Trường Thành. Người ta thường nói là năm nay con heo, mệnh thổ có hai đức tính : biết che chắn và bền bỉ. Tuần báo Pháp kết luận : "Đây là hai đức tính mà chủ tịch Trung Quốc sẽ cần đến để vượt qua một năm nguy hiểm".
Trung Quốc : Tăng trưởng năm 2018 có thể chỉ bằng số không
Về thực trạng của nền kinh tế Trung Quốc, trong bài viết mang tựa đề "Điềm dữ cho tăng trưởng", Courrier International đã giới thiệu bài nói chuyện của một giáo sư kinh tế và rất có uy tín tại Trung Quốc, đã không ngại bác bỏ con số về tăng trưởng trong năm 2018 đã được chính phủ thổi phồng lên thành 6,5%, để cho rằng tỷ lệ thực thụ chỉ ở mức tối đa là 1,67% mà thôi.
Trong bài diễn văn đọc ngày 16/12/2018 tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, giáo sư Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo), phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế của trường đại học này, nguyên trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng : "Sự kiện quan trọng nhất năm 2018 ở Trung Quốc là đà khựng lại của nền kinh tế".
Giáo sư Hướng tố cáo : "Cục Thống Kê Quốc Gia cho là tăng trưởng GDP đạt mức 6,5%, nhưng một báo cáo nội bộ của một nhóm nghiên cứu thuộc một tổ chức hàng đầu, đã đưa ra hai số liệu khác, ước tính đầu tiên cho thấy tăng trưởng đạt mức 1,67%, và con số thứ hai là một tỷ lệ tăng trưởng âm".
Đối với vị giáo sư này, trong năm 2018 Trung Quốc đã phạm ba sai lầm về mặt đánh giá nền kinh tế. Ngoài những sai lầm về mức độ của sự đình đốn kinh tế, còn có những đánh giá sai về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trên nền kinh tế.
Báo chí Trung Quốc, theo ông, đã quá lạc quan về cơ hội chiến thắng trước Washington, trong khi mà lúc này, hai bên đã xung đột với nhau trên vấn đề "giá trị", một cuộc xung đột vẫn "chưa tìm ra lối thoát".
Sai lầm thứ ba, theo ông, là đã đánh vào ngành tư doanh tại Trung Quốc khi luôn luôn nhắc đến ý thức hệ Mác-xít chính thống vốn chủ trương xóa bỏ khu vực tư nhân trong khi mà khu vực này chiếm khoảng 70% GDP.
Video ghi lại bài phát biểu của giáo sư Hướng Tùng Tộ, ngay lập tức được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt và chỉ còn lại trên YouTube - vốn bị cấm ở Trung Quốc – và đã có được 1,5 triệu lượt người xem. Một bản ghi chép lại bài nói chuyện của ông đã được đăng trên trang web Tân Thế Kỷ (Xinshiji) của Hồng Kông.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu
Kinh tế Trung Quốc cũng được tuần báo L’Obs chú ý trong hồ sơ chính nêu lên thành tựa lớn trang bìa dưới dạng câu hỏi : "Phải chăng sắp có một cuộc khủng hoảng mới ?" về tài chánh. Tuần báo Pháp như đã trả lời trong hàng tiểu tựa bên dưới : "10 lý do để lo ngại".
Trong số một chục lý do có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tạp chí L’Obs đã nêu lên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, cộng thêm với tình trạng tại chính hai quốc gia này.
Mỹ đã kinh qua 114 tháng liên tiếp tăng trưởng, gần đạt mức kỷ lục 120 tháng từ năm 1991 đến năm 2001. Nhưng tình hình đó sẽ không kéo dài vô tận. Đó là chưa kể đến vấn đề nợ.
Trong lãnh vực nợ, Trung Quốc sẽ không thoát khỏi hiểm nguy. Tổng số nợ của Trung Quốc, từ 130% GDP năm 2008, giờ đã lên đến 260%.
Vào năm 2017, tình trạng nợ của thế giới đã đạt mức kỷ lục 184.000 tỷ đô la, cao hơn đến 40% so với trước giai đoạn khủng hoảng subprimes ở Mỹ.
Nguy cơ, theo L’Express, cũng đến từ tầm cỡ quá lớn của nhiều ngân hàng trên thế giới, nếu chẳng may các cơ sở này bị phá sản, thì các nước dựa vào các ngân hàng đó cũng bị khủng hoảng theo. Trên thế giới có 29 ngân hàng loại này, trong đó có 4 ngân hàng Pháp.
Ngoài ra, cũng vẫn có những "nhà bác học điên rồ của tài chính", luôn luôn sẵn sàng đầu cơ để trục lợi bằng cách sáng tạo ra những sản phẩm nguy hiểm, độc hại.
Nước Pháp không thể cai trị được ?
Trong lúc L’Obs lo âu vì tình hình tài chánh thế giới, đồng nghiệp L’Express thì lại quan ngại về tình hình chính trị nước Pháp, cũng với một câu hỏi đặt thành tựa lớn trang bìa : "Phải chăng Pháp là nước không thể cai trị ?", kèm theo hai tiểu tựa : "Uy lực của các mạng xã hội" và "Tổng thống trên miệng núi lửa".
Ngay trang bìa, tuần báo Pháp đã giới thiệu hồ sơ dài 14 trang về tình trạng nước Pháp, nơi mà mọi thứ đều xấu đi. L’Express nhận xét : "Uy quyền của giới lãnh đạo chính trị bị thoái hóa, trọng lượng ngày càng lớn của các mạng xã hội, xã hội bị phân mảnh, các cơ chế trung gian bị suy yếu và đối lập tơi tả… Điều hành đất nước vào lúc dư luận đang nổi giận quả là một việc còn hơn cả rắc rối".
Với phong trào Áo Vàng đang bùng lên, theo L’Express, "Chính phủ Macron đã thành nạn nhân của một cơn địa chấn mà những người tiền nhiệm đã thoát, và kể từ nay phải "cam chịu" và hành xử theo một số yếu tố vốn làm cho việc điều hành thêm gai góc. Trong số các yếu tố này, có sự vươn lên của các mạng xã hội, có chức năng giống như điểm hội tụ của dư luận bị kích động đến cùng cực".
Trong bài viết "Cuộc đời màu vàng là ở trên Facebook", L’Express ghi nhận tính chất quan trọng của mạng xã hội này trong phong trào Áo Vàng Pháp, và chính thông qua phương tiện đó mà những người biểu tình biết được thời gian và địa điểm tập hợp.
Vấn đề, theo L’Express là các mạng xã hội giờ đây đầy rẫy những thông tin thất thiệt, những mưu toan lũng đoạn dư luận, những luận điểm cực đoan, không còn là nơi để bảo vệ các quyền tự do nữa…
Nghệ thuật đàm phán trong mọi lãnh vực
Khi tất cả các đồng nghiệp chú ý đến những chủ đề nghiêm trọng, tuần báo Le Point lại có vẻ như chú ý một đề tài rất nhẹ nhàng. "Nghệ thuật thương thuyết" là tựa lớn trang bìa của tạp chí Pháp kèm theo ghi chú hóm hỉnh bên dưới : "Với người chủ của mình, với người hôn phối, với con cái, trong kinh doanh, trong chính trị (có hoặc không có những người Áo Vàng)".
Đối với Le Point, cái dở của người Pháp chính là không thấy rõ được khía cạnh tích cực của việc đàm phán thương thuyết, đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình hay ngoài xã hội.
Theo giáo sư khoa học chính trị Aurélien Colson tại trường Essec, phụ trách Viện Nghiên cứu và giảng dạy về Đàm Phán, người Pháp thường đồng hóa sự thỏa hiệp, kết quả tự nhiên của một cuộc đàm phán, với một hành vi nhượng bộ hay lùi bước. Tuy nhiên, ở những nước Châu Âu khác, ở Đức hay ở các nước Bắc Âu, đàm phán trái lại là một hoạt động cao cả gắn liền với lợi ích chung, góp phần nâng cao giá trị của những người tham gia.
Đối với Le Point, đàm phán có thể là thuốc giải độc cho bạo lực, cho phép giải quyết trong danh dự những xung đột vốn có trong bất kỳ xã hội loài người nào, từ những trắc trở trong cuộc sống hàng ngày, đến các xích mích ngoại giao giữa các quốc gia.
Theo tuần báo Pháp, bất kể mục tiêu hơn thua, bối cảnh, số lượng các bên tham gia, nghệ thuật đàm phán tốt đều tuân theo một số nguyên tắc được áp dụng trong mọi lĩnh vực. Lionel Bellenger, cựu giáo sư triết học, hiện giảng dạy môn đàm phán tại trường cao đẳng thương mại HEC xác định : "Đàm phán có vị trí trung tâm trong mọi quan hệ xã hội và đòi hỏi một số đức tính bất di bắt dịch nơi người tham gia, cho dù đó là đàm phán ngoại giao, đàm phán thương mại hay chỉ đơn thuần là việc tìm kiếm một thỏa hiệp trong hôn nhân".
Đức tính đầu tiên là biết lắng nghe, vì giải pháp cho vấn đề hầu như lúc nào cũng nằm trong những gì mà đối phương nói.
Đức tính thứ hai là tôn trọng đối phương. Tốt hơn hết là không nên tận dụng quá mức lợi thế mà mình đã giành được, bởi vì nếu đè bẹp đối thủ, ta có nguy cơ phải trả giá về sau về hành vi sỉ nhục đó.
Đức tính thiết yếu cuối cùng theo Lionel Bellenger là tính chất thực tế, biết thích nghi : "Đàm phán không phải là để chứng tỏ rằng mình đúng, mà là để có được sự đồng ý của đối phương. Đây là hai điều rất khác nhau".
Trọng Nghĩa