Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/01/2019

Trung Quốc : khống chế bằng thông minh nhân tạo, lo sợ cách mạng màu

RFI tiếng Việt

Trung Quốc dùng trí thông minh nhân tạo kiểm soát Biển Đông

Sau thành công chinh phục không gian, trị dân trong nước, Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo trong hàng loạt dự án đầy tham vọng, trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học, nhưng thực chất là kiểm soát Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền hơn 80% diện tích.

tq1

Tàu tự hành của Trung Quốc tại Triển lãm Đại dương học Quốc tế Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh chụp ngày 23/10/2018)STR / AFP

Trong bài viết về Trí thông minh nhân tạo ở Biển Đông (Artificial Intelligence in the South China Sea) trên trang Global Risk Insights (28/12/2018), Jonathan Hall, chuyên gia phân tích rủi ro chính trị và an ninh chuyên về địa chính trị Á-Âu, lược lại những dự án ở Biển Đông được Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo, từ thăm dò dưới biển sâu, đầu tư quốc tế, cho đến hoạt động quân sự và an ninh mạng.

Lập căn cứ trí thông minh nhân tạo dưới đáy Biển Đông

Các nhà khoa học Trung Quốc lên kế hoạch lập một căn cứ đầu tiên trên thế giới do trí thông minh nhân tạo điều hành và nằm dưới biển sâu. Dự án mang tên Hades (từ chỉ địa ngục trong thần thoại Hy Lạp) được khởi động vào tháng 11/2018 tại Viện Khoa Học Trung Quốc sau chuyến thăm hồi tháng Tư của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Viện Nghiên cứu Hải dương ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.

Ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học, kỹ sư thực hiện một việc chưa từng có : "Không có con đường nào dưới đáy biển. Chúng ta không cần phải đuổi theo các nước khác, chúng ta tự làm đường".

Dự án trị giá khoảng 160 triệu đô la. Trên lý thuyết, khu phức hợp dưới đáy biển sẽ có nơi neo đậu cho các thiết bị lặn không người lái phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng hẳn Trung Quốc sẽ sử dụng căn cứ này phục vụ mục đích quân sự.

Khu vực đang được nghiên cứu là Rãnh Manila (Manila Trench), nơi duy nhất ở Biển Đông có độ sâu trên 5.000 mét. Nằm gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ Philippines vào năm 2012, Trung Quốc sẽ lấy cớ lập căn cứ nhân đạo để triển khai lực lượng mang lợi ích chiến lược ở khu vực này.

Nằm tại điểm giao nhau giữa khối lục địa Á-Âu và Châu Đại Dương, Rãnh Manila là địa điểm hoàn hảo để ghi lại hoạt động địa chấn. Ở một trong những vùng xảy ra động đất nhiều nhất thế giới, Trung Quốc lại càng có khả năng đẩy nhanh lịch trình "lợi cả đôi đường" : một mặt, theo dõi động đất và sóng thần nhằm giúp giới chuyên gia lập biện pháp khẩn cấp ở mỗi nước, mặt khác, tiến hành những chiến dịch đối kháng và theo dõi tầu bè nước ngoài.

Thiết bị lặn không người lái

Vẫn sau chuyến thăm vào tháng 04/2018 của ông Tập Cận Bình, Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc bắt đầu theo đuổi kế hoạch lập một đội tầu lặn tự hành, hay còn được gọi là "Phương tiện không người lái dưới nước" (Extra Large Underwater Unmanned Vehicles, XLUUV).

Những con tầu này có khả năng làm nhiệm vụ từ theo dõi cá voi đến hoạt động chống tầu sân bay. Tất cả hoạt động nhờ vào trí thông minh nhân tạo. Có thể vượt qua hàng nghìn hải lý, tùy thuộc vào kích cỡ của đội tầu mà Trung Quốc có thể xuất hiện ở khắp nơi trong khu vực. Khi di chuyển dưới đại dương, đội tầu ngầm tự hành này sẽ có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn, từ chiến tranh điện tử đến rà mìn (mine warfare), cũng như nhiều khả năng tấn công khác.

Chuyên gia Jonathan Hall không loại trừ khả năng một thiết bị ngầm tự động không người lái, bị mất kiểm soát, vì công nghệ trí thông minh nhân tạo vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nên có thể bắn vào tầu hải quân hoặc tầu dân sự. Trung Quốc có thể sẽ gây ra một cuộc tấn công quy mô nhỏ kiểu như vậy nhắm vào các tầu nước ngoài, sau đó tuyên bố tại nạn xảy ra ngoài ý muốn vì "sự cố công nghệ".

Phát triển hệ thống thiết bị tự động dưới lòng biển nằm trong chiến lược "Vạn lý trường thành dưới nước" của Trung Quốc. Dự án bao gồm cả một mạng lưới máy dò, được đặt ngầm trong khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho quốc phòng. Lợi ích chiến lược chính của dự án này là nhằm phát hiện tầu ngầm của Mỹ, Nga, đồng thời loại bỏ lợi thế hiện nay của những nước này trong lĩnh vực hải quân.

Công nghệ "2 trong 1"

Theo Tổng công ty Đóng tầu Nhà nước Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation), cơ quan phụ trách dự án, một mục tiêu khác là cung cấp cho khách hàng "một giải pháp trọn gói về giám sát và thu thập dữ liệu môi trường dưới nước, theo dõi trực tiếp các mục tiêu trên mặt nước và dưới lòng biển, cảnh báo động đất, sóng thần và những thảm họa khác, cũng như những nghiên cứu hải dương".

Dự án có lợi cho tất cả các bên tham gia nhưng, một thực tế không được nêu lên, đó là lợi ích mang tính quyết định mà lực lượng hải quân Trung Quốc có thể được hưởng. Với hệ thống giám sát trực tiếp trên khắp Biển Đông, tiềm lực chiến thuật là gần như vô hạn.

Công nghệ trí thông minh nhân tạo còn được phát triển rộng hơn nhờ khả năng dễ dàng chuyển từ ứng dụng tư nhân sang ứng dụng quân sự. Nếu thuật toán lập trình được phát triển trong lĩnh vực dân sự có khả năng dễ dàng thích ứng trong ứng dụng quân sự, thì toàn bộ cộng đồng khởi nghiệp trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc cũng có thể tham gia vào quá trình phát triển các ứng dụng bảo mật của công nghệ trí thông minh nhân tạo.

Lấy ví dụ thiết bị lặn không người lái, một thuật toán thông minh nhân tạo sẽ được sử dụng để điều khiển những con tàu đó khi chúng đi tìm tài nguyên và những dữ liệu khoa học hữu ích khác. Được thiết kế để kết hợp với nhau, thuật toán lập trình có thể dễ dàng giúp tìm ra thêm cách sử dụng trong khuôn khổ gọi là "kỹ thuật quần thể" (swarming techniques), có nghĩa là cho phép các thiết bị lặn không người lái hoạt động đồng bộ và thích ứng dễ dàng với mọi thay đổi trong môi trường chiến đấu. Những thuật toán như vậy đã tồn tại trong lĩnh vực tư nhân, quân đội chỉ cần thích ứng để có được khả năng sử dụng trọn vẹn trong các chiến dịch hải quân.

Thảo chính sách nhờ hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo

Những tiến bộ trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc là một ví dụ khác cho thấy rõ lợi ích kép của trí thông minh nhân tạo. Một bản mẫu (prototype), đang được thử nghiệm, cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo một hệ thống ngoại giao được trí thông minh nhân tạo hỗ trợ. Phiên bản này hiện đang được sử dụng để giảm tải cho các nhà hoạch định dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Với hơn 70 nước và khoảng 65% dân số thế giới liên quan đến dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc, rất nhiều yếu tố cần được cân nhắc khi đưa ra quyết định. Nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo giúp tổng hợp các dữ liệu và đưa ra những đề xuất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có lẽ đã thu được những lợi ích quan trọng về mặt hiệu quả và độ chính xác trong phán đoán.

Ngoài hữu ích cho đầu tư nước ngoài, hệ thống này đã được quân đội Trung Quốc sử dụng cho hoạt động quân sự.

Triển vọng của trí thông minh nhân tạo

Năm 1997, phần mềm Deep Blue của IMP đã đánh bại Garry Kassparov, kiện tướng cờ vua người Nga. Dù chưa phải là một công nghệ trí thông minh nhân tạo thực thụ, nhưng nó đã tổng hợp được vài nghìn cử động mỗi giây. Đây là một trong những thành công đầu tiên trong loạt thử nghiệm như vậy.

Năm 2016, phần mềm AlphaGo của Google đã đánh bại Lee Sedol, một trong những kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới. Chưa đầy một năm sau, Google công bố AlphaGo Zero. Trong khi phiên bản đầu AlphaGo học chơi cờ bằng cách phân tích các trận đấu giữa trí thông minh nhân tạo và con người, thì AlphaGo Zero tự chơi. Sau ba ngày, AlphaGo Zero đã có thể thắng phiên bản trước và khẳng định khả năng tự học của trí thông minh nhân tạo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố vào năm 2017 rằng "bất kỳ nước nào trở thành thủ lĩnh trong lĩnh vực này thì sẽ trở thành nước lãnh đạo thế giới". Dường như không nước nào chú ý đến lời phát biểu đó, trừ Trung Quốc.

RFI tiếng Việt

***********************

Trung Quốc lại cảnh báo về hiểm họa "cách mạng màu" (RFI, 18/01/2019)

Công an Trung Quốc phải cảnh giác trước các cuộc "cách mạng màu", hay các cuộc nổi dậy của quần chúng và coi việc bảo vệ hệ thống chính trị Trung Quốc là trọng tâm trong công việc của mình. Lời nhắc nhở này đã được bộ trưởng bộ Công An Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) đưa ra ngày hôm 17/01/2019 và công bố trên trang mạng của bộ.

tq2

Robot tuần tra an ninh tại một khu dân cư ở Hohhot, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 18/01/2019. Reuters/Stringer

Phát biểu của lãnh đạo ngành Công An Trung Quốc được hãng tin Anh Reuters trích dẫn không có gì mới lạ, vẫn là phải bảo vệ vững chắc "quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa của đất nước", chống lại mọi âm mưu "xâm nhập và lật đổ của các thế lực thù địch nước ngoài…".

Theo Reuters, Đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu nay đã giao cho lực lượng Công An nhiệm vụ dập tắt mọi mầm mống của một phong trào xã hội hoặc chính trị. Tuy nhiên, nỗ lực đàn áp đã tăng lên dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, người đã cảnh báo rằng Bắc Kinh cần làm nhiều hơn để chống lại ảnh hưởng của Phương Tây vốn có thể làm suy yếu quyền cai trị của đảng.

"Cách mạng màu" là thuật ngữ được dùng để chỉ các cuộc nổi dậy của người dân tại một số nước Liên Xô cũ, chẳng hạn như ở Ukraina, vốn đã góp phần lật đổ các chế độ tồn tại lâu đời. Chế độ Bắc Kinh vẫn thường nêu các cuộc nổi dậy đó thành ví dụ để cảnh cáo người dân về tình hình rối loạn có thể xảy ra do lật đổ các chính phủ lâu đời.

Theo ghi nhận của Reuters, từ năm 2014 đến nay, ngân sách an ninh nội địa của Trung Quốc không được chính quyền tiết lộ, nhưng giới phân tích ước tính là đà chi tiêu tiếp tục tăng vọt, với việc xây dựng các công trình liên quan đến an ninh đã tăng gấp ba lần trong năm 2017 ở vùng Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn cư dân thuộc các sắc tộc thiểu số Hồi Giáo bị giam giữ trong các trại cải tạo.

Các tài liệu mua sắm của chính phủ Trung Quốc cho thấy là ngành Công An cũng đã tăng chi tiêu trên toàn Trung Quốc để mua các thiết bị công nghệ cao mới, như máy quét điện thoại chẳng hạn, để dùng trong việc giám sát dân chúng.

Mai Vân

*******************

Trung Quốc cảnh báo Canada không nên cấm công nghệ 5G của Hoa Vi (RFI, 18/01/2019)

Đại sứ Trung Quốc tại Canada hôm 17/01/2019 đã cảnh báo Ottawa là có thể bị trả đũa nếu cấm Hoa Vi (Huawei) cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G.

tq3

Ông Lư Sa (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Canada, phát biểu về dự án Con đường Tơ lụa mới tại đại học Carleton, Ottawa, ngày 14/12/2018. Reuters/Chris Wattie

Ông Lư Sa (Lu Shaye) tuyên bố như trên trong cuộc họp báo, nhưng không cho biết chi tiết, và đòi hỏi Canada nên có một "quyết định khôn ngoan". Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, ngoại trưởng Canada - bà Chrystia Freeland vốn chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh - khi tham dự Diễn đàn Davos tuần tới không nên cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước.

Theo ông Lư Sa, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đã bị Canada giam giữ trong điều kiện tệ hại. Ngược lại, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) nhà sáng lập Hoa Vi và là cha của bà Mạnh, nói rằng bà được Canada đối xử tử tế, và ngoại trưởng Canada hôm 17/01 hoan nghênh nhận xét của ông Nhậm.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã xấu hẳn đi sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi bị bắt tại Vancouver hôm 01/12/2018 theo yêu cầu của Hoa Kỳ vì nghi vấn vi phạm lệnh cấm vận với Iran.

Để trả đũa, Trung Quốc bắt giam hai công dân Canada, và mới đây đã kết án tử hình một người Canada vì cáo buộc buôn ma túy - án tử được tuyên nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tố cáo Bắc Kinh áp dụng tùy tiện án tử hình và kêu gọi sự trợ giúp của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Tại Hoa Kỳ hôm thứ Tư 16/1, một nhóm dân biểu lưỡng đảng đã đệ trình dự luật cấm các công ty Mỹ bán chip điện tử và các linh kiện khác cho Hoa Vi, ZTE và các công ty Trung Quốc khác vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.

Trường đại học danh tiếng Oxford của Anh ngày 18/01 loan báo ngưng nhận mọi tài trợ của Hoa Vi, do "quan ngại của công chúng".

Về tình hình kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 xuống đến mức thấp nhất kể từ 30 năm qua do thương chiến Mỹ-Trung và tiêu thụ nội địa sụt giảm. Con số chính thức sẽ được công bố vào đầu tuần tới, nhưng theo 13 nhà phân tích được AFP tham khảo, tỉ lệ tăng trưởng không quá 6,6%, và nợ cả công lẫn tư của Trung Quốc đã vượt quá 250% GDP.

Thụy My

******************

Đài Loan gia tăng theo dõi báo chí thân Trung Quốc (RFI, 18/01/2019)

Đài Bắc sẽ gia tăng điều tra các tờ báo thân Bắc Kinh đe dọa an ninh hải đảo và tung tin thất thiệt chống các nhà hoạt động chính trị có tinh thần độc lập với Trung Quốc. Một viên chức thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Đài Loan cho biết như trên.

tq4

Dân biểu đảng Dân Tiến La Chí Trình (Lo Chih Cheng) chụp ảnh với bài viết của hai tờ báo Hồng Kông, Tạ Công báo và Văn Hội báo, sau buổi họp báo tại Đài Bắc, ngày 18/01/2019. Reuters/Tyrone Siu

Theo bản tin Reuters ngày 18/01/2019, phó giám đốc một đơn vị an ninh tại Đài Bắc cho biết ưu tiên số một của an ninh hải đảo là theo dõi các hoạt động của "thế lực nước ngoài"thù địch với Đài Loan và kêu gọi dân chúng, truyền thông hợp tác giúp phát hiện các hành vi này.

Phản ứng trên đây của an ninh Đài Bắc phát xuất từ một số bài viết trên báo Hồng Kông có lập trường thân Trung Quốc. Cụ thể là Văn Hội báo, trong một bài phóng sự tiết lộ một số sinh hoạt của nhiều nhà hoạt động chống Trung Quốc trong tuần qua đã đến Đài Loan. Bên cạnh đó là Tạ Công báo, một tờ báo bình dân phản ảnh lập trường của Bắc Kinh, thường phê phán gay gắt các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và chính khách Đài Loan, tung tin thất thiệt, xâm phạm luật lệ Đài Loan, theo tố cáo của phát ngôn viên văn phòng tổng thống.

Trong số báo ngày 14/01, Tạ Công báo và Văn Hội báo đồng loạt đăng bài với hình ảnh đính kèm, tường thuật chi tiết các cuộc họp và sách mà hai thành viên nhóm sinh viên dân chủ Hồng Kông đứng đọc trong một nhà sách. Điều này là "chuyện khủng khiếp", theo nhận xét của một học sinh, là ngay Đài Loan mà dân chúng bị Bắc Kinh theo dõi 7 ngày trên 7.

Theo Reuters, tổng thống Thái Anh Văn cảnh báo công luận đề phòng chiến dịch tung tin giả của Trung Quốc khi Đài Loan bầu lại tổng thống trong hơn một năm nữa.

Một dân biểu của đảng Dân Tiến bài tỏ lo ngại : "Báo chí Hoa lục theo dõi, giám sát hoạt động tại Đài Loan, đây là một vấn đề cho an ninh quốc gia".

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 565 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)