Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/01/2019

Điểm báo Pháp - Kinh tế Trung Quốc lâm vào khủng hoảng

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Kinh tế lâm vào khủng hoảng ?

Đề tài được nhiều báo Pháp ngày 22/01/2019 tập trung phân tích nhiều nhất là tình hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khựng lại trong năm 2018.

crise1

Chính phủ Trung Quốc muốn kích thích tiêu thụ trước tình trạng kinh tế tăng trưởng khựng lại. STR / AFP

Les Echos trên trang nhất dành một góc chạy tựa "Tăng trưởng : Báo động Trung Hoa".

Tăng tưởng kinh tế Trung Quốc ở mức thấp nhất từ 30 năm qua. Ở trong nước, Tập Cận Bình bị chỉ trích. Ngoài thế giới, các nước lo âu. Đáng lo nhất là nguy cơ tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngầm thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại gây tổn hại cho các nước khác. Trên đây là những nhận định chung của các báo Pháp về tin xấu kinh tế Trung Quốc.

Người khổng lồ "hụt hơi"

Thế giới như đang trải qua một "mùa đông Trung Quốc" như hàng tựa bài xã luận của Les Echos. "Bước khựng lớn của nền kinh tế Trung Quốc" là hàng tít lớn trên trang nhất phụ trang kinh tế báo Le Monde. Chựng lại là vì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm qua chỉ ở mức 6,6%, theo như số liệu chính thức công bố ngày thứ Hai, 21/01/2019. Đối với nhiều nước, đây là một mức tăng trưởng quá lý tưởng, nhưng với Trung Quốc đây là mức thấp nhất từ gần 30 năm nay.

Con số này gây lo ngại vì mức tăng trưởng giảm dần theo mỗi quý : 6,8% cho quý I nhưng đến quý IV chỉ còn có 6,4%. Các chỉ số này không gây ngạc nhiên bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất hành tinh đang bị "hụt hơi". Sau một thời gian dài phủ nhận kinh tế trì trệ, chính quyền Bắc Kinh từ tháng 11/2018 mới nhìn nhận hiện tượng. Trung Quốc buộc phải giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2019 xuống còn ở khoảng từ 6-6,5% thay vì ở ngay mức 6,5% như ban đầu.

Phải chăng kinh tế Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng ?

Đây cũng chính là câu hỏi báo Le Monde đặt ra với ông Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo), chuyên gia kinh tế trường đại học Nhân dân, Bắc Kinh, người đã đưa ra một nhận định chấn động cho rằng tăng trưởng thật sự của Trung Quốc chỉ ở mức có 1,67%.

Trả lời phỏng vấn nhật báo, vị giáo sư này khẳng định nhiều chỉ số cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn khủng hoảng. Thị trường tài chính sụt giảm, doanh nghiệp phá sản, nợ vay không hoàn trả, đầu tư giảm, rồi lượng xe ô tô mới được bán ra giảm, chỉ số tiêu dùng giảm…

Theo vị chuyên gia này, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay gần giống với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Trong vòng 10 năm sau đó, thị trường chứng khoán Wall Street mất đến 2/3 giá trị. Tương tự, giá cổ phiếu Trung Quốc trong 10 năm qua sụt giảm trung bình đến 70%. Một thảm họa cho các nhà đầu tư. Một tai ương cho nhiều người giầu Trung Quốc.

Nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ?

Ông Hứa Tùng Tộ cho rằng đó chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân khác. Cuộc chiến này chỉ có một tác động về mặt tâm lý. Nguyên nhân chính cho sự trì trệ kinh tế chính là doanh nghiệp thiếu niềm tin vào chính sách nhất quán của Tập Cận Bình.

Vậy Trung Quốc làm thế nào có thể chấm dứt cuộc chiến này ?

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc này tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có được một thỏa hiệp vào ngày 01/03 tới đây. Bởi vì, chính Hoa Kỳ cũng cần đến thỏa hiệp đó.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là Washington quan ngại về thế mạnh thật sự của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Mối bận tâm thứ hai, đó là các doanh nghiệp Nhà nước. Những doanh nghiệp này được Nhà nước tài trợ ồ ạt dẫn đến một sự cạnh tranh bất cân xứng. Mối lo thứ ba, việc vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ và đánh cắp công nghệ cao của Mỹ. Trả lời được những mong đợi này đòi hỏi phải cải cách cơ cấu, một điều mà ông Tập Cận Bình hầu như không chấp nhận.

Chuyên gia Hứa Tùng Tộ nghĩ rằng cho dù Trung Quốc và Hoa Kỳ có đạt được một thỏa thuận, thì chỉ liên quan đến quy định về thuế quan, những hứa hẹn mua thêm hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một chính sách thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, chứ không có chút tác động gì đến các cải cách cơ cấu như phía Mỹ yêu cầu. Bởi vì, những cải cách này đặt lại vấn đề cơ cấu quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tập Cận Bình : Người cầm lái, phải hứng mũi chịu sào ?

Nếu như "kinh tế Trung Quốc hụt hơi khiến thế giới lo ngại" như quan sát của Les Echos, thì sự việc cũng cho thấy rõ có sự chia rẽ trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc. Việc ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực và trở thành lãnh đạo suốt đời hay tôn sùng cá nhân đang làm dấy nhiều bất mãn ngay trong lòng phe hoàng tử đỏ và giới quan chức.

Nhiều người cho rằng chính những lời lẽ quá huênh hoang của lãnh đạo Trung Quốc về đà đi lên thành siêu cường của Trung Quốc, về những con đường tơ lụa hay kế hoạch "Made in China 2025" cuối cùng đã làm cho nhiều nước lo ngại, đi đầu là nước Mỹ. Và nhất là, trong cuộc chiến thương mại này, ông Tập Cận Bình bị chỉ trích là đã đánh giá thấp tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã không tin rằng Hoa Kỳ áp thuế cao hàng hóa Trung Quốc.

Trump – Tập ngầm bắt tay, Châu Âu lãnh hậu quả ?

Nhưng đến một lúc nào đó, cuộc chiến này cũng phải tạm ngưng. Cả hai lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ được lợi nhiều khi bắt tay nhau hơn là để cho cuộc tranh chấp thương mại này vượt qua ngày ấn định là 01/03/2019. Chỉ có điều, "Trump và Tập sẽ bắt tay nhau sau lưng chúng ta (Liên Hiệp Châu Âu)". Đây chính là lời cảnh báo của ông Renaud Girard trên tờ Le Figaro.

Nhà báo giải thích : Ông Trump đã bước vào chiến dịch tái tranh cử tổng thống. Vì chỉ thích phát biểu đơn giản, do vậy, trong suốt mùa hè và mùa thu 2020 tới đây, tổng thống Mỹ sẽ nói có ba điều và chỉ ba mà thôi với các cử tri của ông : Nhờ có tôi, kinh tế Mỹ chưa bao giờ được thịnh vượng như thế ; nhờ có tôi, người ta không thể vào nước Mỹ như kiểu nhà ai cũng vào được ; và nhờ có tôi, Hoa Kỳ đã có được những thắng lợi lớn về mặt ngoại giao.

Ba điều này Tập Cận Bình biết rất rõ và có thể giúp ông Trump điểm thứ nhất và thứ ba. Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng chừng nào tổng thống Mỹ chưa thông báo từ bỏ áp thuế quan hàng hóa Trung Quốc, thì niềm tin của giới đầu tư và người tiêu thụ Trung Quốc chừng ấy chưa trở lại.

Do vậy, Lưu Hạc, đặc sứ của Trung Quốc sẽ không đến Washington để thương lượng vào hai ngày 30 và 31/01 với hai bàn tay trắng. Đi theo ông là một kế hoạch nhập khẩu hàng ồ ạt của Mỹ, có thể giúp tái cân bằng cán cân thương mại giữa hai siêu cường vào năm 2024. Kế hoạch này đương nhiên sẽ làm hài lòng nước Mỹ. Chính quyền Washington sẽ không chỉ trích Bắc Kinh làm lệch cán cân thương mại.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Trung Quốc ở một điểm thứ hai. Washington cáo buộc Bắc Kinh chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của Mỹ qua các hoạt động tình báo, cưỡng ép chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc được tiếp cận thị trường Trung Quốc… Đương nhiên, nhà đàm phán Lưu Hạc sẽ phải phủ nhận toàn bộ để rồi sau đó đành phải chấp nhận nhượng bộ và ký một thỏa hiệp với Hoa Kỳ.

Chỉ có điều theo ông Renaud Girard, Liên Hiệp Châu Âu sẽ chẳng hưởng được lợi gì từ cuộc mặc cả Mỹ - Trung này, do được thực hiện ngoài khuôn khổ cơ chế đa phương. Ông Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước xuyên Đại Tây Dương Auckland, hình thành một công cụ chung khá hữu hiệu để áp đặt các quy định mới cho Trung Quốc. Giờ đây, Bắc Kinh sẽ dàn xếp một thời gian nữa với Washington, nhưng vẫn sẽ tiếp tục chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của Châu Âu.

Khối Liên Hiệp Châu Âu chẳng khác gì hình ảnh một chú lùn bị kẹp giữa hai người khổng lồ. Một bên là Trung Quốc, đã mua gần hết các "báu vật" kinh tế từ nhiều nước nhỏ trong khối. Bên kia là Hoa Kỳ công khai tấn công tài chính ngành công nghiệp mũi nhọn Airbus. Từ những quan sát trên, nhà báo Renaud Girard kết luận, trong hoàn cảnh này, Pháp và Đức buộc phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ, sau hiệp ước Aix-la-Chapelle để tìm kiếm một lối thoát khỏi chiếc bẫy chiến lược này.

Trang nhất các báo Pháp

Cuộc Thảo luận toàn quốc vẫn là chủ đề chính trên trang nhất một số các báo Pháp. "Macron cố gắng tái chinh phục công luận như thế nào" là câu hỏi lớn trên báo Le Monde. "Kẻ ở trên cao - người ở dưới thấp, bước đầu cuộc thảo luận" là quan sát của tờ thiên tả Libération. Nhật báo Les Echos đương nhiên tiếp tục theo dõi cuộc thảo luận dưới góc cạnh kinh tế "Hưu trí : tuổi về hưu trọng tâm thảo luận".

Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro và nhật báo công giáo La Croix đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ Pháp – Đức qua hai tựa lớn "Hiệp ước Pháp – Đức : Merkel và Macron ký kết mà không mấy tin tưởng" và "Pháp và Đức, một mối liên hệ cần củng cố".

Hôm nay, hai lãnh đạo Pháp và Đức, ký kết một "Hiệp ước Aix-la-Chapelle". Văn bản này chỉ nhằm bổ sung cho hiệp ước Elysée được ký kết vào năm 1963, làm nền tảng cho quan hệ Pháp – Đức ngày nay.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)