Tổng thống Philippines muốn đổi tên nước thành Maharlika (VOA, 13/02/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ủng hộ việc đổi tên quốc gia thành "Maharlika" để cắt đứt quá khứ thuộc địa của đất nước.
Tổng thống Rodrigo Duterte.
Lời kêu gọi của ông Duterte được xem là lặp lại đề xuất của nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos trước đây, đề nghị đổi tên quốc gia thành "Maharlika" (tiếng địa phương, tạm dịch nghĩa là "cao quý").
Do chịu dưới sự cai trị của Tây Ban Nha trong hơn 300 năm nên đất nước Philippines đã được đặt tên theo tên của Vua Philip II của Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Philippines Tito Sotto tỏ vẻ không hào hứng với gợi ý của Tổng thống Duterte. Ông nói rằng việc đổi tên nước theo ý tưởng của ông Duterte sẽ đòi hỏi phải viết lại Hiến pháp và rất nhiều thay đổi khác.
Hiện Tổng thống Duterte cũng đang thúc đẩy cho những thay đổi trong hiến chương quốc gia và chuyển sang một hình thức chính phủ liên bang.
"Chúng ta hãy thay đổi nó [tên quốc gia] vào một ngày nào đó", ông Duterte nói hôm 11/2 sau khi trao quyền sở hữu đất cho tỉnh Maguindanao mà người Hồi giáo chiếm đa số.
"Ông Marcos đã đúng. Ông ấy muốn đổi tên thành Maharlika, vì theo tiếng Mã Lai, đó là một khái niệm về sự thanh thoát và hòa bình".
Nhà độc tài Marcos, người đã bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy ôn hòa hơn ba thập kỷ trước, lần đầu tiên đề nghị thay đổi tên quốc gia để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc sau khi ông đặt đất nước Philippines nằm dưới sự cai quản của quân đội.
**********************
Liên Âu xem xét trừng phạt Cam Bốt, do vi phạm nhân quyền "nghiêm trọng" (RFI,
Hôm 11/02/2019, Ủy Ban Châu Âu chính thức khởi sự thủ tục xem xét trừng phạt kinh tế Cam Bốt, do các vi phạm nhân quyền "nghiêm trọng" tại quốc gia này. Thỏa thuận miễn thuế đối với hàng nhập khẩu Cam Bốt có thể bị xóa bỏ ngay từ năm tới 2020.
Nhân viên ngành dệt may Cam Bốt tại một nhà máy ở Phnom Penh. Ảnh minh họa. Getty Images/Brent Lewin
Liên Hiệp Châu Âu đe dọa đình chỉ tạm thời các ưu đãi mà hàng hóa xuất khẩu của Cam Bốt vào Châu Âu được hưởng cho đến nay, theo thỏa thuận "Everything but Arms / Tất cả trừ vũ khí" (EBA). Đây là một thỏa thuận mà Liên Âu ký kết với các quốc gia nghèo nhất thế giới. Theo thông cáo của Bruxelles, việc khởi động thủ tục này không trực tiếp dẫn đến việc "đình chỉ ngay lập tức các ưu đãi về thuế", được coi là biện pháp được sử dụng sau cùng. Nhưng trong vòng 12 tháng, Cam Bốt sẽ bị đặt dưới "sự theo dõi đặc biệt".
Thông tín viên Juliette Buchez tường trình từ Phnom Penh :
"Hồi năm ngoái, xuất khẩu của Cam Bốt sang Châu Âu là gần 4,9 tỉ euro. Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Cam Bốt. Các hàng hóa của Cam Bốt hiện tại được miễn thuế nhập khẩu vào thị trường Châu Âu, theo thỏa thuận ‘‘Tất cả trừ vũ khí’’. Nhưng hàng rào thuế quan có thể sẽ được áp dụng trở lại ngay từ năm 2020.
Theo thỏa thuận ưu đãi này, việc miễn thuế phụ thuộc vào tình trạng nhân quyền và việc tuân thủ các quy định về lao động, trong khi đó, Ủy Ban Châu Âu ra một thông báo khẳng định có các xâm phạm trầm trọng và mang tính hệ thống tại Cam Bốt đối với các quyền này. Hồi tháng 7/2018 sau một cuộc bầu cử Quốc hội gây tranh cãi, đảng của thủ tướng Hun Sen - cầm quyền từ 34 năm nay - đã chiếm được toàn bộ các ghế dân biểu.
Ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom tuyên bố đây không phải là một quyết định cuối cùng. Ủy viên Châu Âu hy vọng là nhiều biện pháp cụ thể sẽ được đưa ra trong thời hạn sớm nhất.
Chính quyền Cam Bốt đón nhận tuyên bố của Châu Âu với sự bất bình. Phnom Penh tức giận trước một quyết định mà họ cho là rất bất công. Nếu các trừng phạt kinh tế của Châu Âu có hiệu lực, 700.000 người Cam Bốt làm việc trong ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Riêng dệt may chiếm đến 70% hàng xuất khẩu của Cam Bốt. Nike, H&M, Gap hay Adidas hiện có nhiều sản phẩm, được sản xuất tại Cam Bốt".
Trọng Thành