Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch và đầu tư với Singapore (RFI, 14/02/2019)
Ngày 13/02/2019 Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại (EUSFTA) và Hiệp Định Đầu Tư (EUSIPA) với Singapore. Singapore là đối tác thương mại quan trọng nhất của Liên Âu trong khu vực Đông Nam Á và cũng là thành viên đầu tiên của khối ASEAN ký hiệp định tự do mậu dịch với Bruxelles.
Nghị Viện Châu Âu trong phiên bỏ phiếu ngày hôm qua, 13/02/2019, tại Strasbourg, Pháp Reuters/Vincent Kessler
Hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu - Singapore EUSFTA được thông qua với 425 phiếu thuận 186 phiếu chống và 41 người không bỏ phiếu dự trù có hiệu lực ngay trong năm nay, mở ra viễn cảnh các hàng rào quan thuế sẽ từng bước được xóa bỏ trong 5 năm sắp tới. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều - gồm hàng hóa và dịch vụ - năm 2017 lên tới 104 tỷ euro.
Dù vậy ngay sau cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua tại Nghị Viện Châu Âu, một số tiếng nói bất đồng đã dấy lên, như tường thuật sau đây của đặc phái viên đài RFI tại Strasbourg, trụ sở Nghị Viện Châu Âu :
"Sau cuộc biểu quyết, báo cáo viên, nghị sĩ người Anh, David Martin, thuộc cánh tả hài lòng trước viễn cảnh hiệp định này đang mở ra. Ông nói Singapore là một mắt xích quan trọng và sẽ là cánh cửa mở ra thị trường Châu Á. Thế nhưng văn bản này lại bị một số nghị sĩ cánh tả của Pháp chống đối với lý do Singapore chưa phê chuẩn tất cả những điều khoản cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế. Cũng có những chỉ trích cho rằng Singapore hoạt động gần như là một thiên đường thuế khóa.
Riêng đối với nghị sĩ Frank Proust, đại diện cho các nghị sĩ Pháp thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu (đảng EPP hiện chiếm đa số tại Nghị Viện Châu Âu) thì cốt lõi của vấn đề không nằm ở đó. Ông nhìn nhận : "Đương nhiên, các chuẩn mực về lao động hay nhân quyền là một vấn đề. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để cải thiện tình hình. Liệu rằng nông phẩm của Châu Âu có dễ dàng thâm nhập thị trường Singapore hay không ? Và Singapore có mở cửa thị trường công cho các doanh nghiệp Châu Âu hay không ? Câu trả lời là không".
Ngoài ra, phe chống hiệp định EUSFTA còn đả kích điều khoản dự trù thành lập một cơ quan tư pháp cho phép các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Singapore phản đối luật doanh nghiệp Châu Âu. Nghị viên Châu Âu thuộc đảng Xanh Yannick Jadot bực mình thốt lên rằng trong trường hợp Châu Âu muốn cấm sử dụng thuốc diệt cỏ glyphosate hay giảm thiểu lượng thải khí carbon, điều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp và như vậy họ có thể kiện Châu Âu. Thật là quá đáng.
Nếu như hiệp định thương mại Liên Hiệp Châu Âu- Singapore có khả năng bắt đầu đi vào hoạt động ngay từ năm nay, thì ngược lại điều khoản liên quan đến việc thành lập một tòa án trọng tài sẽ còn phải được Quốc hội của mỗi thành viên trong Liên Âu đồng ý thông qua".
Thanh Hà
********************
Mỹ tái khẳng định duy trì cấm vận Bình Nhưỡng cho đến khi phi hạt nhân hóa (RFI, 14/02/2019)
Hơn một chục ngày trước thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần thứ nhì, câu hỏi vẫn là Washington có giảm nhẹ hay xóa bỏ lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên hay không. Ngày 14/02/2019, đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul Harry Harris tuyến bố : lệnh cấm vận tiếp tục có hiệu lực cho tới khi nào Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Lễ kỷ niệm 71 năm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên, tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 08/02/2019KCNA via Reuters
Phát biểu trên đây được đưa ra nhân dịp ông Harris tham dự một diễn về an ninh tại thủ đô Hàn Quốc vào lúc nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên chuẩn bị gặp lại nhau tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/02/2019.
Đại sứ Mỹ nhắc lại, cùng với đồng minh là Hàn Quốc, mục tiêu chung của Washington và Seoul vẫn là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên và có thể kiểm chứng được". Mỹ và Hàn Quốc cũng đồng ý là "các biện pháp trừng phạt phải được duy trì" cho đến khi nào Bình Nhưỡng không còn vũ khí hạt nhân. Cũng tại diễn đàn về an ninh tổ chức tại Seoul hôm nay, đại sứ Mỹ không quên nhấn mạnh đến vai trò của Trung Quốc trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông nói "nếu không có sự đồng tình của Trung Quốc liên quan đến vế trừng phạt, chúng ta không thể đạt được những tiến bộ đã có được ngày hôm nay".
Việt Nam - Bắc Triều Tiên : Thêm một dấu hiệu báo trước Kim Jong-un công du Việt Nam ?
Ngày 14/02/2019, ngoại trưởng Việt Nam kết thúc chuyến công tác Bình Nhưỡng trong ba ngày để chuẩn bị cho thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un tại Việt Nam. Trên đường về nước, ông Phạm Bình Minh và phái đoàn đã quá cảnh tại Bắc Kinh.
Phóng viên của hãng tin Hàn Quốc Yonhap trông thấy ngoại trưởng Việt Nam cùng với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng và cục trưởng Cục Lễ Tân Mai Phước Dũng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.
Chuyến công tác của ngoại trưởng Việt Nam nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội và cũng có thể lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhân dịp này chính thức viếng thăm Việt Nam.
Tuy nhiên, vào lúc Việt Nam và Bắc Triều Tiên chưa xác định về tin ông Kim Jong-un công du Việt Nam thì Yonhap tiết lộ một chi tiết : cuối tuần qua đại sứ Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc ông Kim Song cho biết kinh tế thị trường không còn là một "vấn đề" đối với Bắc Triều Tiên. Yonhap nhắc lại trong thập niên 1980 Bình Nhưỡng từng coi việc Hà Nội tiến hành chính sách cải tổ kinh tế như một sự "phản bội", Việt Nam đã quay lưng lại với đối với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Theo trang mạng của Mỹ Minjok Tongshin, hôm 10/02/2019 khi tiếp một phái đoàn đại diện cho một tổ chức Hàn Quốc tại Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên, đại sứ Kim Song được hỏi Bình Nhưỡng có còn "hiềm khích" với Việt Nam vì chính sách Đổi Mới hay không, nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên này trả lời : "Đó là quá khứ, bây giờ là hiện tại".
Phát biểu ngắn gọn được trang mạng Minjok Tongshin được cho là một dấu hiệu mới báo trước Kim Jong-un sẽ chính thức viếng thăm Việt Nam, đánh dấu gần 70 năm bang giao hai nước.
Thanh Hà