Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/02/2019

Chiến lược Biển Đông của Hoa Kỳ đang biến đổi theo chiều hướng tích cực

Tổng hợp

Mỹ hô hào đồng minh và đối tác can dự vào Biển Đông, Bắc Kinh tức tối (RFI, 15/02/2019)

Điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/02/2019 vừa qua, đô đốc chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đã tiết lộ một chủ trương mới nhằm đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông : Đó là kết hợp với các đối tác và đồng minh trong và ngoài khu vực để cùng nhau hành động, chống lại ảnh hưởng xấu của các tác nhân Nhà nước và phi nhà nước, đặc biệt là ở Biển Đông, ám chỉ các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc.

bd1

Bức ảnh Hải Quân Hoa Kỳ chụp ngày 10/05/2015 : Máy bay của Không quân Hoàng gia Malaysia trong cuộc tập trận chung với khu trục hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Biển Đông. LT. JONATHAN PFAFF / US NAVY / AFP

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ, đô đốc Philip Davidson đã tỏ ý vui mừng trước sự kiện là cho đến nay, nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ, dù không phải là các nước ven Biển Đông, nhưng cũng đã "bằng cách này hay cách khác, tăng cường các hoạt động trên Biển Đông".

Vị đô đốc Mỹ đã nêu đích danh các nước Anh, Nhật, Úc, New Zealand, Canada và Pháp. Hoạt động gia tăng của Pháp và Anh ở Biển Đông đã được nêu thành ví dụ, đặc biệt là cuộc diễn tập chung giữa khinh hạm Anh HMS Argyll và khu trục hạm Mỹ USS McCampbell ở Biển Đông, mà theo đô đốc Davidson, đã nhấn mạnh "thông điệp quốc tế gởi đến những ai tìm cách cản trở quyền tự do đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép".

Các đối tác trong khu vực đi đầu là Singapore và Việt Nam

Bên cạnh đó, chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Mỹ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng xác nhận rằng ông đang tập trung vào việc thuyết phục các đồng minh Đông Nam Á của Mỹ là Thái Lan và Philippines, cũng như các đối tác của Hoa Kỳ trong vùng là Singapore và Việt Nam.

Về Singapore, đô đốc Davidson đã nêu bật sự kiện là cho dù không phải là đồng minh chính thức của Mỹ, đảo quốc Đông Nam Á này đã mở rộng cho Hoa Kỳ cửa ngõ đi vào Biển Đông, đồng thời tích cực hỗ trợ cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ trong khu vực.

Còn về Việt Nam, ông Davidson đã hoan nghênh việc Việt Nam cùng chia sẻ một số nguyên tắc của Hoa Kỳ về luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải. Vị tư lệnh Mỹ đặc biệt ghi nhận sự kiện Việt Nam đã có "một trong những tiếng nói lớn nhất" liên quan đến cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

Mỹ đã thấy rằng FONOP không đủ sức ngăn chặn Trung Quốc

Nhận định về khía cạnh mới kể trên trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày hôm qua đã trích dẫn một số chuyên gia quân sự cho rằng việc huy động đồng minh và đối tác là dấu hiệu cho thấy là Mỹ đã nhận thức rõ rằng các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) mà Mỹ tiến hành không đủ sức chống lại tham vọng quân sự của Trung Quốc.

Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, cho rằng Hoa Kỳ cần đến một chiến lược lớn phù hợp hơn, sử dụng một tập hợp công cụ toàn diện hơn, theo cách phối hợp nhiều hơn với các đồng minh và đối tác.

Phát biểu của chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ dĩ nhiên đã bị Trung Quốc cực lực đả kích. Vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã cho rằng những cáo buộc của Mỹ nhắm vào Trung Quốc chỉ là những cái cớ được viện ra để biện minh cho việc Washington quân sự hóa Biển Đông.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng khuấy động vấn đề Biển Đông và tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong vùng.

Trọng Nghĩa

*****************

Vũng Rô, Cam Ranh, Vân Phong : ba ứng viên cho mời gọi quân sự (VNTB, 15/02/2019)

Ngày 12/02, trên trang Sputnik, viết rằng tình trạng "quân sự hóa" của Trung Quốc tại Biển Đông, là lý do khiến Mỹ bắt đầu thảo luận về khả năng điều động lực lượng và mở thêm căn cứ tại khu vực này.

bd2

Vịnh Vũng Rô

Bài báo cho biết đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đã nói, "Chúng ta phải chấp nhận rằng thực tế môi trường ở Biển Đông đang thay đổi mạnh mẽ đến mức sẽ cần có những cách tiếp cận mới. Điều đó buộc chúng ta phải nghĩ về một số nơi, nếu không phải các căn cứ… Chúng tôi đang thảo luận với các đối tác và đồng minh về một vài cơ hội có thể ở đó" [*].

Liệu Việt Nam có phải là một trong những đối tác và đồng minh mà ngài đô đốc Philip Davidson đang để mắt đến ?

Chỉ xét riêng Việt Nam, với nhận định của đô đốc Philip Davidson, nếu được thay đổi góc nhìn của chủ thế phát ngôn là một tướng lãnh nào đó của Bộ Quốc phòng, thì rõ ràng Việt Nam quả đang rất cần có những cách tiếp cận về việc cùng bắt tay với người Mỹ trong đặt các căn cứ quân sự tại vùng biển miền Trung, nơi ngắn nhất cho việc tiếp cận các đảo, quần đảo của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ.

Vịnh Vũng Rô của tỉnh Phú Yên, vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong cùng của tỉnh Khánh Hòa là ba ứng viên sáng giá cho một hợp tác quân sự với Mỹ. Bởi cho dù ý thức hệ chính trị là gì đi nữa, thì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc vẫn đứng trên tất cả. Nói như bài báo đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 14-2, "Toàn thể các đồng bào dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai, hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc, và xây dựng đất nước hùng cường !" [**].

Vì sao lại là Vũng Rô ?

Với Hà Nội thì địa danh Vũng Rô từng gắn đến huyền thoại về đoàn tàu không số, nhiều năm liền chọn Vũng Rô là nơi tập kết hàng hóa để chở vũ khí vào miền Nam, còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 16 tháng 2 năm 1965, từ một sự tình cờ, điểm tập kết đã bị phát hiện và Không lực của Việt Nam Cộng Hòa nhanh chóng xóa sổ. Ngay sau đó, Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập một quân cảng tại Vũng Rô. Sau tháng 4-1975, quân cảng này bị bỏ phế.

Với dân trong ngành hàng hải thì Vũng Rô có chiều sâu tự nhiên lý tưởng, ở vị trí khuất gió, kín đáo được sự che chắn của 3 dãy núi Đá Bia, Hòn Bà (phía Bắc, Đông và Tây) và đảo Hòn Nưa (phía Nam). Nếu chọn đặt quân cảng nơi đây, sẽ là điểm đầu của quốc lộ 29 - đây là đường huyết mạch nối Khu kinh tế Nam Phú Yên với Đắk Lắk, Tây Nguyên đến cửa khẩu Đắk Riê - Campuchia. Tuyến đường này là một trong những trục ngang tạo nên sự liên kết giữa khu vực Tây Nguyên với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, khi mà hầm đường bộ Đèo Cả và đèo Cổ Mã giữa hai tỉnh Phú Yên -Khánh Hòa đã được thông thương.

Hiện tại thì cảng dân sự ở Vũng Rô khai thác không hiệu quả.

Vân Phong là một gợi ý khác sau Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh thì quá quen thuộc với mọi người. Đây là một cảng biển nước sâu thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh này thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động. Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.

Vịnh Vân Phong có khác hai địa danh Cam Ranh và Vũng Rô là nơi đây chưa bao giờ được đặt làm căn cứ quân sự.

Điểm đặc biệt nhất của vịnh Vân Phong là độ sâu tự nhiên tốt. Trong tổng số 110 km bờ biển có thể làm cảng dân sự tại vịnh, thì có tới 60 km bờ bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn có độ sâu từ 15 - 22m. Ngoài ra, luồng vào cảng ngắn có độ sâu trên 22 m và ổn định do không có dòng sông lớn hay hải lưu chảy vào. Độ sâu này gấp hai lần độ sâu giới hạn của luồng vào cảng Sài Gòn (10m), và gấp hơn 4 lần của cảng Hải Phòng (7m). Chiều rộng luồng nơi hẹp nhất là trên 400 m, cho phép tàu có thể lưu hành hai chiều thuận tiện và an toàn.

Vân Phong có bán đảo Hòn Gốm che chắn phía Đông và phía Bắc nên tránh được sóng, và có độ kín gió tốt nhất trong tất cả các cảng dân sự của Việt Nam, an toàn cho tàu ra vào cảng. Khu vực mặt nước của cảng cũng khá lớn với trên 43.500 héc ta, gấp ba lần vịnh Cam Ranh gần đó. Mặt đất bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn rộng 13.800 ha. Về tính ổn định của địa chất nền móng, nơi đây hoàn toàn không có núi lửa và động đất. Chân núi là đá granit, không có hang động, thuận lợi cho việc xây dựng các công trình vĩnh cửu.

Vịnh Vân Phong là điểm cực đông của bán đảo Đông Dương, là vùng bờ biển Việt Nam gần nhất với các tuyến đường biển quốc tế ; nằm ngay trên ngã ba đường hàng hải quốc tế (tuyến Châu Âu - Bắc Á, Châu Úc - Đông Bắc Á, tuyến Vân Phong – Manila - Panama hoặc tuyến San Francisco (Mỹ) hoặc Victoria (Canada). Ngoài ra, từ Vân Phong vượt Thái Bình Dương là quãng đường ngắn nhất so với Hongkong và Singapore.

Ngoài ra, dự án của Thái Lan dự tính liên kết với Trung Quốc thực hiện kênh đào Kra nối liền vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương, sẽ có tác động lớn đến vận chuyển hàng hải quốc tế. Kênh đào này sẽ mở đường trực tuyến cho tàu viễn dương từ Châu Âu qua Châu Á, Thái Bình Dương mà không còn phải đi qua eo biển Malacca và Singapore. Cảng dân sự Vân Phong sẽ là cảng biển lớn đầu tiên trên tuyến đường này.

Với nhiều lợi thế tự nhiên, song cũng như cảng dân sự Vũng Rô, hiện nay cảng dân sự ở vịnh Vân Phong khai thác không hiệu quả.

Một liên kết với Mỹ như đề cập ở phần đầu bài viết cho thấy sẽ được rất nhiều lợi ích, trong đó có việc tăng thêm sức mạnh quân sự trong bảo vệ tổ quốc đất liền và biển đảo.

Minh Châu

Chú thích :

[*] "We have to accept the fact that the environment is changing so drastically in the South China Sea that it’s going to require new approaches", Davidson told the US Senate Armed Services Committee. "It’s going to require us to think about some places, if not bases… We are in conversations with partners and allies about what some of the opportunities might be there".

[**] http://www.vietnamthoibao.org/2019/02/vntb-cam-hung-thuong-inh-my-trieu-tai.html

***********************

Việt Nam sẽ nằm trong danh sách Hoa Kỳ mở rộng căn cứ quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ? (RFA, 14/02/2019)

Trong buổi điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, diễn ra vào ngày 12 tháng 2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh Mỹ cần chú trọng hơn nữa trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác trong bối cảnh Trung Quốc "quân sự hóa" ở Biển Đông.

bd3

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12/02/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình c-span.org

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia liên quan đến Việt Nam sẽ có chọn lựa gì trước thông tin vừa nêu khi hai nước ngày càng gia tăng hợp tác về quốc phòng và an ninh ?

Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và lâu dài trong việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển trong khu vực.

Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh "Bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với ‘bản sắc Trung Quốc’, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua".

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Hoa Kỳ nêu lên minh chứng rõ ràng nhất của việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng là quốc gia này sử dụng các đảo ở Biển Đông để biện minh cho các yêu sách mở rộng lãnh thổ ; đồng thời Đô đốc Philip Davidson khẳng định luật pháp quốc tế không công nhận những động thái đó của Trung Quốc và hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) là phương cách để Trung Quốc nhận biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh.

Trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Chọn lựa hợp tác của Việt Nam

Việt Nam, một quốc gia láng giềng của Trung Quốc và mặc dù hai đảng lãnh đạo có cùng ý thức hệ nhưng Hà Nội được nói là bị yếu thế hơn so với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.

bd4

Trong vai trò Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Tướng James Mattis (cà vạt xanh) thực hiện hai chuyến viếng thăm Việt Nam trong năm 2018.AFP

Trước những thông tin mới nhất về quan điểm của Hoa Kỳ qua cuộc điều trần diễn ra tại Quốc hội Mỹ vào ngày 12 tháng 2, Đài RFA nêu vấn đề với giới chuyên gia rằng Việt Nam sẽ lựa chọn hợp tác với Hoa Kỳ như thế nào trong thời gian tới, liên quan vấn đề Biển Đông khi mà Việt Nam và Mỹ được truyền thông quốc nội ghi nhận hai nước ngày càng gia tăng trong hợp tác quốc phòng và an ninh qua sự kiện hồi năm ngoái đương kim Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis có hai chuyến viếng thăm đến Việt Nam.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định nhân chuyến đến Hà Nội trong hai ngày cuối tháng 2 tới đây cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhì với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chắc chắn sẽ có cuộc nói chuyện với giới chức Việt Nam về hợp tác chung giữa hai nước, trong đó có hợp tác trong các vấn đề ở khu vực Biển Đông.

Xin được nhắc lại trong những năm gần đây, truyền thông trong nước không ít lần nhắc đến địa thế và tầm quan trọng chiến lược của cảng Cam Ranh đối với vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, kể từ hồi tháng 3 năm 2015 khi Mỹ lên tiếng yêu cầu VN ngưng cho phép Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tại khu vực Thái Bình Dương, với lý do những hoạt động đó có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực. Và sự kiện lịch sử lần đầu tiên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẵng hồi đầu tháng 3 năm 2018 được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nêu lên quan điểm của ông với RFA rằng phía Mỹ có thể cân nhắc xem xét tái lập căn cứ quân sự ở Việt Nam trong tương lai bởi vì yếu tố Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng tại khu vực Biển Đông, đồng thời Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời chống lại tham vọng của Trung Quốc nên Việt Nam có lập trường kiên quyết, nhất định trong vấn đề Trung Quốc "quân sự hóa" ở Biển Đông. Thế nhưng, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ tuân thủ Chính sách Quốc phòng 3.0, bao gồm không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không dựa vào nước này để chống lại nước kia và do đó Hà Nội sẽ không đồng ý để cho Hoa Kỳ tái lập căn cứ quân sự ở Việt Nam, một khi Washington ngỏ lời.

Dẫn chứng các bằng chứng lịch sử mà Thạc sĩ Hoàng Việt nêu ra như trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải quân Trung Quốc thì lúc bấy giờ Hoa Kỳ không có hỗ trợ nào cho phía Việt Nam và trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, Trường Sa do Trung Quốc gây ra hồi năm 1988 thì mặc dù Nga thuê hải cảng Cam Ranh làm căn cứ hải quân nhưng cũng không giúp đỡ cho Việt Nam. Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh :

"Cho nên phía Việt Nam cho rằng nếu trở thành một căn cứ quân sự nào đó hoặc là đặt căn cứ quân sự của một quốc gia nào đó tại Việt Nam thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều sự đe dọa. Đặc biệt là đe dọa đến từ Trung Quốc. Cho nên, Chính sách 3.0 nói cho cùng là chỉ để nói với Trung Quốc mà thôi. Thế thì bây giờ Việt Nam phải cân nhắc việc nếu đặt căn cứ quân sự, Hoa Kỳ chẳng hạn thì Trung Quốc sẽ gây sự với Việt Nam rất nhiều và nếu có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông chẳng hạn thì Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho Việt Nam hay không ? Câu trả lời là còn lâu lắm.

Chính vì vậy, Việt Nam phải cân nhắc và tôi nghĩ theo cách Việt Nam chọn sẽ đúng nguyên tắc của Chính sách 3.0. Có thể bây giờ Việt Nam đang bàn thảo nên giữ hay bỏ Chính sách 3.0 này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng cho đến hiện nay thì lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vẫn kiên quyết và duy trì Chính sách 3.0".

Đồng quan điểm với Thạc sĩ Hoàng Việt, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích :

"Nếu nói là Mỹ quay lại đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh thì vô cùng khó xảy ra. Bởi vì Việt Nam tuyên bố không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài rồi và đã xây một khu dịch vụ quốc tế cho bất kỳ một tàu quân sự của nước ngoài nào cũng có thể đến đó để hưởng dịch vụ. Tôi nghĩ có thể gần giống như ở Singapore là tàu Mỹ vào neo đậu vài tháng rồi lại đi ra và tàu khác vào và như thế thì không nước nào, kể cả Trung Quốc có thể nói Mỹ đặt quân sự ở Việt Nam.

Thứ hai nữa, người Mỹ thích vùng Đà Nẵng hơn Cam Ranh vì trước đây gần như người Mỹ không sử dụng ở Cam Ranh nhiều. Người Mỹ biết nhiều về Đà Nẵng hơn. Có thể Mỹ sẽ nói với Việt Nam trước hết để cho họ lập kho hậu cần ở Đà Nẵng, chứa đồ quân sự, thực phẩm, thuốc men…và sẽ đi đến việc cho tàu và máy bay neo, đậu lâu hơn".

Trả lời câu hỏi của RFA Việt Nam sẽ có những lựa chọn hợp tác như thế nào khi Hoa Kỳ gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông trong thời gian tới, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng :

"Trong một tương lai gần thì Việt Nam chưa thể thành đồng minh của Mỹ được. Bây giờ chỉ có cách làm sao hai nước Việt Nam và Mỹ hợp tác tốt hợn với nhau về cả mặt chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh. Ví dụ như hợp tác về an ninh thì chọn những khu vực đặc trưng ; ví dụ như trao đổi thông tin như là giúp nhau về các thông tin liên quan sự vận chuyển của các lực lượng Trung Quốc ở ngoài biển hoặc là sự vận chuyển của tàu ngầm để Việt Nam có điều kiện chủ động tự vệ cho tốt. Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải mua vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng cho việc phòng thủ đất nước Việt Nam, rồi tiến tới các hoạt động khác như tập trận chung. Trước hết là tập đa phương và sau đó là song phương Việt Nam và Mỹ. Làm như thế thì mặc dù Trung Quốc sẽ không thích, nhưng họ sẽ không làm gì được và họ cũng sẽ chùn bước".

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2, Đô đốc Philip Davidson nhắc đến Việt Nam và Mỹ chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế như tự do hàng hải và Việt Nam là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất trong tranh chấp ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson còn cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương do ông chỉ huy ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam qua việc hỗ trợ Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái-Scan Eagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 và thêm chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ.

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia ở trong nước cho rằng Việt Nam cần thiết thay đổi quan điểm trong hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, bởi vì theo như nhận định của nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng rằng "Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam".

Hòa Ái

Quay lại trang chủ
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)