Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/04/2019

Điểm báo Pháp - Bầu cử Thái Lan : bỏ phiếu và đếm phiếu

RFI tiếng Việt

Thái Lan bầu cử : "Đếm phiếu quan trọng hơn bỏ phiếu"

Nước Anh vì sao nên nỗi ? Venezuela, đụng độ giữa hai "thế giới" ? Đường phố Algeria ngày càng mất kiên nhẫn. Quyền đón người nhập cư và quyền dân tộc. Giới trẻ Châu Âu muốn có hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu. Trên đây là một số chủ đề quốc tế của làng báo Pháp ngày 01/04/2019.

baucu1

Bầu cử Quốc hội Thái Lan ngày 24/03/2016. Reuters/Soe Zeya Tun

Le Monde số đặc biệt về Brexit, không quên giã từ nữ đạo diễn Pháp Agnès Varda, vừa qua đời ở tuổi 90 , với hàng tựa trên trang nhất : Agnès Varda tiên phong của nền điện ảnh "làn sóng mới" và "bất trị". Ở trang quốc tế, nhật báo độc lập dành một bài dài phỏng vấn thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra, đang lưu vong tại Dubai : Tôi buồn cho số phận Thái Lan.

Thaksin buồn cho vận nước Thái Lan

Một tuần sau khi kết thúc bầu cử Quốc hội tại Thái Lan (24/03) nhưng phải chờ thêm đến ngày 09/05/2019 mới có kết quả chính thức. Cựu thủ tướng Thaksin tiếp phóng viên Le Monde tại thành phố thương mại thời trang của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập trong một quán cà phê, không cận vệ. Người từng nắm vận mệnh vương quốc Thái trong 5 năm đầu thập niên 2000 phủ nhận giá trị cuộc bầu cử mà ông cho là "đầy những bất thường" : nhiều tỉnh không đủ lá phiếu, tại nhiều đơn vị, đảng Nhà nước của Nhân dân (phe chính quyền) về nhì đột nhiên lên hạng nhất. Nói đến đây, cựu thủ tướng Thái rút trong túi áo một tờ giấy trên đó có chân dung Joseph Staline và câu nói bất hủ được cho là của nhà độc tài Liên Xô : "Điều quan trọng không phải là bỏ phiếu mà là chuyện đếm phiếu".

Theo Le Monde, lập luận của Thaksin không phải là thiếu trọng lượng. Từ Chủ nhật 24 tháng 03, ngày loan báo kết quả bầu cử bị đình hoãn nhiều lần cũng như ngày bầu cử trước đây. Vào đêm bầu phiếu, Ủy ban Bầu cử tuyên bố không thể tiếp tục kiểm phiếu trong đêm. Lý do : không có máy tính.

Hiến pháp của Thái Lan, soạn thảo theo chỉ đạo của quân đội, là một văn kiện "bất bình đẳng". Thượng viện, với 200 nghị sĩ do một ủy ban do quân đội bổ nhiệm, bầu thủ tướng. Thế thì khỏi chờ kết quả. Thaksin, với kinh nghiệm của một doanh nhân từng là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Manchester City phân tích với nhà báo Pháp : bầu cử ở Thái lan vừa rồi giống như người ta tổ chức một trận bóng đá. Một đội banh được mang giày, đội kia đi chân đất. Là khán giả các bạn nghĩ sao ? Có quyền nói mình bị lừa hay không ? Thaksin than thở : Tôi buồn cho đất nước chúng tôi. Với mức độ phát triển cao, người dân Thái Lan lẽ ra phải có số phận xứng đáng hơn.

Brexit vì sao nên nỗi ?

Với tựa này, số đặc biệt về Brexit của Le Monde trở lại cội nguồn cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu làm rung chuyển Liên Hiệp Anh và Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi đó, Les Echos nhìn về những ngày sắp tới : Mười ngày để tránh được hỗn loạn, nguy cơ ly dị không thỏa thuận hiện rõ, Liên Hiệp Châu Âu sợ mất ngân phiếu đền bù.

Nhật báo kinh tế tỏ ra công bình, xem xét công lao của vị nữ thủ tướng có sức khỏe mong manh nhưng có nguồn nội lực bất tận và nhiệt tâm không gì lay chuyển thừa hưởng từ người cha giám mục Anh Giáo : "Tôi được bổ nhiệm thủ tướng để làm bổn phận phục vụ quyền lợi dân tộc. Tôi sẽ làm trọn bổn phận này".

Bổn phận được Les Echos tường thuật tỉ mỉ trong bài điều tra : Theresa May và nhiệm vụ bất khả, mượn tựa loạt phim điệp vụ lừng danh Mission Impossible. Tuy nhiên, người phụ nữ "trách nhiệm" này thiếu một đức tính cần thiết và thừa một khuyết điểm không nên có ở một nhà chính trị. Cụ thể là lúc còn là bộ trưởng nội vụ, Theresa May đã cho xe buýt mang biểu ngữ "quý vị về nước đi hay chờ bị bắt" chạy vòng vòng ở các khu phố của dân nhập cư trái phép. Cương quyết chống di dân lậu bằng biện pháp mị dân không phải là phương thức đấu tranh hiệu quả. Còn điểm yếu của bà là cương nghị không đúng lúc, không quyền biến nên trở thành ngoan cố. Cố gắng đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nói là theo ý dân, thủ tướng Anh bị chỉ trích là không quan tâm đến gần 50% dân chúng còn lại, những người chống Brexit, mà chỉ tập trung làm sao cho phe của mình là đảng Bảo Thủ hài lòng, cố thủ trong lập luận như một người máy được lập trình. Cuối cùng bà không được ai ủng hộ và còn mang tiếng là "Maybot", bà May rô-bô.

Algeria, Venezuela cùng tranh đấu

Alger thông báo thành phần chính phủ mới nhưng dân chúng đòi một chế độ mới, đệ nhị cộng hòa. Tại Venezuela, cuộc xung đột chưa vượt qua giới hạn đấu trường chính trị và pháp lý. Nhưng nguy cơ xung đột bạo lực ngày càng rõ nét.

Le Monde thuật lại hôm thứ Sáu 29/03/2019, phong trào tranh đấu ở Algeria một lần nữa biểu tình khắp nước đòi phải thay đổi chế độ, tất cả những cá nhân dính líu với 20 năm chính quyền Bouteflika phải nhường chỗ cho một thế hệ mới. Les Echos kịp đưa tin Algeria có nội các mới nhưng giải pháp tình thế, câu giờ không lừa được dân chúng : "Chúng tôi muốn chế độ này sụp đổ" là biểu ngữ thường thấy trong các cuộc xuống đường. Một luật gia trẻ nhận định : Tình hình tiếp tục bế tắc, xem như chế độ thua rồi.

Le Figaro, tập trung vào điểm nóng bên Nam Mỹ : Giữa Maduro và Guaido là một cuộc xung đột giữa hai thế giới, hai phe không thể hòa giải. Làm sao hòa giải với chế độ cánh tả đã làm cho đất nước một thời giàu có nhất Châu Mỹ Latinh, bây giờ gần như phá sản.

Chính quyền Maduro gần như mất hết hậu thuẫn của dân chúng, 6 năm sau khi lên thay Hugo Chavez. Maduro cai trị theo lề thói cũ, như một kẻ ngủ mê, mải lo kiểm soát giá cả thay vì cải tổ sâu rộng guồng máy kinh tế chỉ biết dùng tiền bán dầu. Bên kia, Juan Guaido, 35 tuổi, đại diện cho thế hệ trẻ, được hơn 50 quốc gia ủng hộ và theo một kết quả thăm dò của viện Datanalisis, tổng thống tự xưng được 60% dân chúng tin cậy, ủng hộ nhiệt thành.

Theo phân tích của viện Datanalisis, cuộc xung khắc này ngày càng có nhiều nguy cơ biến thành bạo động đổ máu, do Maduro cố bám trụ. Chuyên gia Vincente Luis Leon đưa ra bốn kịch bản : Kinh tế sụp đổ hoàn toàn, Maduro không từ chức, đối lập đấu tranh vũ trang đó là nội chiến. Kịch bản thứ hai, quân đội đảo chính, lật Maduro nhưng nắm luôn chính quyền. Thứ ba, một cuộc can thiệp từ bên ngoài, lật đổ Maduro. Kịch bản này khó có thể xảy ra vào lúc này nhưng không thể loại trừ… trong bối cảnh khi gần bầu cử Mỹ. Kịch bản thứ tư, là hai bên đàm phán. Guaido phải hiểu là ông sẽ làm thất vọng một số ủng hộ viên nhưng đối lập bắt buộc phải thương lượng với những kẻ (Maduro) không hề tỏ ra quan tâm đến đối thoại.

Quyền được nhập cư và ngôi nhà rạn nứt

Về thời sự Pháp, tất cả các báo đều đưa tin cải tổ nội các, bổ nhiệm ba nhân vật trẻ thay thế ba vị từ chức, người tranh cử Nghị Viện Châu Âu, người nhắm chiếc ghế đô trưởng Paris.

Libération cho là tổng thống Macron lại bổ nhiệm những người thân cận. Tuy nhiên, đòn mạnh nhất của nhật báo thiên tả là đánh vào phe tả tại Pháp với nhận định chính xác : Họ chia rẽ cho dù đồng thuận trên nhiều điểm. Giới chính trị gia mày râu, từ xã hội, cộng sản cho đến cực tả, thậm chí cùng xu hướng lại gia tăng tấn công lẫn nhau. Hệ quả là cử tri bỏ hết.

Chuyến tông du của đức giáo hoàng ở Maroc được La CroixLe Figaro dành cho nhiều trang tường thuật. Tuy nhiên, bên dưới tựa đức giáo hoàng kêu gọi Châu Âu đón tiếp di dân, nhật báo thiên hữu cảnh giác độc giả qua bài xã luận "quyền nhập cư tị nạn và quyền dân tộc». Những lời kêu gọi của giáo hoàng lấy ra từ kinh thánh đoạn của Thánh Ma-thêu, rộng lượng, nhân ái cứu người lâm nạn là nền tảng của văn minh Tây phương. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng tình hình Châu Âu hiện nay không cho phép mở rộng cánh cửa. Vật chất không phải là tài sản duy nhất của một quốc gia. Bên cạnh đó còn có tài sản tinh thần như là văn hóa,nghệ thuật sống, tín ngưỡng , ngôn ngữ… Châu Âu hiện nay là một Châu lục nứt rạn. Ngày xưa , Châu Âu rộng mở mời gọi di dân không nhà. Ngày nay, bản thân ngôi nhà Châu Âu đang đứng trước nguy cơ tường sập cửa bung.

Đầu tuần cũng là dịp để tổng kết một số thời sự diễn ra trong những ngày cuối tuần : Học sinh Châu Âu tiếp bỏ lớp ngày thứ Sáu xuống đường tranh đấu cho môi trường. Bầu cử tổng thống mới tại Slovakia và Ukraine.

Libération đưa hai tựa : Danh hài Volodymyr Zelensky về nhất ở vòng một, bầu tổng thống Ukraine. Một nữ tổng thống ở Slovakia. Zuzana Caputova, nữ luật sư 45 tuổi, chống tham nhũng, nữ tổng thống đầu tiên của Slovakia, La Croix đồng điệu.

Trong khi đó, Les Echos tường thuật cuộc biểu tình thứ Sáu hàng tuần của học sinh Đức, trong phong trào học sinh toàn thế giới chống biến đổi khí hậu, theo lời kêu gọi của cô bé Thụy Điển Greta Thunberg : Trong thời khủng hoảng, con người thay đổi thái độ. Chúng tôi muốn một tương lai. Có phải đòi hỏi qua đáng chăng, thưa quý vị chính phủ ?

Giảm cân

Cuối cùng, những độc giả muốn thử phương pháp mới để giảm cân, bớt ăn ngọt nhưng tăng khẩu phần mỡ, cần phải xem kết quả kiểm chứng này trên chuột.

Nguyên tắc giảm béo đơn giản : ăn ít đường để cơ thể đốt mỡ lấy năng lượng hoạt động. Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu của đại học Mỹ Iowa, thí nghiệm trên chuột được Le Figaro đăng tải thì chuột đực giảm cân, đường trong máu cũng giảm. Trong khi đó mấy nàng chuột cái lại lên cân, sau 15 tuần lễ thử nghiệm, bớt đường, thêm mỡ trong khẩu phần. Kích thích tố nữ Œstrogène bị nghi là thủ phạm.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)