Trong một thời gian ngắn của mùa hè này, người ta đã nghĩ rằng Thái Lan cuối cùng cũng có thể có một chính phủ dân cử thực sự.
Những người ủng hộ lãnh đạo Đảng Move Forward kiêm ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat trong một cuộc biểu tình ở Bangkok. © Rungroj Yongrit /EPA, Shutterstock
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, một đảng ủng hộ cải cách đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, được thúc đẩy bởi làn sóng bất bình của công chúng đối với 9 năm cai trị của quân đội và những đặc quyền lớn của Hoàng gia Thái Lan. Chế độ quân chủ Thái Lan là một trong những chế độ giàu có nhất và trị vì lâu nhất trên thế giới. Được hỗ trợ bởi quân đội và hệ thống tư pháp, phe bảo hoàng đã chống lại những thách thức đối với sự thống trị của nó suốt nhiều thập niên, thường là qua những cuộc đảo chính quân sự được hoàng gia ủng hộ nhằm lật đổ các chính phủ được bầu cử dân chủ. Tình trạng này đã đẩy Thái Lan vào vòng xoáy bạo lực chính trị lặp đi lặp lại và làm nản lòng những khao khát dân chủ của một thế hệ mới.
Vì vậy, giống như nhiều đồng bào của mình, những người cũng lớn lên trong môi trường độc tài này, tôi đã ăn mừng chiến thắng của Đảng Move Forward (Tiến lên) cấp tiến, những người đã công khai tìm cách kiềm chế quyền lực của hoàng gia, cũng như đảng về thứ hai, Pheu Thai, một đảng đối lập lâu năm. Các cử tri đã đưa ra một lời kêu gọi vang dội, yêu cầu sự thay đổi.
Nhưng giờ đây, những hy vọng đó đang bị nghiền nát.
Hơn hai tháng sau cuộc bầu cử, Thái Lan vẫn chưa có chính phủ mới, bởi vì phe bảo hoàng một lần nữa tìm cách phủ nhận ý chí của người dân, bằng cách làm thất bại mọi nỗ lực của Move Forward nhằm thành lập một liên minh.
Người Thái đã từng rơi vào tình trạng này. Nhưng lần này, tương lai của nền dân chủ Thái Lan còn mờ mịt hơn trước. Phe bảo hoàng, trong quá khứ từng dựa vào sức mạnh của quân đội, nay đã bổ sung thêm yếu tố chính trị vào kho vũ khí của mình. Thông qua hệ thống lưỡng viện, phe này đã tìm cách ngăn chặn Move Forward và Pheu Thai thành lập liên minh ; đổi lại, nhà lãnh đạo tinh thần 74 tuổi của Pheu Thai, cựu thủ tướng nổi tiếng Thaksin Shinawatra, sẽ được trở về sau thời gian sống lưu vong.
Chế độ quân chủ Thái Lan luôn là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ để giành quyền lực chính trị.
Năm 1932, Thái Lan chấm dứt hàng thế kỷ chế độ quân chủ chuyên chế để ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng trong triều đại 70 năm tiếp theo của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người qua đời năm 2016, mọi thứ dần quay lại như cũ. Sau khi lên ngôi vào năm 1946, nhà vua đã củng cố mối quan hệ với quân đội, hai bên bắt tay xây dựng một hệ thống hoàng gia mới, dù không phải là một chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng nó vẫn đặt hoàng gia ở đỉnh cao chính trị và tôn vinh Vua Bhumibol như bậc thánh nhân. Các chính phủ dân cử hoặc là chịu phục tùng, hoặc sẽ bị loại bỏ. Phe tân bảo hoàng chẳng bao giờ quan tâm đến việc đầu tư vào chính trị bầu cử để đảm bảo quyền lực của mình. Thay vào đó, họ chọn đi đường tắt bằng đảo chính quân sự và sử dụng luật chống khi quân (cấm chỉ trích chế độ quân chủ), vốn là công cụ quan trọng để bảo vệ các đặc quyền của chế độ.
Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, khi hình ảnh cao trọng của Vua Bhumibol biến mất và hoàng gia được tiếp quản bởi người con trai ít được kính trọng của ông, Vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun, phe tân bảo hoàng đã nhận ra sự cần thiết của các chiến lược mới. Sau cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2014, quân đội đã chuyển sang duy trì sự thống trị của phe bảo hoàng và ngăn chặn những thách thức trong tương lai bằng cách áp dụng các thay đổi mới, bao gồm việc bổ nhiệm các ghế trong Thượng viện, để bù đắp cho Hạ viện vốn được bầu cử dân chủ.
Trong đời sống chính trị Đông Nam Á, những chiến thuật này không mới. Các chính phủ chuyên chế trong khu vực đang ngày càng trở nên tinh vi hơn trong việc thao túng hệ thống bầu cử để đảm bảo quyền lực của mình. Suốt nhiều năm, chính quyền quân sự của Myanmar đã giữ lại 25% số ghế trong Quốc hội, theo đó cho phép ngăn chặn những thay đổi hiến pháp có thể làm suy yếu quyền lực của họ. Sau nhiều thập niên vô hiệu hóa bất đồng chính kiến, nhà độc tài Campuchia Hun Sen gần đây đã chuyển sang sử dụng các cuộc bầu cử được tổ chức theo giai đoạn để mang lại cho chế độ của mình lớp nguỵ trang về tính chính danh. (Dù ông đã có ý định trao lại quyền lực cho con trai.)
Phe tân bảo hoàng ở Thái Lan cũng đang áp dụng các chiến thuật tương tự.
Các biện pháp điều chỉnh tại lưỡng viện đã được sử dụng để từ chối quyền thành lập chính phủ của Move Forward. Lãnh đạo đảng, Pita Limjaroenrat, đã không thể giành đủ số phiếu ở Quốc hội để trở thành thủ tướng. Ông còn đang bị điều tra vì không tiết lộ số cổ phần ông nắm giữ trong một công ty truyền thông, điều có thể khiến ông bị truất quyền. Move Forward mang đến quá nhiều thay đổi cho nền văn hóa chính trị ngột ngạt của Thái Lan, nên đơn giản là họ không thể được phép nắm quyền.
Các lực lượng ngăn cản cải cách khác cũng đã bắt đầu hành động. Sự phản đối của phe bảo hoàng đã khiến Đảng Pheu Thai ủng hộ dân chủ từ bỏ liên minh với Move Forward, chuyển sang đàm phán với phe bảo hoàng về việc thành lập chính phủ.
Đây là một bước thay đổi quan trọng đối với chính trị Thái Lan. Pheu Thai là một đảng kế nhiệm đảng được thành lập bởi Thaksin, ông trùm kinh doanh theo chủ nghĩa dân túy, từng giữ chức thủ tướng từ năm 2001 đến năm 2006. Thaksin đã giành được cảm tình của cử tri nhờ vận động cải thiện sinh kế ở các khu vực nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội. Nhưng khi sự nổi tiếng của ông đe doạ tầm ảnh hưởng của Vua Bhumibol, Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và phải trốn khỏi đất nước. Ông nói rằng mình sẽ không thể được xét xử công bằng ở Thái Lan về một loạt cáo buộc tham nhũng. Sau cùng, ông bị kết án tổng cộng 12 năm tù. Cuộc chiến giành ảnh hưởng – được đánh dấu bằng hai cuộc đảo chính và một loạt các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố – giữa phe bảo hoàng với những người ủng hộ và người thân của Thaksin đã chi phối nền chính trị Thái Lan trong hơn 20 năm.
Giờ đây, có những dấu hiệu cho thấy Thaksin và Pheu Thai đang ngả theo phe bảo hoàng. Thaksin từ lâu đã bày tỏ mong muốn được trở về nhà và đoàn tụ với gia đình. Trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 5, ông đã công khai cầu xin "được phép" trở về nhà và còn phản đối những cải cách do Move Forward đề xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng của hoàng gia.
Tuần trước, con gái Thaksin thông báo rằng ông sẽ trở lại Thái Lan vào ngày 10/8, sau 15 năm sống lưu vong. Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng trước đây từng nguyền rủa Thaksin là kẻ thù số 1 của công chúng giờ lại chào đón sự trở lại của ông, với hy vọng rằng ông có thể ngăn chặn điều mà họ coi là mối đe dọa lớn hơn : Đảng Move Forward và sự thay đổi thế hệ mà nó đại diện.
Thaksin được trở về nhà, còn phe bảo hoàng tránh được một thách thức lớn. Và những người duy nhất không đạt được điều họ muốn chính là cử tri Thái Lan.
Pavin Chachavalpongpun
Nguyên tác : "Everybody Won in Thailand’s Election Except the Voters", New York Times, 02/08/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 04/08/2023
Pavin Chachavalpongpun là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto. Ông là chủ biên của cuốn sách sắp xuất bản "Rama X : The Thai Monarchy under King Vajiralongkorn".
Quốc hội Thái Lan bác tư cách ứng viên thủ tướng của Pita
Thu Hằng, RFI, 19/07/2023
Ngày 19/07/2023, chỉ vài giờ sau khi Tòa Bảo Hiến đình chỉ tư cách dân biểu của ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat, đến lượt Quốc hội Thái Lan từ chối cho phép thủ lĩnh đảng Move Forward (Tiến Bước) ứng cử lần hai chức thủ tướng.
Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến Bước tại Quốc hội Thái Lan sau khi Tòa Bảo Hiến quyết định đình chỉ tư cách dân biểu của ông, Bangkok, Thái Lan, ngày 19/07/2023. Reuters – Chalinee Thirasupa
Chủ tịch Hạ Viện Thái Lan, được AFP trích dẫn, nhấn mạnh "ông Pita không thể được chỉ định hai lần trong kỳ họp Quốc hội này" chiểu theo điều 41 Quy định của Hạ Viện. Trước đó, Pita đã bị Tòa Bảo Hiến đình chỉ nhiệm kỳ dân biểu trong thời gian điều tra vụ xung đột lợi ích. Trên mạng xã hội Instagram, ông Pita thừa nhận cho dù ra ứng cử thủ tướng, ông cũng "không thể hội tụ đủ ủng hộ để được bổ nhiệm" bởi vì "lá phiếu của nhân dân đã không đủ để điều hành đất nước".
Thông tín viên RFI Carol Isoux tại Bangkok giải thích :
"Pita Limjaroenrat bị cáo buộc có cổ phần trong một cơ quan báo chí trong khi ông tranh cử Quốc hội, điều mà luật pháp cấm. Ông hoài công thanh minh là đã thông báo điều này cho ủy ban và rằng doanh nghiệp báo chí đó không hoạt động từ năm 2014. Tòa đã ra quyết định. Nếu Pita không được bầu làm thủ tướng hôm nay, ông cũng sẽ không được làm dân biểu. Và ông Pita có rất ít cơ hội được bầu làm thủ tướng. Ông đã không huy động được đủ số phiếu của các thượng nghị sĩ vào thứ Năm tuần trước, phần nào do những lập trường cải cách của ông về vấn đề quân chủ.
Chỉ có cơ may mới có thể cho ông cơ hội. Pita đã thông báo : Trong trường hợp thất bại, ông sẽ chấp nhận chỉ định một ứng viên của một đảng khác trong liên minh. Tên Sretta Thavisin hiện được nhắc đến nhiều. Đó là một kinh tế gia có kinh nghiệm chính trường hơn và là người có thể sẽ tập hợp được số phiếu của các dân biểu cải cách cũng như thương nghị sĩ.
Giờ cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của giới trẻ Thái Lan, đã bỏ phiếu ồ ạt cho Pita. Lực lượng này có thể sẽ quyết định lại xuống đường sau khi ông Pita bị loại khỏi chính trường".
Ứng cử viên thủ tướng Pita sẽ rút lui nếu thất bại lần tới ở Quốc hội
Thu Hằng, RFI, 15/07/2023
Ngày 15/07/2023, Pita Limjaroenrat, ứng viên của đảng Tiến Bước (Move Forward), thông báo sẽ không tiếp tục ứng cử vào chức thủ tướng Thái Lan nếu lại thất bại trong cuộc bỏ phiếu lần tới của Quốc hội ngày 19/07.
Ông Pita Limjaroenrat trả lời báo giới ở Bangkok, Thái Lan, ngày 13/07/2023. AP - Sakchai Lalit
Đảng Tiến Bước của Pita Limjaroenrat đã về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 14/05. Tuy nhiên, ông khẳng định "sẵn sàng trao lại cơ hội cho Thái Lan bằng cách để đảng đứng thứ hai về số phiếu bầu đứng ra thành lập chính phủ liên minh". Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 13/07, ông Pita Limjaroenrat nhận được 312 trên tổng số 500 dân biểu ở Hạ Viện, nhưng chỉ nhận được 13 phiếu tại Thượng Viện, trong khi ông cần đến 50 phiếu để hội đủ 375 phiếu của Quốc Hội lưỡng viện để được bầu làm thủ tướng.
Theo AFP, vị tân dân biểu 42 tuổi thừa nhận "rõ ràng là đảng Tiến Bước thực sự không có cơ may lập được chính phủ. Nhưng cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Và tôi xin mọi người hãy đấu tranh đến cùng".
Về phía đảng Pheu Thai, về thứ hai trong cuộc bầu cử và liên kết với cựu thủ tướng Thaksin Shinnawatra hiện sống lưu vong, nhắc lại hôm 14/07 là họ "tiếp tục tôn trọng thỏa thuận của liên minh".
Cũng trong ngày 14/07, đảng Tiến Bước đã đệ trình một kiến nghị lên Quốc Hội nhằm hạn chế quyền lực của Thượng Viện, chủ yếu do quân đội kiểm soát. Trong kiến nghị, tổng thư ký Chaithawat Tulathon cho rằng "đó là một giải pháp mà tất cả các đảng cảm thấy thoải mái".
Trước đó, trả lời trên truyền hình, ông Chaithawat Tulathon cáo buộc "có những thế lực từ chính quyền cũ gây sức ép đối với Thượng Viện", những thế lực "không muốn thấy một chính phủ của đảng Tiến Bước".
Thu Hằng
**************************
Ứng viên đảng Tiến Bước không được Quốc hội bầu làm thủ tướng
Thanh Hà, RFI, 13/07/2023
Hơn một tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội, Thái Lan vẫn chưa có thủ tướng mới. Trong cuộc biểu quyết hôm 13/07/2023, Hạ Viện Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ ứng viên Pita Limjaroenrat của đảng Move Forward (Tiến Bước) làm thủ tướng. Thế nhưng, ông Pita đã không thuyết phục được Thượng Viện, mà quân đội hiện vẫn nắm đa số.
Ông Pita Limjaroenrat (giữa), lãnh đạo đảng Move Forward, tại Quốc Hội, Bangkok, Thái Lan, ngày 13/07/2023. Reuters – Athit Perawongmetha
Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5/2023, Pita Limjaroenrat là ứng viên duy nhất ra tranh chức thủ tướng Thái Lan. Tuy nhiên, để được chỉ định vào chức vụ này, ông phải hội đủ 375 phiếu của Thượng và Hạ Viện.
Trong cuộc biểu quyết sáng nay, lãnh đạo đảng Move Forward đã được 312 trên tổng số 500 dân biểu Hạ Viện ủng hộ. Nhưng tại Thượng Viện, ông đã không thu được 60 lá phiếu tối thiểu cần thiết. Theo kết quả gần như chính thức được AFP ghi nhận, hơn một nửa số thượng nghị sĩ Thái Lan đã bỏ phiếu chống, hoặc bỏ phiếu trắng
Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, được thành phần cử tri trẻ của Thái Lan ủng hộ. Đảng Move Forward với lập trường cấp tiến đã về đầu trong cuộc bầu cử vừa qua. Không vượt qua được rào cản ở Thượng Viện, bản thân ứng viên Pita cũng vừa bị ủy ban bầu cử Thái Lan mở điều tra và yêu cầu đình chỉ tư cách nghị sĩ.
Trong những ngày tới, Quốc hội Lưỡng Viện Thái Lan sẽ họp lại và biểu quyết cho đến khi nào một ứng viên hội đủ số phiếu tối thiểu của cả Thượng và Hạ Viện. AFP không loại trừ khả năng ứng viên của một đảng khác được chỉ định vào chức vụ thủ tướng. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023, đảng Pheu Thái của gia đình Thaksin đã về nhì và đã liên kết với Move Forward. Có thể là con gái của cựu thủ tướng Thaksin đang sống lưu vong, bà Paetongtarn Thaksin, hay thương gia Srettha Thavisin sẽ ra ứng cử vào chức vụ thủ tướng.
Thanh Hà
*************************
Đảng Tiến lên đòi hạn chế quyền của Thượng viện sau thất bại trong phiên bầu thủ tướng
Reuters, VOA, 14/07/2023
Đảng Tiến lên của Thái Lan hôm thứ Sáu 14/7 trình lên quốc hội một kiến nghị về hạn chế quyền lực của Thượng viện do quân đội chỉ định, một ngày sau khi viện này cản đường trở thành thủ tướng của lãnh đạo đảng Tiến lên.
Ông Pita, ứng cử viên chức thủ tướng Thái Lan
Vai trò của Thượng viện gồm 249 thành viên trong việc quyết định về chức thủ tướng cùng với hạ viện dân bầu - một hệ thống do giới quân đội bảo hoàng thiết kế ra sau cuộc đảo chính năm 2014 - được coi là biện pháp hiến định nhằm bảo vệ lợi ích của các tướng lĩnh và giới quyền thế theo đường lối bảo thủ.
Đảng Tiến lên đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, nhưng cho dù đảng không có đối thủ và nhận được sự ủng hộ của liên minh gồm 8 đảng, song nhà lãnh đạo Pita Limjaroenrat của đảng này đã bị thất cử trong cuộc bỏ phiếu quan trọng về chức thủ tướng hôm 13/7, sau khi Thượng viện và các đảng có chân trong chính phủ sắp mãn nhiệm và được quân đội hậu thuẫn đã cùng nhau không chuẩn thuận cho ông giữ chức thủ tướng.
Chỉ có 13 thượng nghị sĩ ủng hộ ông Pita, 42 tuổi, những vị còn lại bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng, đảng của ông cho rằng một số người hành động như vậy vì bị ép buộc.
Tổng bí thư đảng Chaithawat Tulathon đã nộp một kiến nghị hôm 14/7 về sửa đổi một phần của hiến pháp. Vị tổng bí thư nói rằng "Đây là một giải pháp mà tất cả các bên sẽ cảm thấy thoải mái".
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trước đó: “Có các thế lực thuộc nhóm quyền lực cũ gây áp lực lên Thượng viện - từ nhóm quyền lực cũ cho đến một số nhà tư bản không muốn thấy một chính phủ của đảng Tiến lên”. Ông nói thêm rằng có thể phải mất khoảng 1 tháng để thông qua kiến nghị.
Pita, một người theo đường lối khai phóng có xuất thân từ khu vực tư nhân, đã giành được sự ủng hộ to lớn của giới trẻ cho kế hoạch cải tạo nền chính trị và mang lại những cải cách cho các lĩnh vực và các định chế từ lâu được coi là bất khả xâm phạm.
Kế hoạch bao gồm cải cách chế độ quân chủ, cụ thể hơn là sửa luật cấm xúc phạm chế độ này, đó là chính sách gây tranh cãi nhất của đảng Tiến lên cho đến nay và là một trở ngại lớn trong nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ Pita.
Pita tuyên bố hôm 13/7 sẽ không từ bỏ các chính sách đó hoặc từ bỏ cuộc chiến giành chức thủ tướng. Ông có thể tái tranh cử nếu được đề cử trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo về chức vụ này, diễn ra vào ngày 19/7, người phát ngôn Hạ viện xác nhận.
Căng thẳng chính trị trong tuần này đã được nhiều người dự đoán từ trước.
Trong hai thập kỷ nay, Thái Lan rơi vào vòng luẩn quẩn là cuộc đấu tranh quyền lực giữa một bên là các đảng có tư tưởng cải cách giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, còn bên kia là mối liên kết giữa những người giàu có lâu đời và giới quyền thế quân sự quyết tâm bóp nghẹt các đảng đó.
Nguồn : VOA, 14/07/2023
*************************
Ủy ban bầu cử đề nghị đình chỉ tư cách nghị sĩ lãnh đạo đảng thắng cử
Thanh Hà, RFI, 12/07/2023
Ủy ban bầu cử Thái Lan, hôm nay, 12/07/2023, đề nghị đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến Bước (Move Forward), người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 5/2023, và là ứng viên cho chức thủ tướng.
Pita Limjaroenrat (phải), lãnh đạo phong trào Move Forward, về đầu trong cuộc bầu cử Thái Lan ngày 14/05/2023. AP - Sakchai Lalit
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan, ông Ittiporn Boonprakong xác nhận thông tin này với hãng tin Pháp AFP. Lãnh đạo cơ quan bầu cử cho biết đã tập hợp đầy đủ các yếu tố để chuyển lên Tòa Bảo Hiến. Ông Pita Limjaroenrat bị cáo buộc đã vi phạm luật bầu cử, khi sở hữu nhiều cổ phần của một kênh truyền hình trong quá trình vận động tranh cử.
Những người ủng hộ lãnh đạo đảng Tiến Bước xem quyết định này như là hành động cản trở của phe bảo thủ thân quân đội và của những người không tán đồng các chương trình cải cách triệt để do ông Pita đề xướng.
Trong thông cáo, đảng Tiến Bước tố cáo một sự "lạm quyền", chỉ trích Ủy ban bầu cử đã không cho ông Pita một cơ hội để tường trình.
Đáng chú ý là thông báo mới này được đưa ra một ngày trước khi Quốc Hội lưỡng viện bỏ phiếu chọn thủ tướng mới vào ngày 13/7, và ông Pita Limjaroenrat được đa số phe đối lập Thái Lan ủng hộ.
Trả lời hãng tin Pháp, giáo sư về luật công, ông Prinya Thaewanarumitkul, trường đại học Thammasat ở Bangkok nhận định, thông báo vội vã này là nhằm "tác động lên kết quả bỏ phiếu" vào ngày thứ Năm 13/07. "Các nghị sĩ cần một lý do để không bỏ phiếu cho ứng viên xuất thân từ đảng thắng cử, chiếm giữ hơn một nửa số ghế ở nghị trường. Họ cần một lý do để biện minh cho hành động này".
Tòa Bảo Hiến phải cho biết có thụ lý hồ sơ này hay không. Nếu bị đưa ra xét xử, vị lãnh đạo trẻ 42 tuổi này của đảng Tiến Bước, chủ trương cải cách đất nước, có nguy cơ bị án tù nặng, bị truất tư cách nghị sĩ và mất quyền ứng cử trong vòng 20 năm.
Thái Lan có nguy cơ lại rơi vào bất ổn. Năm 2020, cũng theo kiến nghị của Ủy ban bầu cử, Tòa Bảo Hiến đã cho giải thể đảng Future Forward, tiền thân của đảng Tiến Bước-Move Forward. Lãnh đạo đảng khi ấy cũng bị phạt tù và bị truất quyền ứng cử. Sự kiện này đã dẫn đến việc hàng ngàn thanh niên Thái Lan xuống đường rầm rộ đòi cải cách sâu rộng chế độ quân chủ.
Minh Anh
Một đảng đối lập non trẻ, ủng hộ các giá trị dân chủ, đã giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử mới đây của Thái Lan. Điều này được những người hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam đón nhận thế nào ?
Lãnh đạo Đảng Move Forward và ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat ăn mừng thắng cử ngày 15 tháng 5 năm 2023. Reuters
Bước tiến cho nền dân chủ Thái
Đảng Move Forward, chỉ mới được thành lập vào năm 2019, nhưng đã giành chiến thắng với 152 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, các đảng phái được sự hậu thuẫn của quân đội nước này giành được số ghế khá khiêm tốn, với đảng Palang Pracharat giành được 40 ghế và United Thai Nation chỉ có 36.
Nền tảng của Move Forward là ứng cử viên trẻ tuổi đã thu hút các cử tri thuộc thế hệ Y và Z (những người sinh từ năm 1982 đến 2010), những người chiếm gần một nửa tổng số cử tri.
Cô Pup Kornkanok Khumta, một người trẻ thuộc đảng Commoners, hoạt động với tôn chỉ tôn trọng quyền con người, tin tưởng vào sự phát triển bình đẳng, chất lượng cuộc sống và môi trường, đã tham gia ứng cử vào Quốc hội trong kỳ bầu cử vừa rồi. Cô nói với RFA rằng dù kết quả không thành công, nhưng cô vẫn ủng hộ cho đảng Move Forward :
"Kết quả cuộc bầu cử vừa qua là một bước tiến cho nền dân chủ ở Thái Lan. Đảng Move Forward chiếm phần đông số ghế, điều này cho thấy người dân thực sự muốn được lãnh đạo bởi một đảng tiến bộ hơn".
Theo cô Pup, giới trẻ là nhóm cử tri năng nổ nhất trong kỳ bầu cử lần này. Không chỉ tham gia bầu cử, họ còn trực tiếp giám sát các đơn vị bầu cử để đảm bảo không xảy ra gian lận.
Tuy nhiên, cô Pup cũng bày tỏ mối lo ngại bởi kết quả bầu Thủ tướng là người của đảng nào vẫn chưa chính thức ngã ngũ. Quốc hội Thái Lan bao gồm 500 nhà lập pháp ở Hạ viện và 250 Thượng nghị sĩ. Trong 60 ngày tới, cả hai viện sẽ bỏ phiếu để chọn ra Thủ tướng mới, người chiến thắng phải giành được ít nhất 376 tổng số phiếu bầu :
"Chúng tôi bỏ phiếu cho đảng Move Forward. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại. Vì vậy, chúng tôi vẫn chúng tôi vẫn còn lo sợ. Những đảng khác nên tôn trọng đòi hỏi của người dân".
Giới trẻ lên tiếng
Nhận định về kết quả cuộc bầu cử này, Nam Khánh, một nhà hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam, trả lời RFA qua email, cho biết không ít những ứng cử viên trẻ tuổi của đảng Move Forward bước ra từ phong trào phong trào biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ năm 2020.
Lần đầu tiên một phong trào xã hội được dẫn dắt bởi những người rất trẻ, chủ yếu là học sinh và sinh viên. Thậm chí là những học sinh cấp II. Và một trong những yêu cầu của họ là cải cách chế độ quân chủ - một chủ đề cấm kỵ, chưa từng xuất hiện trong bất kỳ một phong trào nào tại Thái trước đó.
Do đó, ông Khánh cho rằng, người trẻ đóng vai trò "định hình kết quả bầu cử và góp phần phân chia lại sự ảnh hưởng của các đảng phái trên vũ đài chính trị Thái Lan".
Ông Khánh lý giải thêm, để huy động được các cử tri trẻ tuổi, những người vốn chưa tham gia sâu vào đời sống kinh tế, xã hội và chưa chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chính sách, là điều không dễ dàng.
Nhưng Move Forward đã làm rất tốt, bằng cách giới thiệu các ứng cử viên trẻ tuổi ra tranh cử. Đảng này đã thành công khi thể hiện mình là một tổ chức chính trị trẻ trung, đầy lôi cuốn, khiến họ nhận được được sự quan tâm, ủng hộ cuồng nhiệt của giới trẻ và chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử lần này :
"Tất cả những điều đó khiến hàng triệu cử tri trẻ tuổi cảm thấy mình trở nên quan trọng, mình được lắng nghe, được trao cơ hội để dự phần vào sự thay đổi. Và rằng đời sống chính trị Thái Lan luôn có chỗ dành cho họ và vì họ.
Những người Thái trẻ tuổi tham gia phản kháng năm 2020 sau đó bị đàn áp, nay khiến chính quyền quân đội phải lắng nghe họ qua lá phiếu".
Theo ông Khánh, để đạt được kết quả như vậy, giới trẻ Thái Lan đã được trải nghiệm thực hành dân chủ từ sớm, nhiều bạn trẻ ở các cuộc biểu tình năm 2020 từng được ba mẹ họ mang theo trong những lần xuống đường của phe áo đỏ một thập niên trước. Ý thức về quyền được xây dựng, phong trào học sinh, sinh viên được ươm mầm từ những thực hành đó.
Tạo cảm hứng cho nhà hoạt động Việt Nam
Giới trẻ Hà Nội biểu tình phản đối Hà Nội chặt 6700 cây xanh vào năm 2015. Ảnh : Facebook
Ông T. một người quan tâm đến tình hình chính trị - nhân quyền Việt Nam, chia sẻ với RFA rằng ông thật sự khâm phục khát khao và ý chí đấu tranh cho dân chủ của người Thái :
"Mặc dù dân chúng Thái sống trong chế độ quân quản nhưng không vì thế mà họ từ bỏ đi quyền tự do của mình. Mặt khác, việc bầu cho một lãnh đạo trẻ cũng cho thấy dân chúng phần lớn kỳ vọng vào những người trẻ năng động, nhiệt huyết thay vì những người lãnh đạo già nua, mang tính bảo thủ".
Nhìn về Việt Nam, ông T. đánh giá Việt Nam rất khó để làm được điều mà Thái Lan đã đạt được trong kỳ bầu cử vừa qua. Nguyên do, theo ông là bởi người dân không có cơ hội thực hành dân chủ, như bầu cử tự do hay biểu tình thể hiện chính kiến ; Giới trẻ thì lại bị giáo dục, nhồi sọ từ từ lúc mới bắt đầu bước vào ghế nhà trường. Hơn nữa, ông cũng chưa nhìn thấy được một tổ chức nào đối lập có đủ uy tín hay người lãnh đạo đủ tầm đối đầu với hệ thống cầm quyền hiện nay.
Ông Nam Khánh cũng cho rằng kết quả bầu cử đầy lạc quan của Thái Lan sẽ không đủ để gây ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, nó sẽ tạo thêm động lực, niềm cảm hứng cho giới hoạt động dân chủ trẻ tuổi, cũng như người dân quan tâm đến chính trị xã hội ở Việt Nam.
"Những sự kiện như cuộc bầu cử lần này ở Thái Lan sẽ truyền cảm hứng tích cực đến những người Việt Nam cổ xúy dân chủ, nhân quyền. Vì gần gũi về mặt địa lý và có sự tương đồng về văn hoá, nên sẽ có nhiều điều mà chúng ta có thể học hỏi và áp dụng được cho Việt Nam, kể cả học hỏi từ những thất bại của họ".
Khi theo dõi quá trình đấu tranh không ngơi nghỉ của người Thái, Ông Khánh rút ra được ba bài học quan trọng có thể sẽ hữu ích cho Việt Nam :
Điều đầu tiên và quan trọng nhất : vừa đấu tranh nhưng phải luôn xây dựng và đào tạo thế hệ trẻ làm đội ngũ kế thừa. Đấu tranh cho dân chủ luôn là một hành trình dài và gian nan, không có gì đảm bảo thành công sẽ đến trong thế hệ hiện tại. Vì vậy, chuẩn bị lực lượng kế thừa để phong trào đấu tranh không đứt gãy, hụt hơi.
Thứ hai : tôn trọng, lắng nghe thế hệ trẻ, tạo không gian và trao cơ hội cho họ.
Thứ ba : đối lập và đấu tranh với nhau nhưng thống nhất khi cần. Move Forward và bảy đảng không thân quân đội và hoàng gia khác đã liên minh với nhau sau khi có kết quả bầu cử. Tất cả đều kêu gọi lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của người dân.
Kết quả bầu cử sẽ khiến chính quyền mới ở Bangkok trở nên càng khác biệt hơn so với Hà Nội, người Thái sẽ có nhiều không gian tự do hơn nữa so với người Việt. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang bịt miệng các tiếng nói đối lập bằng các Điều 117 và Điều 331.
Nguồn : RFA, 20/05/2023
Thắng thuyết phục, lãnh đạo Đảng Tiến bước hướng tới ghế thủ tướng
Xuân Mai, Lao Động online, 15/05/2023
Tuyên bố trên được đưa ra, sau khi Ủy ban bầu cử (EC) Thái Lan kết thúc việc kiểm phiếu vào sáng 15/5 và công bố chiến thắng thuộc về Đảng Tiến bước (MFP) trong cuộc tổng tuyển cử trước đó một ngày.
Kết quả bầu cử được công bố. Ảnh: Bangkok Post
Theo Bangkok Post, Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết MFP giành được tổng cộng 151 ghế tại Hạ viên (gồm 112 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 39 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng). Trong khi đó, đảng Pheu Thai đứng thứ hai với 141 ghế (tương ứng lần lượt là 112 và 29 ghế).
Đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xếp thứ 5 với 23 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 13 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng.
Ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, lãnh đạo Đảng Tiến bước, cho biết ông đã đề xuất thành lập chính phủ liên minh có thể kiểm soát 309 ghế và ông sẵn sàng làm thủ tướng. Ông nhấn mạnh các bên phải tôn trọng kết quả bầu cử và không có ích gì khi chống lại nó.
Ông nói trong một cuộc họp báo : "Tôi không lo lắng nhưng tôi không bất cẩn. Sẽ phải trả một cái giá khá đắt nếu ai đó đang nghĩ đến việc hạ thấp kết quả bầu cử hoặc thành lập chính phủ thiểu số".
Ông Pita cho biết đã có phản hồi tích cực từ các đảng khác đối với đề xuất của ông ấy. Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố ngày 15/5 từ đảng Pheu Thai cho biết đảng này đã đồng ý với đề xuất cùng Đảng Tiến bước thành lập liên minh đối lập và không có kế hoạch thành lập bất cứ chính phủ nào khác.
Nguồn : Lao Động online, 15/05/2023
Từ chuyện bầu cử : Nhìn sang Thái Lan, ngẫm về Việt Nam
Phạm Phú Khải, VOA, 12/05/2023
Phần lớn những người lãnh đạo hay phát ngôn nhân của các đảng chính trị lớn và trung đều khá trẻ. Paetongtarn Shinawatra, con gái út của Thaksin Shinawatra, mới 36 tuổi, ứng viên của đảng Pheu Thai.
Các ứng cử viên Thủ Tướng Thái : Paetongtarn Shinawatra (giữa), Srettha Thavisin (phải) và Chaikasem Nitisiri (trái) chào hỏi công chúng tại sân vận động the Thunder Dome Stadium, Bangkok, 5 tháng Tư.
Chủ Nhật 14 tháng 5 này, người dân Thái sẽ đi bỏ phiếu để bầu chọn những người đại diện của mình vào quốc hội. Bầu cử này rất quan trọng không những cho đất nước và người dân Thái, mà còn ảnh hưởng đến địa chính trị vùng. Trong nước, nếu đối lập Thái thắng, mà mọi dấu hiệu hiện nay đều cho thấy là như vậy, nền dân chủ tại Thái Lan sẽ được củng cố và đất nước sẽ đi qua một bước ngoặc mới. Hiến pháp Thái sẽ được viết lại, trong đó vai trò của quân đội sẽ giảm thiểu để củng cố chính trị và giảm thiểu nguy cơ quân đội khuynh loát. Ngoài nước, quan hệ ngoại giao, thương mại và an ninh giữa Thái Lan và Miến Điện, giữa Thái Lan và Trung Quốc, cũng như giữa Thái Lan và Hoa Kỳ, sẽ thay đổi nhiều nếu là chính quyền dân chủ, không phải quân phiệt.
Nhìn chung, không chỉ người dân Thái háo hức chủ động đi bỏ phiếu để thay đổi tương lai đất nước của mình, sau hai thập niên bất ổn. Bao nhiêu chính quyền và người dân trong vùng và xa xôi cũng trông chờ kết quả bầu cử kỳ này.
Tuy kết quả sơ khởi sẽ được biết vào, hay sau, Chủ Nhật này, kết quả sau cùng về đảng nào sẽ đủ ghế để hình thành chính quyền, và ai sẽ làm Thủ tướng, có lẽ một thời gian sau. Có khi đến tháng Bảy mới biết kết quả. Trừ khi đảng Đối lập là Pheu Thai, hay Move Forward Party, đều thắng lớn và liên minh với nhau, hoặc liên minh với các đảng chính trị khác. Hai đảng này liên minh với nhau thì có khả năng đủ ghế nắm quyền, nhưng sẽ làm cho phía quân sự và bảo thủ lo âu, đưa đến nguy cơ bất ổn chính trị về sau. Tóm lại, tuy có dấu hiệu phe đối lập sẽ thắng cử lớn, điều vô cùng quan trọng trong nền chính trị Thái là khả năng thương lượng giữa các đảng chính trị sau bầu cử để tạo thế liên minh mạnh và ổn.
Lần này 500 ghế sẽ được bầu lại, trong đó 400 ghế được bầu từ các khu vực bầu cử từng dân biểu, và ứng viên nào được nhiều phiếu trước sẽ thắng (first-past-the-post voting) ; 100 ghế còn lại nằm trong một lá phiếu riêng mà cử tri dùng để bầu trực tiếp cho các đảng chính trị ghi danh. Muốn thành lập chính quyền không phải chỉ cần 251 ghế trở lên, mà là 351. Lý do là theo hiến pháp Thái, muốn hình thành chính quyền thì phải có đa số ghế, bao gồm 500 ghế hạ viện cộng với 200 ghế thượng viện, tức phải có 351 ghế trở lên. Trong khi đó 200 ghế thượng viện hiện nay, nhiệm kỳ 5 năm kể từ năm 2019, chưa cần bầu lại, nhưng số ghế này mang tính cách quyết định để các đảng liên minh với nhau hình thành chính quyền. Đây là sự dàn dựng của phía chính quyền kể từ bầu cử năm 2019, do phía quân đội đưa ra mà đại diện là Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hiện nay. Cũng vì nguyên do này nên rất khó để bất cứ một đảng nào chiếm được hơn quá bán 350 ghế.
Cuộc vận động bầu cử tại Thái Lan trong những tuần qua rất là sôi động vì tính cách lịch sử và tầm quan trọng của kỳ này. Trong bao nhiêu điều tích cực và lạc quan này, xin được tóm tắt ba điều đáng chú ý nhất, như sau.
Một, là tính cách trẻ. Phần lớn những người lãnh đạo hay phát ngôn nhân của các đảng chính trị lớn và trung đều khá trẻ. Paetongtarn Shinawatra, con gái út của Thaksin Shinawatra, mới 36 tuổi, ứng viên của đảng Pheu Thai. Cô vừa mới sinh đứa con thứ hai cách đây gần 2 tuần. Hai ngày sau cô đã bắt đầu lại chiến dịch vận động tranh cử. Cuộcthăm dò mới đây cho biết có 27.55% người dân Thái muốn tín nhiệm cô làm Thủ tướng Thái. Pita Limjaroenrat, người đứng đầu đảng MFP, cũng chỉ mới 42 tuổi, vượt qua mặt cô Paetongtarn đứng đầu danh sách người được ưa chuộng làm Thủ tướng nhất, 29.37%. Những khuôn mặttrẻ sáng, đầy năng lực, là thế hệ mới tại Thái Lan đang tích cực tham gia gánh vác chuyện quốc gia. Trong khi những người lớn tuổi khác như Srettha Thavisin của Pheu Thai, hay đương kiêm Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, thì không được nhiều cử tri ủng hộ làm nguyên thủ quốc gia.
Hai, là tính năng động. Trong gần ba năm qua, khát vọng thay đổi nền chính trị và năng lượng tích cực đã tự nó chuyển hóa nước Thái. Bao nhiêu nhà hoạt động làm tất cả những gì cần làm để góp phần tạo niềm hy vọng thay đổi. Có người cạo đầu. Có người đổ sơn lên đầu. Có người khoả thân. Tất cả chỉ muốn bày tỏ khát vọng thay đổi chính trị. Bất chấp sự đàn áp thô bạo của cảnh sát, vòi nước, hơi cay v.v… hàng ngàn người vẫn xuống đường đòi thay đổi hiến pháp, thay đổi chính quyền, và cải tổ luật khi quân. Trong những tháng ngày qua, những người nhưRukchanok Srinork, 28 tuổi, đạp xe đạp với loa cầm tay đi khắp nơi vận động cho chính mình, ứng viên cho đảng MFP. MFP đang tiến hành một chiến dịch bầu cửtáo bạo và thách thức, và chiếm được sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Ba, là tính đa nguyên. Kỳ bầu cử này có tổng cộng 70 đảng chính trị tham gia, trong đó 67 đảng tranh cử cho 100 ghế dành riêng cho đảng phái. 43 người tranh chức thủ tướng, 4781 người tranh cho 400 ghế dân biểu và 1898 tranh cho ghế đảng. Các đảng chính trị nổi bật là Thai Sang Thai Party, Move Forward Party, Chart Thai Pattana Party, Bhumjai Thai Party, Pheu Thai Party, Phalang Pracharath Party, United Thai Nation, Ruam Thai Sang Chart Party, Democrat Party. Có lẽ sẽ không có đảng nào đủ mạnh để đứng một mình thành lập chính phủ, nội các hay bầu chọn Thủ tướng. Nếu Pheu Thai hay MFP liên minh với đảng của quân đội như Phalang Pracharath Party hoặc United Thai Nation thì khả năng đảo chánh sẽ giảm thiểu, nhưng lại có thể mất đi cử tri ủng hộ mình. Chính tính đa nguyên này đã làm nên một nước Thái đầy năng động.
Ngọn gió thay đổi lớn đang thổi mạnh tại quốc gia Thái Lan. Phong trào dân chủ đang chiếm ưu thế trong khi liên minh phía quân sự giữa Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, hai người đứng đầu cuộc đảo chánh năm 2014, đã tan rã. Tuy tòa án hiến pháp, ủy ban bầu cử và ủy ban chống tham nhũng của Thái đượcnhét đầy bởi những người được xem là trung thành với chính phủ quân sự, những gì đang xảy ra trên đất Thái rõ ràng là sự chuyển mình tích cực và mạnh mẽ, nhanh hơn dự đoán của cả những nhà hoạt động đấu tranh.
Chỉ trong vòng hai năm, sự đàn áp bắt bớ những nhà hoạt động và các cuộc biểu tình của giới trẻ Thái đã làm phong trào gần như tan rã. Bây giờ niềm hy vọng lạc quan về dân chủ tràn đầy trở lại.
Tính cách trẻ, năng động và đa nguyên của xã hội Thái Lan đang tạo sự chuyển mình của nước này. Cho đến khi nào Việt Nam mới hội đủ các điều kiện này nhỉ ?
Phạm Phú Khải
Con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin sẽ xuất hiện trên bầu trời chính trị Thái như một ngôi sao về Nữ quyền. Quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc đều là những vấn đề đối ngoại quan trọng để các ứng viên tranh thủ lá phiếu cử tri.
Paetongtarn Shinawatra (giữa) chụp ảnh cùng các nhân vật chủ chốt trong đảng của bà trong chuyến công du tỉnh Chiang Mai vào tháng 9 năm ngoái. (Ảnh : Pheu Thai Party)
Ngày 4/5/2023, Công ty truyền thông quốc tế "Al Jazeera" đăng xã luận dài với tiêu đề"Đã đến lúc cần chọn con đường mới : Người Thái tìm kiếm sự thay đổi khi cuộc bầu cử đến gần" (Time for a new way’ : Thais look for change as election nears). Khi người Thái tổ chức lễ hội Songkran vào tháng trước bằng cách dầm mình trong những trận phun nước, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hy vọng, những ngày lễ này sẽ giúp giải cứu chiến dịch tái tranh cử mờ nhạt của ông. Mặc chiếc áo sơ mi Hawaii màu sáng và trang bị một khẩu súng nước khổng lồ màu xanh, ông Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh quân đội trở thành chính trị gia – người đã lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra trong một cuộc đảo chính hồi năm 2014 – đã bất ngờ xuất hiện tại đường Khao San ở Bangkok, tham gia cùng những người vui chơi "thả dàn" trong cuộc chiến dưới nước, theo phong cách ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan. Nói về những thăm dò gần đây, đảng UTN của ông tụt hậu sau các đối thủ như đảng Pheu Thai, ông Prayut cho rằng các kết quả ấy không đáng tin cậy.
Ngôi sao nữ quyền :Paetongtarn 36 tuổi
Paetongtarn Shinawatra hôm 3/5 cho biết bà sẽ tiếp tục vận động tranh cử vào tuần tới sau khi đã sinh con trai vài ngày trước đó. Tại cuộc họp báo, bà vẫn tự tin về một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật 14/5. Bà Paetongtarn từng dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử. Đảng Pheu Thai của bà cũng đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây và đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, trong đó có hai cuộc thắng áp đảo. "Thái Lan cần phải thay đổi và đảng Pheu Thai là câu trả lời duy nhất", bà nói trong cuộc họp báo tại một bệnh viện ở Bangkok, ngay sau khi giới thiệu đứa con mới chào đời đang trong lồng ấp. "Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa... Nếu Pheu Thai có thể giành chiến thắng long trời lở đất và trở thành chính phủ, chúng tôi có thể thay đổi ngay lập tức". Trong cuộc chạy đua lần này, bà Paetongtarn nhận được rất nhiều sự chú ý, không chỉ vì xuất thân mà còn vì những bước đi ấn tượng của bà trong quá trình vận động tranh cử, ngay cả khi chuẩn bị sinh con thứ hai. Là con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bà đã theo học những trường hàng đầu ở Thái Lan và Anh quốc. Thời ông Thaksin còn giữ chức Thủ tướng, bà Paetongtam vẫn thường xuất hiện cùng cha trong các sự kiện.
Trả lời CNN, nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định : "Bà Paetongtarn rất nổi bật và thường đi cùng cha mình. Bà ấy có tư chất chính trị của ông Thaksin và nhận được rất nhiều thứ, vì là con gái út của cựu Thủ tướng". Bà tự tin, có sức hút và trên hết, bà mang họ Thaksin với gương mặt khiến nhiều người nhớ đến người cha nổi tiếng của bà. Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy Paetongtarn Shinawatra là ứng cử viên nặng ký cho vị trí Thủ tướng sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 14/5. Tuy nhiên cũng có lo ngại rằng, chiến thắng dành cho con gái út của cựu Thủ tướng từng bị lật đổ Thaksin Shinawatra – nhân vật gây chia rẽ nhất đất nước – có thể sẽ đẩy Thái Lan trở lại vòng xoáy biểu tình và can thiệp quân sự quen thuộc. Nhưng việc có được Paetongtarn 36 tuổi trong lá phiếu được cho là sẽ mang lại kết quả xứng đáng cho đảng đối lập Pheu Thai nổi tiếng.Cuộc bầu cử được hy vọng sẽ mang lại một chiến thắng áp đảo, với đủ số ghế để vượt qua lợi thế có sẵn của đảng cầm quyền để bầu ra Th ủ tướng.
Thái cũng "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc
Trước cuộc bầu cử, Đại sứ quán Thái Lan tại Washington phối hợp với Quỹ Châu Á đã tổ chức tọa đàm bàn tròn về quan hệ Thái Lan – Hoa Kỳ. Ngày 23/3/2023, bà Thượng nghị sĩ Duckworth chúc mừng liên minh bền chặt với Thái Lan, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở Châu Á, có thể tin cậy trong thời bình cũng như xung đột, cùng nhau giải quyết tội phạm và cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực. Hai nướchợp tác nhiều mặt từ an ninh, quốc phòng, kinh tế đến giao lưu nhân dân. Đại sứ Thái tại Mỹ Tanee đã thảo luận về mối quan hệ đồng minh đáng tin cậy và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia cũng như các kế hoạch nhằm nâng tầm quan hệ đồng minh như khuyến khích các chuyến thăm cấp cao từ Thái Lan trong 8 cuộc họp cấp Bộ trưởng APEC xuyên suốt nước Mỹ năm nay. Sau 200 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đến lúc Hoa Kỳ và Thái Lan xây dựng trên nền tảng vững chắc này và vạch ra một lộ trình mới cho liên minh giữa hai nước trong chiến lược "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP). Vai trò trung tâm của Thái Lan trong ASEAN, kết hợp với lịch sử lâu dài của Thái Lan với Hoa Kỳ cho thấyThái Lan s ẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình thái của FOIP sau bầu cử lần này nếu cử tri Thái quyết định thay đổi.
Dưới thời ông Prayuth, Thái Lan xích lại gần Trung Quốc, bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và ủng hộ các nhà lãnh đạo đảo chính Myanmar. Nhưng tất cả có thể thay đổi nếu đương kim Thủ tướng bị thay thế. Cuộc bầu cử ngày 14/5/2023 tới đây của Thái Lan sẽ quyết định chính sách chính trị và đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á 76 triệu dân trong vài năm tới, khi chính phủ bán quân sự phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng trong nước, áp lực an ninh từ nước láng giềng Myanmar và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Để nhắc nhở Washington rằng Thái Lan có một siêu cường khác theo đuổi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Bangkok vào hè năm ngoái – giữa hai chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Ngoại trưởng Blinken – để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Bangkok và Bắc Kinh.
Trong giới ngoại giao, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện được xếp hạng cao hơn so với quan hệ đối tác chiến lược đơn thuần. Sau đó vào giữa tháng 8/2022, Trung Quốc phái máy bay chiến đấu phản lực đến Thái Lan để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tập trận không quân Falcon Strike lần thứ năm tại một căn cứ quân sự ở Udorn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều "được trải thảm hoa" cho Trung Quốc trong các mối bang giao với Thái Lan. Bắc Kinh thất vọng, vì Bangkok đã chùn bước trước đoạn đường tàu cao tốc do Trung Quốc đề xuất đi qua Đông Nam Á lục địa. Người Thái không tin rằng tuyến đường sắt sẽ mang lại nhiều động lực cho nền kinh tế của họ, và họ muốn mở cuộc đấu thầu quốc tế để cung cấp đầu máy toa xe và thiết bị đường sắt hơn là phụ thuộc tất cả vào Trung Quốc về công nghệ.
Bầu cử Thái tác động đến Việt Nam ?
Ngày 7/5/2023, khoảng 2,35 triệu cử tri trên khắp Vương quốc Thái Lan đã tiến hành bỏ phiếu sớm một tuần trước ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử chính thức 14/5 để bầu Hạ viện khoá mới. Tờ "Nhân Dân", cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như nhiều trang mạng khác của các báo "lề phải" đã đưa tin khá chi tiết ngày "bầu cử sớm" của cử tri Thái. Sau đó đúng 1 tuần, vào ngày 14/5, khoảng 50 triệu cử tri còn lại sẽ tham gia bầu cử tại gần 100 nghìn địa điểm trên toàn quốc. Theo dõi bầu không khí dân chủ thực sự của cử tri Thái Lan, do chính các tờ báo của đảng và nhà nước tường thuật, người dân Việt Nam không thể không liên hệ đến các cuộc "đảng cử dân bầu" ở trong nước. Đặc biệt là tại các cuộc bầu cử các cấp lãnh đạo Việt Nam, từ bầu Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội, kể cả Bầu Tổng bí thư, chỉ bầu cho một candidate duy nhất. Bầu một người, không có candidate thứ hai thì bầu làm gì ? Mà phần lớn, người dân đâu được đi bầu, họ chỉ xem bỏ phiếu qua vô tuy ến. Còn ở những cấp mà cử tri được "lùa" đến hòm phiếu, thì trong các hộ gia đình, từ hai, ba cho đến bốn, năm người, tất cả dồn các lá phiếu cho một thành viên trong nhà, bất kể là ai, rồi cầm cả nắm phiếu ấy "nhét" vào "hòm".
Xem thế để thấy, bầu cử Thái Lan, trước mắt chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nhưng xemYouTube từ "South China Morning" nói về các cuộc vận động tranh tài giữa các đảng ở Thái, người Việt nào không ngậm ngùi tự hỏi : Đến bao giờ dân ta mới được như thế ? (Who’s running in Thailand’s most unpredictable election in decades ?) Về ngắn hạn, kết quả bầu cử có thể chưa có tác động gì đến Việt Nam, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ đến muộn hơn. Nhất là khi các phe phái chính trị tại Thái Lan hiện nay đang có dấu hiệu sẽ sớm định hình lại chính sách đối ngoại, rời khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, hâm nóng lại quan hệ với Mỹ và phương Tây sau tổng tuyển cử. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn nằm trong số những vấn đề đối ngoại quan trọng được các ứng viên sử dụng để tranh thủ lá phiếu cử tri tại Thái Lan.
Hoàng Trường
Thái Lan bầu cử : "Đếm phiếu quan trọng hơn bỏ phiếu"
Nước Anh vì sao nên nỗi ? Venezuela, đụng độ giữa hai "thế giới" ? Đường phố Algeria ngày càng mất kiên nhẫn. Quyền đón người nhập cư và quyền dân tộc. Giới trẻ Châu Âu muốn có hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu. Trên đây là một số chủ đề quốc tế của làng báo Pháp ngày 01/04/2019.
Bầu cử Quốc hội Thái Lan ngày 24/03/2016. Reuters/Soe Zeya Tun
Le Monde số đặc biệt về Brexit, không quên giã từ nữ đạo diễn Pháp Agnès Varda, vừa qua đời ở tuổi 90 , với hàng tựa trên trang nhất : Agnès Varda tiên phong của nền điện ảnh "làn sóng mới" và "bất trị". Ở trang quốc tế, nhật báo độc lập dành một bài dài phỏng vấn thủ tướng Thái Lan bị lật đổ Thaksin Shinawatra, đang lưu vong tại Dubai : Tôi buồn cho số phận Thái Lan.
Thaksin buồn cho vận nước Thái Lan
Một tuần sau khi kết thúc bầu cử Quốc hội tại Thái Lan (24/03) nhưng phải chờ thêm đến ngày 09/05/2019 mới có kết quả chính thức. Cựu thủ tướng Thaksin tiếp phóng viên Le Monde tại thành phố thương mại thời trang của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập trong một quán cà phê, không cận vệ. Người từng nắm vận mệnh vương quốc Thái trong 5 năm đầu thập niên 2000 phủ nhận giá trị cuộc bầu cử mà ông cho là "đầy những bất thường" : nhiều tỉnh không đủ lá phiếu, tại nhiều đơn vị, đảng Nhà nước của Nhân dân (phe chính quyền) về nhì đột nhiên lên hạng nhất. Nói đến đây, cựu thủ tướng Thái rút trong túi áo một tờ giấy trên đó có chân dung Joseph Staline và câu nói bất hủ được cho là của nhà độc tài Liên Xô : "Điều quan trọng không phải là bỏ phiếu mà là chuyện đếm phiếu".
Theo Le Monde, lập luận của Thaksin không phải là thiếu trọng lượng. Từ Chủ nhật 24 tháng 03, ngày loan báo kết quả bầu cử bị đình hoãn nhiều lần cũng như ngày bầu cử trước đây. Vào đêm bầu phiếu, Ủy ban Bầu cử tuyên bố không thể tiếp tục kiểm phiếu trong đêm. Lý do : không có máy tính.
Hiến pháp của Thái Lan, soạn thảo theo chỉ đạo của quân đội, là một văn kiện "bất bình đẳng". Thượng viện, với 200 nghị sĩ do một ủy ban do quân đội bổ nhiệm, bầu thủ tướng. Thế thì khỏi chờ kết quả. Thaksin, với kinh nghiệm của một doanh nhân từng là chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Manchester City phân tích với nhà báo Pháp : bầu cử ở Thái lan vừa rồi giống như người ta tổ chức một trận bóng đá. Một đội banh được mang giày, đội kia đi chân đất. Là khán giả các bạn nghĩ sao ? Có quyền nói mình bị lừa hay không ? Thaksin than thở : Tôi buồn cho đất nước chúng tôi. Với mức độ phát triển cao, người dân Thái Lan lẽ ra phải có số phận xứng đáng hơn.
Brexit vì sao nên nỗi ?
Với tựa này, số đặc biệt về Brexit của Le Monde trở lại cội nguồn cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu làm rung chuyển Liên Hiệp Anh và Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi đó, Les Echos nhìn về những ngày sắp tới : Mười ngày để tránh được hỗn loạn, nguy cơ ly dị không thỏa thuận hiện rõ, Liên Hiệp Châu Âu sợ mất ngân phiếu đền bù.
Nhật báo kinh tế tỏ ra công bình, xem xét công lao của vị nữ thủ tướng có sức khỏe mong manh nhưng có nguồn nội lực bất tận và nhiệt tâm không gì lay chuyển thừa hưởng từ người cha giám mục Anh Giáo : "Tôi được bổ nhiệm thủ tướng để làm bổn phận phục vụ quyền lợi dân tộc. Tôi sẽ làm trọn bổn phận này".
Bổn phận được Les Echos tường thuật tỉ mỉ trong bài điều tra : Theresa May và nhiệm vụ bất khả, mượn tựa loạt phim điệp vụ lừng danh Mission Impossible. Tuy nhiên, người phụ nữ "trách nhiệm" này thiếu một đức tính cần thiết và thừa một khuyết điểm không nên có ở một nhà chính trị. Cụ thể là lúc còn là bộ trưởng nội vụ, Theresa May đã cho xe buýt mang biểu ngữ "quý vị về nước đi hay chờ bị bắt" chạy vòng vòng ở các khu phố của dân nhập cư trái phép. Cương quyết chống di dân lậu bằng biện pháp mị dân không phải là phương thức đấu tranh hiệu quả. Còn điểm yếu của bà là cương nghị không đúng lúc, không quyền biến nên trở thành ngoan cố. Cố gắng đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nói là theo ý dân, thủ tướng Anh bị chỉ trích là không quan tâm đến gần 50% dân chúng còn lại, những người chống Brexit, mà chỉ tập trung làm sao cho phe của mình là đảng Bảo Thủ hài lòng, cố thủ trong lập luận như một người máy được lập trình. Cuối cùng bà không được ai ủng hộ và còn mang tiếng là "Maybot", bà May rô-bô.
Algeria, Venezuela cùng tranh đấu
Alger thông báo thành phần chính phủ mới nhưng dân chúng đòi một chế độ mới, đệ nhị cộng hòa. Tại Venezuela, cuộc xung đột chưa vượt qua giới hạn đấu trường chính trị và pháp lý. Nhưng nguy cơ xung đột bạo lực ngày càng rõ nét.
Le Monde thuật lại hôm thứ Sáu 29/03/2019, phong trào tranh đấu ở Algeria một lần nữa biểu tình khắp nước đòi phải thay đổi chế độ, tất cả những cá nhân dính líu với 20 năm chính quyền Bouteflika phải nhường chỗ cho một thế hệ mới. Les Echos kịp đưa tin Algeria có nội các mới nhưng giải pháp tình thế, câu giờ không lừa được dân chúng : "Chúng tôi muốn chế độ này sụp đổ" là biểu ngữ thường thấy trong các cuộc xuống đường. Một luật gia trẻ nhận định : Tình hình tiếp tục bế tắc, xem như chế độ thua rồi.
Le Figaro, tập trung vào điểm nóng bên Nam Mỹ : Giữa Maduro và Guaido là một cuộc xung đột giữa hai thế giới, hai phe không thể hòa giải. Làm sao hòa giải với chế độ cánh tả đã làm cho đất nước một thời giàu có nhất Châu Mỹ Latinh, bây giờ gần như phá sản.
Chính quyền Maduro gần như mất hết hậu thuẫn của dân chúng, 6 năm sau khi lên thay Hugo Chavez. Maduro cai trị theo lề thói cũ, như một kẻ ngủ mê, mải lo kiểm soát giá cả thay vì cải tổ sâu rộng guồng máy kinh tế chỉ biết dùng tiền bán dầu. Bên kia, Juan Guaido, 35 tuổi, đại diện cho thế hệ trẻ, được hơn 50 quốc gia ủng hộ và theo một kết quả thăm dò của viện Datanalisis, tổng thống tự xưng được 60% dân chúng tin cậy, ủng hộ nhiệt thành.
Theo phân tích của viện Datanalisis, cuộc xung khắc này ngày càng có nhiều nguy cơ biến thành bạo động đổ máu, do Maduro cố bám trụ. Chuyên gia Vincente Luis Leon đưa ra bốn kịch bản : Kinh tế sụp đổ hoàn toàn, Maduro không từ chức, đối lập đấu tranh vũ trang đó là nội chiến. Kịch bản thứ hai, quân đội đảo chính, lật Maduro nhưng nắm luôn chính quyền. Thứ ba, một cuộc can thiệp từ bên ngoài, lật đổ Maduro. Kịch bản này khó có thể xảy ra vào lúc này nhưng không thể loại trừ… trong bối cảnh khi gần bầu cử Mỹ. Kịch bản thứ tư, là hai bên đàm phán. Guaido phải hiểu là ông sẽ làm thất vọng một số ủng hộ viên nhưng đối lập bắt buộc phải thương lượng với những kẻ (Maduro) không hề tỏ ra quan tâm đến đối thoại.
Quyền được nhập cư và ngôi nhà rạn nứt
Về thời sự Pháp, tất cả các báo đều đưa tin cải tổ nội các, bổ nhiệm ba nhân vật trẻ thay thế ba vị từ chức, người tranh cử Nghị Viện Châu Âu, người nhắm chiếc ghế đô trưởng Paris.
Libération cho là tổng thống Macron lại bổ nhiệm những người thân cận. Tuy nhiên, đòn mạnh nhất của nhật báo thiên tả là đánh vào phe tả tại Pháp với nhận định chính xác : Họ chia rẽ cho dù đồng thuận trên nhiều điểm. Giới chính trị gia mày râu, từ xã hội, cộng sản cho đến cực tả, thậm chí cùng xu hướng lại gia tăng tấn công lẫn nhau. Hệ quả là cử tri bỏ hết.
Chuyến tông du của đức giáo hoàng ở Maroc được La Croix và Le Figaro dành cho nhiều trang tường thuật. Tuy nhiên, bên dưới tựa đức giáo hoàng kêu gọi Châu Âu đón tiếp di dân, nhật báo thiên hữu cảnh giác độc giả qua bài xã luận "quyền nhập cư tị nạn và quyền dân tộc». Những lời kêu gọi của giáo hoàng lấy ra từ kinh thánh đoạn của Thánh Ma-thêu, rộng lượng, nhân ái cứu người lâm nạn là nền tảng của văn minh Tây phương. Thế nhưng, Le Figaro cho rằng tình hình Châu Âu hiện nay không cho phép mở rộng cánh cửa. Vật chất không phải là tài sản duy nhất của một quốc gia. Bên cạnh đó còn có tài sản tinh thần như là văn hóa,nghệ thuật sống, tín ngưỡng , ngôn ngữ… Châu Âu hiện nay là một Châu lục nứt rạn. Ngày xưa , Châu Âu rộng mở mời gọi di dân không nhà. Ngày nay, bản thân ngôi nhà Châu Âu đang đứng trước nguy cơ tường sập cửa bung.
Đầu tuần cũng là dịp để tổng kết một số thời sự diễn ra trong những ngày cuối tuần : Học sinh Châu Âu tiếp bỏ lớp ngày thứ Sáu xuống đường tranh đấu cho môi trường. Bầu cử tổng thống mới tại Slovakia và Ukraine.
Libération đưa hai tựa : Danh hài Volodymyr Zelensky về nhất ở vòng một, bầu tổng thống Ukraine. Một nữ tổng thống ở Slovakia. Zuzana Caputova, nữ luật sư 45 tuổi, chống tham nhũng, nữ tổng thống đầu tiên của Slovakia, La Croix đồng điệu.
Trong khi đó, Les Echos tường thuật cuộc biểu tình thứ Sáu hàng tuần của học sinh Đức, trong phong trào học sinh toàn thế giới chống biến đổi khí hậu, theo lời kêu gọi của cô bé Thụy Điển Greta Thunberg : Trong thời khủng hoảng, con người thay đổi thái độ. Chúng tôi muốn một tương lai. Có phải đòi hỏi qua đáng chăng, thưa quý vị chính phủ ?
Giảm cân
Cuối cùng, những độc giả muốn thử phương pháp mới để giảm cân, bớt ăn ngọt nhưng tăng khẩu phần mỡ, cần phải xem kết quả kiểm chứng này trên chuột.
Nguyên tắc giảm béo đơn giản : ăn ít đường để cơ thể đốt mỡ lấy năng lượng hoạt động. Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu của đại học Mỹ Iowa, thí nghiệm trên chuột được Le Figaro đăng tải thì chuột đực giảm cân, đường trong máu cũng giảm. Trong khi đó mấy nàng chuột cái lại lên cân, sau 15 tuần lễ thử nghiệm, bớt đường, thêm mỡ trong khẩu phần. Kích thích tố nữ Œstrogène bị nghi là thủ phạm.
Tú Anh
Phe quân sự có thể sẽ tiếp tục kiểm soát chính trường Thái Lan (RFI, 26/03/2019)
Mặc dù phe đối lập đang trỗi dậy, sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 24/03/2019, phe quân sự có thể sẽ tiếp tục kiểm soát chính trường Thái Lan. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, do không có đảng nào chiếm đa số, các đảng phải thương lượng với nhau để lập một liên minh cầm quyền.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha chụp ảnh kỷ niệm với các vũ công khi đến dự họp nội các, sau cuộc bầu cử. Ảnh chụp ngày 26/03/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Cuộc bỏ phiếu ngày 24/03 là cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 do tướng Prayut Chan-O-Cha tiến hành, lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra. Từ nhiều năm nay, Thái Lan vẫn bị chia rẽ nặng nề giữa một bên là phe "Áo Đỏ", tức là những người ủng hộ gia đình Shinawatra, và bên kia là phe "Áo Vàng", tức là những người bảo vệ chế độ quân chủ và dựa trên quân đội. Sau cuộc bầu cử ngày 24/03, sự chia rẽ đó vẫn tồn tại, cho dù kết quả sẽ như thế nào.
Kể từ năm 2001 đến nay, các đảng của phe "Áo Đỏ" vẫn giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử ở Thái Lan, và đặc biệt là được sự ủng hộ đông đảo của cử tri các vùng nông thôn và các vùng nghèo ở miền bắc. Nhưng hai anh em thủ tướng Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra đều đang sống lưu vong sau hai cuộc đảo chính năm 2006 và 2014, cho nên không họ có mặt tại chỗ để hô hào, vận động cử tri.
Nay thế cờ có vẻ đang đảo ngược. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ chỉ được công bố từ đây đến ngày 09/05, nhưng trước mắt, đảng thân chính quyền quân sự, đảng Palang Pracharat khẳng định đang dẫn đầu, dựa theo các số liệu sơ bộ sau khi kiểm 94% số phiếu. Cụ thể, tính về số phiếu, trên hơn 50 triệu cử tri, đã có 7,5 triệu người bỏ phiếu cho đảng Palang Pracharat. Theo sát là đảng Pheu Thai, đảng đối lập chính, theo phe Shinawatra, với 7,2 triệu phiếu. Trên lý thuyết thì đảng Pheu Thai còn có khả năng giành chiến thắng, nhờ liên minh với những đảng khác và cũng nhờ cách tính ghế rất phức tạp, không tỉ lệ với số phiếu.
Nhưng đảng Palang Pracharat có một lợi thế đáng kể, vì đảng này chỉ cần giành được 126 trên tổng số 500 ghế ở Hạ Viện là đủ để kiểm soát chính trường Thái Lan, vì họ có sự ủng hộ của 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự bổ nhiệm. Đảng Palang Pracharat hoàn toàn có thể hội đủ 126 ghế, nếu chiêu dụ được Đảng Dân Chủ, bao gồm những thành phần bảo thủ. Trong khi đó, đảng Pheu Thai bắt buộc phải nắm ít nhất 376 ghế ở Hạ Viện mới có thể đứng ra thành lập một chính phủ. Cho dù có liên minh với một đảng khác, Pheu Thai sẽ rất khó mà hội đủ số ghế đó.
Có điều từ hôm qua đến nay, Ủy ban bầu cử, do phe quân sự chỉ định, đã liên tục bị tố cáo về những vụ mua phiếu cử tri và về thái độ thiên vị. Đến mức mà trên các mạng xã hội hiện đang lan truyền một kiến nghị yêu cầu giải tán Ủy ban bầu cử bị xem là "thối nát nhất trong lịch sử Thái Lan". Kiến nghị này hiện đã thu được hơn 400 ngàn chữ ký. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng lên án một cuộc bầu cử "gian lận" nhằm giúp cho phe quân sự tiếp tục nắm quyền. Ông Thaksin khẳng định là tại nhiều tỉnh, số lá phiếu lại nhiều hơn số cử tri.
Những tố giác về gian lận phiếu khiến cho tình hình chính trị Thái Lan sau bầu cử càng thêm rối rắm. Theo dự đoán của các chuyên gia, do cả hai đảng Phalang Pracharat và đảng Pheu Thai đều khẳng định có khả năng lập chính phủ, sẽ mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần thương lượng, mặc cả, Thái Lan mới có một nội các mới.
Thanh Phương
*******************
Thái Lan chưa rõ kết quả bầu cử dù đảng thân quân đội 'nhiều phiếu hơn' (BBC, 25/03/2019)
Đảng chính trị thân quân sự ở Thái Lan bất ngờ dẫn đầu trong cuộc bầu cử đầu tiên của nước này kể từ khi quân đội lên nắm quyền 5 năm trước.
Các nhà báo chờ đợi tại trụ sở đảng Palang Pracha Rath ở Bangkok vào đêm 24/3
Với hơn 90% số phiếu được kiểm, đảng Palang Pracha Rath giành được 7,6 triệu phiếu bầu - nhiều hơn nửa triệu so với đảng đối lập Pheu Thai.
Tuy thế, Pheu Thai lại được 138 ghế trong Hạ viện 500 ghế, so với đảng Palang Prachara chỉ được 96.
Cả hai đảng đều tuyên bố sẽ tìm cách lập chính phủ.
Một số đảng khác được khoảng 30 - 39 ghế mỗi đảng.
Nhưng đảng nào thắng lợi trong việc giành 150 ghế nghị sĩ nữa vẫn chưa rõ, theo Ủy ban Bầu cử.
Tin mới nhất cho hay kết quả chính thức sẽ chỉ được công bố vào ngày 9/05.
Trước đó, người ta dự định công bố kết quả chính thức vào cuối ngày 25/3.
Pheu Thai có liên kết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.
Cũng hôm 25/03, ông Thaksin, hiện lưu vong ở nước ngoài, đã lên tiếng đổ lỗi cho phe quân nhân Thái Lan là "chủ động gian lận" bầu cử.
Tuy nhiên, hiện tại nhiều khả năng đảng thân quân đội có thể thành lập chính phủ dưới nhà lãnh đạo hiện tại, Tướng Prayuth Chan-ocha, người dẫn dắt cuộc đảo chính lật đổ em gái ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, năm 2014.
Kết quả sơ bộ thật bất ngờ, đảng Palang Pracha Rath (PPRP) ban đầu được nhiều người dự đoán sẽ đứng thứ ba.
Hơn 50 triệu người đủ điều kiện đi bầu, nhưng tỷ lệ bỏ phiếu được ghi nhận chỉ là 64%, AFP đưa tin.
Thái Lan rơi vào bất ổn chính trị trong nhiều năm. Sau khi giành được quyền lực, quân đội hứa sẽ khôi phục dân chủ, nhưng đã nhiều lần hoãn tổng tuyển cử.
Bầu cử Thái Lan
Trước thềm cuộc bầu cử, Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn phát đi tuyên bố kêu gọi "hòa bình và trật tự" trong ngày bỏ phiếu.
Nhà vua cũng kêu gọi cử tri "ủng hộ người tốt".
Đảng Tương lai Tiến bước do tỷ phú Thanatorn Juangroongruangkit dẫn đầu
Bối cảnh
Cuộc bầu cử được xem chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa các đảng thân quân sự và các đồng minh của ông Thaksin.
Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và sống lưu vong để tránh bị kết án tội lạm quyền. Nhưng ông vẫn có một lượng người ủng hộ đáng kể, phần lớn trong số đó là cử tri nông thôn và người nghèo.
Fah Teesud, 18 tuổi, từ tỉnh Lopburi nơi em đang sống cùng cha mẹ, tới Bangkok để ủng hộ đảng Future Forward
Tướng Prayuth được đề cử là ứng viên thủ tướng duy nhất của đảng PPRP thân quân đội mới thành lập.
Trong số các đảng nổi bật khác là đảng Dân chủ, do cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, và đảng Tương lai Tiến bước do tỷ phú Thanatorn Juangroongruangkit dẫn đầu.
Vào thời điểm đảo chính, quân đội cho biết họ muốn khôi phục trật tự, ổn định và ngăn các cuộc biểu tình nổ ra liên tục trong nhiều năm.
Nhưng chính quyền quân sự bị cáo buộc chuyên quyền, kiểm soát chặt chẽ truyền thông và tùy tiện dùng các luật như khi quân để bịt miệng đối thủ.
Chính quyền quân sự cũng đưa ra bản hiến pháp mới - được cuộc trưng cầu dân ý thông qua - mà giới chỉ trích nói là được thiết lập để đảm bảo phe quân nhân vẫn là trung tâm của chính trị Thái Lan.
Hơn 50 triệu người đủ điều kiện đi bầu, nhưng tỷ lệ bỏ phiếu được ghi nhận chỉ là 64%, AFP đưa tin
Cuộc bỏ phiếu hôm 24/3 là bầu 500 thành viên Hạ viện. Nhưng theo hiến pháp, một thượng viện 250 ghế đã được phe quân nhân chỉ định.
Hai cơ quan quốc hội cùng bầu thủ tướng - một ứng viên chỉ cần một nửa số phiếu cộng với một để giành chiến thắng.
Vì vậy, ứng viên chủ chốt của chính quyền quân sự - Tướng Prayuth - về lý thuyết chỉ cần 126 phiếu bầu tại Hạ viện để nhậm chức.
Đảng cầm quyền hoặc liên minh cũng có thể chỉ định một người không phải là nghị sĩ làm thủ tướng.
Hiến pháp mới cũng áp đặt giới hạn về số lượng ghế mà bất kỳ đảng nào có thể đảm nhận, bất kể lượng phiếu mà họ đã giành được, và bất kỳ chính phủ nào trong tương lai đều bị ràng buộc theo kế hoạch 20 năm cho Thái Lan do phe quân nhân đề ra.
Kết quả sơ bộ không chính thức sẽ được công bố trong vài giờ tới, nhưng các phóng viên nói rằng sẽ mất một thời gian để định hướng tương lai của Thái Lan trở nên rõ ràng hơn, khi các đảng đàm phán các thỏa thuận về liên minh với nhau.