Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Người chị bí ẩn của Kim Jong-un

RFI tiếng Việt

Người chị bí ẩn đầy quyền lực của Kim Jong-un

Trong bài điều tra mang tựa đề "Người phụ nữ bí mật cố vấn cho Kim Jong-un", đặc phái viên Le Figaro tại Seoul cho biết trong những năm gần đây, Kim Seol-song, người chị cùng cha khác mẹ bí ẩn của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên đã mở rộng ảnh hưởng chưa từng thấy. Tuy bà Seol-song đóng vai trò quyết định trong họ nhà Kim, nhưng người dân lại chưa từng nghe đến tên bà.

kim0

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cùng bộ tham mưu quân đội viếng thăm đảo Mahap, vùng Ongjin, 14/03/2017. KCNA/via AFP

Theo tác giả, vài giọt chất độc tại sân bay Kuala Lumpur đã vén lên một góc màn bí mật của cuộc chiến tương tàn tại triều đại cộng sản duy nhất trên hành tinh. Một tháng sau vụ sát hại người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam bằng chất độc VX, bí ẩn vẫn bao trùm vụ ám sát y như trong phim trinh thám này. Mọi nghi ngờ đều hướng về Kim Jong-un, có thể đã ra lệnh trừ khử người anh và là đối thủ tiềm năng. Câu chuyện mang hơi hướng thời trung cổ nhưng xảy ra trong thế kỷ 21 cho thấy số phận Kim Jong-nam, con của người tình Kim Jong-il, có thể đã bị định đoạt từ lúc Kim Jong-un lên ngôi.

Nhưng Le Figaro dẫn lời những quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên đã đào thoát và các chuyên gia tại Seoul khẳng định, tại trung tâm của đất nước khép kín này, có một nhân vật bí ẩn khác một ngày nào đó có thể trở thành mối đe dọa đối với lãnh tụ tối cao. Đó là Kim Seol-song, người chị cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, con của nhà độc tài quá cố với người vợ chính thức Kim Young-sook.

Người phụ nữ tuổi tứ tuần không xuất hiện trong bất cứ bức ảnh chính thức nào, cũng không ai biết ngày sinh cụ thể, thường xuyên tháp tùng Kim Jong-il lúc sinh thời trên chuyến tàu bọc thép, đến cả Xibêri. Tờ Chosun Ilbo cho biết bà Seol-song từng học văn chương tại đại học Kim Il-sung, sau đó du học Paris năm 2005. Từ khi cha mất tháng 12/2011, quyền hành của bà trở nên lớn hơn cùng với việc Kim Jong-un được chỉ định lên nối ngôi. Cheong Seong-chang của Viện Sejong, một trong những chuyên gia am hiểu về Bắc Triều Tiên nhất cho biết, Kim Seol-song là nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng, với chức vụ phó chủ tịch Trung ương đảng Lao Động.

Người chị lớn hơn Kim Jong-un từ 10 đến 13 tuổi, vừa có quyền hành theo Khổng giáo, vừa là huyết thống chính thức của cố lãnh tụ - một ưu thế lớn so với Kim Jong-nam là con "ngoài giá thú". Nhà ngoại giao Thae Yong-ho hiện tị nạn tại Hàn Quốc khẳng định, bà Kim Seol-song cùng chồng đã tiến hành âm mưu dẫn đến việc người chú dượng Chang Song-thaek bị hành quyết năm 2013 để giành vị trí số hai. Một số người tại Hàn Quốc so sánh bà với Choi Soon-sil, cố vấn trong bóng tối của nữ tổng thống Hàn Quốc vừa bị truất phế.

Đồng minh hiện tại, địch thủ tương lai ?

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu trong tương lai người chị bí ẩn này có thể trở thành mối đe dọa mới đối với nhà độc tài trẻ tuổi Bắc Triều Tiên ? Bề ngoài thì Kim Jong-un nắm trọn mọi quyền hành, trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng. Nhưng theo các nhà phân tích, trong trường hợp khủng hoảng, bà Seol-song có thể trở thành địch thủ.

Kim Jong-un đã thanh trừng thô bạo để giữ vững quyền lực. Nhà sử học Nga Andrei Lankov nhận xét : "Anh ta muốn chứng tỏ với giới cán bộ lão thành mình là ông chủ. Nhưng khi ra tay quá đáng, Kim Jong-un đã tạo điều kiện cho các âm mưu lật đổ". Trong khi ông nội nhắm vào việc "cải tạo" kiểu mao-ít để các nạn nhân thanh trừng còn có chút hy vọng ở tương lai, nhưng người cháu lại cho hành quyết hoặc bỏ tù nhiều quan chức cao cấp, gieo rắc lo sợ trong giới cầm quyền.

Tuy vậy đối với đa số trong 23 triệu người dân Bắc Triều Tiên, thì điều kiện sống đã được cải thiện đôi chút nhờ Kim Jong-un cho tự do hóa nông nghiệp. Tình hình thực phẩm khá hẳn sau nạn đói của thập niên 90 ngay cả tại nông thôn, một giai cấp thương gia mới nổi lên ở thành thị và vùng biên giới với Trung Quốc.

Thế nên mối nguy hiểm nếu có, chỉ có thể xuất hiện từ thượng tầng chế độ. Vụ ám sát Kim Jong-nam và vai trò bí mật của Kim Seol-song đã làm đậm nhân tố bất ổn : nạn tranh giành quyền lực trong nội bộ Bình Nhưỡng. Theo giáo sư Lankov, do Kim Jong-il chưa bao giờ ấn định vai vế cho các giòng con, nên đã dẫn đến hỗn loạn ; như đế quốc Ottoman đã từng gặp phải ở hậu cung triều đình.

"Lãnh tụ tối cao" từng du học ở Thụy Sĩ phải dè chừng với những người thừa kế khác đang rình rập chờ cơ hội, một thực tế khác hẳn với cảm giác Kim Jong-un nắm trọn quyền hành do bộ máy tuyên truyền đưa ra. Lee Yun-keol, nguyên là một nhà khoa học Bắc Triều Tiên, nay điều hành North Korea Strategy Information Service (NKSIS) phân tích : "Trên thực tế, Bắc Triều Tiên do một phe phái lãnh đạo. Kim Jong-un là biểu tượng và là người nắm quyền, nhưng buộc lòng phải lắng nghe quan điểm của các thành viên khác trong gia tộc". Tất nhiên kể cả bà chị trong bóng tối.

Hàn Quốc và cơ hội đổi thay

Cũng tại bán đảo Triều Tiên, Le Monde qua bài phân tích "Một cơ hội thay đổi tại Hàn Quốc"nhận định, hai sự kiện nữ tổng thống Park Geun-hye bị truất phế và Lee Jae-yong, người thừa kế của đế chế Samsung bị bắt diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng, đã làm rung chuyển hệ thống quyền lực dựa trên sự thông đồng của các chính khách và các đại tập đoàn (chaebol).

Hệ thống được người cha quá cố của bà Park là nhà độc tài Park Chung-hee thiết lập đã đưa Hàn Quốc lên thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ tư tại Châu Á, nhưng với cái giá mà nhiều người dân hiện nay không thể chấp nhận được. Công nghiệp hóa được đẩy mạnh tối đa, các doanh nhân được ưu đãi về thuế má, năng lượng, các nghiệp đoàn bị đàn áp. Những chaebol như Samsung, Huyndai, LG vươn lên từ đó. Tiếp đến là nhà độc tài Chun Do Hwan với vụ thảm sát Kwangju tháng 5/1980. Hai tổng thống cấp tiến sau đó là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun không thay đổi mấy tình hình.

Theo Le Monde, bà Park lãnh đạo mà không quan tâm đến những kỳ vọng của người dân vào tương lai. Nhà chính trị học Kang Wong-taek nhận xét : "Năm 1987, người Hàn Quốc biểu tình đòi dân chủ, còn lần này họ đấu tranh cho sự minh bạch và hội nhập".

Trung Quốc : Nghi ngờ những "người hùng" cộng sản sẽ bị trừng phạt

Còn tại Trung Quốc, Le Monde chú ý đến "Những người hùng cộng sản sắp được luật pháp bảo vệ". Nói xấu các anh hùng, liệt sĩ cộng sản sẽ bị coi là tội phạm : một điều luật đã được đề nghị với Quốc hội, mà trong phiên họp toàn thể kéo dài đến hôm nay đang nghiên cứu việc sửa đổi bộ luật dân sự cho năm 2020.

Điều luật mới này trừng phạt mọi chỉ trích các "người hùng" vẫn được đảng Cộng sản tuyên truyền, như "anh hùng" Lôi Phong (Lei Feng) huyền thoại chẳng hạn. Tờ báo cho biết, nhiều nhà sử học, nhà báo độc lập, blogger đã bị truy tố vì tội vu khống.

Chẳng hạn tác giả Hồng Chấn Khoái (Hong Zhenkuai) bị kết án vào tháng 8/2016 vì đã dám nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện "Lang Nha (Langya) ngũ tráng sĩ", nói về năm người lính đã nhảy xuống vực thẳm thay vì đầu hàng Nhật, sau khi tiêu diệt nhiều quân địch. Nhưng sau khi nghiên cứu tàng thư Nhật và bản vẽ địa hình, ông Hồng Chấn Khoái khẳng định năm lính Trung Quốc này thật ra đã tìm cách chạy trốn quân Nhật, và trượt chân rớt xuống vực chết !

Sợ chảy máu vốn, Trung Quốc ngăn mua công ty nước ngoài

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde cho biết "Trung Quốc kìm bớt việc mua lại các công ty ngoại quốc". Để chống lại tình trạng luồng vốn đang ào ạt chảy ra ngoại quốc, Bắc Kinh hạn chế việc các tập đoàn Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Nạn nhân mới nhất là Vạn Đạt (Wanda), tập đoàn thuộc sở hữu của Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), người giàu nhất Trung Quốc, một trong những tỉ phú hăng hái nhất trong việc mua lại các công ty ngoại quốc trong năm năm gần đây. Vạn Đạt đành từ bỏ việc mua lại công ty Mỹ Dich Clark Production (DCP, đơn vị tổ chức giải thưởng Quả Cầu Vàng) với giá 1 tỉ đô la, vì không thể chuyển số tiền lớn này ra nước ngoài, theo Bloomberg. Thương vụ bất thành khiến Vạn Đạt phải bồi thường 50 triệu đô la.

Từ cuối tháng 11/2016, chính quyền Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc kiểm soát vốn của các tập đoàn. Đồng nhân dân tệ từ ba năm qua đã bị mất giá 12% so với đô la Mỹ, và trong tháng Giêng năm nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 3.000 tỉ nhân dân tệ, so với năm 2014 là 4.000 tỉ nhân dân tệ. Bên cạnh đó, chảy máu vốn cũng gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Kể từ nay, mọi vụ mua bán quan trọng phải được Ủy ban Kế hoạch duyệt trước.

Người Châu Phi vỡ mộng với đất hứa Quảng Châu

Trong bài viết mang tựa đề "Little Africa gây vỡ mộng tại Quảng Châu", Le Figaro thông tin, ngày càng nhiều người Châu Phi khăn gói rời bỏ thành phố họ từng cho là đất hứa, vì kinh tế sa sút và khó xin visa.

Vào giữa thập niên 2000, số người Châu Phi đến cư trú ở đô thị nằm đối diện với Hồng Kông là khoảng 15.000 người, con số này có thể lên 30 đến 50.000 người nếu tính cả những du khách giả hiệu. Nhưng khu phố được mệnh danh là "Little Africa" tại Quảng Châu trong hai năm gần đây bị công an kiểm soát gắt gao. Fatou, một phụ nữ Sénégal 28 tuổi cay đắng nói : "Người Trung Quốc có mặt khắp nơi tại Châu Phi, nhưng họ lại không để cho chúng tôi làm việc ở đây dù có giấy tờ hợp lệ".

Cộng vào đó là thái độ kỳ thị : không ít trường hợp người Hoa đổi sang chỗ khác trong xe điện ngầm, hoặc bịt mũi trước những người da đen. Cũng có những vụ các thương nhân Châu Phi mua hàng xuất khẩu bị nhân viên người Trung Quốc cướp mất khách hàng.

Cam Bốt tăng giá vé tham quan Angkor : Lợi bất cập hại ?

Cũng tại Châu Á nhưng về du lịch, thông tín viên La Croix tại Phnom Penh than phiền "Cam Bốt tăng giá ở Angkor". Việc giá tham quan các di tích đã được Unesco xếp hạng bị tăng mạnh gây lo ngại cho những người làm du lịch.

Kể từ đầu tháng Hai, giá vé tham quan một ngày tăng gần gấp đôi từ 20 đô la tăng lên 37 đô la, còn một tuần thì từ 60 lên 72 đô la. Năm ngoái, 2,2 triệu du khách nước ngoài tham quan di tích này đã mang lại 62 triệu đô la cho đất nước Chùa Tháp. Sareth Duch, giám đốc công ty du lịch Angkor Travel cho rằng không nên tăng giá đột ngột như thế, du khách thường lưu lại Siem Reap ba ngày nay có thể chỉ tham quan một ngày mà thôi.

Tuy hãy còn quá sớm để đánh giá tác động của việc tăng giá vé, những người sống nhờ du khách ở Siem Reap hiện rất lo lắng. Serey, anh thanh niên 29 tuổi lái xe tuk-tuk cho biết : "Có ít du khách phương Tây hơn nhưng khách người Hoa lại tăng lên, việc này rất tệ hại cho chúng tôi vì khách Trung Quốc di chuyển bằng xe buýt".

Châu Âu : Tựa chính báo Pháp

Tình hình Châu Âu chiếm trang nhất các báo Paris hôm nay. Le Figaro nhận định "Anh quốc, Hà Lan, những rạn nứt của Châu Âu", trong khi La Croix chạy tựa trang nhất "Cuộc bầu cử Hà Lan, phép thử cho Châu Âu". Le Monde chú ý đến một sự kiện mới "Châu Âu : Các công ty có thể cấm nhân viên mang khăn choàng Hồi giáo với điều kiện".

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos lý giải "Vì sao các sắc thuế của Trump làm nước Pháp lo lắng", còn Libération quan tâm đến "Diesel, bản báo cáo tố cáo Renault".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)