Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/03/2017

Thế giới lên án vi phạm nhân quyền tại Thái Lan và Miến Điện

Quốc tế lên tiếng về nhân quyền Thái Lan (RFA, 14/03/2017)

Một số tổ chức tranh đấu, bảo vệ nhân quyền cùng lên tiếng kêu gọi chính phủ Thái Lan thi hành nghiêm chỉnh luật cấm tra tấn, không được bắt giam người vô cớ, và phải thông báo cho gia đình những người bị bắt giữ biết thân nhân của họ đang bị giam giữ ở đâu, cũng như bị bắt về tội danh gì.

nq1

Chủ tịch Tổ chức Ân xá Quốc tế Thái Lan, bà Pornpen Khongkachonkiet (giữa), ông Anchana Heemmina và ông Somchai Homlaor (trái) tại văn phòng Công tố viên tại Pattani ngày 21 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Kêu gọi được đưa ra trước khi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại Geneve để duyệt xét tình trạng nhân quyền của Thái Lan. Trong phiên họp này, các thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng sẽ đánh giá về sự minh bạch của hệ thống tư pháp Thái Lan, và quyền tự do bày tỏ quan điểm được chính phủ Bangkok tôn trọng tới mức nào.

Một điểm khác nữa cũng được nói tới là có nhiều trường hợp mất tích xảy ra, phần đông nạn nhân là những người hoạt động nhân quyền, bày tỏ quan điểm khác với quan điểm chính phủ.

Một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy từ năm 1980 đến nay, có 86 trường hợp mất tích, đến giờ vẫn chưa biết số phận của nạn nhân.

Ông Pornpen Khongkachonkiet, giám đốc một tổ chức chuyên vận động cấm tra tấn nói rằng mặc dù Thái Lan đã ký công ước cam kết bảo vệ quyền của người bị giam giữ, nhưng điều quan trọng là chính phủ Bangkok phải thực hiện đúng những gì đã ký với cộng đồng quốc tế.

Cùng một quan điểm, ông Brad Adams, Giám Đốc Châu Á của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cho hay chính phủ Thái thường đưa ra những hứa hẹn, nhưng điều Bangkok cần làm và phải làm là có hành động cụ thể.

********************

Phương Tây bất đồng về điều tra nhân quyền ở Miến Điện (RFI, 13/03/2017)

nq2

Người tị nạn Rohingya tại trại tạm cư Kutupalang ở Bangladesh. Ảnh chụp ngày 12/02/2017. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain

Ngày 13/03/2017, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền Miến Điện đệ trình lên Hội Đồng Nhân Quyền báo cáo về các tội ác nhắm vào sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Bà Yanghee Lee yêu cầu Liên Hiệp Quốc thành lập ủy ban quốc tế, điều tra về những "tội ác chống nhân loại" do quân đội chính phủ gây nên. Nhưng một số quốc gia Châu Âu quan niệm rằng cần để cho Naypyidaw có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng tại bang Arakan.

Thông tín viên đài RFI Rémy Favre từ Rangun giải thích thêm về thái độ khoan dung của phương Tây :

"Theo nhà ngoại giao Yanghee Lee, quân đội Miến Điện đã phạm tội ác chống nhân loại trong phạm vi bang Arakan, miền tây Miến Điện, qua những vụ giết người không xét xử, hay các vụ hãm hiếp tập thể. Hơn 74.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh tị nạn trong những tháng gần đây. Bà Yanghee Lee mong muốn thành lập một ủy ban quốc tế điều tra về những tội ác tại quốc gia Đông Nam Á này, tương tự như các ủy ban đã được thành lập để điều tra về tình hình nhân quyền tại Syria hay Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, tất cả các nước Châu Âu không ủng hộ sáng kiến này. Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước, đã yêu cầu có thêm thời gian để giải quyết khủng hoảng tại bang Arakan. Do vậy, một số nước Châu Âu không muốn làm xấu đi hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi, mới cầm quyền chưa đầy một năm nay.

Thái độ khoan dung này trái ngược hẳn với những hành động vi phạm nghiêm trọng của quân đội chính phủ tại bang Arakan. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee ghi nhận những trường hợp trẻ em Rohingya bị đốt cháy. Trong khi đó, phát ngôn viên đảng của Aung San Suu Kyi lại cho rằng nhà ngoại giao quốc tế này đã "thổi phồng" sự thật. Vẫn theo quan chức nói trên, khủng hoảng ở bang Arakan là vấn đề nội bộ của Miến Điện. Nói cách khác, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc không nên can dự vào hồ sơ này".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 845 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)