Trung Quốc : Vì sao Nhật đem chiến hạm ra Biển Đông ? (RFA, 14/03/2017)
Trung Quốc đang chờ lời giải thích chính thức từ phía Nhật Bản về lý do tại sao Nhật lại đưa chiến hạm lớn nhất vào Biển Đông.
Chiến hạm Izumo của Nhật neo tại Căn cứ Yokosuka ở tỉnh Kanagawa vào ngày 6 tháng 12 năm 2016. AFP photo
Tin này được bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói với báo chí ở Bắc Kinh hồi sáng nay, nhắc lại mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, nhưng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phản đối nếu Nhật có ý đồ nào khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nhắc lại trước đây, Nhật Bản đã từng có những hành động khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, và Bắc Kinh mong mỏi Tokyo đóng góp vai trò tích cực, giúp xây dựng ổn định và hòa bình trong khu vực.
Phát biểu này được Bắc Kinh đưa ra để trả lời câu hỏi liên quan đến bản tin hãng thông tấn Reuters phổ biến ngày hôm qua, cho hay Nhật sẽ đưa chiếc tầu chiến lớn nhất đến Biển Đông, thực hiện chuyến hải trình kéo dài tới 3 tháng.
Hãng thông tấn Reuters nói rằng nghe được từ 3 nguồn tin khác nhau.
Bản tin cho hay chiến hạm Izumo của Nhật sẽ rời bến vào tháng Năm, ghé qua Singapore, Indonesia, Philippines, trước khi đến Sri Lanka và tham dự cuộc tập trận chung với hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Cuộc tập trận này sẽ diễn ra vào tháng Bảy năm nay, và chiến hạm Nhật Bản Izumo sẽ trở về bến vào tháng Tám.
Reuters còn cho hay trong tương lai, Nhật Bản sẽ tập trận chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Mặc dù Tokyo không liên quan trực tiếp đến cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang xảy ra giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, nhưng những nguồn tin phát xuất từ chính quyền Nhật đều nói một trong những mục tiêu Nhật theo đuổi là đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biền Đông, nơi Nhật cùng với nhiều nước khác từng cáo buộc Trung Quốc cố ý xây dựng, cải tạo đảo và những bãi đá mà Bắc Kinh tự nhận có chủ quyền.
************************
Trung Quốc chờ xem lý do vì sao chiến hạm Nhật tới Biển Đông (VOA, 15/03/2017)
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói Nhật Bản gần đây đã khuấy động vấn đề Biển Đông lên và Trung Quốc hy vọng Nhật sẽ đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định.
Trung Quốc nói đang chờ một tuyên bố chính thức về việc tại sao Nhật Bản có ý định đưa chiến hạm lớn nhất của mình tham gia chuyến đi kéo dài 3 tháng qua Biển Đông. Bắc Kinh nói họ hy vọng Nhật Bản có trách nhiệm về việc này.
Việc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ các vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đã gây ra mối quan ngại ở Nhật Bản và phương Tây. Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong khu vực nhằm khẳng định tự do hàng hải.
Các nguồn tin cho Reuters hay hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo, mới được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cách đây hai năm, sẽ dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar với các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà không biết liệu con tàu chỉ tới thăm các nước ở Đông Nam Á hay còn có một mục đích khác.
Tại cuộc họp báo thường nhật, bà Hoa nói : "Chúng tôi vẫn chưa nghe chính thức từ phía Nhật Bản".
Bà nói tiếp : "Nếu đó chỉ là một chuyến thăm bình thường, tới nhiều nước và đi ngang qua Biển Đông, chúng tôi không phản đối, và chúng tôi hy vọng hình thức trao đổi bình thường giữa các quốc gia có liên quan có thể đóng vai trò thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng nếu đến Biển Đông với những ý định khác, thì đó lại là vấn đề khác". Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng Nhật Bản gần đây đã khuấy động vấn đề Biển Đông lên, và Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định.
Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei đều tuyên bố chủ quyền ở vùng biển có giàu trữ lượng cá, dầu mỏ và khí đốt, nơi có lưu lượng thương mại hàng hải toàn cầu thông qua hàng năm lên đến khoảng 5 nghìn tỷ đôla.
Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
********************
Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao ra Biển Đông (RFI, 13/03/2017)
Đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 07/11/1016 - nguồn CSIS/AMTI)
Tư pháp Trung Quốc nới rộng thẩm quyền "xét xử" ra khắp các vùng biển thuộc "chủ quyền" của nước này, kể cả vùng Biển Đông đang tranh chấp. Trên đây là nội dung bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc tại kỳ họp của Quốc Hội, vào lúc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông.
Theo hãng tin AP, hôm qua, 12/03/2017, chủ tịch Toà án Tối cao Trung Quốc, Chu Cường (Zhou Qiang) thông báo Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải. Theo Tân Hoa Xã, tất cả các vùng biển thuộc "chủ quyền Trung Quốc" sẽ được luật pháp bảo vệ, cả những nơi đang tranh chấp. Theo luật mới, "có hiệu lực" từ tháng 8/2016, thẩm quyền của Toà án Tối cao Trung Quốc bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục điạ và "mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc".
Theo ông Chu Cường, mọi "công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ bị truy tố ra toà án Trung Quốc".
AP nhắc lại Trung Quốc đã tự tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, cũng như một phần lớn biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản.
Năm 2016, Bắc Kinh đã bác bỏ một phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau vụ này, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã diễn giải lại chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Quân đội gia tăng hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, củng cố các đảo nhân tạo thành pháo đài. Lệnh cấm đánh cá bốn tháng mỗi năm (từ tháng 5 đến tháng 8) tiếp tục được ban hành, viện cớ để truy đuổi ngư dân Việt Nam và Philippines.
Thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc có toàn quyền quyết định làm gì thì làm trên đảo "Hoàng Nham", tức Scarborough. Sở dĩ Bắc Kinh lớn tiếng là vì trước đó Manila tiết lộ với báo chí là Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc không được đòi hỏi chủ quyền ở Scarborough.
Tú Anh
********************
Biển Đông : Trung Quốc xây công trình mới ở Hoàng Sa (RFI, 15/03/2017)
Ảnh chụp từ vệ tinh trong 2 ngày 15/2/2017 và 6/3/2017 cho thấy việc xây dựng công trình mới trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ảnh : Reuters.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây nhất cho thấy là Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng công trình mới trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, chứng tỏ là Bắc Kinh tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự ở vùng biển này.
Theo hãng tin Reuters hôm nay, 15/03/2017, một ảnh vệ tinh chụp vào ngày 06/03, cho thấy là trên Đảo Bắc ( North Island ) thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu dọn đất và có thể đang chuẩn bị xây một hải cảng, mà theo các chuyên gia có thể là nhằm hỗ trợ cho các cơ sở quân sự.
Công ty vệ tinh tư nhân Planet Labs đã cung cấp những hình ảnh nói trên sau khi có tin trong tháng Giêng vừa qua về việc Bắc Kinh xây các công trình trên Đảo Cây, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974.
Theo các tùy viên quân sự trong khu vực và chuyên gia, công trình mới trên Đảo Bắc cho thấy quyết tâm của Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, cho dù Bắc Kinh đang cố tránh một cuộc đối đầu mới với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Reuters trích lời chuyên gia Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định rằng quần đảo Hoàng Sa "có vai trò rất quan trọng" đối với mọi nỗ lực trong tương lai của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Riêng Đảo Bắc nằm trong một vòng cung các đảo có thể tạo thành một lá chắn cho đảo Phú Lâm, nơi mà trong những năm gần đây Bắc Kinh đã đặt các giàn tên lửa địa đối không và các chiến đấu cơ phản lực, để bảo vệ đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Thanh Phương
*********************
Nhật Bản sẵn sàng triển khai tầu chiến lớn nhất tại Biển Đông (RFI, 13/03/2017)
Một lính hải quân Nhật trên chiếc tàu Izumo, ở Yokohama, ngày 06/08/2013. REUTERS/Toru Hanai
Hải Quân Nhật Bản sẵn sàng triển khai vào mùa xuân này chiến hạm lớn nhất tại Biển Đông. Đây sẽ là việc thể hiện sức mạnh chưa từng có của Nhật Bản trong khu vực kể từ sau Thế Chiến II.
Hãng tin Reuters, trích ba nguồn tin khác nhau, cho biết tàu khu trục sân bay trực thăng Izumo sẽ ra khơi vào tháng 05/2017 và sẽ ghé các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia các cuộc tập trận chung vào tháng Bẩy với hải quân Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Theo một trong ba nguồn tin ẩn danh, mục tiêu của quyết định đưa tàu Izumo thực hiện nhiệm vụ dài ngày là nhằm thử nghiệm khả năng tác chiến của tàu khu trục. Tuy nhiên, việc triển khai chiếc tàu lớn nhất của hải quân Nhật Bản tại Biển Đông cũng được cho là một tín hiệu cảnh cáo, vào lúc mà căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc, nước đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển này, với các nước khác như Việt Nam, Philippines, Đài Loan và vương quốc Brunei.
Tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Tokyo phản đối các yêu sách của Bắc Kinh tại khu vực được đánh giá là tuyến đường hàng hải huyết mạnh của thương mại quốc tế.
Tàu Izomo dài 250 mét và được hạ thủy cách đây 2 năm. Theo dự kiến, tàu Izumo sẽ trở lại cảng neo đậu Yokosuka, gần Tokyo, vào tháng 08/2017.
Thu Hằng