Nhật Bản bước vào thời Lệnh Hòa đầy thách thức
Hồ sơ 50 trang về Nhà Thờ Đức Bà Paris trên L’Express, chân dung người được xem là cố vấn số một của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên Le Point, chi tiết của các hoạt động chống khủng bố của phản gián Pháp trên L’Obs…: Các tạp chí ra tuần này hầu như chỉ dành trang bìa cho các vấn đề liên quan đến thời sự nước Pháp, ngoại trừ tuần báo Courrier International, đã dành gần hai phần ba bài vở cũng như trang nhất cho Nhật Bản, nhân dịp nền quân chủ Châu Á này thay đổi hoàng đế trị vì và niên hiệu.
Niên hiệu triều đại Lệnh Hòa của Nhật Bản - Ảnh minh họa
Dưới hàng tựa lớn trang bìa : "Nhật Bản, một tương lai chờ được sáng tạo lại", Courrier International ghi nhận là vào ngày mồng 1 tháng Năm 2019, hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito sẽ đăng quang làm hoàng đế, mở ra một thời đại mới cho nước Nhật, với niên hiệu là Lệnh Hòa (Reiwa). Trong số đặc biệt về Nhật Bản này, Tạp chí Pháp đã tập trung phân tích về các thách thức đang chờ đợi đất nước Mặt Trời Mọc, trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, cho đến văn hóa, nghệ thuât, khoa học.
Nguy cơ số một cho Nhật Bản : Dân số suy giảm
Để giải thích lý do vì sao cường quốc Châu Á này lại phải "sáng tạo lại tương lai" như đã nêu bật trong tựa chính của hồ sơ đặc biệt, Courrier International đã trích dịch một bài báo trên tờ Asahi Shimbun, đề cập đến nguy cơ lớn nhất của nước Nhật là đà suy giảm dân số. Theo bài báo, để có thể đối phó với nguy cơ đó, xứ Phù Tang phải mạnh dạn tấn công vào chế độ công ăn việc làm suốt đời, phát triển trở lại các vùng nông thôn, quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống, mở rộng hơn cánh cửa cho thế giới bên ngoài.
Điểm lý thú được tờ báo nhấn mạnh là một công trình nghiên cứu về tương lai xã hội Nhật Bản, được thực hiện với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo, đã phác họa ra 20.000 kịch bản cho năm 2050, trong đó kịch bản tối ưu sẽ là trong một thời hạn tối đa là từ 7 đến 9 năm phải giải tỏa bớt gánh nặng dân số tại các đô thị lớn, đưa thanh niên trở lại các vùng nông thôn, sau đó là trong thời hạn tối đa là từ 16 đến 19 năm tạo nên thế cân bằng giữa các đô thị và các tỉnh bằng những chính sách phát triển khả năng tự chủ về mặt năng lượng và tăng cường màng lưới giao thông liên tỉnh.
Thời Bình Thành Heisei : "Bonsai" bị "Tre" phủ bóng
Nói đến tương lai phát triển của Nhật Bản, không thể không đề cập đến quan hệ Nhật-Trung, và Courrier International đã phân tích vấn đề này trong bài xã luận mang tựa đề rất tượng hình : "Cây tre và cây bonsai". Dĩ nhiên ở đây, bonsai là biểu tượng của Nhật Bản, trong lúc cây tre tượng trưng cho Trung Quốc.
Tạp chí Pháp trước tiên hết đã nhắc lại sự kiện là vào năm 1979, nhà xã hội học người Mỹ Ezra Vogel đã gây tiếng vang lớn khi cho công bố tác phẩm "Nhật Bản là số một - Japan as Number One". Quyển sách nói về các bí quyết thành công kinh tế của Nhật Bản này đã nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách nhất ở các hiệu sách Tokyo.
Vào thời đó, các nhãn hiệu như Sony, Panasonic, Sharp đã thống trị ngành điện tử thế giới. Dựa trên giáo dục và nghiên cứu, phép màu Nhật Bản đã gây ấn tượng sâu sắc trên cả hành tinh, và vào tháng Giêng 1988, thời kỳ Heisei (Bình Thành) mở ra một cách huy hoàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán và địa ốc tăng vọt.
Tuy nhiên, theo tuần báo Pháp, Nhật sẽ sớm khám phá ra rằng bonsai không vươn được lên đến tận trời cao, và Tokyo sẽ bị Bắc Kinh vượt qua và bỏ lại đằng sau
Thật vậy, theo Courrier International, vào tháng 12 năm 1989, bong bóng đầu cơ tại Nhật Bản đã nổ tung làm tiêu tan tiền của và những giấc mơ của đất nước này.
Trong cùng thời điểm, ở cách Nhật chỉ vài trăm cây số, một nước khác bắt đầu đà cất cánh kinh tế mà có vẻ như không có gì có thể cản trở : Đó là Trung Quốc. Năm 2011, quốc gia cộng sản này đã giựt của Nhật Bản vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, và từ đó đến nay, với hệ thống 5G của Hoa Vi và các Con Đường Tơ Lụa, Bắc Kinh không ngần ngại lên lớp dạy dỗ các chàng khổng lồ của thế kỷ trước. Với dân số của mình đang già đi và sụt giảm, Nhật Bản giờ đây đang trong cơn sầu muộn.
Courrier International đã tự hỏi là phải chăng Ezra Vogel đã nhìn sai ? Liệu cây Tre sẽ thắng được cây Bonsai ? Tạp chí Pháp cho biết là nhà xã hội học cao niên vẫn tiếp tục quan sát thế giới Châu Á mà ông rất am tường, và trong tác phẩm sắp ra vào mùa xuân này, ông mô tả quan hệ không mấy êm thấm giữa hai nước và dự đoán một sự xích lại gần nhau cần thiết.
Câu hỏi mà tạp chí Pháp đặt ra là liệu Nhật có sẵn sàng bắt tay với Trung Quốc hay không ? Thăm dò dư luận cho thấy là cứ 10 người Nhật thì có đến 8 người có hình ảnh rất xấu về Trung Quốc. Thế nhưng, cũng có đến 70% công nhận rằng quan hệ Nhật-Trung là điều cần thiết.
Đối với Courrier International, đấy là một thách thức mới đối với Nhật Bản mà tên thời đại mới, bắt đầu từ ngày 01/05/2019, tóm tắt một cách hoàn hảo : Reiwa hay Lệnh Hòa mà theo bộ ngoại giao Nhật Bản, có nghĩa là "hòa hợp tốt lành.
Hồ sơ đặc biệt về Nhà Thờ Đức Bà Paris
Trang bìa đập mắt nhất trên các tạp chí Pháp ra tuần này là của L’Express, với một bức ảnh lớn của Nhà Thờ Đức Bà Paris nhìn từ phía sau với hai tòa tháp phản chiếu ánh lửa đỏ của vụ hỏa hoạn hôm 15/04/2019, nhưng không hề thấy ngon lửa. Tờ báo giới thiệu một hồ sơ đặc biệt 50 trang, về thảm họa xẩy đến cho một công trình được mệnh danh trong hàng tựa "Linh hồn của nước Pháp – L’âme de la France", bên trên một ghi chú nhỏ "Nhà Thờ Đức Bà Paris, ngày 15 tháng Tư năm 2019".
Hồ sơ về Nhà Thờ Đức Bà mà L’Express thực hiện rất hoàn chỉnh, đề cập đến nào là quá trình xây dựng Nhà Thờ qua biết bao thế kỷ được tờ báo cho là "đã thách thức thời gian", nào là những gương mặt lịch sử đã ghi dấu ấn trên công trình của Paris, nào là các báu vật được lưu giữ trong Nhà Thờ.
Vụ hỏa hoạn mới xẩy ra, cuộc điều tra về nguyên nhân đang được tiến hành, làn sóng quyên góp cho việc tái thiết đang dâng trào, các thách thức của việc khôi phục lại, tất cả những điểm trên đều được L’Express phân tích đầy đủ. Ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tôn giáo của Nhà Thờ Đức Bà cũng được các chuyên gia mà L’Express phỏng vấn nêu bật. Trong bài xã luận của hồ sơ đặc biệt, tuần báo Pháp không ngần ngại nhắc lại một câu chuyện liên quan đến nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nổi tiếng người Anh Kenneth Clark.
Vào năm 1969, trong một phim ngắn được ghi lại trên bờ sông Seine Kenneth Clark đã tự hỏi "Nền văn minh là gì à ? Tôi không biết, tôi không thể định nghĩa văn minh bằng từ ngữ trừu tượng, nhưng tôi nghĩ tôi có thể nhận ra một nền văn minh khi nhìn thấy nó". Sau đó, nhà sử học đã quay nhìn về phía Nhà Thờ Đức Bà và nói tiếp : "Và lúc này, tôi đang chiêm ngưỡng một nền văn minh".
Phản gián Pháp và công cuộc truy lùng khủng bố
Hồ sơ chính của L’Obs tuần này được nêu bật trên trang bìa là những tiết lộ độc đáo của những điệp viên Pháp đang hoạt động. Dưới tựa đề "Giữa lòng cơ quan tình báo", tạp chí Pháp đã giới thiệu một quyển biên khảo vừa ra mắt độc giả Pháp của nhà báo Alex Jordanov, ghi lại lời kể tỉ mỉ của khoảng một chục nhân viên tình báo về hoạt động chống khủng bố của họ.
Trước khi xuất bản, quyển sách dĩ nhiên đã được các chuyên gia về tình báo đọc lại kỹ càng để tránh ảnh hưởng đến các chiến dịch còn đang thực hiện. Ngoài ra, tên tuổi các nhân vật, ngày giờ, địa điểm cũng đã được thay đổi để tránh việc các nhân viên phản gián bị nhận diện.
Đối với L’Obs, quyển sách của Jordanov là bức ảnh chi tiết chưa từng có về các hoạt động cụ thể của giới gián điệp. Và nếu vì lý do an ninh, những người kể lại đã dùng đến tên giả, thì những gì họ nói ra đều rất thật. Họ sẵn sàng chỉ trích hệ thống pháp lý mà theo họ "hoàn toàn không phù hợp với tầm vóc của rủi ro". Họ cũng nói lên sự mệt mỏi trước nạn hành chánh quan liêu.
Theo tuần báo Pháp, nghe họ nói thì người ta có cảm giác cấp trên của họ chỉ quan tâm đến việc "tự bảo vệ cho mình" hơn là "gánh vác trách nhiệm". Trong lúc mà bản thân những người hoạt động trên hiện trường này đang ở tuyến đầu của một cuộc chiến mà họ cảnh báo là chỉ mới bắt đầu mà thôi.
L’Obs cũng đăng bài phỏng vấn Sebastien Pitrasanta, một cựu dân biểu Pháp, giờ đây hoạt động trong ngành tình báo, ghi nhận rằng : "Phải nói rõ : cơ quan phản gián DGSI không có phương tiện nhân sự để giám sát tất cả các đối tượng. Ngày nay ở Pháp, có khoảng 4000 người thuộc diện Hồi giáo cực đoan bị xem là nguy hiểm và cần phải theo dõi chặt chẽ. Nhưng DGSI chỉ có 4000 nhân viên. Và cho dù nhân sự tăng gần 40% trong 5 năm, thì phải biết là để tiến hành một cuộc theo dõi 24/24 tiếng thì phải huy động khoảng 25 người. Cứ tính nhẩm là thấy ngay…"
"Bộ óc" mới của tổng thống Macron
Trang nhất và hồ sơ chính của tạp chí Le Point tuần này được dành cho thời sự chính trị Pháp, với chân dung của đương kim bộ trưởng giáo dục Pháp Jean Michel Blanquer mà tờ báo cho là "Bộ óc mới của (tổng thống Pháp) Macron", tựa lớn trên trang bìa.
Đối với Le Point, ông Jean-Michel Blanquer không đơn thuần là một bộ trưởng giáo dục bó khuôn trong công việc chính của mình. Tầm nhìn và các đề nghị của ông bao quát hơn rất nhiều, vượt quá khuôn khổ của lãnh vực giáo dục mà ông đảm trách.
Trong vai trò là "quân sư" cho tổng thống Pháp, ông Blanquer, theo Le Point, sẽ ở tuyến đầu trên mặt trận tạo dựng bình đẳng về cơ hội thăng tiến cho mọi người dân Pháp mà ông Macron mong muốn.
Theo tuần báo Pháp, nhiệm vụ được giao phó cho ông rất nặng nề, bao gồm việc phá vỡ tình trạng an bài sẵn trong xã hội hiện nay (nói nôm na là tình trạng con vua thì được làm vua), trao cho mỗi đứa trẻ, một cơ hội để thành công trong cuộc sống tương ứng với nỗ lực của nó, bất kể nơi cư trú hay nghề nghiệp của cha mẹ.
Bộ trưởng Blanquer, theo Le Point, sẽ ở tuyến đầu trong công cuộc cải cách trường Quốc Gia Hành Chánh ENA, hoặc các định chế đào tạo các thành phần ưu tú khác.
Lãnh đạo Nam Phi là một người tốt và một đảng tồi
Tương tự như Courrier International, trang bìa tuần báo Anh The Economist cũng được dành cho một chủ đề quốc tế. Tờ báo bảo thủ Anh tuần này đã chọn nói về Nam Phi, nhân cuộc bầu cử sắp mở ra vào thượng tuần tháng Năm.
Bên trên chân dung của đương kim tổng thống Nam Phi, The Economist chạy tựa lớn : "Món cược tốt nhất cho Nam Phi là (tổng thống) Cyril Ramaphosa". Trong bài phân tích bên trong, tuần báo Anh giải thích rõ hơn khi cho rằng cầm quyền ở Nam Phi hiện nay là một người tốt (Good Man), nhưng là một đảng tồi (Bad Party). Trong bối cảnh đó tựa đề của bài nhận định chính là một lời kêu gọi : "Để chận đứng tình trạng thối nát tại Nam Phi, hãy ủng hộ Cyril Ramaphosa".
Lý do được The Economist nêu bật là Phe đối lập tự do không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng Năm. Vì vậy, tương lai của Nam Phi sẽ tùy thuộc vào vị tổng thống chính trực và theo xu hướng cải tổ, đang cần phải chỉnh đốn mớ bòng bong trong đảng Đại Hội Dân Tộc Phi ANC của ông, cầm quyền liên tục từ năm 1994 đến nay.
Trọng Nghĩa