Tập Cận Bình muốn Vành đai và Con đường 'được minh bạch' (BBC, 26/04/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách xoa dịu quan ngại về dự án Vành đai và Con đường tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh.
Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tập tuyên bố sẽ đảm bảo sự minh bạch và "tính bền vững tài khóa" của tất cả các dự án.
Sáng kiến này được một số người coi là một nỗ lực cho ảnh hưởng địa chính trị và đã bị chỉ trích tạo ra nợ nần với các quốc gia đi vay.
Ông Tập cũng tìm cách giải quyết các mối quan ngại thương mại chính của Hoa Kỳ trước cuộc hội đàm hai nước vào tuần tới.
Phát biểu vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường, ông Tập cho biết mục đích của chương trình cơ sở hạ tầng là "tăng cường kết nối và hợp tác thực tế".
Sáng kiến đầy tham vọng, dự kiến sẽ cần đến hơn 1 nghìn tỷ đô la đầu tư, đã và đang cấp vốn cho ác dự án xe lửa, đường bộ và cảng ở nhiều quốc gia.
Ông nói rằng chương trình này là nhằm "mang lại kết quả cùng có lợi và phát triển chung".
"Mọi thứ nên được thực hiện theo cách thức minh bạch và chúng ta không thể khoan dung với tham nhũng", ông nói. "Chúng ta cũng cần đảm bảo tính bền vững thương mại và tài khóa của tất cả các dự án để chúng sẽ đạt được các mục tiêu dự định theo đúng kế hoạch đề ra".
Bắc Kinh đang phô diễn các dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của mình tại diễn đàn ba ngày nơi nước chủ nhà đón các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.
Phát biểu tại Bắc Kinh, bà Christine Lagarde, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói về nhu cầu tạo ra 'Vành đai và Con đường 2.0' với tinh thần "chỉ kiến thiết ở đâu có phát triển bền vững và tính minh bạch".
Tân Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới, David Malpass, người Mỹ đã không dự Diễn đàn BRF tại Bắc Kinh lần này vì bận đi Châu Phi.
Tuy thế, bà Kristalina Georgieva, CEO của Ngân hàng Thế giới đại diện cho tổ chức này đến Bắc Kinh, nơi bà phát biểu về nguy cơ 'bẫy nợ'.
"Khi chúng ta có kế toán tốt, không đầu cơ, thì việc thật rõ là gánh nặng nợ nần một quốc gia có thể gánh chịu là bao nhiêu. Và Ngân hàng Thế giới có vai trò ở đây... đối với Vành đai và Con đường, cần có hệ thống đánh giá độc lập, của bên thứ ba, để giúp các quốc gia làm đúng".
Bị chỉ trích tạo ra gói nợ
Dự án đã bị chỉ trích vì để lại một số quốc gia lún sâu vào nợ nần như việc Sri Lanka buộc phải trao quyền kiểm soát một cảng vào năm 2017 để trả lại một số khoản vay nước ngoài.
Với các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do tiếp tục vào tuần tới, ông Tập cũng đã tìm cách giải quyết một số điểm tranh chấp chính.
Các cuộc đàm phán giữa hai nước đã được tiến hành kể từ tháng 12 khi cả hai bên đồng ý đình chỉ thuế quan trong nỗ lực ăn miếng trả miếng.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và muốn Bắc Kinh thay đổi chính sách kinh tế của mình mà Washington nói Bắc Kinh đã ủng hộ các công ty trong nước không công bằng thông qua trợ cấp.
Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ để kiềm chế thâm hụt thương mại lớn.
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế và nhiều người ở Bắc Kinh coi cuộc chiến thương mại là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự gia tăng của nước này.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ và đảm bảo môi trường giao dịch công bằng cho các công ty, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đối xử công bằng.
"Chúng tôi sẽ rà soát toàn diện và bãi bỏ các quy định, trợ cấp và những thói quen phi lý, cản trở cạnh tranh công bằng và bóp méo thị trường", ông Tập nói.
"Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia khác cũng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, đối xử với các doanh nghiệp, sinh viên và học giả Trung Quốc bình đẳng, và tạo một môi trường công bằng và thân thiện để họ tham gia trao đổi và hợp tác quốc tế bình thường".
***************
Ông Tập Cận Bình : ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ phải bền vững (VOA, 26/04/2019)
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 26/4 phát biểu khai mạc rằng "Sáng kiến Vành đai và Con đường" cần phải thân thiện với môi trường và bền vững, và rằng cơ sở hạ tầng lớn cũng như kế hoạch thương mại phải dẫn tới sự phát triển "chất lượng cao" cho mọi người.
Ông Tập có kế hoạch khôi phục lại Con đường Tơ lụa, nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa với mức chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo Reuters, sáng kiến này cũng gây ra nhiều tranh cãi vì một số quốc gia đối tác phàn nàn về chi phí cao cho các dự án.
Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng nước này không tìm cách đẩy bất kỳ ai vào bẫy nợ cũng như chỉ có các mục đích tốt đẹp.
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về "Sáng kiến Vành đai và Con đường", ông Tập nói rằng bảo vệ môi trường phải là nền tảng của chương trình nhằm "bảo vệ ngôi nhà chung chúng ta đang sống".
Ông nói thêm : "Xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện, chất lượng cao, bền vững, chống rủi ro và giá cả hợp lý sẽ giúp các nước hoàn toàn tận dụng được các nguồn lực".
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ra nhiều tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ, vốn coi đó là một phương tiện để gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài cũng như đặt gánh nặng lên các nước với khoản nợ không bền vững qua các dự án thiếu minh bạch.
Các nhà lãnh đạo thế giới tới Trung Quốc dự diễn đàn có Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Thủ tướng Imran Khan của Pakistan, một đồng minh thân thiết của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có đại diện các nước nhận đầu tư lớn của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" cũng như lãnh đạo của Italia, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 gia nhập sáng kiến.