Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/05/2019

Mỹ có tăng cường tuần tra Biển Đông hay không ?

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Malaysia chống chiến thuật "chia rẽ Đông Nam Á" của Bắc Kinh (RFI, 19/05/2019)

Sau Philippines, Malaysia là mục tiêu thứ hai của Trung Quốc trong chiến thuật bẻ gãy từng thành viên Đông Nam Á để thống trị Biển Đông. Nhưng Mahathir không phải là Duterte. Theo South China Morning Post hôm 18/05/2019, Kuala Lumpur từ chối đàm phán song phương với Bắc Kinh.

tuantra1

Thủ tướng Malaysia Mahathir (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 20/08/2018.Reuters

Phát biểu trên đài phát thanh độc lập Malaysia BFM 89.9 hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Saifuddin Abdulla cho biết sẽ không có chuyện đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, xung khắc chủ quyền tại Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán đa phương, và Trung Quốc phải đàm phán với 10 nước ASEAN.

Theo các nguồn tin riêng của South China Morning Post , "Bắc Kinh đã gợi ý với Kuala Lumpur thành lập một cơ chế tham khảo song phương" để hai bên thảo luận "riêng với nhau" những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng Ngoại trưởng Malaysia bác bỏ ý kiến này. Ông giải thích : Đó là chiến thuật của Bắc Kinh đàm phán riêng với từng nước nhỏ ở Đông Nam Á theo kiểu lấy thịt đè người để rồi khi họp chung lại, ASEAN bị phân hóa lập trường, không thảo luận chung được, cuối cùng chỉ thụ động thông qua theo ý Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật "chia để trị" với Kuala Lumpur nhằm vô hiệu hóa Malaysia, như đã thành công trong việc trói tay Philippines của tổng thống Duterte trong hồ sơ Biển Đông. Philippines bỏ qua một bên chiến thắng trên mặt luật pháp quốc tế, đánh đổi chủ quyền quốc gia để được tài trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, South China Morning Post nhắc lại.

Tuy nhiên, Trung Quốc đụng phải lập trường cứng rắn của Kuala Lumpur từ khi thay đổi đa số cầm quyền.

Thời thế cũng thuận lợi hơn cho các nước Đông Nam Á.

Được South China Morning Post đặt câu hỏi, chuyên gia Trung Quốc Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam, phân tích : Chiến tranh thương mại với Mỹ buộc Trung Quốc tìm cách tạo thế bình ổn với các nước láng giềng, nhưng chiến thuật "chia để trị" có khả năng đụng phải sự đề kháng của Malaysia.

Với sự lãnh đạo của thủ tướng Mahathir, Kuala Lumpur thấy rõ tình hình sáng sủa hơn và lợi thế của Malaysia so với Trung Quốc. Do vậy, không có lý do để thảo luận riêng với Bắc Kinh.

Tú Anh

***************

Tư lệnh Hải Quân Mỹ kêu gọi Úc, Indonesia tuần tra Biển Đông (RFI, 17/05/2019)

Đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ hôm qua 16/05/2019 kêu gọi Hải Quân Úc và Indonesia hiện diện thường xuyên hơn trên Biển Đông, kể cả việc tuần tra vì tự do hàng hải. Theo ông, mỗi quốc gia Đông Nam Á đều phải kiên quyết đáp trả việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.

tuantra1

Một chiến hạm của Mỹ. Ảnh chụp ngày 23/09/2016.U.S. Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Patrick Dionne (Ảnh minh họa)

Tuyên bố trên đây được đưa ra trong khuôn khổ vòng công du của đô đốc Richardson trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore. Theo ông, cả Úc và Indonesia đều ủng hộ mạnh mẽ trật tự luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ nhấn mạnh, các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải sẽ thách đố chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Tuần trước Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc tức giận khi điều hai chiến hạm đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma ở Trường Sa, bị Bắc Kinh chiếm đóng từ năm 1988.

Washington rất muốn Úc cũng có những hoạt động tương tự, nhưng cho đến nay chính quyền của thủ tướng Scott Morisson vẫn chưa đáp ứng. Phát ngôn viên Công Đảng Richard Marles tháng 7/2018 nói rằng mọi khả năng sẽ được xem xét.

Giám đốc điều hành Viện Chính Sách Chiến Lược Úc Peter Jennings nhận định, nếu đi vào bên trong khu vực 12 hải lý sẽ chứng tỏ rằng không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Úc thường xuyên tuần tra Biển Đông, nhưng chưa bao giờ vào trong khu vực lãnh hải này. Nếu Công Đảng thắng cử, thì rất có thể đề nghị của Mỹ sẽ được thực hiện.

Lần đầu tiên từ 7 năm tuần duyên Mỹ-Philippines tập trận

Trong một diễn biến khác, tuần dương hạm Bertholf của lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ được bổ sung cho Đệ thất Hạm đội, đã tập trận với Philippines tại Biển Đông. Tờ Stars and Stripescủa lực lượng viễn chinh Mỹ hôm 16/05/2019 cho biết đây là lần đầu tiên kể từ 7 năm qua có sự phối hợp với tuần duyên Philippines.

Chiếc Bertholf cùng với hai chiến hạm BRP Batangas và BRP Kalanggaman đã thực hiện các kịch bản tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động khác tại bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm qua ghi nhận, các tàu tuần duyên Trung Quốc tại vùng biển này đã dừng lại và quan sát cuộc tập trận Mỹ-Philippines nhưng không can thiệp.

Phó đô đốc Linda Fagan thuộc bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên khu vực Thái Bình Dương tuyên bố : "Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi duy trì các mối quan hệ chặt chẽ và bền vững với các đối tác trong vùng, và quan trọng nhất là kiên quyết bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở".

Thụy My

******************

Hải Quân Mỹ : Không hề tăng tuần tra ở Biển Đông để chống Bắc Kinh (RFI, 167/05/2019)

Tư lệnh Hải Quân Mỹ ngày 15/05/2019 bác bỏ lập luận theo đó Mỹ đã cho tăng cường các chiến dịch tuần tra tại vùng Biển Đông để thách thức các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

tuantra2

Tiêm kích Mỹ luyện tập cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hiện diện tại Biển Đông, ngày 10/04/2018 Reuters

Tại Hội Nghị Quốc Tế về An Ninh Trên Biển tổ chức ở Singapore, trước sự hiện diện của các đại diện hải quân 33 nước trong đó có Trung Quốc, đô đốc John Richardson tuyên bố là ông đã phân tích vấn đề và có thể khẳng định chắc chắn rằng cường độ của các chiến dịch tuần tra cũng như sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong vùng đều "nhất quán" trong nhiều thập niên gần đây, và không hề gia tăng đột ngột.

Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố trên của tư lệnh Hải Quân Mỹ là nhằm trấn an một số đối tác trong khu vực.

Tư lệnh Hải Quân Mỹ, được Reuters trích dẫn, cũng cho rằng các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị "chú ý quá mức cần thiết". Các hoạt động này không chỉ được giới truyền thông theo dõi, mà còn bị Trung Quốc chú ý. Tại Biển Đông, ngoài việc tuần tra, lực lượng Mỹ còn có những hoạt động thường lệ khác là tập trận.

Trong một thông báo công bố hôm 14/05, lực lượng Tuần Duyên Mỹ xác nhận là tàu tuần tra cỡ lớn USCG Bertholf của Mỹ vào hôm đó đã tham gia một cuộc diễn tập chung với hai tàu tuần duyên của Philippines tại Biển Đông.

Báo chí Philippines tiết lộ là cuộc thao diễn được tiến hành gần bãi cạn Scarborough, phía tây đảo Luzon, một điểm nóng ở Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc kiểm soát. Hai tàu Hải Cảnh Trung Quốc được điều đến để theo dõi sát cuộc tập trận, nhưng không có hành vi cản trở.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)