2030-2040, Đảng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ
Các tuần báo Paris không quên vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Cựu lãnh đạo phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh, Vương Đan dự báo "Đảng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tan rã". Phương Tây đã "bỏ lỡ cơ hội" để lôi kéo Bắc Kinh theo mô hình dân chủ.
Tựa và ảnh minh họa một bài viết về vụ thảm sát Thiên An Môn trên tuần báo L'Obs.
Làn gió dân chủ đó chỉ thổi qua đất nước rộng lớn này trong vài tuần lễ trước khi nhường chỗ cho "Vụ thảm sát" Thiên An Môn trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4/6/1989.
Phóng viên tuần báo L'Obs, Ursula Gauthier đã đến gõ cửa nhà Vương Đan (Wang Dan) một trong những người phất ngọn cờ khởi nghĩa phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh. Sau 6 năm tù giam, Vương Đan đã được phép định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp tiến sĩ trường Harvard, giờ đây ông Vương điều hành một nhóm tư vấn với mục tiêu chính là "đề xuất những giải phải pháp cụ thể một khi Đảng Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ". Vương Đan dự báo "chế độ sẽ tan rã vào khoảng năm 2030-2040" nhưng khác với hồi năm 1989, cuộc cách mạng sắp tới tại Trung Quốc sẽ bắt nguồn từ "trong nội bộ Đảng".
Cựu lãnh đạo phong trào dân chủ Trung Quốc này không khoan nhượng với phương Tây. Vương Đan giải thích : làn sóng nổi dậy tại Bắc Kinh năm 1989 là một cơ hội bằng vàng không chỉ với Trung Quốc mà cả thế giới để một cách êm thắm, đưa Trung Quốc vào một mô hình dân chủ. Nhưng rồi "chúng ta đã thất bại để ngày hôm nay, Trung Quốc đã trở thành một siêu cường làm mọi người mê hoặc, nhưng siêu cường đó cũng là một mối đe dọa đối với toàn thế giới".
Lãnh đạo phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh ngày nào vẫn mạnh mẽ phê phán phương Tây nhắm mắt làm ngơ để cho một nhà đấu tranh như Lưu Hiểu Ba chết trong sự khốn khổ. Nhìn từ phía Bắc Kinh thái độ dửng dưng đó của phương Tây lại càng khuyến khích Trung Quốc càng quyết liệt hơn. Vương Đan kết luận : "Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng một đất nước trở thành một siêu cường kinh tế mà không có dân chủ, quốc gia đó sẽ trở nên hung hăng hơn và là mầm mống của những tai họa".
Một nhân chứng khác được tuần báo L'Obs mời cùng nhìn lại vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 là cựu vận động viên Trung Quốc môn ném lao, Phương Chính (Fang Zheng). Năm 1989 anh đã bị xe tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân cán nát đôi chân. Nhưng rồi, sinh viên của Đại học Thể thao Trung Quốc này làm lại cuộc đời, đoạt chức vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật.
Trước Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Phương Chính được chính quyền cho sang Mỹ định cư. Tại Hoa Kỳ, năm 2009, cựu sinh viên Trung Quốc này tận mắt được xem những bức ảnh đen trắng mà phóng viên tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur (tiền thân của L'Obs) chụp được. Một trong những bức ảnh đó cho thấy một thanh niên bên lề đường, với đôi chân bị nghiền nát đến đầu gối. Nạn nhân chính là vận động viên Trung Quốc đang nói chuyện với phóng viên Ursula Gauthier của báo L'Obs.
L'Obs dành một khung nhỏ để giới thiệu với độc giả công trình mà một cựu sinh viên khác của phong trào Thiên An Môn đang ấp ủ. Ba mươi năm trước, Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) có mặt tại Bắc Kinh, cách quảng trường Thiên An Môn 500 thước. Tốt nghiệp tiến sĩ toán đại học Berkeley của Mỹ, Dương Kiến Lợi từng ngỡ rằng sẽ góp tiếng nói cho nền dân chủ Trung Quốc. Sau đêm kinh hoàng ngày 03/06/1989, anh đã may mắn trở về được Hoa Kỳ và đã không ngừng kể lại với báo chí, với Quốc hội Mỹ những gì đã diễn ra trên quê hương anh trong cái đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng Sáu năm ấy.
Giờ đây, Dương Kiến Lợi dốc toàn lực vào dự án thu thập những hình ảnh, tài liệu về cuộc thảm sát Thiên An Môn và vận động để những dữ liệu đó được công nhận là di sản của UNESCO. Trả lời L'Obs, cựu sinh viên toán đại học Berkeley năm xưa hy vọng rằng, quỹ tư liệu đó sẽ là cơ sở vững chắc cho phép một ngày nào đó "xét xử về tội ác chống nhân loại từng xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn".
Tự do báo chí : "Thời vàng son đã qua"
Dưới tựa đề ʺ30 năm sau Thiên An Môn, Trung Quốc mạnh tay kiểm duyệt báo chíʺ, Courrier International đăng lại phóng sự dài của tờ Ashahi Shimbun, một tờ báo uy tín tại Tokyo, cho thấy, không gian tác nghiệp vốn đã rất hạn hẹp của các nhà báo Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp.
Các phóng viên điều tra ở đất nước của Tập Cận Bình lần lượt bỏ nghề. Một nhà báo độc lập nói với phóng viên Nhật : "làm cái nghề phóng viên ở Trung Quốc hiện nay không khác gì một vũ công lên sân khấu với một sợi dây thừng buộc vào hai cổ chân". Các phóng viên Trung Quốc phải bỏ nghề, từ ở Bắc Kinh đến Hồ Bắc, từ tỉnh Sơn Tây đến tận Hồng Kông đều đưa ra một nhận định chung : những bài viết hay điều tra trong các lĩnh vực từ môi trường đến tham nhũng đều là những chủ đề cấm kỵ
Vũ khí của Bắc Kinh chống Trump
Như cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc năm 1989 Vương Đan nhận xét, Trung Quốc nay đã trở thành "một cường quốc làm mê hoặc thiên hạ", cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung chiếm nhiều bài báo trên các tuần san Paris. Béatrice Mathieu trên L'Express điểm qua những công cụ Tập Cận Bình có trong tay để cưỡng lại sức ép của Donald Trump trong cuộc đọ sức thương mại.
Thứ nhất, Mỹ tính sao nếu như Trung Quốc bán bớt một khối lượng nào đó trong số 1.120 tỷ đô la trái phiếu của Mỹ mà Bắc Kinh đang có trong tay ? Để "thử lửa", tháng 3/2019 Trung Quốc đã bán đi 10 tỷ đô la. Cần biết rằng, nếu ban cố vấn cho Tập Cận Bình quyết định ồ ạt bán đi công trái phiếu của Hoa Kỳ trong vài tuần lễ liên tiếp, sẽ gây hoang mang trên thị trường tài chính. Lãi suất ngân hàng dài hạn bị đẩy lên cao, gây trở ngại cho cỗ máy kinh tế đang ngon trớn của Hoa Kỳ.
Vũ khí thứ nhì được tác giả bài viết nhắc đến là thao túng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Phương tiện thứ ba là ngừng bán đất hiếm cho Hoa Kỳ. L'Express không đi sâu vào chi tiết và cũng không phân tích rõ rằng cả ba loại vũ khí nói trên đều là những con dao hai lưỡi.
Trên tạp chí Le Point, nhà bình luận Nicolas Baverez nhận xét : cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về mậu dịch đang trở thành một cuộc chiến toàn diện. Mỹ đang huy động mọi nỗ lực để phá vỡ kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của ông Tập Cận Bình.
Donald Trump có lý trên một điểm : phương Tây đã ngây thơ khi tưởng rằng với một nền kinh tế tự do, Bắc Kinh sẽ đi theo con đường dân chủ và hòa mình với thế giới. Thực tế cho thấy rằng, Trung Quốc đã có phương tiện để áp đặt luật chơi của mình ở khắp mọi nơi.
Câu hỏi là Mỹ có thể làm được gì để kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc ? Nicolas Baverez cho rằng xét về ảnh hưởng của mỗi bên đối với thế giới, Bắc Kinh không đến nỗi thua kém Washington là bao khi biết rằng Tập Cận Bình có thể trông cậy vào một số đồng minh thuộc các nước đang phát triển, muốn phục thù với các nước phương Tây.
Tuy nhiên trong cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ này, Hoa Kỳ đang nắm trong tay nhiều lá bài quan trọng. Có điều, chính sách dân tộc chủ nghĩa của Donald Trump, chủ trương bảo hộ của chính quyền Washington hiện nay đang "làm suy yếu những phương tiện của Hoa Kỳ để kềm tỏa Trung Quốc". Tiêu biểu nhất là việc Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, khiến nhiều đối tác của Washington đã ngả vào vòng tay của Bắc Kinh.
Công luận quốc tế cần chú ý là Mỹ và Trung Quốc có chung cùng một tham vọng : thống lĩnh thiên hạ trong thể kỷ 21.
Làn sóng Xanh lá cây
Trở lại với hồ sơ chính của các tuần san Paris là kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu 2019. "Châu Âu chuyển sang màu Xanh lá cây" tựa trên bìa tuần báo Courrier International. Xã luận của tờ báo mang tựa đề "Make Europe Green Again" lưu ý : từ Pháp đến Phần Lan, từ Bồ Đào Nha đến Ailen, đảng Xanh đều đạt được những thành tích ngoài mong đợi. Chưa bao giờ các đảng bảo vệ môi trường có được đến 70 nghị viên Châu Âu. Trọng trách của họ sẽ không nhỏ trước những ông khổng lồ như Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc, đó là những quốc gia gây ô nhiễm nhất trên hành tinh. Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải tìm ra một mô hình tăng trưởng để gìn giữ mảnh đất mà "các thế hệ mai sau đang cho chúng ta ở trọ" như văn hào Saint Exupéry từng viết.
Chính trường Pháp : hai đảng truyền thống tả hữu bị việt vị
Tuy nhiên các báo của Paris tập trung vào chính trường Pháp sau cuộc bầu cử Châu Âu hôm 26/05/2019.
Đảng cựu hữu và cánh trung của tổng Emmanuel Macron về đầu, chênh nhau chưa đến một điểm. Tất cả các đảng khác bị bỏ xa lại phía sau. L'Express chạy tựa trên trang bìa : "Cuộc đấu tay đôi Macron-Le Pen cắm rễ vào toàn cảnh chính trị Pháp", kèm theo đó là "Những nguy hiểm của một sự phân chia mới". Ở trang trong, tuần báo thiên hữu này nói rõ hơn : tầng lớp khá giả thì ủng hộ Macron, còn những người có thu nhập thấp và không bắt kịp con tàu kinh tế thì đứng về phía Marine Le Pen.
Hai đảng truyền thống là Những Người Cộng Hòa (LR) và Xã Hội (PS) đã bị đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Emmanuel Macron và Tập Hợp Quốc Gia (RN) của bà Marine Le Pen thay thế. Tờ báo bồi thêm : sự kiện năm 2017 đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa lần đầu tiên trong lịch sử bị loại khỏi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp không phải là một "tai nạn", vì trong cuộc bầu cử lần này, đảng LR đã bị bỏ xa lại phía sau, thua cả đảng Xanh. Nhìn sang bên phía cánh tả, tờ báo dùng hình tượng khá thú vị : sau thất bại vừa qua, "cánh tả : người ta đang mài dao cho sắc để thanh toán lẫn nhau".
L'Obs xem lá phiếu cả cử tri Pháp trong cuộc bầu cử hồi tuần trước là một sự "phục thù" của lãnh đạo đảng cựu hữu bà Marine Le Pen sau khi đã thất bại ê chề hai năm trước, để phải nhường chiếc ghế tổng thống cho ông Emmanuel Macron.
Quỷ Dracula và cộng sản Romania
Khép lại những bài báo quá nặng về thời sự, chính trị, để nói chuyện về quỷ Dracula hút máu người. Trong bài viết "Dracula chống Cộng" tuần báo Courrier International đăng lại từ báo Anh History Today.
Nói đến vùng Transylvania hẻo lánh của Romania ai cũng liên tưởng ngay đến ác quỷ Dracula. Mọi chuyện xuất phát từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bram Stoker, phát hành năm 1897. Thật ra thì tác giả chưa từng đặt chân đến vùng đất xa xôi này. Tất cả nảy sinh từ óc tưởng tượng rất phong phú của Stoker. Dù vậy cho đến tận ngày nay, ác quỷ Dracula vẫn có sức thu hút lạ thường. Tiểu thuyết đã nhiều lần được dựng thành phim khiến không biết bao nhiêu lớp du khách- kể cả du khách phương Tây, phải đến bằng được Romania ngay từ những năm tháng quốc gia này còn khép kín với thế giới bên ngoài và bị đặt dưới bàn tay sắt của Nicolae Ceausescu.
Cuốn sách của văn hào người Anh bất ngờ biến vùng Transylvania thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Chính dân cư trong vùng cũng ngạc nhiên khi thấy những du khách Tây Âu cứ đòi tham quan cho bằng được tòa lâu đài của Dracula. Năm 1972 một công ty du lịch tại New York mở hẳn một chương trình mang tên Spotlight on Dracula. Cũng chính nhờ nguồn thu nhập này mà Nicolae Ceausescu đã phần nào giữ khoảng cách với Moskva.
Hiềm nỗi, các chuyến du lịch với chủ đề Dacrula đắt khách ở chỗ, người tham quan muốn tìm đến một vùng đất hoang vu, lạnh giá, nơi nếp sống đọng lại từ một thời cổ xưa. Nhưng tất cả những điều ấy lại trái ngược với hình ảnh mà những người cộng sản ở Bucarest muốn đưa ra về Romania. Ceausescu thời đó muốn rằng thế giới phải nhìn đến đất nước ông như quốc gia công nghiệp, phát triển và hiện đại.
Thêm vào đó là nhân vật giống như trong truyện của Bram Stoker từng có thật ở ngoài đời trong lịch sử Romania. Đấy không hẳn là một tay bạo chúa mà là ông hoàng Dracul sống tại Transylvania hồi thế kỷ thứ 15. Dracul tàn bạo nhưng lại nổi tiếng là can đảm chống giặc ngoại xâm.
Vào lúc Stoker cho ra đời cuốn tiểu thuyết quỷ hút máu người Dracula, thì tại vào thế kỷ thứ 19 và 20 một số các nhà sử học đề cao vai trò của ông hoàng Dracul. Không một quốc gia nào muốn một trong những vị anh hùng quốc gia bị đánh đồng với một con "quỷ hút máu người". Năm 1973 Bucarest tự tổ chức các chuyến du lịch Dracula nhưng đấy là để tô điểm cho huyền thoại về nhân vật hoàng tử Dracul và những chương trình du lịch kiểu này đã tồn tại cho đến khi chế độ cộng sản Romania sụp đổ năm 1989.
Thanh Hà