Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/06/2019

Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng để làm gì ?

RFI tiếng Việt

Thăm Bắc Triều Tiên : chủ tịch Trung Quốc muốn có thêm lá bài mặc cả với Mỹ (RFI, 19/06/2019)

Ngày 28 và 29/06/2019 tại thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ dự kiến gặp nhau. Tranh chấp thương mại là hồ sơ trọng tâm. Chỉ ít ngày trước cuộc gặp quan trọng này, Bắc Kinh thông báo ông Tập Cận Bình thăm Bắc Triều Tiên trong hai ngày, 20 và 21/06/2019.

tap1

Truyền hình Trung Quốc CCTV chiếu cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un gặp chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 10/01/2019. Reuters/Jason Lee/File Photo

Đây lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ 14 năm nay. Vì sao ông Tập Cận Bình chọn thời điểm đặc biệt này để công du Bắc Triều Tiên ?

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên là cổ vũ cho chuyến đi, được cho là mang lại hy vọng các bên có thể sẽ đi đến một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Trong giới chuyên gia quốc tế cũng có nhiều tiếng nói khẳng định Bắc Kinh sẽ có tác động tích cực nhất định đến tiến trình đối thoại Mỹ - Bắc Triều Tiên.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do chính để Bắc Kinh chọn thời điểm đặc biệt nhạy cảm này là để khẳng định vị thế đối tác không thể thay thế trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, hiện đang rơi vào bế tắc, kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội, cuối tháng 02/2019. Việc chủ tịch Trung Quốc thăm Bắc Triều Tiên cũng có thể khiến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nổi lên trở lại, trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông buộc Bắc Kinh rút vào thế phòng ngự tạm thời.

Theo ông Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), chuyên gia về chính trị quốc tế, Đại học Bucknell, Pennsylvania, được báo Nhật Japan Times trích dẫn, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng : Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên đều vô ích.

Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc trung tâm Carnegie – Tsinghua, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh, cuộc hội kiến Tập – Kim tại Bình Nhưỡng là một cơ hội cho thấy Trung Quốc vẫn còn có khả năng tác động đến chế độ Bắc Triều Tiên, với tư cách người bảo trợ, đồng minh thân cận nhất. Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington, là nếu Hoa Kỳ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thì phải có các nhân nhượng với Trung Quốc.

Ông Triệu Thông phỏng đoán, Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hóa, đổi lại Washington sẽ "mềm mại" hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại. Chuyên gia Chu Chí Quần (Zhiqun Zhu), Đại học Bucknell, Pennsylvania, nêu kịch bản lãnh đạo Bắc Triều Tiên thông qua chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến tổng thống Mỹ, đề nghị ông Trump có thái độ thực tế hơn, và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về các lo ngại của chế độ Bắc Triều Tiên, trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Theo ông Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á của viện tư vấn Wilson center, Washington, việc các thương thuyết Mỹ - Bắc Triều Tiên có tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến đích phi hạt nhân hóa, cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại đàm phán bế tắc có thể dẫn đến những căng thẳng mới tại khu vực, thậm chí xung đột vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán Mỹ - Bắc Triều Tiên đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho đến nay vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Việc ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng với những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chế độ Bắc Triều Tiên, kèm theo đó là nhiều khoản viện trợ và các hỗ trợ lớn dự kiến sau đó, càng khiến chính quyền Kim Jong-un thêm vững tâm, khó lòng thỏa hiệp theo đòi hỏi của Mỹ, như nhận định của ông James Schoff, một chuyên gia về Đông Á của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Trọng Thành

*****************

Chủ tịch Trung Quốc ca ngợi Bắc Triều Tiên chọn "hướng đi đúng" (RFI, 19/06/2019)

Ngày 20/06/2019, chủ tịch Trung Quốc công du Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên kể từ 14 năm nay.

tap2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/01/2019. KCNA via Reuters

Báo chí chính thống của Bình Nhưỡng hôm nay, 19/06/2019, đăng tải một bài viết của nguyên thủ Trung Quốc ngay trên trang nhất. Theo nhiều nhà quan sát, đây là một động tác ngoại giao hiếm có của chính quyền Bình Nhưỡng.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :

"Rất hiếm khi báo chí chính thống Bắc Triều Tiên lại dành một "vinh hạnh" như vậy cho một nguyên thủ nước ngoài : Tờ Rodon Sinmun trang trọng dành trang nhất cho một bài viết của chủ tịch Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với hướng đi đúng mà chế độ Bình Nhưỡng lựa chọn để giải quyết các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ các nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhằm phát triển kinh tế nước này.

Chuyến công du Bắc Triều Tiên của lãnh đạo Trung Quốc được hưởng ứng tại Seoul. Nhật báo Joongang Ilbo, theo xu hướng bảo thủ, nhận định là cuộc hội kiến Tập – Kim mang lại một tia hy vọng cho việc nối lại tiến trình đối thoại. Nhật báo Joongang Ilbo cũng nhắc lại là sự sống còn của chế độ Kim Jong-un phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Về phần mình, nhật báo Hankyorech cho rằng thượng đỉnh ngày mai có thể là điểm xuất phát cho những thay đổi lớn trên bán đảo. Niềm lạc quan này cũng được phủ tổng thống Hàn Quốc chia sẻ. Chính quyền Seoul hy vọng là chủ tịch Trung Quốc sẽ gây áp lực để lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở lại các đàm phán về hạt nhân".

Ngăn Bắc Triều Tiên nhập thêm dầu : Trung Quốc và Nga bác yêu cầu của Mỹ

Thêm một dấu hiệu ủng hộ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng : Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, 18/06/2019, Trung Quốc và Nga đã bác bỏ một sáng kiến của Mỹ nhằm ngăn chặn việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho Bắc Triều Tiên. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Washington khẳng định lượng dầu mỏ nhập vào Bắc Triều Tiên đã vượt quá hạn định cho phép trong năm 2019. 25 quốc gia, trong đó Pháp, Đức, Nhật, ủng hộ sáng kiến của Mỹ. Bắc Kinh và Moskva cho rằng cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu khiếu nại của Mỹ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 451 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)