WB : ‘Vành đai-Con đường’ có thể tăng tốc phát triển, nhưng cần minh bạch (VOA, 19/06/2019)
Sáng kiến hạ tầng cơ sở quy mô của Trung Quốc mang tên ‘Vành đai-Con đường’ có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế và giảm đói nghèo cho nhiều quốc gia đang phát triển, Ngân hàng Thế giới nhận định hôm 18/6 trong một phúc trình mới kêu gọi cải cách chính sách sâu rộng và minh bạch hơn đối với sáng kiến này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo bế mạc Diễn đàn 'Vành đai-Con đường’ tại Hồ Yanqi ngoại ô Bắc Kinh, ngày 27/4/2019.
Theo bản phúc trình bị trì hoãn lâu nay, Vành đai-Con đường gồm một chuỗi các bến cảng, đường ray, đường bộ và cầu cống cùng những đầu tư khác nối liền Trung Quốc với châu Âu qua Trung và Nam Á, có thể đưa 32 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói nếu được thực thi đầy đủ.
Tuy nhiên, sáng kiến này kèm theo những "nguy cơ đáng kể" vì thiếu minh bạch và các vấn đề định chế tại một số nền kinh tế tham gia sáng kiến, Ngân hàng Thế giới nói.
"Hoàn tất tham vọng của sáng kiến Vành đai-Con đường đòi hỏi những cải cách tham vọng của các nước tham gia", bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch phụ trách mảng tăng trưởng đồng đều thuộc Ngân hàng Thế giới, cho biết.
"Cải tiến báo cáo dữ liệu và minh bạch hóa-đặc biệt là về nợ-mua bán của chính phủ rõ ràng, tuân thủ những tiêu chuẩn xã hội và những tiêu chuẩn môi trường cao nhất sẽ giúp một cách đáng kể", bà Pazarbasioglu nói thêm.
Tân Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới David Malpass không tham dự thượng đỉnh Vành-Con đường tháng 4 năm nay. Ông Malpass là một người chỉ trích sáng kiến này khi còn là một giới chức tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Theo Reuters
*********************
Mỹ phạt các hãng dùng Campuchia để trốn thuế của Tổng thống Trump đánh vào Trung Quốc (VOA, 19/06/2019)
Hoa Kỳ vừa phạt một số công ty vì họ xuất khẩu hàng thông qua một đặc khu kinh tế thuộc sở hữu của Trung Quốc đặt tại Campuchia nhằm né thuế mà Tổng thống Donald Trump đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh nói với Reuters hôm thứ Tư 19/6.
Một góc đặc khu kinh tế Sihanoukville (ảnh tư liệu, 2017)
Đầu tháng này, hải quan Việt Nam cho biết họ cũng phát hiện nhiều trường hợp các nhà xuất khẩu gắn trái phép nhãn mác "Made in Vietnam" (Sản xuất tại Việt Nam) lên hàng Trung Quốc, nhằm tránh thuế quan do chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra.
"Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã kiểm tra và phạt một số công ty vì trốn thuế ở Hoa Kỳ bằng cách đưa hàng hóa đi vòng qua Campuchia", phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ Arend Zwartjes nói với Reuters trong một tuyên bố gửi qua email.
"Những công ty này nằm trong Đặc khu Kinh tế Sihanoukville của Campuchia", ông Zwartjes nói, nhưng không nêu tên hoặc cho biết có bao nhiêu công ty đã bị phạt vì né thuế, hay mức phạt bằng từng nào, cũng như hàng hóa mà các công ty đã xuất khẩu là gì.
Trung Quốc là nước viện trợ và đầu tư lớn nhất vào Campuchia, rót hàng tỷ đô la trợ giúp phát triển và cho vay thông qua Sáng kiến Vành đai-Con đường, đại dự án nhằm mục đích tăng cường kết nối trên bộ và trên biển với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.
Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SSEZ), cách thủ đô Phnom Penh 210 km về phía tây, là một liên doanh giữa Trung Quốc và Campuchia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường. Các doanh nghiệp ở đó sản xuất hàng dệt may, túi xách và các sản phẩm da, theo trang mạng của đặc khu.
Theo Reuters
*******************
Bangladesh : Công nhân Trung Quốc chết sau xô xát với người địa phương (BBC, 19/06/2019)
Cảnh sát Bangladesh giải tán một cuộc ẩu đả giữa hàng trăm công nhân Trung Quốc và Bangladesh tại một địa điểm ở nhà máy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng một phần.
Hơn 1.000 cảnh sát được điều đến để giải quyết xung đột
Một công nhân Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc ẩu đả ở quận phía nam của Patuakhali, cảnh sát nói với BBC.
Bạo lực bùng phát sau khi một công nhân Bangladesh tử vong do ngã từ trên cao, và công nhân địa phương cáo buộc người Trung Quốc cố gắng che đậy vụ việc.
Hơn 1.000 cảnh sát đã được điều đến để chấm dứt xô xát.
Các công ty Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào Bangladesh trong những năm gần đây, tài trợ xây cầu, làm đường và các nhà máy điện.
Phóng viên cho biết ở một số khu vực, số lượng lớn công nhân Trung Quốc đã dẫn tới căng thẳng với cộng đồng địa phương.
Khoảng 6.000 công nhân - 2.000 trong số họ là người Trung Quốc - làm việc tại nhà máy điện ở Patuakhali, cách thủ đô Dhaka khoảng 200km, cảnh sát cho biết.
Cảnh sát trưởng địa phương Moinul Hasan nói với BBC Bengali rằng một công nhân Bangladesh đã chết sau khi rơi từ trên cao vào tối hôm 18/06/2019, sau đó một cuộc cãi vã ổ ra giữa hai nhóm công nhân trước khi biến thành bạo lực.
Hơn một chục công nhân bị thương, gồm sáu người Trung Quốc, cảnh sát cho biết thêm. Một trong số những công nhân Trung Quốc này bị thương nặng và chết trong bệnh viện sau đó.
Quản trị viên khu vực Ram Chandra Das cho biết một cuộc điều tra đã được tiến hành. Không ai bị bắt giữ và tình hình hiện đã ổn định, ông nói với hãng tin AFP.
Cảnh sát Bangladesh bắn đạn hơi cay vào người biểu tình phản đối việc xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Dhaka ngày 26/1/2017
Căng thẳng liên quan đến người dân địa phương và các dự án do Trung Quốc tài trợ đã tràn ra vùng nông thôn trước đó. Năm 2016, cảnh sát nổ súng vào dân làng ở phía đông nam Bangladesh khi họ biểu tình phản đối việc xây dựng hai nhà máy điện do Trung Quốc hậu thuẫn. Bốn người đã thiệt mạng.
Tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn khắp thế giới được gọi là Sáng kiến Vành đai Con đường. Nó được coi là Con đường Tơ lụa mới, giống như tuyến đường thương mại xa xưa, nhằm mục đích đẩy nhanh hàng hóa Trung Quốc đến các thị trường xa hơn.
Tuy nhiên, giới chỉ trích coi đó cũng là nỗ lực tăng cường ảnh hưởng địa chính trị và chiến lược của Trung Quốc.