Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/06/2019

Trung Quốc quấy nhiễu tàu chiến Canada, Mỹ và căn cứ Subic Bay

Tổng hợp

Máy bay Trung Quốc áp sát tàu Canada ở Biển Hoa Đông (RFA, 28/06/2019)

Ngày 24/6, hai máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục hạm Regina và tàu tiếp vận hậu cần Asterix của Canada khi đang di chuyển trong vùng biển quốc tế ở Biển Hoa Đông.

maybay1

Hai máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trình diễn trong Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 12 ngày 6 tháng 11 năm 2018 tại Quảng Đông, Trung Quốc. AP

Hãng tin CBC của Canada loan tin này hôm 27/6, theo xác nhận từ Bộ Quốc phòng nước này.

Bộ Quốc phòng Canada cho biết hai tiêm kích Trung Quốc đã áp sát tàu của Canada trong khoảng cách 300 m và ở độ cao 30 m từ mặt biển.

Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Canada hôm 27/6 cho biết tàu và máy bay của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã đi theo tàu của Canada ngay sau khi tàu Canada kết thúc chuyến thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam đang trên đường qua eo biển Đài Loan và hướng về biển Hoa Đông.

CBC trích lời ông Dan Le Bouthillier, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Canada, cho biết hai máy bay Su-30 Trung Quốc không gây khiêu khích, nguy hiểm, hay bất ngờ. Ông cũng cho biết các lực lượng quân sự của Đài Loan và Trung Quốc đã hiện diện trong quá trình tàu của Canada đi qua eo biển Đài Loan nhưng điều này không có gì là bất ngờ.

Các tàu chiến của Canada đang trong quá trình thực hiện hoạt động Neo. Đây là hoạt động mới được công bố gần đây của chính phủ Canada. Theo hoạt động này, Canada thường xuyên điều các tàu chiến đến vùng Viễn Đông để thực thi lệnh giám sát trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hợp Quốc.

Quân đội Canada cũng có báo cáo cho rằng một tàu đánh cá của Trung Quốc đã chiếu tia laser vào máy bay trực thăng của Canada khi đang hoạt động gần eo biển Đài Loan, nhưng không có thiệt hại trong vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên không quân Trung Quốc có những hành động áp sát đối với tàu và máy bay của Canada trong khu vực.

Một giới chức quân sự của Canada hồi năm ngoái cho CBC biết máy bay tuần tra của Canada đã bị những máy bay chiến đấu của Trung Quốc theo sát khi các máy bay của Canada đang theo dõi những tàu hàng và tàu chở dầu có ý định vi phạm lệnh cấm vận đối với Bắc Hàn.

*******************

Chiến hạm Canada bị tiêm kích Trung Quốc quấy nhiễu trên Biển Hoa Đông (RFI, 27/06/2019)

Bộ Quốc Phòng Canada hôm 27/06/2019 thông báo, hai chiến hạm của nước này, khi di chuyển tại hải phận quốc tế ở Biển Hoa Đông, hồi đầu tuần đã bị hai máy bay tiêm kích của Trung Quốc bám sát ở cao độ rất thấp. Một trực thăng của Hải quân Canada còn bị một tàu đánh cá Trung Quốc chiếu tia laser vào.

bd1

Chiến hạm HMCS Regina (FFH334) của Canada. Ảnh minh họa. MC3 Diana Quinla/wikimedia

Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Canada, một tuần sau khi đi qua eo biển Đài Loan, chiến hạm NCSM Regina và tàu hộ tống Asterix, hôm thứ Hai 24/6 đang hướng về phía Bắc Triều Tiên, thì "hai chiếc Su-30 của Trung Quốc tiến gần ở khoảng cách chỉ có 300 mét và độ cao 30 mét".

Thông cáo nhấn mạnh : "Cho dù chiến hạm Canada luôn bị tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc theo bén gót sau khi thăm Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên bị áp sát như thế".Được biết hai chiếc tàu Hải quân Canada sau khi thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, tiếp tục đến Đông Bắc Á, góp phần vào nỗ lực răn đe mọi vi phạm lệnh cấm vận Bình Nhưỡng.

Tuy không có ai bị thương và không có thiệt hại vật chất nào, nhưng việc phi cơ tiêm kích Trung Quốc "dằn mặt" chiến hạm Canada cho thấy tình hình vẫn đang căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh. Mới đây Trung Quốc đã đòi hỏi Canada không cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi (Huawei), và cấm nhập khẩu thịt từ Canada, với lý do có các giấy chứng nhận thú y giả. Ottawa đã mở điều tra về cáo buộc này.

Thụy My

******************

Biển Đông : Hải quân Mỹ cân nhắc trở lại căn cứ vịnh Subic (RFI, 27/06/2019)

Hải quân Hoa Kỳ đang cân nhắc việc quay lại căn cứ cũ ở vịnh Subic, Philippines, nơi trước đây từng là cơ sở hậu cần cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, để phục vụ cho hạm đội Mỹ hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tờ Star and Stripes hôm 26/06/2019 cho biết như trên.

bd2

Vịnh Subic và căn cứ hải quân Mỹ. Ảnh chụp năm 1990. Ảnh tư liệu : Wikimedia Commons

Nhà máy đóng tàu Hanjin Shipyard ở vịnh Subic đã được rao bán sau khi chủ sở hữu là Hanjin Philippines tuyên bố phá sản, với số nợ 900 triệu đô la. Ngay lập tức có hai công ty Trung Quốc muốn mua lại. Theo Star and Stripes, chính phủ Mỹ hiện đang xem xét khả năng thuê sử dụng cơ sở lớn thứ năm trên thế giới này làm nơi sửa chữa và bảo trì tàu chiến, đồng thời tránh để cảng này rơi vào tay Trung Quốc.

Một thuyền trưởng về hưu của Hải quân Mỹ nói với tờ báo, đây là "cơ hội bằng vàng để quay lại vịnh Subic" sau gần 30 năm vắng bóng. Trong thập niên 40, khi Hoa Kỳ và Philippines thương lượng về quan hệ liên minh, Trung Quốc chưa phải là mối đe dọa trên biển. Vào thời đó, chưa ai dự báo được các hành động hung hăng của Bắc Kinh nhằm bành trướng tại Biển Đông như hiện nay.

Nếu quay lại căn cứ ở vịnh Subic, Washington vừa ngăn chận được việc Bắc Kinh có thêm căn cứ quân sự trong khu vực, vừa rất thuận tiện cho các chiến hạm lớn của Mỹ không phải đến Trân Châu Cảng để bảo trì.

Theo Taiwan News, ngày càng nhiều người dân Philippines bất bình trước thái độ nhân nhượng quá mức của tổng thống Philippines trong tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, và việc Mỹ quay lại sẽ là thông tin tích cực đối với họ.

Trong chiến tranh Việt Nam, vịnh Subic là căn cứ hải quân của Hoa Kỳ. Sau sự kiện vịnh Bắc bộ, Subic trở thành căn cứ hậu cần của Đệ thất hạm đội với hoạt động rất tấp nập, có lúc phục vụ đến 47 chiến hạm, và khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, đã đón nhận hàng ngàn người Việt tị nạn. Mỹ chính thức rút khỏi vịnh Subic năm 1992.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)