Thượng đỉnh G20 nêu bật những quan tâm về thương mại toàn cầu (VOA, 29/06/2019)
Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 28/6 khai mạc hai ngày họp thượng đỉnh tại Osaka Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/06/2019.
Tất cả đều mỉm cười trước ống kính trong ngày đầu của cuộc họp, trong đó có cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn hội nghị.
Tại đây, dường như Tổng thống Trump hạ nhiệt những cáo buộc về chuyện Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, các phái đoàn cho Reuters biết các nhà lãnh đạo G20 không đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề quan trọng trong nghị trình thượng đỉnh.
Họ bày tỏ quan ngại về hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói những căng thẳng thương mại có thể đưa đến bất lợi cho tất cả mọi người.
Tokyo thúc đẩy một thông cáo chung của G20 nhấn mạnh đến việc quảng bá thương mại tự do như là một phương thức đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu, theo truyền thông Nhật Bản.
Tuy nhiên, các đại diện của Nga và Nhật nói với Reuters là kế hoạch "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thốn Trump và việc chính quyền ông không thích chủ nghĩa đa phương là những thách thức khó khăn đối với sự đoàn kết của G20.
Trong số những rạn nứt lớn nhất là bất đồng ý kiến về làm cách nào cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để đẩy mạnh hơn nữa kinh tế toàn cầu.
An ninh thông tin, biến đổi khí hậu và di dân cũng là những vấn đề gai góc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói nước ông sẽ không ký thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh nếu không đề cập đến thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh tiếp tục vào ngày thứ Bảy 29/6, với cuộc gặp bên lề hội nghị giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình được theo dõi chặt chẽ xem liệu có những dấu hiệu tích cực hay tiêu cực về tương lai thương mại toàn cầu hay không.
*********************
Thượng đỉnh Osaka : 19 nước G20 cam kết thực thi Hiệp định Khí hậu Paris (RFI, 29/06/2019)
Sau nhiều thương lượng cam go, rốt cuộc khối G20 đã ra được một thỏa thuận chung về vấn đề khí hậu, tái khẳng định các cam kết thực thi Hiệp định Paris 2015, theo công thức 19+1. Tức tất cả các quốc gia thành viên G20, ngoại trừ Hoa Kỳ.
Thượng đỉnh G20 tại Osaka. Ảnh 29/06/2019.G20 Osaka Summit Photo/Handout via Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận là G20, sau nhiều đàm phán căng thẳng, rốt cục đã đạt được một "văn bản tương tự" khẳng định "tính chất không thể đảo ngược" của các mục tiêu về Khí hậu, như hồi năm ngoái 2018, tức tại thượng đỉnh của khối tại Buenos Aires. Theo AFP, văn bản chỉ đã được thông qua ngay trước phiên bế mạc thượng đỉnh sáng hôm nay, 29/06/2019, tại Osaka, Nhật Bản.
Trong những ngày gần đây, giới quan sát nhiều lần nêu khả năng thượng đỉnh sẽ không ra được thỏa thuận chung, do các chia rẽ trong vấn đề khí hậu. Một số cường quốc, như Brazil, Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ngả theo Mỹ, quốc gia tuyên bố rút khỏi một hiệp định, vốn đã nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng cảnh báo là Paris sẽ không ký vào Tuyên bố chung, nếu G20 không đạt đồng thuận về vấn đề Khí hậu.
Theo phủ tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu đã hết sức nỗ lực để "tối thiểu là duy trì được các cam kết (về khí hậu) tương tự với các thượng đỉnh trước".
Trong cuộc họp báo sau khi G20 ra được Tuyên bố chung, hướng tới các lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu :
"Tôi cho rằng chúng ta đang ngày càng thoát ly khỏi thế giới. Các nhà khoa học mỗi ngày liên tục nhắc lại với chúng ta về các nghĩa vụ đối với vấn đề khí hậu, cũng như về lĩnh vực đa dạng sinh thái. Giới trẻ của chúng ta tại nhiều quốc gia thường xuyên nhắc nhở chúng ta về các nghĩa vụ. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục tranh luận xem : Liệu chúng ta còn có quyền nói đến Thỏa thuận khí hậu Paris hay không.
Nhờ sự nỗ lực của Nhật Bản, với tư cách là chủ tọa, chúng ta đã đạt được các yếu tố cho phép duy trì mục tiêu của chúng ta. Cụ thể là tất cả các thành viên G20, bao gồm 19 nước, không kể Hoa Kỳ, đã tái khẳng định trong bản Tuyên bố chung các cam kết nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris. Nhưng chúng ta sẽ phải đi xa hơn. Đó chính là thách thức của những tháng tới".
Thượng đỉnh của khối G20 năm tới sẽ được tổ chức tại Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu thế giới, và đối tác chiến lược chính của Hoa Kỳ.
Bên cạnh khí hậu, khối 20 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới cũng tìm được một thỏa hiệp trong lĩnh vực thương mại, cụ thể là "cam kết vì một nền thương mại toàn cầu công bằng, minh bạch và không kỳ thị", cũng như mệnh lệnh khẩn cấp cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)", như nhận định của thủ tướng Đức Angela Markel.
Trọng Thành
****************
Trump nói hiệp ước phòng thủ ‘bất công’ với Nhật Bản phải thay đổi (VOA, 29/06/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cho biết ông đã nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng một hiệp ước an ninh hàng thập niên giữa hai nước phải thay đổi, nhắc lại chỉ trích của ông đối với hiệp ước này là không công bằng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019.
Ông Trump nói ông không định rút khỏi hiệp ước, vốn lâu nay được xem là rường cột cho sự ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nói nó đặt gánh nặng quá lớn lên Mỹ.
"Tôi nói với ông ấy rằng, chúng ta sẽ phải thay đổi nó", ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh hai ngày của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở Nhật Bản.
"Tôi nói, nếu ai đó tấn công Nhật Bản, chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực", ông nói thêm. "Nếu có ai đó tấn công Mỹ, họ không phải tấn công lại. Như vậy là bất công".
Hiệp ước, được kí kết sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, quy định Mỹ có nghĩa vụ phòng vệ Nhật Bản.
Đổi lại, Nhật Bản cung cấp các căn cứ quân sự mà Washington sử dụng để đưa sức mạnh của mình vào sâu ở Châu Á, bao gồm số lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tập trung đông nhất ở Okinawa, và một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo.
Việc chấm dứt hiệp ước an ninh này được nhiều người xem là sẽ làm tăng nguy cơ buộc Washington phải rút một phần lớn lực lượng quân sự khỏi Châu Á vào thời điểm sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng.